Một ngày ở quê ( Bản mới)



Một ngày ở quê

                                     
          Tôi nhận được giấy mời từ quê do trưởng thôn ký, đại khái thông báo việc tổ chức lễ khánh thành đình làng sau một thời gian tu sửa. Vợ tôi bảo: “ Chuyện đình đám thờ cúng là việc hệ trọng. Nhà mình cũng phải góp thêm ít tiền công đức nữa chứ...”. Tôi gàn, bảo về trước dự lễ xem sao đã, rồi tranh thủ thắp hương mộ các cụ, để cuối năm xây lại mấy phần mộ lâu năm đã bị hư hại nhiều.

          Thế là tôi về quê. Tiện và sướng làm sao, xe buýt tuyến ngoại tỉnh cứ dăm phút một chuyến, mà đi nửa chặng hết có hơn chục ngàn đồng. thêm một cuốc xe ôm chừng ba cây số mới tới quê. Cậu xe ôm chở tôi mặt non choẹt đòi đắt gấp rưỡi. Tôi chê đắt thì cậu ta cười khơ khớ: “ Bác ơi, cháu hữu nghị lắm rồi đấy… Cháu chở hội cờ bạc, cũng từ thành phố về đây chơi, gấp đôi gấp ba họ cũng ok. Họ thua được cả trăm triệu ấy chứ, đâu thèm ỉ eo mấy đồng bạc bọ”. Tôi không ngạc nhiên về những chuyện cờ bạc, ma tuý, kao-rao-kê và mại dâm về quê, song cũng hơi ngạc nhiên bởi không ngờ qui mô sòng bạc ở đây lại lớn đến vậy. “Thế chính quyền địa phương, và công an ở đây không ra tay à ?”. Cậu xe ôm ôi dào to tướng:” Bác ơi, chúng mua hết cả, nhưng  rồi cũng toi!...”. Tôi cứng lưỡi, chẳng biết nói gì. Cậu xe ôm thấy tôi im lặng, lại bắt chuyện: “Bác quê đây à? Thôn nào đấy?”. Tôi trả lời, cậu ta bảo: “Đúng rồi, hôm nay, thôn ấy hội làng, khánh thành việc tu sửa đình làng, nghe đâu trước đó còn xây cả nghè tiến sĩ nữa. Trống phách ầm ĩ từ chiều qua,”. Tôi ừ hữ cho qua chuyện. Vào làng, tôi bách bộ ra thẳng sân đình vì muốn dự chính lễ. Vừa kịp, sân đình cờ quạt, trống chiêng tưng bừng khai lễ…
 Đình làng tôi thờ Thành hoàng là Thái sư Lý Đạo Thành, một nhân vật lịch sử quê châu Cổ Pháp, Kinh Bắc, từng là trụ cột dưới hai triều vua Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Vốn là người thông minh dĩnh ngộ, tài cao đức trọng, thanh liêm chính trực, đương thời, khi vua Lý Thánh Tông xuất kinh đi đánh dẹp quân Chiêm, ông và Nguyên phi Ỷ Lan đã được nhà vua giao nhiếp chính. Sau này, khi nhà vua băng hà, Lý Nhân Tông lên ngôi lúc mới bày tuổi, ông cùng hai vị Hoàng thái hậu là Thượng Dương và Linh Nhân Ỷ Lan cùng giúp vua bé việc triều chính thì xảy ra sự chia rẽ, tranh giành quyền lực và sự chi phối nhà vua giữa hai vị này. Ông đứng về phía bà Thượng Dương, trong khi Thái úy Lý Thường Kiệt nghiêng về bà Linh Nhân Ỷ Lan. Cuộc tranh giành phân định, bà Linh Nhân Ỷ Lan là mẹ đích của vua Lý Nhân Tông, thắng thế, bà Thượng Dương cùng bảy mươi hai cung nữ của vua cha phải chết, còn Thái sư Lý Đạo Thành bị giáng chức và bị biếm vào quản xứ Nghệ An, cho đến khi quân Tống xâm lược, mới được gọi về triều phục chức và ông góp công lớn trong việc đánh thắng giặc Tống và ổn định triều chính, đặc biệt là các chính sách phát triển dân sinh. Lý Đạo Thành chết trẻ, sau được phong làm Thành hoàng ở nhiều làng mạc quanh vùng Kinh Bắc, trong đó có làng tôi. Nhiều đời nay, dân làng lấy làm tự hào vì được thờ phụng vị Thành hoàng dày công đức với dất nước và dân chúng. Chính vì vậy, sau nhiều năm. ngôi đình được sử dụng làm kho chứa, rồi lớp mầm non, khi phong trào khôi phục các chùa chiền, miếu mạo nở rộ, nhất là khi ngôi chùa cổ Linh Hương ở làng bên được tôn tạo thì bà con hô hào, hùn nhau đóng góp công đức, khôi phục lại đình làng.
          Tôi tìm đến bàn ghi công đức, thực hiện nghĩa vụ, rồi quay ra xem lễ, một vài người làng cao tuổi nhận ra tôi gật đầu, mìm cười chào. Bỗng có ai đó vỗ nhẹ vào vai tôi, ngoảnh ra, thì ra Đăng, một người em họ bên bà nội tôi. Lâu rồi mới gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Hai anh em đứng xem lễ một lát, Đăng rủ tôi ra ngoài cầu sông chuyện trò cho đỡ ngột ngạt. Có lẽ,  mấy chục năm rồi, tôi mới ra lại cầu sông cửa đình này, nơi lưu giữ bao kỷ niệm tuổi thơ tôi ngày còn đi học, khi nhà tôi từ Hà Nội chuyển về quê sinh sống những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cầu sông đã xây mới, không còn sứt mẻ ngày nào, nhưng nước sông mùa cuối năm cạn gần đáy và lên mùi khó chịu. Riêng cây đa già cỗi thêm, nhưng thân cành chẳng mấy sum suê, còn cây bàng tơ ngày xưa đã dần thành cổ thụ. Chẳng gì cùng một phần ba thế kỷ đã qua. Đăng cười bảo:
          - Bác à, chẳng hay bác có rỗi rãi thì ở quê vài ngày... lâu lâu anh em mình mới gặp nhau, chuyện trò cho đã những năm tháng xa...
          - Mình định chiều ra lại Hà Nội. Lát tranh thủ ra đồng thắp hương mộ ông bà và các cụ...
          - Bác ạ, em đề nghị thế này... Bác cứ xong việc hương khói đi. Chiều nay về nhà em chơi, mừng cho em có cái nhà mới khang trang, tối nay bác ngủ lại nhà em một đêm, anh em mình làm dăm chén rượu, chuyện trò đôi câu... là em còn có chuyện muốn thưa với bác, lại cũng muốn xin ý kiến bác một việc quan trọng,...
          Thấy tôi ầm ừ định từ chối, Đăng dấn tới:
          - Hay bác chê nhà em nghèo, nông dân chính hiệu? Bác đồng ý đi cho em vui – Đặng cười cầu tài – Bác không biết đấy thôi, cháu nhà em nó nối mạng, lập cho em cái Phây-búc, là để tiện vào mạng xem tin tức thời sự, xã hội,... Bác ạ, em vẫn mò vào đọc trộm cái Phây-búc của bác đấy. Gớm, thơ văn bác lai láng, chuyện làng quê, chuyện tình tang đủ cả... Em thực sự kính phục bác đấy.
          Biết là khó từ chối, nhất là ngại việc Đặng nghĩ mình chê bai này nọ. Nghĩ bụng, cái nhà tay Đăng này thật khéo nói, nhung mà cũng không phải là người lẻo mép. Trong số những người cùng lứa với tôi, ở lại làng, Đăng là người có kiến thức nhất. Thời chiến tranh, Đăng nhập ngũ, làm y tá y sĩ gì đó, phục viên về, làm ở Trạm y tế xã, nghe nói có học thêm Đông y, giờ nghỉ, vẫn nhận chữa bệnh ở nhà, cũng là người có uy tín ở làng xã. Thôi kệ, cứ xem sao đã... Mình hay phải đi đi về về làng xóm, cầu thân với người như vậy, âu cũng là cái hay.
          Tôi tha thẩn bày lễ, thắp hương trên mộ ông bà nội, cha mẹ ở nghĩa địa làng, đợi tàn hương hóa vàng, ngồi tạm ở Nghè tiến sĩ đợi. Cuối làng tôi, đường ra cánh đồng rộng, ngoài nghĩa địa làng, có có đôi giếng đất cổ, và ở mỗi giếng đất, trên bờ có một cây si và một cây đa, tuổi cây đến nay cũng ngót trăm năm rồi. Hai giếng đất này ngày xưa làng chuyên lấy nước về ăn, đến khi xây dụng hợp tác xã nông nghiệp, làng có phong trào giếng khơi, mỗi nhà đều đào riêng, nên giếng đất chung bỏ không dùng, lâu ngày thành ao tù nước đọng. Còn nghè tiến sĩ thì làm mới, cũng là mong muốn phục hồi cái sự học, bởi ngày xưa, thời Lê Trịnh, làng từng có một vị đậu Tiến sĩ...
@

          Ngày nhỏ, khi từ Hà Nội chuyển về quê sinh sống ngày năm đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ, trong căn nhà mái rạ tường đất, để cho con biết lịch sử và văn hóa làng, bố tôi, thưởng kể chuyện cho tôi nghe. Bao nhiêu là chuyện, nay tôi quên nhiều, nhưng chuyện này thì tôi nhớ lắm...
          Rằng Thành hoàng làng tôi thờ ở đình là Thái sư Lý Đạo Thành, một vị quan đầu triều tài ba, thanh liêm, đức độ. Song không chỉ vậy, làng tôi, ngay gò đất cao cổng khu đất cũ của ông nội tôi do các cụ xưa để lại, đồn là nơi trú ngụ của một vị thần giữ của. Mà thần giữ của này, tục gọi là Cô Yêu, thường hiện lên dưới hình bóng đàn bà quần áo trắng toát, đầu đội nón thúng quai thao, dật dờ tha thướt, như kiểu chị Hai đi hội Lim quan họ, vào những đêm trăng suông sương mở. Với hình bóng ấy, Cô Yêu là nỗi ám ảnh cho hết thảy những ai hay phải đêm hôm khuya sớm. Không những thế, Cô Yêu không ai thờ cúng, nên đói khát, hay trêu ghẹo, quấy đảo người trần, nhất là đám trẻ con trong làng vốn leo trèo bẻ cành hái hoa quả dại nơi gò đất Cô trú ngụ. Đồn rằng, nhiều đứa trẻ bị Cô Yêu làm ốm, nhưng khi nhà chúng sửa lễ cúng và cầu khẩn, là Cô cho khỏi liền. Ông nội tôi, một nhà Nho được xem là nhiều chữ nhất hàng xã, thì cử mấy khoa thi cuối cùng của Triều Nguyễn, đều thất bại. về mở lớp dạy chữ Nho tại gia, thấy như vậy lấy làm bực tức, bèn đánh tiếng thách Cô Yêu. Thế là một đêm trăng suông mùa hè, Cô Yêu hiện hình băng qua đám học trò ngủ la liệt ngoài hiên và sàn nhà, chống tay đầu giường nhòm thẳng vào mặt ông nội tôi. Ông tôi bàng hoàng vùng dậy, bám theo, bóng Cô lướt ra sân vườn rồi mất hút vào gò đất. Ngay sau đó, ông cụ cho xây một miếu nhỏ ngay trên gò, tuần rằm mùng một, bày lễ vật hương khói. Từ đấy, Cô Yêu không quấy đảo làm bệnh tật cho ai nữa. Âu cũng là một việc phúc đức. Thế nhưng, ông nội tôi lại bị ám ảnh hình bóng Cô Yêu, thể chất vốn ốm yếu, mấy năm sau nên trọng bệnh rồi mất, khi mới ngoài bốn chục tuổi. Bố tôi bảo, đêm Cô Yêu hiện hình, bố tôi bé tý, ngủ chung giường với ông nội tôi, cũng bị ông tôi lay thức dậy, chỉ cho xem bóng dáng Cô nhưng bố tôi chẳng thấy gì. Bố tôi lớn lên, thể chất mạnh khỏe, tính cách bạo dạn, bảo là, yêu ma thường chỉ bắt nạt những người yếu bóng vía thôi...
          `Chuyện về Cô Yêu không chỉ có thế. Nguyên là, làng bên, giáp với làng tôi, có ngôi cổ tự Linh Hương, được cho là xây dựng từ thời Lý, theo lệnh của bà Linh Nhân hoàng thái hậu Ỷ Lan để sãm hối việc bày mưu sát hại Hoàng thái hậu Thượng Dương cùng bảy mươi hai cung nữ của vua Lý Thánh Tông. Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, ngôi cổ tự sau nhiều lần hưng phế, vẫn còn một bệ đá khổng lồ hình sư tử đá đội tòa sen được chạm khắc tinh xảo, vốn là bệ tượng Phật Thích Ca màu ni. Kể rằng, bệ đá hình sư tử này, xưa kia là một con sư tử thành tinh ở xứ người từng ăn thịt nhiều người, rồi bị Đức Phật cảm hóa, giác ngộ thành tảng đá. Cơ duyên, tảng đá ấy được chọn chế tác thành bệ Phật hình sư tử đội tòa sen, đặt ở chùa này, tục gọi Sấm Đá. Yên phận theo nhà Phật vậy, nhưng bản năng thú tính xưa vẫn ngọ ngậy, lâu lâu thoát ra ngoài. Tinh Sấm Đá biết được thân phận Cô Yêu xưa vốn là một cô gái vùng đất Quan họ, nổi tiếng xinh đẹp hát hay. Cô gái này con nhà nghèo ở một làng ven sông Cầu, thời Bắc thuộc, thủ phủ xứ ta đóng tại Luy Lâu, nên được một viên quan nhỏ người Tàu, tậu về lấy tiếng làm vợ lẽ. Cô gái được giữ đồng trinh để rồi phù chú thành thần giữ của cho nhà viên quan đó, trước khi về lại xứ Tàu. Tinh Sấm Đá si mê và theo đuổi Cô Yêu, như nợ duyên tình dở dang nảo nao kiếp trước. Khốn nỗi, Cô Yêu chỉ đỏng đảnh đưa tình với Tinh Sấm Đá, chứ thâm tâm, Cô vừa say mê, vừa ngưỡng mộ đến sùng kính vị Thành hoàng làng Lý Đạo Thành, vốn người cùng quê, lại đức cao vọng trọng một thời. Thành hoàng giữ đạo Nho, nghiêm cẩn, không màng danh lợi, tình ái. Và khi bị lâm vào tình trạng khó xử, ngài không muốn phũ phàng, hắt hủi Cô Yêu, mà cũng chẳng muốn gây thù chuốc oán với Tinh Sấm Đá. Cuộc tình tay ba đuổi bắt ấy xuyên qua nhiều thế kỷ, lâu lâu các vị ấy dậy sóng là người làng hoặc lâm vào tính trạng úng lụt, sâu bệnh, mất mùa, đói kém, hoặc dịch bệnh chết người. hoặc xảy ra cảnh giặc giã chiếm làng đốt nhà...
          Chuyện xưa là vậy, cho đến đầu thế kỷ XX, vẫn còn chuyện Cô Yêu hiện hình đòi ông nội tôi xây miếu thờ, hay chuyện Tinh Sấm Đá gầm lên rung nhà chuyển đất, thị uy oai linh, khi người Pháp cho làm con đường xe lửa Hà Nội-Hải Phòng chạy ngang qua vùng đất này. Ấy vậy, khi cách mạng thành công, chính phủ và nhà nươc dân chủ mới ra đời, thay thế cho chế độ tập quyền nhà Nguyễn, rồi sau này là cải cách điền địa, tiếp đến phong trào văn hóa mới, câu chuyện rắc rối giữa ba vị không còn nữa. Đất vườn nhà tôi được Đội Cải cách lấy đem chia cho các nhà bần cố nông, miếu Cô Yêu bị bỏ hoang, không ai hương khói, thậm chí âm phần bị đào bới tìm của, nhưng Cô Yêu nào thấy bóng vía;  đình làng tôi được trưng dụng làm kho chứa đồ đạc do Đội cải cách tịch thu của các nhà địa chủ về để chia cho dân nghèo, rồi sau biến thành lớp tiểu học, mầm non, trẻ con thài bậy, thành hoàng cũng đâu dám ỉ eo gì; còn chùa cổ Linh Hương làng bên cũng bị đập phá hoang tàn, tượng Phật bỏ trôi sông hoặc vứt nổi dập dềnh nơi ao chùa, bệ tượng Sấm Đá trơ trọi nắng mưa, hàng ngày bị bọn trẻ làng, học trò chúng tôi leo trèo, vẽ bẩn, tè bậy, cũng đâu thấy Tinh Sấm Đá nổi giận... Thế mới hay, cái uy của dương gian, khi mạnh lên thì lấn át tất cả, đến thần thánh linh thiêng, hay yêu ma quỷ quyệt đều bạt vía kinh hồn mà bay ráo!...

@
          Dọn lễ hóa vàng nơi phần mộ các cụ xong, trời vừa đứng bóng. Nghe ngóng, nơi đình làng, lễ hội đã tàn, đến phần tiệc tùng, cô bàn. Theo lệ, những nhà có giấy mời, đóng góp công đức, đều được dự tiệc cơm rượu. Tôi ngại, tránh việc ăn uống, vào cửa Nghè tiến sỹ, ngồi ghé, mở túi lấy gói xôi lạc muối vừng và chai nước do vợ chuẩn bị mang theo từ nhà, dùng bữa trưa. Nghỉ cho xuôi bụng, gọi điện báo vợ việc ở lại quê đến mai, tôi thả bộ một đoạn bờ sông làng, như tìm lại dấu vết kỷ niệm xưa thời đi học. Lưng chiều, đợt gió bấc tràn về, trời lắc rắc mưa rét, tôi trở vào làng, tìm đến nhà chú em họ Đăng.
Vẫn nhớ lối vào nhà Đăng, gần cuối làng, con ngõ cũ, chỉ khác là ngày trước lát gạch nghiêng long lở, nay được thay mới bằng mặt bê tông. Tôi dừng trước cổng, hơi ngờ ngợ. Ngôi nhà ngói xây theo kiểu đại khoa, ba gian hai trái xưa, nay thay mới tinh ngôi nhà ba tầng mái bằng. Riêng mấy cây cau thì vẫn cũ, vươn cao hơn thôi. Tôi đánh tiếng, Đăng đon đả ra mở cổng.
          - Bác đây rồi. Vinh dự cho em quá, hôm nay rồng đến nhà tôm đây. Bác không hứa, nhưng em biết thế nào bác cũng ghé em…Tối nay ngủ đây, em chuẩn bị mâm cơm rau dưa, mấy chén rượu nhạt rồi, anh em mình thoải mái bù khú, bao nhiêu là chuyện muốn thưa cùng bác đây…
          Đăng đưa tôi thăm vườn tược, giảng giải về bộ cây Phúc Lộc Thọ kỳ công của mình. Khi tôi có ý khen cơ ngơi thì Đăng cười bảo:
- Chắc bác biết, thằng cháu Thịnh nhà em làm trưởng thôn rồi. Có được cơ ngơi này, bố con em đã phải cật lực làm trang trại vườn ao chuồng gần chục năm đấy bác. Tiền mô hôi nước mắt, chứ không phải tiền tiêu cực, tham nhũng đâu bác nhé.- Đăng cười khoan khoái- Thằng Thịnh nhà em làm trưởng thôn vài năm nay, công xá thế nào em chẳng rõ, chứ khác gì mõ làng xưa đâu. Đúng các cụ ta xưa dạy, ôm rơm rậm bụng, việc nhà nhác việc chú bác siêng, cấm sai câu nào… Nhưng thôi, em bảo cháu, nhận chức rồi thì gắng mà làm, sao cho xứng vời lòng tin làng nước người ta đặt vào mình…Tiếc là, nhà em mất sớm, khi cháu nó chưa kịp xây nhà này, để cho bà ấy được mát mặt với làng xóm…
          Chuyện trò một hồi,… Chiều muộn, mâm cơm được dọn ra, đặt ngay bàn nước, để tôi và Đăng nhâm nhi trước. Đăng rót rượu ra chén, bảo tôi:
          - Mấy khi bác ăn cơm quê. Em làm mấy món quê để bác dùng cho đỡ nhớ. Lòng lợn, giả cầy, dưa cải nén, châu chấu rang bằng nước cà muối lá chanh. Lát nữa cơm, có canh cua và cá rô kho niêu đất.
          - Nhìn và nghe chú nói, tôi đã chảy nước miếng đây này-Tôi đùa, nhưng thực lòng là vậy.
          Thế là tôi và Đặng, cụng ly theo kiểu chén tạc chén thù. Câu chuyện cứ theo đà rượu mà nổ, cũng lúc thăng lúc trầm, khi vui khi buồn. Đặng vẫn hăng chuyện con trai mình được bầu làm trưởng thôn:
          - Bác biết đấy, thằng cháu Thịnh nhà em, tốt nghiệp phổ thông là nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự ngay, được kết nạp đảng trong quân ngũ. Xuất ngũ về, em khuyên theo học trường kỹ thuật nông nghiệp ngay tình nhà, có chút kiến thức, nhận khoán ruộng làm kinh tế trang trại. Thu nhập tốt, có tiền làm cho bố căn nhà khang trang này. Nó cũng nhiệt tình tham gia việc làng xã nên được bầu làm trưởng thôn… Bác ạ, em mừng là cháu nó vận động được bà con đóng góp khôi phục lại được đình làng, để bà con tuần rằm nhang khói, rồi xây mới ngôi Nghè tiến sĩ… Bác tân tiến thế nào em chẳng rõ, em thì cứ nghĩ, bao nhiêu năm dân mình bỏ bẵng, không thờ phụng gì, nên các bậc tiền nhân quở phạt, chẳng cho cái sự học của làng mình khá khẩm lên…
          - Nếu không nhầm, cụ Nghè Quân thuộc chi họ nhà chú, đúng không? Nay con trai chú hô hào việc xây Nghè là phải rồi- Tôi có ý đùa.
          - Bác nói vậy, lại thành ra thiên vị. Đành rằng, cụ Nghè thuộc chi phái bên em, nhưng xây Nghè là muốn cho cái sự học chung của cả làng mình thăng hoa, bác à.
          - Tôi nhớ, ngày nhỏ đi học, bố tôi hay lấy chuyện cụ Nghè Quân ra làm gương, răn dạy tôi gắng học. Là tôi, phải biết ơn cụ ấy mới đúng chứ.-Tôi cười, phân giải - Cụ Nghè là một trong 13 vị đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân triều Lê Cảnh Hưng, khi chúa Trịnh Sâm quyền bính lẫy lừng đấy. Nghe đâu, khoa thi Kỷ Hợi năm 1779 ấy, chính chúa Trinh Sâm giám khảo cuộc Đình thí. Cụ Nghè mình khi ấy mới 26 tuổi, làng mình còn thuộc phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc kia.
          - Bác thạo quá-Đăng khoái, giục tôi cụng ly,- Em phải ghi lại điều bác vưa nói, để sau này còn nhắc nhở con cháu.
          - Chú Đăng này, làng mình xưa có người đậu tiến si, duy nhất trong vùng này đấy. Dẫu chẳng thể so với làng tiến sĩ Mộ Trạch, Hải Dương, hay một vài vùng đất khoa bảng ở Bắc Ninh, Nghệ An, thì cũng có thể xem là đất học rồi. Lại thêm, thành hoàng làng mình là cụ Lý Đạo Thành, một nhà khoa bảng lớn, quan đầu triều, thanh liêm đức độ, vậy cũng có thể xem là đất học. Có điều, ngày xưa, chỉ đỗ đạt làm quan mới có cơ lập thân lập nghiệp, thời đại mới, mở ra nhiều con đường, cách thức tiến thân, nên không nhất thiết phải đỗ đạt này nọ… Như cháu Thịnh nhà chú đây, tôi nghĩ cũng là một cách hay để lập thân đấy chứ….
          - Là bác động viên thế thôi – Đăng cười- vẫn là xó nhà, sân đình thôi… cứ phải đi ra ngoài, mở mang đầu óc, cống hiến cho xã hội cơ… Ít ra, cũng phải như bác, nói ra cho cả nước, thậm chí cả thế giới nghe, hay như bác Hạnh, chị lớn nhà bác, là tiến sĩ nông học, lai tạo, thuần dưỡng bao nhiêu là giống cây trồng cho cả nền nông nghiệp nước nhà… Đấy mới xúng là lập thân, thành đạt chứ…
          - Tôi lại nghĩ, học hành, lập thân lập nghiệp gì, nếu không đủ sức cải biến xã hội, thì chí ít cùng phải gặp thời để cống hiến cái sở học của mình, chú ạ…Tôi lầy mấy cụ ra để làm ví dụ nhé… Cụ Lý Đạo Thành, từng bị bà Hoàng thái hậu biếm quan vì thù riêng, nhưng khi được trọng dụng lại, cụ ấy mới có điều kiện đề xuất ban bố nhưng chính sách có lợi về quốc kế dân sinh… Còn cụ Nghè Quân, đỗ đạt vậy, tuy chẳng dám so với cụ kia, nhưng gặp phải thời cuộc nhiễu nhương, tranh quyền đoạt vị, loạn cả xã hội, nói chẳng ai nghe, cái sở học của cụ thành thừa, nên sự nghiệp không mấy kể gì…
          - Bác này,- Đăng có vẻ cung kính- Bác chuyện về các bậc tiền nhân, đành thế, nhưng tiện đây, em có điều này, muốn bác chỉ giáo cho. Sáng nay, bác ra đồng thắp hương các cụ, bác có để ý, hai giếng đất trước Nghè Tiến sĩ không? Bỏ hoang mấy chục năm nay thành ao tù, hôi thối. Ngày trước, sông làng mình hằng năm có nước sông Cái về đầy mỗi mùa mưa lũ, nước tràn vào thau rửa, mươi năm nay mùa nào sông cũng cạn ráo, nước thải các xí nghiệp quanh đây thải ra, đen ngòm tanh nồng. Cứ để vậy, nó ám vào con người. Long mạch làng mình từ đấy chứ đâu. Làng mình đã tôn tạo đình rồi, nghè tiến sĩ cũng xây rồi, nay còn hai giếng đất, mình khơi lại, bó bờ, giữ nước trong, trồng sen thả sung, dẫu không lấy nước ăn như xưa nữa thì cũng sạch sẽ phong quang, được đường phong thủy, long mạch mới phát chứ… Rồi nữa, cái quán Trảm cùng đổ nát cả, còn trơ mấy cột đá thôi. Mình cũng nên phục dựng lại bác nhỉ. Chí ít, với làng mình, cái quán ấy xứng đáng được coi là di tích lịch sử đấy, bác ?
          - Chú nói, tôi thấy có lý… Tôi nhớ, ngày nhỏ, khi nhà tôi chuyển từ Hà Nội về quê sinh sống, tôi ấn tượng với mấy công trình đó. Có lẽ, tôi không sinh ở quê, nhưng rất yêu quê, sau gắng học hành này nọ, là bởi tôi ấn tượng và lấy cảm hứng từ những câu chuyện quê có tính hoang đường xa xưa mà bố tôi từng kể… Việc này, rất nên làm, chú ạ.- Tôi thật lòng - À, chú có được nghe về chuyện tình tang loằng ngoằng giữa các vị thần thánh ma mị mà các cụ nhà mình kể lại không?     
          Đăng bảo biết lờ mờ thôi, tôi liền kể tóm tắt. Đăng khoái quá, cứ vỗ đùi đen đét, nắc nỏm:   
          - Chắc các cụ nhà mình bịa ra, nhưng em nghĩ là ít nhiều phải có căn cứ gì chứ? Vì việc còn liên quan đến những việc khác nữa... Ông cụ thân sinh em từng kể, và đưa cho em một cuốn gia phả cổ, từ ông nội em tìm thấy, em đã nhờ người thuê dịch từ Hán Nôm ra quốc ngữ, để em lấy bác xem sao.
          Rồi Đăng mở tủ lấy ra cuốn gia phả có phần chú giải quốc ngữ, lật giở chỉ cho tôi đoạn cần chú ý. Sách chép: “Xưa có việc thù oán, triệt phá lẫn nhau giữa mấy chi họ trong vùng. Trương Bính là một người giàu có nhất đẳng, mâu thuẫn với cụ Đức Chương,một nhà Nho chữ nghĩa. Trương Bính lén đào mộ mẹ cụ Đức Chương yểm mấy tạ than tàu, sau phát hiện đào bỏ đi, thế nhưng vẫn linh ứng, Vào cuối thời Lê Chiêu Thống, loạn ly, anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ ra Bắc dẹp quân Mãn Thanh. Thời ấy, làng có người gọi Tú Nguyên, đã đỗ đạt làm quan, bị Kính Trương, con cháu nhà Trương Bính, giữ mối thù cũ, kết liên với tay Đỗ Hắc Long, vốn là tướng cướp khét tiếng trong vùng, gặp loạn chạy theo nhà Tây Sơn, vu cho Tú Nguyên theo giặc, tức là chung thành với vua Lê Chiêu Thống, đã bị quân Tây Sơn bắt xử tội chết, đưa về quê nhà, chém cổ tại Quán Trảm. Vết đao chém người bập cả vào cột đá quán, vết hằn còn về sau”.
          Đọc rồi, tôi phân vân, nghi hoặc. Tợp một hớp rượu, Đặng bảo:
- Em đọc, không mấy hiểu... Bác chữ nghĩa, kinh sử nhiều, thấy sao bác? Rõ là, cụ Đức Chương là thủy tổ chi họ nhà em. Mấy đời đến cụ Nghè Quân.. Vậy cụ Nghè có phải là cụ Tú Nguyên ghi trong gia phả này, hay Tú Nguyên là con cháu cụ Nghè?    
- Cứ như những gì tôi hiểu, cụ Nghè đậu tiến sĩ dưới triều Lê Cảnh Hưng. Sự nghiệp làm quan, thấy bảo làm tới chức Thị lang, lại có người dẫn nọ kia nói làm Hiến sát. Chẳng có gì rõ ràng, kể cả năm mất của quan Nghè, chuyện con cái thế nào cũng không thấy ghi....Theo tôi, quan Nghè không thể là Tú Nguyên như trong cuốn phả này đâu... Có thể là con cháu quan Nghè chăng?  
- Lẽ vậy chăng? – Đăng trầm ngâm- Người ta bảo, loạn dương với loạn âm, tương sinh tương khắc với nhau. Thời ấy, loạn dương kinh hoàng vậy, loạn âm chắc cũng ghê chẳng kém, bác nhỉ?  
- Tôi không rõ...mà chú dạo này cũng chữ nghĩa, nho y lý số nhỉ?  
- Thì em nghiên cứu đông y, cũng phải hiểu tý chút chứ bác… Bác không ở làng, nên không rõ đấy thôi. Mươi năm nay, thành phố nhà bác có tệ nạn gì thì quê mình có cả… Sòng bạc ngoài thị tứ tồn tại mấy năm trước, tiền bạc thua được vài trăm tỷ, nghe nói có bảo kê, phải đến công an Bộ về triệt phá mới xong. Quanh đây, đã có đứa nướng hết tiển góp định đi xuất khẩu lao động, càng gỡ càng thua đến mức phải tự tử. Rồi nữa, vỡ họ, giật tiền tín dụng đen, buôn ma túy tù tội, ‘cấm vận gái làng” đánh trai thiên hạ dập gan mật mà chết… Ui, nghĩ mà buồn bác ạ.  Còn cái sự học, thì kể từ thời cụ Nghè Quân đậu tiến sĩ, mấy trăm năm nay,  ở làng mình, đến bác Hạnh bên bác mới là người tứ hai có danh tiến sĩ đấy.
-Tôi có nghe, đây đó chuyện như chú kể, nhưng không nghĩ làng xã mình cũng vậy. Kể cũng buồn… Chị Hạnh tôi mang danh tiến sĩ  nhưng là chuyên ngành thôi, chứ đâu giống tiến sĩ cai trị xưa.
- Bác bảo, như thế là loạn dương ở ngay quê mình chứ đâu xa… Em nghe các cụ bảo, xưa nay, hễ các vị thần thánh ma quái gì dưới âm lục đục gây loạn âm là trên này làng xóm mình cũng vậy? 
- Tôi có nghe nói vậy – Tôi gật gù lấy lòng- song không tin. Nhưng có lẽ mình cứ suy ra  thế, lâu thành chuyện, vậy thôi…
Vừa khi ấy, Thịnh về. Chàng trưởng thôn chưa đầy bốn chục trang phục như dân phố. Thịnh xà vào mâm, chủ động rót rượu cho tôi và Đăng, rồi cung kính thưa gửi, chạm cốc. Đăng khoe với con rằng, hai người đã trao đổi, bàn bạc và cùng nhất trí với ý tưởng khơi lại đôi giếng đất cổ cuối làng và phục dựng nguyên trạng Quán Trảm. Việc còn lại là họp dân bàn bạc đồng lòng. Thịnh tỏ ra hào hừng, bày tỏ sự quyết tâm với việc này. Cậu ta cung kính tôi một chén rượu:
 - Bác ạ. Từ lâu rồi, cháu thực lòng kính trọng bác và bác Hạnh. Hai chị em bác, gắng vượt qua sự cản trả bởi định kiến thành phần này nọ, để học hành thành tài, đi đây đó, có những đóng góp nhất định cho xã hội. Nói vậy, có nghĩa là bố con cháu biết chuyện bác Hạnh ngày trước từng bị cán bộ xã ỉm giấy báo đỗ đại học… Nếu không thật sự có chí, có tài thì làm sao bác Hạnh lại thành nhà khoa học thành đạt… Cháu tiếc là học lực bình thường, nhưng cháu nghĩ, có chí có tâm, dù chỉ ở làng xã, cháu cũng làm được chút gì đấy, bác nhỉ?...
 - Đúng vậy. Bác thấy vai trò trưởng thôn, cháu đã làm được ối việc có ích rồi đấy- Tôi  động viên.
 - Thịnh ạ, bố thấy bác nói đúng đấy. Ở đâu cũng có chỗ cho mình, chỉ có điều, mình có biết tận dụng hay không thôi… Bác à, có một ý nữa, em muốn góp ý với bác đây…
 Tôi cười vui, rót rượu chạm cốc với Đăng - Chú muốn nói dến mảnh vườn tôi vẫn bỏ hoang bấy lâu nay chứ gì?...
 - Ôi bác, thánh quá, quả vậy bác ơi.- Em là em nuốn bác bỏ chút công sức, làm một nếp nhà, ở hay không thì tuy bác, nhưng lấy chỗ đi về… Bác biết rồi đấy, làng ta dáng con cò đứng bờ sông ngoảnh cổ lại, nên người dân làng mình dù có bay nhảy đến chân trời nào thì đến già cũng ngoảnh về quê. Xưa nay vẫn thế, cứ lấy chuyện ông thân sinh bác. Giàu có xưa làng mình thế nào, chứ cứ như  bố em kể, ông thân sinh bác có lẽ là người giàu nhất xưa nay ở làng. Bao nhiêu ruộng đất, đất ở gần mẫu, xậy cái nhà Tây hết những mấy chục vạn gạch, nghe nói ông còn định tậu cả một cái đồn điền chè trên Phú Thọ. Khi Tây càn, giật mìn phá cái biệt thự thì ồng xây lại thành cái nhà đại khoa, đến cải cách ruộng đất mất sạch nhà cửa ruộng vườn, nên tay trắng. Lúc già trở về quê, lại lập nghiệp bằng nghề làm mì gạo, nuôi dạy các bác học hành nên người. Thử hỏi, mấy ai được vậy? Bội phục, bội phục!...
- Thực lòng, mấy anh chị em chúng tôi cũng đã bàn bạc với nhau, đợi sang năm được tuổi, xây một ngôi thờ tự, trước lấy chỗ về quê thăm bà con họ hàng cho gần gặn, sau hương khói chăm sóc mồ mả các cụ, ông bà, cha mẹ…
- Vậy là tuyệt vời bác à. Rồi ra, bác hay về quê hơn, anh em có điệu kiện mạn đàm, sẽ ối việc hay bác ơi… Với lại, bác là trưởng chi họ, em biết, các ông bà bên ấy mong bác xây thờ tự, năng đi về gánh vác việc họ mạc đấy.
Đêm ấy, tôi khó ngủ, phần lạ nhà, phần tâm trạng chộn rộn vui buồn, lo nghĩ lẫn lộn. Bao ký ức tuổi thơ ở làng sống dậy. Rồi cuộc đời ông bà nội tôi, nhất là cuộc sống của cha mẹ tôi, gắn với họ hàng làng xóm, buồn nhiều hơn vui, đắng cay hơn ngọt bùi của cả một thời chiến tranh, tao loạn chưa xa, mà chính tôi từng chứng kiến ngày còn bé… Những ngày đầu về lại quê, phải ở nhà bà con trong căn nhà ngang chật chội, khi mà mươi năm trước, cũng trong cái làng này, nhà vườn mình mênh mông ở không hết; khi mà những người thân họ hàng bao năm mình đùm bọc đỡ đần lúc giáp hạt đói kém lại nhảy lên bàn độc chửi rủa bảo bị bóc lột thậm tệ; khi mà bị giam ở chuồng trâu, đói khát và ngày tết thèm một miếng bánh chưng không có... Tôi thương cha mẹ mình đã phải chịu đựng tháng ngày giông bão đó...
Bố tôi dắt con trâu đực cụt một sừng sứt mũi, cho nó gặm cỏ trên bờ giữa hai bên ruộng lúa xanh tốt. Con trâu sứt mũi gặm cỏ nhưng mắt nó lấc láo liếc ruộng lúa xanh non, chỉ rình để lia lưỡi táp lúa, còn bố tôi thì nhìn chăm chăm, chốc chốc lại gò người kéo căng dây thừng canh chừng không cho con trâu ăn lúa. Tôi đứng từ cầu sông cửa đình bên này gọi mãi mà bố tôi hình như không nghe thấy. Chợt giọng một người đàn bà khê nồng réo lên: “Đứa nào kia, sao lại chăn trâu vào bờ ruộng lúa thế? Định phá hoại sản xuất, cho trâu ăn hết lúa của bà con nông dân đấy à? Rõ là máu nhà địa chủ gian ác”. Bố tôi giật mình, gắng sức già lôi con trâu sứt mũi bướng bỉnh không chịu ra khỏi bờ ruộng lúa xanh non...
Choàng tỉnh. Thì ra tôi vừa mơ thấy bố tôi chăn trâu. Một chú gà cất tiếng gáy ngồ ngộ. Tôi định thần nhớ lại giấc mơ vừa rồi. Chuyện bố tôi chăn trâu bờ lúa là có thật. Bố tôi đã kể cho mẹ tôi nghe chuyện này và ông tỏ ra bực tức mãi trong lòng, hồi nhà tôi mới về lại quê sinh sống, được hợp tác xã giao nuôi trâu phiên. Khi ấy tôi vá các chị mình còn bé lắm, nên bố tôi phải đi chăn trâu. Tôi vừa đến tuổi đi học, còn chưa biết gì. Chỉ thấy bố tôi giận tím mặt khi kể lại chuyện ấy cho mẹ tôi...
Tôi tỉnh ngủ hắn. Người bị mất ngủ thường hay mơ vặt. Và cũng hay dậy sớm hơn thường ngày!...
Vậy là tôi đã ở quê một ngày rồi đấy... ./.


Nhận xét