Về cụ Nghè Quân làng tôi.




Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 (1779) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây cũng là bia tiến sĩ cuối cùng trong tổng số 82 bia tiến sĩ hiện lưu giữ ở Văn Miếu
Chủ bút:
Trong số 15 vị đỗ tiến sĩ khoa này được nêu tên tuổi trong văn bia, có tiến sĩ Nguyễn Huy Quân thuộc Họ Nguyễn làng tôi...


Nguyên văn Văn bia được dịch như sau:

Năm Kỷ Hợi, Hoàng đế ở ngôi chẵn 40 năm, long thể an khang vui mạnh, hằng chính đạo thường. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương] sửa sang trị giáo, đào tạo nhân tài. Mùa đông năm ấy, đặc biệt mở khoa thi Hội cho các Cống sĩ trong nước tại lầu Ngũ Long. Sai Quốc cữu Phó Thủ hiệu Hậu uy cơ Phó cai quan Đề đốc Viêm Quận công Nguyễn Trọng Viêm làm Đề điệu, Nhập thị hành Tham tụng Hình bộ Tả Thị lang Thự Lại bộ Hữu Thị lang kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp Tứ Xuyên hầu Phan Trọng Phiên làm Tri Cống cử, Thiêm sai Phủ liêu Tri Công phiên Hàn lâm viện Thị giảng Nguyễn Duy Hoành, Thiêm sai Phủ liêu Tri Hộ phiên Hàn lâm viện Hiệu lý Dương Trọng Khiêm làm Giám thí. Lấy trúng cách tứ trường là bọn Phạm Nguyễn Du 15 người.
Mùa xuân năm Canh Tý vào Điện thí. Ngày hôm sau, Vương thượng ngự tới phủ đường đích thân ra đề thi văn sách. Sai nhập thị hành Tham tụng Binh bộ Tả Thị lang Thự Lại bộ Tả Thị lang kiêm Quốc tử giám Tế tửu Liên Khê hầu Vũ Miên giữ quyển, bề tôi là Phiên duyệt quyển. Ban cho bọn Lê Huy Trâm, Phạm Nguyễn Du đều đỗ Tiến sĩ xuất thân, đồng Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Lại sai Bộ Công khắc đá đề tên dựng tại nhà Thái học, sai từ thần soạn văn bia.
Thần là (Phan Trọng) Phiên cúi đầu cầm bút, ngước trông Hoàng thượng, Vương thượng cùng chung một đức, thịnh tâm rộng mở, đặc cách lựa chọn nhân tài, xưa nay chưa từng có tiền lệ. Những người trúng tuyển khoa này cũng xứng đáng được khen là đắc nhân. Kính cẩn cúi đầu rập đầu ghi chép sự việc để nêu rõ thịnh sự thánh triều chọn lựa được nhiều nhân tài, lưu truyền đến vô cùng.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:
LÊ HUY TRÂM 黎輝簪1 người xã Bối Khê huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên trấn Sơn Nam, Nho sinh trúng thức, đỗ năm 38 tuổi.
PHẠM NGUYỄN DU 范阮攸2 người xã Đặng Điền huyện Chân Phúc phủ Đức Quang Nghệ An, Đầu xứ, Văn chức, đỗ kỳ thi Tứ trọng, các bài thi do vua ra bài đều đỗ đầu, được vào hầu giảng hàng ngày, từng được bổ chức Huyện Tự viên lang, Thiêm phó tiến triều, Cai đạo, Thiêm sai Tri Hình phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo, kiêm Quốc sử Toản tu, thi đỗ năm 40 tuổi. Trường hai, trường bốn và ứng chế đều đỗ đầu.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 13 người:
PHẠM QUÝ THÍCH 范貴適3 người phường Báo Thiên huyện Thọ Xương phủ Phụng Thiên, nguyên quán xã Hoa Đường huyện Đường An phủ Thượng Hồng, Thiếu tuấn, đỗ thứ 2, Bộ Lễ, đỗ năm 20 tuổi.
HOÀNG QUỐC TRÂN 黃國珍4 người xã Nam Chân huyện Nam Chân phủ Thiên Trường trấn Sơn Nam, Giám sinh, thi ở Bộ Lễ và thi Chế đều đỗ thứ 3, đỗ năm 29 tuổi.
NGUYỄN HUY QUÂN 阮輝鈞5 người xã Thanh Khê huyện Văn Giang phủ Thuận An trấn Kinh Bắc, Giám sinh, đỗ năm 26 tuổi.
NGUYỄN HÀN 阮翰6 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm phủ Thuận An trấn Kinh Bắc, Huấn đạo, đỗ năm 33 tuổi.
NGUYỄN ĐÌNH THIỀU 阮廷韶7 người xã Phù Cảo huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn trấn Kinh Bắc, Nho sinh trúng thức, đỗ năm 33 tuổi.
NGUYỄN ĐÌNH THẠC 阮廷碩8 người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, Nho sinh trúng thức, Đầu xứ, đỗ năm 26 tuổi.
LÊ ĐĂNG CỬ 黎登舉9 người xã La Khê huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, Giám sinh, đỗ năm 40 tuổi.
NGUYỄN KIÊM 阮兼10 người xã Tây Đam huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, Giám sinh, đỗ năm 29 tuổi, sau đổi tên Huy Đảng.
VŨ DI LƯỢNG 武夤亮11 người xã Yên Thái huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên, Huấn đạo, đỗ năm 34 tuổi, thi Hội đỗ thứ 3.
TRẦN HUY LIỄN 陳輝璉12 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm phủ Thuận An trấn Kinh Bắc, Huấn đạo, đỗ năm 45 tuổi, Khoa trưởng.
NGÔ TIÊM 吳暹13 người xã Cát Đằng huyện Vọng Doanh phủ Nghĩa Hưng trấn Sơn Nam, Sinh đồ, đỗ năm 31 tuổi.
NGUYỄN ĐƯỜNG 阮堂14 người xã Trung Cần huyện Thanh Chương phủ Đức Quang trấn Nghệ An, đỗ Tứ trọng, Huấn đạo, Ứng chế đỗ thứ 2, Thế khoa, chú cháu đồng triều, thi đỗ năm 34 tuổi.
PHAN HUY ÔN 潘輝溫15 người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang trấn Nghệ An, Nho sinh trúng thức, Đầu xứ, cha con anh em đồng triều, thi đỗ năm 26 tuổi.
Bia dựng ngày tốt tháng giữa đông năm Canh Tý niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41 (1780).
Đinh Sửu khoa đồng Tiến sĩ xuất thân Thiếu tuấn Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập thị Kinh diên Tri Quốc tử giám, Tri Đông các Tri Hàn lâm viện phụng quản Thị hậu nghiêm hậu đội Hộ bộ Tả Thị lang Tứ Xuyên hầu Phan Trọng Phiên vâng sắc soạn.

Chú thích
1. Lê Huy Trâm (1742-?) người xã Bối Khê huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Tam Hưng huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Thời Lê, ông làm quan Hàn lâm viện Thị độc. Thời Nguyễn, được bổ chức Học sĩ và Đốc đồng xứ Kinh Bắc.
2. Phạm Nguyễn Du (1740-1786) hiệu Thạch Động , tự là Hiếu Đức và Dưỡng Hiên , người xã Đặng Điền huyện Chân Phúc (nay thuộc xã Nghi Thạch huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An). Ông giữ các chức Huyện Tự viên lang, Thiêm phó tiến triều, Cai đạo, Thiêm sai Tri Hình phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo kiêm Quốc sử Toản tu, Đốc đồng Nghệ An. Thời Tây Sơn, ông đến vùng núi huyện Thanh Chương ở. Ông còn có tên là Phạm Vĩ Khiêm.
3. Phạm Quý Thích (1759-1825) hiệu là Lập Trai Thảo Đường Hoa Đường và tự là Dữ Đạo , người xã Hoa Đường huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương), trú quán ở phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội). Thời Lê, ông làm quan Thiêm sai Tri Công phiên, Đông các Hiệu thư. Thời Tây Sơn, ông đi ở ẩn. Thời Gia Long, ông được bổ chức Thị trung học sĩ, tước Thích An hầu. Sau ông cáo quan về quê nghỉ.
4. Hoàng Quốc Trân (1751-?) người xã Nam Chân huyện Nam Chân (nay thuộc xã Nam Đồng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Hiến sát sứ Kinh Bắc.
5. Nguyễn Huy Quân (1744-?) người xã Thanh Khê huyện Văn Giang (nay thuộc huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Hiến sát sứ.
6. Nguyễn Hàn (1747-?) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm Đãi chế, Đốc đồng Cao Bằng. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Hấp.
7. Nguyễn Đình Thiều (1747-?) người xã Phù Cảo huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Phù Chẩn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Đốc đồng Sơn Tây. Khi nhà Lê mất, ông về quê ở ẩn.
8. Nguyễn Đình Thạc (1754-?) người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm (nay xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm Thị giảng. Khi nhà Lê mất, ông đi đâu không rõ tung tích. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Công Thạc.
9. Lê Đăng Cử (1740-?) người xã La Khê huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Văn Khê thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đông các Hiệu thư, Đốc đồng Thái Nguyên.
10. Nguyễn Kiêm (1751-1817) người xã Tây Thiềm huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Tây Tựu huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Đông các Hiệu thư, Đốc đồng Tuyên Quang, Học sĩ, tước hầu, rồi thăng Đốc học Sơn Nam. Sau ông đổi tên là Nguyễn Huy Đảng.
11. Vũ Di Lượng (1746-?) người phường Yên Thái huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Bưởi quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo, Đốc đồng Sơn Tây. Có tài liệu ghi ông là Vũ Dần Lượng.
12. Trần Huy Liễn (1735-?) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ, Thự Tham chính Hải Dương.
13. Ngô Tiêm (1749-1818) người xã Cát Đằng huyện Vọng Doanh (nay thuộc xã Yên Tiến huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Ông giữ các chức quan, như Đông các Hiệu thư, Đốc đồng kiêm Đốc trấn Lạng Sơn, Thái Hòa điện Học sĩ, tước Mỹ Phái hầu. Sau về quê dạy học.
14. Nguyễn Đường (1746-?) người xã Trung Cần huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Nam Trung huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Hiệu thảo, Thị chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).
15. Phan Huy Ôn (1755-1786) hiệu là Chỉ Am, Nhã Hiên và tự là Hoà Phủ, Trọng Dương, người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thạch Châu huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Phan Cận (tức Phan Huy Áng), em Phan Huy Ích. Ông giữ các chức quan, như quan Đốc đồng Sơn Tây, Hàn lâm Thị chế, Tham đồng đê lĩnh, Thiêm sai Tri Công phiên, tước Mỹ Xuyên bá. Sau khi mất, ông được tặng chức Hàn lâm Thị giảng, tước Mỹ Xuyên hầu.

@ Bàn thêm:
1. Hiện nay, tên Thanh Khê được giữ làm tên làng tôi. Do thời thế thay đổi mấy trăm năm, nên các làng xã được phiên chế lại. Nay làng Thanh Khê quê tôi thuộc xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Hơn trăm năm trước, huyện Văn Lâm mới được thành lập trên cơ sở một phần đất đai làng xã của 2 huyện cắt ra để thành lập huyện mới (Văn Giang, và Gia Lâm, Kinh Bắc. Sau này, huyên Văn Lâm lại phiên chế về tỉnh Hưng Yên cho đến tận bây giờ).
2. Vài chục năm trở lại đây, để tôn vinh bậc danh nhân là người làng và khuyến học khuyến tài, họ Nguyễn làng tôi đã đứng ra quyên góp để dựng Nghè tiến sĩ, trong đó thờ bài vị của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quân, nơi dòng họ và người làng hương khói tuần rằm, mồng một, lúc tết nhất, lhi hội làng...
3. Duyên số, tôi thuộc dòng họ Tiến sĩ Nguyễn Huy Quân, khi lập gia đình, vợ tôi quê gốc Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây cũ, và mẹ vợ tôi thuộc dòng họ Tiến sĩ Lê Huy Trâm, người đứng đầu khoa thi Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779) này, nghĩa là cùng khoa với cụ Nghè Quân họ nhà tôi.
4. Về chức danh Hiến sát sứ mà cụ Nghè Quân đảm nhiệm, tôi đã tra cứu và được biết "Hiến sát sứ là chức vụ trưởng quan của Hiến sát sứ ty, còn được gọi tắt là Hiến ty. Theo quan chế thời Hồng Đức, chức Hiến sát sứ, Hiến sát phó sứ chức vụ là đàn hặc, xét hỏi, khám đoán, hội đồng kiểm soát, khảo khoá, tuần hành… Thời Bảo Thái, Hiến sát sứ hàm chánh lục phẩm"
5. về chức danh Hàn lâm viện Đãi chế của cụ Nghè Quân sau khi đỗ đạt, được giải thích như sau: "Hàn lâm viện (翰林院, Hanlin Academy) là một tổ chức trong các triều đại quân chủ Á Đông xưa gồm các học sĩ uyên thâm Nho học, văn hay chữ tốt, chuyên trách việc soạn thảo văn kiện triều đình như chiếu, chỉ, sắc, dụ, chế.
Quan viên của Hàn lâm viện cũng là nguồn nhân lực cung cấp cho Quốc sử quán trong việc biên soạn quốc sử, thực lục, điển lễ. Ngoài ra, Hàn lâm viện cùng với các cơ quan học thuật khác đảm nhiệm trọng trách nghiên cứu, giảng dạy kinh truyện, phụ trách việc khoa cử, thị tùng văn học, và khi cần, đảm nhận trách nhiệm Khâm sai. Hàn lâm viện và Quốc tử giám (tức trung tâm giáo dục giữ trọng trách đào tạo nhân tài cho quốc gia) là hai cơ quan học thuật rất được trọng vọng trong quan chế triều đình xưa
". Còn Hàn lâm viện Đãi chế là một cấp bậc xếp gần cuối của thang bảng chức danh trong Hàn lâm viện.
Hiến sát sứ (chữ Hán憲察使) là một chức vụ quan chức trong lịch sử Việt Nam. Hiến sát sứ là chức vụ trưởng quan của Hiến sát sứ ty, còn được gọi tắt là Hiến ty. Theo quan chế thời Hồng Đức, chức Hiến sát sứ, Hiến sát phó sứ chức vụ là đàn hặc, xét hỏi, khám đoán, hội đồng kiểm soát, khảo khoá, tuần hành… Thời Bảo Thái, Hiến sát sứ hàm chánh lục phẩm.
6. Tôi đã mượn hình tượng quan nghè Nguyễn Huy Quân để xây dựng nhân vật trong một số sáng tác của minh (như các truyện Ngày xưa ấy. Thấm thoát tháng ngày, Giải thoát...),..Tôi sưu tầm, viết ra đây chỉ với mục đích lưu giữ về dòng tộc hai bên mà thôi,...

Nhận xét