Tranh Trần Nhương
Đợt gió mùa đông bắc cuối mùa tràn về hôm trước gây
mưa to, nhưng cái lạnh chỉ lào khào, đủ gây nhớ. Người ta bảo là rét Nàng Bân.
Mọi năm, độ này trời đã sang hạ lâu rồi. Năm nay, thời tiết lạ lùng, chiều ba
mươi tết mưa tầm tã, đêm trước lúc giao thừa giông gió sấm chớp đùng đùng, đến
giao thừa trời tạnh chốc lát, rồi cứ thế rả rích mưa qua ngày đầu năm mới. Ở
cái tuổi bảy nhăm, ông Trác chưa thấy bao giờ... Thời tiết vậy, mấy vị biết lý
số phán khác nhau, ông thì bảo năm nay trời độc, điềm báo có chuyện gở, ông
khác lại nói, năm nay có chuyện động trời, nhưng sau đó sẽ đổi mới và thịnh
phát. Chăng biết đâu mà lần...
Chiếc xe chở cha con ông Trác cùng hai người bạn tâm
giao về thăm quê ông ngang qua thị xã Sơn Tây lên đến cầu Trung Hà thì trời mây
giông lại đùn lên. Đường lên Hiền Đa, vùng quê ông, một vùng trung du nằm ven
bờ sông Thao, một bên là đồng lúa đã vào hạt, còn bên sông nước đã to. Lũ tiểu
mãn về sau vài đợt mưa lạnh cuối mùa làm nước sông dâng cao. Nước ngập, bãi
sông trống vắng, ngô và lau sậy loáng thoáng. Năm nay, chẳng ai ngờ dịch bệnh
tưởng đẩu đâu chơi chơi vậy thôi, ai ngở như vết dầu loang, nhoáng cái đã lan
ra cả địa cầu, dân tình giàu nghèo, công dân hạng bét đến quan chức, nguyên thủ
khắp thế giới đều cuống hết cả lên... Ông Trác đã xếp lịch du xuân cùng gia
đình và bạn bè đành hủy hết, thay vào đó ông lang bạt hết nhà đứa con này đến đứa
con khác, trưởng sở đóng cửa, nên ông làm mỗi một việc là giữ đám cháu, cơm
nước cho chúng ăn, nhắc chúng tự ôn bài vở, cho các con yên tâm đi làm. Mệt và
chán nhưng không bỏ được. Cuồng chân, nẫu người, nên khi vãn dịch bệnh, lệnh
cấm túc được nới lỏng là ông í ới, rủ ngay vài người bạn tâm giao, làm chuyến về
quê ông, gọi là đi Thanh minh bù cho
đỡ bí bách mấy tháng qua.,,
Ngoài trời lác đác mưa. Xe bon bon đường vắng. Trên
xe, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Trung, con trai ông, một kiến trúc sư giỏi
và còn là nhạc sĩ tài hoa dùng smartphone quay phim quanh cảnh, còn ông thì đầu
óc chập chờn những hình ảnh từ quá khứ ùa về. Ông nghe loáng thoáng bên tai câu
chuyện của hai vị khách mời đi cùng, cậu bạn vong niên kém ông đúng một giáp
đang hùng biện cho vị giáo già về chuyện dịch bệnh Covid 19 với sự viện lý từ
lịch sử xa xưa, lấy bài kệ “Hữu không”
của thiền sư Từ Đạo Hạnh thời Lý ra để lý giải và xem như một lời tiên tri về nạn
dịch bệnh chết người này... Lời kệ là “Tạc
hữu trần sa hưu. Vi không nhất thiết không. Hữu, không như thủy nguyệt. Vật
trước hữu không không” với lời dịch tài tình của Huyền Quang tam tổ “Có thì có tự mảy may. Không thì cả thế gian
này cũng không. Kia xem bóng nguyệt lòng sông. Ai hay không có, có không là gi”.
Thì cứ xem, trước dịch bệnh này, thế giới có trật tự cả, từ quốc gia đến mỗi
con người, phân hạng giàu nghèo, sang hèn, quan chức hạng nhất với lê dân... vậy
mà, chỉ một loại virus vô hình trong mắt thường đã làm đảo điên toàn thế giới,
xóa nhòa mọi khoảng cách, ranh giới. Cứ theo cái lý ấy, chủng vius này đã khiến
mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi con người đều phải tự nhìn nhận lại chính mình,
thậm chí thay đổi tính cách, nếp sống của mình để phù hợp với thời hậu virus, nghĩa là tìm cách để
sống chung với nó nếu muốn tồn tại... Rằng việc xuất hiện chủng virus này, cùng
với sự chết chóc mà nó gieo rắc khủng khiếp và rộng lớn hơn cả một cuộc chiến
tranh, nếu nhìn ở góc độ tich cực, thì nó đem lại sự bình đẳng, cân bằng nào đó
cho con người nói chung. Vậy chăng, cái sự hữu-không
trong vũ trụ. chẳng phải đã được các vị thiền sư đưa ra lý giải mỗi mối quan hệ
trong cuộc sống từ hàng ngàn năm trước, trên nền tảng triết lý sắc sắc không không của nhà Phật, đó
sao?...
Ông Trác lơ mơ nghe những người bạn chuyện trò, và ông
cảm thấy thú vị với sự kiến giải của người bạn vong niên. Đầu ông hiện lên hình
ảnh thời thơ ấu của mình ở cái làng Thạch quê gốc nằm ngoài đê sông Thao này,
toàn đất bãi phù sa, chẳng có đá mà làng lại có tên là Thạch. Ông nhớ, ngày
trẻ, ông đã từng hỏi cha mình về tên làng, thì cha ông cũng lờ mờ, đoán rằng,
chắc thuở xa xưa, dòng họ nhà ông gốc ở vùng núi phía núi Đọi Đèn kia di về ven
bở sông này sinh sống, rồi cùng các họ khác lập làng, nên lấy chữ Thạch làm tên
làng để đời đời nhớ về gốc rễ của mình. Đậm nét nhất là hình ảnh cha ông, mỗi
sáng dong con trâu với bắp cày trên vai, từ làng vượt ngang bờ đê vào làm ruộng
ở cánh đồng trũng bên trong đê, xa xa là dãy núi Đọi Đèn. Ánh nắng chiếu hắt
hình bóng con trâu và người cha thành khổng lồ, mà sau này ông đã lấy hình, ý
tứ đó viết thành thơ, để rồi con trai ông, đã phổ nhạc thành ca khúc hay ...
Vậy mà, đã bao mùa, cả cha và mẹ ông đã về nằm chung khu vực với những người
quá cố trong dòng họ nhà ông ở nghĩa địa Đồng Đế này?... Mải nghĩ, hay quên,
chiếc xe vượt quá lối rẽ xuống cánh đồng, nên phải quành trở lại.
Hai cha con ông Trác cùng mấy người bạn theo lối mòn
nhỏ, men theo con ngòi để đi vào nghĩa địa Đồng Đế. Ở đấy, cả dòng họ, trong đó
có cha mẹ ông, từ hơn trăm năm nay, sau khi quy tiên dù ở đâu thì trước sau đều
được con cháu đưa về nằm đây, mộ phần khang trang, bia mộ rõ ràng. Sau trận mưa
đêm qua, đất nhão, nước lép nhép, khiến mọi người thập thõm lần đường một hồi.
Trung tâm nghĩa địa là ngôi mộ tổ, tính đến ông Trác là chín đời, được xây cất
hoành tráng với mộ phần và bệ thờ đá có vòm mái cong, chạm khắc nổi cùng đối
liễn chữ Nho. Ông Trác nhớ, ngày nhỏ theo bọn trẻ trâu trong làng, ông hay ra
bãi tha ma này chơi nghịch trò trận giả hay trốn tìm, nấp sau các gò mộ. Ngày
đó, bãi tha ma còn thưa mộ, cỏ dại và cây mua, dứa dại mọc um tùm. Gò mộ tổ của
dòng họ ông là một cái gò đường lớn, nên mỗi khi nước đồng ngập lụt, đám trẻ con
thả trâu hay tụ tập ngòi chơi trên đó. Thằng cu Trác là ông bây giờ cũng thường
có mặt trong đám trẻ tụ bạ ở đó. Hay đâu, chúng lại ngồi chơi trên mộ tổ dòng
họ mình. Chơi chán, lũ trẻ trâu lại nhày ùm xuống ngòi Thản, bơi lội, tắm táp
thỏa thích. Con ngòi lấy theo tên người, nghe nói dăm đời trước, trong làng có
một ông tên Thản, đã bỏ tiền thuê nhân công nạo vét và mở rộng con ngòi tự
nhiên để lấy lối chèo thuyền vào sâu trong đồng mỗi mùa mưa lũ, còn đến mùa cạn
thì con ngòi lại nguồn nước dự trữ để tưới cho đồng ruộng. Đời sau ghi nhớ công
ơn người có công khai mở, lấy tên Thản của người đó làm tên ngòi.
Mộ cha mẹ ông Trác ở phía sau không xa ngôi mộ tổ dòng
họ. Mấy anh em ông Trác, từ hơn chục năm nay, đã xây dựng phần mộ cha mẹ khang
trang. Tiện thể phần đất trống bên cạnh, mấy năm trước ông đã bỏ dăm triệu bạc
mua nốt để sẵn đấy, phòng khi cần đến, cũng là có ý ngầm dành nơi yên nghỉ cho
vợ chồng ông, hoặc mấy anh em ruột thịt đã tuổi xế chiều cả. Ông Trác chỉ đất
giải thích này nọ cho hai người bạn nghe, thì cậu con trai ông cười bảo: “Mẹ đã mua sinh phần cho bố và mẹ ở bên quê
mẹ rồi còn gì...”. Bị cậu con cắt ngang, ông hơi bục, giọng gằn: “Rõ là... vó vẩn... Dẫu có thế thì cũng phải
chia một lọ con phần tro cốt tao, đưa về đây, để nằm cạnh cha mẹ tao... Rõ
chưa?”. Cậu con cười trừ, thủng
thẳng dàn hòa: “Đấy... bác và chú nghe
chuyện...rõ cả rồi ạ. Mai sau, cháu... Y lệnh...”. Ông Trác cảnh giác: “Nhưng mà... y lệnh ai?”. Cậu con lại
cười: “Y lệnh bố mẹ...”. Nó khôn
ngoan, Hòa cả làng. Cùng cười...
Mọi người trở về làng Thạch. Làng nằm ngoài đê. Đình
và chùa nằm kế bên nhau, đều hướng mặt ra sông Thao. Chùa vẫn giữ được nét rêu
phong cổ kính, trong khi đình đã được tu bổ nhiều nét mới. Cây đa làng sum suê
thân rễ phía trước giữa đình và chùa, có lẽ hơn trăm tuổi rồi, bời ngày nhỏ ở
làng, cây cũng đã to, ông Trác hay cùng đám trẻ làng leo trèo, nhặt quả đa chín
ăn lúc đói lòng. Trở ra, theo lối dốc xuống bến Điếm. Bến vắng hoe. Có dăm con
thuyền đậu, chỉ mỗi một thuyền có chủ, có hai cha con đang chuyển củi khô lên
xếp trên bở. Lau sậy um tùm lút cao lấn cả bến. Ông Trác ngắm nghía, lòng chạnh
buồn, chẳng bù ngầy xưa bến này quanh năm suốt tháng đông vui tấp nập. Gọi là
bến Điếm, bời ngày xưa trên bến có một cái điếm gạch nhỏ. Điếm này không phải
là điếm canh đê, bởi là điếm canh đê thì phải ở trên mặt đê. Còn điếm này là
điếm canh của bến sông. Ngày nhỏ, cu Trác hay ra bến chơi, khi ấy cái điếm đã
dột nát, có một ông lão không có nhà nên trú ngụ ở đấy. Cứ theo bố của ông giải
thích, thì cái điếm đó, thời nhà Nguyễn, người ta cho dựng để kiểm soát việc
buôn bán, thu thuế và chặn bắt hàng lậu. Sau không cần nữa nên để hoang thành
đổ nát. Dẫu vậy, thì việc buôn bán ở bến Điếm thời ông còn bé tấp nập lắm. Sáng
chiều, thuyền bè cặp bến Điếm đông đặc, kéo dài cả một khúc sông Thao. Hay la
cà ở bến, cu Trác vẫn nhớ những bè luồng, nứa, và những thuyền buôn chở đầy ự những
hàng nông lâm sản, như củ nâu, măng tươi, và nhiều nhất là chè băm. Chè băm là
loại chè lá già, được thu hái đâu đó từ các vùng chè Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai,
Lai Châu, được người ta băm nhỏ, phơi khô, đem đóng vào bao tải hoặc các sọt
nan cài lá cọ, mỗi bao, sọt nặng cỡ dăm chục cân đến cả tạ. Chè băm chở về
xuôi, bán cho dân đồng bằng mua uống, chứ ngày đó lấy đâu ra loại chè ngon búp
sao mà uống. Cu Trác ấn tượng nhất là cảnh những thuyền, bè buôn hàng lớn có
người kéo dây trên bở phía trước và vài người dùng con sào dài chống đẩy giữ
cho thuyền bè đi song song với bờ sông. Cảnh những phu kéo thuyền bè giống như
bức tranh Những người kéo thuyền trên
sông Von-ga nào đó mà cu Trác đã
từng thấy. Chẩng là, cu Trác hay được bố cho sang chơi nhà người chú ở thị xã
Phú Thọ, cậu con người chú tầm tuổi Trác lại dắt sang chơi nhà hàng xóm. Nhà
này to bề thế, trên tưởng nhà có treo tờ tranh giấy này. Cu Trác nhìn thấy
thích lắm, ngắm nghía kỹ nên nhớ, nhất là hình ảnh các phu kéo thuyền ăn vận
rách rưới, đầu cúi gằm, oằn vai lưng kéo sợi dây chão để thuyền đi. Thế nên,
khi bắt gặp những người kéo thuyền bè ngang qua khúc sông Thao bến Điếm, thì
thích lắm, reo lên rồi chạy xuống bến, bám theo những người phu kéo thuyền. Lúc
thuyển nghỉ bến để chuyển hàng thì cu Trác bén mảng, sờ thử và nắm tay vào sợi
dây kéo bằng song mây rừng đẫy. Cu Trác rất thích sợi dây kéo đó bởi những chỗ
tay người nắm vào thì nhẵn nhụi trơn nhẫy khác
thường. Có lần nó bị người phu kéo quát đuổi, bảo quẩn chân. Cu Trác về
kể với bố, liền bị bố mắng cho một trận, bảo như thế là nguy hiểm, ngã xuống
sông thì toi đời. Vậy nên, cu Trác càng nhớ, sau này lớn lên, tìm hiểu, biết
bức tranh ấy của một sĩ người Nga rất nổi tiếng tên là Ilya Repin từ giữa thế
ký 19. Giờ đây, con trai ông và những người bạn đứng trên Bến Điếm, ngó ngược
xuôi cả một khúc sông Thao đang mùa lũ tiểu mãn mà thuyền bè thưa thớt, làm sao
hiểu nổi nơi sâu thẳm ký ức ông bao chuyện xưa cùng những con người cũ đang
sống dậy trong lòng ông, và những điều mắt thấy tai nghe trên bến Điếm từ ngày
ấy ông mang về nhà hỏi cha mình,... Để rồi trong một bài thơ ông bật ra câu “Sông Thao, đò dọc đò ngang những câu chuyện
mắc lưới”. Ai bảo là làm thơ dễ nhỉ? Có những câu thơ người ta phải đi một
đời người mới bật ra được đấy...
Trở vào làng. Ông vào nhà người thím họ, mượn chìa
khóa để vào Từ đường dòng họ thắp hương. Gặp người thím họ, thăm hỏi dăm ba câu
chuyện, loanh quanh sang chuyện đàn bà, con gái yêu đương ngày xưa...
Bà thím kể, dạo trước tết, cái Thà, cháu gọi bà bằng
di, sống mãi nơi biên giới Lào Cai về thăm quê. Thế là thím cháu ông Trác chuyện
một hồi về người đàn bà tên Thà, khiến cho hai người bạn ông ngơ ngác chẳng
hiểu chuyện gì.
Ngày ấy, ông chuẩn bị nhập ngũ. Tốt nghiệp đại học lên
miền núi Hà Giang nhận công tác được hơn năm thì có lệnh gọi nhập ngũ, Chiến
trường miền Nam
đang thiếu quân, mà miền Bắc thì luôn sẵn sàng “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chàng cán bộ
thương nghiệp Trác lên với cao nguyên đá còn chưa kịp bén duyên ai, ngoài chút
tình cảm thinh thích cô nhân viên mậu dịch nơi chân dốc Mã Tim khỏe mạnh có
duyên, thì đã phải rời vùng đất này để vào lính. Chàng đi thăm bố, đang xây
dựng xưởng chè nơi Bến Sơn, để chào ông trước khi nhập ngũ. Chàng mượn được ông
cậu họ chiếc xe đạp cà tàng hăm hở phóng đi. Dọc đường, chàng thấy một cô gái
độ tuổi mới lớn, diện chiếc áo xanh sĩ-lâm, nón lá đi bộ cùng chiều. Cô gái
thấy chàng thì chẳng ngần ngại xin đi nhờ đến dốc Chủ Chè. Thế là chàng cắm cổ
gò lưng đèo cô nàng. Đến chân dốc thì nghỉ chân chốc lát, cho đỡ mệt. Chàng
tháo bi đông nước mời nàng trước rồi mình uống sau. Định nói lời chia tay thì
cô nàng bảo, em còn đi nữa, đến tận Bến Sơn cơ. Chàng ngạc nhiên. Nàng nhoẻn
cười tự nhiên bảo: “Thì em phải nói đến dốc Chủ Chè thì anh mới cho
đi nhờ chứ”. Nói dối dễ nghe ghê. Chàng khoái chất tự nhiên của cô bé, mắng
yêu: “Này nhớ... trẻ em nói dối là không
tốt đâu đấy”. Vênh mặt: “Thế người
lớn nói dối là tốt à... Với lại... người ta... người lớn rồi đấy nhớ”. Phì
cười: “Người lớn gì mà bé như cái kẹo
vậy? Đã nói dối... lại còn nói dối bộ đội nữa thì... đương nhiên lại càng không
tốt rồi”. Cãi ngay: “Ô ô... bộ đội
đâu? ... làm gì có bộ đội ở đây?’. Nhìn quanh quất. Cười vênh mặt: “Anh... anh là bộ đội á?... Thế quần áo, giày
mũ bộ đội đâu?”. Tự hào: “Này nhớ...
mấy hôm nữa thôi, anh đây là bộ đội rồi đấy...”. Ngạc nhiên, dịu giọng: “Thật á?... Thế thì cho em xin lỗi nhé... Ban
nãy... sợ nói đi nhờ đến tận Bến Sơn, xa quá... anh lại từ chối...”. Cười
bảo: ”Bộ đội là phải giúp đỡ nhân dân
chứ... Đúng không nào, cô bé?...Quân với dân như cá với nước kia mà”. Li nhí: “Vâng...
nhưng mà... không được gọi em là cô bé nữa... Lớn rồi mà...”. Cả hai cùng cười.
Thế là chàng và nàng cùng ngược dốc Chủ Chè. Chàng dắt
xe, còn nàng đi bên, cầm tay vào booc-ba-ga đẩy nhẹ. Vừa đi vừa trò chuyện. Lúc
này, nhìn kỹ, chàng thấy cô bé khá xinh. Gương mặt bầu bầu, nhưng cái cằm hơi
lẹm, đôi mắt to đen, cái trán hơi dô vẻ bướng bỉnh. Lên đỉnh dốc, chàng đã
thinh thích cô bé rồi. Đổ dốc, xe càng nặng càng tuột nhanh, chàng cố gắng làm
chủ tay lái, còn nàng thì sợ nên hai tay ôm chặt vòng bụng chàng. May mà không
trượt ngã dù mấy lần loạng choạng. Từ đấy vào Bến Sơn còn một thôi đường nữa.
Chàng bắt đầu dẻo miệng, chuyện trò, hỏi han đủ thứ. Cao hứng còn đọc thơ,
những câu thơ đầu đời của chàng, đầy những chia xa thương nhớ, những anh anh em
em rồi. Chẳng hiều nàng có nghe rõ không nhưng chốc chốc khen hay. Chàng càng
phởn chí, dù đạp xe bở hơi tai song vẫn luôn miệng. Chân dốc Đá Thờ, con dốc
cao nhất, chàng nàng lại xuống xe dắt bộ lên dốc. Tới đỉnh dốc, dừng nghỉ cho
đỡ mệt, vả lại chàng cũng nấn ná muốn kéo dài thời gian ở bên nhau. Giờ thì
chàng mạnh bạo hẳn, thấy nàng duyên nên tán tỉnh. Thực lòng, trước lúc nhập
ngũ, chàng nảy ý định “thả thính” đợi
sau này về buông câu, bèn nửa khen nửa tán, cười bảo: “Em xinh quá. Mới gặp mà anh đã thấy thích em rồi... Cô bé ơi, nếu sau
này anh còn sống trở về... thế nào anh cũng tìm em...rồi thưa với cha mẹ em để
xin cưới em...”. Nàng đỏ mặt thẹn, ngúng nguẩy: “Cái nhà anh này... Em không thích đùa đâu nhé..”. Cười dấn tới: “Thì anh có đùa đâu. Anh nói thực lòng đấy...
Bộ đội, ai lại đi đùa nhân dân cơ chứ...”. Nàng thích ra mặt, song cố làm
ra vẻ tỉnh queo. Chàng chợt nhớ, sắp phải chia tay rồi mà chưa biết tên nàng,
bèn chủ động: “Anh tên Trác... Còn em tên
gì?”. Lúng túng: “Em tên Thà... tên
xấu anh nhỉ?”. Căn vặn: “Thế em vào
Bến Sơn làm gì? Định xin làm công nhân nhà máy chè à?”. Cười: “Không ạ. Em vào thăm mẹ em đang làm công
nhân ở đấy?... Thế còn anh?”. Hơi lúng túng bởi câu hởi ngược: “Thì anh cũng đi thăm bố anh làm trưởng phân
xưởng sản xuất ở đấy... chào để đi bộ đội”. Tò mờ: “Thế bố anh tên gì?...”. Buột miệng: “Bố anh tên Tráng... vậy mẹ em tên?... Thôi đúng rồi, em là Thà, con gái
mẹ Thực, đúng không?...”. Ngạc nhiên: “Ôi,
... sao anh lại biết tên mẹ em?’. Òa to: “Thôi rồi... mày là cái Thà con gái cô Thực... Mày là em họ tao.”.
Thế là tan giấc mộng điệp. Mẹ của nàng là em họ với bố
của chàng. Phong tục ở quê, đã họ hàng với nhau, dẫu xa hàng chục đời thì trai gái cũng không thể lấy nhau được. Tan cơn
mộng, chàng xưng hô với nàng theo kiểu họ hàng với nhau, nên cứ tao tao mày
mày. Cô gái tròn mắt vì thấy chàng đổi cách xưng hô nhanh thế. Chặng đường từ
dốc Đá Thề vào đến Bến Sơn còn vài cây số nữa, chẳng còn là đường đưa chàng
lính mới kiêm nhà thơ đến với bến hẹn hò, mộng yêu đương nên nó dài làm sao ...
Cha con ông Trác xong thủ tục thắp hương khấn các cụ
tổ dòng họ, trở lại nhà bà thím. Lại tiếp câu chuyện về người đàn bà tên Thà.
Ngày ấy, ông Trác vào lính, rồi đi tiếp vào Nam , sang chiến trường Lào, biền
biện mấy năm. Khi trở ra Bắc, về quê, hỏi thăm thì người em họ lên tận Lào Cai
làm công nhân rồi lấy chồng người Việt gốc Hoa. Khi đã biết là họ hàng với
nhau, thì ông Trác chẳng tiếc. Nhớ thế cũng là đủ về một nàng thơ quá vãng.
Trong những năm còn ở lính, chiến trường bom đạn, những vần thơ lởn vởn trong
đầu hay những bài thơ thành hình được viết vội bằng bút chì nguệch ngoạc sổ
tay, cô em họ tên Thà ấy cũng ít nhiều để lại bóng hình. Sau này, đi khắp khói
mọi nơi, quen biết nhiều người đàn bà đẹp, lòng dạ cũng xao xuyến này nọ, song
chẳng hiểu sao, hình ảnh của những người đàn bà xưa cũ mà ông Trác từng có
duyên gặp gỡ ở cái đất bán sơn địa bên bờ Thao giang ấy vẫn cứ theo đuổi, ám ảnh
ông mãi. Từ làng Thạch, đến chân núi Đọi Đèn của Cẩm Khê và cả vùng xa khuất
bên kia nữa đất Yên Lập, với ông, mọi thứ đều gần gũi, thân thương. Phải chăng,
đúng quy luật, ở cái tuổi già lão, người ta hay quên chuyện gần, lại chỉ nhớ
chuyện đã xa?...
Ngày ấy, ở độ tuổi mười một, mười hai, cuối bậc tiểu
học, kỳ nghỉ hè đến, cu Trác hay được bố cho đến nơi ông đang làm việc chơi.
Ông Tráng, bố cu Trác là người năng nổ, có kinh nghiệm làm chè, nên được cấp
trên tin tưởng giao cho việc đi lập xưởng chè mới. Thế là ông cứ xa nhà quanh
năm, hết Thanh Ba, Hạ Hòa, lại Yên Lập. Hơn chục tuổi đầu, cu Trác đã được bố
tha đi nhiều nơi. Tính tình hiếu động và nhanh mồm miệng, nên cu Trác được các
cô chú, anh chị ở các phân xưởng xí nghiệp chè quý lắm. Không hiểu sao, hồi đó,
nhiều phân xưởng chỉ toàn nữ công nhân, có nhiều người quê mãi vùng trong Thanh-
Nghệ- Tĩnh. Có lẽ, nghề làm chè phù hợp với nữ hơn. Có lần, lúc nghỉ giải lao
giữa ca, mấy chị nữ công nhân trêu ghẹo nhau rồi lôi cả Trác vào cuộc. Cu Trác
bị mấy chị bế thốc đặt ngồi vào chiếc rành tre to tổ bố, rồi lấy cả bao tải lá
chè tươi đổ ụp xuống đầu. Cụ cậu bị lá chùm ngập cả đầu thì hốt hoảng vùng
người ngoi lên. Các chị cười như nắc nẻ, khoắng tay bới lá chè cho cụ cậu,
Trong cơn loạn xạ đó, cu Trác cảm nhận được có bàn tay quờ quạng đụng chạm vào
phần giữa hai bẹn cậu. Cu cậu vùng đứng lên, cáu đỏ mặt tía tai, vặc to “Em ứ thích các chị đùa thế đâu”. Vậy mà
các chị thì đấm lưng nhau chí chóe cười. Cu cậu đâu biết, có chị cười đỏ mặt...
Và rồi, một đêm, trời mưa giông chuyển hạ sang thu.
Mưa ngàn, mau thưa suốt đêm. Cu Trác ngủ với bố trong căn phòng hẹp ở khu nhà
công nhân. Gần nửa đêm, ông Tráng vùng dậy lấy đèn pin đi kiểm tra phân xưởng
xem mưa gió thế có bề gì không. Cu Trác sợ ma không dám ở một mình, cứ bám lấy
bố đòi đi theo. Ông Tráng bực quá, dỗ không được, bèn gõ cửa phòng bên cạnh,
nhờ gửi cu Trác vào đấy. Phòng này rộng, có những mấy chị công nhân cùng ở,
kiểu giường đơn. Chị Nụ, người lớn tuổi nhất phòng, có giọng nói miền trong
nằng nặng, nhận cho cu Trác ngủ nhờ giường. Một ngọn đèn chai dầu hỏa hãm hạt
đỗ hắt chút ánh sáng đỏ quạch nơi góc phòng. Ngoài trời vẫn mưa gió sùi sụt.
Chị Nụ cho cu Trác nằm phía trong, giáp với tường vách, còn chị nằm chặn phía
ngoài, phủ chiếc chăn chiên đắp chung, dỗ dành cu cậu: “Em đừng sợ, Ngủ đi... Có chị
đây, con ma không dám đâu”. Cu Trác yên lòng, nhưng lạ giường. cựa quậy một
lúc rồi ngủ thiếp đi. Cu cậu miền man, giấc mơ nối tiếp giấc mơ. Trong mông
lung, trôi dạt, cậu thấy mình ấp mặt vào hai trái núi, nhưng núi gì mà ấm áp,
mềm mại, thơm tho, hấp dẫn đến thế, khiến cậu cứ rụi mặt miệng vào đấy. Thoảng
tiếng nước chảy nhẹ êm đâu đó, lại có gì đó mơn chớn chỗ nhạy cảm làm cậu thinh
thích làm sao... Và cậu cứ chìm đi, lạc dần vào sự khoan khoái lạ kỳ... Sáng
hôm nay, cu Trác thức giấc thì mọi người đã dậy hết cả rồi. Thì ra, đêm qua,
cậu ngủ cả đêm trên giường của chị Nụ. Bố cậu đi tuần tra về, không muốn làm phiền
các chị nên cứ để cho cậu ngủ bên đó. Cậu ra sân, nhìn quanh quất, thấy mấy chị
đang tập thể dục, song không thấy bóng dáng chị Nụ đâu. Mấy ngày còn lại ở đấy,
các nữ công nhân vẫn hay trêu đùa cu cậu, riêng chị Nụ thì không. Hình như, chí
né không muồn giáp mặt cậu, còn cu cậu thì chỉ dám nhìn trộm chị mà thôi...
Ấn tượng đầu đời về giới tính ám ảnh, lẵng nhẵng theo
ông Trác từ ngày ấy cho đến tận bây giờ. Mãi sau này, có lần. ông Trác hỏi thăm
bố mình về những nữ công nhân cùng xưởng ngày ấy, thì ông cụ bảo, nghe đâu, mọi
người tứ tán cả, còn chị Nụ không lấy chồng, khi đã đứng tuổi thì tự kiếm được
đứa con. Cũng kiểm điểm này nọ một hồi, chị Nụ xin thôi việc, đưa con về quê
miền trong sinh sống và biệt tin tức...
Với ông Trác, tuy sớm va chạm về chuyện nam nữ, thế
nhưng đều bị động, nên vẫn ú ớ lắm. Khi trong lòng manh nha chút tình cảm luyến
ái thì vẫn nhút nhát. Vào độ tuổi mười bốn mười lăm, học cuối cấp hai, Trác
chơi thân với cái Nhuần. Nó kém Trác vài tuổi và học lớp sau. Nhà Nhuần ở xóm
trong đồng, mà trường học lại ven chân đê, nên mỗi buổi học, Nhuần hay tạt
ngang cổng nhà Trác gọi rủ cùng đi học. Sở dĩ hai anh em thân nhau là bởi cái
Nhuần hay bị mấy thằng con trai làng Thạch bắt nạt trên đường đi học. Trác
thương con bé bị bắt nạt, lấy cớ họ hàng bênh vực cái Nhuần, thế nên con bé tự
thân quý Trác thôi.
Một năm, lũ sông Thao về sớm, lại to, làng Thạch ngoài
đê nước mênh mông tràn vào làng, ngập hết lối ngõ, sân vườn. Nhà nào đất trũng
thì nước vào nhà, ngập lưng chân giường. Lũ thế, chỉ người lớn ở lại giữ nhà,
giữ làng, còn người già và trẻ con thì gửi sơ tán vào các nhà họ hàng, người
thân xóm trong đồng ở nhờ. Mấy anh chị em nhà Trác tứ tán mấy nơi. Trác vào ở
nhờ nhà cái Nhuần. Năm học chưa hết, tối tối trẻ con vẫn phải học bài. Hè nóng
bức, lại nhiều muỗi, nên buổi tối, Trác phải chui vào trong màn ngồi học. Đèn
dầu hỏa khét lẹt leo lét ánh sáng, Học thế, đầu óc u u minh minh, chữ nghĩa,
con số chạy đâu hết. Một tối, trời đã về khuya, học buồn ngủ, gà gật trong màn thì
Trác nghe như có tiếng dội nước ngoài sân giếng. Trác tình ngủ, hé mắt nhìn ra
thì thấy bóng con gái đang tắm. Nhìn kỹ thì nhận ra cái Nhuần mờ tỏ trong ánh
trăng. Nó mặc nguyên quần áo, múc nước giếng dội lên người. Trác nhìm trộm, đầu
óc non trẻ cố mường tượng ra những gì ở bên trong quần áo cái Nhuần. Tỉnh ngủ
hẳn. Nào ngờ, buồn ngủ thế, vậy mà khi tắt đèn đi ngủ, Trác lại không ngủ được,
cứ vẩn vơ nghĩ về thân thể cái Nhuần. Trong lòng cậu bé mới lớn có sự đổi
khác...
Và rồi, chỉ ít ngày sau, hai đứa có một kỷ niệm chẳng
thể nào quên. Chiều nghỉ học, cái Nhuần rủ Trác đi chăn trâu và móc cua đồng. Hai
đứa hì hụi ở cách đồng, gần gò Vinh, nơi có hàng trăm gốc lộc vừng cổ thụ. Chợt
nhớ chuyện cha mình kể về gò cây lộc vừng ngàn năm này, Trác bèn rủ cái Nhuần
cùng mò vào xem. Giữa gò Vình có một ngôi mộ hay miếu cổ gì đó, vẻ bí ẩn ma mị.
Cái Nhuần sợ nên không dám bén mảng đến ngôi miếu cổ, trong khi Trác mò tận
nơi, lần xung quanh xem xét, rồi chắp tay, lầm rầm khấn vái. Trác đã từng nghe
cha mình kể rằng ngôi miếu cổ ấy, nghe đâu thờ nữ thần, nàng công chúa Ngọc Hoa
là con gái của Hùng Vương, lại nghê đâu, thờ công chúa Tiên Dung. Chẳng rõ thật
hư, chỉ biết bao đời nay, ngôi miếu cổ rất linh thiêng, nên người trong vùng
giữ lễ thờ cúng. Trời bỗng nổi cơn giông, mây đen kịt cả vùng. Hai đứa, rồi
chạy về quán Trịnh cách đó không xa để trú mưa. Gần đến nơi thì mưa ập xuống
sầm sập. Vào được quán thì cả hai ướt như chuột lột. Cái Nhuần có vẻ lạnh, phần
vì ướt phần vì sợ. Trác thấy vậy, rất muốn kéo nó đứng sát cạnh mình, như che
chở, nhưng cái Nhuần có ý giữ khoảng cách nam nữ. Hai đứa đứng nhìn ra trời mưa, chẳng ai nói
gì. Trác ngó ngoáy, chốc lốc đưa mắt nhìn ngang. Quần áo cái Nhuần ướt đẫm, bết
vào thân thể, rõ hình cặp nhũ hoa non như chũm cau nhu nhú, và cặp mông đang độ
lớn... Tự nhiên, Trác lén nhìn xuống đũng quần mình, ngường ngượng, lại nghĩ,
nhà mình với nhà cái Nhuần có họ hàng, dây mơ rễ má với nhau, chẳng biết sau
này lớn lên, nếu hai đứa yêu nhau thì có được lấy nhau không nhỉ? Nghĩ thế, bởi
Trác biết là ở làng Thạch mình, có những cặp trai gái thích nhau, muốn lấy làm
vợ chồng thì bị đôi bên cha mẹ ngăn cản, bảo là họ hàng, không được kết hôn...
Hình như cái Nhuần cũng cảm nhận được cái nhìn dò xét
của Trác nên nó né nhìn về hướng khác vờ không biết song đầy cảnh giác. Những
câu nói vu vơ về trường lớp, bạn học này nọ, không đầu không cuối. Trời sấm
chớp ùng oàng, mỗi khi có ánh chớp lóe lên, cái Nhuần lại nhắm nghiền mắt, so
người, hai tay bịt chặt hai bên tai. Trác cũng thấy sợ nhưng phải cố làm ra vẻ đàn
ông cứng cỏi. Bởi Trác biết, những lúc trời có sấm sét thế này, những nơi có
cây to hay quán xá nơi đồng rộng trống vắng hay bị sét đánh. Thế nên, mỗi lần
chớp lóe, Trác lại lầm rầm cầu khấn bà công chúa gì đó được thờ ở miếu cổ gò
Vinh phù hộ độ trì cho hai đứa. Chẳng rõ bà chúa có phù hộ hay không, nhưng may
mắn bình yên vô sự. Rồi mưa cũng dần ngớt. Hai đứa ra về. Cái Nhuần ý tứ để
Trác đi trước, nó đi sau, cách Trác một chút, như thế, vừa tránh được cái nhìn
của Trác, mà có gặp ai trên đường là việc thưởng tình. Trác đi trước, muốn
ngảnh lại đằng sau lắm nhưng ngại, đi như thằng tù bị cái Nhuần áp giải vậy.
Lũ vãn, Trác về lại nhà mình. Kết thúc năm học ấy, năm
học sau, Trác vào cấp 3, cái Nhuần vẫn đang học cấp 2 cũ. Thi thoảng hai đứa
chạm mặt nhau đâu đó trên đường, chỉ vài câu chào hỏi thông thường. Kế đó, gia
đình nhà Trác rời làng Thạch, chuyển lên thị xã ở bờ bên kía sông Thao sinh
sống. Đò giang cách trở, năm đôi ba lần về quê dịp giỗ tết. Trác có bạn bè và
những mối quan hệ mới. Chút tình cảm manh nha học trò phai xa dần. Rồi nữa, đất
nước bước vào thời kỳ chiến tranh phân miền Bắc Nam . Lứa thanh niên độ tuổi Trác
lác đác tòng quân. Tuổi thanh xuân của Trác đang bị hút về phía trước, hấp dẫn
đấy song không thể đoán trước điều gì. Mỗi lần về làng Thạch, vô tình hay hưu
ý, Trác loàng thoáng biết Nhuần học hành đâu đó,...
Chẳng một lời ngỏ, cũng đâu hứa hẹn thề bồi gì... Vậy
mà giờ đây, tóc bạc da mồi, mắt mờ, chân chậm, ông Trác vẫn nhớ. Thậm chí, chuyện
xưa cũ lại hiển hiện, rõ nét hơn ngày thơ dại ấy. Nó ngấm vào lòng, rồi bật ra
thành thơ lúc nào không hay... “Đâu triền
hoa cỏ, nghêu ngao/ tình xuân mắt biếc đâu nào, ngày xưa/ khúc tiêu dao ướt
trận mưa/ và em, vạt nắng xế trưa, lội đồng.../ Một ngày cạn giấc sầu đông/ Anh
đăng lình xem lấy chồng ngoài đê...”. Ông Trác thập thững đường làng, bến
sông, mà cứ thấy thấp thoáng đâu đó màu cỏ hoa, cảm nhận hương đồng nội ngai
ngái, đẫm nước cơn mưa, chập chờn ánh đền dầu hỏa và thân thể mây mẩy con gái
mới lớn của cô bé Nhuần... Những câu thơ chớp lóe trong ý nghĩ khiến ông choáng
như say rượu... Ngó ra, sông Thao vẫn mải miết chày, chỉ có đôi bờ là cảnh vật
đổi khác. Bờ bên kia, vài ống khói cao vút lúc tỏ lúc mờ trong mây trời sũng
nước
Đi loanh quanh một hồi, già nửa thế kỷ vút qua nhanh
chóng, mà giờ đây, vẫn thế thôi ư? Vậy thì sắc
sắc không không của cuộc đời mỗi con người ta là thế chẳng?!...
Chẳng lẽ, cô bé Nhuần và những người đàn bà khác thuở
xa xưa ấy chỉ còn là nỗi nhớ suông, nhớ khan thế thôi, khó nuốt trôi, cứ mắc mớ
trong dòng ký ức hỗn độn của ông?
Hẹn gì đâu,
Nửa câu thề. Chỉ là công quản. Ngày về, bỗng dưng... Lội đồng, ngày ấy, rưng
rưng. Đâu rồi, quán Trịnh, mình từng bên nhau? Thế rồi... Giờ đã mai sau...
Vừa mới đó mà đã già nửa thế kỷ qua, thì ngày hôm nay
đây xem như là mai sau rồi. Quên cả cậu con trai và những người bạn, ông Trác
như mê đi trong miền ký ức. Ông hiểu, những hình bóng ấy còn nhũng nhẵng theo
ông đến bến đò cuối... ./.
Tháng 5. 2020
Nhận xét
Đăng nhận xét