Đi tìm một cơn mơ,...


Tranh của Trần Nhương


“Cơn mơ chết từ đêm hôm trước
chớp mắt rầu rầu cỏ đã um xanh...”
( Thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền )


Ông lẩn thẩn đi tìm cơn mơ. Ông Hòa nghĩ thế, nhưng ông Tuyền, bạn chí cốt của ông lại không nghĩ vậy. Con người và cách nghĩ khác nhau nên quan niệm khác nhau cũng phải thôi. Ông là nhà giáo, dẫu có chút đam mê văn chương thì cũng đầy chất mô phạm trong người. Còn ông Tuyền, một thi nhân, là kiểu thi nhân cả đời chông chênh đi giữa thực và mơ, đương nhiên, lãng đãng mơ mộng khác ông. Ông ít khi mơ, mà có mơ thì mọi chuyện diễn ra trong giấc mơ cũng rất chi là nghiêm túc. Còn ông Tuyền thì hay mơ, mơ cả lúc thức, ấy là khi ông ấy làm thơ. Khác tính nết nên hai người chơi với nhau rất thân, cứ như có sức hút về nhau. Ồng Hòa đã hơn một lần bảo ông Tuyền, rằng ông là phần xác còn ông Tuyền là phần hồn của một con người vậy. Chơi với nhau mấy chục năm nay, nhất là từ khi ông rời bỏ mảnh đất trung du về Hà Nội sinh sống sau khi nghỉ hưu, thì hai người càng gắn bó. Mươi năm nay, khi mạng xã hội phát triển, ông Tuyền lập trang văn thơ của mình ở đấy, một hồi, mời gọi ông và lập sẵn cho ông một trang, rồi dạy ông cách sử dụng  Kể cũng tiện, tiếng là hai ông cùng ở trong một thành phố, nhưng người đông, giao thông như mắc cửi, cả tháng, thậm chí vài tháng hai người mới gặp nhau một lần. Thế nên, nhờ mạng xã hội, hai ông có thể thăm nhau, chuyện trò với nhau hàng ngày. Ông là thầy giáo dạy văn, lâu ngày tập tọng viết văn làm vui. Trang văn của ông, tháng đôi lần, ông mới có bài tản văn, chẳng bù cho ông Tuyền, thơ bắn liên thanh, tằng tằng vài ngày một bài, mà bài nào đọc cũng được cả, ý từ, câu chữ, mạch thơ, biến ảo, khó nắm bắt. Ông Hòa phục bạn mình lắm. Đọc thơ của bạn già, ông khoái bởi sự liên tưởng lạ, bởi ký ức tuôn chảy đan xen với hiện tại, làm câu thơ biến ảo. Tuy nhiên, ông cũng bực mình, cứ như đang ăn một món ngon thì nhai phải sạn vậy, bởi thơ của ông Tuyền hầu như chẳng có bài nào toàn bích, hay đơn giản là tròn trịa, suôn sẻ cả. Bài nào cũng có sạn, khi thì câu thơ trúc trắc hơn văn xuôi, khi thì có đôi ba từ sáo rỗng. lúc lại lổn nhổn như người nấu bột nhưng để bị vón cục. Tức nhất là ông Tuyền cứ tùy tiện dùng từ Yêu, từ Thơ, trong các bài thơ của mình một cách vô tội vạ. Nhiều lần ông Hòa bực mình nói trắng ra với bạn lúc trà dư tửu hậu, ông Tuyền không bực, nhận lỗi ngay, nhưng rồi đâu vẫn đấy. Ông Hòa bảo bạn, khi nào ông Tuyền định chọn lựa một số bài thơ thành tập xuất bản thì nhất định phải nhận phần biên tập trước, để phăng-teo những từ thừa và lộ ấy đi...
Giờ thì hai ông bạn già dắt nhau về thăm quê nơi miền trung du. Thu xếp để đi cặp với nhau thế này là khó lắm. Ông Tuyền về quê rồi đi thăm người con nuôi của mình, còn ông Hòa về cùng nhưng là đi tìm giấc mơ của mình. Số là, ông Hòa vừa có một giấc mơ ngọt ngào và kỳ lạ. Chỉ kỳ lạ với riêng ông thôi, bởi chiêm nghiệm lòng mình thì mới xem là kỳ lạ. Mơ đêm trước, sáng hôm sau trở dậy, vào mạng xem thì ông bắt gặp một bài thơ của bạn mình vừa mới đăng trên trang của ông ấy lúc rạng sáng. Ông Tuyền viết về giấc mơ “Hay dở nắng mưa oi mùa nóng lạnh/ ai người ngồi đợi chuyện vu vơ/ cơn mơ chết từ đêm hôm trước/ chớp mắt rầu rầu cỏ đã um xanh...”. Bắt gặp khổ thơ này, ông Hòa khẽ rùng mình, ớn người, lạnh dọc xống lưng. Ông đọc cả bài, rồi đọc đi đọc lại khổ thơ này, rẩm riu nghĩ, sao lại có chuyện trùng hợp với giấc mơ của ông nhỉ? Ông Tuyền có biết gì về giấc mơ đêm trước của ông đâu, và ông ấy lại càng không biết chuyện tình lỡ dở thời trai trẻ của ông. Phải chăng, có điềm gì gở, không hay xảy ra với người ấy?...
Người ấy, là người đàn bà tên Thùy, vợ chưa cưới đầu đời của ông Hòa. Ngồi trên ô tô, từ thị xã tỉnh lẻ, về vùng đất Phù Ninh ven sông Lô, ông Hòa bắt đầu câu chuyện tình lỡ dở của mình với ông Tuyền...
Hai ông tỉ tê chuyện ngày xưa. Ngày xưa ấy, gọi thế thôi chứ chưa hẳn đã xưa. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, các trường lớp mới được mở. Vùng trung du nghèo nằm hai bên bờ sông Thao hiếm trường lớp lắm. Ông Hòa quê Đỗ Sơn bên tả ngạn, còn ông Tuyền quê Thạch Đê lại bên hữu ngạn. Hai bên nhìn thầy nhau nhưng đò giang cách trở. Vào tiểu học, quê ông Hòa không có trường, nên ông phải qua đò cắt ngang sông Thao sang Thạch Đê để học nhờ. Hai người cùng lớp vài năm với nhau, nhưng ngày ấy trẻ con chẳng mấy nhớ. Sở dĩ vậy, vì ông Tuyền có bố làm công nhân xưởng chè, nên đi theo. chuyển học nơi khác, còn ông Hòa khi quê có trường lớp rồi thì thôi học nhờ. Hai đứa biệt tin nhau. Sau lớn lên, đi đó đậy, gặp nhau và thân nhau, gợi chuyện một hồi, mới biết là cùng lớp. Khi hai người trở nên thân nhau, thì cả hai đều yên bề gia thất, nên ông Tuyền chỉ biết Nguyệt, vợ ông Hòa bây giờ, chứ đâu biết người đàn bà tên Thùy kia. Ông Hòa cùng giấu bạn. chưa từng nói gì về người đàn bà nay. Người đàn bà tên Thùy ấy là nỗi đau tình, nỗi đau đời đầu tiên của ông Hòa, dễ gì kể chuyện ra đâu. Ngay chính bà Nguyệt, vợ ông cũng chỉ láng máng, và ông Tuyền thì mờ tịt. Vậy mà, đọc mấy câu thơ của ông Tuyền, ông Hòa giật mình, cứ cảm giác là bạn ông ám chỉ chuyện tình của mình... Ông Hòa ớn người không phải vì ngại lộ chuyện cũ, mà sợ vì linh cảm có chuyện gở xảy ra với người đàn bà một thuở của mình,,,
Ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, học xong cấp 3, cũng là lúc đất nước bước vào cuộc chiến tranh. Thanh niên có học vấn không nhiều, nên có trình độ tốt nghiệp bậc phổ thông là quý lắm rồi. Đất nước phân miền, chiến tranh và xây dựng phải song hành. Hầu hết, lứa thanh niên có học thời ấy được chia làm thành mảng rõ ràng. Một số vào quân ngũ, số còn lại, không cần phỉ thi thố gì, cứ căn cứ học bạ, học lực và lý lịch gia đình về thành phần xuất thân, để chọn lựa, đưa vào các trường đào tạo theo chuyên ngành, thậm chí, đưa đi đào tạo ở nước ngoài trong hệ thống các nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa. Xét về học lực, chàng thanh niên Hòa thuộc loại khá đều, nhưng về lý lịch nhân thân, lại là con cái nhà địa chủ,  thuộc diện thành phần bóc lột, lý lịch xấu, bị loại ra. Chàng Hòa cay đắng nhìn các bạn học cùng trang lứa với mình, cứ nay mai, khăn gói đi nhập học ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Biết là mình thuộc diện lý lịch xấu, song chàng Hòa vẫn hy vọng một ngày nào đó, được gọi tên. Nhưng rồi, chàng bị bỏ lại ở thôn quê, bộ đội cũng không mà học hành lên cao hơn lại càng không. Chàng cảm giác như mình là người thừa của xã hội, chẳng ai đoái hoài gì đến mình, ngoại trừ người thân ruột thịt gia đình. Ấy là bà mẹ của chàng. Mẹ bảo chàng, phải tự ý thức chuyện thành phần gia đình mình, chẳng thể ganh đua với người khác, rằng cha mất sớm, nhà neo người, không học hành lên cao thì lấy vợ sinh con đẻ cái. Ấy cũng là nghĩa vụ lớn với gia đình, dòng tộc. Vậy là chàng ngậm ngùi, xếp bút nghiên, làm vườn, cày bừa. học làm ruộng thành một nông dân thực thụ. Việc làm nông nghiệp, tự mình gắng thì được, song lập gia thất lại chẳng dễ chút nào. Nếu như trước đó, gia đình khá giả, giàu có là một lợi thế, thì giờ đây, lại là trở ngại. Người ta ngại dây dưa với những nhà thành phần bóc lột, hay liên quan đến phong kiến, đế quốc. Thế nên, tìm được người được nết, mà không ngại chuyện thành phần đâu phải chuyện dễ dàng.
Nhưng rồi, chàng Hòa cũng đã tăm tia được một cô gái tên Thùy, người làng bên. Thùy kém Hòa vài tuổi, học sau mấy lớp, hết cấp 2 thì thôi học, ở nhà làm ruộng giúp cha mẹ. Gia đình Thùy, thuộc diện nhà nghèo, nhưng có vẻ hiền lành tử tế. Được vậy là ổn rồi. Thùy là con cả, dưới còn những dăm đứa em lít nhít. Về hình thức, Thùy không xinh, khuôn mặt bầu, cũng ưa nhìn, vóc dáng khỏe mạnh, nhất là phần hậu, theo kiểu “to hông rộng háng đáng đồng tiền”. Lại con cả, ruộng sâu trâu nái không bằng còn gái đầu lòng. nên mẹ Hòa nhìn người, ưng ý ngay, vì có tướng đảm và hứa hẹn sinh cho bà lũ cháu. Hai người ưng nhau, hai gia đình cũng đồng ý, thế là tết ấy, mẹ sai chàng mang đồ sêu lễ sang nhà gái, xem như lấy chỗ đi lại chình thức, cũng là đánh tiếng với thiên hạ để giữ người. Vậy là, chỉ còn chờ ngày lành tháng tốt, hai bên thuận lợi là cưới hỏi, thành hôn. Chàng khấp khởi, phần nào nguôi ngoai nỗi buồn phải ở nhà, không được thoát ly...
Tháng dăm ba lần, Hòa sang thăm chơi bên nhà Thùy. Thực tình, chàng muốn sang nhà vợ chưa cưới hàng ngày hay ít ra tuần vài ba bận, nhưng mẹ ngăn, bảo sang nhiều nhà người ta lại coi thường mình. Có lần, Hòa đánh bạo, xin phép bố mẹ Thùy cho phép đưa Thùy đi chơi xa. Hai người đèo nhau lên thị xã chơi. Ngắm nghía chán chê, mua sắm vài thứ lặt vặt, ăn quà trưa, đủ cả. Chàng nàng bên nhau ríu rít. Ngày ấy, chàng chưa văn thơ như sau này, nhưng cũng thuộc được mấy câu thơ Nguyễn Bính, bảo nàng là cùng đi tỉnh thế này, không phải lo như chàng trai nọ sợ người yêu “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Nàng nghe, ngơ ngác chẳng hiểu gì .. Chiều về, không may bánh xe bị xì hơi, dắt bộ mãi mới tìm được chỗ vá xăm, về đến nhà thì trời đã tối. Lối về ngõ nhà Thùy một bên bờ đầm, bên kia tre pheo um tùm. Gần đến nhà, Thùy giữ ý đòi xuống đi bộ tự về. Hai đứa chia tay bịn rịn. Hòa cầm tay Thùy, không muốn thôi. Chàng thèm khát, đánh liều, nhìn quanh thấy trời tối vắng, không một ai, bèn kéo Thùy vào người mình, định hôn. Nàng không phản đối. Cặp đôi vừa ấp vào nhau thì Thủy nhảy cẫng lên, kêu có rắn. Bất ngờ, cả hai cũng hoảng. Thế là cái hôn đầu đời của chàng không thành...
Vậy mà trong giấc mơ vừa mới đây, ông mơ thấy mình hôn người đàn bà ấy, âu yếm, thắm thiết lắm. Tỉnh giấc, ông Hòa hết bàng hoàng rồi đâm ngẩn ngơ. Ông cố nhớ lại hương vị của nụ hôn. Đôi chim già hôn nhau, ngọt ngào thì không đúng, nhưng nhạt nhẽo thì cũng không phải. Hương vị thế nào nhỉ? Ngẫm nghĩ mãi. Lạ nhỉ, ngày xưa ấy, chàng nàng đã kịp hôn nhau bao giờ đâu mà biết hương vị của nó cơ chứ? Tự nhiên ông Hòa chờn chợn, nhìn sang vợ nằm bên cạnh, khẽ chạm tay vào người. Bà Nguyệt, vợ ông như cảm nhận được cái chạm tay, khẽ trở mình nằm nghiêng vào phía trong. Ông Hòa nén thở ra nhè nhẹ, vắt tay ngang trán, ngẫm ngợi. Sao vậy nhỉ? Ông chưa từng hôn cô Thùy bao giờ, mà nay lại mơ thế. Phải chăng, nỗi đau tình bị phản bội theo đuổi ông từ ngày ấy, suốt nửa thế kỷ qua, thành ẩn ức trong ông, giờ lặn vào giấc mơ theo đó mà có cảm giác hình hài?...
Hồi đó, ông Hòa còn nhớ lắm, những ngày tháng chờ hôn lễ nên duyên vợ chồng mới dài làm sao, phấp phỏng và cũng thi vị làm sao... Từ cảm mến ngày đầu làm quen, chàng Học đã dần cảm nhận được sự xao xuyến trong lòng mình với Thùy. Vì thế, khi Thùy thông báo gia nhập đội nữ thanh niên xung kích thời chiến của huyện, thì Hòa ít nhiểu cảm thấy lo lắng. Tuy không dám ngăn cản, song thực lòng, Hòa không muốn vậy. Chàng lo sợ Thùy tham gia, công việc sẽ bận hơn, dễ xao nhãng tình cảm hai người với nhau, và nhất là, dễ phát sinh tình cảm với người khác vì điều kiện quan hệ xã hội mới... Bụng lo, miệng vẫn động viên, nhưng Hòa không quên bóng gió nỗi lo ngại của mình. Thùy cũng hiểu, bảo chàng cứ yên tâm. Hòa cũng tự trấn an mình, đã sêu lễ, đi lại nhà nhau như thế thì trệu làm sao được ?...
Thế nhưng, cuộc đời mấy ai học được chữ ngờ, khi gia đình Hòa chắc như đinh đóng cột chuyện cưới xin thì xảy chuyện động trời. Một buổi, Thùy hẹn đi chơi và cô nàng chủ động bày tỏ ý muốn được chấm dứt quan hệ giữa hai người. Hòa sửng sốt, căn vặn thì Thùy chỉ viện lý do là sau thời gian tìm hiểu thấy không hợp nhau, nên muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân. Hòa chỉ nghĩ, chắc cô ấy giận dỗi gì đó, nên có thể làm lành. Rồi tiếng đồn đến tai Hòa, rằng Thùy bị một chàng bộ đội đẹp trai công tác ở huyện đội, người thị xã chinh phục và nàng ta mê mệt chàng lính công tử đẹp trai dẻo mỏ kia. Hòa bán tín bán nghi, định bụng sẽ lựa lời hỏi Thùy cho ra nhé, thì một hôm, Thùy tự mình đến nhà Hòa, trả đồ sêu lễ, và nói lời xin lỗi gia đình. Lý do từ hôn chỉ đơn giản là thấy không hợp với Hòa và gia đình bên này. Hòa chết đứng như Từ Hải, còn bà mẹ thì giận tím mặt, xem đây là hành vi hỗn xược vì dù có thể nào đi chăng nữa thì bên gia đình Thùy cũng phải có bề trên đi cùng cho phải phép. Bà mẹ Hòa giận là thế nhưng vẫn giữ được sự bình tĩnh, nói những lời mát mẻ nhưng sâu cay với Thùy, hàm ý là cô chê thành phần gia đình bà, sợ ảnh hưởng xấu. Thùy cũng ghê gớm chẳng kém cạnh, đối đáp câu một. còn bảo là cha mẹ cô cũng không đồng ý việc trả sêu lễ, đây chỉ là ý định của riêng mình nên gia đình bên này có mắng mỏ thế nào thì cô cũng xin nhận hết. Hòa cay đắng đến thành tê dại, chỉ biết can mẹ mình thôi. Mẹ tủi hổ một thì chàng tủi hổ mười. Đàn ông đàn ang gì mà sắp đến ngày cưới, để người đàn bà mình sẽ cưới làm vợ đến tận nhà từ chối và trả lại đồ sêu lễ. Ngượng với mẹ, xấu hổ với họ hàng, làng xóm, bạn bè, tủi nhục với chính mình...
Dứt tình là vậy, nhưng Hòa vẫn muốn biết nguyên nhân đích thực của việc từ hôn. Dò hỏi thì nguyên nhân đúng như lời đồn đại. Nàng ta lật kèo vì mê trai khác. Hòa hận Thùy, lại hận mình cam phận ở làng theo đít trâu, nên người ta coi thường, khinh phụ mình thế. Chí khí trong người chàng lại dâng lên ngùn ngụt. Làm sao thoát khỏi lũy tre làng đây?
Thật may mắn. Dạo ấy, ngành giáo dục thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là vùng trung du rừng cọ đồi chè này. Qua một người quen mách bảo, Hòa nộp hồ sơ và sau đó được gọi đi học trường sư phạm hệ 10 + 1 của tỉnh. Chàng hăm hở khăn gói đi tập trung nhập học. Ở nhà buồn chán và xấu hổ bao nhiêu sau vụ bị từ hôn, nay được đi học trung cấp chuyên nghiệp, vừa thoát khỏi lũy tre làng, đỡ xấu hổ, sau trở thành thày giáo, còn vui gì bằng. Ở trường sư phạm, vì lớn tuổi hơn, lại chững chạc, nói năng lưu loát hơn chúng bạn nên Hòa được cử làm tổ trưởng, rồi lớp phó. Là trường sư phạm, ở lớp và trong trường, số nữ sinh nhiều hơn nam, có nhiều cô xinh xắn hơn so với ở quê, nên chàng tha hồ tăm tia, kén chọn. Vậy thôi, chứ chim phải tên sợ cành cây cong, nên Hòa không mồm mép tán tỉnh bừa như các sinh viên nam khác, chỉ ngầm quan sát, lựa chọn đối tượng nào phù hợp với gia cảnh của mình...
Trong số các nữ sinh của lớp, có Nguyệt, người quê Phù Ninh ven sông Lô, khiến chàng cảm mến. Nguyệt có gương mặt ưa nhìn, dáng hơi mảnh, nhanh nhẹn. Cô nói năng nhẹ nhàng, và biết cách né tránh, ứng xử để không làm phật ý hay mất mặt các anh chàng tán tỉnh mình. Không hiểu sao, Nguyệt lại rất cảm tình với Hòa, biểu hiện ở việc cô không ngần ngại hỏi bài, nhở Hòa giảng giải cho những vấn đề cô chưa hiểu và cũng hay để ý, giúp Hòa trong cuộc sống thiếu thốn ở lý túc xá. Kinh nghiệm xương máu từ thất bại của cuộc tình đầu, Hòa chủ động ngỏ lời với Nguyệt và được cô chấp nhận. Thuận lợi thế, thì đấn tới luôn. Hòa mừng mở cở trong bụng, nhưng một trở ngại ập đến. Có một thày giáo trẻ dạy trong trường cũng thích Nguyệt và vị này công khai bày tỏ tình cảm với Nguyệt trước đám đông. Hòa ấm ức, linh cảm về sự đổ vỡ đầu tiên có thể tái hiện xâm chiếm trong lòng. Hòa quyết không đi theo vết xe đổ, phải chủ động giành giật thôi.
Một chủ nhật, Hòa tìm đến nhà Nguyệt như đã hẹn, định bụng sẽ thưa chuyện với bố mẹ của Nguyệt xin phép được đi lại gia đình với tư cách hai đứa yêu nhau. Không ngờ, vừa đánh tiếng ngoài cồng đã thấy Nguyệt xồ ra, thì thầm báo tin là vị giảng viên nọ, người đang theo đuổi Nguyệt không hẹn trước, bất ngờ đến chơi, đang ngồi uống nước trong nhà. Nguyệt băn khoăn không biết xử trí sao đây. Quả là tình thế thật khó. Bị bất ngờ, Hòa cũng lúng túng, nhưng tự dưng máu liều nổi lên, đầu óc sáng suốt, quyết đánh một trận, được ăn cả ngã về không... Chàng cố trấn tĩnh theo Nguyệt vào nhà. Sau hồi chào hỏi xã giao, chàng vào trận. Liền một mạch, rằng chàng và Nguyệt có cảm tình với nhau, đã tìm hiểu tính nết và gia cảnh của nhau, nay hai đứa thống nhất thưa với hai bên gia đình, lại may mắn có vị thầy giáo đáng kính đến chơi nhà, xin thầy làm chứng giúp, xin phép cho hai đứa yêu nhau tiến tới hôn nhân. Đánh bài ngửa xong, chàng nhẹ cả người, chờ kết quả. Vị giảng viên kia tròn mắt, á khẩu. Cha mẹ của Nguyệt cũng là người tiến bộ, không hẳn nhận lời song cũng không ngăn cản, chỉ căn dặn hai đứa cứ tìm hiểu kỹ lưỡng kẻo sau này lại hối hận. Vị giảng viên kia chỉ còn biết cười mếu mà về thôi,...
Kể ra câu chuyện của mình với bạn già, ông Hòa như người uống rượu ngà ngà say. Chuyện cũ buồn vui của cả một thời trai trẻ khó khăn khơi gợi ký ức ùa về. Ông Tuyền nghe chuyện, gật gù, bâng quơ một câu thơ “Trái buồn đau, giấu ở đâu? Này ơi... chớ để bợt màu tháng năm...”.  Nghe thơ bạn, ông Hòa rẩm riu nghĩ...  Ừ nhỉ, suốt những tháng năm qua, trái buồn đau của cuộc đời ông đâu chỉ một hai, cứ thảng. lại rụng một vài trái. Ông đem giấu ở đâu được, ngoài thẳm sâu cõi lòng mình? Giờ đi lại con đường xưa, dù cảnh sắc đổi thay, nhưng trong trí nhớ vẫn như in cái ngày xưa ấy. Kia rồi, cây đa năm thân. Hơn nữa thế kỷ trước, cây đa này đã chia thành năm thân sừng sững ở đấy rồi. Nó chứng kiến tuổi trẻ và tình duyên của ông. Xa xa, trên đường bờ đê sông Lô, tán cây gạo cổ vẫn nhô cao, nhưng lạ thay, hình như nó đã chết khô thì phải? Ngày trẻ, mình đạp xe kẽo kẹt tuyến đường này mãi, ông Hòa thuộc từng lối rẽ. Có điều, ngày ấy là đường đất hoặc rải cấp phối đá răm, nhà cửa hai bên đường phần lớn là nhà gianh, còn giờ là đường bê tông nhựa, và nhà cửa cũng khang trang hơn nhiều. Ngày ấy, nhà Nguyệt ở cách lối rẽ chỗ cây đa năm thân không xa. Sau này, bố mẹ vợ ông Hòa theo các con về sống ở thị xã, để lại đất nhà vườn cho người cháu họ ở quê trông nom, giữ nơi chốn đi về. Vợ chồng ông Hòa lấy nhau, sinh liền gái đầu và hai trai sau. Nguyệt dạy cấp 1, ông thì cứ phát triển lên, hàm thụ đại học, rồi dạy cấp 3. Ông trờ thành giáo viên giỏi môn Văn của tỉnh, và được đề bạt làm hiệu trưởng một trường cấp 3 có tiếng trong vùng. Gia đình ông về thị xã sống, cho đến lúc nghỉ hưu. Con cái phương trưởng, lập nghiệp ở Hà Nội, ông bà cũng bán nhà ở thị xã về theo con. Nghỉ hưu, rỗi rãi, ông bắt đầu viết văn, cho đỡ buồn và cũng muốn thử sức trong lĩnh vực văn chương. Giờ thì ông Hòa đã có vài đầu sách xuất bản, chủ yếu tặng bạn bè, người thân đọc chơi, lấy chỗ giao lưu với thiên hạ. Vất vả cả đời, nhưng quả là trời đã thương ông, ban cho ông một người đàn bà đảm đang, chỉn chu, biết thu vén cho gia đình, là bà Nguyệt vợ ông. Ông Hòa từng tự hỏi, nếu ngày ấy, nên duyên vợ chồng với Thùy thì cuộc sống của ông sẽ ra sao nhỉ? Ông cũng đã ngầm so sánh giữa Thùy với vợ ông và dường như không có câu trả lời. Với Thùy, tiếc và giận đấy, tất nhiên theo thời gian thì cả hai thứ đó đều nhạt dần. Với Nguyệt, hài lòng, và sự hài lòng tăng theo năm tháng. Cho đến giờ, bà Nguyệt vẫn chăm chút cho ông từng li từng tí và dường như muốn sở hữu ông một cách trọn vẹn. Thực lòng, bà ấy không thích ông tình tang văn chương thơ phú, bởi sợ ông dễ có cơ hội bám theo bóng hồng khác...
Đêm ấy, hai ông già ngủ lại nhà người con nuôi ông Tuyền. Cuộc đời ưu ái ông Tuyền nhiều hơn. Ông ấy có mấy đứa con đều giỏi giang, trời lại cho ông ấy thêm đứa con nuôi hiếu thảo. Tính ông ấy quảng giao, thích ngao du đây đó và thơ phú cứ tuôn ào ào, xuất thần ra thơ nhưng lại quên ngay. Chơi với nhau ngần ấy năm, chính ông Hòa lại là người lưu giữ thơ của ông ấy. Sở dĩ vậy bởi ông Hòa thích thơ ông ấy, vì thích nên thuộc và nhớ thôi. Cậu con nuôi nhà ngay chân đê sông Lô, vườn tược rộng cả ngàn thước, có cái nhà làm chòi canh ở bãi sông. Thế là hai ông đòi dắt nhau ra ngủ đêm ở đấy, để tiện chuyện trò mà không sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của cả nhà.
Tiết cuối xuân, trời vẫn se lạnh. Hai ông già tha hồ tỉ tê với nhau. Sẵn đồ nhắm và rượu. Cứ nâng lên đặt xuống, nhẩn nha chuyện vãn đêm. Ông Hòa bảo, gần năm chục năm sống với bà Nguyệt, nhưng hầu như ông chẳng ngủ mơ thấy vợ bao giờ. Yêu thương chăm chút nhau là thế, nhưng mơ thì không. Vậy mà, ông lại nhiều lần mơ thấy cô Thùy. Thì ra, hận nhiều mà thành ám ảnh. Nhớ lại, những lần mơ thấy Thùy, cô ấy hầu như im lặng, chẳng nói năng gì, trong khi ông lại cau có hoặc nhấm nhẳng mắng mỏ cô ấy này nọ, toàn những điều chưa từng có trong đời thực giữa hai người. Có lần, ông mơ, thầy cô ấy khóc lóc khi bị ông mắng mỏ, rồi than là số khổ nên mới bỏ người tử tế là ông, lại đâm đầu đi theo những kẻ chẳng ra gì, ông đã không xót thương thì thôi, còn mắc nhiếc mãi. Mơ thế, tỉnh ngủ, ông cứ ân hận. Chỉ là mơ thôi mà vẫn ân hận. Sao trong mơ ông vẫn không bỏ qua cho cô ấy nhỉ? Phải chăng, ông là người cố chấp, mặc dù ông nghĩ mình đã bỏ qua chuyện cũ lâu rồi?...
Ông Tuyền uống nhiều, lơ mơ nghe, lại đọc thơ, chẳng biết cho ông hay là chính ông ấy: “Chia xa, vãn cuộc, đẫm tình/ mạn đời sóng vỗ, giật mình, em đâu/ Phố đông, em nắng không màu/ biển xanh, anh bỗng... không nhau, thật buồn/ chia xa, kẻ phía ngọn nguồn/ người nơi góc biển, cánh chuồn ngày mưa...”. Nghe thơ, ông Hòa ngẫm nghĩ, quái sao, cái lão già này lại thấu hiểu lòng ông đến thế. Lão ấy đọc câu thơ nào ra cứ như moi hết ruột gan ông ra phơi cho thiên hạ thấy vậy. Ở đời, người xưa bảo, xa thơm gần thường là vậy. Vợ ông, hàng ngày bên cạnh ông, đầu gối tay ấp mấy chục năm trời, có yêu thương đến bao nhiêu thì cùng thành thường. là chuyện đương nhiên. Còn Thùy, chỉ cỡ một năm với nhau thôi, xem như khoảnh khắc, song sao lại sâu đậm và nhức nhối làm vậy. Nếu cuộc đời của Thùy sau này nhàn hạ, sung sướng thì có lẽ ông sẽ nhẹ lòng, bởi vì cô ấy đã chọn được người đàn ông tài giỏi hơn ông thì việc cô ta bỏ ông là đáng thôi. Đằng này, cô ấy lại chạy theo và không may vớ phải những thằng đàn ông chẳng ra gì... Sau khi lập gia đình, sinh con để cái, sự nghiệp dần đi lên, ông Hòa có để ý, tìm hiểu xem cuộc đời của người đàn bà đã từng đang tâm làm cái việc hắt cả bát nước đầy vào mặt ông.
Số là, Thùy say mê chàng lính cậu người ở phố, những tưởng lấy nhau thì anh chàng kia, chán cuộc chơi, đánh bài chuồn. Thùy cố níu kéo bằng cách tìm đến nhà anh chàng ở thị xã. Cha mẹ anh chàng lạnh nhạt, bảo rằng con trai họ không thể lấy một cô gái quê ít học như cô. Thùy ê chề vì đã có thai trong bụng. Bố mẹ Thùy biết chuyện, mắng nhiếc thậm tệ. Tủi hổ, cùng đường sinh quẫn, cô đã lang thang cả một buổi chiều dọc bở đê sông Lô trước khi quyết định quên sinh. Lúc chới với trong dòng nước xiết thì tình cờ có một bè tre nứa chạy ngang qua. Thấy vậy, người đàn ông chống bè đã nhày xuống vớt Thùy lên. Được cứu sống, nhưng người yếu và tâm trạng nặng nề, it lâu cô đánh mất cái thai. Khi đã tĩnh tâm lại, Thùy tìm được nhà người đàn ông đã cứu mình, cảm ơn cứu mạng. Anh chàng kia nhà nghèo chuyên nghề đi bè thuê trên sông Lô. Đôi bên cám cảnh nhau rồi nên quyên vợ chồng, có với nhau mấy mụn con gái. Thùy xin được vào làm công nhân một nông trường chè, còn người chồng vẫn theo nghề cũ. Chồng cô không phải là người xấu, nhưng tính tình cục súc và hay rượu, và hễ rượu vào là nóng tính, ghen tuông này nọ, thượng cẳng chân, hạ cằng tay vợ. Anh ta còn hành vợ cả cái tội không biết đẻ con trai để anh ta đứt người nối dõi, thờ cúng. Thùy chỉ còn biết cam chịu. Mà không cam chịu thì còn biết đi đâu nữa khi cuộc đời đã bầm dập, tủi nhục vậy, đến cái chết nó cũng chê. Cuộc đời là thế, sai một li nó đi một dặm...
Biết cuộc sống Thùy khổ ải vậy, ông Hòa đã từng đắc ý, ra điều, ngày xưa bỏ ta, tưởng đâu, ai ngờ khổ thế, cũng là đáng đời. Đi suy bì với đàn bà, lại là người thất thế, thật chẳng đáng mặt đàn ông. Hiểu thế, nhưng vẫn thấy mát lòng. Thì ông cũng là con người với nhiều thói hư tật xấu, chứ đâu phải là thánh nhân !... Nhiều năm tháng qua, ông Hòa vẫn ngầm dõi theo cuộc đời của người đàn bà ấy. Thi thoảng mơ thấy Thùy, ông Hòa lại xao động một thời gian. Vợ ông, bà Nguyệt cũng chỉ biết lờ mờ về cuộc tình đầu tan vỡ của chồng mình, nhưng không căn vặn. Có lẽ, bà ấy muốn để đến một ngày nào đó ông tự kể, mà không kể thì cũng chẳng hề hấn gì.
Giấc mơ lạ, ông hôn người đàn bà ám ảnh cả đời ông, cái hôn chưa hề có trong đời thực. Những lần trước, giấc mơ phũ phàng, dù khổ ái thì người ấy vẫn sống nhăn răng. Lần này, giấc mơ dịu dàng ngọt ngào, có khi lại là chuyện gở? Hay là, người đàn bà ấy đến chào từ biệt ông, để rũ bỏ cuộc đời đau khổ về cõi xa xăm? Cây gạo cổ thụ chết khô kia như một điềm báo? Giờ nằm nghe gió sông Lô ào ạt thổi đâu đó ngoài kia, ông thấy có gì khác xưa đâu, vậy mà, người như đã chia xa...
Ông trút một tiếng thở dài vô thức. Ông Tuyền nhìn ông, cái nhìn đầy cảm thông, lại cất giọng đọc thơ “Chia xa, được một chín thua/ không nhau, năm tháng...  gió lùa lạnh lưng...”. Ừ nhỉ, hai người chia xa, ông và người đàn bà ấy có hon gì nhau đâu, được thì chỉ một thôi song thua lại  những chín kia mà. Ông Hòa bần thần, nhắc bạn, bảo ngủ đi kẻo thức khuya lại mệt.
Nhắc bạn vậy, nhưng ông Hòa biết là đêm nay sẽ khó ngủ. Ông sợ, đặt mình nằm ngủ, ông lại mơ một giấc mơ chẳng thể đi tìm... ./.



Nhận xét