Tựa tập thơ Nguyễn Tùng Quân,



Nguyễn Tùng Quân-
Niềm riêng và những điều còn lại
(Tựa tập thơ cùng tên)

         Tôi biết đến và quen thân Nguyễn Tùng Quân đã hơn chục năm nay. Ngày ấy. mạng xã hội chưa mấy phong phú như bây giờ. Mùa thu năm 2009, tôi lập trang riêng Ngẫm & Viết trên nền tảng Blog Tiếng Việt (blogtiengviet.net), và ngay sau đó, tôi biết đến Nguyễn Tùng Quân, khi anh sang ghi cảm nhận (comment) bên trang của tôi. Và để trở thành bạn thân với nhau, tôi cũng thường xuyên sang đọc trang của anh. Blog của Nguyễn Tùng Quân chọn tên một ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn làm đề từ - Để gió cuốn đi, điều này phần nào cho thấy quan niệm và xu hướng sáng tác của anh. Như vậy, cứ đều đếu, tháng đôi ba bài viết mới, chủ yếu là thơ, và cho đến thời điểm tạm dừng trang cá nhân của mình vào đầu năm 2018. Nguyễn Tùng Quân đã đăng ở đây khoảng 120 bài thơ, mà đa phần được anh tập hợp thành tập thơ Niềm riêng và những điều còn lại, mà bạn đọc có trên tay hôm nay.
Song trước khi bàn đôi điều về thơ Nguyễn Tùng Quân, tôi lại muốn bạn yêu thơ làm quen với con người thơ.
Nguyễn Tùng Quân quê xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, tuổi Kỷ Hợi, chuyên ngành đào tạo về khoa học tự nhiên. Mặc dù, Nguyễn Tùng Quân từng công tác trong ngành văn hóa, nhưng có lẽ, thời gian làm việc, phụ trách Nhà chiếu hình Vũ trụ ở Nghệ An lại cho anh cảm xúc sáng tác nhiều nhất. Hình như, hằng đêm, quan sát bầu trời mênh mang hằng ha sa số tinh tú lấp lánh, tâm hồn anh lại rạo rực niềm cảm hứng thi ca, những xúc cảm đó chẳng phải là thứ tình cảm viển vông gửi vào vũ trụ bao la, mà là tình cảm chân thật về tình yêu đôi lứa, tình yêu con người trong đời sống thường nhật quanh mình...
Cùng với những người anh em bạn bè yêu văn chương quê Nghệ An với Nguyễn Tùng Quân, có Văn Lâm An, một kỹ sư xây dựng và cựu đại tá Phạm Huy Việt, một người từng làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học quân sự. Tuổi đời cao thấp chênh nhau nhưng họ rất yêu quý, nể trọng nhau. Tôi thân quý cả ba người, chỉ phần nhỏ vì sở thích văn chương thơ phú, mà phần lớn là sự thẳng thắn, chân thật, đặc  biệt là “cái chất gàn đồ Nghệ” của họ. Tôi khá tâm đắc với chút cảm nhận về thơ Nguyễn Tùng Quân của cựu đại tá Phạm Huy Việt, nên ghi nguyên văn ra đây:

Tôi đã “cách ly” thơ vài năm nay.
          Họ nói với tôi rằng thơ đang bùng nổ, thơ đang lạm phát.
           Tôi cho rằng thơ đang suy thoái, thậm chí đang bị lãng quên.
           Cái đang bùng nổ, đang lạm phát đâu phải là thơ. Nó là “văn nói ngắt đoạn” hay “văn xuôi xuống dòng” mà thôi. Thơ là tình yêu đã rũ bỏ trần tục. Thơ trong dòng chảy văn học nghệ thuật như mỹ nữ trong dòng cuộc sống, không lẽ lẫn lộn “mỹ nhân” và “xú nhân”.
           Dù muốn “cách ly”, nhưng khi Nguyễn Tùng Quân nhờ đọc bản thảo thì tôi nhận lời; vì tôi biết anh từ lâu, cũng đã đọc một số bài. Cảm nhận ban đầu thì đó là thơ.
           Cũng cần nói ngay, tôi là người yêu thơ, nên chỉ “thẩm” thơ thôi, những mong giúp cho bạn hữu chút gì đó khi đọc thơ Nguyễn Tùng Quân.
Thơ Nguyễn Tùng Quân dù không gò ép hay “đánh võng” vần điệu, nhưng cũng không buông thả hay rẻ rúng từ ngữ; không “lên gân” câu chữ để làm cho câu thơ se sắt. Những cái đó tựa như là tiêu chí bất thành văn hồi đầu của Phong trào Thơ mới (1932 – 1945), khi các nhà thơ giác ngộ muốn phá bỏ niêm luật chặt chẽ của thơ cũ. Điều đó đáng trân trọng.
Thơ Nguyễn Tùng Quân như gồm hai mảng chính, thơ đờithơ tình.
          Thơ đời của anh giản dị mộc mạc có phần “nhà quê”, nhưng trong đó anh đã khéo léo hình tượng hóa và khái quát hóa để dẫn dắt người đọc đến bức tranh sống động hiện thời. Trong khi, đa phần người ta bàng quan lướt nhẹ giữa “mây chiều vần gió”:
“Chiều nghĩa trang tăm tắp những hàng bia
Nén hương thơm lập lòe cháy đỏ
Những hàng bia không tên đứng đó
Đội ngũ những người HAI LẦN HY SINH…”
(Hai lần hy sinh)
Lời trong ký ức: “bạn đừng sợ kẻ thù – cùng lắm nó hại bạn; đừng sợ bạn mình – cùng lắm nó phản bội; hãy sợ sự bàng quan – đó là nguyên cớ của phản bội và giết chóc”. Phải chăng bàng quan chính là cái chết khi còn sống. Với thơ, sự bàng quan cũng là cái chết của thơ vậy...
Thơ tình của Nguyễn Tùng Quân lại thích lối viết ẩn dụ.
Cũng là ẩn dụ, nhưng nếu là thơ thời cuộc thì đa phần không được hoan nghênh, như, bởi đó là sự “né tránh”. Còn như, với thơ tình. lối viết ẩn dụ về cơ bản lại được hoan nghênh, tán thưởng, cho rằng lời thơ có cánh,... Cũng đúng thôi, nói bóng gió là nghệ thuật tỏ tình mà lại như “sở nguyện” của đối tác. Vậy đó. trong tình yêu, những cái cần nói thì không nói được, ẩn dụ là “thay lời muốn nói”, thế nên:
“Thơ tình anh đã viết rồi
Chỉ mong em
Hiểu những lời
… Lặng câm…”
(Thơ chung)
Đọc thơ Nguyễn Tùng Quân, như người lần đầu uổng rượu “xịn”, ngỡ rượu nhẹ vì uống ngon, êm, mềm môi, mà say lúc nào không hay, tỉnh dậy thoáng buồn, vì còn đi thăm “vườn quê” của Hoàng Thi Thơ:
“Em gái vườn quê,
Cuộc đời trong trắng,
Dầm mưa dãi nắng
Mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm…”

Tôi xin nhắc lại, ý kiến nêu trên của cựu đại tá Phạm Huy Việt chỉ là một cảm nhận theo dòng cảm xúc của ông, chứ chưa phải là sự đánh giá thơ Nguyễn Tùng Quân với tư cách một bài phê bình văn học. Tôi hiểu, việc đánh giá, nhận đình thơ Nguyễn Tùng Quân thế nào đang thuộc về bạn đọc yêu thơ, bởi mỗi người đọc đều là một nhà phê bình kia mà !...
Tôi và Phạm Huy Việt. Văn Lâm An có ý nhắc Nguyễn Tùng Quân tập hợp thơ đã đăng tải nhiều năm nay để thành tập, xuất bản, thì anh có vẻ lưỡng lự. Nguyễn Tùng Quân tâm sự, ý anh là thơ mình toàn là thơ tình. Tôi nghĩ, thơ tình thì có sao đâu. Tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống và tình yêu đôi lứa,... tình nào mà chẳng là tình, đều đáng quý cả.
Điều đáng sợ, ấy là thói vô tình.
Ở đời, xưa nay, hữu tình vô hạn kia mà !... ./.

                                                                  

Nhận xét