Thương nhớ khách thương hồ.


Đề từ cho một truyện ngắn

Thương nhớ thương hồ thương nhớ ơi
trôi dạt phương nao cuối chân trời,
giờ ta về lại miền hoang ấy,
đồng vọng còn đây một tiếng ời !...

Trong chuyến hành phương Nam thăm lại miền đất cũ, tôi và Gia Hoàng, người bạn thân thời đại học đến phố huyện Tri Tôn vào một chiều mưa tầm tã,...

Những trận mưa ở miền sơn cước biên giới châu thổ phương nam vào thời gian gió mùa Tây Nam thổi mạnh đưa hơi ẩm từ vịnh Thái Lan thường đến bất chợt, ào ạt và mau tạnh. Nhưng đợt này ngoài biển Đông đang có bão, luồng hơi ẩm từ biển Tây thành đuôi bão vắt ngang qua châu thổ Mê-kông nên trời mưa rả rích dai dẳng, kiểu tiết mưa Ngâu xứ Bắc, thật hiếm thấy ở xứ sở này.

Anh ban Gia Hoàng đang hăm hở khám phá thị trấn này, nên khi bị bó chân vì mưa, buông lời than thở. Tôi an ủi, kiểu gì thì chiều muộn mưa sẽ ngớt, tha hồ mà lòng vòng phố huyện, rồi kiếm một quán ăn, gọi vài ba món địa phương, thêm xị đế, cụng ly cho bõ... Quán cà phê chéo bên kia đường hết nhạc xập xình lại chuyển sang vọng cổ rào rề. Trời vẫn mưa nặng hạt, càng buồn hơn. Chợt Gia Hoàng hỏi:

- Này ông, hỏi thật nhé... Ngay trước sống ở đây ngót chục năm... ông có mối tình nào không?...

- Không - anh khẳng định -...Thực ra, bảo không thì cũng đúng... mà nói có thì cũng chẳng sai...

- Vậy... là gì chứ ... tôi tò mò rồi đấy... Đợi mưa tạnh, chán bỏ sừ... Kể tôi nghe đi,

- Kể à? ... Thật lòng, tôi chẳng biết phải kể thế nào... Chuyện chẳng ra đâu vào đâu... khó để kể thành chuyện rành mạch có đầu có cuối lắm...

- Ừ, thì ông hay làm thơ... mà người ta bảo dân làm thơ là chúa lằng nhằng, chẳng có gì mạch lạc cả... ?

Lảng tránh, tôi kể sang chuyện khác. Chiều sẫm tối, mưa cũng đã dứt. Phong, người bạn cũ của anh sống ở đây đến cùng đi ăn bữa tối. Vào một quán cơm phở ở góc phố đầu cầu Cây Me kế kênh Tám Ngàn. Quán xá buổi tối cuối tuần tấp nập.người ăn nhậu. Trong lúc chờ món, tôi hỏi Phong, cái nông trường tút lút phía đồng tràm dọc theo kênh Tám Ngàn ngày xưa giờ ra sao. Phong bảo chẳng rõ, bèn hỏi ông chủ quán. Ông ta bảo, có một dạo người ta lấy làm nơi làm việc cho ban quản lý rừng trầm của huyện, nhưng cũng lâu lắm rồi, không biết sao nữa. Vậy là chẳng có ai biết rõ. Tôi nghĩ, có lẽ bỏ hoang hoặc phá bỏ đi rồi cũng nên. Đồ nhậu được dọn ra, cụng ly leng keng. Trời lại đổ mưa nặng hạt. Xong bữa nhậu, chia tay nhau, Tôi và Gia Hoàng về đến buồng nghỉ thì đã mệt nhoài. Mỗi người lại cắm mặt vào smarphone, thỉnh thoảng hỏi nhau một câu bâng quơ, rồi ngủ. Anh bạn ngáy đều, còn tôi tưởng dễ ngủ nhưng nằm nhắm mắt, đầu tỉnh queo. Mưa đêm đều đều rả rích.... Đếm mưa,...

 


***
Nông trường chăn nuôi bò nằm tút lút phía đồng tràm. Từ cầu Cây Me, bám dọc kênh Tám Ngàn hơn chục cây số nữa. Khu nhà làm việc của nông trường là ba khối nhà tường gạch xi măng một tầng hình chữ U. Nhà đổ trần nóc bê tông nhưng vẫn lợp tôn bên trên để chống nóng. Đây vốn là nông trường bộ được thành lập sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vài ba năm, bởi bộ chủ quản và cơ quan đoàn thanh niên, nhằm khai thác tiềm năng của vùng tứ giác Long Xuyên-Hà Tiên. Hồi mới vào Ban Nông Lâm nghiệp huyện làm việc, tôi đã vào đây chơi thăm bạn đôi ba lần. Ngày ấy, tôi tình cờ gặp một anh bạn cũng trường, kỹ sư trồng trọt, học trên tôi một khóa. Anh ta được điều từ Bắc vào Nông trường này. Xa xôi mấy ngàn cây số, gặp được người quen là quý lắm. Thế là tôi và anh bạn thành thân và hay thăm nhau. Tôi vào đây chơi với bạn, ngủ lại nông trường, cùng bạn đi thăm ruộng và săn bắt cá, rồi nấu nướng với nhau, nhậu xỉn lăn lóc, khóc vì nhớ nhà... Sau mấy năm thất bát, hầu như tất cả nông trường trong vùng đều giải tán. Anh bạn được ra Bắc, nông trường bỏ trơ, giao cho huyện cai quản, để hoang cho đến khi huyện tận dụng làm nông trường chăn nuôi. Tôi được huyện cử làm Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, còn cậu giám đốc người Khmer địa phương, trình độ i tờ chỉ biết ký tên thạo. Bò mua gom trong được hơn trăm con lổn nhổn, lùa vô đó, chăn nuôi kiểu quảng canh, sáng thả rông vào đồng, tôi đi lùa về. Trớ trêu, căn phòng anh bạn tôi ở trước đây, giờ thành phòng ngủ của tôi. Đêm nằm. lại nhớ những ngày trước thăm bạn vui vẻ, ứa nước mắt vì tủi. Nghĩ thân phận mình bao giờ thoát khỏi cảnh này?...
Sống ở giữa đồng không mông quạnh, mang tiếng nông trường nhưng người có dăm bảy mống, toàn thanh niên địa phương, thu nạp để trông giữ bò là chính. Quanh quẩn vào ra chỉ có tôi cũng một nhân viên sơ cấp và người nấu ăn, buồn nẫu ruột nẫu gan. Mùa khô cực lắm, nắng nóng lại thêm khói bụi vẩn trời vì tro than mùa đốt đồng bốc lên quẩn gió. Mùa mưa đỡ cực hơn vì mưa mát, cỏ tốt tươi và nước nổi đem theo tôm cá. Sống ở đây, tôi mới thấu kiểu câu ca "muỗi bay như sáo thổi, đỉa nổi như baanh canh". Nói vô phép, giữa mênh mông đất trời hoang vắng thế, mỗi khi giải quyết "nỗi buồn", tôi cứ là "thiên nhiên" trên đồng, khỏi cần nhà vệ sinh. Thế nhưng, khổ nỗi, trơ cái mông trần trụi ra thì muối xúm vào đốt ngay, nên hai tay cứ phải liên tục xoa mông mình để đuổi muỗi, vậy mà chúng đâu có sợ, xoa muỗi một hồi, xong việc xòe hai lòng bàn tay muỗi chết loang vệt đỏ máu mình...
Không chết đói, song có thể chết vì buồn. Vậy nên, chủ nhật nào tôi cũng mò ra thị trấn. Bằng mọi giá, mượn xe đạp, đi nhờ ghe thuyền của dân thương hồ, thậm chí cuốc bộ...

Nhận xét