Phóng vấn nhà văn Võ Huy Tâm

 Mình phỏng vấn nhà văn Võ Huy Tâm tại nhà riêng của ông ở thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) vào mùa thu năm 1995 khi đang ở Phòng biên tập Tạp chí Truyền thanh & Du lịch.


Bức ảnh này do Nguyễn Huấn bấm bằng chiếc máy ảnh cũ kỹ nhãn hiệu Practica của Liên Xô. Chuyến ấy đi Quảng Ninh có 3 người là mình, Nguyễn Huấn và Trần Nhật Minh, làm số Tạp chí truyền thanh thời lượng 45 phút chủ đề kỷ niệm 45 năm thành lập nước, để phát sóng vào dịp Quốc khánh 2.9/

Có chút đáng tiếc, băng ghi âm dài gần nửa tiếng nhà văn Võ Huy Tâm không chỉ kể về hoàn cảnh ông viết tiểu thuyết Vùng Mỏ như thế nào. mà ông còn nói nhiều về đời sống công nhân mỏ thời Pháp khổ cực ra sao, cả bài vè dài dằng dặc mô tả kiếp sông cơ cực của thợ mỏ thời Pháp, sau khi sử dụng, mình đã không lưu giữ được phần băng ghi âm ấy. Nghĩ mà tiếc về sự ấu trĩ và vô tâm.... Giá còn đến nay thì quý bao nhiêu !... 

@@@

Võ Huy Tâm, một chút thơ để lại đời

Mùa thu năm 1995 sao lắm mưa. Những cơn bão cuối mùa hoành hành ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Thành phố Hạ Long và thị xã Cẩm Phả chìm trong nước và ngổn ngang đất đá, bùn vữa từ sườn núi trượt xuống. Nước vịnh Hạ Long, Bái Tử Long thường ngày trong xanh nên thơ là thế, cũng trở nên đen ngòm bởi than trôi và lốc lật chìm mấy xà lan than đậu trên vịnh. Vào một ngày như thế, qua sự chỉ dẫn của nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà văn Dương Hướng, tôi và một vài đồng nghiệp tìm đến thăm nhà của nhà văn Võ Huy Tâm ở thị xã Cẩm Phả. Ở vào thời điểm đó, ông không còn ở trong núi mà đã về sống cùng gia đình trong căn nhà lầu do các công ty than và công nhân mở góp tiền công xây dựng tặng ông. Ngôi nhà mà lúc đùa vui, ông gọi là cái chum bạc vài trăm triệu. Lúc ấy, sức khỏe của ông không còn vượng, song trong câu chuyện về người thợ mỏ, về văn học, ông vẫn say sưa, cao hứng lắm.
Năm ấy, nhóm phóng viên chúng tôi thực hiện một Tạp chí phát thanh thời lượng 45 phút dự kiến phát sóng vào dịp Quốc khánh 2.9 để kỷ niệm 50 năm thành lập nước. Câu chuyện của tạp chí ấy phản ánh sự đổi đời của hai thành phần cốt yếu của cách mạng à nông dân và công nhân nên bắt đầu từ 2 tiểu thuyết nổi tiếng của văn học Việt Nam là Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Vùng Mỏ của Võ Huy Tâm. Đi Quảng Ninh là để hỏi chuyện nhà văn Võ Huy Tâm về đời sống của công nhận mở trước cách mạng và quá trinh ông sáng tác tiểu thuyết Vùng Mỏ.
Hôm chúng tôi đến thăm nhà, hình như trước đó ông đã có rượu trong người, tiếp khách trong trạng thái ngà ngà. Ấy vậy, vì hiếu khách, ông cứ liên tục giục bà vợ cầm chai đi mua thêm rượu về mời khách. Ngoài trời thì đang mưa gió sầm sập, chúng tôi thấy ái ngại, phải can mãi ông mới chịu thôi. Và cũng cơn ngà ngà ấy, ông kể chuyện đời sống công nhân mỏ thời Pháp thuộc cơ cực thế nào, chuyện ông thực tế để lấy chất liệu viết tiểu thuyết Vùng Mỏ ra sao. Ông còn thuộc lòng và đọc cho chúng tôi nghe lời vè tràng giang đại hải mô tả đời sống vùng mỏ xưa, đọc lại cho chúng tôi nghe. Rồi ông kể cả chuyện ngày nhỏ ở quê hương Nam Định đã đi học chữ quốc ngữ ra sao, học trường dòng thế nào... Tiếc là băng ghi âm cuộc trò chuyện ấy, anh em đồng nghiệp của tôi không còn giữ đến giờ... Riêng bản thảo đánh máy 10 bài thơ ông đưa tặng tôi hôm ấy thì hiện tôi vẫn giữ được...
Và cũng chính buổi gặp gỡ ấy, lần đầu tiên tôi biết đến ông không phải với tư cách là tác giả của những tiểu thuyết, truyện ngắn nổi tiếng một thời – Vùng mỏ, Chiếc cán búa, Những người thợ mỏ, Gánh chèo mảnh, Rượu Chát,... và nhiều tác phẩm văn xuôi khác, mà là một nhà thơ. Chỉ có 10 bài thơ ông đưa tặng, với tôi, cũng đủ để khắc họa diện mạo một Võ Huy Tâm – thơ. Không hiểu ông còn những bài thơ nào khác hay không, hay chỉ đứng 10 bài vỏn vẻn được đánh số thứ tự từ I – X? Thơ Võ Huy Tâm lạ. Ông viết tuyệt đối không làm dáng, không giống một ai, không na ná như hàng trăm, hàng ngàn bài thơ – đau vờ, buồn vờ, yêu vờ, suy tư cũng vờ, nhan nhản trên các tờ báo hàng ngày. Ông viết đúng những gì ông nghĩ, chắc lọc. Bài số III (Hòn đá bên lều):
Bên lều một hóa thạch
Trong đá in hình cây
Trúc có riêng phong cách
Triệu năm đốt vẫn ngay.

Bài số X (Cặp phạm trù đáng nhớ), ông viết:
... Rừng đước dông không đổ
Nguồn nhâm nắng chẳng vơi
Gốc bền ở tại lòng ta cả!
...
Có khi, ông lại triết lý một cách trần trụi, như thể tự nói với mình, tự nhủ mình vậy:
Ngẩng đầu chỉ sợ một vật gì rơi
Trời là mái nhà không trần
... Đêm nay nằm dưới những vì sao
ngửa mặt lên trần
Mắt trần không thấy bụi
...!
(Bài số II – Trần trời)
Có một số bài như ở dạng phác thảo, câu thơ xổ bung ra theo ý tưởng và người ta dễ liên tưởng khi viết những câu thơ như thế ông chỉ chú ý đến việc diễn đạt ý tưởng nhiều hơn là chú tâm vào câu chữ. Chẳng hạn như ở Bài số V (Mưa xuân đặt phản đề cây cá):
... Ta vốn yêu những cảnh đẹp vĩ đại
của trời đất bể sông
những hình khe
thế núi
những thành phố
cánh đồng
những rừng thưa
rừng già
những cổ thụ mười hai người ôm.
..
Rồi ông lại tự trào cái nghiệp văn chương thơ phú của mình, hơn thế, ông mượn cớ để lên án tệ tham ô trong xã hội:
Cốc cốc đánh mõ rình cót thóc
Hề tôi dòng họ Vũ...
... Chuột đang chạy trong các kho dự trữ
Làm thơ chẳng đủ ăn phải viết truyện ngắn
Viết truyện ngắn chẳng đủ ăn phải viết truyện dài...
... Chuột đã bớt chạy trong các kho dự trữ
Viết tiểu thuyết sợ quá giàu phải viết truyện ngắn...

Chỉ ngỡ ông làm thơ, nhăm nhăm triết lý, hoặc bất cần câu chữ trau chuốt cốt sao diễn đạt được ý tưởng mà thôi, thì bỗng nhiên, ông lại trữ tình, sương khói:
... Đò qua Phủ Lạng
Tránh càn thuyền thúng nghé thôn bờ
Nhà nền – đất – nện
rơm năm nắng
Sương đẫm sân cau mờ
Cống trắng
ngã ba
đồng Trảng
Đi đi anh! Kẻo sáng bây giờ!
...
Bài số VI – (Chỉ gặp một lần)
Có thể nói, dù là ở vùng mỏ than Đông Bắc thời trước, hay khi đi kháng chiến, và sau này về sống lại vùng mỏ trong cảnh hòa bình, viết văn, hay làm thơ, Võ Huy Tâm bao giờ cũng là một con người nhập thế, nhập thế đến cùng, sống có trách nhiệm, và đích thực là người cầm bút vì những người lao động. Trong Bài số I (Hòm mìn), ông viết:
Bạn của tôi những người thợ mỏ
đã giúp tôi dựng túp lều bằng gỗ
Căn phòng của tôi
Sàn bằng gỗ hòm mìn
Trần bằng gỗ hòm mìn..
...Tất cả căn phòng là một cái hòm mìn!
Còn tôi, tôi phải là thuốc nổ
!
Sau này, xã hội ta nhức nhối bởi nạn “than thổ phỉ” tàn phá thiên nhiên, sinh thái, môi trường vùng mỏ, còn với riêng ông, không những đau, ông vẫn muốn làm một việc gì đấy, dù là nhỏ bé, để ngăn ngừa tác hại của nó:
Gần sáng trăng lên dậy vét ao.
Chỗ nào đào được người ta đào.
Trời mưa, lũ quét bừa, vùng trũng
Vỉa sạt bọn càn phạt lũng cao...
... Be bờ trồng rú chờ mong nác
Dưới đáy chợt mừng thấy ánh sao!

Bài số VIII – (Khi vét ao suy diễn)
Võ Huy Tâm qua đời vào cuối thu năm 1996, vừa đúng một năm sau lần tôi gặp ấy. Tôi vẫn cứ băn khoăn, khoảng thời gian một năm đó, ông có thêm bài thơ nào không? Nhưng thôi, với tôi, dù ít ỏi thế cũng đủ làm nên một nhà thơ và 10 bài thơ này là một chút thơ để lại đời! Ở ông, sống và viết đều nhất quán. Trong Bài số IV – (Tiếng chim), ông viết:
... Cánh chim trong bão
bả mồi lánh xa
...
Có lẽ, cho đến lúc mất, ông luôn tự nhủ mình, răn mình như vậy?!
Và cho đến mãi sau này, rôi mới biết, ông còn có một trường ca có tên Kể chuyện mở thời Tây, được sáng tác năm 1956, tác phẩm văn học thứ hai ngay sau Vùng Mỏ. Chính cái buổi trả lời phỏng vấn hôm ấy, khi diễn tả lại đời sống cơ cực của công nhân mở than thời Pháp chiếm đóng, ông đã đọc một thôi một hồi dài cho chúng tôi nghe, song tôi những tưởng là vè hay thơ ca khuyết danh chi đó do chính những người thợ mỏ ngày ấy sáng tác mà ông sưu tầm và thuộc lòng...
Về nội dung, tôi không bàn, song về nghệ thuật thơ ca, chắc chắn là trường ca ấy non tay hơn với những bài thơ ông sáng tác sau này. Nó gần với vè, ca dao, văn vần, nôm na, dễ thuộc, dễ nhớ. Hắn trường ca ấy phù hợp cho công tác tuyên truyền thời kỳ đầu...
Dẫu sao, cũng đủ thêm vào để nhận diện một Võ Huy Tâm – Thơ, trong khi chờ đợi bổ sung những bài thơ khác của ông (nếu có) mà chưa mấy người biết ?!...

Nhận xét