Sự nhầm lẫn không đáng có,


Vừa mới đây, trong một cuộc đàm đạo văn chương với các bạn văn tại phòng làm việc của mình ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ( số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội ), khi ai đó nhắc đến bài thơ Hạt gạo làng ta và bài hát cùng tên được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc, nhà thơ Trần Đăng Khoa tỏ vẻ không hài lòng. Ông bảo, rằng ông tự hào và biết ơn các cơ quan truyền thông báo chí của ta nhắc nhiều đến bài thơ và ca khúc ấy, nhưng ông lại buồn vì một sự nhầm lẫn không đáng có,... Ấy là, trong bài thơ Hạt gạo làng ta, ngay từ bản in đầu tiên đã là "những năm băng đạn, vàng như lúa đồng" và sau đó, trong tất cả các Tuyển tập thơ Trần Đăng Khoa khi xuất bản, câu thơ này vẫn nguyên như thế, nhưng không hiểu vì sao, nhiều bài viết khi trích dẫn, người ta lại trích sai thành "những năm bom đạn, vàng như lúa đồng" ? Ông còn cho biết, bài thơ Hạt gạo làng ta của mình được Trần Viết Bính phổ nhạc vào năm 1971 và sau đó được dàn dựng thu thanh do Kim Thoa lĩnh xướng cùng đội ca thiếu nhi tỉnh Nam Định trình bày, thì câu ca 'những năm băng đạn vàng như lúa đồng" cũng được hát chính xác như lời thơ-lời ca khúc. Sự nhầm lẫn ấy kéo dài, ngay vừa mới đây thôi, trong một bài viết đăng báo, câu thơ này cũng bị trích nhầm thành "những năm bom đạn vàng như lúa đồng"
Thực ra, hơn một lần, tôi được nghe nhà thơ Trần Đăng Khoa phàn nàn về sự nhầm lẫn không đáng có này. Ông giải thích, ngày ấy, ta chống trả máy bay của Mỹ ném bom miền Bắc bằng nhiều loại vũ khí, từ súng trường của dân quân thôn xã, tự vệ xí nghiệp, đến các loại súng trung liên, pháo cao xạ, tên lửa của bộ đội phòng không... Nhìn những viên đạn xếp trong băng đều tăm tắp óng màu vàng của đồng, nên nhà thơ đã ví von, so sánh với những bông lúa chín vàng trên cánh đồng làng mình,... và ở đây còn hàm ý sâu xa hơn, đó là trong chiến tranh bị bom tàn phá, quân và dân ta vẫn chống trả quyết liệt để bảo vệ làng xóm và những cánh đồng lúa chín. Ví von so sánh là băng đạn bắn máy bay Mỹ với bông lúa chín trên đồng làng, vừa cụ thể lại mang ý nghĩa biểu trưng. Chứ có ai đem ví bom đạn với lúa chín đâu. Như thế thì chằng ra làm sao cả... - Trần Đăng Khoa bảo vậy.
Ông mong, từ nay, nếu có ai trích dẫn câu thơ ấy, hoặc hát ca khúc phổ thơ ấy của nhạc sĩ Trần Viết Bính thì xin nhớ đúng cho là: NHỮNG NĂM BĂNG ĐẠN VÀNG NHƯ LÚA ĐỒNG.



Nhận xét

  1. Ngo Nam
    Sai lầm tai hại mang tính hệ thống và tệ nhất là k biết để sửa

    Trả lờiXóa
  2. Trịnh Tuyên
    Cá nhân tôi không thích nói dài về những điều hiển nhiên mà những người cầm bút phải có, sự so sánh bất ngờ mà người thơ có đc đõ là màu vàng ánh của băng đạn có gì đó cùng đồng màu với cánh đồng lúa chín, sự chín chắn, đối nghịch giữa màu tối tăm mà quân thù gieo rắc với sức sống tiền tàng đánh trả của một dân tộc. Vậy mà lại có kẻ hát bom đạn vàng như lúa đồng thật là những kẻ mù loà về nghệ thuật so sánh...

    Trả lờiXóa
  3. Phạm Huy Việt
    Tôi lại có suy nghĩ khác, mong quý bạn hữu thứ lỗi: Với tôi "bom" hay "băng" không quan trọng, cái quyết định là bài thơ tuyệt hay rồi. Giờ thành "lão" rồi, mà đi "đàn hặc" "ấu" Khoa khi đó thì kể cũng "giô duyên" thật, bởi "băng" hay "bom" cũng khó hiểu như nhau. Nó đã vậy nên đành cứ vậy. Mạo muội.

    Trả lờiXóa
  4. Trịnh Tuyên
    Phạm Huy Việt Cụ Việt lói thế là không được. Bom là bom, băng là băng chứ! Màu sắc và đặc tính khác nhau.

    Trả lờiXóa
  5. Phạm Huy Việt
    Trịnh Tuyên Thưa ngài, cái còm của tôi rất "tròn" nghĩa rồi. Tôi không muốn tranh luận thêm. Như Chunhac Nguyen nói tôi chấp nhận, còn như ngài nói thì e có "chiến tranh" đấy và khi đó "cháy thành vạ lây" đấy, người vạ lây là tác giả. Hãy dừng nha ngài.

    Trả lờiXóa
  6. Nguyễn Việt An
    Sao lại thế bác Phạm Huy Việt? Người ta nói "mọi sự so sánh đều khập khiễng". Nhưng ít nhất nó phải chấp nhận được bởi sự liên tưởng hợp lý. Băng đạn gồm những viên đạn kết lại với nhau, có thể liên tưởng đến bông lúa, mà từng viên đạn coi như những hạt lúa. Ở bài thơ, TĐK dùng hình ảnh so sánh "vàng như lúa đồng", có thể liên tưởng đến bông lúa chín thì sát hơn. Tuy nhiên chỉ cần hiểu là vàng như màu vàng của lúa đồng là đủ. Ko nhất thiết phải là bông lúa hay đồng lúa.
    Bom đạn ở đây là bom đạn của đối phương. Thêm nữa trái bom đen trùi trũi, và là vật thể rời rạc, có giàu tưởng tượng đến mấy cũng không liên tưởng đến bông lúa chín, hay đồng lúa chín được. Văn chương hay thơ ca không dễ dãi như cách hiểu xuê xoa xuề xòa. Mặt khác, về tác quyền, thì cần tôn trọng từng dấu phảy và từng từ của tác giả. Dịch vị trí dấu phảy, hay đổi 1 từ, ý nghĩa sẽ khác. Có lẽ bác Huy Việt cũng biết điều đó. Kính bác!

    Trả lờiXóa
  7. Chunhac Nguyen
    Phạm Huy Việt cứ phải chuẩn bản gốc đã, cụ ạ,

    Trả lờiXóa
  8. Nguyễn Tùng Quân
    Điều này TQ cũng đã " lăn tăn" lâu rồi giờ mới toại nguyện, cảm ơn bài viết của Chu tiên sinh

    Trả lờiXóa
  9. Thư Mập
    Cháu có tập thơ GSKT của NT Trần Đăng Khoa. Cũng biết bây giờ họ hát sai nhiều từ.
    Vào youtube vẫn nghe bài hát cũ. Và cháu kết nhất hai câu "quang trành quết đất" và "vục mẻ miệng gầu"
    Cái tiếng "mẻ" đúng tiếng miền quê nông thôn đồng bằng Bắc bộ chứ không phải giọng HN nhẹ nhàng

    Trả lờiXóa
  10. Bạch Dương Quảng Trị
    Thế mà lâu nay em vẫn nghe hát là bom chứ ko phải băng

    Trả lờiXóa
  11. Phuong Nguyen Duy
    Băng đạn vàng như lúa đồng thật hình tượng bác à, rất hay ạ. Hạt luá là thực phẩm thấy hình tượng hóa thành băng đạn rất gần với Ăn no và Thắng giặc...cảm ơn bác và tác giả.

    Trả lờiXóa
  12. Duc Hau Bui
    Gần đây một số chương trình ca nhạc thiếu nhi dàn dựng bài hát này đã thay : Giọt mồ hôi sa thành Giọt mồ hôi RƠI nghe rất khó chịu , ko biết tác giả TĐK có ý kiến gì chưa ?

    Trả lờiXóa
  13. Kien Doan
    Giống như "Mùa thu vào hoa cúc" của Xuân Quỳnh, Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Nhiều người cứ hát là "Mùa thu Vàng hoa cúc". Phan Huỳnh Điểu đã nhiều lần giải thích và yêu cầu hát cho đúng "Mùa thu Vào hoa cúc". Cái hay nó nằm ở "Vào".

    Trả lờiXóa
  14. Nguyễn Xuân Dương
    Nhầm lẫn tai hại quá

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét