Bảy Núi, miền ký ức ( phần 3-4)

Trường ca, 



3.

Phù Nam,

cái tên mơ hồ,

huyền sử

về một nền văn minh

xưa cũ

dấu tích còn đây,

Óc Eo vàng son

hai ngàn năm quá khứ

tượng thần Visnu,

những đồ gốm sứ,

những trang sức đồng vàng

những dụng cụ nghề nông,

tái hiện diện mạo một trung tâm

đô thị Phù Nam

sáng danh

năm châu bốn biển,

những thuyền buôn hội tụ

thương cảng đông vui, nhộn nhịp

cõi nhân gian,

bảy thế kỷ qua,

một vương quốc Phù Nam

mất dấu trên bản đồ thế giới,

vắng bóng ngàn năm,

cho đến thời mở cõi,

những chúa Nguyễn

tiên phong

khai phá

lâp giang san

biển lùi xa đến đâu

dấu chân người,

đến đó

trùng khơi xưa kia

nên châu thổ tốt tươi, màu mỡ

nhiều thế hệ con dân

bồi đắp xứ sở này,

Bảy Núi lênh phênh

bao mùa nước nổi nêng

gột bùn nhão thành đường,

vạch đất nên kênh rạch,

kênh Vĩnh Tế thông thương

mở lối ra với biển

vua Gia Long lệnh truyền

Nguyễn Văn Thoại đốc công

khai mở đất này,

ba vạn rưởi ngày công

chin mươi ngàn lượt dân binh

đổ mồ hôi và máu,

ba vạn khối đất bùn lẫn đá,

vật lên đôi bờ,

nối Châu Đốc Hà Tiên,

năm năm ròng

chướng khí lam sơn,

mấy nghìn người

kiệt sức mà bỏ mạng

nên hình hài Cao Đỉnh

vương triều

Bảy Núi âm thầm

Bảy Núi thương dân

làm chứng nhân

dọc thời đi mở đất,

Bảy Núi trấn

dài biên cương chất ngất

kiêu hãnh

dầm chân trong bùn đất

lừng lững nổi

bập bênh trong biển nước

mỗi mùa mưa

lũ dâng trắng băng đồng,

Bảy Núi ngông nghênh

ngửa mặt với trời

những cột trụ

để muôn dân nương tựa,…

 

 

4,

Bảy Núi

nỗi hờn căm chất chứa,

một thời chiến tranh

đất này thành chiến địa

khét lẹt khói đạn bom,

hai triệu đô la

tiền bạc giặc bỏ ra

mua vũ khí tối tân

điên cuồng đánh phá

một trăm hai mươi tám ngày đêm

Mỹ băm nát cả đồi Tức Dụp,

chẳng thể nào khuất phục

không làm sao

thắng ý chí con người,

một điểm son trong thế kỷ hai mươi,

mãi ghi tạc

trang sử vàng dân tộc

những du kích

những chàng trai chân đất

chỉ quen mương rãy ruộng vườn

cày bừa sạ lúa

chài lưới cá tôm,

những cô gái chèo xuồng

lượm hái bông sen, bông súng,

khéo tay dệt cỏ bàng thành chiếu nệm

chẳng ai nghĩ 

phải làm quen súng đạn

bắn giết nhau

phân chia phía địch ta,

từng coi nhau là người một nhà

giờ nhắm bắn

sao cho trùng đích,

hứng chịu bao đạn bom

biết hy sinh vì đất nước

khi tổ quốc cần

vì thống nhất non sông

một người đi kháng chiến

bao nhiêu nỗi chờ trông.

lại nỗi buồn riêng

chinh phụ vắng chồng

dạ cổ hoài lang

đêm trường khắc khoải,

chờ đến ngày

non sông liền một dải,

người đi

đã hóa hồn sông núi,

khói nhang thơm

phảng phất tận trời xanh,

nỗi đau riêng

bao giờ lá xanh cành ?...

(còn nữa)

Nhận xét