Sự thú vị ở một Trại sáng tác văn học,

Cà phê sáng quán Vườn tượng Phạm Văn Hạng (Đà Lạt) cùng các nhà văn Y Ban, Tô Hoàng, Nguyễn Thị Anh Thư và Phạm Thanh Khương, 

Đây là lần đầu tiên tôi dự một trại sáng tác văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Có chút háo hức, tò mò của cái sự gọi là đầu tiên. Hơn nữa, Trại lại được tổ chức ở một địa danh, mà chỉ gọi tên thôi, đã gợi lên niềm cảm hứng sáng tạo rồi, Đà Lạt,...

          Ngoài vài ba khuôn mặt, cái tên quen biết ở Hà Nội, tôi có chút chờ đợi xem mình sẽ được gặp những ai trong số hơn nghìn hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, tham dự trại sáng tác văn học này.

          Tiết trời mùa thu Đà Lạt khá lạnh, trời chợt mưa chợt nắng, trước sau, đủ 25 thành viên, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học lục tục có mặt. Được biết, trại sáng tác đợt này được Hội và Bộ chủ quản Nhà sáng tác ưu ái triệu tập đông hơn mọi lần (thường mỗi trại trước đây chỉ khoảng 15-20 thành viên). Hình như, năm nay, sau hai đợt cao điểm dịch Covid19, các nhà quản lý văn hóa có nới tay mà ưu ái hơn chút thì phải...

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà được Hội cử đại diện cho Ban Sáng tác phu trách trại viết. Nhà phê bình Nguyên An được cử làm Trại trưởng, với sự trợ giúp của hai nữ Trại phó xinh tươi là nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan và nhà văn Lê Hồng Nguyên.

Ngày ba bữa, việc của các nhà là đóng kín cửa phòng văn, và viết. Tuy nhiên, với cảnh sắc trời thu Đà Lạt quyến rũ làm vậy, dù đợt này có mưa nhiều do ảnh hưởng từ bão và áp thấp nhiêt đới trên Biển Đông, thì có nén đến mấy, cũng khó cầm lòng, không tránh khỏi phải bung cửa phòng văn mà rông ra phố, cà phê cà pháo, dạo quanh và la cà chợ đêm đôi chút. Tham quan thực địa cũng là một cách sáng tác mà.

Đợt này có mặt mấy vị cao tuổi là nhà văn Tô Hoàng, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Vương Tâm, nhà thơ Phạm Đình Ân, dịch giả Lê Đăng Hoan, nhà văn Nguyễn Hiếu... trẻ nhất là nhà văn Lê Hồng Nguyên thì nghe đâu cũng đã lên vai bà ngoại rồi.

Ngần ấy con người, nếp sống, thói quen sáng tác và phong cách văn chương mỗi người mỗi vẻ, sinh hoạt tập thể gần nửa tháng trời, dưới sự khéo léo và chân thành của người phụ trách là nhà văn Võ Thị Xuân Hà và Trại trưởng Nguyên An, mọi người quây quần chan hòa, ấm áp, thân tình như người một nhà...

Với các nhà thơ, quang cảnh thơ mộng của Đà Lạt và bầu không khí văn chương gợi mở, dễ lên men cảm hứng sáng tác tại chỗ, trong khi các nhà văn thì phần đông tập trung hoàn thiện hoặc chỉnh sửa, nhuân sắc các tác phẩm dài hơi của mình... Dự trại sáng tác, đương nhiên viết là trọng, song tôi nghĩ, việc giao lưu, đàm thoại về cuộc sống, về văn chương, nghệ thuật nói chung, kể cả việc tìm hiểu, để rồi cảm thông và chia sẻ cùng nhau những buồn vui trong cuộc đời mỗi nhà văn cũng quan trọng không kém, bởi ý nghĩa và giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn chương của mồi người đều từ lòng mình mà ra ?!... 


Tọa đàm về xu hướng sáng tác văn họa hiện này,

Nhà văn Tô Hoàng, người cao tuổi nhất (79) lại là người sôi nổi, nhiệt huyết bậc nhất. Ông đặc biệt thú vị và rất cuốn hút với những câu chuyện đầy bi hài từ thời chiến tranh chống Mỹ mà chính ông là nhân chứng, và nữa, các mẩu chuyện thuộc dạng “thâm cung bí sử” của nhiều nhà văn Việt Nam khi theo học ở Liên Xô cũ. Xem ra, ông còn nặng lòng với các chân dung văn học đang viết hoặc sẽ viết..,

Nhà văn Nguyễn Hiếu thuộc diện chăm chỉ bậc nhất, ngày hai buổi cặm cụi gõ phím chữ, song hành với một tiểu thuyết và một kịch bản sân khấu đang viết dở cùng về đề tài lịch sử là Khúc Thừa Dụ và Phạm Ngũ Lão. Riêng mỗi tối thì ông dành trọn cho thể thao, ăn uống qua quýt cho xong rồi nhanh nhanh chóng chóng về phòng đắp chăn dán mắt vào ti vi xem bóng đá Ta và quần vợt Tây, ai rủ đi đâu cũng từ chối.

Nhà văn-địch giả Lê Đăng Hoan luôn xởi lời và sắn lòng chia sẻ sự hiểu biết và những kiến thức của mình về ngôn ngữ và văn học Hàn Quốc. Triều Tiên, những điều mà không phải các nhà văn nhà thơ nào cũng biết.

Nhà thơ Phạm Đình Ân vẫn giữ được sự cần mẫn vốn có. Ông cẩn trọng, mực thước, rành rẽ trong mọi chuyện. Ông chu đáo tặng cho mọi người tác phẩm mới của mình-“Trong người có lá”, tập thơ dành cho tuổi thơ. Ở thời này, vẫn viết cho tuổi thơ là điều hiếm. Ông vẫn giữ thói quen viết tay mà không sử dụng vi tính.

Nhà thơ Phạm Xuân Trường, nghiện thuốc là khó ai bằng. Khi cao hứng, ông đọc các bài thơ đầy sự chiêm nghiệm của mình, cảm hứng sáng tác nhanh không kém việc ông xài hết vài bao thuốc lá mỗi ngày. Nhà thơ đất cảng Hải Phòng này tài hoa riêng có, ấy là sáng tạo tác phẩm gò đồng chân dung hàng trăm văn nghệ sĩ đất Việt mà ông quý trọng, yêu mến. Vào Đà Lạt, ông kỳ công mang mấy bức chân dung gò đồng là tác phẩm của ông để tặng cho người được ông khắc họa hiện đang sống ở đây.

Nhà văn Vương Tâm thì luôn bận bịu. Dường như lúc nào ông cũng đang mắc nợ trả bài cho ai đó, tờ báo nào đó một bài tản văn, bút ký, hay chân dung văn học. Những khi tỏ ra thư thái, ông có niềm vui uống trá Thái Nguyên đặc cắm tăm và rủ mọi người cùng thưởng bằng bộ ấm chén trà nhỏ xíu trong hành lý mang theo của mình. Nghe nói, ông có thú vui chơi và có bộ sưu tập ấm chén trà rất đáng nể.

Nhà văn Phạm Thanh Khương thì rất chi cuốn hút khi kể những câu chuyện liên quan đến lĩnh vực biên phòng mà ông từng nhiều năm công tác. Con người ông toát lên sự tháo vát, nhanh nhẹn và quyêt đoán trong công việc và cuộc sống. Ông rất am hiểu và chia sẻ cùng mọi người những kinh nghiệm, sự hiểu biết về văn hóa và tập tục của nhiều dân tộc  thiểu số miền núi. Ông dành tâm huyết cho một tiểu thuyết lịch sử đang viết dở, ấy vậy, trên trang của mình ở mạng xã hội. ông hay đăng các bài thơ ngắn, ý tứ hàm súc và ngôn từ mới lạ,... Phạm Thanh Khương rỉ tai vài người báo tin rằng sắp tới ông được tặng thưởng giải Nhì cuộc thi viết về đề tài Vì an ninh tổ quốc và sự bình yên của cuộc sống do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Nhà văn Y Ban thành danh với các tác phẩm văn học của mình thì ai cũng biết, song có lẽ đây là lần đầu, nhiều nhà văn tham dự Trại sáng tác được biết thêm một cái tài nữa của Y Ban, ấy là hát chầu văn. Màn biểu diễn Cô đôi thượng ngàn của Y Ban hôm khai mạc Trại khiến mọi người ngạc nhiên thích thú,

Nhà thơ Đỗ Thị Tấc của vùng đất Lai Châu, Tây Bắc thì nhiều người biết đến với một phong cách thơ của người vùng cao dân tộc thiểu số, song ít ai rõ, nữ sĩ này người Kinh, quê gốc đất nhãn lồng Hưng Yên, chọn Lai Châu làm quê, yêu văn hóa Thái và hăng hái với công việc bảo tồn văn hóa Thái còn máu hơn cả người Thái xịn. Đến với Trại sáng tác này, Đỗ Thị Tấc luôn gây ra những trận cười sáng khoái, bởi chất tự nhiên hoang dã, hệt như một “gã đàn ông dân tộc thiểu số”. “Anh chàng” này còn tranh thủ kêu gọi quyên góp sách truyện, đặng tha lôi về quê, lập thư viện cho trẻ em vùng cao.

Các nữ sĩ của miệt vườn Tây Nam bộ là nhà thơ Song Hảo và Thu Trang khá thùy mị, kín đáo. Dường như ít bộc lộ quan điểm cá nhân, ngoài việc tự giới thiệu ngắn gọn về mình và đọc thơ trong buổi khai mạc Trại, thì các nàng có vẻ thu mình. Riêng nhà thơ Trần Thái Hồng mạnh dạn hơn, chịu khó giao tiếp, đọc thơ, tặng sách cho mọi người. Nghe đâu, Thái Hồng còn là một doanh nhân khá thành đạt. Việc tự cầm lái ô tô riêng từ quê nhà miệt Đồng bằng sông Cửu Long lên tới Đà Lạt, vượt chặng đường hơn 500 km thì cánh đàn ông cũng phải nể.

Các nhà văn Trần Thị Trường, Nguyễn Thị Anh Thư, nhà thơ Phạm Hồ Thu và nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan vốn thân nhau đã lâu thì hay quây quần cùng người chị cả là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn theo cái cách rất chi thân tình “chị em ta bánh đa bánh đúc” .

Riêng nhà văn Nguyễn Thị Phước vẻ ngoài hơi lạnh, khá kín đáo, ít nói, kiểu người hay suy tư. Nghe đâu, nữ nhà văn này từng một thời cầm trịch giới văn học nghệ thuật vùng đất Núi Hồng Sông Lam với chức danh Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam và đã gặt hái được kha khá giải thưởng văn học. Vẻ ngoài vậy, nhưng khi trò chuyện lại ân cần. Khi hào hứng, sẵn lòng mời mọi người cà phê sáng hoặc thưởng vang Đà Lạt trong bữa ăn.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và Trần Quang Đạo bám nhau như sam. Một ông, lâu lâu buông vài câu chủng chẳng, còn ông kia, một khi lên tiếng là như lên đồng. Một sự bổ trợ cho nhau. Hai vị này hay bỏ cơm Trại vì không hợp khẩu vị, ra ăn bên ngoài, thỉnh thoảng còn lôi kéo thêm lão gia Tô Hoàng đi cùng. Về thơ ca, cả hai đều có sự khẳng định mình, và có thể xem là hai giọng điệu thơ khác lạ... Trần Quang Đạo khá kín đáo, chẳng rõ đang nghĩ gì viết gì, còn Nguyễn Linh Khiếu thì đang nhuận sắc và đe sẽ sớm cho ra lò tập mới, về độ ngồn ngộn chữ nghĩa chắc cỡ ngang Phồn sinh...

Hồ Khải Hoàn (con trai của nhà thơ Hồ Khải Đại), một bác sĩ chuyên khoa nội tiết, toàn tài thơ và nhạc, và nhà văn Lê Hồng Nguyên (con gái nhà thơ Lê Hồng Thiện và phu nhân của nhà thơ Phạm Khải) là trẻ nhất trại, song về tuổi đời cũng trên dưới ngũ tuần cả rồi. Hai người đã đem đến Trại sáng tác ít nhiều sự sôi động trẻ trung.

Với nhà văn Tô Hoàng.


Sự giao lưu của các văn nghệ sĩ ở Đà Lạt và các nhà văn Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện sinh sống ở đây, như nhà nhiếp ảnh Hà Hữu Nết, họa sĩ-nhà thơ Vi Quốc Hiệp, nhà thơ Vương Tùng Cương và một số văn nghệ sĩ khác đã đem đến Trại sáng tác luồng sinh khí vui vẻ, chan hòa. Hơn nữa, việc tổ chức tọa đàm về xu hướng sáng tác văn học hiện nay đã tạo cơ hội để các nhà văn bộc lộ mình, thể hiện cái nhìn khi đánh giá xu hướng chung và quan điểm riêng có về sáng tác văn học...

Vẫn còn nữa, những chuyện nhặt nhạnh từ Trại sáng tác văn học Đà Lạt 2020 có thể ra đây, nhưng xin dành cho dịp khác. Ngót nửa tháng tập trung ở Nhà sáng tác, mọi người đều gắng hoàn thành dự định của  mình. Trong lễ bế mạc, Trại trưởng Nguyên An đã tổng kết, đặng đưa ra nhận xét, đánh giá tóm tắt, báo cáo kết quả lên Hội Nhà văn. Song có một điều, nằm ngoài mọi báo cáo, ấy là các nhà văn đã có một quãng thời gian đủ để hiểu thêm về nhau, để trở nên thân tình hơn trong cuộc sống, và đặc biệt, sự giao tiếp và đàm thoại văn chương ở Trại sáng tác, vô hình chung đã kích hoạt sự sáng tạo tiềm ẩn, sự gợi mở mới lạ trong mỗi người lên nhiều lần. Để rồi, sau đó, sẽ có những tác phẩm văn học hay được khởi nguồn từ các Trại sáng tác như thế...

Những điều này, nhà thơ Trần Nhương, Trưởng trại sáng tác văn học 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam ở Đại Lải dịp hè vừa qua, cũng bày tỏ sự đồng tình.


Nhận xét