Bảy Núi, miền ký ức (Toàn bộ Trường ca)


 

Bảy Núi, miền ký ức,...

 

1.

 Một sớm

mùa mưa

Sài Gòn thức giấc

tiễn chân

một cháng trai xứ Bắc

chuyến xe đò

lăn bánh đi Miền Tây.

lướt ngang

những Bến Lức, Vàm Cỏ

là đây

Mỹ Tho đã ngay trước mặt

ôi những tên miền

tên đất

sách vở nghe tên

nay mới đặt chân

những cánh đồng mông mênh

cò bay mỏi cánh.

mùa nước nối

trắng băng tít tắp

dập dềnh

 chòm xóm nổi nênh

sông Tiền

chắn ngang

đò giang Mỹ Thuận,

những tiếng giao hàng

đều đều

não ruột

khách bộ hành đường xa

thảng thốt,

đồng cách sông ngăn

bao chừ trở lại quê.

mẹ già một thân

chuối chín từng ngày

nhỡ héo rụng

ai người chăm đỡ,

lại sắp mùa đông

đêm trời trở gió

thấm nhắc tên con

bạc tóc qua đêm.

ngủ cầm chừng

nhẩm tính việc cho con

đâu cần chi

mặc chuyện nước non...

 

Và em nữa,

nơi mái trường xa nhớ

cô giáo trẻ vốn quen ở phố

nay về quê dạy học

quen chăng,

chúng mình vừa ngỏ lời

chưa qua một tuần trăng,

vậy mà tạm chia tay

đôi phương trời biền biệt,

phà lênh đênh

băng chéo dòng nước xiết.

ta ngửa mặt nhìn trời

gửi mây nhắn lời thương...

rồi đây

sẽ là những đêm trường

thương mẹ

nhớ em

một trời xa phương Bắc,

rồi sẽ

những tháng ngày bạc tóc

nắng gió trời Nam

vời vợi mây ngàn,

những Long Xuyên, Châu Đốc, Tịnh Biên

ngăn cách Cấm Sơn

bên kia trời Bảy Núi,

khô mắm

quẹt kho

canh chua me

cá rô bông súng.

lẩu cá linh

dưa điên điển

ly rượu đế

cầm canh

nuôi thương nhớ

hằng đêm ...

 

2.

 

Bảy Núi

đón ta

giữa mùa nước nổi,

trăng băng chân trời

núi như dừa khô

lổn nhổn

bồng bềnh

dăm bày hòn nhô

trời nước

một màu

con đường

mong manh

như sợi chỉ căng ngang

ta ngợp

giữa một trời mây nước,

Cấm Sơn chon von

Nam Vi như chén úp

núi Dài quằn quại như trăn

thị trấn xác xơ

vừa đi qua cuộc chiến tranh

đầu lâu xương khô

chồng chất mồ Ba Chúc

máu vung vãi chùa chiền

oan hồn uất ức

cả vùng đất

nửa mê nửa thức

năn nác um tùm

cứ hoang dại mà lan,

ta như con nai

lưu lạc

giữa rừng hoang

chẳng biết tìm gì

chẳng lối ra khỏi bẫy,

ngày đôi bữa

cơm canh chua cá rô bông súng

túi hết tiền

nước mắm mặn quẹt khô,

nghe giọng Nam

câu được câu thưa

đêm đêm

đếm giọt mưa

não ruột canh khuya

cải lương vọng cổ,

Dạ cổ hoài lang

oán khúc trăm năm

ta lại nhớ

Đường trường thu không

mơ chiếu chèo sân đình

Thị Màu Thị Kính

thèm điệu Lới lơ

con mắt ai lúng liếng,

đưa tình

những người chị

vắng chồng mải chiến chinh

mòn mỏi đợi chờ

chăn đơn gối chiếc

đêm đêm lén khóc

hà hít áo chồng

thấm nước mắt

cầm canh

nhớ những em gái

phơi phới tuổi đôi mươi

bỏ học giữa chừng

lấy thương binh đáp nghĩa

điệu vọng cổ

hay điệu chèo cũng thế,

là nơi đàn bà

an phận thương thân

nơi giấu lửa tình

chôn khao khát thanh xuân

nên dẫu ở miền nào

hai đầu đất nước

đều buồn đến não lòng

thấu gan cắt ruột

đau nhói con tìm

thân gái buổi loạn ly,

làm sao níu chân

những đấng nam nhi

dẫu vỗ ngực

ta đây sống chết

vì non sông

thề chiến đấu đến cùng,

có thấu nỗi lòng

bao mòn mỏi chờ trông

bóp nghẹt con tim

nên nỗi đau góa bụa,

mênh mông trời

bạt ngàn đồng lúa

mang mang nước lên

tê tái câu hò,

vọng cổ năm canh

thức những buồn lo

âm âm vọng về

từ thời người mở đất...

 

 


3.

Phù Nam,

cái tên mơ hồ,

huyền sử

về một nền văn minh

xưa cũ

dấu tích còn đây,

Óc Eo vàng son

hai ngàn năm quá khứ

tượng thần Visnu,

những đồ gốm sứ,

những trang sức đồng vàng

những dụng cụ nghề nông,

tái hiện diện mạo một trung tâm

đô thị Phù Nam

sáng danh

năm châu bốn biển,

những thuyền buôn hội tụ

thương cảng đông vui, nhộn nhịp

cõi nhân gian,

bảy thế kỷ qua,

một vương quốc Phù Nam

mất dấu trên bản đồ thế giới,

vắng bóng ngàn năm,

cho đến thời mở cõi,

những chúa Nguyễn

tiên phong

khai phá

lâp giang san

biển lùi xa đến đâu

dấu chân người,

đến đó

trùng khơi xưa kia

nên châu thổ tốt tươi, màu mỡ

nhiều thế hệ con dân

bồi đắp xứ sở này,

Bảy Núi lênh phênh

bao mùa nước nổi nêng

gột bùn nhão thành đường,

vạch đất nên kênh rạch,

kênh Vĩnh Tế thông thương

mở lối ra với biển

vua Gia Long lệnh truyền

Nguyễn Văn Thoại đốc công

khai mở đất này,

ba vạn rưởi ngày công

chin mươi ngàn lượt dân binh

đổ mồ hôi và máu,

ba vạn khối đất bùn lẫn đá,

vật lên đôi bờ,

nối Châu Đốc Hà Tiên,

năm năm ròng

chướng khí lam sơn,

mấy nghìn người

kiệt sức mà bỏ mạng

nên hình hài Cao Đỉnh

vương triều

Bảy Núi âm thầm

Bảy Núi thương dân

làm chứng nhân

dọc thời đi mở đất,

Bảy Núi trấn

dài biên cương chất ngất

kiêu hãnh

dầm chân trong bùn đất

lừng lững nổi

bập bênh trong biển nước

mỗi mùa mưa

lũ dâng trắng băng đồng,

Bảy Núi ngông nghênh

ngửa mặt với trời

những cột trụ

để muôn dân nương tựa,…

 

 


4.

Bảy Núi

nỗi hờn căm chất chứa,

một thời chiến tranh

đất này thành chiến địa

khét lẹt khói đạn bom,

hai triệu đô la

tiền bạc giặc bỏ ra

mua vũ khí tối tân

điên cuồng đánh phá

một trăm hai mươi tám ngày đêm

Mỹ băm nát cả đồi Tức Dụp,

chẳng thể nào khuất phục

không làm sao

thắng ý chí con người,

một điểm son trong thế kỷ hai mươi,

mãi ghi tạc

trang sử vàng dân tộc

những du kích

những chàng trai chân đất

chỉ quen mương rãy ruộng vườn

cày bừa sạ lúa

chài lưới cá tôm,

những cô gái chèo xuồng

lượm hái bông sen, bông súng,

khéo tay dệt cỏ bàng thành chiếu nệm

chẳng ai nghĩ 

phải làm quen súng đạn

bắn giết nhau

phân chia phía địch ta,

từng coi nhau là người một nhà

giờ nhắm bắn

sao cho trùng đích,

hứng chịu bao đạn bom

biết hy sinh vì đất nước

khi tổ quốc cần

vì thống nhất non sông

một người đi kháng chiến

bao nhiêu nỗi chờ trông.

lại nỗi buồn riêng

chinh phụ vắng chồng

dạ cổ hoài lang

đêm trường khắc khoải,

chờ đến ngày

non sông liền một dải,

người đi

đã hóa hồn sông núi,

khói nhang thơm

phảng phất tận trời xanh,

nỗi đau riêng

bao giờ lá xanh cành ?...

 

 

5.

Bảy Núi

niềm vui chung

chưa thỏa

khói đã cuộn lên

Ba Chúc

vẩn bẩu trời

súng lại nổ

máu loang chùa

giết chóc,

dã man

tàn bạo

hệt thời trung cổ

chày đập toác đầu

tầm vông nhọn thọc đâm

nát cửa mình đàn bà con gái

xác người chất chồng

phơi đỏ đường làng

lấp đầy giếng nước sâu

mười hai ngày đen tối,

ba ngàn một trăm năm bảy mạng oan.

tội sát nhân,

lịch sử gọi tên

Khơ-me Đỏ,

chơi trò dã man thời trung cổ

hãy gọi tên

kẻ nào

núp đắng sau

bày tội ác tày trời ?

hãy gọi tên

kẻ giật dây

tung hứng

giết chóc

chơi trò diệt chùng

tàn hại dân tộc mình,

ám toán láng giềng,

chơi tiếp mẹo

tọa sơn quan hổ đấu,

ra nơi không phòng bị,

đánh lúc bất ngờ

dẫu có mưu sâu kế bẩn

chực chờ,

cũng chẳng dễ lừa bàn dân mắc bẫy,

tượng đài nhà mồ

trên đất xưa máu chảy,

để muôn sau

ghi tội sát nhân,

ơi những hồn oan,

yên nghỉ giữa lòng dân,

đất mẹ hiền từ

ngàn đời

che chở,…

 

 


6.

Bảy Núi,

những chóp mái

chùa Khơ-me vời vợi

vươn lên trời xanh

những phum sóc quây quần,

nơi nương náu

tình thần mộ đạo

những dân lành Phật giáo

quanh năm cày ruộng làm nương,

vất vả sớm hôm

chẳng một lời than

bao nhiêu của cải

sẵn lòng dâng cửa Phật,

chỉ giữ lại tấm lòng chân thật,

làm vốn riêng cho mình,

tự biết phận chúng sinh,

nương cửa Phật

làm những điều phúc đức,

tự răn lòng

chờ làm điều gì ác,

đến rắn thần Nagar, chằn tinh Yeak

dẫu hung dữ bao nhiêu

cũng quy Phật

hiền từ.

hãy như chim thần Krud

giang cánh lấy thân đỡ mái chùa,

hay tiên nữ Apsara ca múa

hay như thần Bayon canh bốn phía,

giữ lành cõi Phật an vui

giữ bình yên cho cuộc sống con người,

được cấy trồng mùa vụ tốt tươi,

niềm hạnh phúc dưới mái nhà no ấm.

để mỗi mùa mưa

hội đua bò náo nhiệt

để tết Đôn-ta

nhà đầy bánh trái

dâng lên lễ bái ông bà,

để tết Cholchnam Thmay

té nước thỏa thuê

người người dày thêm phúc lộc,

 

Bày Núi,

dưới bóng núi Dài, núi Tượng

tự bao giờ

sinh đạo Tứ ân,

những người đàn ông,

trang phục bà ba đen

bới tóc, râu chòm guốc mộc,

lấy Hiếu nghĩa ở đời làm trọng,

ân tổ tiên,

ân đất nước hàng đầu,

ân Tam bảo gốc rễ bền sâu,

ân đồng bào

và bao la nhân loại,

Đức Bổn sư, Ngô Lợi,

xưa kia kháng giặc Tây

lập đạo chiêu nhân,

theo chiếu Cần vương

lập ấp khẩn hoang,

nuôi chí bền gây dựng,

dẫu chẳng thể dời non lấp biển,

đạo còn đây

ân tiên tổ, non sông,

học Phật tu nhân,

giữ đạo làm dân,

chuyện thường tình,

âu cũng là trọn nghĩa,...

 


7.

Bảy Núi,

những sáng mờ sương

những hoàng hôn bóng tối,

làng ấp bình yên

mưa nắng hai mùa

nhuần cây cỏ ruộng đồng

xanh mát vườn đừa

hàng thốt nốt vươn cao

tỏa bóng râm,

nước ngọt lành

ban người trồng hái,

thân trổ lên lên trời

những sinh thực khí,

nên phẩm chất đàn ông

truyền giống giữ nòi,

vườn tiếp vườn

xoài mít tốt tươi

quả trĩu nặng tay người,

ngon thơm

như bầu ngực đàn bà

đời dâng hiến

núi tiếp núi,

nuôi nguồn sinh lực,

nên địa linh nhân kiệt

vạch biên cương.

những chúa Nguyễn

chín đời

xưa vượt Đèo Ngang

khí phách lưng trời

cũng chắng nghĩ

đến ngày

xoay dọc đất

bước tiếp bước

khai phá Gia Định trấn,

nhà Tây Sơn

chỉ lối vung gươm

Cà Mau vươn khơi

trấn biển Hà Tiên

dằng dặc trời Nam

đất Thăng Long thương nhớ

đã mấy thế kỷ qua

khai mở.

thi nhân Huỳnh Văn Nghệ

cất lời thơ

xứ Bắc hỡi

góc trời Nam da diết

gió châu thổ

thổi ngàn năm tha thiết

lịch sử trầm mình

máu lẫn mổ hôi

bỏ mạng vì chiến tranh

bao kiếp con người

nên mỡ màng phù sa

ngấn đồng chua nước mặn

chín nhánh Cửu Long

mang mang sóng nước

nên xóm nên làng

rã cánh cò bay

dải gấm xanh

trời thả xuống đây

cắm Bảy Núi

làm đinh ghim

chốt chặt,

cử người hiền

mở mang kênh rạch

chăm chỉ nông tang

chài lưới nương thân

chẳng mong ước chi nhiều

chỉ lập ấp yên dân

canh giữ đất này

bình yên muôn thuở

Bảy Núi,

dận gót chân châu thổ

bảy chấm cao

chòm thất tinh

sáng rực

cuối trời Nam !...

 

10.2020


Nhận xét