Bóng văn nhân,

Ảnh lấy từ trang cá nhân của nhà thơ Trần Nguyên Vấn 


Đây là bức ảnh lưu niệm chụp tại cầu thang tòa biệt thự Pháp ở Trụ sở 58 Quán Sứ, Hà Nội, nơi làm việc một thời gian dài của Ban Văn học Nghệ thuật Đài TNVN (VOV)

Trong ảnh có nhiều nhà văn tầm cỡ của Việt Nam (nay hầu như đã khuất)

Khương Hữu Dụng, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Bùi Hiển, Bửu Tiến, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Vũ Tú Nam, Vũ Cao, Trần Lê Văn, Trinh Đường, Nguyễn Xuân Khánh,

Còn các nhân vật của Đài TNVN thì có:

Hoàng Ngọc Anh, Trần Nhật Lam, Lê Đình Cánh, Trần Nguyên Vấn, Nguyễn Bùi Vợi, Vũ Hà, và Phó Tổng Giám đốc Phạm Mai Luân, cùng Đức Duy- trưởng phòng Hành chính Thu ký Ban VHNT

***

Bóng văn nhân (tản văn)

Gần đây, nhà thơ Trần Nguyên Vấn, người có mấy chục năm làm việc ở Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) hay đưa lên trang cá nhân của mình ở mạng xã hội Facebook những bức ảnh thuộc diện quý hiếm, ấy là những bức ảnh chụp các văn nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam từ nhiều năm trước, mà hầu hết các vị đã là "người muôn năm cũ" rồi....

Đặc biệt, ngày 06/12/2020, ông đưa lên bức ảnh thuộc diện rất quý hiếm, mà ở đó ta thấy sự hiện diện của nhiều nhà văn, nhà thơ diện đầu bảng của làng văn chương xứ Việt mình, như: Khương Hữu Dụng, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Bùi Hiển, Bửu Tiến, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Vũ Tú Nam, Vũ Cao, Trần Lê Văn, Trinh Đường, Nguyễn Xuân Khánh,...Cũng trong bức ảnh này, các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch của Đài TNVN, nay đã khuất bóng là Hoàng Ngọc Anh, Nguyễn Bùi Vợi, Lê Đình Cánh, Vũ Hà, người còn sống thì đều ở độ tuổi ngoài tám mười, ngót nghét chín mươi là Trần Nhật Lam, Trần Nguyễn Vấn, 

Ôi, bóng văn nhân !...

Tôi gọi vậy, với những nhà văn, nhà thơ thuộc hàng cây đa cây đề của làng văn chương, đã khuất bóng lâu nay, bởi giờ đây, người ta còn nhớ đến và hình dung về họ qua những bức ảnh, những bức chân dung hội họa, hay qua những thước phim tư liệu và qua những tác phẩm văn học mà họ để lại bằng cách in cái bóng của mình vào từng trang sách,...

Năm 2020, Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm sinh các văn nhân lớn của đất Việt như Tố Hữu, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Kim Lân, Vũ Đức Phúc, mới thấy vai trò và sự đóng góp to lớn của họ cho tiến trình phát triển văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại. VTV cũng làm một số phim tài liệu chân dung các nhà văn, nhà thơ như Anh Thơ, Bùi Hiển, Võ Quảng... Những thước phim chân dung, những tham luận, hội thảo làm hiện lên bóng hình một thời, mà bây giờ, ta mới cảm thấy rõ sự tróng vắng mà các bậc văn nhân ấy để lại khi họ ra đi, mặc dù vẫn biết cái quy luật "tre già măng mọc",...

Tôi có may mắn gặp mặt một số văn nhân nổi tiếng do tình cờ. Tôi từng có nhiều năm làm việc đầu phố Bà Triệu, Hà Nội. Chẳng là, Đài Tiếng nói Việt Nam có cả một dãy văn phòng biên tập và kỹ thuật sản xuất chương trình phát thanh, từ số nhà 37 đến 45 phố Bà Triệu. Vi làm việc ở đây, nên những con phố gần đó như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hàm Long, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài trở nên thân thuộc với tôi. Hàng ngày ra vào cơ quan, những hôm cà phê giữa giờ, hay xuống phố ăn trưa, loanh quanh mua sắm lặt vặt, mà tôi nhác thấy, thậm chí chạm mặt các văn nhân nổi tiếng, này đã khuất bóng như Huy Cận, Hoàng Cầm, Kim Lân, Ngô Quân Miện, Phạm Tiến Duật, Nhật Tuấn v.v... Rồi nữa là nhà thơ Vân Long, nhà văn Băng Sơn. Sở dĩ tôi hay bắt gặp các văn nhân, thi sĩ là vì trong khu vực ấy có mấy cái số nhà rất oách là 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, và 17 Trần Quốc Toản, tòa soạn Báo Văn Nghệ; và cách đấy không xa còn số nhà 65 Nguyễn Du, từng là trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam một thời, trước khi Hội dời sang nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, nhường chỗ cho Nhà xuất bản Hội Nhà văn và tòa soạn các Tạp chí văn học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhận xét