Thày giáo dạy văn của tôi,

 Tết Nhâm Thìn (2012) - Thày Lê Thường và nhà thơ Trần Đăng Khoa



Sớm nay, ba chúng tôi, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà báo Trịnh Bá Ninh và tôi hẹn nhau cùng đưa tiễn nhà giáo Lê Thường về cõi hạc ở tuổi 91,...

Hôm nay, trời mưa phùn, kiểu "quá mù ra mưa", điển hình của thời tiết chính đông khi có gió nồm thổi nhẹ. Con đường Phùng Hưng mờ hơi nước, lát đầy những chiếc lá bàng đỏ sậm rụng qua đêm.
Xong việc hiếu, ba thằng thư giãn, phỏ gà Tình và cà phê Bằng Lăng gốc vườn hoa Hầng Đậu. Chuyện về thày Lê Thường, rồi miên man chuyện thời học trò với những đề thi học sinh giỏi văn, rồi chuyện mở sang văn chương thơ phú,.. Có cái để mà nhớ, mà kể,...
Nhà giáo Lê Thường trước đây dạy văn ở Trường Cấp 3 Nam Sách, sau chuyển về Ty giáo dục Hải Hưng (cũ) chuyên công tác theo dõi, phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn cho tỉnh. Sau thầy chuyển về Trường cấp 3 Văn Lâm ( Hưng Yên) dạy môn văn lớp tôi năm lớp 8 (hệ 10/10). Năm 1972, chính thày hay mang thơ Trần Đăng Khoa ra bình giảng trong giờ học và ngoại khóa, vô hình chung đã làm này mầm văn chương và thôi thúc tôi theo nghiệp báo chí, văn chương sau này ... Tôi biết ơn thày về điều đó.
Thày Lê Thường đã viết cả một cuốn sách kể chuyện phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn chương trẻ, mà ở đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa là nhân vật chính.
Sau này, khi cả tôi và Trần Đăng Khoa đều công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thì thày Lê Thường hay lui tời trụ sở 58 Quán Sứ, chuyện trò, bình luận về văn chương. Những bức ảnh này là chụp tại Phòng làm việc của tôi dịp xuân Nhâm Thìn (2012).
Trong tập sách KHI LÒNG TA CHỢT NHỚ THU (Nxb Lao Đông, 2014), tôi có bài viết THÀY GIÁO DẠY VĂN CỦA TÔI ở đấy tôi viết về thầy Lê Thường,đặc biệt giới thiệu cuổn sách của thày- VỚI TRẦN ĐĂNG KHOA. TUÔI HỌC TRÒ (Nxb Văn học, 2010),
Mấy năm gần đây, thày Lê Thường yếu dần, Trần Đăng Khoa chuyển sang Hội Nhà văn, còn tôi nghỉ hưu nên thày trò chúng tôi ít có dịp gặp nhau,..

Thầy giáo dạy văn của tôi

Sáng thứ bảy, ngày 21.7.2012, tại Thư viện Hà Nội,\ diễn ra buổi giới thiệu tập sách “Với Trần Đăng Khoa, tuổi học trò“ của nhà giáo Lê Thường. Rất đông bạn đọc đến dự buổi giới thiệu sách, trong số đó có Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng và nhà thơ Nguyễn Đình Xuân, phóng viên báo Quân đội nhân dân.

Sau buổi lễ, tôi có nhận được cú điện thoại của Gs,NGND Nguyễn Lân Dũng, ông bày tỏ sự thích thú và rất khen buổi giới thiệu sách này. Sau đó, tôi có đọc bài giới thiệu ngắn kèm ảnh của Nguyễn Đình Xuân trên Blog cá nhân của anh. Tuy nhiên, tôi thấy có một số chi tiết chưa thật chính xác, nên muốn nói thêm đôi điều về nhà giáo Lê Thường cùng cuốn sách về Trần Đăng Khoa của ông...

Theo thông tin, buổi giới thiệu sách đó, có 2 điều đặc biệt, ấy là chính tác giả, nhà giáo Lê Thường cũng không có sách ( ông còn duy nhất một cuốn, lại đưa cho các bạn PV truyền hình mượn ); thứ nữa, nhà thơ Trần Đăng Khoa vì lý do việc gia đình đột xuất, nên vắng mặt vào giờ chót tại buổi giới thiệu sách so với dự kiến ban đầu.

Cuốn sách “Với Trần Đăng Khoa, tuổi học tròđược NXB Văn học ấn hành cuối năm 2010 với số lượng 700 cuốn, và do NXB tự phát hành theo hệ thống của mình, nên tác giả ( thầy Lê Thường ) chỉ được một số cuốn theo quy định chung. Kể từ thời điểm phát hành đến thời điểm đó đã gần 2 năm, nên bạn đọc chúng ta giờ có muốn tìm mua thì cũng chẳng còn thấy bán ở đâu cả

Tôi có được nhà giáo Lê Thường tặng một cuốn nhân buổi đến thăm nhà thầy ở phố Minh Khai, Hà Nội. Sau đó, tôi cho Trần Đăng Khoa mượn xem và anh giữ lại cho anh. Một lần, thầy Lê Thường đến thăm tôi tại cơ quan và đã tặng bù tôi một cuốn. Theo thầy thì phải rất khó khăn mới có được cuốn sách ấy để tặng tôi.

Trong bài viết của mình, Nguyễn Đình Xuân giới thiệu, dẫn lời Chử Thu Hằng, đại ý là, nhà giáo Lê Thường là người phụ trách và dạy lớp Bồi dưỡng học sinh giỏi văn của Hải Hưng kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 10 ( hệ 10/10 ) năm 1975 mà trong số thành viên có Trần Đăng Khoa, Trịnh Bá Ninh, và tôi.

Về điểm này, xin nói rõ thế này :

Lớp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi văn lớp 10 tỉnh Hải Hưng ( cũ ) năm 1975 kỳ thi Học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, nhà giáo Lê Thường không liên quan gì và cũng không giảng một bài nào. Khi ấy, nhà giáo Lê Thường đang giảng dạy bộ môn Văn học ở Trường cấp 3 Văn Lâm (Hải Hưng  cũ ). Còn vì sao nhà giáo Lê Thường lại được biết đến với tư cách là người tham gia bồi dưỡng dẫn dắt Trần Đăng Khoa trong sáng tác thời học sinh phổ thông là bởi công việc và quan hệ khác.

Nhà giáo Lê Thường từng có một thời gian dạy học nhà thơ Trần Nhuận Minh ( anh ruột nhà thơ Trần Đăng Khoa ) ở cấp học phổ thông. Khi Trần Đăng Khoa phát lộ tài thơ thần đồng của mình, thì khi đó, thầy Lê Thường không giảng dạy, mà đang công tác tại Ty Giáo dục Hải Hưng. Thầy Lê Thường được Ty Giáo dục Hải Hưng phân công việc phát hiện và tham gia bồi dưỡng các năng khiếu văn học trẻ cho tỉnh nói chung. Vì vậy, có một thời gian dài, thầy Lê Thường hay đi về Quốc Tuấn, Nam Sách gặp gỡ trao đổi công việc với bản thân Khoa và các thầy giáo dạy môn Văn của Khoa, nhằm kèm cặp, dẫn dắt Trần Đăng Khoa phát triển năng khiếu văn chương, cũng việc giới thiệu và tập hợp xuất bản những tác phẩm của Khoa. Nên cũng có thể nói, Trần Đăng Khoa là một trường hợp đặc biệt trong công tác của thầy Lê Thường. Theo cuốn sách này, thầy Lê Thường cũng nói rõ vai trò của mình trong giải nhất kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 7 ( hệ 10/10 ) của Khoa. Thầy Lê Thường còn tham gia vào nhiều hoạt động văn chương của Khoa ở tỉnh và trung ương sau này ( đã được viết trong cuốn sách này ).

Niên khóa 1972-1973, khi tôi vào học lớp 8/10 Trường cấp 3 Văn Lâm, khi đó thầy Lê Thường không còn công tác ở Ty Giáo dục Hải Hưng nữa, mà chuyển về dạy bộ môn Văn học ở đây. Chính thầy Lê Thường dạy Văn lớp 8D tôi học. Cũng khẳng định rằng, chính thầy Lê Thường là người phát hiện khả năng sáng tác văn học của tôi, và khơi dạy trong tôi khát vọng văn chương. Tôi nhớ, khi ấy, trong bài giảng của mình, thầy Lê Thường hay mang thơ Trần Đăng Khoa ra đọc, rồi thích thú phân tích, kể cả chuyện bếp núc rằng Khoa sáng tác bài này bài nọ trong hoàn cảnh như thế nào... Đám học sinh chúng tôi say mê mẩn, và cũng kể từ đấy, tôi tập tọng làm thơ, viết truyện. Điều này, tôi đã viết trong bài “ Khát vọng văn chương “ ( in trong tập “ Những người thắp lửa “ của tôi ).

Còn Kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc năm 1975 ( khi ấy chưa giải phóng miền Nam ), diễn ra vào đầu tháng 4/1975. Trước kỳ thi ấy, chúng tôi gồm 20 người ( trong đó có Trần Đăng Khoa, Trịnh Bá Ninh, và tôi ) được tập trung về Trường Cấp 3 Hồng  Quang ( Thị xã Hải Dương ) từ khoảng giữa tháng 2. Ngoài việc bồi dưỡng thêm kiến thức văn học, chúng tôi vẫn phải học các môn học bình thường khác, nhằm đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm đó. Dạy bồi dưỡng văn cho chúng tôi là thầy Hậu, thầy Trị. Thầy Lê Thường năm đó không được tỉnh triệu tập. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chúng tôi ở lớp bồi dưỡng, thầy Lê Thường có chuyến công tác về thị xã Hải Dương và thầy có ghé thăm lớp chơi, hỏi thăm cả lớp tình hình học tập nói chung, trong đó có 2 hai người học trò quen cũ là Khoa và tôi.

Trở lại việc giới thiệu cuốn sách này, thầy Lê Thường đã bàn với Trần Đăng Khoa và tôi từ đầu năm nay, song do công việc bận rộn của hai chúng tôi nên cứ lùi mãi, và đã có lần phải gọi điện hủy giấy mời. Lần ấn định sau cùng này cũng đã được ba thầy trò bàn tính kỹ. Ấy vậy mà, gần đến ngày thì tôi đột xuất nhận lệnh đi công tác Tây Bắc, còn Khoa lại vắng mặt đột xuất vì việc gia đình. Thật tiếc và thấy có lỗi với thầy Lê Thường.

Tôi có gọi điện nhờ Chử Thu Hằng mời giùm các anh em bạn bè làng Blog Tiếng Việt đến dự, và giới thiệu vắn tắt qua điện thoại về thầy Lê Thường và cuốn sách. Có lẽ, Chử Thu Hằng nghe qua một lần, nhớ mang máng, nên có đôi chút nhầm lẫn chăng ?

Vậy nên, tôi viết bài này, nhằm nói thêm cho rõ, và cũng là để tạ lỗi với thầy Lê Thường vì đã vắng mặt trong buổi giới thiệu cuốn sách của thầy. Chúng tôi cũng đã bàn với thày việc tái bản cuốn sách, có sửa chữa, bổ sung, và chính Trần Đăng Khoa, cùng tôi sẽ tham gia vào việc biên tập cuốn sách cho lần tái bản tới đây...

 

 


Nhận xét