Nhớ mùa đông rẻo cao,

 


MÙA ĐÔNG RẺO CAO
( bút ký văn học )
(Rút từ tập THỜI GIAN KHÔNG TRỞ LẠI, Nxb Hội Nhà văn 2018)
Chủ bút:
Những ngày đông giá rét này, vùng núi cao phía Bắc (Mẫu Sơn, Phia Oắc, Sapa, Y Tý, Ô Quy hồ,Tà Xùa. Mộc Châu. Pha Đin ...) đã có băng tuyết, sương giá... Nhớ những chuyến công tác miền núi vào mùa đông cũ. Post lại bài viết này cho có tý... thời sự,...
@@@
Mùa đông, đầu tháng mười một âm lịch, đã có những đợt rét hại, nhiệt độ càng về cuối năm càng xuống thấp, ở Mẫu Sơn, Sa-pa xuống thấp trên dưới không độ, gây sương muối băng giá. Mấy năm rồi, mùa đông giá rét sương muối, băng tuyết kéo dài đến cả tháng khiến trâu bò mấy tỉnh miền núi phía Bắc chết rét khá nhiều.
Vào thời điểm giá rét, tôi có chuyến công tác dài ngày ở Lào Cai. Dọc đường từ Yên Bái lên Bắc Hà, đường dốc quanh co lầy trượt, bám một bên là núi, một bên là dòng sông Chảy mà ngược lên. Dòng sông Chảy mùa cạn nước phô ra những khúc quanh lồi lòm, nhấp nhô những sỏi đá xo xắt, xám ngoét trong cái rét. Cây cối đôi bờ cũng trơ trụi, mốc khô vì sương giá. Nhìn những khúc sông cạn trơ đáy, nhiều chỗ dòng chảy chỉ còn hẹp như dây chão len lỏi giữa đá tảng lổn nhổn nơi lòng sông , tôi tự nhủ, không biết những loài cá quý như cá lăng, cá anh vũ nổi tiếng của vùng sông suối miền rừng núi phía Bắc trú ngụ vào đâu ?
Cửa ngõ vào thị trấn Bắc Hà, giữa ban ngày mà sương mù đặc quánh, thu tầm nhìn xa chỉ còn chừng mươi mét. Xe chúng tôi đi bò rù rì ngược dốc không phải vì nặng mà do không thấy rõ đường. Anh lái xe dù đã bật đèn gầm song vẫn phải vừa cầm lái vứa nhổm hẳn người khỏi ghế, ghé sát mặt vào kính nhìn cắm xuống mới thấy đường lờ mờ. Tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài màn sương trắng đục, nhưng tôi biết, hai bên đường, bên là vách núi dựng đứng, còn bên kia là vực sâu thẳm, chỉ cần lệch tay lái tý chút thôi là chuyện xấu sẽ xảy ra, và lúc ấy hậu quả thật khôn lường. May là có một chiếc xe máy từ phía sau vượt lên trước, rồi chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, nó bật đèn chạy chầm chậm ngay trước mũi ô tô của chúng tôi, như ngầm dẫn đường. Anh lái xe cứ nhìn vào đèn hậu của chiếc xe máy mà đi. Và như thế, chúng tôi vượt qua được cung đường sương mù để vào thị trấn Bắc Hà.
Cả tuần ở Bắc Hà, trời mưa lúc mưa lúc hửng và khá rét. Khuya sớm nghe lóc cóc tiếng vó ngựa của bà con người Mông đi chợ phiên. Sớm dậy đi công tác xuống bản, tối lại về thị trấn. Hằng ngày, qua lại nhiều lần nên nhìn cái dinh thự sừng sững của Hoàng A Tưởng đang được đầu tư bảo tồn quét vôi mới vàng suộm dần bớt trướng mắt. Những nếp nhà dọc phố chính thị trấn tuy không ít căn mới dựng kiểu nhà lầu hình ống nơi phố xá dưới xuôi, song phần đông vẫn gợi dáng vẻ xưa cũ kỹ, êm đềm, góp phần làm nên một Bắc Hà hư ảo sống dậy từ quá khứ. Riêng cái chợ ngựa Bắc Hà nổi tiếng và đã đi vào tranh ảnh nghệ thuật, thì bị sơ tán ra chợ tạm xa hơn, nhường chỗ cho chợ mới đang được xây dựng. Mùa này, cũng là mùa cưới, từ bản gần như Bản Phố, đến bản xa nơi Hoàng Thu Phố, Tả Van Chư, Lùng Phìn, Tả Củ Tỷ…đâu đâu cũng bắt gặp những đám cưới rực rõ sắc màu váy áo, gặp mùi thơm quyến rũ của thắng cố, của xôi nếp nương quện mùi thịt lợn luộc ngầy ngậy, và đặc biệt mùi men rượu Bắc Hà. Trang điểm cho các đám cưới thêm sắc màu, hương vị tình tứ là những vườn mận trắng trời hoa, và những cây đào nụ hồng sớm nở …
Từ Bắc Hà ngược tiếp lên Simacai, rồi từ thị trấn vào đồn biên phòng Sán Chải giáp biên giới Việt-Trung, dọc đường bắt gặp rất nhiều những cung ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang ở đây nếu đem so thì không thể sánh với vẻ đẹp như tranh vẽ, như khắc tạc với ruộng bậc thang ở Mù-cang-chải (Yên Bái ), hoặc Sa-pa, song cũng khá ấn tượng. Tôi luôn có cảm giác thích thú mỗi khi bắt gặp những thảm ruộng bậc thang rải rác khắp núi rừng phía Bắc. Nền văn minh lúa nước ở xứ Việt mình, từ cổ sơ, con người đã phát minh ra hình thái ruộng bậc thang để giữ lấy từng giọt nước trời ban cho cuộc sống nơi hạ giới. Đứng trước biển cả mênh mông hoặc khi giông trời bão lũ, có thể con người ta thấy nước là thừa, song thử hỏi, cả vũ trụ bao la kia, con người đâu đã tìm nổi hành tinh thứ hai có nước ? Bởi có nước là có sự sống. Thế nên, cái hình thái ruộng bậc thang cổ sơ kia, vẫn hiện nhiên đắc dụng trong thời đại của vi tính.
Nếu ở Bắc Hà, sương mù chỉ dày đặc nơi cổng trời cửa ngõ, thì lên tới Simacai, cả vùng thị trấn như biến mất trong sương mù dày đặc. Mấy ngày ở đấy mà chưa một lần tôi được nhìn bao quát khung cảnh cả thị trấn, bởi sương trắng mờ mịt tất thảy. Xe máy, ô tô chạy trong phố thị ban ngày cũng vẫn phải bật đèn, dò dẫm vì sợ va quệt nhau. Giàng A Giả, chàng trai trẻ người Mông, nhân viên Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, suốt mấy ngày làm người hướng đạo cho chúng tôi. Khi lần mò vào bản sâu ở Nàn Sán, lúc đến đồn biên phòng ở Hóa Chư Phùng ( Hoa Trúc Bằng ), sát bờ sông Pải Hô biên giới, khi xuôi xuống Cán Cấu, Giàng A Giả luôn tận tụy, linh hoạt. Dù phong cách ra dáng anh cán bộ tổng hợp của huyện, từ cách nói năng đến hình thức bên ngoài giày tây áo khoác da, song mỗi khi nhắc đến chuyện làng bản, chuyện phong tục, làm ăn của người Mông, Giàng A Giả lại y nguyên một chàng trai Mông vừa chất phác thật thà mà vẫn có gì đó láu lỉnh. Chàng trai người Mông này học xong trung học phổ thông thì tham gia cán bộ đoàn xã, rồi xã lên huyện. Thấy có khả năng, huyện gửi về Hà Nội học Đại học Kinh tế quốc dân theo chế độ cử tuyển. Sau bốn năm đèn sách, đi lại giữa thủ đô với quê hương Simacai năm đôi lần vào mỗi dịp nghỉ hè và tết, chàng trai học được nhiều điều. Tốt nghiệp, Giàng A Giả về nhận công tác tại văn phòng UBND huyện nhà. Giờ là lúc anh có thể mang những kiến thức và hiểu biết trả nợ quê hương. Hôm chúng tôi đi bản Mông vùng núi cao Nàn Sán, trời mưa dầm dề khiến đường lầy bùn đất trơn trượt. Để đến được nhà cụ già người Mông thổi khèn Mông hay có tiếng trong vùng, chúng tôi phải bỏ xe đi bộ trong bùn đất dính nham nháp chừng nửa cây số, rồi lại hì hục bám mấu đá, rễ cây ngược con dốc dựng đứng mà bò lên. Ấy vậy mà Giàng A Giả cứ như không, leo lên tụt xuống những mấy lần, băng băng chẳng cần bấu bám vào cái gì. Trời rét buốt, ngồi bên bếp lửa trong nhà ấm cúng, già bản Mông lấy khèn ra thổi. Ánh lửa chập chờn, hai người Mông, hai thế hệ, già trẻ cách nhau cỡ non nửa thế kỷ, đều như mê đi trong điệu khèn Mông. Người già, trải gian khổ, từng chắt bóp miệng không dám ăn thắng-cố mỗi khi đi chợ phiên, tính toán làm ăn thành khá giả, nay nhà có đàn trâu bò mấy chục con. Người trẻ, được gia đình cho ăn học, được nhà nước bồi đắp, nay có bằng đại học kinh tế, thạo điện tử vi tính. Người già thì am tường và gìn giữ phong tục văn hóa dân tộc mình với những điệu khèn điêu luyện nổi tiếng trong vùng. Người trẻ, giày tây áo da, tự thẹn với mình và mọi người, vì chỉ có thể thổi khèn Mông ra tiếng chứ không thành điệu thành bài chi cả. Còn tôi, cảm nhận tiếng khèn Mông mà thầm phỏng đoán nỗi lòng hai con người ấy. Thế nào mà chả có bóng dáng một vài cô nàng với những mối tình lỡ dở thời trai trẻ. Một sự chuyển đổi vừa đáng vui song vẫn đượm nỗi buồn, phải chăng là thế ?
Với bầu không khí giá rét, sương mù và mưa phùn suốt những ngày đông tháng giá như thế, sẽ là buồn tẻ nếu không có bầu không khí ấm cúng và thân thiện đem lại từ nơi những quán ăn nhỏ rải rác trong thị trấn. Quả là khi bước vào quán ở đây, mọi nỗi ưu tư thường nhật dường như được trút bỏ trong phút chốc. "Bàn ghế đơn sơ nhưng tấm lòng rộng mở", phảng phất câu thơ của Hoàng Trung Thông viết về miền núi những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, gợi về.
Bát đũa bày lên bàn còn nóng hổi vì mới được nhúng vào chảo nước sôi trước khi mang ra cho khách. Thực khách cóng tay vì rét có thể cầm chiếc bát xoay nhẹ trên lòng tay mà sưởi ấm. Còn như vẫn thấy lạnh, khách có thể kéo ghế ngồi quanh một chiếc hỏa lò than tàu rực hồng phía bên trong với những bắp ngô nếp, sắn tươi, khoai lang đặt nướng sẵn trên rìa miệng lò dần chín mùi thơm lừng. Đặc biệt nữa, một chiếc đĩa sứ được đổ rượu bày lên bàn ăn, chủ nhường khách châm lửa cho rượu trong đĩa bùng cháy xanh lét, tỏa hương quyến rũ. Mọi khí lạnh và sương giá bị xua tan hết, chỉ còn lại bầu không khí của ẩm thực, khiến thực khách phải nén nuốt nước miếng, trước khi những món ăn được bưng ra. Đấy cũng là cách để chủ quán chào thực khách, cả ngầm khoe và cảnh báo về nồng độ và hương vị hảo hạng của loại rượu bản địa mà nhà hàng sẽ hầu khách quý. Rồi đó là món ăn, thường là măng luộc chấm chẩm chéo, rau rừng tiến vua luộc hoặc xào tỏi thịt bò, thịt thú rừng xào lăn, cá suối rán ròn ; còn món ăn cơm, có thịt gà ta rang gừng hoặc thịt lợn, giống lợn Mường Khương hay giống bản địa rang sém cạnh, canh măng chua hay canh mướp đắng… Tan bữa, sự dễ chịu vẫn còn ở cái giá cả cũng phải chăng. Cả khách, chủ đều hài lòng.
Hôm chúng tôi xuôi lại Bắc Hà, trùng vào ngày có chợ phiên Cán Cấu. Giàng A Giả tiễn chúng tôi bằng phiên chợ nổi tiếng của vùng quê mình. Khi chợ phiên Bắc Hà đang dần bị thương mại hóa bởi kinh tế thị trường dưới xuôi tràn lên thì chợ phiên Cán Cấu vẫn giữ được vẻ nguyên sơ. Không hiểu thường ngày thế nào, chứ khi đó, sắp đến tết Mồng, mà tết Nguyên đán cũng đã gần, chợ phiên đông vui náo nức lắm. Đông vui là thế, song cũng có thể chia ra thành mấy nhóm hàng, chợ gia súc trâu, bò, ngựa, lợn, chó, gà ; chợ nông cụ và đồ gia dụng; chợ váy áo và hàng xén; và chợ của ẩm thực. Phiên chợ rẻo cao thường là chợ của sắc màu, của thanh âm và mùi vị. Chợ của sắc màu, bởi váy áo của cánh đàn bà phụ nữ rực rỡ đủ màu. Chợ của thanh âm, là bởi tiếng của nhiều dân tộc thiểu số, chen vào đó là tiếng khèn sáo từ sườn núi vọng xuống, tiếng ba hoa hay lè nhè của đám bợm rượu, tạp lẫn tiếng gia súc gia cầm. Chợ của mùi vị, trước hết bởi mùi thơm nồng của thắng cố quện với hương vị rượu men lá, mùi chua ngậy của món phở Mông, mùi thơm của xôi nếp nương, hương tinh khiết của món bánh pà-cúa-dế, và cả cái mùi nằng nặng của hơi người tỏa ra nơi áo váy…Trời rét ngọt, chúng tôi quây quần quanh tô thắng cố nghi ngút khói thơm, cùng tô mèn mén, nâng chén rượu, Giàng A Giả mặt đỏ ửng, nói với chúng tôi, thực ra là nhắm vào hai cô gái trong đoàn, rằng cậu ta có một tâm nguyện đã hứa với người cha, một ngày kia sẽ đưa cha về thăm phố phường thủ đô và vào Lăng viếng Bác Hồ.
Trời đứng bóng, chia tay Giàng A Giả bịn rịn. Tưởng sẽ nhẹ nhàng mà xuôi. Tình cờ lại gặp những cảnh ngộ khác. Cách cái chợ phiên Cán Cấu chỉ một quãng ngắn thôi, có mấy ngôi nhà tĩnh lặng, như tách biệt khỏi cái chợ ồn ào và con lộ chạy ngang ngày đêm ầm ào tiếng xe cộ. Ở đấy, có hai cô gái trẻ khá xinh xắn người dưới xuôi, một là giáo viên tiểu học, một là nhân viên trạm y tế. Cô nhân viên y tế chưa cùng ai, còn cô giáo viên đã có con, bé gái hơn một tuổi. Hỏi ra, chồng dân vãng lai, làm đâu đó ở một xí nghiệp liên doanh dưới xuôi. chấm chẳng năm lên thăm vợ con đôi lần rồi biền biệt, để hai mẹ con nuôi nhau. Ba người, hai đàn bà và một bé gái ở với nhau thì vui sao nổi. Khi trò chuyện với cánh báo chí chúng tôi, hai cô tỏ ra vui vẻ, song nhìn kỹ vào gương mặt, vào sâu con mắt họ, vẫn ẩn chứa nỗi buồn tẻ, nỗi niềm xa vắng… Cứ như họ nằm đâu đó bên rìa cuộc đời, chẳng quan hệ đến ai, chẳng liên quan gì đến cái chợ, đến những chiếc xe qua lại ngày đêm ngoài kia … Chỉ có mấy cây mận, cây đào trước cửa, thì năm lại năm, đông qua xuân đến, hoa trổ cánh trắng cánh hồng, như an ủi, xẻ chia nỗi lòng của họ, lại như thầm báo hiệu một năm mới với chút hy vọng nhỏ nhoi !...
Men bờ dòng sông Chảy mà xuôi, Simacai và Bắc Hà với giá rét sương mù đã ở lại phía sau. Nhưng nỗi lòng của mấy cô gái nọ, tâm nguyện của Giàng A Giả ước một lần đưa cha về thăm thủ đô, tiếng khèn Mông của già bản ở Nàn Sán, tiếng vó ngựa lóc cốc sớm tinh mơ về chợ Bắc Hà thêm nặng lòng người về. Rồi đó, hương vị thơm nồng của rượu Bản Phố, ngầy ngầy của món thằng-cố, hương thảo mộc tinh khiết của món bánh pà-cúa-dế…dìu dịu mà đằm thành nỗi nhớ lúc nào không hay…
Tôi lại nghĩ về làng quê mình, lúc này hẳn mọi người đã ra đồng tìm hái rau khúc về làm bánh. Lại sắp đổ ải, và quay đi ngoảnh lại, tết Nguyên đán đã ập đến nơi rồi. Tha hồ mà tất bật, công việc đồng áng không thể bê trễ mà vẫn phải lo chuẩn bị củi lửa nồi bánh chưng, lại còn sắm sanh bao nhiêu thứ lặt vặt, mà cái gì cũng đều tiền cả, để cho cái tết tươm tất…
Rẩm riu lòng, tết này, có một cành đào núi nhỉ !... ./.



Nhận xét