Củ khoai nướng, cánh diều và ước mơ cháy bỏng,...
"Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro" -
Với riêng tôi, thì đây là bài thơ hay nhất của Đồng Đức Bốn.
Tất nhiên, tôi còn thích nhiều bài thơ, nhiều câu thơ khác của Đồng Đức Bốn, nhưng theo tôi, bài thơ ngắn chỉ vỏn vẻn bốn câu lục bát này, nhà thơ đã khái quát, thi vị hóa cái ước mơ bé nhỏ của hầu hết trẻ con nông thôn xứ Việt mình...
Tôi đã từng bình bài thơ này trong chuyên mục của một tờ báo nọ, rồi cũng đã lấy câu thơ kết của bài thơ này làm tít cho một bài viết khác từ vài chục năm trước, khi Đồng Đức Bốn còn chưa mấy nổi và vẫn đang bước đường lang bạt của mình...
Tôi kém nhà thơ Đồng Đức Bốn gần chục tuổi. nhưng có thể xem như cùng thế hệ, bởi hoàn cảnh xã hội nói chung và nông thôn Việt mình ở vào quãng thời gian ấy như nhau. Tôi đã có chục năm đi học ở quê và cũng đã từng một lần nếm mùi trượt đại học nên thấu hiểu và thấm thía thế nào là "mải mê đuổi một con diều/ củ khoai nướng để cả chiều thành tro"!?...
Ngày đi học ở quê, tôi không mấy thạo việc đồng áng. Lỗi tại người gốc quê nhưng sinh ra ở phố, rồi chiến tranh lại phiêu dạt về quê, nên dở dang vậy. Mà đã ở quê, thì phải thạo việc nhà nông. Chuyện đồng áng đã có các chị gái tôi lo, việc của tôi là học, và cách hai ngày lại có một phiên trâu. Có phiên trâu nên phải chăn trâu thôi. Chăn trâu, phiền nhất là không để trâu ăn lúa hoặc phá hoại hoa mầu của HTX. Nhưng sau mỗi vụ gặt, tranh thủ lúc đồng chỉ còn rơm rạ, tha hồ mà thả trâu và chơi diều giấy. Chuyện chăn trâu, vơ rạ rơm, lá cây khô đốt lửa, nướng khoai, thả diều thì đúng như Đồng Đức Bốn đã viết. Song hàm ý sâu xa mà nhà thơ đã gửi gắm. ấy là ước mơ bay cao bay xa của đám trẻ quê, làm sao ra khỏi lũy tre làng, làm sao thoát khỏi chuyện chăn trâu, cày bừa, gặt hái, thoát khỏi việc chân lấm tay bùn, nắng lửa mưa giông, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, như bao kiếp cha ông, tổ tiên mình đã trải?...
Ước mơ ấy, không sai, và cũng tội lỗi chi đâu. Chính đáng đấy chứ. Thế nhưng, khó khăn làm sao. Trẻ con ở nông thôn, những năm chiến tranh chống Mỹ, học hành được chăng hay chớ, ngoài giờ học ở trường, về nhà quẳng cặp ra đấy, còn giúp giập cha mẹ việc nhà nông nữa chứ. Cơ may, nhà nào khá giả chút, trẻ con đỡ đầu tắt mặt tối việc nhà, hoặc giả, trời cho đầu ông thông minh, học nhanh vào, chứ thời gian đâu mà học bài ở nhà. Buổi lên lớp, thầy cô giáo kiểm tra bài cũ, cả lớp rúm ró vào, sợ thầy cô gọi lên trả bài, chẳng biết gì mà nói. Sách giáo khoa chẳng đủ. học hành sao cũng được. Ở làng, cố hết cấp 2 (7/10), trai phông phổng thì nhập ngũ, gái ở nhà giúp cha mẹ vài năm rồi lấy chồng. May ra, có dăm đứa thích học lên cấp 3 (bậc THPT), để có điều kiện thì trung học cao đẳng hay ước mơ đại học.
Tôi may mắn, bố mẹ cho cơ hội học lên, cũng có giúp thêm việc nhà nhưng chút ít thôi, vả lại, học lực khá, các lớp các cấp đầu diện đứng đầu, và năm nào cũng được chọn đi thi học sinh giỏi toán, hoặc văn, có năm cả hai. Ấy vậy, mà tôi trượt đại học, mới cay đắng làm sao?!
Số là năm cuối cấp 3, lớp 10, tôi thi học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh và trúng vào đội tuyển của tỉnh Hải Hưng để tham dự kỳ thi Toàn miền Bắc (khi ấy chưa giải phóng miền Nam thông nhất đất nước). Sau gần hai tháng tập trung đội tuyển tại thị xã Hải Dương, hoàn thành kỳ thi, đội tuyển giải tán, tôi trở về trường học nốt và dự kỳ thi tốt nghiệp vào tháng 5 năm 1975. Năm ấy, ta giải phóng miền Nam, phấn khởi thế nào, thi tốt nghiệp 6 môn, nhưng tôi vẫn hoàn thành kỳ thi xuất sắc. Thi đại học, tôi chọn trường Kiến trúc với mong muốn theo nghề của bố tôi là kiến trúc sư. Tôi có phần chủ quan, nghĩ thế nào cũng đỗ, lại thêm tơ tưởng tình yêu được với một cô bạn gái chung đội tuyển học sinh giỏi. Chưa hết, trươc đó, tôi có tập tọng thơ phú, khi tham gia đội tuyển, gặp gỡ và học chung với thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, lại thêm dính chuyện yêu đương, thế là thơ tuôn lai láng, sao nhãng ôn luyện toán, lý, hóa, nên kết quả, thiếu nửa điểm để đủ chuẩn vào Đại học kiến trúc. Lòng những tái tê, cay đắng. Hiểu thế nào là "Cười như thầy khóa hỏng thi"...
Quyết chí thi lại năm sau, ở nhà giúp mẹ và tự ôn luyện. Giờ thi tôi thấm thía tình cảnh diều đứt dây là sao rồi. Vậy nên, sau này, đọc bài thơ Chăn trâu đốt lửa của Đồng Đức Bốn, tôi thấm lắm, thấy nhà thơ nói hộ lòng mình. Ngày ấy, dẫu bạch diện thư sinh, nhưng tôi đang ở cái tuổi sức dài vai rộng. Chẳng lẽ, ăn bám mẹ già, nên cũng phải chọn làm việc gì đó, giúp giập mẹ chứ. Ngoài phụ giúp mẹ, tuần vài buổi tráng bánh đa gạo, tôi nhận với Ủy ban xã đảm nhiệm việc kẻ khẩu hiệu trên các bức tường nơi công cộng, rồi nhận với HTX thôn việc đo lại ruộng.
Chữ tôi vốn đẹp, kẻ khẩu hiệu có thể trình bày theo dăm ba kiểu chữ khác nhau, chân phương, vuông thành sắc cạnh cũng được, mà bay bướm hoa mỹ cũng khá. Thế là, vài tháng một lần, người ta đưa cho tôi mấy khẩu hiệu mang tính hô hào, cổ vũ thi đua sản xuất, hoặc chào mừng gì đó để tôi kẻ lên tường. Mực thì tự chế bằng cách lấy lõi than chì của pin đã dùng hết, đập ra rồi tán mịn, hóa với nước thành mực. Còn bút cũng tự chế nốt, bằng cách chặt đoạn tay tre, đập tòe một đầu để chấm mực kẻ vẽ. Khi viết lên tường phải kê ghế đứng lên, hoặc bắc thang trèo lên viết. Cái khó là chữ to, viết sao cho đều nét, cỡ chữ bằng nhau và tính khoảng cách chia số chữ ra cho đều, trình bày sao cho cân đối. Lúc đầu, có chút chệch choạc, sau rút kinh nghiệm, khá ổn.
Còn đo ruộng, với tôi thì quá dễ. Chỉ phải tội, chang chang ngoài đồng gần nửa tháng mới xong. Tôi đội nón lá, chỉ việc đứng trên bờ, chỉ đạo mấy cậu thanh niên lội ruộng cầm sào đo. Ruộng to nhỏ, hình thù méo mó, cạnh bờ lệch nhau bao nhiêu, đều xong tuốt. Tôi cứ theo nguyên tắc, chia ruộng ra, quy theo các hình vuông, chữ nhật, tam giác hoặc hình thang, tính diện tích từng phần, rồi tổng lại là xong. Vậy là, với hai việc lớn đó, năm ấy tôi giúp mẹ được xã trả cho một số công điểm kha khá. Thêm nữa, tôi cũng có được chút thiện cảm từ cán bộ thôn xã, làm nhạt đi cái suy nghĩ cố hữu về gia đình tôi vốn được quy là thành phần "không trong sạch" ở thời ấy, đặng có đỗ đại học thì người ta mới phê duyệt thành phần lý lịch mà cho đi học.
Có chút vất vả của việc nhà nông, có chút cay đắng của sĩ tử hỏng thi, tôi âm thầm ôn tập và kỳ thi năm ấy, tôi trúng tuyển với điểm khá cao. Tôi cũng không kén chọn trường này nọ, bởi khi ấy, mục tiêu của tôi là vượt ra khỏi lũy tre làng, còn học gì chẳng quan trọng. Chuyên ngành đào tạo là nông nghiệp, nhưng công việc sau này của tôi lại là báo chí. Và tôi thấy, nhưng năm tháng sống ở nông thôn và kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp, rất hữu ích cho việc làm báo chuyên nghiệp của tôi. Quan trọng, học cao lên, người ta học được cách nghĩ về mỗi sự việc, vấn đề, và để giải quyết nó thì có thể bắt đầu từ đâu. Hay nói cách khác là phép tư duy trên cơ sở góc tiếp cận...
Kể từ ấy, đã hơn bốn mươi năm qua, nông thôn Việt Nam thay đổi nhiều lắm. Bờ xôi ao mật, tiện giao thông đã bị các xí nghiệp vừa và nhỏ thôn tính, mà có doanh nghiệp thì chỉ lấy cớ sản xuất này nọ, thực ra là chiếm dụng đất, chờ cơ hội kinh doanh bất động sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sông ngòi thì ứ đọng và ô nhiễm. Đồng ruộng ít đi nhưng nhiều nơi bỏ hoang, không ấy hái hay trồng hoa màu gì. Người ta đổ lỗi cho sản xuất nông nghiệp ít lờ lãi, nông sản rẻ mạt. Nam thanh nữ tú thì nếu không ra được thành phố sinh sống thì cũng đi làm công ta quanh quất đâu đó, tháng kiếm lương dăm ba triệu, chứ chẳng ai muốn ở làng làm nghề nông, mặc dù bây giờ điều kiện đầu tư công nghệ và áp dụng cơ giới hóa thuận tiện. Ai cũng chê và buông bỏ nghề nông. Đồng ruộng chỉ dành cho những người già và người yếu thế không thể làm nghề gì khác. Sau vụ gặt, chẳng ai thèm gom rạ rơm, vì không nuôi trâu bò, còn đun nấu đã có bếp ga, bếp điện. Rạ rơm vun thành đống đốt khói bụi, ô nhiễm đầy trời... Lâu rồi, có đôi lần, tôi và nhà báo Trịnh Bá Ninh, nguyên Phó tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, đối thoại về nông thôn, trước tình trạng mất đất nông nghiệp, trong khi nhiều cơ sở doanh nghiệp bỏ không nhà xưởng, anh than thở: "Cứ đà này, rồi sẽ có ngày, người ta phải cậy bê tông đi mà lấy lại đất mà trồng trót thôi"... Tôi đồng tình với anh, và nghĩ, ngày ấy không xa đâu.
Nếu ngày xưa, Đồng Đức Bốn kiếm rạ rơm đốt lửa, mót khoai nướng ăn đỡ đói lòng, thả diều là để nuôi nấng ước mơ vượt ra khỏi lũy tre làng, thì bây giờ, việc bỏ quê, bỏ đồng ruộng như một sự đương nhiên, một mục đích rõ ràng của trai gái làng,..
Củ khoai nướng, cánh diều và ước mơ cháy bỏng một thời... Tôi đã vài ba lần gặp nhà thơ Đồng Đức Bốn, khi thì ở tòa soạn báo Nông nghiệp Việt Nam, lúc thì ở nhà của nhà thơ Trương Hữu Lợi. Có lần, Đồng Đức Bốn bắt tay tôi, vồn vã: "Mình có đọc những bài cậu bình thơ mình. Hay lắm, nhất là bình bài thơ Chăn trâu đốt lửa... Chưa biết cảm ơn sự đồng cảm của cậu thế nào đây?...". Sau đó ít lâu, Đồng Đức Bốn nổi tiếng và trở thành hiện tượng thơ, cho đến lúc nhà thơ rời cõi tạm, tôi không gặp lại anh nữa...
Nhà thơ ơi, thơ vẫn đấy, mà cảnh và người đã khác xa lắm rồi.
Dẫu vẫn biết cuộc sống luôn có những buồn phiền, lo toan, nhưng con người ta phải biết tìm kiếm niềm vui, riêng với người cầm bút thì còn phải biết cách tạo niềm vui cho người khác nữa ?!...
Nhận xét
Đăng nhận xét