Tản văn,
Dạo này, giáp tết, dịch dã (Covid 19) bùng phát ở một số nơi, hạn chế đi lại nên bó chân. Ngồi nhà, rỗi hơi thì hay nở máy vào mạng xã hội. Định viết này nọ, nhưng đâu có dễ. Ngay bài đang viết dở chừng, tiếp nối, cũng cạn ý từ, cảm xúc. Mỗi khi vậy, tôi thường giở xem lại trang riêng của mình trên nền tảng Blog Tiếng Việt (blogtiengvietj.net)...
Vậy là, tính đến xuân này (Tân Sửu), tôi đã lập ngôi nhà trên mảnh vườn nhỏ có tên Ngẫm & Viết sang năm thứ 12 rồi đấy. Cái Xóm Lá thân thương, mà cư dân ở đây quen gọi nôm na, trên nên tảng mạng xã hội blogtiengvieet.net, cũng có nhiều phen thăng trầm. Thăng trầm, bởi nền tàng kỹ thuật còn yếu, nên lâu lâu lại "rớt mạng", thậm chí, mất bài, nhất là dạo mùa hè năm 2016. Khi ấy, bà con Xóm Lá kêu trời vì bị mất bài viết, có người trắng tay. Riêng mình, vì dân làm báo chuyên nghiệp, từng có kinh nghiệm qua những vụ mất bài này nọ, nên biết cách lưu trữ bài bằng USB, ổ cứng riêng lẻ, file mềm và trên các nền tảng vũng hơn, vì thế hầu như chẳng mất bài nào. Chính vì vậy, chuyên mục Thơ Đường của tôi vẫn nguyên vẹn, đủ tư liệu để tôi tập hợp, đề dẫn, chú giải, biên soạn thành cuốn sách Rong chơi miền Đường thi. Tuy vậy, với việc bị mất một năm bài đăng (tương đương 100 bài viết), tôi bị mất toàn bộ phần cảm nhận ở đó, mà thực sự, nhiều cảm nhận hay, rất hay, như những bình luận, tiểu luận văn chương thú vị... Sau vụ rớt mạng, làm mất bài của bloggers, nhà mạng có nỗ lực cứu vãn, nhưng không thành công, bản thân nền tảng kỹ thuật cũng trục trắc dài dài. Giờ khá hơn thì cư dân cũng bỏ đi vãn cả rồi. Nhiều trang blog, chủ nhân bỏ bê dăm năm nay không hề lai vãng. Làng Phây (Facebook) nền tảng kỹ thuật vững chắc (con nhà giàu mà), lại thêm nhiều tính năng, trò chơi, tính phổ cập cao, không phân biệt giới tính, tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, quốc gia, nên có sức hấp dẫn cực kỳ. Dân Xóm Lá rầm rầm kéo sang lập nhà tại Chợ Giời - Phây... Rồi đó, cũng có những phiền hà, phần nhiều xuất phát từ sự hiểu nhầm, tranh luận hơi quá lời mà gây nên những xích mích này nọ, nhưng làng xóm cũng nhanh chóng giải tỏa, yên hàn trờ lại...
Tôi cũng thế, có mành vườn con con trong làng Phây, ngày ngày cuốc xới, rau cỏ...
Nhưng khác nhiều cư dân cũ của Xóm Lá, tôi vẫn mở cửa ngôi nhà, chăm bón mảnh vườn nhỏ của riêng mình nơi xóm cũ đìu hiu. Thực lòng, tôi yêu mến mảnh đất này, bởi nơi đây, lần đầu tôi biết đến mạng xã hội, cũng chính nơi đây đã tạo cho tôi càm hứng sáng tác, để chục năm qua, tôi viết và xuất bản hàng chục đầu sách, thơ văn, tiểu luận, chân dung văn học đủ cả. Và quan trọng hơn, từ sự giao lưu trong không gian ảo, tôi đã làm quen với nhiều blogger trong đời thực, phần đông họ là những người tử tế, gỏi giang. Thậm chí, nhiều người trong số đó đã trờ thành những người bạn tâm giao, thân thiết, giúp đỡ lẫn nhau như ruột thịt...
Trở lại câu chuyện cảm xúc sáng tác. Quả là, mỗi lúc "tắc tị" trên bàn phím, tôi giở lại, đọc những bài viết cũ cùng các cảm nhận của mọi người ngày xưa, lòng những dâng đầy cảm xúc, điều đó làm đầu óc tôi như được khơi thông, để rồi, gõ tiếp...
Đọc lại, xem lại những hình ảnh của dăm bảy năm về trước, buâng khuâng nhớ những người đã đi xa... Hình ảnh, những dòng cảm nhận vẫn còn đây, như tươi mới, vậy mà người đã khuất nẻo xa xăm... Các anh Trương Hữu Lợi, Trần Khẩu, Trần Bài (Hương đất bãi), Phạm Duy Đức, Nguyễn Vinh Dũng (Phẫu), đã hóa thân thành những cánh hạc về trời... Từng có ý tưởng, các anh em Xóm Lá cùng gia đình người đã khuất làm sách cho các anh (Nguyễn Vinh Dũng, Phạm Duy Đức) song tiếc là, chưa thành hiện thực,...
Vậy nên:
Người xưa cảnh cũ giờ đâu nhỉ
Xóm Lá địu hiu, hỏi mấy ai,
cái thời đàm ấm thương mến ấy
về lại vườn xưa chẳng nguôi ngoai ...
Nhận xét
Đăng nhận xét