Chân dung Phùng Cung,
Những
ngày xuân tháng giêng Tân Sửu, đúng thời điểm dịch Covid 19 bùng phát lại, cầm
chân không du xuân lễ hội đâu được. Ở nhà, viết và đọc sách giải khuây. Tôi đọc
lại tập Xem đêm của Phùng Cung.
Số là, từ hơn chục năm trước, tôi đã
tình cở mua được tập thơ Xem đêm lần
xuất bản đầu và đọc thấy thích. Rất thích là đàng khác. Tôi đã viết tiểu
luận “Có một nông thôn trong thơ Phùng
Cung”, gửi đăng báo. Sau đó, tôi phát triển thành chân dung văn học “Phùng
Cung, người tôi chỉ biết qua thơ” (in
trong tập Trời đất thu hay lòng ta
thu, Nxb Dân trí 2016). Trong
những lần đàm đạo văn thơ cùng bạn bè, nhiều lần tôi khen tập thơ Xem đêm,
khiến mọi người tò mò mượn đọc, vì thế mà thất lạc. Tôi tiếc lắm. Trước tết Tân
Sửu, tôi nhờ người quen mua được tập Xem đêm, bản mới do Nhà xuất bản Hội
Nhà văn ấn hành. Sách in đẹp và phần nội dung có thêm Phụ Lục với các bài viết
của Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm về thơ văn của ông, còn có cả truyện
ngắn Con ngựa già của chúa Trình, mà
vì nó Phung Cung đã dính án văn chương ngày nào...
Đọc lại, vẫn nguyên cảm giác thú vị,
nhưng đằng sau câu chữ, vấn điệu, còn thấy được ý tứ sâu xa về thân phận con
người nói chung và thân phận với nỗi cay đắng riêng ông.
Trong bài viết này, tôi không nhắc lại
những gì đã nói, đã bàn ở các bài viết trước, như việc khắc họa một nông thôn
Bắc bộ điển hình một thời xưa cũ khốn khó còn chưa xa; hay đâu như sự ngộ ra,
để rồi tự an ủi, răn mình mang tính thiền định, kinh kệ nhà Phật,,,
Ở đây, tôi muốn đi sâu tìm hiểu sự ám
ảnh, hàm ý về một thân phận bị dập vùi mà vẫn gắng gỏi ngoi lên, loe lói sáng
như muốn chứng ninh cho sự trong sạch của bản thân...; và không thể không nói
đến một điểm mạnh, ấy là nghệ thuật ngôn từ và tạo dựng không gian thơ của
Phùng Cung,
1.
Có lẽ, trong tập tho này, khó có bài thơ nào hàm súc, ám ảnh, ấn tượng hơn bài Trà:
“Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Không
đổi giọng Tân Cương”. Nó thể hiện nỗi niềm về thân phận, sự kiên định, ý
chí, bản lĩnh và cả khao khát khẳng định sự thanh sạch của bản thân tác giả.
Có thế thấy, hàm ý về nỗi niềm thân
phận bị vùi dập, ý chí, bản lĩnh muốn khẳng định sự thanh sạch và khao khát
vượt lên số phận ẩn giấu trong nhiều câu thơ, bài thơ...
Ví như: “Thánh
thần ơi/ Phải đâu nhật thực triền miên/ Ngày tối hơn đêm/ Đêm-vó-ngựa/ Quỳ gối
chống tay/ Vẫn còn sợ ngã/ Mặt đất quá cheo leo” (Đêm vó ngựa); “Thương cây đào ốm/ Xuân về chẳng nở hoa/ Lá
gày run gió lạnh/ Cây cũng có thời vận ư?” (Cây đào); “Trời đất uy nghi/ Xanh vĩnh cửu/ Chim bay
hình thánh giá muôn phương/ Cung tên tạo hình thánh giá/ Bắn con chim hình
thánh giá tử thương” (Vĩnh cửu); “Phận lấm/ Tối ngày đào khoáy/ Lưng nắng-vẽ/ Hoa văn tiền sử/ Chài chãi
đồng chiêm/ Mấy kiếp rồi” (Cua đồng); “Tổ tan/ Trứng mất/ Có trời biết vì sao/ Bỏ hót/ Chỉ kêu/ Mỏ run run rớm
máu” (Con chích chòe); “Dông
bão trẩy qua xóm nhỏ/ Giập gãy hết rồi/ Ngô độn chuối xanh/ Xì xằng qua bữa/
Kẻng thúc ngũ liên/ Săn lùng đào ngũ/ Chẫu mắt mù/ Nhìn-đóng-cọc vào đêm” (Giập
gãy); “Trở giấc xem đêm/ Thiên hà
ngọc vụn/ Gió thổi một mình/ Mặt đất tròng trành/ Ma hoa nhày múa” (Xem
đêm); “Hệ lụy với tôi/ Là ăn là
uống/ Miếng ăn miếng uống/ Hành hạ suốt đởi/ Mấy ai dám cả gan/ Đùa dai với đói
khát” (Miếng sống); “Trái đất
lênh đênh/ Chênh chênh mùa nắng/ Gió trĩu cành/ Tải bốn mùa cười khóc/ Sóng
biển xanh/ Nát bóng hải âu” (Tâm tư);
Thậm chí, Phùng Cung còn cân nhắc. sắp đặt số phận
mình, và cho cả cái chết của mình, nếu ông không được sống: “Vạn thuở hồn cỏ xanh/ Mặt đất thơ gắn bó/
Bất hạnh nào hơn/ Già rụi quê người” (Ăn năn); “Sống quá khó khăn/ Chết chẳng dễ dàng/ Tôi phải sống/ Hẳn rôi còn được
chết/ Chết là chơi nốt/ Một trò chơi/ Mãn khóa hỗn sinh” (Trò
chơi); “Mô hình tôi/ Một trẻ thơ/
Ngoạm củ ráy/ Đứng thẳng người trong xóm/ Quỹ đạo tôi/ Thư thái-loằng ngoằng/
Xó bếp-bở ao/... Khi tôi chết/ Tôi thèm cái lặng lẽ/ ... Nếu tái sinh/ Tôi
chẳng ước ao gì khác/ Chỉ mong được như kiếp trước/ Xó bếp đói. No/ Bờ ao tắm
mát/ Phận cánh cò/ Mưa-nắng-phong dao” (Thanh thản); “Nhập nhoạng đóm đèn/ Đêm chó mực/ Trạt mùi
hạ nhục/ Già trẻ sụt sùi/ Ôm đầu số phận/ Cúi mặt nhìn ngang/ Nghe lanh chân
nhang” (Đoàn viên)...
Dẫu là “phận lấm”, dẫu có “xó bếp, bờ
ao” hay “lênh đênh”, “ngày tối hơn đêm” di chăng nữa, thì với
Phùng Cung, vẫn quặn thắt một nỗi đau đời-một khao khát vươn lên trên số phận: “Trăng qua song sắt/ Trăng thăm ngục/ Bỗng ta
chợt tỉnh-sững sờ/ Trên vai áo tù/ Trăng và lụa/ Ngày xưa ơi!/ Xa mãi đến bao
giờ...” (Trăng ngục); “Ai giùm tôi
thủ tục làm vô tận/ Thỏa thích trải trời xanh cõi không cùng/ Tôi khao khát huy
động/ Những chùm sao đẹp/ Đêm về lung linh chòm xóm nghèo sao” (Khát
vọng): “Hỡi bầu trời/ Hãy rộng
thêm nhiều nữa/ Để phi đoàn cất cánh/ Xếp đội hình thánh giá uy nghi/ Rộn rã
chuông chiều/ Cất giọt mưa sa/ .../ Giải phóng những nếp nhăn/ Trên từng vầng
trán hoài nghi” (Giải phóng); “Đêm khuya trằn trọc/ Tôi bắt gặp/ Mùa thiêng hoa chết/ Ngoại giới mưa
bay/ Trong hồn tơi tả/ Trăng úa-đầy trời-lá rụng/ Không gian khát vọng khúc
giải oan” (Khát vong)...
Chịu khó tìm nhặt, trong Xem đêm, vẫn đây đó những câu thơ hàm ý
dạng này, nhưng tôi không sa đà, để khám phá nghệ thuật thi ca tài tình của
Phùng Cung...
2.
Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem
đêm thật tài tính.
Có thể nhận định một cách ngắn gọn
nhất, ấy là sự chắt lọc câu chữ, ý tứ hàm
súc, ám ảnh, ấn tượng, không gian sống động, đầy thanh âm, hình ảnh, sắc màu, hương
vị và trạng thái cảm xúc...
Chắc chắn, ngày ấy, Phung Cung và cả
chúng ta, không một ai biết đến khái niệm 3D, song tài tình thay, mỗi bài thơ
trong tập thơ này đều như một cuốn phim ngắn 3D. Tôi chọn một số bài thơ để
minh chứng cho điều này: “Mặt trời
hạ-thổ/ Núi-giội-chàm/ Đò chuyến cuối/ Nhìn nhau nhọ mặt/Sữa con so ướt yếm/
Thơm-mùi-khoai-luộc/ Dốc bến tối gà/ Đom đóm rối guồng-tơ-lửa/ Nghe đêm trung
giang thả-gió-gọi diều” (Chiều soi bãi); “Sương chiểu nghe-lạnh bước chân/ Khách áo
cũ/ Tìm về bạn cũ/ Ai đốt rác lá tre bên ngõ/ Lối đi dầy mùi khói-cuối-năm”
(Khói
cuối năm); “Chó sủa dông dài/ Giò
chuyển canh/ Trái thị cuối thu/ Thơm mùi trăng-úa/ Ao khuya nước thở thì thầm”
(Đêm
cuối thu); “Thoảng mùi ruộng ải/
Thóc giống cựa mình/ Nắng vắt ngọn-tre-đuôi-én/ Đủng đỉnh điệu cu cườm/ Lạc
nhịp-gió may” (Mùa gieo mạ); “Gió quẩn
lùm ngỉa cứu/ Mùi ngộ cảm đầy vườn/ Chếch bóng chĩnh tương/ Con vằn say bả/ Hoa
chuối tiêu lầm lũi/ tím Tam-giang” (Nôn nao); “Chó sủa làng xa/ Sủa gơn xóc ốc/ Sao diều ai hóc-gió/ ven sông” (Đêm
ven sông); “Mảng rêu chiều nắng
ghé/ mênh mông/ Con dế loanh quanh/ Tìm lại tiếng mình đêm trước/ Vườn hàng xóm
ngổn ngang/ mùi khế rụng” (Chiều nắng ghé); “Oèng oẹc trời khuya/ Chim lợn xổ giọng hãi hùng/ Tôi
nhìn sông/ Đầy ắp sao xanh/ Ngoằn ngoèo phun tím/ Lửa-hoa-đăng/ Rần rật
rím-luân-hồi” (Sông đếm); “Mành rách gió
lay/ Chim chích đu mình săn nhện/ Góc sân nắng hanh/ Lá mít rụng trờ mình-nghé
bếp/ Chó hàng xóm/ Sủa cầm chừng vài tiếng/ Lỗi bước lên hè/ Guốc nằm chiếc
ngửa chiếc nghiêng” (Nhà vắng); vv ... vv...
Nhiều lắm, khó mà trích dẫn ra hết được. Bài thơ nào
cũng kiệm lời, gạn đến mức cảm giác không có từ nào thừa cả. mỗi từ đều phải
gánh một phần ý tứ. Về tư duy, hình thức thơ, có thể thấy, ở đây có sự kết hợp
nhuần nhuyễn tính hàm súc, tinh tế, ý tại ngôn ngoại của Đường thi, phong vị
thiền và sự chắt lọc của thơ Haiku Nhật Bản, lại gần gũi thân thuộc của tục
ngữ, ca dao Việt
Phần lớn, các bài thơ trong tập này của Phùng Cung là
thơ tự do, câu ngắn, ngắt dòng liên tục. và nhiều câu được ngắt nối bằng dấu
ngang ( - ), giàu nhạc điệu. Có bài là lục bát, hoặc thơ dạng bốn câu, nhưng
được ngắt dòng, nên mới mẻ và ấn tượng. Ở vào thời ký ấy, có thể thấy, Phùng
Cung đã rất ý thức trong việc cách tân thơ.
Ví như: “Trăng
lên/ hàm tiếu/ thẫn thờ/ Nửa chững trăng xế/ Chịu giờ mãn khai” (Hoa
quỳnh); “Này em!/ Cây khế gãy
rồi/ Nỗi chua vẫn hỏi thăm/ Người trồng cây” (Cây khế); “Chút lòng dây gấm khăn điều/ Cảm thương cái nhện/
Chiều chiều giăng tơ/ Không gian đứt nối sững sờ/ Khăn điều dây gấm/ Ngẩn ngơ
mấy chiều” (Giăng tơ); “Dáng gày-đầy
đặn-trữ tình/ Thuyền au đậu bến Lan Đình/ Trăng xa/ Tử sinh lỡ một lần ba/ Ruột
tằm đau/ Mối tơ thừa gió bay” (Trăng xa); “Lênh đênh muôn dặm/ nước non/ Dạt vào ao cạn/ Vẫn còn lênh đênh” (Bèo);
“Sen vàng từ thuở lên ngôi/ Bâng khuâng
du khách/ Ngậm ngùi vần thơ/ Cồng chùa nhện mải giăng tơ/ Chuông thiêng ngân
mãi/ Tiếng thừa trong không” (Chùa Kim Liên); “Lá súng lát mặt ao/ đếm ngọc/ Con sộp phàm
vồ bão/ bóng hoa lay/ Lá tre rụng/ Nhuộm hoàng hôn đỏ gạch/ Tiếng cuốc bèo da
diết/ gọi ngày mai” (Ao con); “Bờ ao trưa gió lay lá cỏ/ Vang khẽ lời ru nhỏ xanh xanh***/ Cách
cách giòn tan/ Con cào cào dội phách/ Khoe
cánh điều/ Bay ngập nắng-bổ-cau” (Nắng bổ cau); “Cành xoan cu gáy đứng/ chào mùa/ Ung dung đổ lèo ba/ dõng dạc/ Mùi cơm
mới/ Xoắn mùi cá kho nhạt/ Hoa cải thơm quấn quýt/ quanh làng. Một lũy thơm”
(Lũy
thơm),...
Đổi mới hình thức thơ trên nền tảng các thể thơ cũ
bằng cách ngắt nhịp song vẫn giữ mạch thơ khiến người ta xem bằng mắt hay đọc
bằng âm đều không thấy nhàm và vẫn dễ nhớ dễ thuộc.
Tuy còn chưa đi sâu phân tích nghệ thuật ngôn ngữ thơ,
nhưng với bấy nhiêu thôi, tôi nghĩ, Phùng Cung đã có những đóng góp nhất định trong
tiến trình đổi mới thi ca Việt
Nhận xét
Đăng nhận xét