Người giăng lưới bắt chim ( III )

 Nguyễn Huy Thiệp ( 1950 - 2021 )



Trong số những bức chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi ấn tượng nhất bức này. Không rõ tác giả là ai. Nguyễn Huy Thiệp cười hết miệng, mắt tít lại, gương mặt rạng ngời, xóa đi hết nét khắc khổ pha chút kiêu bạc thường nhật,... Nét hiếm thấy ở ông !?...

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rời cõi tạm vào chiều ngày 20.3.2021, đúng cái ngày thế giới chọn là ngày HẠNH PHÚC. Mạng xã hội, báo chí đưa tin rầm rộ. Sau cơn đột quỵ vào cuối năm 2019, rồi những ngày ông nằm cấp cứu ở A9 Bạch Mai, cũng là những ngày cả thế giới náo loạn bởi sự xuất hiện bất ngờ của virus Corona tại Vũ Hán mà sau đó người ta đặt cho cái tên COVID, nhanh chóng lây lan cực nhanh khắp địa cầu, người ta những cầu mong cho ông hồi phục song vẫn nghĩ ngày ông ra đi mãi mãi chỉ được tinh bằng ngày bằng tháng,... Vậy mà ông cầm cự cả năm trời, ra đi sau cả người vợ tào khang sướng khổ một đời cùng ông, vốn khỏe mạnh và luôn chăm sóc ông chu đáo,
Tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được cử hành vào sáng ngày 24.3 (nhằm ngày 12 tháng 2 âm lịch) tại nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Cánh chuyên bán vòng hoa ngay cổng nhà tang lễ kháo nhau, đám tang ông nhà văn gì nổi tiếng lắm, tha hồ mà bắn vòng hoa đây. Nhưng thực tế, đám tang Nguyễn Huy Thiệp không đông lắm, khác hẳn sự đông đúc chen chúc đám hiếu cha mẹ các quan chức hay doanh nghiệp lớn bởi ở đấy người đến viếng thi nhau thể hiện mình vì có mùi cầu lụy, nhờ vả trước sau. Còn tang lễ Nguyễn Huy Thiệp, chỉ có người thân, họ hàng, bạn hữu văn chương, người hâm mộ và cánh báo chí đưa tin, mặc dù có vòng hoa gửi viếng của ngài Thủ tướng Chính phù và vài ba quan chức cao cấp....
Tôi và mấy bạn văn chương tháp tùng nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phod Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm vào viếng Nguyễn Huy Thiệp. Bức ảnh ông được treo trong tang lễ nghiêm cẩn, khác với các chân dung thưởng thấy, và gương mặt thi hài ông sau hơn một năm cầm cự chống chọi với cái chết cũng khác đi nhiều với thần thái suy tư khắc khổ trước đây. Điếu văn được nhà văn Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội viết và đọc trong lễ truy điệu Nguyễn Huy Thiệp cũng đã gây xúc động và ấn tượng mạnh, nhằm tôn vinh cho cả người chết và người sống...
Có một điều, tôi để ý, nơi sân chờ nhà tang lễ, các nhà văn, nhà thơ già trẻ các thế hệ đủ cả. Mọi người gặp nhau, tay bắt mặt mừng có, khen nhau vượng khỏe có, hay rì rầm buồn buồn chuyện nọ chuyên kia có. Một ai đó bảo, cứ nhìn thầy mặt nhau, điểm tên, được bắt tay nhau thế này là mừng rồi. Cuộc đời vô thường lắm, biết đâu nay mai trời gọi tên ai đó... Ngẫm cũng phải, tuổi ngoại thất thập. văn chương tai hoa đến đâu thì cũng hết tuyết cả rồi, như than để ngoài mưa cả thôi. Còn sống trên cõi đời này, khỏe mạnh an vui là nhất, văn chương hay dở mà làm gì ?... Thế giới mạng giờ khác xưa lắm, đi đâu, làm gì, như đi lễ chùa, đi du lịch, hội họp, ăn nhậu, tụ bạ, cưới hỏi, đều chụp ảnh, check-in nuôi Phây cái đã, mà khi đi đám ma người ta cũng vậy. Thế nên, ở đám tang Nguyễn Huy Thiệp, các văn nghệ sĩ nhà ta cũng tranh thủ thăm hỏi, chụp ảnh chẹck-in rôm rả, chứ mấy ai quan tâm đến người nằm xuống... Nghĩ cùng là chuyện thường, chằng đấng trách,...
Trở về sau đám tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi rẽ vào uống trà tán gẫu với người bạn thân Gia Hoang chuyên bán thuộc Tây ở chợ Giời. Người bạn cùng lớp đại học với tôi này là người yêu văn chương chữ nghĩa. Giừ hành nghề bán thuốc Tây, nhưng trong lúc rảnh rỗi, rất chịu khó đọc sách báo. Người ở thời đại công nghệ 4.0 bây giờ mà ngày ngày đro kính, thâm chí dùng cả kính lúp trợ giúp, chúi mặt vào sách báo như ngươi bạn tôi đây là hiếm có. Kiến văn của anh bạn Gia Hoàng rất khá. Phạm cái gì thuộc về lịch sử và văn chương,bất kể thơ phú, văn xuôi như truyện ngấn, tiểu thuyết, tản văn, bút ký, chân dung văn học hay phê bình tiểu luận, đọc tuốt, là để thưởng thức và bồi bổ kiến thức bản thân thôi. Gia Hoang cũng là bạn đọc hâm mộ Nguyễn Huy Thiệp. Chúng tôi đã từng cùng nhau bình phẩm mỗi truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mỗi khi nó được đăng tải trên báo chí những năm qua. Giờ đây, chúng tôi lại nói về Nguyễn Huy Thiệp và những tác phẩm của ông. Hai đứa tôi, cùng nhau nhắt ra, gom lại xem Nguyễn Huy Thiệp có bao nhiêu truyện ngắn thuộc hàng thượng thặng. Kể đến những cái tên: Không có vua, Huyền thoại phố phường, Tướng về hưu, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê, Muối của rừng, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Chảy đi sông ơi, Trương Chi, Nguyễn Thụ Lộ, Mưa Nhã nam, Sang sông, Giọt máu, Chút thoáng Xuân Hương, Đưa sáo qua sông, Hạc vừa bay vừa kêu tháng thốt,... Độ hai mươi truyện xuất sắc. Có lẽ thế thôi, cũng nên?
Phê bình văn học của Nguyễn Huy Thiệp, đáng kể có Giăng lưới bắt chim. Trò chuyện với hoa thủy tiên. Còn tiểu thuyết của ông, thú thực tôi không thích,... Cái kịch Mổ nhà văn, tuy ám chỉ ai đó, nhưng quả là rất thú vị. bởi ở đấy vừa thâm thúy, vừa bùng nổ, phun trào của sự nín nhịn, kim nén lâu ngày...
Chợt anh bạn Gia Hoang hỏi tôi: "Vậy văn xuôi Việt Nam hiện đại, ông thích ai nhất?". Câu hỏi đột ngột, nhưng tôi trả lời tắp lự: "Trước có Nam Cao, sau là Nguyễn Huy Thiệp.", Tôi nói vậy, không có ý xếp trên dưới mà đơn thuần chỉ theo trình tự thời gian xuất hiện và sáng tác của hai nhà văn tài danh này. Tôi không coi ai hơn ai, họ ngang bằng nhau, mỗi người mỗi vẻ mỗi hay riêng. Bái phục tài hai vị nhưng đọc Nguyễn Huy Thiệp hấp dẫn hơn,...
Rồi tôi và anh bạn Gia Hoàng lại cùng nhau kể tên các cây bút văn xuôi hiện đại xứ ta mà theo cách thẩm của chúng tôi, họ ít nhiều có những tác phẩm để đời, như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Bằng, Kim Lân, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyên Ngọc, Lê Minh Khuê, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài và Trần Đăng Khoa.
Tạm dừng ở đấy vì chưa kể tiếp được !...

Nhận xét