Thiên nhiên thật kỳ diệu,
Tháng Giêng, chẳng gì bằng sắc hồng của hoa đào, sắc trắng thanh khiết của hoa mai.
Tháng Hai, chẳng gì hơn sắc tím của hoa xoan, sắc trắng tinh khôi của hoa ban.
Thì tháng Ba, không gì ấn tượng hơn sắc đỏ của hoa gạo,...
Tháng ba hoa gạo, đã là thành ngữ, là câu cửa miệng dân gian,
Ca dao có câu: "Bao giờ đom đóm bay ra. Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng", vừa là câu ca, vừa thành nông lịch
Còn nhà thơ Hữu Thỉnh trong trường ca Sức bền của đất, đã mở đầu: "Đom đóm bay ta hoa gạo đỏ/ Mẹ ở nhà đã cất áo bông/ mẹ có ra bờ sông/ ra bến đò tiễn con dạo trước/ đường xuống bến có mười sáu bậc/ mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu...".
Tôi đã viết về hoa gạo từ vài chục năm trước, thơ, truyện, tản văn. Nhưng giờ đây, tôi vẫn đầy cảm xúc và muốn viết tiếp về hoa gạo mỗi tháng ba về.
Cuối xuân này, tôi và những đồng nghiệp báo chí có chuyến du xuân thăm chùa Nôm ở Văn Lâm, Hưng Yên, vùng quê tôi. May mắn làm sao trúng mùa hoa gạo. Cây gạo cổ thụ trước cổng chùa Nôm đơm đầy hoa, rụng dát đỏ nền chợ, bậc thang lên chùa và thảm đỏ vòm cong mái ngói tam quan. Nhóm chúng tôi, người già nhất ngót nghét chín chục, còn trẻ nhất cũng ngoại năm mươi, ai nấy đều ngỡ ngàng trước quang cảnh kỳ ào này, mà làm nên tất cả là hoa gạo. Già trẻ, ai cũng muốn mình có bức ảnh trong quang cảnh kỳ diệu này. Cảm xúc trào dâng và lan tỏa, thật khó diễn tả và không có gì cưỡng nổi. Vài năm trước, xuân Kỷ Hợi (2019), chúng tôi thăm viếng chùa Thầy, cây gạo cổ trước sân đình Sài Sơn bên chùa Thầy cũng đỏ ối những hoa, soi bóng hồ nước lung linh hình bóng thủy đình...
Với riêng tôi, trước cảnh sắc như vậy, chỉ còn biết mê mải lựa góc máy, chon; khuôn hình mà bấm lia lịa, cứ cảm như mình chụp chậm thì cảnh sắc bay biến đi mất, không kịp....
Về nhà, lựa chọn dăm bức ảnh ưng ý, đăng lên trang cá nhân trên mạng xã hội. Bạn bè vào cảm nhận lia chia, khen tuyệt vời, phổng cả mũi. Có người đùa, hỏi trêu rằng: "Gọi là hoa gạo sao lại màu đỏ nhỉ, đáng ra phải sắc trăng như hạt gạo chứ?". Biết là hỏi đùa, nhưng cũng ớ người ra/ Mà sao bấy lâu nay mình không tự phản biện thế nhỉ?
Rồi tự tìm cách lý giải. Trả lời cho bạn, cũng là cho mình. Cây hoa gạo có tên khoa học là Bombax ceiba, thuộc họ Gao (Bombacaceae). Gọi cây gạo là cách gọi dân dã ở vùng đồng bằng trung du Bắc bộ và bắc miền Trung gồm Thanh Nghệ Tĩnh. Người dân miền núi phía Băc giáp biên giới Trung Quốc còn gọi là mộc miên, theo âm Hán Việt. Còn người dân Tây Nguyên gọi là pơ-lang.
Tôi nghĩ, sở dĩ, người ta gọi loài cây hoa đỏ này là cây hoa gạo là bởi sự liên quan đến mùa màng. Theo nông lịch và tập quán canh tác lúa nước ở vùng Bắc bộ và bắc Trung bộ, một năm có hai vụ lúa luân phiên. Vụ chiêm xuân tính từ khi cấy sau tết nguyên đán cho đến cuối tháng tư, đầu tháng năm âm lịch là gặt, còn vụ mùa tính từ đầu tháng sáu đến đầu tháng mười âm thì gặt. Như vậy, quãng thời gian phòng cơ tích cốc một năm đủ 12 tháng, chia hai nhưng lệch nhau. Thóc gạo trữ ăn tính từ gặt vụ chiêm đến gặt vụ mùa (tháng 5 đến tháng 10), chỉ có 5 tháng, còn từ gặt vụ mùa đến gặt vụ chiêm (tính từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau) kéo dài những 7 tháng, nên có nguy cơ thiếu đói lương thực. Vậy nên người ta mới tranh thủ lấy chân ruộng cao làm thêm hoa màu vụ đông như như rau củ quả (khoai lang, khoai tây, cà chua, sư hào, các loại đậu ...) để thêm thắt bù vào lương thực thiếu hụt lại có thực phẩm cho bữa ăn. Ngày xưa, thường vào dịp trung tuần tháng ba đến trung tuần tháng tư hàng năm, quãng thời gian được gọi là giáp hạt, nhiều nhà hết lương thực, thiếu đói,... Có lẽ, những cây gạo, thưởng được trồng ở đầu làng, cuối bãi, nơi gò cao, quán xá. bồ sông, bờ mương, đường ra đồng. bừng nở phô sắc đỏ tươi thắm, những bông hoa gạo to tướng, cánh hoa dầy dặn rung tơi bời dưới gốc, thẳm cỏ, nhắc nhở con người ta đang mùa giáp hạt, hãy gắng chịu đựng thêm chút nữa, rau dưa thêm thắt, chẳng mấy vụ lùa chiêm sẽ chín... Phải vậy chăng, mà người ta gọi loài cây hoa đỏ này là gạo, như một ẩn dụ, một phép tu từ, mang hàm ý cổ vũ, động viên tinh thần ?...
Là tôi cứ nghĩ thế thôi !...
Nói đến cây hoa gạo, không thể không nhắc đến câu thành ngữ Việt "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề". Ở đây, chỉ kiến giải cái phần "ma cây gạo" mà thôi. Thường thì ở thôn quê, cây hoa gạo hay được trồng ở đầu làng, cuối làng, đến miếu. gò đóng, quán nghỉ giữa đồng, bờ sông... những nơi hoang vắng, gay nhiều cây cối rậm rạp, theo quan niệm dân gian ma tìm đến trú ngụ, ẩn náu. Ma ở đây đều là các oan hồn, lang bạt phiêu dạt, đói khát vì không có người nhận thờ cúng. Tất cả tụ về nơi có cây hoa gạo hòng kiếm ăn. Ấy là quan niệm thế mà nên thành ngữ chăng ?...
Đấy là chuyện xưa, còn thời nay, công nghệ 4.0, mỗi mùa hoa gạo nở tháng ba. người ta chẳng còn sợ "ma cây gạo" nữa, mà thi nhau tìm đến chiêm ngưỡng vầng hoa gạo đỏ ối khung trời và thảm bông gạo rụng bời bời sắc đỏ dưới đất. Đẹp ngỡ ngàng, kỳ ảo,...
Đỏ như hoa gạo tháng ba @...
Nhận xét
Đăng nhận xét