Cao sơn cảnh hạnh,
Nhân giỗ tổ Hùng Vương, mồng 10 tháng 3 âm lịch Tân Sửu ( 21.4.2021 )
Bàn thêm về bốn chữ trên cổng Đền Hùng
Về bốn chữ Hán trên cổng Đền Hùng, mấy năm qua đã có
nhiều bài viết lý giải ngữ nghĩa khác nhau. Bốn chữ ấy là Cao sơn cảnh hành hay là Cao
sơn cảnh hạnh , và ý nghĩa như thế nào ?
Đa phần ý kiến thiên về Cao
sơn cảnh hành và dịch nghĩa là:
Núi cao đường lớn, hoặc là : Lên cao
để ngắm cảnh đẹp. Giản đơn thế thôi sao ?!
Theo thiển ý , cuộc tranh luận này có
thể đi đến hồi kết sau bài viết của nhà thơ Ngô Văn Phú. Nói như vậy, về cơ bản,
chúng tôi đồng tình với cách lý giải của tác giả. Nhà thơ Ngô Văn Phú đã truy
nguyên được gốc của bốn chữ đó xuất phát từ Kinh Thi. Theo dẫn dụ thì câu " Cao sơn ngưỡng chỉ. Cảnh hành hành chỉ"
là hai câu đầu trong chương V của Thiên
Xa hạt ( chốt xe ), bài số 224 phần
Tiểu nhã. Tác giả cũng đã đặt tổng thể hai câu ấy không những trong chương V mà cả bốn chương
còn lại của Thiên Xa hạt. Ở đây, nhà thơ Ngô Văn Phú tóm tắt nội dung cả thiên
( gồm 5 chương, mỗi chương là một bài có 6 câu ) , đó là : chuyện về gặp được người con gái út đẹp, hân hoan sắm sửa xe nhằm đánh
tới nhà nàng xin được cưới về, với tình cảm hạnh phúc tràn ngập vì sắp lấy được
người con gái tài hạnh vẹn toàn mà mình
ngưỡng mộ từ lâu.
Cùng với ý này, chúng tôi xin được bàn
thêm. Ấy là, không chỉ có vậy, cả 5 chương nêu trên còn hàm ý rằng, người đàn ông
( chủ thể của Thiên Xa hạt ) còn có sự lo âu mình kém tài đức hơn nàng và cả lòng
mong, tự nhủ sẽ tu dưỡng tài đức sao cho đủ sánh với nàng. Và như vậy, ngay ở đây,
vượt lên trên câu chuyện bình thường là
hàm ý đức hạnh và sự tu dưỡng của con
người ta.
Về phần chú giải của Chu Hy, tác giả
Ngô Văn Phú dẫn sách Lễ ký tập thuyết,
Chu Hy lý giải là : Núi cao thì để người ta ngưỡng trông. Bậc có đức hạnh lớn thì được
người ta xem như khuôn phép mà noi theo. Theo chúng tôi, nếu viện dẫn
thêm chút nữa thì mọi sự sẽ sáng tỏ hơn. Đó là, cũng trong phần chú giải nêu trên,
Chu Hy còn lý giải tiếp : " Khổng Tử
mới khen rằng : Kinh Thi chuộng điều nhân nghĩa như thế, cứ hướng tới con đường
mà đi, nửa đường kiệt sức mới chịu dừng quên thân mình già, chẳng cần biết số
năm mình còn sống là không đủ, cứ cần cù lao nhọc, ngày ngày cố gắng mãi, đến
chết mới thôi ". Vậy đã rõ ràng , cao hơn và phủ lên trên đó không chỉ
là con đường, mà còn là ý nghĩa về đường đời của con người ta với ý chí và sự hành
xử hướng tới những điều nhân nghĩa .
Cách lý giải trên có thể xem là cội
nguồn của bốn chữ đó. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đặt trong văn cảnh cụ thể của Đền
Hùng thì từng cặp từ vẫn có thể bàn thêm. Trong bài viết của mình, nhà thơ Ngô
Văn Phú cho rằng, hai chữ cao sơn ( hiểu nghĩa là núi cao
) như thế đã rõ ràng không cần nhắc đến. Nhưng chúng tôi nghĩ, nghĩa đen là vậy,
song nó còn mang một ý nghĩa tượng trưng nữa. Mới đây, trong một lần trao đổi với
ông Nguyễn Xuân Đài, nguyên Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng, ông
cho rằng : Nói cao sơn là phải nghĩ đến
tín ngưỡng dân gian của một số nước Đông Á ( có Trung Hoa và Việt Nam ), là tục
thờ thần cao sơn của Đất Việt ( tức thần núi cao, chẳng hạn như Tản
Viên sơn thần ). Điều này cũng phù hợp với sự kính trọng, tôn vinh, sùng bái và
thể hiện lòng biết ơn Vua Hùng của cư dân Lạc Việt từ xưa đến nay. Chúng tôi đồng
tình với ông Nguyễn Xuân Đài về điểm này. Đồng thời, cũng khiến chúng tôi liên
hệ đến các bức đại tự Cao sơn ngưỡng chỉ thường
được treo trong nhiều nhà thờ tổ họ, dòng tộc có truyền thống Nho học ở ta. Chỉ
khác , chữ chỉ có bộ Thổ nên mang ngữ
nghĩa là nền đất ( nghĩa bóng là truyền
thống dòng tộc ) mà thôi.
Còn hai chữ Cảnh hành ( hay Cảnh hạnh ? ). Từ lý giải của nhà thơ
Ngô Văn Phú, chúng tôi đồng tình với cách hiểu của tác giả nên đọc hiểu là cảnh
hạnh, chỉ đức hạnh lớn, song vẫn muốn được bàn thêm. Bộ sách Minh tâm bảo giám ( NXB Văn hóa thông
tin -1996- dịch giả Nguyễn Quốc Đoan), là một tập đại thành những câu cách ngôn
của các bậc danh nho, hiền triết Trung Hoa từ cổ đại đến đời Tống, và được xem
là quyển sách về đức dục của người xưa. Điều
mang ra bàn ở đây là trong 20 thiên của bộ sách này, có rất nhiều câu cách ngôn
được rút ra từ bộ Cảnh Hạnh lục, và được
chú giải là : sách cảnh hạnh, là sách
viết về những nết ( hạnh ) vô cùng tốt
đẹp (cảnh ), lấy ý từ Kinh Thi : Thái sơn ngưỡng chỉ. Cảnh hạnh hành chỉ
(Ngửa trông núi Thái. Làm theo hạnh lớn ). Cao sơn ở đây đã được cụ
thể là Thái sơn. Cái chính muốn nói là ý nghĩa đức hạnh được nhấn mạnh.
Lại xin được chia xẻ với ông Nguyễn Xuân
Đài, trong một bài viết khác về sự lựa chọn cách đọc và hiểu thế nào cho hợp. Ông
Nguyễn Xuân Đài đã viện dẫn đôi câu đối hai bên cổng chính Đền Hùng để minh chứng.
Đó là : " Thác thủy khai cơ tứ cố sơn hà quy bản tịch/ Đăng cao vọng viễn
quần phong la liệt tự nhi tôn " ( Mở
lối đắp nền bốn mặt non sông về một mối/ Lên cao nhìn rộng chập trùng đồi núi tựa
cháu con ) ; " Đăng giả hệ hà tư, vạn cổ giang sơn đế tạo thủy/ Giai
tai do vượng khí, thiên nhiên thành quách úy thông gian " ( Lên đây nhớ về cội nguồn, vạn cổ giang sơn
này do vua tạo dựng/ Đẹp thay nhờ vượng khí, ngàn năm thành quách cây cỏ tốt
tươi ). Như thế có thể thấy, sự lên cao kia chỉ nhằm thấy được tầm vóc và công
đức của các Vua Hùng to lớn dường bao. Đấy mới là ý nghĩa chính, quy tụ hết
thảy chữ nghĩa, ý vị của cả quần thể di
tích này.
Vậy, dù cách đọc bốn chữ đó là Cao sơn cảnh hành hay Cao sơn cảnh hạnh ( chỉ vì trong tiếng Hán
cùng một mẫu tự tuỳ theo văn cảnh mà đọc là hành
chỉ sự đi, con đường hay hạnh chỉ sự nết na, đức hạnh ) thì ở đây (Đền Hùng
) cũng không thể hiểu đơn sơ là núi cao, đường lớn được, mà phải hiểu
rút gọn là núi cao, đức hạnh lớn , cụ thể hơn, như cách hiểu nghĩa do nhà
thơ Ngô Văn Phú lý giải là : Núi cao để mà trông ngóng. Đức lớn để mà
ngưỡng mộ.
Cách hiểu nghĩa này phù hợp với di tích
Đền Hùng, mà càng hợp với sự tôn kính, ngưỡng vọng của cả dân tộc, đất nước ta
với công đức dựng nước của các Vua Hùng, đến mức hằng năm có một ngày Giỗ tổ
chung của quốc gia vào mồng 10 tháng 3 âm lịch ! ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét