Lối thu (bản thảo)

 Lưu trữ tư liệu,





Ký sự đường xa, 

@@@


Lối thu

 

( Ký sự đường xa )

 

Lần đầu đến nước Pháp

 

       

1.    Chơi vườn Lucxembourg

          Vườn Lucxembourg tôi đã biết nó khi theo chân chàng Ma-ri-uyt rón rén bám đuổi cái bóng nàng Cô-dét trong tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo. Vườn Lucxembourg tôi đã biết với đoạn văn nổi tiếng mà những thế hệ trước tôi hay nhắc đến của nhà văn Anatole France (Giải thưởng Nobel năm 1924) từ bản văn Bóng xưa: “… Tôi sẽ nói với bạn những gì tôi thấy khi qua vườn Lucxembourg những ngày đầu tháng mười. Vườn Lucxembourg hơi buồn nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết. Những lá vàng, từng chiếc, từng chiếc rơi đầy hai vai những pho tượng…”

Với riêng tôi, có gì đó vừa tuyệt đẹp lại xa vời, ngỡ như chẳng bao giờ mình được thấy tận mắt. Vậy mà, giờ thì tôi đang đứng trong vườn Lucxembourg rồi!

Thực ra, khi vừa mới ở ga metro hay R.E.R gì đấy dưới lòng đất Paris trồi lên mặt đất, bắt gặp một không gian cây cối ở ngay trước mặt, người tôi khẽ run lên. Một cảm giác thật khó tả cứ trào dâng trong lòng tôi. Vườn Lucxembourg là đây ư?! Bấy giờ là trung tuần tháng mười một, chứ không phải là tháng mười khi năm học mới bắt đầu, và tôi cũng không phải là cậu học trò hay ngài Anatole France đi tìm kỷ niệm xưa theo rình cái bóng của mình, tôi chỉ là một người khách xa lạ từ phương Đông lần đầu đặt chân đến đây với cả lòng ngưỡng mộ ấp ủ từ lâu. Vậy thôi. Hà cớ gì phải rón rén? Nghĩ thế rồi mà bàn chân tôi cứ ngập ngừng, bước bước lại dừng. Là tôi sợ mình bỏ sót gì chăng? Ngay trên lối đi cổng vào một cây lớn vàng rực toàn thân mà tôi không biết gọi tên chi. Hẳn là những chiếc lá vàng trên cây kia đã bao mùa thu rồi buông rơi từng chiếc một xuống vai các pho tượng. Tôi đứng hồi lâu dưới gốc mà chẳng có một chiếc lá vàng nào rụng xuống, chỉ có đám lá vàng đã rụng từ bao giờ đang khô thiếp dần đi thì chốc chốc lại khẽ xào xạc nơi mặt đất mỗi khi làn gió bấc thổi lùa đi. Một cảm giác buồn buồn, nhột nhột, nơi chân tóc cổ áo như có kiến hay sâu tơ chạm vào. Tôi ngửa mặt nhìn mãi vừng vàng, lưu luyến chẳng muốn rời chân đi. Loanh quanh theo các lối của vườn, tôi và mấy người bạn cùng đi lâu lâu một ai lại ồ lên thích thú, trầm trồ buột miệng khen ngợi gì đó. Giữa vườn có hồ nước nhỏ, thiên nga, vịt trời, chim chóc từng bầy ngụp lặn, phơi hóng bộ cánh, hoặc nhẩn nha nhặt nhạnh chút thức ăn, hay dạn dĩ xán gần lẩn quẩn chân du khách. Tôi đặc biệt thích thú những chậu cúc. Đủ loại cúc vàng, cúc nâu hoa nở rực rõ như đơm xôi trên những chiếc chậu cổ, mà mỗi chiếc chậu mang một kiểu dáng khác nhau, có chiếc được tạo thành bởi khóm tượng những hài đồng. Vì thế, mỗi chậu hoa cúc có thể xem là một tác phẩm nghệ thuật. Đông đúc và náo nhiệt nhất vẫn là khu vui chơi với trò cưỡi ngựa. Khách chơi vườn xúm đông xúm đỏ mua vé đợi đến lượt mình cưỡi ngựa. Những chú ngựa cảnh giống lùn, chân to hiền lành, mệt nhoài bởi cứ phải chạy đi chạy lại trên một tuyến đường định sẵn để chiều lòng những du khách muốn có cảm giác của các kỵ sĩ trong chốc lát. Khác hẳn Disneyland với các trò chơi nhân tạo kỳ thú mang cảm giác mạnh, những trò chơi ở vườn Lucxembourg dân dã và gần gũi với tự nhiên. Để ý quan sát, tôi cảm nhận, ngoại trừ những khách du lịch nước ngoài hay người từ các thành phố, tỉnh lẻ của Pháp đến đây để biết, như kiểu chúng tôi chẳng hạn, còn phần đông người Paris chơi vườn Lucxembourg đều có nhu cầu thư giãn tĩnh tâm, hoặc giả, trai gái yêu nhau hò hẹn tâm tình, và nữa, là lũ học trò lẩn vào đây tìm góc yên tĩnh để ôn luyện bài vở…

Dạo mãi trong vườn chưa thỏa, mấy chúng tôi nảy ra ý định hơi điên rồ là thả bộ vòng quanh hàng rào phía ngoài vườn ngắm cảnh phố phường. Phía đông là Boulevard Saint Michel (đại lộ Thánh Misen) sầm uất, ranh giới của hai quận 5 và 6. Phía Bắc là Rue Medicis và Rue de Vaugirard, hai phố này án ngữ mặt chính của vườn. Phía Tây là Rue Guynemer và Rue d’Assas. Còn mặt Nam là Rue Auguste và Comte. Những phố bao bọc quanh vườn đa phần theo kiểu kiến trúc đặc trưng miền Bắc nước Pháp, nhà cao cỡ từ ba, bốn đến bảy, tám tầng liền nhau màu xám xịt, khá cổ kính. Thực hiện xong ý định điên rồ đó, chúng tôi đều mỏi nhừ, người râm rấp mồ hôi mặc dù trời chiều Paris đang lạnh chừng 3 – 4 độ C.

Với thời gian chừng tháng rưỡi ở Paris, vì bận học hành, công việc nên tôi chẳng còn thời gian quay lại chơi vườn Lucxembourg lần nào nữa. Vả lại, những ngày nghỉ cuối tuần sau đó, chúng tôi phải dành để đi chơi các điểm du lịch nổi tiếng khác và đặc biệt chúi đầu vào mấy viện bảo tàng. Giờ đây, có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất nơi tôi về Paris là buổi chơi vườn Lucxembourg. Cứ mong có ngày được trở lại Paris. Và khi ấy, dù mới chỉ một lần, tôi đã có thể như nhà văn Anatole France xưa, rón rén từng bước lần theo cái bóng của mình trên mọi lối đi ngóc ngách của vườn mà sống lại kỷ niệm cũ…

 

2. Mùa đông nói chuyện tuyết

 

Người xưa bảo, con người ta cứ thiếu cái gì thì thèm cái ấy. Chắc là đúng, bởi cha ông ta đã chiêm nghiệm chán chê rồi mới phán vậy. Trong khi người xứ hàn đới thèm cái nắng vàng rực rỡ trên bờ biển mênh mông và bầu trời trong xanh cao thẳm của xứ nhiệt đới, thì người xứ nhiệt đới hoặc vùng xích đạo lại khát khao được ngửa mặt mà đón nhận những bông hoa tuyết trắng xốp mát lạnh… 

          Và tôi, tôi cũng vậy. Ngày nhỏ, chỉ nghe người lớn nói tuyết, rồi lớn lên tý chút lại đọc về tuyết qua những câu chuyện như Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, và những câu chuyện trong Truyện cổ Grim, Truyện cổ tích An-đec-xen hay như các tác phẩm Rừng thẳm tuyết dày, Tiếng gọi nơi hoang dã v.v… Sau này thì qua phim ảnh, nhất là những bộ phim của Liên Xô sản xuất, phim nào mà chẳng có cảnh tuyết. Chao ơi, không biết tý gì thì cái thèm chỉ một, những đã he hé biết đôi chút rồi thì cái thèm, cái khao khát bằng mười, bằng trăm kia !...   

          Thế rồi, tôi cũng biết thế nào là tuyết. Những bông tuyết thực sự chứ không phải là tuyết trong chuyện kể, trong sách báo, phim ảnh. Ấy là vào đầu đông năm 1996, khi tôi được cử tham gia một khóa học nghiệp vụ báo chí tại Pháp. Những ngày đầu đặt chân tới Paris, mùa thu còn rơi rớt trên những tán lá vàng ươm và lớp lớp xác lá khô dày trài khắp lối đi trong vườn Lucxambourg. Nhiệt độ thấp nhất về đêm đã xuống tới 2-3 độ C song vẫn chưa có tuyết. Hỏi thăm bạn bè Pháp thì họ bảo khí hậu ở Paris vốn ấm, rất ít khi có tuyết rơi, hằng năm thường chỉ có vào dịp trước lễ Giáng sinh, thậm chí có năm còn không có tuyết. Nghe vậy mà thấy buồn, sinh chán…

          Những thật may mắn, tôi và một đồng nghiệp nữ được mời tham dự một triển lãm về radio có tên gọi là Radio-ngã tư quốc tế do câu lạc bộ sóng ngắn vùng Auvergne tổ chức tại thành phố Clermont Ferrand thuộc miền trung Pháp, nghe đâu gần biên giới Thuỵ Sỹ và cách Lyon không mấy xa. Hôm gọi điện lên Paris liên hệ với chúng tôi, ông Jean Piegant, chủ tịch Câu lạc bộ sóng ngắn vùng Auvernge có dặn là ở dưới đó rất rét, tuyết đang rơi dầy nên khi xuống nhớ mặc cho thật ấm. Xuất phát từ nhà ga xe lửa phía nam Paris (Gare de Lyon) từ rất sớm. Tàu hỏa xuôi hướng nam, tuy không phải là TGV song lắng nghe âm thanh và nhìn cảnh vật hai bên đường, tôi đồ rằng tàu đang chạy với tốc độ chừng 120 km/h. Trời rạng sáng thì đã xa Paris lắm rồi. Làng xóm và cảnh vật đôi bên nhấp nhô theo địa hình. Người Pháp ở nông thôn đa phần vẫn sống trong những ngôi nhà truyền thống hai hoặc ba tầng, bốn mái, có tầng hầm. Vẫn trưa thấy tuyết đâu. Khi cách Clermont Ferrand không xa, thì bắt đầu thấy tuyết. Tuyết thưa thớt trên mặt đồi, mặt ruộng. Tuyết lác đác trên mái nhà, cành cây. Tuyết càng ngày càng dày, rồi như con tàu như xuyên giữa miêm man tuyết trắng, cho đến khi băng tuyết trắng xóa nhức nhối khắp nơi thì cũng là lúc nhà tàu thông báo tới ga Clermont Ferrand. Tôi cẩn thận quấn chặt khăn quàng cổ, kéo kín cổ áo khoác, đội mũ len chùm tai, đi găng tay và nhắc Thu Hương, đồng nghiệp nữ và cũng là người phiên dịch làm như thế, rồi hai anh em bước xuống sân ga. Đứng định thần giây lát, tôi bước đi trên băng tuyết dày, do không để ý nên mấy lần trơn trượt xuýt ngã. Cái cảm giác bỡ ngỡ qua nhanh và chúng tôi đã có thể đi lại mạnh bạo, nhanh nhẹn trên truyết. Ông già Jean Piegant đã đứng sẵn trong đường hầm trước lối ra cửa ga với tấm bìa viết chữ VIETNAM và nụ cười tươi chào đón chúng tôi. Ông líu ríu tiếng Pháp hỏi thăm, trò chuyện với Thu Hương, đồng nghiệp của tôi, và dùng xe riêng chở chúng tôi về điểm tập kết. Bữa trưa, cả đoàn mấy chục người gồm ban tổ chức và các khách mời, phần lớn đều là các phóng viên chương trình phát thanh tiếng Pháp đến từ một số Đài phát thanh như Russia., Rep.Tseck, Slovaque, Mondovie, Coreé, Equateur, Syrie, Gabon, Iran ... Nhà hàng, nơi ban tổ chức đặt cơm cách xa hơn cây số, thế nên cả đoàn dắt dây đi bộ. Trưa nắng lên, tuyết bắt đầu tan nên đường phố chỗ còn băng tuyết, chỗ đã tan hẳn nhưng lép nhép lắm. Nước từ băng tuyết tan chảy tràn trên mặt đường, dồn lại thành dòng róc rách chảy. Lại do không cẩn thận vì mải quan sát nhà phố nên hơn một lần tôi trượt chân xuýt ngã bổ chửng. Mọi người cười vui và cảm thông với người xứ nhiệt đới là tôi, bởi phần đông trong số họ, tuyết đã quá quen thuộc. Clermont Ferrand là một thành phố nhỏ, với 13 ngàn dân, vốn nằm trong một vùng đất thung lũng xưa từng có núi lửa hoạt động, là quê hương của chiếc săm lốp xe rời đầu tiên trên thế giới, và còn nổi tiếng với một Liên hoan phim ngắn quốc tế mang tên thành phố. Đêm ấy, cả đoàn khách mời chúng tôi nghỉ trong một ký túc xá sinh viên trên phố nhỏ- Rue de Saint Eutrop, mỗi người một phòng 7 mét vuông . Cửa sổ các phòng nhìn một nhà thờ nhỏ. Trời tắt nắng là tuyết lại bắt đầu rơi. Trời càng về tối tuyết rơi càng mau, nhìn qua cửa kính, nhà thờ thâm sì với tháp chuông vuốt nhọn trong bóng đêm và tuyết. Quảng trường nhỏ trước nhà thờ vắng lặng, chỉ thưa thớt cây và tuyết Bỗng thèm nghe tiếng chuông nhà thờ. Lại thèm được rụi mình trong chăn ấm nệm êm và thấy buồn ngủ díp mắt. Thế nhưng, khi chui vào giường ngủ, tưởng đâu sẽ chìm sâu vào giấc ngủ thì nằm mãi, trở mình mãi mà không ngủ được. Đầu óc tỉnh như sáo. Có lẽ do lạ giường, hay do ấn tượng về băng tuyết lần đầu ? Rồi nghĩ miên man và lại nhớ về bếp lửa rơm quê nhà những chiều đông nướng khoai vùi sắn. Mới biết, con người ta càng đi xa lại càng nhớ quê nhà. Và giấc ngủ cũng đến. Trong giấc ngủ, thấy mình thời học trò, theo đám trẻ trâu đi săn chuột đồng, bắt cá sau vụ gặt tháng mười, rồi nhặt quả phi lao khô đốt sưởi trong những chiếc bếp lò tự làm từ ống bơ. Gió mùa đông bắc về, mưa rét giăng đầy đồng và bỗng nhiên những hạt mưa ngưng kết nở thành những bông tuyết trắng muốt bay đầy trời bám vào các gốc rạ và nhữg khóm rau khúc tần trên ruộng... Tỉnh ra mới biết là nằm mơ, trời đã sáng tự bao giờ. Lúc xuống đường thì trời ơi, những tuyết là tuyết. Đêm qua tuyết rơi nhiều quá. Những hàng cây ven đường cành lá đeo nặng tuyết, những chiếc ô tô con đậu ngoài trời bên phố nóc xe tuyết chất thành những quả núi con. Triển lãm Radio -ngữ tư quốc tế diễn ra ở trung tâm văn hóa thành phố. Dự khai mạc xong, hai anh em, tôi và Thu Hương bỏ ra sân ngoài trời. Băng tuyết dày hàng gang tay, và để có cái cảm giác lạnh giá, chúng tôi xục hai tay xuống tuyết vốc lên xoa vào mặt. Rồi hai anh em bốc tuyết ném nhau một thôi một hồi đến râm rấp mồ hôi …            

          Rời Clermont Ferrand, chúng tôi đáp tàu về Paris. Trời chiều, tuyết vẫn rơi trắng trời, nóc nhà thờ và các toà nhà cao thành phố cứ lùi xa và khuất dần ngoài cửa kính tàu. Vừa mới đó đã nao nao nhớ về những món pho-mát, những ly rượu vang mà ông Jean Piegant chủ định đổi món mỗi bữa, nhằm khoe ngầm với khách quý bốn phương biết sự phong phú trong ẩm thực vùng quê ông…  

          Những tưởng thế thôi, cho đến lúc về chẳng còn thấy tuyết. Song khi chỉ cách Noel chục ngày, Paris có tuyết rơi. Tuyết bắt đầu rơi từ nửa đêm về sáng. Có lẽ chỉ những kẻ overnight hoặc mò mẫm ăn sương trong mọi ngõ ngách đường phố Paris mới biết tuyết rơi tự lúc nào. Hôm ấy như có một linh cảm nào đó nên dậy sớm. Mở cửa sổ nhìn xuống vườn, thì trời ơi, chiếc ghế xích-đu và khóm táo dại cùng mấy bụi hoa trong vườn điểm xuyết những bông tuyết. Tuyết mỏng và thưa nên cảm giác như có lại như không. Song quả là có đấy, bởi những con cá chúng tôi mua từ phiên chợ giời nông dân trên phố chiều hôm trước đem về buộc dây treo ngoài của sổ thay vì để trong tủ lạnh sợ mùi, loáng thoáng bông tuyết bám vào. Đưa tay chạm vào những bông tuyết mỏng manh, chúng nhanh chóng tan biến. Những ngửa mặt nhìn trời, tuyết còn rơi mơ hồ…             

          Ngày ấy đã thành xa. Mấy năm nay, mùa đông về, đôi khi Sapa (Lào Cai ), Mẫu Sơn ( Lạng Sơn ), Nguyên Bình ( Cao Bằng ) đều có tuyết rơi. Đặc biệt mùa đông năm 2007, rét kỷ lục khiến khắp miền đông nam Trung Hoa và cả miền núi Bắc Việt Nam chìm trong giá rét lê thê hơn tháng trời. Băng dày và tuyết rơi đến hàng tuần ở Mẫu Sơn, Nguyên Bình và Sa-pa, phủ trắng xóa lưng đèo Hoàng Liên Sơn. Chẳng thể lên xem, mà có lên cũng không kịp. Lại đành nhìn tuyết made in Vietnam qua hình, ảnh vậy. Mùa đông rồi lại mùa đông, năm nào cũng vậy, truyền hình đưa hình ảnh miền bắc Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và hàng loại những nước châu Âu như Pháp, Đức, Italia, Thuỵ Sỹ, Anh băng tuyết phủ kín. Người dân Paris luôn thèm được đón năm mới trên đại lộ Champs Élysées và quảng trường Charles de Gaulle trước Khải Hoàn Môn dưới một bầu trời đầy tuyết bay!...           

          Phong, hoa, tuyết, nguyệt từ ngàn đời nay đã bất tử cùng thi họa Trung Hoa. Quả là tuyết đã làm nên bao áng thi văn bất hủ. Tuyết đã thành máu thịt ruột rà của người dân, là một phần của văn hóa xứ hàn đới. Người ta đã lo ngại nạn ô nhiễm môi trường tràn lan toàn cầu dẫn đến biến đổi khí hậu, băng Bắc Cực tan chảy sẽ nhấn chìm một phần lục địa, và một ngày kia mùa đồng không có tuyết rơi.  Nếu như một ngày kia, thế giới sẽ là gì nếu mùa đông không còn tuyết nhỉ ?!...

 

 

3. Tàu điện, giao thông hay là văn hóa ?

                                            

       

           Tôi nhớ, vào những ngày cuối cùng của năm 2006, có hai thông tin gây nên trong tôi cùng một xúc cảm . Đó là, Hà Nội công bố khởi công xây dựng ga đầu mối tuyến metro đầu tiên tại Nhổn và Paris khánh thành tuyến xe điện nổi dọc theo bờ sông Xen.

          Sở dĩ hai tin ấy lại gây cho tôi một cảm xúc chồng lấn là bởi, tôi đã có cả một thời tuổi thơ sống với xe điện Hà Nội và nhiều ngày lặn ngụp trong những tuyến metro ngầm của Paris. Thêm nữa, lại đặt trong bối cảnh khi mà cái lối giao thông, nhất là giao thông đô thị, Việt Nam mình chẳng giống ai...

          Trở lại mươi năm trước, tôi cùng đồng nghiệp báo chí có vài tháng trời ngang dọc Paris khi theo một khóa tu nghiệp, và lẽ dĩ nhiên, chúng tôi chọn một phương thức đi lại duy nhất, rẻ tiền và tiện lợi nhất là metro. Paris có cả thẩy 13 tuyến metro ngang dọc chằng chịt, đó là chưa kể những tuyến RER ( xe lửa ngoại ô ) nối với các tuyến metro và hàng trăm tuyến xe buýt. Tôi thuê nhà ở của Việt kiều tại vùng ngoại ô phía Đông là Montreuil nên tuyến metro hằng ngày chúng tôi đi học và đi thực tế hoặc đi chơi cuối tuần là tuyến số 9, khởi nguồn từ ga đầu tiên phía đông - Marie de Montreuil. Còn như muốn đi đâu đó khắp Paris, vào đến ga đầu mối Nation, là có thể đổi sang tuyến số 1, số 2, số 6, và khi sang một trong ba tuyến ấy, đến các ga đầu mối khác lại có thể đổi sang một vài tuyến mới. Cứ như vậy, nếu không trồi lên mặt đất và khéo chọn tuyến, ta có thể cả ngày chui trong lòng đất Paris chỉ với một vé vào cửa ban đầu. Lẽ dĩ nhiên, khi bước sang lãnh địa của RER thì phải trả thêm vé vào cửa khác ( nếu không sẽ bị phạt, 100 franc cho một lần vi phạm ) và ngay cả khi ta không để ý loanh quanh thế nào cũng dễ vấp phải cửa ngăn cho một lần trả vé khác (đấy là cái tài của các nhà quy hoạch và quản lý hệ thống này ). Với những ai chưa từng đi, sẽ hỏi, chui rúc dưới đó không thấy được cảnh sắc phố phường thì có gì lý thú? xin thưa, đấy là cả một thế giới sống động, đơn giản bởi trước hết, có đến già nửa dân Paris và ba phần tư khách du lịch chọn hình thức giao thông này. Tôi luôn giữ ấn tượng về những dòng người tuôn chảy vội vã nửa đi nửa chạy trong những lối đi ngầm khi đổi tàu, nhất là lúc trồi lên mặt đất, rồi đó là những biển quảng cáo sắc màu trăm thứ bà giằn, những siêu thị liên thông, những ban nhạc rong, những kẻ thất nghiệp xin tiền và cả những tên láu cá trộm cắp vặt v.v... Bằng metro, ta có thể đến hầu như tất cả các điểm du lịch hoặc mua sắm, ăn chơi nổi tiếng nhất của Paris như : tháp Eiffel, vườn hoa Luxembourg, Khải Hoàn Môn trên quảng trường Charles de Gaull-đại lộ Champs Elysses, Bảo tàng Louvre, điện Tuileries và Versailles, Nhà thờ Đức Bà ( Notre Dame des Champs), Tòa Thị chính; rồi nữa là toà nhà chọc trời Montparnasse, đồi Montmartre với khu chợ tranh nổi tiếng, khu chơi bời St. Denis, Pigal v.v....

          Dạo ấy, mỗi khi ngồi trên metro vun vút trong lòng đất Paris, tôi lại nhớ về những tuyến xe điện thô sơ leng keng đi về sớm tối với những tuyến Bờ Hồ-Chợ Mơ, Bờ Hồ- Hà Đông, rồi Yên Phụ, Bưởi, Vọng của Hà Nội thuở nào, mà cũng lại do người Pháp khởi nguồn từ thời Pháp thuộc. Ngày nhỏ, nhà tôi ở ngõ Trúc Lạc trên phố Phó Đức Chính, thế là mỗi khi đi đâu, tôi lại được bố mẹ, các chị dắt đi tắt qua ngõ Năm Gian ngược dốc lên đê Yên Phụ để đi tàu điện. Cứ thế leng keng, những chuyến tàu cũ kỹ đi về suốt tuổi thơ tôi, và nó càng da diết khi gia đình tôi rời thành phố về quê Hưng Yên sinh sống. Leng keng, bền bỉ, nhẫn nại khuya sớm tàu điện suốt cả thời bom đạn Mỹ, mãi đến yên hàn thống nhất đất nước... Rồi tuổi sinh viên tôi lại lấy đó là phương tiện đi lại chính với những kỷ niệm khó quên của những lần trốn vé, nhảy tàu ...

          Hồi đó, ở Paris-trung tâm văn hoá văn minh châu Âu, tôi chưa có gì để so sánh ngoài chút hoài niệm về tàu điện Hà Nội. Gần đây, tôi đi công tác Nhật Bản, và với chục ngày ở Tokyo, tôi lại chọn phương tiện đi lại chính cho mình ở thủ đô hiện đại nhất châu Á này, metro. Lúc ấy, tôi đã có cái để mà so sánh, không, để mà nhớ về thì đúng hơn , ấy chính là metro Paris. Tokyo cũng có 13 tuyến metro, song có cảm giác nhiều tuyến nằm ở độ sâu hơn so với metro Paris. Thắc mắc ấy được một người quen của tôi, tiến sỹ y khoa Junichi Inaba giải thích, những tuyến metro nằm rất sâu đó là của tư nhân, bởi chính phủ Nhật Bản có chính sách khuyến khích đầu tư trong dịch vụ giao thông này bằng cách miễn thuế tài nguyên cho những công trình ở độ sâu 50m trở xuống trong lòng đất. Quan sát kỹ, tôi nhận thấy, người Nhật khác người Pháp, khi di chuyển trên metro, họ lại xem đấy là những giây phút hiếm hoi để thư giãn nghe nhạc hoặc chợp mắt ngủ. Dấu hiệu của một xã hội công nghiệp phát triển quá mức chăng ?

          Rõ ràng, metro không chỉ là dấu hiệu của một xã hội  công nghiệp văn minh, đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế, giảm ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông đơn thuần mà còn có bóng dáng của văn hóa. Với người Pháp, với hệ thống metro văn minh như vậy, song họ lại cho sống lại một hệ thống tàu điện nổi dọc bờ sông Xen, thì ngoài việc góp phần giảm lượng xe hơi, tăng hiệu quả giao thông, giảm ô nhiễm, có một mục đích nữa nhắm tới là văn hóa-du lịch. Du khách đến Paris, có lẽ nào lại tiếc tiền mua một tấm vé lên chuyến tầu điện du ngoạn, ngắm cảnh sắc đôi bờ sông Xen ?!

          Ngẫm người lại nghĩ đến ta. Với tình trạng giao thông quá tải, lộn xộn và ô nhiễm nặng của Hà Nội hiện nay, tôi đã từng mơ đến một ngày kia xa vời là có metro. Giờ thì giấc mơ ấy không còn vô vọng nữa, dù vẫn phải chờ đợi lâu. Nhưng tàu điện nổi, Hà Nội đã từng có một thời, sao lại không hồi sinh bây giờ nhỉ ?

        4. Có một người văn Việt ở Paris

        Mùa đông năm 1996, tôi cùng vài ba đồng nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam sang Pháp học nghiệp vụ báo chí, trước khi đi, nhà văn Ngô Tự Lập có nhờ tôi chuyển thư cho một người quen ở Paris là Đặng Văn Long và bảo: “Anh nên đến chơi thăm anh Long. Anh ấy tốt lắm, cũng có viết văn...”. Sang rồi, theo số điện thoại Lập cho, tôi gọi điện. Một giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện trả lời. Anh Long mời chúng tôi đến chơi nhà, và sợ chúng tôi bỡ ngỡ, lạc đường nên vẫn cố đến đón chúng tôi.

Đúng hẹn, chúng tôi ra điểm hẹn bến xe buýt ngay cửa ga metro Croix de Chavaux thuộc quận ngoại ô Montreill. Một người đàn ông đứng tuổi nhỏ thó, da trắng xanh, thọc tay vào túi áo khoác đi đi lại lại loanh quanh cho đỡ rét, chăm chăm nhìn chúng tôi. Người Việt mình. Đúng là anh Long. Thế là chúng tôi nhận ra nhau. Anh ở cách đấy chừng vài ba chặng xe buýt cũng thuộc Montreill, một căn hộ 7 buồng trên tầng 9 của chung cư. Khi đó, anh cho một thực tập sinh Việt của Viện quân y 103 ở nhờ. Phòng khách rộng, treo mấy bức tranh thư pháp, anh bảo là của đạo diễn – nhà thơ Đỗ Minh Tuấn và vài người quen khác từ Việt Nam sang công tác ghé chơi, tặng lại. Hôm ấy, anh giữ chúng tôi ở lại dùng cơm, chỉ chúng tôi lấy thực phẩm sẵn trong tủ lạnh và dặn hãy nấu những món ăn đặc Việt. Bữa cơm giản dị, ấm cúng tình người. Quen nghe anh xưng anh là cũng gọi theo vậy, song không ngờ anh đã 74 tuổi, sang Pháp từ hơn 50 năm trước. Khi thấy chúng tôi đổi cách xưng hô, anh bảo, không cần thiết, cứ gọi thế cho thân mật, với lại anh đang mong ước được trẻ lại để còn hy vọng một lần về thăm quê hương bản quán.

Trong câu chuyện, anh cho biết, vốn quê Hải Dương, sinh năm 1919, năm 1940, bị Pháp bắt lính, đưa xuống tàu há mồm cùng bao thanh niên Việt sang Pháp làm lính thợ. Những lính thợ người Việt khi ấy bị đưa sang châu Phi, đi đến một vài xứ thuộc địa Pháp để phục vụ công cho quân đội viễn chinh Pháp, rồi sau đó lại trở về Pháp tiếp tục kiếp lính thợ. Sau năm 1947, giải ngũ định cư tại Pháp, anh có làm một số công việc, chủ yếu là lao động giản đơn. Rồi lấy vợ Pháp, một người đàn bà thuộc tầng lớp lao động bình dân, có hai con. Lúc bấy giờ, vợ anh đã mất chừng dăm năm, con gái lấy chồng sống bên Bỉ, con trai lấy vợ sống trong nội thành Paris, anh sống một mình bằng lương hưu. Từ nhiều năm trước, anh bị bệnh tim, giờ nặng đến mức phải đeo máy trợ tim dưới làn da ngực trái. Căn hộ tầng 9 chung cư này luôn rộng cửa với rất nhiều người Việt Nam, nhất là các anh em văn nghệ sĩ, các nhà báo mỗi khi sang Pháp.

Anh cho chúng tôi xem một tập thơ của anh, rồi khoe là có một cuốn tiểu thuyết nhan đề Lính thợ ONS vừa được NXB Lao động ấn hành tại Việt Nam, và hiện anh đã viết được chừng 500 trang một cuốn sách khác về người Việt Nam ở Pháp. ( 2 năm sau, cuốn sách có nhan đề “Người Việt Nam ở Pháp” 1940 – 1954 được in 1997 tại Pháp). Tôi đã từng nhìn thấy bìa cuốn sách Lính thợ ONS bày bán ở Việt Nam, song không ngờ lại được gặp tác giả. Khi thấy chúng tôi trầm trồ, anh nhỏ nhẻ cười hiền, bảo, bốn dĩ là anh nông dân, khi bị bắt đi lính thợ tuy không đến nỗi mù chữ quốc ngữ, song viết lách còn chưa thạo, tất cả là do đi ra ngoài, gian khổ trường đời dạy cho cả. Rồi anh cứ mủm mỉm cười, lúc lắc đầu làm như vẻ không thể tin nổi chuyện một người chẳng mấy hiểu chữ nghĩa sách vở, rồi qua bao năm tháng thân phận cu-li như mình mà lại có ngày trở thành nhà văn, nhà chép sử... Có thể anh thật lòng, mà hoặc có khiêm tốn mà nhận vậy đi chăng nữa thì cũng đâu có khác gì nhau, đều là đáng quý cả. Sau đó, chúng tôi còn đôi ba lần, đến thăm anh vào kỳ nghỉ cuối tuần. Riêng tôi và anh, có thêm vài kỷ niệm nho nhỏ. Lúc chuyện trò về văn chương, anh cho biết là người quen trong nước thỉnh thoảng gửi cho anh dăm cuốn sách nên anh không đến nỗi quá lạc hậu với tình hình văn học nước nhà. Rồi anh khen văn Ngô Tự Lập mới mẻ. Tôi có tặng anh một tập truyện ngắn của tôi do NXB Hà Nội ấn hành. Mấy ngày sau, anh gọi điện đến nơi tôi ở, nói hào hứng là đã đọc xong tập truyện của tôi và không khách sáo bảo là viết bình thường, chắc tay, có đôi ba truyện được, đặc biệt khen truyện Biển của một thời... Vào dịp trước lễ Giáng sinh năm ấy, chúng tôi chuẩn bị về nước, có tranh thủ làm một magazine về người Việt ở Pháp với Tết dân tộc. Khi chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn thu thanh anh Long, anh nhắc đến ký ức về những cái Tết tuổi thơ nghèo khó mà vui xa xưa từ ngày chưa sang Pháp và kề chuyện cùng vợ con và những người Việt Nam ở Pháp tổ chức đón Tết cổ truyền dân tộc, xúc động quá nên cơn đau tim bột phát. Chúng tôi bị một phen hoảng hồn, may nhờ có máy chỉnh nhịp tim và dùng thuốc kịp thời nên qua khỏi, nếu không chúng tôi sẽ ân hận nhường nào!...

Thực ra, sau khi giải ngũ khỏi kiếp kính thợ, vì mặc cảm với thân phận mình nên suốt bao năm trời cắm đầu nơi xứ người mà sống, đến lúc tuổi cao sức yếu bệnh tim đeo đẳng dù nhờ quê hương bản quán lắm lắm song cũng không thể về được nữa. Anh tâm sự, thôi thì chỉ còn cách giãi bày, trút hết nỗi niềm thành kính, thương yêu da diết Tổ quốc, quê cha đất tổ bằng ngòi bút, viết nên những điều tâm huyết nhất. Cũng chẳng biết rồi những gì mình viết ra giá trị đến đâu, chỉ biết, khi viết, mình đăm đăm với ý tưởng vạch rõ bộ mặt thật của thực dân, đế quốc và mong muốn thể hiện đức tính trung trinh, can đảm, chịu thương chịu khó để vượt lên số phận của người Việt mình dù trong bất cứ cảnh ngộ nào. Âu cũng là cách trả nghĩa công sinh thành của cha mẹ, quê hương của người con tha hương...

  lẽ, cũng chính vì lẽ ấy, tôi không gọi Đặng Văn Long là nhà văn, mà gọi anh là người văn, là để nhấn tới tính cách con người, một người Việt yêu nước, hơn là sự đóng góp về văn chương trong anh, cùng còn bởi, tác phẩm của anh có giá trị tư liệu hơn là gí trị về văn học .

Tôi nhớ, hôm chúng tôi đến thăm anh lần cuối trước khi về nước vì biết rằng khó có ngày gặp lại, anh bồi hồi chìa bàn tay già nua nhăn nheo để chúng tôi nắm. Tay kia anh luôn để lên ngực trái xoa nhẹ, nơi chiếc máy trợ tim thường trực canh gác trái tim anh, chép miệng: “Khổ thế, mấy em ơi... Anh ước ao một ngày nào đó được ngồi trên máy bay như mấy em đây mà về...!”. Anh lại nghẹn lời trong cơn xúc động... Chỉ một ngày sau khi về đến Việt Nam, cả mấy đứa chúng tôi đều nhận được cú điện thoại anh gọi về từ Pháp, ân cần hỏi thăm tình hình đi đường và chúc sức khỏe gia đình trước dịp Tết dương lịch.

Kể từ ấy, đến nay đã dăm năm trôi qua, tôi vẫn luôn có tin tức về anh qua những người quen, phần đông là dân báo chí, văn nghê, chúng tôi vì mỗi dịp đến Paris đều ghé thăm căn hộ của anh Long. Trước lễ Giáng sinh năm nay (2002) chừng nửa tháng, có tin anh Long qua đời ở độ tuổi ngoại tám mươi. Thế là ngưng đập một trái tim đau, một trái tim tha hương luôn hướng về nguồn cội. Thì cứ cho rằng, những trang văn, trang sử anh viết chỉ là vì yêu tha thiết con người và quê hương đất Việt, và như anh tự nhận, là nghiệp dư đi chăng nữa, thì cái chúng ta biết đến và quý trọng ở Đặng Văn Long là tấm lòng kia mà!...

Vậy là, từ tết Nhâm Ngọ, anh không còn được vọng xuân dân tộc như bao xuân trước, và ước mong một đời của người con xa xứ được một lần trở về thăm quê của anh không thành. Nhưng đấy là chuyện của một con người bằng xương bằng thịt. Chứ thực ra, nói theo tâm linh người Việt chúng ta, thì giờ đây, anh đã thuộc về hư vô,và ở cõi ấy, chẳng cần phải tàu há mồm, cũng không cần máy bay, anh hoàn toàn tự do trở về quê hương, không ràng buộc bởi bất cứ thứ gì. Vả lại, với Đặng Văn Long, tất thảy những gì anh viết trước đấy thực sự là sự trở về với cội nguồn rồi!...

 

 

Trở lại xứ gà trống Gô-loa

 

1. Le Procope, quán café lâu đời nhất châu Âu

 

          Tôi bắt đầu ký sự “Trở lại xứ Gà trống Gô-loa” của mình bằng bữa tiệc chiêu đãi của phía bạn Pháp với Đoàn cán bộ Việt Nam trong đợt học tập ngắn hạn ( 06.10 - 21.10.2012 ) tại cộng hòa Pháp, trường L’ ENA ( Trường Hành chính quốc gia Pháp ).

Đơn giản, bởi bữa tiệc chiêu đãi này là hoạt động cuối cùng trước khi lên máy bay về nước của của đoàn cán bộ Việt Nam tham dự khóa đào tạo về “ Cải cách hành chính công “ theo chương trình 165 của ta, tại một quán café-restaurant lâu đời nhất châu Âu. Thêm nữa, với riêng tôi, Le Procope gây ấn tượng mạnh mẽ hơn là những công trình văn hóa-tôn giáo lâu đời và nổi tiếng mà ai cũng biết như : Tháp Eiffel, Khải hoàn môn, Bảo tàng Luvre, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Opera... Tôi xin được nói ngay lý do vì sao Le Procope lại gây ấn tượng mạnh nhất với tôi trong chuyến trở lại nước Pháp sau 16 năm...

          Ấy là, những thông tin sau đây, có thể không mới với nhiều người, song với tôi, nó làm sống dậy cả một thời kỳ lịch sử lâu dài của nước Pháp, góp phần làm thay đổi châu Âu và thế giới :

          Le Procope được thành lập từ năm 1686, bởi một người gốc Palermo, Italia có tên là Franceso Procopio Dei Coltelli, tại số 13 Rue de l’Ancienne- Comédie, Paris ( xưa là Rue des Fosses Saint- Germain ). Đây là quán café lâu đời nhất châu Âu, và không chừng, lâu đời nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay cũng nên ( tôi không dám chắc điều này, mặc dù người Pháp vẫn tự hào cho là vậy ).

          Nơi đây, từng là chỗ lui tới thường xuyên của nhiều nhân vật lẫy lừng thế giới, đó là, các triết gia, văn sĩ, thi nhân: La Fontaine, Jean-Jacques Rousseau, Voltaire, Victor Hugo, Musset, Verlaine , Flaubert, Balzac, Anatole France …; các nhà hoạt động cách mạng và anh hùng: Robespierre, Danton, Marat và Napoleon Bonaparte... Và người ta cho rằng, tại đây, nhà tư tưởng-nhà văn Diderot đã soạn cuốn “Từ điển bách khoa toàn thư”, chính trị gia Benjamin Franklin đã viết Hiến pháp Hoa Kỳ, còn thi sĩ Paul Verlaine thường nhâm nhi café và trí tưởng bay bổng cùng những vần thơ của tập La Bonne Chanson ( Bài hát hay ), và Napoleon Bonaparte thì đã từng vội vã bỏ quên chiếc mũ đội đầu khi vị anh hùng này mới là viên trung uý pháo binh...

          Rồi đó, chiếc phin pha café được ông chủ quán đầu tiên sáng chế ra và áp dụng tại quán này, sau dần lan truyền khắp thế giới đến ngày nay; và nữa, là những kỷ vật, bút tích của những con người lỗi lạc còn được lưu giữ tại đây, ngay cả những khẩu hiệu cho cả loài người, được các vị lãnh tụ cách mạng tư sản Pháp đề xướng là Tự do-Bình đẳng-Bác ái ( Liberté, Egalité, Fraternité  )...

            Chừng ấy thôi, cũng đủ làm nên một Le Procope lừng danh thế giới. Thử hỏi, được ngồi ăn và nhâm nhi café trong một quán như vậy, làm sao  không xúc động cơ chứ !?

          Trở lại với bữa tiệc hôm ấy. Sau lễ trao giấy chứng nhận khóa học tại Trường L’ ENA, ông Chủ nhiệm khoa Quan hệ quốc tế của trường cùng các cộng sự cho hay là mời đoàn cán bộ Việt Nam đi dự tiệc bế mạc chia tay tại một nhà hàng nổi tiếng nhất Paris. Nghe vậy, tôi chỉ nghĩ là họ sẽ đưa đến ăn tại một quán ăn đặt trên tầng chót vót của toà nhà Montparnasse cao nhất Paris ( như khóa học của Việt Nam ngay trước chúng tôi đã dự ). Trên đường đi, ông Chủ nhiệm khoa tự nhận là hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, khi ấy, mới tiết lộ là đang đưa đoàn Việt Nam đến ăn tiệc tại quán Le Procope.

          Bữa tiệc ấy, trường L’ENA đã phải đặt chỗ trước cả tuần. Bên ngoài, cùng với biển tên quán, còn có tấm biển đá to hình tròn ghi danh các danh nhân từng là khách hàng của quán trong lịch sử tồn tại 326 năm đến nay của mình. Quán đã đông kín, trừ hai dãy bàn dành cho đoàn cán bộ chúng tôi. Tiệc khai vị có món khoai tây chiên và rượu mứt quả truyền thống của nhà hàng. Món ăn chính là sa-lát cá hồi và các sác-đin hầm khoai tây, nhắm cùng vang Pháp, bánh mì đen. Bữa tiệc đầm ấm, mọi người rì rầm nói chuyện với nhau, chủ yếu là về văn hóa và ẩm thực của hai nước Việt-Pháp. Tráng miệng có nho và đặc biệt là tách café Brésil trứ danh của quán. Phía bạn ngỏ ý muốn được thưởng thức dân ca Việt Nam, và đã được đáp ứng bằng mấy bài quan họ Bắc Ninh qua giọng ca nghiệp dư của hai thành viên trong đoàn vốn gốc Bắc Ninh, Bắc Giang.

          Tàn tiệc, tôi còn nấn ná lại phía sau, cùng người phiên dịch tiếng Pháp ngó nghiêng chụp ảnh một số kỷ vật lưu giữ ở quán.

          Chụp pô ảnh kỷ niệm trước cửa quán, rồi chạy gằn cho theo kịp đoàn, tôi thầm nghĩ, một ngày nào đó, sẽ quay trở lại nơi đây...

 

 

 2. Giao thông Paris

 

          Đi đến bất cứ nơi nào, dù là trung tâm đô thị hoặc vùng xa xôi hẻo lánh, thì thứ người ta phải vập mặt đầu tiên là Giao thông.

          Lần trở lại Pháp này, phải trải qua chuyến bay đêm kéo dài khoảng 12 giờ đồng hồ của Vietnam Airlines ( từ 11 rưỡi đêm giờ Việt Nam tại Nội Bài đến 6 rưỡi sáng hôm sau theo giờ Pháp tới sân bay Charle de Gaulle, lệch nhau 5 múi giờ ).

Lần trước sang Pháp vào cuối thu năm 1996, ấy là lần đầu tiên tôi đặt chân đến xứ sở Gà trống Gô-loa và đồng thời cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi. Khi ấy, tôi chưa có kinh nghiệm gì, lại thêm cảm giác lạ lẫm nên suy nghĩ, thức ngủ lộn xộn. Tôi nhớ, trên chuyến bay của Air France, từ Nội Bài qua Bangkok nghỉ 2 tiếng lấy thêm khách rồi bay một mạch khoảng hơn chục tiếng gì đấy và đến sân bay Charles de Gualle vào lúc 4 giờ sáng. Trên máy bay, thứ âm thanh thường trực trong tai là tiếng động cơ máy bay và chen lẫn là tiếng trẻ con quấy khóc ( có mấy người ngoại quốc qua Việt Nam xin con nuôi, chúng còn quá nhỏ nên quấy khóc suốt chuyến bay ). Trong bữa ăn trên máy bay, tôi đã xin tiếp viên một ly cô-nhắc uống và ngà ngà để chợp mắt và quên thời gian.

Lần này, kinh nghiệm bay quốc tế của tôi đã dày dặn, thêm nữa đoàn đi những 21 người, lại được bố trí ngồi liền ghế, nên chuyện phiếm quên thời gian. Xin nói thêm, sân bay quốc tế Charles de Gaulle là sân bay bậc nhất châu Âu, xét về lượng khách thì nó xếp sau sân bay Heathrow của London ( Anh ), và hơi nhỉnh hơn sân bay Quốc tế Frankfurt ( Đức ), song nếu tính về lượng máy bay hoạt động, và lượng hàng hóa vận chuyển, sân bay Charles de Gaulle xếp hạng nhất. Trên đường từ sân bay về khách sạn, ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là chiếc máy bay siêu thanh dân dụng Concorde sau khi ngừng bay vào năm 2003 được đưa vào nằm bệ tại một góc sân bay, trông vẫn rất ngoạ nghễ, và sau đó là dòng xe cộ đông đặc suốt dọc đường.

Từ khách sạn nơi tôi ở thuộc ngoại ô phía Nam Paris kề bên sông Xen, đến nơi chúng tôi học là Trường Hành chính Quốc gia Pháp ( L’ ENA ) thuộc quận 6, chỉ có 12 km nhưng hàng ngày chúng tôi di chuyển bằng ô tô phải mất thời gian khoảng trên dưới 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Paris không tắc đường, mà chỉ ùn xe, nhất là vào giờ cao điểm đi làm buổi sáng và tan công sở buổi chiều.

Dân số Paris hiện gần 12 triệu người, song khách du lịch thì vô kể, có thể nói là cao nhất thế giới, chính vì vậy mà hệ thống giao thông của Pr. luôn quá tải. Hiện tại, hệ thống giao thông đường bộ của Pr có 16 tuyến xe điện ngầm ( metro ), 5 tuyến RER ( xe lửa ngoại ô ), 2 tuyến tàu điện nổi và hơn hai trăm tuyến xe bus ngang dọc, lại thêm mạng lưới taxi, nhưng cũng không xuể. Mặc dù phương tiện giao thông công cộng tốt như vậy, song người dân Paris vẫn thích sở hữu xe hơi cá nhân, nhất là các gia đình từ trung lưu trở lên ( mỗi gia đình loại này có từ 2-3 chiếc ). Tuy vậy, di chuyển trên các phương tiện công cộng vẫn là sự lựa chọn tối ưu ở Paris. Khi đến tìm hiểu Công ty RATP, công ty điều hành các phương tiện giao thông công cộng đường bộ của Paris, Mr. Lionel Chaty, Trưởng dự án các nguồn nhân lực của RATP cho biết, toàn bộ hệ thống phương tiện công cộng của RATP vận chuyển thường xuyên 12 triệu lượt người / ngày/ toàn Paris. Thật là một con số ấn tượng.

Đường nội đô Paris hẹp, đặc biệt là những khu phố cổ, liên tiếp ngã tư ngã năm đèn đỏ, vậy là ùn xe ngay thôi. Vào giờ cao điểm, xe nhích từng chút, đến sốt ruột. Tuy nhiên, các phương tiện đều tuyệt đối tuân thủ luật và tín hiệu giao thông, không có tình trạng lộn xộn chen lấn, tranh đường, di chuyển như kiểu “ dơi bay “ như ở xứ mình. Chính vì vậy, tai nạn giao thông ở Paris rất ít, phần lớn chỉ va quệt xước xe, móp vỏ mà thôi...

Nơi đỗ xe cũng là một vấn đề nan giải, đường phố mua sắm thì đỗ xe thế nào ? Paris cho phép đỗ xe bên cả hai mép đường ( nếu có thể ) và còn được phép để một nửa thân xe lên vỉa hè theo chiều chéo. Còn xe đỗ dưới mép đường, chiếc nọ nối chiếc kia, đầu đuôi cách nhau chỉ 15-30 cm. Ấy vậy, khi cần, họ vẫn lấy xe ra đi một cách ngon lành. Quả là toàn những tay lái tài tình, dĩ nhiên, đều phải 4 đến 5 “ đỏ “ mới lách ra nổi. Mấy năm gần đây, Paris học theo Amsterdam, tăng cường phương tiện xe đạp, nên có nhiều điểm cho thuê xe đạp công mọc lên trên hè phố.

Song với Paris-kinh đô Ánh sáng-thiên đường du lịch & mua sắm, những lúc ùn xe như vậy, nếu không có việc gì quá vội, ta sẽ không còn cảm thấy sốt ruột nữa, mà cảm thấy thích thú là khác, khi có điều kiện tận mắt quan sát, ngắm nghía đời sống Paris thường nhật, từ nhiều góc độ, và qua nhịp sống thật chậm...

 

3. Một Paris hoa lệ...

 

Paris, kinh đô Ấnh sáng ( Ville lumière ). Người ta đã mệnh danh cho Paris là thế, hẳn phải có lý do của nó. Trước hết, Paris có một lịch sử lâu đời.

Paris có một lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử Pháp và cả châu Âu. Từ một thành trì của người Parisii thuộc bộ tộc Gaulois, nơi đây trở thành một thành phố La Mã vào thế kỷ 1. Tới thế kỷ 6, vua Clovis I lấy Paris làm thủ đô cho vương quốc Franc. Trải qua nhiều thế kỷ biến động, mặc dù không liên lục, Paris vẫn là thủ đô của Pháp. Tới thế kỷ 16, thành phố là nơi nổ ra Cách mạng Pháp, rồi sau đó trở thành thủ đô của Đệ nhất đế chế thời Napoléon Bonaparte. Vào thế kỷ 17, Paris bắt đầu có những phát triển vượt bậc và được quy hoạch lại dưới thời Napoléon III. Sau Công xã Paris, thành phố bước vào thời kỳ Belle Époque và trở thành trung tâm văn hóa của cả châu Âu. Qua hai cuộc chiến tranh thế giới, Paris ít bị hủy hoại và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu chiến. Ngày nay, thành phố tiếp tục là một trung tâm văn hóa, kinh tế của cả thế giới “.  Đấy là những dòng tư liệu tóm tắt về lịch sử của Paris.

Vậy sao thế giới lại gọi ParisThành phố Ánh sáng? Người ta lý giải rằng: Tên gọi này được bắt đầu từ nghĩa đen của nó, ấy là từ cuối thế kỷ 17, viên tướng cảnh sát đầu tiên của Paris là Gabriel Nicolas de La Reynie đã ra lệnh thắp sáng những khu vực công cộng vốn là tụ điểm có nhiều tệ nạn của thành phố và xem đây là một biện pháp phòng chống tệ nạn xã hội hữu hiệu. Song, bởi Paris nổi tiếng với vị trí trung tâm văn hóa, tri thức của cả thế giới, nên tên gọi này thường được người ta  hiểu theo nghĩa bóng. Và thực tế cho thấy, Paris hội đủ và xứng đáng với hàng loạt các cụm từ: Trung tâm Chính trị-Kinh tế-Văn hóa-Du lịch của châu Âu và thế giới. Nếu chỉ đem riêng cụm từ “ Văn hóa” mà chẻ nhỏ ra, ta thấy thành bao nhiêu mảnh : văn học nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, bảo tàng, thời trang,...

Trở về với thực tại, cảm nhận của mình về một Paris hoa lệ. Quả là tôi không dám động chạm đến bất cứ một thứ gì, loại hình cụ thể nào trong những liệt kê trên, đơn giản, bởi nó quá phong phú đến mức có viết bao nhiêu cũng vẫn là không đủ. Song, mỗi phút giây sống ở đây, có hai loại  cảm giác thường trực trong tôi, ấy là, thời gian trôi chậm vậy và sao thời gian trôi nhanh thế!... Có gì mâu thuẫn chăng ?

Mỗi buổi sáng thức dậy, vừa nấu ăn sáng vừa nhâm nhi tách café, tranh thủ gọi điện về Việt Nam, ở nhà khi ấy đã đang trưa, lòng tự nhủ, ở bên này, hôm hay ta còn cả một ngày để tìm hiểu và khám phá Paris kia mà. Để rồi đến tối, sau bữa ăn, lúc đó, ở bên nhà thời gian đã qua ngày hôm sau, mới tự nhủ, cả ngày hôm nay, mình vẫn chưa kịp tìm hiểu thêm gì về Paris cả. Cứ thế này thì mấy đã đến ngày chia tay phải Paris mà mình vẫn chưa khám phá gì nhiều về thành phố đầy bí ẩn này... Với những người mới đến Paris lần đầu, có lẽ họ sẽ có cảm giác khác, ấy là sự lạ lẫm và biết được bao nhiêu hay chừng ấy. Còn với tôi, từ 16 năm về trước, đã có gần hai tháng trời học tập ở đây, biết cũng nhiều mà chưa biết còn gấp bội. Vậy mới sinh cái cảm giác thèm khát được khám phá hết thảy những gì mình mới biết sơ sơ, hoặc mới chỉ biết qua sách vở, phim ảnh...

Thế nên, mỗi khi ngang qua một cây cầu bắc qua sông Xen, mỗi khi nhìn thấy ngọn tháp Eiffel, hay chóp nhà thờ Đức Bà ( Notre-Dame de Paris ), hay xe chạy ngang qua Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs- Élyssées, ngang quảng trường Concorde, hoặc những phút tha thẩn trong vườn Luxembourg, nhẩn nha trên đồi Montmartre dưới bóng nhà thờ Sacré-Coeur phóng tầm mắt ra xa bao quát toàn bộ thành phố, hoặc phút bồi hồi trước bức họa Mona Lisa trong bảo tàng Luvre, ... tất thẩy, đều khiến mình cố căng hết mọi giác quan để mà thấy, mà cảm nhận...

Rồi nữa, những cửa hàng sang trọng trên đại lộ Champs- Élyssées, đại lộ Montaigne nơi có nhiều cửa hiệu thời trang cao cấp, khu mua sắm Galeries Lafayette, Printemps... cho ta thấy một Paris cổ kính và hoa lệ...

Lẽ dĩ nhiên, không phải chỉ duy nhất một Paris thành Paradis, có nghĩa là thiên đường, mà còn có một Paris đời thường...

 

 

4.... Và một Paris đời thường...

 

Ai đó, đã từng ra nước ngoài, từng đến những đô thị, trung tâm văn minh của thế giới, nếu muốn biết nhịp sống nhanh của nó, chỉ cần bước chân xuống ga metro ( tàu điện ngầm ) thì sẽ thấy ngay. Mặc dù, vào giờ cao điểm của giao thông, nếu bị nhỡ tàu, bạn chỉ mất tối đa là 3 phút để đáp chuyến sau đó. Song, dường như không ai muốn phải chờ thêm, dù chỉ là một phút, thế nên, hễ bước chân xuống ga metro là người ta rảo bước, chen vai huých cánh mà chạy gằn vì không muốn bị lỡ tàu. Đơn giản, bởi không ai muốn phải chờ đợi trong dòng chảy xiết của cuộc sống thường nhật, dù biết, có nhanh hơn một chút cũng chẳng để làm gì, ngoài việc chứng minh, mình không bị bỏ tụt lại phía sau...

Và cũng ngay tại nơi đây, đâu đó nơi góc vườn hoa, bên hàng rào hè phố xá, dưới chân cầu, trong những chiếc xe hơi cũ hỏng... có những con người sống với nhịp sống thật chậm. Chậm đến mức, dường như thời gian ngưng đọng, bởi với họ, thời gian trôi hay không, đều không nghĩa lý chi...

Paris, từ những thế kỷ trước, vốn được mệnh danh là Kinh đô Ánh sáng, nên các triết gia, nhà hoạt động xã hội, cách mạng, văn nghệ sĩ, nhà khoa học muốn được nổi tiếng, được thế giới công nhận, đều tìm đến Paris... Cùng với đó, kéo theo làn sóng người nghèo nhập cư vào đây từ Châu Phi, châu Á, Đông Âu... Hiện tại, Paris có khoảng 1 vạn người vô gia cư ( không kể số người sống ở mức nghèo, tức thu nhập < 670 euro/ tháng/người, chiếm khoảng 12% dân số ).

Với người vô gia cư, người nghèo nói chung, họ sống bằng đủ các thứ nghề; lương thiện, là làm lao công theo giờ, lập ban nhạc biểu diễn quyên tiền nơi công cộng, giả trang xin tiền, cho chụp ảnh đòi tiền...; còn bất thiện, thôi thì trộm cắp, đĩ điếm, lừa đảo đủ kiểu, khôn lường... Bản thân, tôi đã tận mắt chứng kiến đám ma-cà-bông dắt díu dăm bảy đứa quây hội đồng bức khách du lịch nơi chân tháp Eiffel, bên ngoài Nhà hát Opera, và tôi cũng đã bị kéo khóa ba-lô xuýt bị móc túi, khi mình đi mua sắm trên phố cạnh quảng trường Concorde...

Lẽ dĩ nhiên, người dân bình thường, người giàu có sang trọng của Paris, cũng có cuộc sống đời thường, có nhịp sống chậm của họ. Nhưng với tầng lớp này, họ thư giãn, sống chậm khi thả bộ ngắm phố xá, hay tập thể dục thể thao nơi góc vườn hoa yên tĩnh, khi ngồi nhâm nhi và tán gẫu ở các quán café, hay tha thẩn mua sắm nơi cửa hàng cao cấp...

Dẫu biết, Paris đời thường còn nhiều ngang trái, khốn khó, nhếch nhác... nhưng ấy mới là cuộc sống xã hội. Từ thế kỷ trước, các nhà văn O.Balzac, V.Hugo... đã chẳng từng khắc họa một Paris đời thường với những kẻ đạo chích, đám ma-ca-bông nơi hè phố La-tinh, nơi chân cầu Pon Neuf, nơi góc vườn Luxembourg, nơi xó tối hôi hám ngập ngụa cống rãnh chằng chịt của Paris ...

Hiểu thêm một Paris đời thường, biết quý thêm một Paris cổ kính và hoa lệ... Để rồi, đắm vào một Paris với những vỉa tầng lịch sử, văn hóa còn lẩn khuất, chìm ẩn...

 

 

5. Paris, từ café hè phố...

 

Nói đến nước Pháp, nhất là Paris, mà không đả động gì đến những quán café thì sẽ là một thiếu sót. Lại càng đáng trách hơn, nếu bỏ quên café hè phố...

Lẽ dĩ nhiên, café Paris, thượng thặng vẫn là quán Le Procop được thành lập từ năm 1686, lâu đời nhất châu Âu, là nơi lui tới thường xuyên của các nhân vật nổi tiếng thế giới ( tôi đã nêu ở phần 1 ký sự này ); rồi đó là các quán café nổi tiếng khác như Le Chat Noir”, nằm trong khu đồi Monmartre, quán “Café de Flore” và quán “Les Deux Magots”...

Vâng đấy là những quán café lâu đời và nổi tiếng của Paris, dành cho giới thượng lưu, quan chức, văn nghệ sĩ, du khách khắp thế giới tò mò muốn biết... Còn với phần đông người dân Paris, café hè phố mỗi sáng từ lâu đã thành một thói quen, thành phong cách, và cao hơn là thành văn hóa đời thường...

Từ thế kỷ 17, ở Pháp, đặc biệt là Paris các bậc vua chúa, giới quý tộc thượng lưu, các văn nghệ sĩ, triết gia và các nhà cách mạng đều có cái thú nhâm nhi café, tán gẫu, tranh luận, ngồi viết sách, hoặc bàn bạc việc tổ chức biểu tình, làm cách mạng tại các quán café... Cái thú ấy lan dần sang giới bình dân, và nhiều năm trở thành thói quen, thành phong cách sống.

Người ta cho biết, hiện trên toàn nước Pháp có khoảng 70 ngàn quán café để phục vụ cho 5 triệu lượt người uống café mỗi ngày. Điều đó, cho thấy người Pháp coi café như là một nhu cầu thiết yếu, dùng café đến cỡ nào, sành café ra sao ?...

Loại café được người dân Paris lựa chọn là loại café thượng hạng, café Arabica (cà phê chè), phần lớn được nhập từ Brésile; còn loại café Robusta (café vối) có nguồn gốc châu Phi, châu Á nói chúng ( trong đó có Việt Nam ) ít được dùng hơn.

Nước Pháp, cụ thể là Paris có chủ chương và chính sách ưu tiên cho nhu cầu hưởng thụ café của người dân. Chính vì vậy, các quán café được phép lấn ra đến một nửa hè phố, tạo nên café hè phố, thành phong cách, văn hóa café độc đáo của riêng mình.

Chuyện râu ria của văn hóa café Paris, ấy là chuyện “ thăm viếng ngài Uy-li-am Cường “ hàng ngày của mọi người. Thường ra, Paris có hệ thống nhà vệ sinh công cộng  ( toilet, WC ) trên phố xá khá tiện lợi. Khi cần, người ta chỉ cần bỏ tiền kim loại ( trước đây là 2 franc, nay là 2 eur thì phải ) là được thoải mái xả thải rồi. Song, không hiểu từ bao giờ, người dân Paris, nhất là dân nghiền café, đã biết kết hợp hai nhu cầu ấy với nhau. Khi có nhu cầu đi toilet, thay vì tìm đến cái Toilet công cộng, người ta lại tìm vào quán café hè phố, đơn giản, bởi cũng chỉ phải bỏ ra số tiền tương đương ( hoặc nhỉnh hơn một chút ), thì cùng một lúc, được hưởng thụ cả hai thứ nhu cầu, ấy là được uống một tách café, và có thể đi toilet nhờ của nhà quán.

Ôi, thật là một sáng kiến tuyệt diệu, nhất cử lưỡng tiện... !

Mười sáu năm trước, khi học ở Paris, chúng tôi đã được một Việt kiều cao tuổi ( khi đó, ông này đã có hơn 50 năm sống ở nước Pháp ) bày cách cho. Giờ trở lại Paris, hỏi ra, người ta vẫn cứ “ nhất cử lưỡng tiện “ như vậy...

 

6. Đến bảo tàng Louvre

 

Louvre là một viện bảo tàng nghệ thuật và lịch sử. Có vị trí ở trung tâm lịch sử thành phố, bên bờ sông Seine. Louvre vốn là một pháo đài được vua Philippe Auguste cho xây dựng vào năm 1190. Cuối thế kỷ 14, dưới thời Charles V, Louvre trở thành cung điện hoàng gia và sau đó tiếp tục được mở rộng qua các triều đại. Từ năm 1672, khi triều đình Pháp chuyển về lâu đài Versailles, bộ sưu tập hoàng gia được lưu trữ tại Louvre. Thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện trở thành bảo tàng, mở cửa ngày 10 tháng 8 năm 1793... Louvre là một trong những viện bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới, nơi trưng bày các hiện vật về những nền văn minh cổ, nghệ thuật Hồi giáo và nghệ thuật châu Âu từ thế kỷ 13 cho tới giữa thế kỷ 19. Với diện tích 210 ngàn mét vuông, Louvre trưng bày 35.000 trên tổng số 380.000 hiện vật. Trong bộ sưu tập của bảo tàng Louvre hiện nay có những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của lịch sử nghệ thuật, như Tượng thần Vệ Nữ, Tượng thần chiến thắng Samothrace, Mona Lisa, Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân, cùng các hiện vật giá trị về những nền văn minh cổ, như phiến đá ghi bộ luật Hammurabi, tấm bia Mesha... “. Đây là những dòng tóm tắt nhất về Louvre, khi nó là bảo tàng thu hút nhất thế giới.

Năm 1996, khi học ở Paris, tôi đã ghé thăm Louvre đôi lần, chủ yếu là vào dịp cuối tuần được miễn phí theo quy định. Khi ấy, đi quáng quàng, xem vội vàng, và hiểu biết về nó qua tài liệu cũng chưa nhiều. Tôi nhớ, lúc ấy tôi quá mất thời gian xem ngắm khu vực trưng bày hội họa, và thấy thích theo cảm tính song không mấy hiểu. Chụp ảnh thì cả đoàn 5 người có mỗi chiếc máy cơ chụp phim, nên rất chi là dè xẻn, đắn đo lâu lâu mới dám bấm một kiểu. Thế nên, cả một tháng rưỡi học ở Paris, cộng thêm mấy ngày đi hội nghị mãi tận miền Nam nước Pháp, mà giờ đây tôi chỉ còn lưu giữ được mấy chục tấm ảnh in tráng. Loanh quanh trong Louvre, mà chỉ còn giữ ấn tượng về căn phòng ở của vua Naponeon III và chiếc giường nằm của hoàng hậu. Khi về Việt Nam rồi, bạn bè hỏi, vào Louvre có đến ngắm bức tranh Mona Lisa của danh họa Leonar de Vinci không; có chiêm ngưỡng tượng Vệ nữ Milo không ?... Lúc ấy mới ngớ người ra chưa biết.

Lần này, thì tôi phục thù. Bước chân vào Louvre là nhăm nhăm theo hướng dẫn tìm đến thẳng phòng trưng bày bức họa nổi tiếng Mona Lisa, rồi mò tiếp đến điểm trưng bày tượng Vệ nữ Milo. Mặc dù thời gian không nhiều, chỉ khoảng 3 giờ đồng hồ, tôi cũng cố gắng lướt như bay, gắng đi gắng nhìn được càng nhiều, càng tốt, máy ảnh kỹ thuật số bấm lia lịa. Khác với lần trước, lần này tôi có cảm giác, Louvre đầy bí ẩn. Sở dĩ có cảm giác vậy, là bởi, đã đọc tiểu thuyết “ Mật mã Da Vinci “ và xem bộ phim chuyển thể cùng tên. Với mỗi bức tranh, mỗi công trình nghệ thuật, điêu khắc, mỗi hiện vật trưng bày, mình đều có cảm giác ở đó dương như ẩn chứa những ký hiệu, mật mã bí hiểm nào đó. Rờn rợn và thú vị lắm. Rồi nữa, ngắm mấy bức tượng cổ Vệ nữ, lại khiến tôi liên tưởng đến một truyện ngắn của nhà văn người Pháp nổi tiếng là Prôxpe Mêrimê ( ông nhà văn này là tác giả của truyện ngắn Carmen nổi tiếng ). Truyện kể về một anh chàng cưới vợ, do giận nhau nhất thời đã thoát chiếc nhẫn cưới của mình đeo vào ngón tay bức tượng vệ nữ cổ mà dân làng mới vô tình đào được, và ngay đêm tân hôn, bức tượng vệ nữ đã làm thay cô dâu cái việc động phòng, đè chết chú rể. Dĩ nhiên, tác giả đã sử dụng yếu tố yêu tố hoang đường là cho câu chuyện thêm kỳ quái, song rõ ràng, ở đây, nội hàm của nó là sắc đẹp có thể giết chết con người, giết chết một sự nghiệp ( Anh hùng khó qua ải mỹ nhân mà ) ...; và dù, ý thức được là vậy, song nhiều khi con người ta cũng không từ khi có cơ hội được chiêm ngưỡng và hưởng thụ sắc đẹp !...

Xin không kể nhiều về Louve nữa, bởi có nói thêm bao nhiêu thì cũng chẳng thấm tháp gì. Chỉ ước mong, một ngày nào đó, nếu được trở lại Paris, thì điểm đến hấp dẫn tôi, vẫn cứ là Louvre...

 

 

7. Và nhà hát Opera Paris...

 

Nói đến nước Pháp, và riêng cho Paris, chi có 3 công trình được coi là biểu tượng, ấy là : Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn ( Cổng Chiến thắng ) và Nhà hát Opera.

Tên gọi Nhà hát Opera, là cách gọi tắt, nôm na cửa miệng, chứ thực ra, tên chính thức là : Academie Nationale du Musique ( Viện Hàn lâm âm nhạc quốc gia ). Và đầy đủ hơn là : Academie Nationale du Musique- Théâtre de l'Opéra. Trong bài viết này, tôi chỉ nhấn mạnh mấy điểm chú ý về Nhà hát Opera mà thôi.

Thứ nhất, về người thiết kế xây dựng Nhà hát Opera.

Ấy là Charles Garnier  ( 1825-1898 ) đã thiết kế nhà hát này theo phong cách Tân Baroque. Các tài liệu cho biết, khi được chọn làm người thiết kế, Charles Garnier mới 33 tuổi, tốt nghiệp trường École des Beaux-Arts và Viện hàn lâm Pháp ở Rome. Công trình được khởi công xây dựng năm 1861, dưới thời Napoléon III. Đến khi khánh thành vào năm 1875, khi đó, Đế chế Pháp thứ hai của Louis-Napoléon ( tức Napoléon III ) bị hất cẳng sau khi đại bại trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 và bị thay thế bởi nền Cộng hòa thứ ba. Vậy nên, mới có câu chuyện khôi hài, Chính phủ của nền Cộng hòa thứ hai, coi Charles Garnier là người của Đế chế thứ hai, đã không cho mời nhà thiết kế đến dự lễ khánh thành Nhà hát Opera, đứa con tinh thần của ông. Người ta kể rằng, mỗi khi có biểu diễn ở Nhà hát, Charles Garnier thường đến, nhưng ông không vào xem, chỉ chọn cho mình một chỗ ngồi kín đáo ở sảnh và lặng im hàng giờ nhìn ngắm, chiêm ngưỡng công trình do mình sáng tạo nên. Sau này, để ghi công và tưởng nhớ ông, người ta gọi nó là Palais Garnier,  hay Opéra Garnier ...

          Thứ hai, câu chuyện về Bóng ma trong nhà hát ( Fantôme de L’Opera,  Phantom of the Opera ).

          Phantom of the Opera được coi là vở nhạc kịch thành công nhất mọi thời đại, chúng ta đều biết là vậy. Song cội nguồn của nó từ đâu ? Vở nhạc kịch Phantom of the Opera được nhà soạn nhạc Andrew Llyod Webber dàn dựng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Pháp-Gaston Leroux, lần đầu xuất bản vào năm 1911. Opera ở đây chính là nhà hát Opera là kinh đô Paris, nước Pháp, cho đến lúc đó (năm 1911) vẫn được coi là nhà hát  Opera lớn nhất trên thế giới. Tuy nhân vật Phantom của Gaston Leroux được xây dựng từ một truyền thuyết về một bóng ma ẩn hiện trong Opera de Paris, nhưng cuốn tiểu thuyết vẫn bị lãng quên, cho đến khi nó được dựng thành phim vào năm 1925 thì trở thành nổi tiếng. Và đặc biệt nổi tiếng, khi được nhà soạn nhạc người Anh là Andrew Llyod Webber soạn thành vở nhạc kịch. Giờ đây, đến Opera Paris, có thể thấy, người ta đã dành riêng lô số 5 ( ngay cạnh lô của Hoàng gia, lô 1-3 ) là lô của Fantôme.

          Thứ ba, câu chuyện về con số 13.

          Theo người thuyết minh kể, sở dĩ bây giờ người ta kiêng con số 13 cũng lại được khởi nguồn từ Opera Paris. Ấy là, đã từng có một vị khán giả ngồi xem ở hàng ghế 13 đã bị chùm đèn trên vòm trần rơi xuống sát hại; rồi đã từng có một nữ diễn viên đã vấp ngã chết ở bậc thềm số 13 của Nhà hát này; và nữa, khi người ta đã bị ám ảnh bởi con số 13, mới thử thống kê xem thì Opera Paris là nhà hát thứ 13 được xây dựng ở Pháp...

          Thứ tư, phòng Mặt Trời và phòng Mặt Trăng.

          Ấy là, theo thiết kế, có hai phòng ở bên hành lang được xem là phòng Mặt trờiphòng Mặt trăng. Hai phòng này chỉ khác nhau ở hình vẽ trên vòm trần là hình bầu trời ban ngày với mặt trời và bầu trời ban đêm với trăng sao. Còn giống nhau ở chỗ, chỉ với việc thiết kế bố trí các tấm gương xung quanh, mà khi ta nhìn vào bất kỳ một tấm gương nào, cũng thấy chùm đèn chính nhân ảnh ảo lên đến vô cùng...

          Thứ năm, câu chuyện về các khách VIP của Nhà hát thời xa xưa.

          Ngày trước, Nhà Vua và Hoàng hậu khi đến xem ở Nhà hát, hai người không ngồi cùng nhau, mà mỗi người một bên trong lô danh riêng cho Hoàng gia ở bên trên. Góc trần Nhà hát đối diện với lô của Vua, các hình ảnh điêu khắc mỹ nữ thật khêu gợi, còn phía bên đối diện với Hoàng hậu thì hình ảnh mỹ nữ tuy tuyệt đẹp song ăn mặc kín đáo hơn.

          Thời ấy, khán giả đến xem, không phải để xem ( vì vở kịch thường được diễn đi diễn lại đến mắc khán giả thuộc lòng ), mà người ta đến đến để khẳng định đẳng cấp của mình, là để ngắm nhau, xưng tụng nhau và còn để bình phẩm, chế bai người khác. Và nữa, để hò hét, quậy phá. Chính vì thế, thời ấy, khán giả và xem bị cấm mang các vật dụng có thể gây sát thương, kể cả ô ( dù ), bởi đã có nhiều lần khán giả sử dụng ô dù có đầu nhọn làm vũ khí chiến đấu với nhau...

          Còn nhiều chuyện nữa về Nhà hát Opera.

 

          8. Nhà thờ Đức Bà Paris &  điểm số O ( Point zero )

 

          Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris)  nằm ở bờ trái sông Seine, thuộc đảo Ile de la Cité, trên nền cũ của tu viện Saint-Germain-des-Prés. Về lịch sử hình thành, có thể tóm tắt như sau :

Nhà thờ Đức Bà Paris được khởi công xây dựng vào năm 1163, bởi  quyết định của vị Giám mục ParisMaurice de Sully. Viên đá đầu tiên được đặt có sự chứng giám của Giáo hoàng Alessandro III và Vua Louis VII. Trải qua 4 giai đoạn xây dựng chính từ khi khởi công đến năm 1250, song mãi cho đến năm 1350 mới chính thức xây dựng xong. Những người sáng tạo nên Nhà thờ Đức Bà Paris là các kiến trúc sư được lưu danh: Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller.

Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ như biết bao nhà thờ Thiên chúa giáo khác của Paris, của Roma, của nước Pháp, của Italia v.v... nếu như nó không được lấy làm bối cảnh chính cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Victor Hugo.

Quả là, tiểu thuyết Notre-Dame de Paris ( Nhà thờ Đức Bà Paris ) của Victor Hugo ra đời năm 1828, đã đem vinh quang không riêng cho tác giả mà cao hơn là cho Paris và cả nước Pháp đến ngày nay và mai sau. Ba nhân vật chính là thằng gù kéo chuông Quasimodo, cô gái Bohémiens xinh đẹp Esméralda và phó giám mục khắc kỷ Claude Frollo, gần hai thế kỷ nay đã đi vào lòng bạn đọc trên khắp thế giới ... Nhờ đó, Nhà thờ Đức Bà Paris và cả Paris, cùng nước Pháp được hưởng lợi du lịch .

Có một điểm quan trọng nữa, quảng trường trước Nhà thờ Đức Bà Paris là Điểm số O của Paris và nước Pháp ( Point zero ), như Tháp Rùa Hồ Gươm của Việt Nam mình.

Lần trở lại Pháp này, dĩ nhiên, tôi không thể không đến thăm viếng Nhà thờ Đức Bà Paris. Lần trước, mùa đông năm 1996, khi ấy, Nhà thờ đang có sửa chữa lớn, 2 toà tháp chính diện bị che phủ bởi tấm bạt khổng lồ, nên khi chụp ảnh lưu niệm, chúng tôi phải vòng ra phía sau ghi dấu ấn của chóp nhọn nhà thờ. Cũng hay là phát hiện phía sau có một cửa hàng giải khát và bán đồ lưu niệm mang tên cô gái Bohémiens xinh đẹp Esméralda. Hôm tôi đến vào sáng thứ bảy, nên nhà thờ đang có buổi lễ. Vì lần đầu bước chân vào nhà thờ, cảm giác thành kính pha chút khép lép, tò mò, nên chỉ ròn rén bước, nghiêng nghé nhìn ngắm thôi.

Nay trở lại, cũng đúng vào buổi lễ nhà thờ của kỳ nghỉ cuối tuần, khách trong ngoài đông nghịt. Nhà thờ không sửa chữa, song quảng trường trước nhà thờ lại bị khoanh kín thành công trường dựng toà nhà tạm nhằm phục vụ cho lễ kỷ niệm 800 năm. Vào bên trong, sẵn máy ảnh, tha hồ chọn góc chụp ( ở đây không cấm chụp ảnh ). Lần này, còn được biết việc đổi đồng 2 euro lấy “đồng tiền may mắn mạ vàng” của nhà thờ, và tha thẩn ngắm các bức tranh thánh, kiến trúc tuyệt vời bên trong...

Thêm một phát hiện nữa với riêng tôi, ấy là cậu phóng viên nhà VOV tại Paris mách bảo, ngay trên quảng trường trước Nhà thờ có Điểm số O ( Point zero ), và người Pháp cho rằng, bất cứ ai  từ nơi khác đến, nếu đứng một chân vào tâm điểm, quay người, cứ được một vòng thì tương đương với một lần trở lại Paris. Muốn vào quay thì người gác cổng trường không cho vào. May mà cậu PV nhà VOV thạo tiếng Pháp và khá dẻo mỏ nên người gác đành cười trừ và đồng ý cho vào. Cả ba người chúng tôi đều quay được gần vòng rưỡi, thế là anh em vui bảo nhau, thế nào bọn mình cũng được trở lại Paris, ít ra là 1 lần nghiêm chỉnh, và 1 lần transis ghé ngang nữa...

 

9. Cầu qua sông Seine ( Xen ),

 

Đến Paris, nếu không đi dọc đôi bờ sông Seine, không ngồi du thuyền trên sông Seine để ngắm các công trình kiến trúc hai bên bờ, nhất là chiêm ngưỡng các cây cầu bắc qua sông Seine thì thật đáng tiếc.

Có cả thẩy 37 cây cầu nối đôi bờ sông Seine, song nổi tiếng nhất là cầu Cầu Mới (Pont Neuf) được xây dựng năm 1607. Cổ nhất là cầu Pont au Change ( 872 ), và mới nhất là cầu Simone de Beauvoir ( 2006 ). Mỗi cây cầu, một kiểu kiến trúc, một số phận riêng...

Thật khó có thành phố nào lại có được như vậy. Những cây cầu, từ cổ xưa đến hiện đại nhất, đều gắn với lịch sử của Paris và nước Pháp, gắn với sở thích của người dân và khách du lịch xuyên suốt chiều dài lịch sử đến ngày nay.

Lần trở lại Paris này, tôi may mắn được đi lại hằng ngày dọc đôi bờ sông Seine, và hơn thế, ngồi du thuyền trên sông Seine, để mà chiêm ngưỡng những cây cầu có kiến trúc độc đáo và gắn với lịch sử Paris, cùng nước Pháp...

 

 

10. Ấn tượng Yvoire & Annecy,

 

Cho đến thời điểm này, tôi đã có tới 5 lần đặt chân đến nước Pháp. Sau hai lần, vào 1996 và 2012 , thì các năm tiếp theo, do nhu cầu công việc, tôi đều đến Pháp.

Năm 2013, tôi thực hiện chuyến công tác Hà Nội-BắcKinh-Pháp-CH Bulgaria, lúc đi quá cảnh Charles de Gaulle, khi về thì nhập cảnh vào Pháp.

Năm 2014, đích chuyến đi Praha (CH Séc), đi quá cảnh ở Charles de Gaulle, về nhập cảnh Pháp, rồi đi tiếp Geneve (Thụy Sĩ)...

Năm 2015, đích chuyến đi là Praha (CH Séc) để khai trương Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại khu vực Đông Âu, rồi thăm CH Slovakia, đi nhập cảnh Pháp và tranh thủ thăm Brugge ( Bỉ ), về quá cảnh qua Charles de Gaulle...

Như vậy, cũng có thể nói vui rằng, đi Paris như đi chợ. Những lần sau, do thời gian ít và quá bận công việc, nên chỉ tranh thủ mua sắm vặt vãnh chứ hầu như không thăm thú gì. Nói vậy, để thấy rằng, với nước Pháp, chỉ riêng hệ thống bảo tàng ở Paris, ta có mất vài ba tháng trời xem cũng không xuể.

Trong chuyến đi vào cuối xuân 2014, khi từ Praha về Pháp, chúng tôi quyết định dành hai ngày để đi Geneve ( Thụy Sĩ ). Thế nhưng, khi đặt chân đến Geneve, thì ngoài sự cổ kính, sạch sẽ ngăn nắp, tôi chưa kịp ấn tượng gì mấy, ngoài cái phố đi bộ có hàng loạt cửa hàng đồng hồ sang trọng...

Song, khi về, nhờ có sự mách bảo và dẫn đường của người quen, chúng tôi đi dọc theo bờ hồ Leman ( hồ này thuộc lãnh thổ của hai nước Pháp và Thụy Sĩ ), đến thăm làng cổ Yvoire thuộc Pháp, nằm sát mép nước hồ Leman.

Để đến được Yvoire, phải băng qua hàng trăm cây số toàn là cánh đồng và làng mạc của vùng nông thôn Thụy Sĩ và Pháp. Xa xa là dãy Alpes trong tiết xuân tháng 4, trời vẫn khá lạnh, và đỉnh núi đó đây còn vương tuyết trắng. Cỏ thì đã bắt đầu xanh, nhưng những cây lưu niên thì hầu như vẫn trơ trụi, thỉnh thoảng điểm chút lộc nõn. Chắc chỉ độ mươi ngày, nửa tháng nữa là lá trổ xanh cành cả thôi. Khó mà nhìn cho khắp, thấu tóm cho hết cảnh sắc đồng quê làng mạc vùng này, mà chỉ có thể tóm gọn, ấy là “ đẹp trên từng xăng-ti-mét “... Thôi thì cố mà nhìn, bởi khoảnh khắc ấy sẽ qua rất nhanh, và rất có thể sẽ chẳng còn có dịp trở lại nơi đây nữa. Trên đường đi, chốc chốc xe chúng tôi lại vượt qua, hoặc ngược chiều với mấy chàng trai, cô gái, khi đi đôi, lúc dăm ba người chạy xe đạp đua. Ôi, cuộc sống thanh bình làm sao!....

Làng cổ Yvoire là đây. Cổng làng, những ngôi nhà kế nhau, trải rộng xuống tận mép nước hồ Leman, cái nào cùng cũ kỹ những sạch sẽ, ngăn nắp, và kiến trúc thì độc đáo, chẳng cái nào giống cái nào. Người dân làng này, chỉ sinh sống bằng nghề nông và đánh bắt cá trên hồ. Thi thoảng mói bắt gặp một người dân làng. Ai cũng dáng vẻ chất phác và khá niềm nở với chúng tôi. Hẳn là họ quen với việc du khách đến thăm làng của họ bấy lâu nay, và chắc chắn là họ hiểu rõ giá trị văn hóa, kiến trúc cổ trong mỗi ngôi nhà, làng xóm của mình. Lang thang, tha thẩn mọi ngõ ngách của làng, rồi tìm ra tận mép nước hồ để chụp ảnh. Mãi không chán, song dù nấn ná đến mấy thì chúng tôi cũng đành phải rời làng Yvoire để đến với vùng Annecy thôi...

Khác với Yvoire, Annecy là một vùng đất nằm dưới chân dãy Alpes. Và thành phố Annecy là tỉnh lỵ của tỉnh Haute-Savoie, thuộc vùng hành chính Rhône-Alpes của nước Pháp, dân số khoảng 50 nghìn người. Annecy là một thành phố nhỏ thuộc vùng núi Alpes, phía đông nam nước Pháp. Được hình thành từ năm 50 trước Công nguyên bởi người La Mã, Annecy là cửa ngõ giao thương quan trọng nối các vùng của Pháp, Ý và Thụy Sỹ. Ngày nay, Annecy trở thành trung tâm văn hóa và du lịch nổi tiếng của vùng.

Hồ nước Annecy trong xanh đến tận đáy, soi bóng cảnh sắc xung quanh. Nghe nói nước hồ được tích tụ và tạo nguồn từ trên núi đổ dồn xuống. Những  kênh ngòi lớn nhỏ luồn lách với những con phố cổ kính bám dọc hai bên khắp thành phố, khiến người ta phải mệnh danh Annecy là “ Venice của nước Pháp” hay là “ Venice của vùng Alpes “... Điểm trung tâm là ngôi nhà thờ cổ hình tam giác, với những cây cầu quanh đó. Lần đầu tiên, tôi biết thế nào là lễ hội giả trang, carnaval đường phố. Người ta  giả trang thành các nhân vật lịch sử cụ thể, giả trang như người trong lịch sử xa xưa, giả trang thành các nhân vật trong văn học nghệ thuật... xuất hiện đầy trên các ngõ phố. Khách du lịch tha hồ chụp ảnh họ, rồi đứng bên họ chụp ảnh cùng... Chúng tôi cũng chen chúc, hòa vào niềm vui chung của họ.

Một ngày tuyệt vời trong một thành phố tuyệt vời...

Trời hanh, nắng nhẹ, trong xanh, thi thoảng có dải mây trắng nhẹ như voan, rồi vệt khói trắng thành đường nét do những chiếc máy bay chở khách bay trên bầu trời vẽ nên... Tôi say mê, quay cuồng với chiếc máy ảnh trên tay, hết tiến lên lại lui, khi thụp xuống lúc nhô lên để tìm góc chụp, bố cục ảnh. Rồi có lúc lại ngẩn người, bàng hoàng, lòng tự hỏi, thành phố có thật hay là xứ thần tiên trong mộng ảo ?...

Quả là một ngày tuyệt vời trong một thành phố tuyệt vời...

 

 

 

Những câu chuyện Trung Hoa,

 

        Phi lộ:

       

          Cho đến nay, tôi đã có tới 4 lần sang Trung Quốc, không phải đi du lịch mà hoàn toàn do công việc, trao đổi văn hóa, hoạt động báo chí và học tập.

          Lần đầu, mùa hè năm 2002, tôi làm trưởng đoàn một đoàn công tác của Đài Tiếng nói Việt Nam ( VOV ) sang trao đổi nghiệp vụ báo chí với Cục Phát thanh truyền hình và điện ảnh của Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây). Hành trình qua Quảng Châu-Nam Ninh-Liễu Châu-Quế Lâm.

          Lần thứ hai, mùa thu năm 2008, tôi tham gia một khóa học về chính trị xã hội tại Trường Đảng trung ương Trung Quốc với thời gian 2 tháng, tại Bắc Kinh, rồi đi thực tế tại Thượng Hải, Tây An ( Thiểm Tây ), Côn Minh, châu Đức Hồng ( Vân Nam ).

          Lần thứ ba, mùa hè năm 2010, tôi là thành viên một đoàn công tác của VOV trao đổi nghiệp vụ phát thanh truyền hình , với hành trình là Hồng kông- Đông Quảng, Quảng Châu ( Quảng Đông ).

          Lần thứ tư, mùa xuân năm 2014, tôi tham gia một đoàn công tác của VOV sang trao đổi nghiệp vụ báo chí với Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc, hành trình Bắc Kinh-Thiên Tân...

          Vì thế, mấy  phần viết trong “ Những câu chuyện Trung Hoa” này chỉ là chút chấm phá về quốc gia khổng lồ này...

          Tôi nuôi ý định và hiện đang thực hiện viết một cuốn sách riêng về Trung Quốc ( Trung Hoa ký sự ), mà ở đó, sẽ bàn nhiều về lịch sử, văn hóa, xã hội, tôn giáo... của đất nước này nói chung và những ghi nhận từ các chuyến đi ...

        

1. Chuyện Thần Châu 7, luận Trung Hoa,

 

            Tôi đã xem xong buổi tường thuật trực tiếp của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc về phóng tàu vũ trụ Thần Châu 7. Đúng 21h10 giờ Bắc Kinh ( ngày 25.10.2008 ), sau mười giây đếm ngược, Thần Châu 7 được gắn vào tên lửa đẩy Trường Chinh 2, rời bệ phóng từ sân bay vũ trụ Tửu Tuyền ( tỉnh Cát Lâm), lao vào khoảng không gian mênh mông, đem theo ba nhà du hành vũ trụ người Trung Quốc (Trác Chí Cường, Lưu Bá Minh, Cảnh Hải Bằng). Và cũng chỉ sau có 25 phút rời bệ phóng, Thần Châu 7 đã vào quỹ đạo trái đất. Trung tâm điều khiển kiểm tra thông tin và biểu đồ con tàu để thông báo là con tàu đã đi vào quỹ đạo trái đất, còn nhà du hành thì chứng minh bằng cách buông cuốn sách cầm tay để nó lơ lửng trước mặt mình trong trạng thái không trọng lượng. Mọi người vỗ tay râm ran. Và tôi tin, lúc ấy, cả tỷ ba người dân Trung Quốc nếu cùng xem truyền hình trực tiếp họ cũng sẽ vỗ tay, thì không hiểu hiệu ứng sẽ như thế nào nhỉ ? 

          Rồi Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào lên phát biểu chúc mừng. Trước đấy, ông đã đến gặp và căn dặn các nhà du hành, rồi trực tiếp đứng dưới trời đêm để tận mắt chứng kiến cái khoảnh khắc con tàu rời bệ phóng vút vào bầu trời thẳm.           

          Đất nước này thật là kỳ lạ. Muốn làm cái gì thì họ phải làm kỳ được. Mà không những được thôi đâu, còn phải rất được, rất hoàng tráng nữa kia. Trong khi, họ còn những mấy chục triệu dân ở vùng sâu vùng xa, miền núi dân tộc sống dưới mức nghèo khổ, thì đã tổ chức một Olimpic cực kỳ hoành tráng, hoành tráng chưa từng có, với số huy chương  đoạt được dẫn đầu thế giới, khiến cả thế giới phải giật mình, ngỡ ngàng. Và còn bởi, họ vừa trải qua một cơn động đất kinh hoàng tại Tứ Xuyên. Giờ đây, lại tàu Thần Châu 7 đem theo các nhà du hành lên quỹ đạo trái đất, với sứ mệnh lần đầu tiên người Trung Quốc rời con tàu bước vào khoảng không vũ trụ bao la.  

          Có thể, so với Nga, Mỹ là chậm và chưa thấm đâu, song nó lại minh chứng cho một điều, ấy là sự nỗ lực không ngừng vươn lên để chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học. Và xét về khía cạnh nào đó, cũng không mấy khác việc các vận động viên Trung Quốc nỗ lực đoạt huy chương vàng tại Thế vận hội Bắc Kinh vừa qua.   

          Trung Hoa cổ đại để lại một Vạn Lý Trường Thành kỹ vĩ, trải những 6.700 cây số và xuyên suốt gần 3.000 năm cho đến ngày nay. Người ta bảo, bay trên vũ trụ, hướng về Trái Đất, có thể quan sát thấy Vạn Lý Trường Thành. Đúng sai chẳng rõ. Nếu vậy thì các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc sẽ lấy làm tự hào vì điều đó. 

          Không những thế, họ có nhiều cái để mà tự hào. Trước đó, một đập Tam Hiệp sừng sững mọc lên hiên ngang chắn thượng du dòng Trường Giang (sông Dương Tử) bắt sức nước biến thành điện năng. Rồi lại thêm, tuyến đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng cũng kỳ vĩ không kém. Vẫn chưa hết, đó còn là cây cầu vượt eo biển dài nhất thế giới ; là tàu siêu tốc ( tốc độ tối đa đạt 430 km/h ) chạy đệm từ, không thua kém gì của Đức và Nhật Bản, hai quốc gia đang dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này…

          Tôi đã đến Vạn Lý Trường Thành, để thành một hảo hán, như lời cố lãnh tụ Mao Trạch Đông từng để lại di bút. Và tôi cũng vừa mới đến Thiên Đàn Bắc Kinh. Ngay từ khi được xây cất vào đầu triều Minh từ thế kỷ 14, quan niệm của người Trung Hoa khi ấy đã coi đàn tế trời là nơi để con người ( cụ thể là Hoàng đế ) đứng trung gian giao hòa với Thiên và Địa, trong mối tương quan Tam Tài là Thiên-Địa-Nhân. Đấy là quan niệm mang tính tâm linh. Còn nay thì chuyện ấy hiển hiện ngay trước mắt mọi người. Tàu Thần Châu 7 mang con người từ bề mặt Trái Đất, bay lên trời, thắng được lực hút của Trái Đất để trôi vòng quanh nó.

Chỉ một ngày sau khi đi vào quỹ đạo trái đất, hai nhà du hành đã mở cửa khoang tàu để bước vào khoảng không vũ trụ trong bộ trang phục do chính Trung Quốc tự sản xuất trị giá những 4 triệu USD. Vậy là, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ ba, sau Nga và Mỹ, phóng tàu vũ trụ và có người bước vào khoảng không vũ trụ. Lơ lửng trong trạng thái không trọng lượng, các nhà du hành được hưởng cái cảm giác ở nơi mà tốc độ, không gian và thời gian chẳng còn ý nghĩa gì cả.

Đấy chẳng phải là việc lên Thiên Đàng, lên cõi Tiên, khi từ xa xưa, người Trung Hoa sớm tưởng tượng nên và còn viết thành truyện đó hay sao ? ...

 

 

2. Có một nông thôn mới ở Trung Quốc

 

         Trong chuyến đi học tập nghiên cứu tại Trung Quốc vào thu đông năm  2008  kéo dài 2 tháng, tôi có điều kiện đến nhiều vùng nông thôn của Trung Quốc thuộc Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiểm Tây và Vân Nam. Quả là sau hơn 30 năm thực hiện Cải cách mở cửa, Trung Quốc đã có những bước tiến thần kỳ về kinh tế-xã hội, biến Trung Quốc trở thành một cực của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, người ta vẫn nghi ngờ mà đặt vấn đề, rằng Trung Quốc mới phát triển ngang tầm thế giới ở các trung tâm và thành phố lớn thôi, chứ nông thôn Trung Quốc vẫn còn nghèo nàn lắm. Điều đó, tôi nghĩ là không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Đất nước này trải rộng mênh mông bắc-nam, đông-tây, đa dân tộc mà phần đông dân số vẫn sống chủ yếu bằng nông nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi, nên cái chuyện nghèo nàn và lạc hậu là điều khó tránh khỏi. Song chẳng lẽ, trong cơn lốc của cái cách mở cửa, nông nghiệp nông thôn lại không có gì mới sao? Trung Quốc hiện đang sở hữu những giống cây trồng, đặc biệt là các giống lúa nước cao sản nhất thế giới, ấy là thành tựu. Dường như thế là chưa đủ, người ta vẫn đang trông chờ một mô hình nông thôn mới vừa phù hợp với kinh tế-xã hội-văn hóa Trung Quốc, vừa chứa đựng sự tiến bộ của thế giới, nhất là về chủ thể và hình thái.

          Trịnh Các Trang là một thôn làng được xem là mô hình nông thôn mới của Trung Quốc. Trịnh Các Trang thuộc khu Xương Bình ngoại ô Bắc Kinh. Cùng với Tử Cấm thành-Thiên An môn-Trịnh Các Trang nằm trên một trục thẳng và cách chừng 20 km. Nơi đây, xưa từng là trại nuôi ngựa của triều đình phong kiến nhà Thanh. Vốn có quang cảnh thiên nhiên hữu tình với suối nước nóng và dòng sông Ôn Du thơ mộng, nên đến năm Khang Hy thứ 51 (đầu thế kỷ 18 ), nơi đây được xây cất thành phủ đệ của Bình Tây Vương, một trong những người con trai của Khang Hy. Và chính vị vua này cũng thường lui về đây tĩnh dưỡng hưởng không khí trong lành của vung thôn quê, tránh xa sự ồn ào, bức bối của công việc nơi triều chính kinh thành. Bình Tây Vương phủ ngày xưa, nay được tôn tạo và trở thành tâm điểm của tour du lịch Bắc Kinh-Trịnh Các Trang.

          Với diện tích gần 3 km vuông và có một lịch sử lâu đời như vậy, nên từ ngày đầu Trung Quốc xây dựng CNXH thì thôn làng này cũng đã được chọn là mô hình điểm. Nơi đây từng đón tiếp nhiều vị nguyên thủ quốc gia đến thăm, trong đó có cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Khi ấy, Trịnh Các trang cũng đã gửi tặng Việt Nam 50 con bò sữa giống tốt. Song trong cái nền chung kinh tế xã hội kiểu bao cấp của Trung Quốc, Trịnh Các Trang cũng  tàn đi như bao mô hình điểm của Trung Quốc ( hay Liên Xô, các nước trong phe XHCN và Việt Nam trước đây ), nếu không có luồng sinh lực mới của Cải cách mở cửa, với sự xuất hiện của kinh tế thị trường. Đó là gì ? Trong cái eo hẹp, bó buộc của kinh tế bao cấp ngày ấy, một nhóm thợ xây dựng của làng bắt đầu gây dựng cơ nghiệp bằng cách tập trung nhau lại thành nhóm chuyên kinh doanh xây dựng. Vốn nhỏ thì lấy công làm lãi, chắt chiu mà lên dần. Trải ba chục năm, từ nhóm thợ nòng cốt ban đầu của làng ấy, này lớn mạnh thành Tập đoàn kinh tế Hồng Phúc ( tức Phúc lớn ) với đội ngũ nhân viên, lao động chủ yếu là con em trong làng, kinh doanh bằng 5 nhóm nghề ( xây dựng, khoa học kỹ thuật, du lịch, giáo dục đào tạo, dịch vụ). Sản xuất nông nghiệp chỉ là thứ yếu. Tập đoàn Hồng Phúc đứng ra đảm bảo việc giải quyết lao động và phúc lợi cho làng. Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của Trịnh Các Trang là 21.000 tệ ( NDT ), tương đương 52 triệu VNĐ. Về chủ thể lãnh đạo quản lý, những thành viên của Hội đồng quản trị  tập đoàn, đồng thời giữ những vị trí chủ chốt trong chi bộ Đảng và Ban lãnh đạo của Trịnh Các Trang. Còn bộ mặt của làng, được quy hoạch thành các khu : du lịch dịch vụ- kỹ thuật cao- giáo dục đào tạo- chung cư  (cao tầng và biệt thự ). Đến Trịnh Các Trang hôm nay, người ta không khỏi ngạc nhiên bởi, làng có riêng một tour du lịch : Nhà trưng bày lịch sử và mô hình quy hoạch làng- Tượng đài ngọn đuốc Olimpic ( đây là làng duy nhất được rước đuốc Olimpic Bắc Kinh 2008 )- Thủy thành Thạch Đầu ký ( một trong những phim trường Hồng Lâu Mộng bản mới )- Đi du thuyền trên sông Ôn Du- Tắm nước nóng ở thủy cung thể thao- Thăm Thanh vương tỉnh  (giếng nước vương phủ nhà Thanh) và Bình Tây vương phủ; thêm nữa, làng có cả trường đại học với nhiều chuyên ngành đào tạo; hệ thống siêu thị, cùng khách sạn Bên Hồ cỡ 4 sao…Chính vì thế, nguồn thu của Trịnh Các Trang khá đa dạng và ổn định theo đà tăng tiến. Và sự ổn định trên đà tăng tiến này chính là nhờ vai trò chủ đạo, bao thầu từ A-Z của Tập đoàn kinh tế Hồng Phúc.

          Nếu Trịnh Các Trang ở Bắc Kinh là mô hình kinh tế nông thôn mới hiện đại mang dáng dấp sản xuất lớn tập trung kiểu phương Tây, thì Châu Gia Giác cổ trấn của Thượng Hải lại đơn thuần nghiêng về thương mại- du lịch-dịch vụ theo kiểu sản xuất nhỏ hộ gia đình.

          Châu Gia Giác là một thị trấn cổ ở ngoại vi Thượng Hải về phía Tây Nam chừng 40 km. Đây là một thị trấn cổ từ đời Minh-Thanh. Lợi dụng thế sông nước của mấy dòng sông giao cắt nhau nơi thôn quê đồng bằng ven biển, Châu Gia Giác phát triển thành một quần thể thôn làng theo mô hình thương mại-du lịch-nông nghiệp. Châu Gia Giác vẫn dựa trên nền tảng “ tam nông “ ( nông thôn-nông nghiệp-nông dân ) để phát triển : thiết chế quản lý làng xã- phong tục văn hóa nông thôn-kinh tế sản xuất bán nông nghiệp ( kết hợp dịch vụ du lịch và buôn bán nhỏ ). Để có nguồn thu nhập cao và ổn định hơn nguồn thu từ nghề nông, chính quyền của Châu Gia Giác đã đứng ra tổ chức tour du lịch tại chỗ. Các đội thuyền gỗ chuyên chở khách du lịch kèm theo hướng dẫn viên, trước là tham quan Mã phủ ( phủ đệ cũ đầy chất vương giả của một hào lý họ Mã giàu có nhất trong vùng vào đầu thể kỷ 20, sau bỏ sang Đài Loan sinh sống ), bơi thuyền dọc phố sông luồn lách qua vòm hàng chục cây cầu gỗ, cầu đá, thăm chùa làng, rồi lên bộ len lỏi vào các ngõ sâu mua sắm đồ lưu niệm giá rẻ tràn ngập ở các cửa hàng may mặc, tơ tằm, đồ thủ công mỹ nghệ dân gian, và thưởng thức các món ăn đặc trưng vùng miền trong các tiệm ăn nhỏ v.v… Với hình thái như vậy, có thể thấy, cơ cấu kinh tế đã chuyển dần sang thương mại dịch vụ. Điều này còn cho thấy, với các khu vực nông thôn sản xuất nhỏ, đời sống của người dân chỉ có thể khá giả khi biết tựa vào nghề nông mà làm thương mại dịch vụ. Mô hình nông thôn như vậy, tôi còn thấy ở các thôn Dương Tống, Hồng Loa, và đặc biệt là thôn Quan Điền, xã Yến Thê, khu Hoài Nhu ngoại ô Bắc Kinh ( nơi có một đoạn Trường thành chạy qua ) ; rồi ở ngoại ô Côn Minh ; ở ngoại ô thành phố Thụy Lệ và Mang Thị thuộc châu tự trị Đức Hồng ( Vân Nam ) ; ở ngoại ô thành phố Tây An   ( Thiểm Tây ); ở vùng nông thôn Liễu Châu, Quế Lâm, Dương Sóc ( Quảng Tây ) v.v… Nó khác hẳn các vùng nông thôn chuyên canh rau màu và hoa quả thuộc đồng bằng sông Hoàng Hà tại Thiểm Tây. Ở những vùng chuyên canh này, mô hình liên kết sản xuất theo hướng người  nông dân với các công ty kinh doanh lớn gắn chặt trong hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm. 

          Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, khi cả hai quốc gia đều phát triển trên cơ sở “ Tam nông “. Câu chuyện “ ba nhà”, “ bốn nhà” cũng na ná nhau. Song có một điều, nông thôn Trung Quốc đã sớm biết cách tận dụng lợi thế của thiên nhiên-văn hóa-lịch sử ở mỗi địa phương vào việc giải quyết việc làm cho lao động dôi dư, tìm kiếm nguồn thu nhập cho người dân. Quan trọng ở chỗ, chính quyền địa phương phải biết đứng ra tổ chức hoặc quản lý bằng cơ chế phù hợp với các nhà đầu tư, miễn sao, người dân tại địa phương phải được hưởng lợi. Kiểu liên kết : chính quyền tổ chức quản lý-người dân đầu tư kinh doanh- cùng hưởng lợi ( hoặc : chính quyền quản lý-nhà đầu tư-người dân kinh doanh-cùng hưởng lợi… ), đã góp phần giúp cho chính phủ Trung Quốc bảo tồn và phát huy được giá trị của các di tích lịch sử -văn hóa-thắng cảnh thiên nhiên ở khắp nông thôn, miền núi.

Thực ra, ở Việt Nam, mô hình nông thôn với kiểu liên kết tương tự, chúng ta thấy đâu đó tại Sa-pa  (Lào Cai ), ở quần thể chùa Hương, chùa Thầy ( Hà Nội ), ở quần thể Tam Cốc- Bích Động ( Ninh Bình ) v.v… song nhìn chung vẫn còn rất ít. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc vẫn bị bỏ phí, hoặc được khai thác tự phát, manh mún, và lợi ích rơi hết vào tay nhà đầu tư, trong khi đó người dân địa phương không được lợi lộc gì…Đây chính là điểm yếu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử-văn hóa-danh thắng và phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn nước ta. Cũng là những vướng mắc hiện hữu trong việc bảo tồn không gian văn hóa bản địa ở một số vùng như : Bắc Hà ( Lào Cai ), Đường Lâm ( Hà Nội ), Thổ Hà ( Bắc Ninh ), Phước Tích ( Thừa Thiên Huế ), Mỹ Sơn ( Quảng Nam ) v.v…

          Có một câu chuyện mà các giảng viên ở Trường Đảng trung ương Trung Quốc kể, cựu tổng thống Mỹ, ngài G. Bush từng bày tỏ sự lo ngại, rằng ở thế ở kỷ 21, ai sẽ nuôi dân Trung Quốc ? Đáp lại sự quan ngại đó của ngài tổng thống Mỹ, khi ấy Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc là Giang Trạch Dân đã dứt khoát, ở thế 21, chính Trung Quốc sẽ nuôi người dân Trung Quốc.

Thế nên, xây dựng nông thôn mới là một trong những cách để Trung Quốc không những tự nuôi dân mình, mà còn để vươn lên./.

 

 

3. Vạn lý trường thành và chuyện nàng Mạnh Khương

 

Tôi đã đọc sách báo, đã xem qua phim ảnh nhiều lần về Vạn Lý trường thành. Tôi cũng đã từng nghe nói rằng, cố lãnh tụ Mao Trạch Đông trong một lần đến trường thành đã từng nói và để lại một bức thư pháp “ Bất đáo Trường thành phi hảo hán “. Song khi chính mình đặt chân, bước đi những bước đầu tiên lên bậc đá của Trường thành, tôi vẫn không kìm nén nổi một xúc cảm mãnh liệt trào dâng, và tự hỏi : “ Vậy là mình đã đến được Vạn Lý Trường thành rồi sao ?!”.

Khi những dãy núi xa mờ có thể thấy từ lúc ra ngoại ô Bắc Kinh cứ xích lại gần, mọi người háo hức hỏi nhau “ Sắp đến Vạn lý trường thành chưa ? Từ đây có thể nhìn thấy không ?”. Cái tâm lý muốn mau chóng trở thành hảo hán khiến ai nấy đều nhấp nhổm không yên. Và rồi, bóng dáng của tường thành cũng đã hiện ra xa mờ trong sương sáng. Bắt đầu từ bãi đậu xe, đâu đâu cũng đầy ắp hết thảy những gì liên quan đến Trường thành. Thoạt đầu là Vạn Lý trường thành bác vật quán, rồi kế đến Trường thành toàn chu ảnh viện. Tiếp nữa là tường đá, dải hoa, nhà hàng đều được gắn tên Bát Đạt lĩnh, tên của khúc Trường thành chạy ngang qua Bắc Kinh.  

Lối dẫn lên Trường thành, người tham quan đông nghẹt. Khách nước ngoài nhiều, song người Trung Quốc còn đông hơn. Ở đất nước đông dân nhất thế giới này, những 1,3 tỷ người, trừ những địa phương có Trường thành chạy qua, còn lại, cũng chẳng dễ gì để đặt chân lên nó ít nhất một lần trong đời. Thế nên, bất kể là khách nước ngoài hay trong nước, hễ có dịp đến Bắc Kinh, chỉ cần vài ba ngày, đa phần chọn Trường thành là điểm tham quan đầu tiên. Ai cũng muốn trở thành hảo hán mà. Điều đó, tôi đọc được trên nét mặt tươi tỉnh của mọi người, dù là mới chỉ lên đến mặt thành. Bao quát, phần đông khách chọn hướng đi lên phía Bắc, còn đoạn phía Nam thì thưa thớt hoang vắng. Dòng người chen chúc chầm chậm xuôi ngược chuyển dịch. Đoạn Trường thành phía Bắc này có 12 điếm canh, và ai cũng cố để lên đến điếm số 8 cao nhất. Phía Đông, Trường thành uốn lượn như một con trăn khổng lồ đang trườn đi, cũng có 12 điếm canh, nhưng chỉ người dân địa phương lên thôi. Khách du lịch vừa không đủ sức và thời gian để đi. Mà có muốn thì cũng khó, bởi chưa đưa vào khai thác kinh doanh du lịch như ở phía Bắc. 

Nói đến Vạn Lý trường thành, mọi người ít nhiều đều biết được là Tần Thủy Hoàng đế cho xây dựng từ hơn hai trăm năm trước Công nguyên. Nhưng đâu hẳn thế, thực ra, Tần Thủy Hoàng chỉ có công trong việc xây nối các đoạn Trường thành vốn đã có từ trước vào với nhau. Trước khi vua Tần là Doanh Chính lần lượt đánh bại sáu nước khác ( Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Tề, Yên ) thống nhất toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, thì các quốc gia nhỏ để chống sự xâm lấn của các bộ tộc thảo nguyên phương Bắc đã cho xây trường thành suốt thời Đông Chu liệt quốc.Vậy diện mạo của Vạn Lý trường thành cho đến ngày nay là công sức của triều đại nào ? Theo những tài liệu khác nhau thì việc đánh giá cũng khác nhau. Ngay về chiều dài của nó cũng vậy. Căn cứ theo tên gọi, trường thành dài cỡ vạn lý ( một lý tương đương với 888 mét ). Song, có tài liệu cho rằng nó dài tới 7.200 km. Chuyến thăm Trường thành này, ông Lý Anh, người nhiều năm công tác tại Ban Đối ngoại trung ương Trung Quốc nói rằng, theo những tài liệu gần đây, Trường thành có độ dài 6.700 km, bắt đầu từ Sơn Hải Quan thuộc tỉnh Liêu Ninh rồi uốn lượn trải dài bất kể núi cao hay đất bằng đến tận Gia Dụ Quan trên sa mạc Gô-bi thuộc tỉnh Cam Túc. Về chiều dài của Trường thành, tôi đã kiểm chứng thêm một số tài liệu khác, thì con số 6.700 km là khá xác thực.Việc các quốc gia chư hầu cát cứ thời nhà Chu xây dựng từng khúc của Trường thành thế nào thì không rõ. Đến đời nhà Tần, lịch sử ghi nhận, từ năm 221-210 Tr.CN, Tần Thủy Hoàng sai đại tướng Mông Điềm chiêu mộ 30 vạn dân công để xây đắp, tu bổ và nối các khúc Trường thành vào với nhau. Người ta còn truyền đến ngày nay câu chuyền về nàng Mạnh Khương may áo rét cho người chồng đi xây Trường thành. Chuyện rằng, vợ chồng nàng Mạnh Khương mới cưới nhau thì chồng nàng bị mộ phu đi xây dựng Trường thành. Nàng Mạnh Khương ở quê tần tảo việc nhà vừa đan áo rét cho chồng. Đan áo rét, nàng Mạnh Khương gửi gắm vào đấy hết thảy tình thương yêu, thủy chung son sắt với người chồng đang lao dịch chốn ải xa. Áo đan xong cũng vừa gặp mùa đông đến. Nàng không quản gian nan lặn lội tìm đưa áo rét cho chồng khắp nẻo Trường thành. Khi biết được tin chồng thì chồng nàng đã chết vùi thây dưới chân Trường thành. Đau thương tột bậc, Mạnh Khương đã khóc lóc sầu thảm suốt mấy ngày đêm. Nỗi ai oán của nàng chấn động thiên địa, khiến sụp đổ cả đoạn tường thành, phát lộ xương cốt chồng nàng. Sau chôn cất cho chồng, nàng tuẫn tiết, thác theo cho trọn tấm chung tình. Đời sau xây miếu thờ Mạng Khương và hiện còn ở vùng Sơn Hải quan. Thực tế sự gian khổ của những người xây dựng Trường thành đến mức độ thế nào thì không rõ, song câu chuyện về nàng Mạnh Khương thì được điển hình hóa, sống mãi đến ngày nay, như một gương sáng về đạo nghĩa vợ chồng thủy chung.        Song còn một ý nghĩa nữa, ấy là sự tố cáo tột bậc về việc bạo chúa xưa nay vì muốn bảo vệ ngai vàng của mình đã đẩy dân chúng vào cảnh lao lực, lầm than, chết chóc...

Người ta cho rằng, Vạn Lý Trường thành tuy manh nha được xây dựng từ thời nhà Chu, tiên Tần ( trước CN ), song trải qua nhiều triều đại, nhất là vào thế kỷ 13, sau khi quân Mông Cổ tràn vào Trung Hoa với sự lên ngôi của Hốt Tất Liệt lập ra nhà Nguyên, thì Trường thành bị bỏ hoang phế. Đơn giản bởi khi đó, gót ngựa Nguyên Mông đã trải dài qua Trung Á, lướt khắp châu Âu đến biển Caspien và cửa ngõ Rome, tất thảy đều nằm dưới quyền cai trị của Đế chế Nguyên Mông, thì Trường thành còn chi tác dụng nữa. Cả lãnh thổ Trung Hoa đều thuộc quyền cai quản của Nhà Nguyên Mông, thì Trường thành cũng không cần phải tu bổ, bảo vệ. Với gần một trăm năm tồn tại, Trường thành nằm sâu trong lãnh thổ mênh mông vô tận của Nhà Nguyên Mông, nên bị bỏ hoang như một phế tích. Sự tồn tại của nó chỉ giễu cợt cái ý tưởng ngớ ngẩn của các triều đại Trung Hoa, rằng chẳng có tường thành nào đủ vững chắc vĩnh cửu để ngăn chặn được sức mạnh của con người. Cho đến giữa thế kỷ 14, vào năm 1368, khi Nhà Nguyên sụp đổ ở Trung Hoa, được thay thế bằng Nhà Minh (đánh dấu bằng việc Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương lên ngôi lập ra Nhà Minh, đặc biệt khi Minh Thành Tổ Chu Đệ rời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh ), thì Trường thành mới được triều đình nhà Minh quan tâm trở lại. Và nó đã thực sự được tái thiết, được kiên cố hóa bằng đá, được hoàn chỉnh và cả trang điểm để lưu diện mạo đến tận ngày nay. Như vậy, suốt mấy thế kỷ nhà Minh cai trị Trung Hoa, cũng đã có không biết bao nhiêu cuộc, bao nhiêu của cải, sức người được đổ ra nhằm gia cố cho Vạn Lý Trường thành thêm vững chắc. Và cũng có biết bao nhiêu gia đình, số phận dân đen rơi vào cảnh ngộ giống như nàng Mạnh Khương xưa kia?... Đương nhiên, cũng đã có bao nhiêu nàng Mạnh Khương mới không tên tuổi, không được hậu thế lưu danh. Song thiết tưởng, chỉ một nàng Mạnh Khương đời Tần cũng đã quá đủ cho một Trường thành dằng dặc, cho lịch sử một Trung Hoa cổ đại chiến tranh liên miên đẫm mồ hôi nước mắt và xương máu.          

Leo lên tháp canh trên Trường thành, phóng tầm mắt ngược về phía vắng khách tham quan, bức tường như con trăn khổng lồ trườn đi trong hoang sơ trời đất cây cỏ mà chạnh lòng bởi sự hưng suy của các triều đại, sự nhỏ nhoi của thân phận con người. Hoàng đế quyền uy, triều đại hùng mạnh mà cũng thoáng chốc thành không, nữa là thảo dân sinh quần. Lên đỉnh tháp cao trên Trường thành mà cảm khái. Lại có thể xuống chân tường thành để suy ngẫm những điều sâu lắng. Tấm bia đá của thời hiện đại khắc bút tích của Chủ tịch Mao Trạch Đông, câu lập ngôn " Bất đáo Trường thành phi hảo hán " đã nhanh chóng nổi tiếng khắp Trung Hoa và cả thế giới. Ám ảnh về sự thống nhất toàn Trung Hoa hẳn theo chân vị lãnh tụ này từ khi còn trẻ bước chân vào sự nghiệp cách mạng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà ông gọi tên cuộc hành quân rút lui chiến lược nhằm bảo tồn lực lượng đội quân cách mạng do ông lãnh đạo trong cuộc chiến chống Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, thống nhất đất nước là Vạn lý trường chinh. Lịch sử ghi nhận rằng, nhằm tránh sự tấn công của quân đội Quốc dân đảng, ngày 16 tháng 10 năm 1934, từ chiến khu Giang Tây, Phúc Kiến, đội quân gồm 90 vạn người do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã làm cuộc trường chinh rút lui chiến lược với quãng đường dài 6 vạn dặm và kéo dài hàng năm trời lên vùng giáp ranh Tây Tạng rồi lại ngược lên phía Bắc, đến tận Diên An thuộc tỉnh Thiểm Tây. Gian khổ bởi thiếu ăn khát uống và bệnh tật cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, hy sinh bởi bị quân Tưởng truy sát luôn theo chân đội quân dọc đường , để khi đến đích là chiến khu Diên An, chỉ còn lại chừng 7 ngàn người.

Câu chuyện về nàng Mạnh Khương đã tạc một tượng đài không tưởng vào nhân thế, để cùng với Trường Thành trơ gan cùng tuế nguyệt.

 

 

 

 

 

Myanmar du ký

 

 

1. Cố đô Yangon.

 

          Chiếc Fokker của Vietnam Airlines số hiệu chuyến bay VN 957 sau 1h45 phút hành trình, hạ cánh xuống sân bay quốc tế Yangon đúng giờ quy định ( 18h30 địa phương, chậm hơn giờ VN 30 phút ). Đón đoàn VOV là hai cán bộ ngoại vụ của Đài Phát thanh &Truyền hình Myanmar ( MR ), một nam một nữ, đều mặc váy. Thoáng chút ngạc nhiên, song tôi nhanh chóng hiểu, họ ăn mặc trang phục dân tộc truyền thống. Ngạc nhiên hơn, chờ sẵn bên ngoài còn có hai phóng viên Truyền hình Myanmar ( MR.TV ) chĩa chiếc camera cổ lỗ sĩ quay hình đoàn chúng tôi để đưa tin. Quả nhiên, tối hôm ấy, tôi đã xem được tin này trên Kênh MRTV4 .

          15 phút ô tô thì đến khách sạn 3 sao Yangon Hotel. Trên đường về khách sạn, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là đường mườm mượp xe hơi, và tuyệt nhiên không thấy bóng dáng chiếc xe gắn máy nào. Hỏi bạn thì được biết, thành phố Yangon cấm xe gắn máy lưu thông. Khác hẳn Việt Nam mình, giao thông đô thị thường xuyên ách tác và khốn khổ vì xe máy.

          Sở dĩ gọi Yangon là cố đô, bởi vào ngày 26 tháng 3 năm 2006, nhằm né tránh nguy cơ chiến tranh với phương Tây từ phía vịnh Martaban trên Ấn Độ dương, đồng thời tìm vùng đất mới để xây dựng và phát triển thủ đô, Chính phủ Myanmar quyết định dời thủ đô đến Nay Pyi Taw thuộc tỉnh Mandalay, cách Yangon hơn 300 km về phía đồng bắc.

Căn phòng tôi ở là phòng loại VIP trên tầng 9 của khách sạn cao 12 tầng, nên có điều kiện quan sát khoảng không rộng lớn của cố đô Yangon. Tên cũ của thành phố là Rangoon, sau đổi thành Yangon. Anh U Myint Wai, người đưa đón đoàn VOV giải thích, cái tên Yangon theo tiếng Myanmar có nghĩa là “ sạch bóng quân thù “, và anh này còn nhấn mạnh “ ý nghĩa hòa bình “ của cái tên thành phố. Yangon hiện có hơn 4 triệu dân ( trong tổng số 56 triệu dân cả nước ) là thủ đô của MR từ lâu đời, tọa lạc nơi ngã ba hai con sông lớn là Yangon và Bago, cách vịnh biển Martaban chừng 30 cây số. Từ trước năm 1948, MR là thuộc địa của Anh, nên ở trung tâm thành phố có nhiều kiến trúc châu Âu như Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Nhà ga xe lửa ( nay là Bảo tàng xe lửa )... Ngay từ chiều tối hôm mới đến, chúng tôi có vài trải nghiệm phố phường và khá ấn tượng về Yangon.

          Thứ nhất, chúng tôi rủ nhau đi dạo mấy khu phố gần khách sạn. Chừng hơn 9 giờ đêm đường phố đã thưa thớt xe. Đây là thời điểm, các xe chở khách, taxi được dịp thả phanh. Yangon cho phép cả hai loại xe tay lái thuận và tay lái nghịch đều được phép lưu thông, thế nên mới có sự, từng cặp xe ( 1 tay lái thuận, 1 tay lái nghịch ) bám sát cạnh nhau cùng chạy song song rất nhanh trên phố, trong khi các lái xe và khách đi xe hai bên trò chuyện sang nhau ầm ĩ cả phố xá, và đây không phải là lần đầu, tình trạng này tôi đã từng chứng kiến ở Thái Lan.

          Thứ hai, đó là chuyện massage. Nếu ai mỏi mệt, chỉ sau một giờ massage MR sẽ thấy khoan khoái ngay. Nói vậy, bởi tôi cùng vài đồng nghiệp nam đã tò mò đi tìm hiểu massage MR nó như thế nào, ngay tại khách sạn mình ở. Xin nói ngay, massage MR rất chi là khoa học và có thể nói vui là “ nghiêm văn chỉnh”. Phòng massage tập thể, từ 2-3 người cùng, khách được massage phải thay quần áo của mình để mặc một bộ pizama mềm và rộng rãi. Các nữ nhân viên massage trẻ trung khỏe mạnh, mặc trang phục truyền thống kín đáo song vẫn đủ độ gợi của thân hình. Họ massage bài bản, cố đến mức cao nhất có thể để không va chạm xác thịt, và rất chi mềm mại điệu nghệ, đủ cho những ai giàu trí tưởng thư giãn tâm trí. Trong khi massage, giữa khách với nhau, hoặc giữa khách với nhân viên thoải mái trò chuyện giao tiếp vui đùa qua ngôn ngữ hay cử chỉ, song không vượt ngưỡng lịch sự, và nhân viên không hề đòi hỏi tiền “bo”. Quả là khoan khoái sau đúng 1 giờ đồng hồ với mức phí là 12 USD.

          Thứ ba, đường phố Yangon, trừ khu phố cũ ( kiểu như khu phố cũ với các “ hàng “ ở Hà Nội ) thì kiến trúc phần lớn theo kiểu khuôn viên, khá thoáng đãng. Người dân di chuyển bằng xe bus, xe chở khách kiểu xe lam, xe đạp kéo 3 bánh và đi bộ. Nhìn chung, các phương tiện xe cộ đều chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, song với người đi bộ thì hiện tượng băng cắt qua đường giữa dòng xe vẫn phổ biến như ở bên ta.

          Thứ tư, thành phố Yangon có thể coi là xứ sở của hoa phượng ( đủ các màu như đỏ, vàng, nâu ngà ); và xứ sở của chim, nhất là loài quạ đen. Quạ nhởn nhơ trong vườn, đậu kín trên cây và giăng hàng trên dây điện. Hình như, đất nước Phật giáo này, họ kiêng cữ việc “ sát sinh”...

          Thứ năm, vì là đất nước Phật giáo nên hệ thống chùa chiền và tăng lữ có ở khắp đất nước Myanmar. Thế nên, ở Yangon, sáng sáng, sư sãi từ các chùa đổ về các ngả đường, phố đông dân cư để khất thực.

          Thứ sáu, tiền tệ Myanmar là đồng “ kyat “, giá quy đổi khoảng từ 700-820 kyat/1 USD, và nhìn chung, hệ thống thương mại, kể cả bán lẻ của Myanmar, và Yangon khá quen với việc tiêu đồng USD lẫn và đồng kyat của họ.

 

 

          2. Shwedagon- Chùa Vàng.

         

          Chùa Vàng ở cố đô Yangon được xây dựng từ gần 2.600 năm trước, ông U Maung Maung Og, trưởng ban quản lý chùa cho biết vậy. Đấy là theo tương truyền, chứ thực ra, chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 6, thêm nữa vào thế kỷ thứ 10, và sau đó trải suốt chiều dài lịch sử đã có rất nhiều lần chùa được tu bổ, xây dựng thêm bởi lâm vào tình trạng đổ nát vì thiên tai và chiến tranh. Chùa nằm trên đồi Singuttara, có chiều cao 105 m ( không kể phần ăng-ten ), riêng phần vòm tháp dát vàng cao 98 m.

Vì được coi là khách VIP, nên chính ông trưởng ban quản lý đích thân dẫn và giới thiệu đoàn thăm viếng chùa. Đoàn chụp ảnh lưu niệm dưới bóng cây bồ đề gần 50 tuổi do Ấn Độ trồng tặng. Việc thăm viếng chùa được tiến hành thông lệ đi theo chiều kim đồng hồ, và đương nhiên, như tất thảy mọi người, chúng tôi phải bỏ giày dép đi chân đất.

          Lần theo các cụm kiến trúc, mới thấy được sự cổ kính và vĩ đại của ngôi chùa. Còn thấy cả sự sùng kính của người dân MR qua nhiều đời, công đức đóng góp cho việc bảo tồn, tu bổ công trình. Theo ông trưởng bản quản lý chùa, thì đã tốn nhiều tấn vàng nguyên chất cho việc dát tòa tháp chính và một số điểm trọng yếu của ngôi chùa. Hiện chùa Vàng còn bảo tồn được bốn báu vật thiêng liêng với các tín đồ Phật giáo, đó là 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn và mảnh áo của Phật Ca Diếp. Chính sự lâu đời và kỳ vĩ, cùng các báu vật được lưu giữ trong chùa, nên không riêng gì các tín đồ Phật giáo ở MR và các nước khác, mà nhìn chung, mọi người trên khắp thế giới đều mong muốn ít nhất một lần được thăm viếng ngôi chùa, nếu được đặt chân đến xứ sở này.

          Và nữa, nếu có thời gian, khách phải mất cả ngày, thậm chí cả tuần để thăm viếng và thực hiện các nghi lễ Phật giáo. Tuy nhiên, với chúng tôi, chỉ có thời gian hơn một giờ đồng hồ nên đành “ cưỡi ngựa xem hoa “ vậy. Song vì có ông trưởng ban đưa dẫn, nên chúng tôi chỉ dừng chân ở những điểm quan trọng để nghe giới thiệu hoặc hành lễ, như : bảo tháp, phật vàng, phật ngọc, phật nằm, chuông Singu Min... Mặc dù người dân MR rất hiền lành và sùng đạo, song nhằm đảm bảo an toàn cho những tượng tháp quý, nhà chùa đều đặt trong các lồng khung sắt vững chắc, có khóa bảo vệ. Được sự đồng ý của ông trưởng ban, ở mỗi tượng tháp này, nhân viên bảo vệ mở khóa cho đoàn chúng tôi vào bên trong, nên có thể “ sờ tận tay“ và hành lễ. Ở tượng Phật ngọc, ông trưởng ban khuyến khích mọi người trong đoàn hành lễ và bảo rằng, theo quan niệm của tín đồ Phật giáo MR, thì cầu nguyện điều gì đó trước bức tượng này sẽ được linh ứng, cầu được ước thấy. Thôi thì đã đến được nơi đây, lại  thêm lời khuyên vậy, nên ai cũng hành lễ và thầm cầu nguyện một điều gì đó cho riêng mình. Khi đến tượng Phật nằm, chúng tôi bắt gặp mấy người thợ thủ công đang dát vàng nguyên chất bồi bổ thêm cho bức tượng. Ông trưởng ban quản lý cho hay, các thợ được tuyển chọn vào thực hiện việc dát vàng tháp tượng chùa, ngoài tay nghề điêu luyện, họ phải có tính chân thật và lòng sùng kính Phật giáo.

          May mắn, chúng tôi bắt gặp các nhà sư đang thực hiện một buổi cầu kinh. Các sư hành lễ đồng thanh tụng kinh theo lời tụng kinh dẫn dắt của vị sư chủ trì buổi lễ. Tiếng cầu kinh trầm buồn vang lên đều đều lan tỏa khắp không gian chùa, hòa lẫn trong mớ tạp âm của khách thập phương, tạo nên một cảm giác về sự pha trộn của hai thế giới tâm linh và đời thường...

          Ông trưởng ban dẫn chúng tôi đến nơi treo một quả chuông cổ khổng lồ, vừa đi ông vừa hào hứng kể lai lịch quả chuông này. Quả chuông có tên gọi là Maha Gandha ( có nghĩa là “ âm thanh tuyệt diệu “ ), được nhà vua Singu Min cho đúc năm 1779 và tặng nhà chùa. Vì thế, nên ngày nay, người ta quen gọi là chuông Singu Min. Có chuyện kể rằng, vào năm 1824, khi quân Anh xâm lược MR, chúng đã lấy quả chuông này đưa xuống thuyền định chở về Calcuta ( Ấn Độ ), song do chuông quá nặng nên đã bị lật thuyền chìm tận đáy sông. Quân Anh không biết làm sao. Các tín đồ Phật giáo MR đề nghị xin vớt chuông với điều kiện nếu vớt được thì sẽ phải trả chuông về lại chùa. Nghĩ rằng họ không vớt được nên người Anh đồng ý. Họ đã thay nhau lặn xuống sông buộc xung quanh chuông rất nhiều cây tre bương, nên bè tre vốn rỗng, có sức nổi rất lớn đã kéo được quả chuông khổng lồ nổi theo.

          Chúng tôi lần lượt mỗi người thỉnh 3 tiếng chuông, song có lẽ do quá chú ý nghi thức khi thỉnh chuông, nên chưa ai đủ để thấu “ âm thanh tuyệt diệu “ của chuông Singu Min ra sao. Vậy cũng là mãn nguyện rồi.

          Số tiền chúng tôi công đức cho chùa được họ ghi nhận vào tấm bằng có in hình tháp chùa Vàng lồng khung kính mang về. Đoàn chúng tôi cũng tặng lại mấy vị trong ban quản lý chùa mỗi người một món quà dân tộc mang theo từ Việt Nam.

          Rời chùa Vàng mà lòng ngẩn ngơ. Sau đó, tôi còn được chiêm ngưỡng ngọn tháp chùa Vàng nhiều lần nữa, từ tầng cao Yangon Hotel hoặc từ công viên hồ nước Inya ( Inya Lake )...

 

 

3. Nay Pyi Taw, thủ đô hoang vu.

 

Băng qua khoảng cách 350 km về phía đông bắc của cố đô Yangon với thời gian 3 giờ đồng hồ trên đường cao tốc Yangon-Mandalay, chúng tôi rẽ ngang để vào thủ đô mới Nay Pyi Taw.

Không riêng tôi, mọi người trong đoàn đều sốt ruột cất tiếng hỏi xem đã tới thủ đô chưa. Anh U Myint Wai, cán bộ ngoại vụ khẳng định như đinh đóng cột rằng xe đang chạy trên đường phố thủ đô rồi đấy. Sở dĩ vậy, là bởi, chẳng thấy phố phường đâu cả, chỉ thấy đất hoang dại khô cằn cây cối lúp xúp trống không, đây đó là các khuôn viên nhà cửa dáng dấp biệt thự và chốc chốc lại một ngả đường bê tông rộng rãi rẽ phải, trái, rồi lại bùng binh trang hoàng hiện ra trước mặt. Mọi người có vẻ thất vọng khi tận mắt thấy một thủ đô không phố, không nhà mặt phố, không cửa hàng cửa hiệu và người qua lại sầm uất, trái lại rất hoang vu huếch hoác ( so với VN hay các nước khác, ngay cả khi so với Yangon ). Rồi tôi cũng hiểu ra, là vì thủ đô mới này mới có lịch sử độ 5 năm ( từ năm 2006 khi Chính phủ MR quyết định dời đô từ Yangon về đây ), một vùng đất bình nguyên khô cằn thuộc tỉnh Madalay, lấy cái tên làng Nay Pyi Taw nguyên thuỷ làm tên thủ đô mới. Rút kinh nghiệm từ một Yangon chật chội, đông đúc, cao thấp lô nhô phát triển tự do theo kiểu phình to, thủ đô mới được quy hoạch quy củ ngay từ đầu. Thoạt đầu là quy hoạch tổng thể, phân khu rõ ràng, làm đường xá, chia lô, rồi mới xây dựng công trình. Giờ mới nên nhà còn thưa thớt, tạo ra cảm giác trống trải, độ mươi mười lăm năm nữa, nhà cửa và công trình chêm vào chỗ trống, sẽ ra dáng một đô thị ngay ngắn chỉnh tề. Có một nét định hình rõ, ấy là nhà cửa và công trình ở đây không được phép xây cao, đều phải theo khuôn phép của khuôn viên biệt thự để phù hợp với khí hậu vùng đất cao và khô nóng này. Hiện thủ đô có một đặc điểm nữa về dân cư, ấy là sự thuần khiết về dân cư, hay nói một cách khác, là chưa có dân cư. Thật ra, nói vậy chưa thật chuẩn, bởi hằng ngày, người qua lại sinh hoạt tại đây chỉ có mấy loại như thế này : công chức thuộc các cơ quan của Chính phủ, công nhân lao động ở các công trình đang được xây dựng tại đây, và người từ các tỉnh các vùng đến thủ đô liên hệ giải quyết các công việc rồi về... Chính vì thế mà người ở thủ đô cực kỳ thưa thớt, các hoạt động thương mại chủ yếu phục vụ cho số ít cư dân này, mà cũng chỉ diễn ra tại các siêu thị, trung tâm thương mại mới xây, không có thị trường tiểu thương. Sáng sớm, thả bộ trên đường phố, có khi nửa tiếng đồng hồ chẳng gặp ai. Cảm giác của một thành phố không người.

Juntion Hotel, nơi chúng tôi ở khá gần trung tâm thành phố, và đã từng có khách người Việt Nam đến ở trước đó, nên khi chúng tôi tới đây đã thấy lá cờ Việt Nam phấp phớp nơi cột cao trước cửa Reception. Có một điều ngạc nhiên nữa, khi ăn tại khách sạn này, chúng tôi đòi nước mắm nguyên chất, bồi bàn hiểu ngay và họ mang ra phục vụ nước mắm xịn hẳn hoi, trong khi không hề có ở khách sạn tại Yangon...

Ở Nay Pyi Taw, chúng tôi được bạn đưa đi thăm viếng chùa Uppatasanti ( Uppatasanti Pagoda ). Đây là ngôi chùa mới, được Chính phủ MR cho xây dựng vào năm 2006 và khánh thành vào năm 2009, mô phỏng theo chùa Vàng tại Yangon, nhằm làm nơi hành lễ Phật giáo cho quan chức Chính phủ và cư dân của thủ đô mới. Ngoài ra, chúng tôi còn đến xem voi trắng được nuôi giữ gần ngôi chùa này. Theo phía bạn cho biết thì voi trắng là động vật quý hiếm, hiện trên toàn lãnh thổ MR chỉ còn độ chục con...

 

 

 

4. Xứ sở của đá quý, châu ngọc.

 

Có thể nói, MR là vương quốc, là xứ sở của đá quý và châu ngọc. Các mỏ đá quý chủ yếu nằm ở phía Bắc của MR, như thung lũng Ruby hoặc khu vực Mogok, cách Yangon gần ngàn cây số. Đây là những mỏ đá quý nổi tiếng thế giới và có trữ lượng khổng lồ ( ngọc bích, hồng ngọc ), vốn được khai thác từ thế kỳ 19. Phần lớn, đá quý của MR đều được khai thác rồi mang bán sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan... và sau khi được chế tác ở đấy thành sản phẩm châu ngọc, đồ trang sức quý giá, lại được bán quay trở lại MR và sang các nước khác với giá cao gấp bội.

Ở thủ đô Nay Pyi Taw còn hoang sơ ấy, chính phủ MR đã nhanh chóng cho xây dựng một bảo tàng đá quý & châu ngọc, bởi đây là nguồn tài nguyên vô giá, là niềm tự hào và trở thành biểu tượng cho đất nước Phật giáo này. Đoàn chúng tôi được phía bạn bố trí một buổi đi thăm và mua sắm tại bảo tàng này. Vào đây, ngay từ tiền sảnh, mọi người đã choáng ngợp trước một không gian miên man những đá quý và châu ngọc ( thô có, đã chế tác có ). Rất đáng tiếc, ở đây treo biển cấm quay phim chụp ảnh, và trước khi vào đây, nhân viên bảo vệ cũng nhắc nhở khách tham quan điều đó. Tuy nhiên, với chiếc Canon G11 đeo lủng lẳng trước ngực, để ở chế độ no flash , mặc dù hệ thống camera giăng mắc khắp nơi, tôi cũng “bắn” lén tọa độ được mấy kiểu, đặng có cái mà khoe với mọi ngườ chứ. Nhiều cửa hiệu chuyên bán trang sức châu ngọc ở MR cũng cấm quay phim, chụp ảnh.

Trong bảo tàng châu ngọc, các loại châu ngọc và trang sức đã chế tác đều được trưng bày trong tủ kính bảo vệ, còn đá quý nguyên liệu thô thì không cần. Đồ trưng bày được xếp đặt theo chủ đề, theo dạng thức, lớp lang, quy củ. Đặc biệt và gây ấn tượng nhất, ấy là mô hình vòm tháp của chùa Vàng được chế tác từ ngọc bích nguyên khối, và nữa, ấy là viên ngọc trai khổng lồ ( hiện giữ kỷ lục lớn nhất về độ lớn ở MR ). La cà, thăm thú, ngắm nghía, cánh đàn ông chúng tôi vốn ít quan tâm đến lĩnh vực này, nên cũng chỉ để thỏa chí tò mò, hơn là để hiểu về vẻ đẹp và độ quý giá của chúng. Còn với hai thành viên nữ trong đoàn, thôi thì, mê mẩn, đắm đuối khôn cùng... Bên dưới bảo tàng là một khu vực quầy hàng đá quý châu ngọc cho tư nhân thuê bán hàng. Khách không đông lắm, chủ yếu là người đến thăm quan, rồi nhân tiện mua sắm. Song với chúng tôi cũng là đủ, để mua ít quà souvernir. Hôm sau, chúng tôi còn được bạn đưa đến thăm thú mua sắm ở mấy cửa hàng châu ngọc sang trọng thuộc diện có thương hiệu ở MR, rồi la cà cả khu vực hàng tầm tầm tại trung tâm phố cổ của Yangon. Nói chung, với những chế tác đơn giản ( như vòng tay, tranh đá, dây móc... ) bằng đá quý không mấy đắt, đủ thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng mua sắm của phần đông người bình dân và khách du lịch, tây ba lô ... Và với người MR, vậy cũng là đủ, bởi đây là một nghề kinh doanh kiếm sống khá phổ biến của người dân bản địa ở các trung tâm thương mại như Yangon, Madalay, Mogok...

Tôi nhớ, vào năm 2008, khi tôi theo học ở Trường Đảng trung ương Trung  Quốc 2 tháng, kết thúc lớp học, chúng tôi có đi thực tế tại Thượng Hải, Tây An, Vân Nam. Khi về đến Côn Minh ( Vân Nam ), chúng tôi được đưa đi thực tế tại Châu tự trị Đức Hồng, nơi giáp ranh với biên giới phía bắc của MR ( nếu ai quan tâm đến lịch sử, thì đây chính là khu vực chiến trường xưa của quân đội Nhà Thục Hán-Lưu Bị thời Tam  Quốc, khi đánh nhau với Mạnh Hoạch - Khổng Minh Gia Cát Lượng từng “ thất cầm Mạnh Hoạch “- 7 lần bắt 7 lần tha ). Tại đây, tôi đã tham quan thành phố Thụy Lệ, thành phố châu ngọc của Trung Quốc, nơi có hàng chục chợ đá quý, hàng trăm cửa hàng bán đồ trang sức châu ngọc, mà toàn bộ nguyên liệu đều được đưa sang từ MR. Tôi đã từng đứng phía bên này đầu cầu biên giới, đặng chụp ảnh người dân MR mỗi sáng gùi đá quý trên lưng, hệt như bà con dân tộc thiểu số ở ta gùi ngô sắn, sang bán bên chợ đá quý Thụy Lệ ... Tôi mang điều này hỏi anh U Myint Wai, thì anh bảo, chính phủ MR cũng quản lý khá chặt chẽ, nhưng cũng không thể ngăn nổi tình trạng bán lậu nguyên liệu đá quý qua biên giới...

Dẫu gì, MR vẫn luôn xứng đáng là xứ sở của đá quý và châu ngọc của thế giới ...

 

5. Đá quý & châu ngọc MR ở châu Đức Hồng.

 

Châu Đức Hồng là một đơn vị hành chính tự trị thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có đường biên giới chung với Myanmar.

Như tôi đã nói ở phần trước, mảnh đất này vốn là chiến trường xưa thời Tam Quốc ( TK thứ 2 sau CN ),  nơi Gia Cát Khổng Minh lãnh đạo đội quân nhà Thục Hán ( Lưu Bị ) đánh nhau với một số bộ lạc ở khu vực Tây Nam Trung Hoa, do Mạnh Hoạch cầm đầu ( MR có 153 dân tộc, trong đó, nhiều dân khu vực phía Bắc của MR thờ Mạnh Hoạch làm Tổ ).

          Châu Đức Hồng có mấy thành phố, trong đó đáng kể là thành phố Mang Thị ( châu lỵ ) và thành phố Thụy Lệ ( nơi có cửa khẩu quốc tế với MR ). Châu Đức Hồng có sân bay, hằng ngày có mấy chuyến bay đi Côn Minh và vài ba thành phố lớn thuộc duyên hải phía đông Trung Quốc. Sở dĩ vậy, bởi đây là khu vực chế tác và trung chuyển đá quý, châu ngọc theo đường dây (  Myanmar - Đức Hồng - Côn Minh, Quảng Châu, Thượng Hải, Hồng Kông ...).

Mùa thu năm 2008, tôi có chuyến đi đến Đức Hồng 3 ngày. Tại đây, tôi đã được tận mắt chứng kiến các hoạt động mua bán đá quý, châu ngọc từ MR sang... Sáng sáng dân MR bỏ những tảng. miếng đá mà họ khai thác được có thể chứa đựng đá quý ở bên trong, gùi bộ qua cửa khẩu sang đất Thụy Lệ như gùi rau cỏ, bán theo giá thỏa thuận cầu may tại chợ trời như ta vẫn thấy các chọ trời vùng dân tộc thiểu số niềm núi Việt Bắc, Tây Bắc ở ta. Lẽ dĩ nhiên, người mua cũng là mua cầu may. Kinh nghiệm sẽ quyết đinh sự may rủi ấy, có nghĩa là, kinh nghiệm và may mắn, trong các khối đá thô sơ ấy sẽ có châu ngọc ít nhiều, còn như không may, mất tiền oan mà chẳng được gì.

Nghe nói, mảnh đất vùng biên giới hẻo lánh này, những năm gần đây trở nên sầm uất, náo nhiệt hơn, mà mỗi ngày có đến gần chục chuyến bay nội địa và quốc tế đến, đi từ châu Đức Hồng, là kết quả của hoạt động thương mại và du lịch từ thị trường đá quý mà ra. Người Trung Hoa nói chung và người kinh doanh các mặt hàng chế tác từ đá quý của châu Đức Hồng nói tiêng, rất giỏi trong cái cách lấy được những đồng tiền lẻ cuối cùng từ túi của du khách vào việc mua sản phẩm của họ, mỗi khi đến vùng đất này...

 

 

 

6. Hệ thống Phát thanh và truyền hình.

 

Hiện nay, hệ thống Phát thanh & Truyền hình của MR còn chưa mấy phát triển. Sở dĩ vậy, là do sau nhiều năm duy trì chính quyền quân sự, bị Phương Tây cấm vận nên kinh tế đất nước kém phát triển; thêm nữa, chính sách đóng cửa khép kín của quốc gia Phật giáo này ít nhiều tạo ra một xa hội tương đối thuần phác. Có thể coi đó là nguyên nhân chính khiến cho toàn bộ hệ thống thông tin báo chí nói chung ( trong đó có PT&TH ) kém đa dạng, phát triển.          

Đài Phát thanh &Truyền hình của MR trực thuộc Bộ Thông tin, có trụ sở chính đóng tại Yangon. Năm 2006, khi thủ đô  rời đến Nay Pyi Taw, chính phủ MR cho xây dựng trụ sở mới của Đài Phát thanh & Truyền hình quốc gia ở ngoại vi thuộc một vùng quê, cách trung tâm thủ đô chừng một giờ xe chạy.

Tòa nhà của Đài Phát thanh & Truyền hình mới có cấu trúc thấp tầng, khá hài hòa và thiết bị máy móc công nghệ tương đối hiện đại. Nếu máy móc thiết bị kỹ thuật Phát thanh & Truyền hình của Đài tại Yangon chủ yếu là kỹ thuật analog, trên băng từ, thì ở trụ sở mới, toàn bộ sử dụng kỹ thuật số ( digital ), song vẫn có dự phòng bằng kỹ thuật analog trong những trường hợp bất trắc. Hiện tại, phần lớn các chương trình phát thanh và truyền hình của MR vẫn được sản xuất ở Văn phòng tại Yangon, bởi đây tuy là cố đô, song vẫn là một trung tâm chính trị, ngoại giao, sản xuất, thương mại của MR. Nhiều đại sứ quán ( trong đó có Đại sứ quán Vịêt Nam ) vẫn đóng ở Yangon.  Hiện tại, MR có 2 kênh Phát thanh ( 1 bằng tiếng phổ thông MR, 1 phát chung đối ngoại quốc tế và tiếng dân tộc thiểu số ). MR là quốc gia đa dân tộc ( 153 dân tộc ), song ngoài tiếng phổ thông MR thì chỉ vài ba thứ tiếng dân tộc khác được phát sóng ( VOV của ta phát 12 thứ tiêng dân tộc thiểu số  ). Còn lĩnh vực truyền hình, MR có 2 kênh tự sản xuất, đó kênh MRTV3, MRTV4. Số kênh truyền hình nước ngoài được phát trên TV của MR rất ít. Chính vì vậy, người dân MR không có nhiều sự lựa chọn trong lĩnh vực Phát thanh & truyền hình nói chung. Một tuân ở MR, theo dõi TV của họ thấy chương trình còn khá nghèo nàn. Hôm chúng tôi thăm trụ sở ở Yangon, phía bạn có đưa chúng tôi thăm dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc hiện đại của Đài, nếu so với Nhà hát VOV của Việt nam thì họ còn thua xa, kể cả các phương tiện tác nghiệp ( máy ghi âm, camera ) thì vẫn cũ kỹ, lạc hậu ( như thời kỳ bao cấp ở ta ).   

Có một điểm đáng chú ý, các vị lãnh đạo của Đài Phát thanh & Truyền hình quốc gia MR phần đông từ quân đội chuyển sang. Điều này hoàn toàn hợp lý, khi mà chính quyền MR vốn là chính quyền quân sự dưới sự lãnh đạo của Thống chế Than Shwe, cho đến khi Thein-Sein, một chính trị gia thuộc quân đội kế nhiệm lên làm Tổng thống, mới chuyển sang dân sự, nên theo đó, các vị lãnh đạo quân sự các cấp của họ cũng được “ dân sự hóa “ chuyển sang giữ các cương vị chủ chốt. Các cấp của Đài Phát thanh &Truyền hình MR sử dụng tiếng Anh khá tốt ( MR vốn là thuộc địa của Anh, đến năm 1948 mới thoát khỏi ách thuộc địa, trở thành quốc gia độc lập, dưới sự lãnh đạo của Tướng Aung San, người được suy tôn là anh hùng dân tộc giải phóng MR, và là thân phụ của bà Aung San Suu Kiu, lãnh đạo của phe đối lập chính trị ở MR hiện nay, một nhân vật mới nổi trên chính trường MR, mà Phương Tây và Mỹ đang muốn tranh thủ, và cho đến thời điểm này, đảng của bà Aung San Suu Kiu đã thắng cử, và bản thân bà vì lấy chống người nước ngoài, nên không được làm Tổng thống theo quy định của Hiến pháp Myanmar, mà chỉ giữ cương vị cố vấn cho Tổng thống đương nhiệm.).      

Với đà cải cách mở cửa, dân chủ hóa hiện nay, có thể MR đang phải đối mặt trước những bất ổn chính trị, song chắc chắn, kính tế xã hội và nền báo chí truyền thông nói chung, lĩnh vực Phát thanh &Truyền hình nói riêng của MR sẽ có đất sống để phát triển ...

 

 

 

 

Nhật bản du ký.

 

 

1. Đền thờ Minh Trị thiên hoàng, điểm du lịch kỳ thú.

 

Nếu đứng trên sân thượng Tòa thị chính Tokyo cao 45 tầng  phóng tầm mắt ra bốn phương tám hướng, đều bắt gặp muôn vàn những khối nhà cao thấp thuần như một gam  màu lạnh, chen chúc lô xô ken đặc không gian, ta ngỡ Tokyo hiện đại nhưng khô cứng, chán ngắt.

Nghĩ vậy là ta đã nhầm. Đường phố Tokyo rợp bóng cây xanh, toàn là phong và liễu, thêm một vài loài cây thân gỗ lá nhỏ đặc trưng vùng ôn đới mà du khách phương xa không biết gọi tên gì… 

Cứ theo bóng liễu, bóng phong mà đi, du khách len lỏi dưới những khối nhà của cái thành phố khoảng 13 triệu dân và trải dài hơn trăm cây số này, có thể tìm thấy một rừng cây tuyệt đẹp giữa hai quận Shinjuku và Shibuya ngay trung tâm thành phố. Đó là khu đền thờ Minh Trị thiên hoàng. Người Nhật Bản tôn kính và biết ơn vị vua này, ông lên ngôi năm 1868,  người đã khởi xướng phong trào canh tân, với tinh thần tự cường song rất chú trọng việc học hỏi văn minh Âu Mỹ, biến Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc hậu thành một quốc gia hùng mạnh. Bởi vậy, người dân mới dựng đền thờ xem như một vị thần linh có công với dân tộc. Song khoan nói chuyện đó, ta hãy xem khu đền thờ này như một công trình văn hóa du lịch đặc trưng của Tokyo có sức hấp dẫn du khách cỡ bậc nhất ở xứ sở Mặt trời mọc.       

Nếu đem ví với Văn Miếu-Quốc Tử Giám của Việt Nam thì thật không đúng lắm ( bởi Văn Miếu- Quốc Tử Giám  thờ Khổng Tử-ông tổ của Đạo Nho và là trường đại học cổ xưa nhất của Việt Nam ), còn đây lại thờ một vị vua khai sáng, song quả thật không có gì để so sánh tương đồng, nên ta cứ tạm coi từa tựa như vậy. Về diện tích thì khu đền này rộng hơn nhiều lần, có rừng cây rậm rạp nhưng về lịch sử tồn tại chỉ bằng 1/10, nghĩa là gần  trăm năm thôi.

Điểm chính của công trình văn hóa du lịch này là đền thờ Minh Trị thiên hoàng ở mặt chính và Minh Trị thần cung hội quán ở phía sau. Đền thờ chính được xây cất toàn bằng gỗ bốn mái theo kiến trúc truyền thống của Nhật Bản, và cũng gồm hai phần tiền điện, chính điện  Dọc lối vào, du khách bắt gặp từng hàng đèn lồng được xếp cao như bức tường lớn. Đây là những đèn lồng được làm theo kiểu truyền thống do người dân tự nguyện mang đến hiến tặng cầu may, nên trên mỗi chiếc đèn đều có chữ viết, dấu ấn của riêng người hiến. Phần tiền điện cũng thuần bằng gỗ, hai tầng, có cổng rộng đề vào sân chính điện. Qua khoảng sân rộng là bái đường thuộc chính điện với cánh hai cánh cử gỗ dày nặng. Trên những cánh cửa gỗ và cả đôi cột gỗ hàng hiên chi chít những vết hằn. Đây là dấu tích của những đồng tiền xu do  người dân ném vào cầu may, mỗi đầu năm mới, khi cổng đền được mở cho người dân vào viếng.

Bên trong bái đường, nơi thần dân và du khách bốn phương đến thăm viếng đứng bái vọng, là những chiếc bàn gỗ có hòm phía dưới đựng tiền của người lễ ( kiểu như hòm Công Đức trong các chùa chiền, đền miếu ở ta ). Đáng chú ý và khá lý thú là ở hai bên bái đường, phía trái là nơi để rượu hiến tế của người dân, với hàng ngàn chai rượu dân tộc đặc sản từ nhiều vùng của Nhật Bản được người dân mang đến lễ; còn bên trái, là nơi treo các thẻ gỗ trên đó viết những điều ước vọng bằng các thứ ngôn ngữ Anh, Nhật Bản, Trung Quốc của các thí sinh cầu may trước mỗi kỳ thi cử ( cứ từa tựa như kiểu thì sinh đến Văn Miếu thắp hương janhf lễ, xoa đầu rùa cầu may trước mùa thi ở Việt Nam vậy ). 

Hôm tôi đến đến thăm đền trùng vào chủ nhật. May mắn là đúng dịp đó có Triển lãm Cúc hoa. Những chậu hoa cúc tuyệt đep, được tuyển lựa từ những người chơi hoa cúc đem đến trưng bày, chẳng hiểu họ có chấm điểm trao giải hay không ? Bên cạnh nhiều loài cúc ta thường thấy ở Việt Nam thì còn có một số loài cúc đặc trưng Nhật Bản, thân bụi hoa nhỏ trông rất lạ mắt được trồng trong chậu cảnh công phu. Cũng hôm ấy, có một đám tế lễ tại đền. Người chủ tế cao niên phục trang theo lối truyền thống màu trắng toát, những người phụ tế cũng vậy, còn  lại những người tham gia đoàn tế phần đông đều ăn vận theo lối  truyền thống cả. Đoàn tế nghiêm chỉnh tiến vào với dàn nhạc dân tộc phụ họa, nghe na ná nhạc Lưu thủy, Hành vân của ta. Có cảm giác, văn hóa Nhật Bản được biểu hiện trong tôn giáo, tín ngưỡng và cả trong đời sống xã hội có sự hòa nhập của ba yếu tố Nho-Phật- Thần đạo, pha trộn thêm chút tinh thần của võ sĩ đạo ( Samurai ). Ấy cũng làm nên một sắc thái văn hóa đặc trưng, và vì thế càng thêm hấp dẫn về khía cạnh du lịch…

 

 

2. Công viên hành chính Hibiya và khu Hoàng cung .                                                      

 

Thủ đô Tokyo có cả thẩy 23 quận, song chỉ có mấy quận thuộc trung tâm là các quận Shinjuku, Tokyo, Shibuya, Ueno, Ikebukuro… Khu trung tâm này ken đầy đặc các tuyến metro ngang độ sâu lòng đất… Nếu xem quận Shinjuku na ná như quận Hoàn Kiếm ( Hà Nội ) bởi đây được coi là trung tâm thương mại sầm uất, thì quận Tokyo lại tương đồng với quận Ba Đình, trước hết vì ở đây tập trung hầu hết trụ sở của Chính phủ, với văn phòng và 12 bộ, cùng Nhà Quốc hội. Khu vực này có mấy tiều khu quan trọng, đó là khu Kashumi Gaxeki - khu hành chính thuộc tiểu khu Chiyoda, Hibiya-công viên cây xanh, khu Akasuku- nơi nhiều quan chức chọn định cư, khu Hoàng cungLâu đài công chúa

Công viên Hibiya nằm giữa khu hành chính bởi bao quanh nó là trụ sở của mấy Bộ ngành, và cả Toà nhà Tam giác trụ sở Quốc hội. Trong lòng đất khu vực này, có đến dăm tuyến metro giao nhau như Oedo line, Mita line, Hibiya line, Chiyoda line, Yurakucho line, Marunouchi line. Công viên không lớn, nằm lọt thỏm giữa những toà nhà cao tầng, song xinh xắn và rất nên thơ. Cổng chính của Tòa nhà số 5, nơi đặt trụ sở của Bộ Y tế-Lao động & Phúc lợi, Bộ Môi trường và một phần của Văn phòng Chính phủ đối diện với một cổng của công viên Hibiya. Giờ nghỉ trưa hôm chúng tôi đến làm việc tại đây, bác sĩ Junichi Inaba- chuyên viên Hợp tác quốc tế của Trung tâm Y tế quốc tế Nhật Bản đưa chúng tôi vào thăm công viên. Công viên lúc này khá đông người, quan sát thấy thuần một màu rất " viên chức ". Anh J. Inaba giải thích, thường mỗi buổi trưa, công viên này rất đông người đi dạo, phần lớn toàn công chức tranh thủ giờ nghỉ trưa, sau bữa ăn nhanh đồ ăn  mang theo hay tại căng-tin công sở. Đi dạo một mình thư giãn, hoặc theo tốp để nói chuyện phiếm và có thể là bàn bạc thêm về một vài vấn đề nào đó.

Tôi chợt nghĩ về những bữa trưa tràn đầy không khí nhậu nhẹt của nhiều viên chức xứ mình mà thầm so sánh…Chẳng biết người Tokyo gọi thế nào, song chúng tôi bảo nhau có thể coi công viên Hibiya như một công viên hành chính. Công viên không lớn, rất nhiều cây song lại tạo cho du khách cảm giác thoáng rộng, thoải mái, bởi cấu trúc chia ô, chia khu với vô vàn các lối đi nhỏ dẫn vào các thảm cỏ, lùm cây. Kề bên các lối đi thường là các loài phong, liễu và những loài cây thân thảo, sâu bên trong mới là các loài cây thân gỗ. Đó đây là các hồ nước nhỏ, cầu vòm dẫn vào các đình, tạ được xây cất theo lối truyền thống, khiến người ta dễ liên tưởng đến cảnh quan phim trường Hồng Lâu Mộng của Trung Quốc. Rất nhiều ghế đá và các tảng đá mang các hình thù khác nhau được bố trí rải rác khắp vườn vừa để cho du khách ngồi nghỉ, lại vừa như tạo dáng. Thảm cỏ vườn được trồng tỉa cẩn thận, và hình như còn có một số loài địa lan, gây nên cảm giác thơm tho, sạch sẽ như tranh vẽ. Chốc chốc lại bắt gặp một người cao niên cắm cúi với bảng màu và bút lông trong tay mê mải vẽ. Thời tiết cuối thu se lạnh đã phủ lên khu vườn một màu vàng chanh đó đây nơi các lùm cây… Ngẫm lại thấy tiếc cho những công viên Bách Thảo, Thống Nhất ở xứ mình !…

Ra khỏi công viên Hibiya, lại bách bộ thêm một đoạn đường nữa là khu Lầu công chúa với hồ nước bao quanh với mấy đôi thiên nga trắng toát nhẩn nha gù nhau. Ngang đây là một quảng trường và đại lộ dẫn thẳng đến khu Hoàng cung. Cũng như những hoàng cung, cung điện, thành lầu của nhiều triều đại phong kiến Á Đông, Hoàng cung Nhật bản được cấu trúc với vòng ngoài bảo vệ kiểu tường cao-hào sâu. Một chiếc cầu vòm cuốn cổ dẫn vào cổng chính diện. Du khách chỉ có thể nhìn vọng từ xa vào cổng thành hai tầng màu sẫm thâm nghiêm với đôi vọng gác cùng hai người cận vệ trang phục trắng toát đứng im như tượng, và sâu tít bên trong với nhấp nhô vòm mái, lầu các và cây cối mà thôi. Bên ngoài là lối sỏi rộng, cùng khu rừng thưa kéo dài từ trước khu Lầu công chúa vắt ngang đến tận chân Hoàng cung, trồng thuần một loài thông tán xanh rì. Một hàng những viên sỏi khổng lồ xếp cách đều nhau làm thành chiếc ba-ri-e chắn lối vào phía sau trông khá lạ mắt và gây cảm giác thích thú cho du khách. Thảm cỏ phẳng lỳ, rải rác đó đây có người nằm ngủ ngon lành dưới tán thông. Lác đác các cụ già ăn vận trang phục cổ, dắt chó cảnh dạo chơi trên những lối đi. Xa xa, tháp truyền hình Tokyo in lên bầu trời, như tạo dáng cho khung cảnh nơi đây. Và tất cả làm  nên một bầu không khí thanh bình, nhàn nhã…

Không riêng gì du khách từ phương xa tới Tokyo, theo anh J. Inaba cho biết, thì ngay chính những người dân của Tôkyo, thậm chí những người sống hoặc làm việc hằng ngày quanh khu vực này cũng cảm thấy yêu thích cảnh sắc tuyệt đẹp và thanh nhàn đó !…

 

 

3. Hệ thống Metro và du lịch thương mại .                        

                                           

Hôm đoàn công tác chúng tôi đến Nhật Bản, người nhận đón và hướng dẫn chúng tôi từ sân bay quốc tế Narita về trung tâm Tokyo là một sinh viên Việt Nam tên Chiến, sang Nhật đã 4 năm nay. Chiến đưa chúng tôi xuống tầng hầm nhà ga sân bay vì ở đó thông luôn với ga xe lửa ngoại ô. Cậu ta cho biết là sẽ phải đi một chặng dài bằng xe lửa ngoại ô, rồi đổi thêm vài chặng metro nữa mới đến nơi đoàn chúng tôi ở thuộc quận trung tâm Shinjuku. Đây là phương tiện giao thông tiện lợi nhất, rẻ nhất và có thể nhanh nhất ở Tokyo. Thế rồi, cũng phải mất gần 2 giờ đồng hồ lên xuống lặn ngụp trong hệ thống metro, chúng tôi mới chồi lên mặt đất ở ga Wakamatsu ( hiểu nghĩa là Ga cây Tùng non ).

Nhớ là, mùa đông năm 1996, tôi và mấy đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam đã có dịp lặn lội gần 2 tháng trời ngày ngày trong hệ thống Metro ở Paris ( Pháp ) khi tham gia một khoá đào tạo báo chí, nên tôi không lạ gì cấu trúc và một số nguyên lý tìm tuyến, đi lại trong đó. Ấy vậy mà, khi đứng trong ga metro của Tokyo vẫn bị cái giác lạ lẫm của anh nông dân lần đầu tiếp xúc với công nghiệp hiện đại. Hình như là hệ thống này nằm sâu trong lòng đất hơn và cũng rối rắm hơn. Quả vậy, đi lại vài lần, mới thấy cảm giác lạ lẫm có cái lý của nó, trước hết bởi một số tuyến nằm dưới độ sâu 50m nên khi chuyển tuyến phải  lên xuống cầu thang vòng vèo mấy lần, rồi thêm nữa là các chỉ dẫn bằng mẫu tự Nhật Bản ( tất nhiên có chua thêm bằng tiếng Anh nhỏ hơn ), khác hẳn với Paris chỉ thuần kiểu mẫu tự Latinh, điều đó khiến khách lạ dễ mất sự tự tin. Tuy nhiên, để ý kỹ, lại thấy cũng chẳng có gì là rắc rối cả, vì ở các ga đều có các tờ rơi sơ đồ hệ thống metro, cả bản tiếng Nhật và tiếng Anh. Thêm nữa, khi đã yên vị trên metro, khách cũng có thể theo dõi được tuyến mình đang đi qua  bảng  điện tử chạy chữ được lắp đặt ngay phía trên mỗi của lên xuống của toa tàu.

Tokyo hiện có 13 tuyến metro, trong đó nhiều tuyến của tư nhân. Được biết, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích đầu tư bằng điều luật là bất cứ công trình nào do tư nhân đầu tư làm ở độ sâu 50m trở xuống trong lòng đất thì đều được miễn thuế tài nguyên. Các tuyến đều được ký hiệu bằng chữ cái đầu tên ( ví dụ như : tuyến Tozai line - ký hiệu T , tuyến Ginza line-ký hiệu G, tuyến Namboku line ký hiệu N ). Nói hệ thống metro có ý nghĩa lớn về mặt du lịch, trước hết bởi sự tiện lợi cho bất cứ ai, về tốc độ nhanh chóng, về giá rẻ ( rất phù hợp với xu hướng du lịch ba lô hiện nay và lại càng ý nghĩa hơn khi Tokyo là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới ); đồng thời, nó làm giảm tối đa  lượng người đi lại trên mặt phố, vì thế vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa góp phần tạo cảnh quan đẹp đẽ cho phố phường; và đặc biệt, hầu như những công trình văn hóa du lịch và các trung tâm thương mại lớn đều có tầng hầm thông với ga metro.

Mua sắm là một nhu cầu không thể thiếu của du khách. Đây là tâm lý chung của hầu hết mọi người mỗi khi có dịp đi công cán hoặc du lịch xứ người. Nhiều khi mua sắm cho nhu cầu sử dụng thì ít mà mua làm quà cho người thân, bạn bè hoặc để làm kỷ niệm thì nhiều. Vì thế, việc các ga metro thông với các trung tâm thương mại lớn là bằng chứng biểu hiện của maketting giao thông-du lịch-thương mại tuyệt vời. Du khách đến Nhật Bản, nhất là Tokyo , có hai chủng loại hàng được nguời ta chú ý hơn cả là mỹ phẩm và đồ điện tử - đích thị Made in Japan ( chất lượng tuyệt hảo và giá cả phải chăng là ưu thế của hai chủng hàng này ). Chính vì thế, ngoại trừ những cửa hiệu lớn nổi tiếng ở trung tâm, thì bất cứ một của hàng, shop nhỏ nào trên đường phố mà ta bắt gặp cũng có thể mua được hàng mỹ phẩm chính hiệu. Về hàng điện tử, du khách không thể bỏ qua gian điện tử ở trung tâm thương mại Odakyu thuộc quận Shinjuku. Ở đây, có đủ các chủng loại máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm kỹ thuật số, máy vi tính xách tay của các hãng nổi tiếng như Canon, Nikon, Olimpus, Sony, Panasonic… Ngoài ra, du khách còn thích tầm chợ đồ cũ điện tử, bởi nếu biết hàng, khéo chọn và may mắn ra thì có thể mua được vài món chất lượng tốt mà giá lại rẻ bất ngờ… 

Không thể không nói đến các loại hàng mang tính souvernir . Ở Tokyo có một số cửa hàng " Một trăm yên ". Sở dĩ có tên như vậy, bởi hầu hết các mặt hàng bán ở đây đều có giá 100 yên. Du khách có thể tìm thấy ở đây từ mỹ phẩm đến các hàng vặt vãnh  như bấm móng tay, cặp tóc nữ, dây đeo diện thoại di động, móc chìa khóa, rồi là bút bi, kính mát, cốc sứ, nậm rượu v.v… Mua hàng ở đây có vài điều cần chú ý, thứ nhất là, nếu giá bán cao hơn thì trên mỗi sản phẩm đều có ghi rõ giá, còn như không thấy ghi gì thì khách yên tâm mà nhặt hàng bởi khi tính tiền thì người tính chỉ cần đếm số lượng đầu loại rồi nhân với 100 yên là xong; thứ nữa, nên xem kỹ bởi không thì khách sẽ mua nhầm hàng Made in China trong khi muốn mua hàng Made in Japan ( lẽ dĩ nhiên hàng Made in China vào được thị trường Nhật Bản khó tính thì phải đạt tiêu chuẩn và có chất lượng tương đương ). Có lẽ nổi tiếng nhất Tokyo trong số các cửa hàng 100 yên phải kể đến cửa hàng nằm trên phố đi bộ ngay bên sườn khu đền thờ Minh Trị Thiên hoàng.. Ngày chủ nhật, phố này và nhất là của hàng 100 yên đông đặc người, toàn thanh niên Nhật và khách nước ngoài chen chúc ken vai đến đây thăm thú, mua sắm.

 

 

4. Du lịch văn hóa.                                             

 

Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến đất nước Mặt trời mọc- nơi mỗi ngày bình minh đến sớm nhất trên bờ Thái Bình Dương, đất nước của hoa anh đào mùa xuân, và cả đất nước của động đất cùng núi lửa.

Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng, đất nước này nằm trên lưng một con rồng, lâu lâu nó lại quẫy mình gây nên động đất. Trước hôm chúng tôi sang, vùng Tokyo vừa bị một trận động đất trung bình, và ngay đợt chúng tôi ở đó cũng có một đợt nhẹ. Chính yếu tố địa chất ấy cũng góp phần tạo ra một phong cách kiến trúc- văn hóa Nhật Bản, với kiểu nhà gỗ truyền thống xưa cũ và kiến trúc nhà hộp màu lạnh hiện đại, bằng các vật liệu bền nhẹ.

Ngay hôm mới sang, Chiến-sinh viên Việt đang học tại Tokyo chỉ những lùm cây lá ngả vàng chanh bảo :" Đã là cuối thu, song Tokyo ở vĩ độ thấp nên vẫn không đủ lạnh để cây cối chuyển màu lá đỏ. Giờ muốn xem lá đỏ thì phải ngược lên phía Bắc những hơn trăm cây số nữa, ở đó có cả rừng cây lá đỏ, tuyệt đẹp ". Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi không đủ thời gian để tìm đến chiêm ngưỡng rừng cây lá đỏ, song điều muốn nói chính là ở chỗ, đất đai, khí hậu đã góp phần hun đúc nên một tinh thần dân tộc, và được biểu hiện thành bản sắc văn hóa.

Với du khách, đến với một đất nước, một quốc gia nào đó, là đến với một nền văn hóa. Cũng như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản từng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hoa Hạ suốt nhiều thế kỷ. Và cũng bằng những cách thức tương đồng, Nhật Bản cũng đã biết thoát ra khỏi cái bóng không lồ ấy để tạo ra một bản sắc văn hóa riêng mình, khá độc đáo. Trong văn hóa ,tín ngưỡng có sự nhào nặn của cả ba yếu tố Nho-Phật-Thần đạo. Văn hóa Nhật Bản đâu chỉ có bóng dáng của thiên nhiên như núi Phú Sĩ, hoa anh đào, mà sức lan tỏa làm nên sự hấp dẫn cho du khách lại mang dấu ấn của con người, đó là trang phục kimônô, là môn võ vật sumô, là nghệ thuật xếp giấy, là bon-sai, là rượu sa-kê và những món ăn cá sống, là trà đạo, là kịch Noh ( kịch Nô, một loại  kịch cương ), và thậm chí cả là geisha nữa  v.v… 

Với trang phục kimônô, với bon-sai và trà đạo, người Việt đã không còn xa lạ, bởi trong nhiều năm nay, qua giao lưu văn hóa, người ta đã được biết đến. Song ẩm thực Nhật Bản, thì vài năm gần đây, ở Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh đã có một số quán rượu sa-kê và món ăn Nhật. Điều tôi muốn nói ở đây là các shop to nhỏ mà du khách có thể thấy ở bất cứ khu vực nào trên đường phố Tokyo đều có quầy bán rượu sa-kê,rượu sô-chyu. Có những cửa hàng chuyên bán rượu. Cũng như rượu vang và cô-nhắc Pháp, whisky Scotch, vodka Nga, hay như  rượu" quốc lủi" đựng trong vò sành nút lá chuối khô ở ta, rượu sa-kê và sô-chyu cũng mang phong vị từng vùng khác nhau. Nhưng khoan nói đến mùi vị đặc trưng bên trong, chỉ nhìn kiểu dáng, màu sắc chai và nhãn mác bên ngoài đã thấy thích thú rồi. Mỗi nhãn mác đều được trình bày như một bức thư pháp Nhật tự ấn tượng. Du khách đến Nhật Bản, nhất là đấng mày râu, khó ai có thể bỏ qua không mua vài chai về làm lưu niệm, làm quà cho bạn bè. Nhân nói đến thư pháp trên nhãn mác rượu, không thể không nói đến nền thư pháp chính tông Nhật Bản. Ngôn ngữ Nhật Bản hiện nay,  được biết, nó được xây dựng trên cơ sở hơn ba nghìn từ Hán  cơ bản  (chỉ phát âm khác, còn giữ nguyên mẫu tự và nghĩa ), cộng thêm mẫu tự Nhật mới mà thành. Chính vì thế, nền thư pháp Nhật Bản cũng không kém phần tinh tuý, có chăng chỉ sau thư pháp Trung Hoa mà thôi, song lại có phần độc đáo riêng, được người Nhật gọi là Thư đạo. Thêm nữa, thư đạo Nhật Bản ít nhiều mang mầu sắc của Thiền- Thư pháp Thiền ( tức Hítsuzendo ). Nhiều biển hiệu cửa hàng, tên công sở, trường học đều được trình bày theo lối thư đạo, ngay các phòng khách, phòng trưng bày của các công sở cũng đều có treo thư đạo, gây cảm giác có gì đó vừa cao thâm, lại không kém phần mỹ thuật, trang nhã !…

Có một bộ môn nghệ thuật đặc trưng Nhật Bản, một biểu hiện của văn hóa cổ  truyền, đó là kịch Noh ( Nô ). Được biết, kịch Noh có nguồn gốc và lịch sử hình thành phát triển từ 800 năm nay, lại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Có gì đó từa tựa như Kinh kịch Trung Hoa, hay Tuồng cổ Việt Nam, song cảm giác là kịch Noh thần bí hơn. Vì thời gian và công việc không cho phép, nên chúng tôi thiệt thòi không đến được Nhà hát Quốc gia để xem biểu kịch Noh, hay xem kịch Noh ngoài trời. Bù lại, được xem biểu diễn qua truyền hình. Vở kịch kéo dài hơn 2 tiếng, và lại không biết tiếng Nhật, nên chỉ xem động tác, vũ đạo, khẩu hình, phông cảnh và nghe âm nhạc, giọng điệu mà suy đoán. Thế nên, cũng chưa thấy nhiều cái hay, cái đặc sắc của kịch Noh. Song dẫu sao vậy cũng là quý rồi…

Tokyo, thoảng qua  và cảm nhận, thấy thích thú và đáng trân trọng những gì làm nên bản sắc văn hóa Nhật Bản, nhất là trong thời đại hội nhập thế giới, khi mà xu thế nhất thể hóa về văn hóa theo kiểu văn hóa-văn minh Âu Mỹ đang thịnh hành. Những gì ta đã thấy của văn hóa Trung Hoa, thấy ở văn hóa Nhật Bản hiện nay, và cả những gì ta đang nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa cổ truyền Việt Nam, gạt đi những vấn đề còn chưa chuẩn trong công cuộc chấn hưng văn hóa ở mỗi quốc gia, cao hơn ý nghĩa về khía cạnh du lịch, rộng lớn  hơn cả là tinh thần dân tộc, tất cả  đang góp phần gìn giữ sự đa dạng  văn hóa cho thế giới. Và như vậy, có nghĩa là cho sự phát triển !…

 

 

5. Những vấn đề của một xã hội công nghiệp phát triển. 

 

Cùng với động đất, trước hôm tôi sang mấy ngày, có một sự kiện cũng không kém phần. Đó là việc đương kim thủ tướng Nhật bản, ( khi đó là ngài Koizumi ) đến viếng đền Yasukuni, dù chỉ đứng xa chắp tay làm lễ chứ không cúi vái.

Ấy vậy, cũng tạo nên sự phản ứng khá gay gắt từ phía hai quốc gia láng giềng là Hàn Quốc và Trung Quốc, bởi đền này không chỉ thờ các liệt sĩ hy sinh cho nước  Nhật trong các cuộc chiến tranh nói chung, mà còn có nhiều vị từng là tội phạm chiến tranh trong chiến tranh thế giới thứ 2. Rồi cũng trước đó ít lâu, ngài Koizumi cùng chính phủ của mình đã làm một việc động trời không kém, ấy là việc tư nhân hoá ngành bưu chính viễn thông, đẩy mấy chục ngàn nhân viên -lao động của ngành này từ nhà nước thành ra tư nhân. Lại nữa, cũng Chính phủ của thủ tướng Koizumi đã tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn, từ 21 bộ, sau khi sáp nhập, cơ cấu lại chỉ còn có 12 bộ. Con số 4.623 tỉ USD là GDP của Nhật Bản năm 2004 được Ngân hàng thế giới ( WB ) công bố ( đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ là 11.668 tỉ USD ), càng cho thấy Nhật không chỉ mạnh về kinh tế, mà còn rất tinh giản và hiệu quả trong vận hành bộ máy hành chính. Song, nói như người phương Đông thì "chăn nào cũng có rận", điều đó có nghĩa là Nhật Bản cũng gặp khá nhiều vấn đề của xã hội phát triển.             

Không có gì ngạc nhiên, một khi kinh tế công nghiệp phát triển chóng mặt thì nó sẽ để lại những hệ lụy về mặt đời sống xã hội. Con người luôn bận rộn và bộc lộ rõ sự co mình, biệt lập với cộng đồng, thậm chí ngay cả người thân trong gia đình. Chỉ để ý trên metro hằng ngày cũng có thể thấy được điều này. Các toa xe đông người song yên tĩnh, bởi không ai nói với ai câu nào, người ta hoặc ngả mình nhắm mắt tranh thủ ngủ thiếp đi, hoặc mơ màng theo giai điệu âm nhạc từ các máy nghe cá nhân, hoặc chúi mũi vào điện thoại di động chơi trò chơi điện tử. Xã hội Nhật Bản đã tự cảnh báo về một hội chứng có tên gọi Hikikomori, hiểu là hội chứng từ chối xã hội. Nó đặc biệt khu trú trong giới trẻ và ngặm nhấm chí tiến thủ của họ. Nguy hiểm hơn, nó hoàn toàn có thể biến tướng thành những biểu hiện kỳ quặc của con người dẫn đến hành vi gây bất ổn cho cộng đồng. Vào những ngày nghỉ, ở một số quảng trường, công viên hoặc điểm vui chơi công cộng nổi tiếng, người ta có thể bắt gặp rất nhiều những đám thanh niên ăn vận, đầu tóc kỳ quái, và các cặp đồng tính cũng vậy, họ tụ bạ vui chơi, phô diễn thản nhiên trước bàn dân thiên hạ. Họ sẵn lòng chụp chung ảnh với du khách, hoặc trả lời phỏng vấn báo chí. Quảng trường trước khu đền Minh Trị thiên hoàng là một điểm như thế…           

Chuyện vui, người Nhật sử dụng điện thoại di động thông dụng cỡ nhất nhì thế giới song đố ai có thể mượn máy di động của họ. Vì không biết, nên tôi đã mượn một lần và dĩ nhiên là thất bại. Điều này được người bạn đồng nghiệp, anh Lưu Anh Tuấn, một nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tokyo lý giải, họ luôn cảnh giác đến thành nguyên tắc với việc dùng điện thoại di động của họ để hù dọa, tống tiền, gửi tin bậy bạ với đâu đó, nên không cho ai cầm vào máy của mình, dù là người thân quen. Một khi lòng tin vào con người đã bị lung lay thì chuyện thu mình trước cộng đồng là điều hiển nhiên.

Các vấn đề thuộc về giới cũng đáng bàn. Nữ giới dần bình quyền, họ tìm cách thoát ly cuộc sống xã hội để tham gia hoạt động xã hội, song sự gấp gáp cuộc xã hội cũng lấy đi của họ thời gian và nữ tính, nên vì thế phụ nữ Nhật hiện đại thường muộn chồng, có xu hướng sống độc thân. Dường như để bù lại, họ sa vào thuốc lá và rượu. Thêm nữa, theo một điều tra xã hội học thì phụ nữ Nhật đang có xu hướng thích lấy chồng ngoại quốc giàu có. Và như thế, một khi các yếu tố xã hội đã tác động được vào phụ nữ và giới trẻ, thì chắc chắn nó sẽ làm xã hội thay đổi với hàng loạt hệ luỵ…

 

 

7. Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản.

 

 Đấy là đề từ Diễn văn nhận giải Nobel văn học năm 1968 của nhà văn nổi tiếng Nhật Bản- Y. Kawabata.

Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản, tôi muốn kết phần Du ký đất nước Mặt trời mọc-xứ sở Hoa anh đào, bằng đề từ của bậc vĩ nhân. Và bằng cách kể lại vài ba câu chuyện đơn lẻ :

Chuyện thứ nhất:

Tôi có người chị ruột là tiến sĩ nông nghiệp, và người anh rể, cũng tiến sĩ nông nghiệp, đôi vợ chồng tiến sĩ này hiện cùng công tác tại Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Họ giỏi tiếng Anh, quan hệ quốc tế rất rộng, đi nước ngoài thường xuyên như phụ nữ đi chợ. Lẽ dĩ nhiên, khách Tây Tàu đến ăn cơm với gia đình họ cũng khá thường xuyên. Trong số khách ngoại quốc ấy, tôi có chú ý đến mấy vị khách người Nhật Bản, đúng ra là ba lão nông Nhật Bản. Vậy thì, lão nông của một đất nước phát triển cỡ hàng đầu thế giới khác chi với lão nông dân Việt Nam ( thành thật mà tự nhận, nền nông nghiệp còn lạc hậu ) ?

Trước tiên, về xuất xứ của ba lão nông Nhật Bản này. Nguyên người anh rể tôi, cách đấy dăm năm, có một khóa học và thực tập quốc tế về quy trình công nghệ nông nghiệp sạch kéo dài tại Hokaido ( một đảo lớn ở miền bắc quanh năm giá lạnh Nhật Bản ). Anh đã từng đến ở nhiều ngày để tham khảo công nghệ nông nghiệp sạch tại trang trại của ba lão nông này. Mỗi lão nông là chủ của một trang trại cỡ hàng trăm héc-ta đất đai, canh tác bằng máy móc hiện đại, sử dụng máy bay nhỏ để phun thuốc, bón phân. Rồi thành quen thân. Chẳng hiểu, qua anh, họ tìm hiểu được gì về Việt Nam, mà sau đó, hầu như năm nào họ cũng rủ nhau đi du lịch Việt Nam. Lạ một điều, năm nào họ cũng tới Việt Nam vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Suốt mấy ngày tết ở Việt Nam, tuy nghỉ ở khách sạn, song họ đăng ký ăn ngày hai bữa sáng, tối ở nhà anh chị tôi. Món ăn, không sơn hào hải vị, chỉ yêu cầu thuần món ăn ngày tết của Việt Nam, như bánh chưng, giò các loại, nem, măng, miến, rồi ra là bún ốc, bún dọc mùng v.v… Lịch trình của họ, ngoài hai bữa sáng-tối ở nhà anh chị tôi , họ gọi ta-xi đi chơi bời thăm thú đâu đó cả ngày, trưa gặp đâu ăn đó, Hà Nội thì phố cổ, Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, Trấn Vũ; xa hơn là Hà Tây ( chùa Tây Phương, chùa Mía, đền Và, làng cổ Đường Lâm, chùa Hương, chùa Thày ); hoặc Bắc Ninh ( chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Lý Bát Đế, đền Bà Chúa Kho ); Nam Định ( đền Trần, chùa Cổ Lễ, chợ Viềng )… Hỏi kỹ, họ bảo, đất nước Nhật giờ ăn tết Tây ( Dương Lịch ), bỏ tết truyền thống ( tương đương tết Âm lịch như Trung Quốc, Việt Nam ), nên lớp người cũ như họ thấy thiếu, thấy thèm, nên sang Việt Nam để tìm lại không khí và cảm giác xưa cũ; thêm nữa, tuy giàu có đấy, song họ cảm thấy cô đơn ngay chính trên quê hương và mảnh đất của mình, bởi con cái họ đã phương trưởng và đều rời quê đi lập nghiệp, định cư ở các trung tâm thành phố lớn như Tokyo, Nagoya, Kyodo…Tiền nhiều để làm gì, khi bị con cái bỏ mặc ? Thế là họ tụ tập nhau, thành từng nhóm, năm đi du lịch một vài lần đâu đó khắp thế giới tùy thích, để được tiêu những đồng tiền do mình kiếm ra, và quan trọng, là để tìm lại cảm giác được sống !...

Chuyện thứ hai:

Thời gian ở Tokyo, đoàn chúng tôi ở trong một tòa nhà khách cao 9 tầng của Trung tâm Y tế quốc tế Nhật Bản. Hằng ngày, đi làm hay đi chơi, chúng tôi đều phải đi bộ chừng hơn nửa cây số để ra ga metro Kawamatsu. Đoạn phố này hơi dốc. Và chỉ một ngày sau, chúng tôi đã tìm được đường đi tắt, đi loanh quanh qua một ngõ nhở giữa khu dân cư. Lặng quan sát hai bên xem dân tình cái đất nước giàu có và hiện đại cỡ bậc nhất thế giới này, lại cũng dân mũi tẹt da vàng như dân mình, xem họ sinh sống ra sao? Song chỉ thấy vắng lặng, duy chỉ những sợi dây căng ngang trên hiên mỗi nhà thì cũng đày rẫy các cặp treo phơi quần áo. Để ý mãi mới thấy một nhà, dưới sân có đôi cụ già, một nam một nữ, cỡ tuổi 80-90, ngồi chung trên một băng ghế tựa dài, mỗi người ở chót một đầu, mặt ngoảnh ra hai phía ngược nhau, và hình như họ đều lẩm bẩm gì đấy. Tôi đồ là cặp vợ chồng già, và không biết họ đang nói chuyện với nhau hay lẩm bẩm tự nói chuyện với chính mình đây? Suốt cả tuần sau đó, sáng chiều ngang qua, đều thấy vậy. Chắc hẳn cặp vợ chồng già này lẩm cẩm, lẫn cẫn cả rồi. Họ hẳn cũng bị con cái bỏ mặc, hằng ngày, đợi trời hửng nắng, ra sân ngồi hong nắng, trò chuyện với nhau và tự trò chuyện với quá khứ của mình ? Tự nhiên rùng mình, rồi chạnh lòng mà nghĩ, mai sau, nhờ trời cho thọ đến cái tuổi ấy, chẳng hiểu rồi mình có như thế không ? E rằng, còn tệ hơn nữa thì sao đây?...

Chuyện thứ ba:

Khi đi thăm thú Tokyo, tôi đã ngang qua khu Lầu công chúa, đến tận cổng Hoàng cung Nhật Bản, ngắm nhìn, chụp ảnh. Lúc ấy, chộn rộn nhiều cảm xúc chen lấn nhau, sau về mới ngẫm nghĩ, xem cái mô hình Nhà nước Quân chủ lập hiến ( Chính phủ Hoàng gia ) Nhật Bản này nó ra sao ? Trên thế giới hiện nay, ngoài Nhật ra, còn có một số quốc gia theo mô hình này như: Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Thái Lan, Campuchia… Đáng lý ra, còn có cả Trung Quốc nữa, nếu như Triều đình nhà Thanh (cụ thể là Từ Hy Thái Hậu) không bị Viên Thế Khải lừa một cú ngoạn mục. Lịch sử cận đại Trung Hoa, theo tôi biết, Viên Thế Khải đã cùng một lúc lừa dối cả Hoàng đế Quang Tự và Từ Hy Thái hậu. Họ Viên kia vờ liên kết với vua Quang Tự lật đổ Từ Hy và canh tân đất nước, song đến lúc khởi sự, họ Viên lại mật báo cho Từ Hy để bà này ra tay trước, bắt giam lỏng Quang Tự tại Di Hòa Viên cho đến khi vị hoàng đế này chết. Kẻ hưởng lợi không ai hết, ngoài họ Viên. Sau này, nhà Thanh đổ, Viên Thế Khải đục nước béo cò, cướp quyền của những người dân chủ, lên làm tổng thống Trung Hoa dân quốc, và sau đó xưng Vua, cho đến khi bị giết. Thực ra, trước đó, khi Thanh triều còn, với sự dàn xếp của Viên Thế Khải ( có sự hậu thuẫn của Anh quốc và liên minh châu Âu ), Từ Hy Thái hậu khi đó đã định thỏa hiệp với Tôn Dật Tiên ( cùng chính sách "Tam dân " của ông ), về quan điểm, nhằm tiến tới hình thành một nhà nước Quân chủ lập hiến ( hạt nhân là chính phủ hoàng gia nhà Thanh ).

Về sự ưu việt hay không của mô hình quản lý này, tôi không dám lạm bàn, bởi mình hiểu chưa thấu đáo và kiến thức còn nông cạn.

Thực ra, lịch sử Việt nam ta đã cho thấy, ta từng có mô hình nhà nước kiểu tương tự từ rất sớm. Đó là bắt đầu từ thời kỹ Lê Trung Hưng, với mô hình song trị, Vua Lê-Chúa Trịnh. Trong mô hình nhà nước này, Vua Lê là chủ nhân đất nước, ra chiếu chỉ, ban hành phép nước, nhưng điều hành là Phủ Chúa ( cụ thể là Chúa Trịnh ). Với các vị chúa anh minh như Trịnh Tùng, Trịnh Cương, Trịnh Tráng, đất nước ta dưới triều Hậu Lê đã có một thời gian dài thịnh trị. Về việc này, tôi xin phép sẽ bàn riêng trong một bài viết khác. Nêu ra đây, để thấy rằng, trong lịch sử nước nhà, cha ông ta cũng đã sớm sáng tạo ra một mô hình quản lý đất nước khá tiên tiến.

Với ba câu chuyện vừa nêu, tôi không có ý định kiến giải gì. Chỉ càm nhận đôi điều nho nhỏ. Ấy là : Vẻ đẹp nào cũng có khiếm khuyết của riêng nó ( tỷ như : ngọc dù quý đến đâu cũng có vết, tấm huy chương danh giá nào cũng có mặt trái của nó ). Thứ nữa, hành trình đến Chân-Thiện-Mỹ thật gian khó làm sao !

Phải vậy không, các bạn đọc yêu quý của tôi ?

 

 

8. Chúa tể của núi tuyết.

 

Người ấy là Yasunari Kawabata, nhà văn hiện đại của xứ sở Mặt trời và hoa anh đào, người đầu tiên của Nhật Bản được trao giải Nobel văn chương vào năm 1968. Nói đến ông, dân hâm mộ văn chương đều biết đấy là tác giả của bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng làm nên tên tuổi ông trên văn đàn thế giới : Xứ Tuyết- Ngàn cánh hạc- Tiếng rền của núi. Cùng với đó, còn kể đến Cố đô, Vũ nữ It-zuNgười đẹp say ngủ, và biết bao nhiêu truyện vừa, truyện ngắn xuất sắc nữa ...

Nói đến văn học hiện đại Nhật Bản,Y. Kawabata là chúa tể. Sau ông, người ta nhắc tên Kenzaburo Ôe, người Nhật thứ hai giành Nobel văn chương, và mới đây là Haruki Murakami, người được tiên đoán sẽ giành Nobel văn chương trong tương lai, song họ khó có thể lật được ngôi chúa tể của Y. Kawabata. Riêng với tôi, chính Kawabata cùng với những tác phẩm của mình là diện mạo văn chương, và cao hơn là văn hóa Nhật Bản. Shõ-gun tướng quân của tác giả James Clavell, một tác phẩm văn học sử, ít nhiều đã đưa đến mọi người hình ảnh một nước Nhật phong kiến xưa cũ, ở đó bản sắc văn hóa của đất nước mặt trời mọc hiện lên khá phong phú. Tuy nhiên, phải chờ đến  Kawabata, tinh thần văn hóa Nhật mới được khắc họa đậm nét. Bấy lâu nay, nói đến Nhật Bản, người ta tóm gọn trong mấy cụm từ như sau : Hoa anh đào- Núi Phú Sĩ- Động đất.- Samurai (Võ sĩ đạo)- Trà đạo- Kịch Noh- Thơ Haiku- Trang phục Kimônô- Vật Su-mô- Rượu Sa-kê- Geisha. Theo tôi, nối dài thêm một gạch nữa - Y. Kawabata.

Tại sao lại thế ? Đơn giản, bởi Kawabata khiến cả thế giới biết đến văn chương- văn hóa Nhật Bản, không chỉ thông qua các tác phẩm văn chương , mà qua cả chính cuộc sống và cái chết của mình. Tự thân, ông chỉ là một gạch nối, song ông đã chứa đựng trong cuộc sống mình những tố chất của nền văn hóa Nhật và đồng hóa thành các tác phẩm, mà bạn đọc khắp thế giới đều có thể tìm thấy từ đấy những gạch nối kia ( hoa anh đào, động đất, núi Phú sĩ, trà đạo, kịch Noh, Geisha...). Câu chuyện về ông, xin bắt đầu từ kết cục là cái chết theo tinh thần Samurai, chỉ không lâu sau khi ông giành Nobel văn chương, vào đầu năm 1972 ...

Mùa thu năm 2005, tôi sang Tokyo. Chỉ nửa ngày, tôi đã biết thế nào là động đất, khi chiếc giường tôi nằm trong căn phòng tầng 7 ngay trung tâm thành phố, rung nhẹ liền mấy đợt, và khi tôi hiểu ra thì động đất đã chấm dứt. Đúng một ngày sau, truyền hình Nhật Bản liên tục đưa tin hình ảnh Thủ tướng Nhật ( khi đó là  ngài Koizomi ) đi viếng ngôi đền Yosukoni, cùng những phản ứng của những quốc gia láng giềng. Sở dĩ người ta phản đối là vì trong ngôi đền ấy, không chỉ thờ các vị anh hùng, liệt sĩ từ nhiều đời đã hy sinh, tận tụy vì sự tồn vong và phát triển của đất nước Mặt trời mọc, mà còn có cả mấy chục vị tướng cùng vị thủ tướng Nhật Bản bị quy là tội phạm chiến tranh khi đã cùng quân đội của mình xâm chiếm và tàn sát nhân loại ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tôi đã tự hỏi và đến nay chưa có lời giải đáp, rằng liệu ở đó, có tên của Y.Kawabata không ? Hoặc giả ở nước Nhật, có nơi nào thờ các bậc danh nhân tư tưởng văn hóa để lưu tên tuổi của những vị như ông không, kiểu như điện Panthéon ở Paris ( Pháp ) quàn các danh hào ?

Trở lại với mùa thu Tokyo năm 2005. Tôi đã được chiêm ngưỡng những cây phong dần ngả vàng, những hàng tơ liễu buông thướt tha dọc hè phố, và tôi nhớ đến Kawabata. Tôi đã đến thăm đền thờ Minh Trị Thiên hoàng xem đám rước tế, chơi ngắm triển lãm cúc hoa-một biểu hiện nhỏ của bon-sai Nhật, rồi lần giở từng chiếc thẻ cầu may của đám học trò trước mùa thi treo đầy dẫy ở đó, và sờ tay lên các vết xước lõm do những đồng chinh của người dân ném cầu phúc lộc thọ năm mới trên những cánh cửa gỗ cửa đền, tôi nhớ đến Kawabata. Tôi đã thẩn thơ dạo gót trong công viên hành chính Hibiya, lặng quan sát những họa sĩ cắm cúi trên giá vẽ và những người già ngả lưng mơ ngủ trên ghế đá, rồi quá bộ đi dạo ngang qua Lầu công chúa, qua rừng thông đến tận cổng Hoàng cung để chiêm ngưỡng vẻ cổ kính thâm nghiêm của cổng thành với cặp lính gác đứng im như tượng, tôi nhớ đến Kawabata. Tôi đã bỏ thời gian chui rúc hòa vào dòng người nhung nhúc tuôn chảy theo 13 tuyến metro chằng chịt ngang dọc trong lòng đất sâu, rồi cũng bỏ thời gian theo dõi bầy chim quạ chao liệng lúc chí chóe lúc não nề trên những ngọn cây cao, tôi nhớ đến Kawabata. Tôi đã dán mắt vào màn hình ti vi xem trọn màn kịch Noh dài lê thê mấy giờ đồng hồ buổi đêm, cũng như lang thang cùng đồng nghiệp ken vai chen chúc  nơi dốc phố có cửa hàng đồ lưu niệm Một trăm yên, nơi cách đấy vài trăm thước là quảng trường tụ hội của các cặp đồng tính trong trang phục kỳ quái đua nhau phô diễn, tôi nhớ đến Kawabata. Tôi đã được lên sân thượng của tòa nhà thị chính thành phố cao 45 tầng, để từ đó chụp ảnh và thoải mái phóng tầm mắt bao quát bốn phương tám hướng cái thủ đô hiện đại cỡ bậc nhất thế giới với chiều dài trải gần trăm cây số và chứa mười mấy triệu dân này, tôi nhớ đến  Kawabata... Cho đến khi chiếc Boeing của Vietnam Airlines từ sân bay quốc tế Narita cất mình bay bổng lên bầu trời rồi liệng nửa vòng trên vịnh Tokyo, nghiêng cánh chào rồi bay theo hướng tây nam, đưa du khách trở về với món mì lạnh kiểu Nhật trong bữa ăn trên máy bay, tôi nhớ về Kawabata. Tại sao lại thế, khi ông nhà văn này cứ như hình với bóng bám theo tôi từng bước chân, ám ảnh tôi trong mọi suy nghĩ ? Đơn giản là với tôi, Kawabata chính là vẻ đẹp Nhật Bản, là tinh thần Nhật Bản, là văn hóa Nhật Bản, là sự hiển hiện của cả đất nước Nhật. Vâng, chỉ là một thôi mà cũng là tất cả! Tôi nhớ, trong buổi làm việc báo cáo kết quả chuyến đi và cũng là buổi làm việc chia tay với Ban lãnh đạo của Trung tâm y tế quốc tế Nhật Bản, trong ý kiến của mình, tôi dành phần nhiều để nói về đất nước và con người Nhật Bản thông qua những biểu hiện về văn hóa. Tôi nhắc đến tác phẩm Vô ảnh đăng của nhà văn Wantanabe viết về giới y học Nhật Bản, chỉ là mượn cớ để bắc cầu sang  Kawabata. Tôi đã thao thao không rõ bao lâu về văn hóa Nhật được thể hiện trong các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn này làm cô phiên dịch tài giỏi cũng hết sức khó khăn trong việc tìm từ chuyển ngữ sang tiếng Anh, đến mức làm các vị tiến sĩ y khoa bạn phải ngạc nhiên không hiểu sao cái ông nhà báo người Việt Nam này lại biết lắm thứ về văn hóa Nhật đến vậy. Có lẽ, khi ấy, sự dồn tụ về Kawabata chứa chất trong tôi bao lâu không được giải tỏa, nên đến khi gặp dịp tôi đã tuôn ra trong sự kích động khó kìm nén, khiến mình có gì đó bất nhã bởi đáng lý phải nói về chuyện y học bệnh tật thì lại đi khen một ông nhà văn. Tôi còn nhớ, trong những phút giây như nhập đồng đó, tôi vẫn còn đủ tỉnh táo, lo phía bạn khó chịu vì sự lac đề của mình, nên đã viện diễn rằng, chính người cha thân sinh của Kawabata cũng là một bác sĩ.

Sau này tôi rẩm riu, chắc là các vị trong giới y học Nhật Bản cũng không nỡ chê trách khi phải nghe một ông khách nói như phát cuồng về tinh thần, về vẻ đẹp, về văn hóa nước họ, cùng những lới khen ngợi dành cho một nhà văn của họ, người đầu tiên đã mang về cho đất nước họ niềm vinh hạnh, Nobel văn chương. Chắc chắn là các vị tiến sĩ y khoa Nhật Bản hôm ấy không tài nào biết được tôi đã từng đọc ngấu nghiến, rồi nghiễn ngẫm bộ ba kiệt tác của Kawabata là Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Tiếng rền của núi, cùng truyện Vũ nữ It-zu, Người đẹp say ngủ, đó là những tác phẩm của ông sớm nhất được dịch ra tiếng Việt, và dạo ấy do đời sống xã hội khó khăn nên hầu hết ấn phẩm in bằng loại giấy xấu màu xám đen, xù xì và nét chữ không mấy rõ. Họ cũng không thể biết được là, đúng vào lúc tôi có dịp dạo chơi trên đất nước quê hương của Kawabata để nhìn ngắm mà chiêm nghiệm về những gì nhà văn này đã viết từ nửa đầu thế kỷ trước, và thao thao nói về Kawabata, thì ở Việt Nam, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây đang chuẩn bị cho ra đời Tuyển tập tác phẩm Y. Kawabata dày hơn nghìn trang in trên giấy loại tốt trong kế hoạch Tủ sách Nobel văn học. Sau nữa, khi có điều kiện đọc thêm nhiều tác phẩm khác của Kawabata, nhất là Diễn từ Nobelcủa ông, kể cả bài giới thiệu giải Nobel văn chương năm 1968 của Tiến sĩ Anders-Sterling thuộc Viện hàn lâm Thụy Điển, tôi thấy những cảm nhận của mình về con người và giá trị văn chương của ông không mấy khác xa. Y. Kawabata được trao Nobel văn chương bởi những lý do, như : " Người ta đặc biệt ca ngợi Y. Kawabata như một người thấu hiểu một cách tinh tế tâm lý phụ nữ ." ; " Tác phẩm của Y. Kawabata làm ta nhớ tới hội họa Nhật Bản; ông là kẻ tôn thờ cái đẹp mong manh và ngôn ngữ hình ảnh u buồn của hiện hữu trong cuộc sống của thiên nhiên và thân phận con người ": và nữa: " Kawabata , với tư cách nhà văn, đã phú cho một nhận thức văn hóa đầy tính đạo đức-thẩm mỹ một phẩm chất nghệ thuật độc sáng, vì vậy, bằng cách riêng của mình đóng góp vào việc bắc một nhịp cầu tinh thần giữa phương Đông với phương Tây". Ngay chính với Kawabata, Diễn từ Nobel của mình đọc tại buổi lễ trao giải cuối năm 1968, ông đã lấy tên " Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản ", như thế đủ rõ ông tự ý thức về giá trị văn chương của mình thế nào! Tôi đặc biệt thích, ông đã mở đầu diễn từ đó bằng việc viện dẫn bài thơ thiền của vị thiền sư người Nhật Bản là Dogen ở thế kỷ 13, bài thơ ấy có tên là Bản lai diện mục : " Hoa thắm mùa xuân/ Cu gù tiết hạ/ Trăng thu óng ả/ Tuyết đông/ Giá lạnh, tinh khôi ". Tôi không dám sa đà vào diễn từ của Kawabata, đơn giản bởi tôi sợ mình sẽ không còn đủ sự khôn ngoan tỉnh táo để thoát khỏi mê cung cái đẹp mà ông giăng mắc. Còn bởi từ lâu nay, sau khi đọc những kiệt tác văn chương của ông, tôi bị đắm chìm vào đấy và thường hay mộng mị giữa ban ngày. Những người đàn bà đẹp với đủ thân phận, những xúc cảm tình dục mãnh liệt mà mong manh dễ vỡ, những phong cảnh thiên nhiên đẹp một cách u buồn , những sinh hoạt tôn giáo huyền bí, những phong cách quý tộc vừa trang nhã vừa suy đồi, những phong tục dân gian khác lạ, những bóng hình của nhân vật-tác giả lởn vởn đâu đây... Tất, tất cả vây hãm, luồn lách trong ta, ám ảnh ta !...

Trong chục ngày ở Nhật Bản, tôi không có thời gian và điều kiện đi đâu xa ngoài thủ đô Tokyo và vùng phụ cận, song do đọc các tác phẩm của Y. Kawabata, nên tôi thấy như mình đã được đi đây đó khắp nước Nhật rồi. Kể từ ngày Y. Kawabata về cõi xưa, nước Nhật đã trải qua gần bốn chục năm, giàu có-đông đúc-hiện đại hơn lên nhiều lắm. Khi thong thả một mình dưới bóng liễu lúc chiều tối, hay khi ngửa mặt ngắm tán phong vàng ở bến xe buýt lúc đợi xe, tôi tự hỏi không biết Kawabata đã từng đi đứng ở chỗ này chưa? Rồi lúc hòa mình vào dòng người trên phố, nơi ga metro, chốn siêu thị đông đúc, tôi thường nhìn thẳng vào gương mặt người đối diện, bất kể đó là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ để xem có chút gì của Kawabata ẩn giấu ? Bởi người ta bảo ông là gương mặt của vẻ đẹp, tinh thần và trí tuệ Nhật Bản. Lớp trẻ Nhật ngày nay ham học, ham làm ăn lập nghiệp và cũng chơi tới bến. Tôi tin rất nhiều trong số họ không biết Kawabata là ai. Cũng có rất nhiều người trong số họ biết đến Kawabata và từng đọc tác phẩm của ông, song với họ, có lẽ, ông không là tất cả. Không nói đến nhiều giá trị Nhật Bản khác trên trường quốc tế, ngay trong lĩnh vực văn chương thôi, thì Kawabata đã quá xa xôi, gần hơn là Ôê, mà Ôê thì cũng xa rồi, bởi mốt bây giờ là đọc Murakami, là Banana Yoshimoto, là những gỉ gì gì sau nữa...

Gần đây, tôi có dịp tiếp xúc, trò  chuyện với một bạn gái trẻ Nhật Bản, cô Sachiko Asa, đạo diễn chương trình phát thanh Tiếng Việt thuộc Ban Phát thanh & truyền hình Đối ngoại Đài NHK Nhật Bản. Cô có đợt tìm hiểu và học việc tại cơ quan tôi, Đài Tiếng nói Việt Nam. Cô cắt nghĩa cho tôi hiểu cái tên Sachiko, âm Hán Việt là Tảo Tri Tử, tức là đứa trẻ thông minh sớm. Là một nữ nhà báo, tuổi chưa đến 30, Sachiko khá thông minh và hiểu biết. Vì không vướng rào cản ngôn ngữ, tôi giúp cô hiểu biết thêm nhiều về văn hóa phong tục Việt, và ngược lại, cô cũng giúp tôi hiểu thêm văn hóa Nhật. Tôi hỏi cô về Kawabata, cô sáng mắt à lên vui thích. Tuy nhiên, cô cũng không mấy hiểu về Kawabata, ngoài việc biết đó là một nhà văn nổi tiếng đã đem về Nobel văn chương cho tổ quốc, song đã mất từ lâu rồi. Tôi nghe mà chạnh buồn. Ôi tinh thần và vẻ đẹp Nhật đâu rồi, khi con người hiện tại đã dần phai về Kawabata ? Tôi lại nhớ về hình ảnh của cặp vợ chồng già ngồi tựa lưng vào nhau mặt ngoảnh đi hai phía trước sân vườn ngôi nhà bên đường ngày ngày tôi ra ga Wakamatsu, những người già ngả lưng trên ghế đá công viên Hibiya và người già dạo chơi rồi ngủ lăn lóc dưới thảm cỏ vườn thông bên Lầu công chúa, hẳn trong ký ức họ có Kawabata ? Thế còn cánh nam thanh nữ tú kia, những người hằng ngay tranh thủ lúc ngồi trên metro vun vút trong lòng đất sâu Tokyo hoặc nhoay nhoáy chơi điện tử hoặc cắm phôn nghe nhạc từ điện thoại di động, hoặc ngủ gật vì quá mệt mỏi, họ có gì về Kawabata không ?

Người ta bảo Kawabata tự sát vì bế tắc. Vậy xã hội Nhật Bản đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước có biến động gì lớn khiến ông bế tắc? Hay tự nội tâm ông ? Chỉ 3 năm sau giật Nobel văn chương, một đỉnh cao chói lọi mà hàng ngàn hàng vạn nhà thơ nhà văn trên khắp trái đất này nằm mơ cùng không thấy, thì điều gì khiến ông chọn kết cục như vậy ? Chẳng vì lẽ gì cả. Thực ra, câu kết của Diễn từ Nobel từ năm 1968, Kawabata đã bộc lộ : " Những câu thơ Bản lai diện mục ca ngợi vẻ đẹp bốn mùa của Dogen chính là Thiền ".

Vậy là đã rõ.

Tự chấm dứt sự tồn tại về thể xác, với Y. Kawabata, đơn giản, chỉ là một cách Thiền !

 

 

 

Trở lại đất nước Mặt trời mọc

 

 

1. Tinh thần & Ý thức Nhật Bản.

 

Sau 9 năm, tôi trở lại đất nước Mặt trời mọc. Duyên nợ thế nào, cũng lại là mùa thu. Thực ra, mùa nào cũng có các đẹp của nó, song riêng với các quốc gia phương Bắc, thời tiết và cảnh sắc mùa thu thường là tuyệt vời hơn cả. Với Nhật Bản, nếu đến vào mùa xuân cũng rất chi là thú vị, bởi khi xuân sang, không gian sẽ tràn ngập hoa anh đào (sakura). Nhưng thôi, hy vọng là lần sau nữa...

Khoảng thời gian 9 năm, không xa mà cũng chẳng gần. Nó đủ lâu để kỷ niệm của lần trước thành ký ức, và nó cũng đủ gần, để những gì mình chưa quên có thể lấy ra mà đem so sánh với bây giờ. Thời điểm cất cánh và thời gian bay từ Nội Bài đến Narita gần như không đổi, nhưng lần này may mắn thế nào lại được ngồi ghế 1A, được phục vụ chu đáo, và không mất ngủ, thế nên, tinh thần sảng khoái để mà ngâm ngợi. Ngay như món mì lạnh và cá sống truyển thống Nhật Bản, lần trước mình còn cả tẩm chưa biết ăn, còn nuốt không trôi, thì nay cũng đã biết nhấm nháp để mà thưởng thức sự tinh tế của món ăn... Song đó là chuyện vặt, không đáng  bàn...

Điều đáng nói ở đây, giữa khoảng thời gian ấy, dù với tư cách là một trong mấy nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, Nhật Bản cũng phải trải qua thời kỳ quẫy đạp nguy khốn để tìm cách thoát khỏi sự đè nén của hòn đá tảng " suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu ". Kinh tế xã hội trì trệ, hầu như không tăng trưởng, thậm chí còn tăng trưởng âm. Thêm nữa, đúng với quy luật phương Đông "họa vô đơn chí", Nhật Bản còn phải gánh chịu "họa giời đày", ấy là động đất sóng thần khủng khiếp năm 2011. Chúng ta có thể tìm thấy những dòng tin tức như thế này tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng khắp thế giới về tai họa khủng khiếp ấy: " Trưa ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra ngoài khơi phía đông bắc Nhật Bản, kéo theo những cột nước khổng lồ đập vào bờ. Ba tỉnh miền đông bắc Nhật và nhiều tỉnh lân cận chịu thiệt hại nặng nề với 15.000 người chết và hàng nghìn người mất tích. Động đất và sóng thần gây hư hại hệ thống làm mát của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, tạo nên cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau Chernobyl...". Và đây nữa " Theo báo France24, trong năm 2012, vẫn còn khoảng 300.000 người sống sót phải sống trong các khu nhà tạm, những nỗ lực xây nhà mới cho họ có thể phải mất thêm 10 năm nữa  "...

Giờ là điều đáng bàn, nước Nhật đã đứng dậy như thế nào và làm những gì sau tai họa khủng khiếp ấy ? Sẽ chẳng có ai có thể liệt kê chính xác được xem người Nhật đã làm như thế nào, làm được những gì và còn cần bao lâu nữa để khắc phục thảm họa kép động đất-sóng thần ấy. Vậy thì chỉ có thể nói rằng, tinh thần và ý thức Nhật Bản đã giúp họ đứng dậy và làm lại tất cả.

Lần giở lịch sử nước Nhật cận-hiện đại xem họ đã làm gì. Từ thế kỷ 19, Minh Trị thiên hoàng ( Meiji ) đã sớm tiếp thu tư tưởng tiến bộ châu Âu, để canh tân đất nước, vị vua này đã cử nhiều người tài giỏi ra nước ngoài tìm tòi, học hỏi, để rồi đem những thứ văn minh tiên tiến mà họ biết được về cải biến nước mình, khiến nước Nhật nhanh chóng thoát khỏi lạc hậu trì trệ mà tiến lên. Còn sau thế chiến thứ 2, một nước Nhật kiệt quệ và tan nát chết chóc bởi phải gánh chịu hậu quả từ việc Mỹ và đồng minh đã giã xuống 2 quả bom nguyên tử vào Hỉosima ( ngày 06.8.1945 làm 140,000 người thiệt mạng ) và Nagasaki ( ngày 09.9.1945 làm 74.000 người thiệt mạng ). Thêm nữa, về thiên tai, theo thống kê, thì trong vòng một thế kỷ trở lại đây, đã có 24 trận động đất xảy ra có cường độ từ 6 trở lên ( theo cách tính mức độ động đất của Nhật Bản, tương đương với độ richter của Phương Tây ), trong đó có nhiều trận gây đổ nát nặng nề và làm thương vong lên đến hàng trăm ngàn người..

Vậy mà vẫn có một Nhật Bản hùng mạnh, tiên tiến và quy củ như chúng ta thấy ngày nay. Để có được như vậy, hẳn từ chính phủ đến người dân Nhật Bản đã phải nỗ lực khôn cùng, song chung quy, xuất phát điểm vẫn là từ tinh thần và ý thức Nhật Bản.

Xin trở lại thời điểm khó khăn gần đây nhất, ấy là thảm họa kép động đất-sóng thần năm 2011. Khi ấy, báo chí của ta và thế giới nói nhiều đến việc nước Nhật gượng dậy khắc phục hậu quả. Trong muôn vàn thông tin liên quan, người ta chú ý và lấy làm xúc động, khâm phục trước một thông tin, ấy là chuyện một cậu bé 9 tuổi, học sinh lớp 3, bị mất cả gia đình vì sóng thần cuốn trôi, đã từ chối suất lương thực cứu trợ khẩn cấp từ một viên cảnh sát, em kiên nhẫn xếp hàng trong giá rét chờ đến lượt mình... Không rõ mọi người nghĩ sao và lý giải thế nào, riêng tôi, thấy rằng, chẳng cần tìm đâu xa, đây thực sự là một biểu tượng giản dị nhất về tinh thần và ý thức Nhật Bản!...

Trở lại chuyến sang Nhật Bản của tôi vừa qua. Trước đó, trong vòng chưa đầy nửa tháng, đã có liên tiếp 2 cơn bão lớn đổ bộ vào Tokyo và nhiều vùng của Nhật Bản. Khi chúng tôi sang thì bão mới đi qua mới có một ngày. Cả bầu trời và mặt đất vùng vịnh Tokyo mây xám vẫn cứ đùn lên cao chất ngất ngay bên cửa sổ máy bay. Gió và mưa vẫn lả đả suốt ngày...

Đáng lý ra, tôi sẽ phải minh chứng ngay cái lý sự về tinh thần và ý thức Nhật Bản mà tôi đặt ra trong bài viết này, nhưng xin hãy khoan, trước hết hãy ngó nghiêng đây đó và cũng nên biết tận hưởng sự kỳ thú và tuyệt vời của thiên nhiên mùa thu, cùng sự thú vị từ di sản lịch sử, văn hóa và ẩm thực xứ sở này đã chứ...

 

 

2. Chuyện vặt phố phường.

 

Vâng, hôm tôi đến Nhật Bản, trời mưa lả đả cả ngày, kiểu mưa rớt sau khi bão đi qua. Mưa ướt át, ít nhiều cản trở cho người đi bát phố và shoping cuối tuần. Vì ngày hôm sau mới là ngày làm việc, nên chúng tôi tranh thủ ngó nghiêng phố xá Tokyo. Hình ảnh quen thuộc trên đường phố là ai ai cũng một cái ô trên tay giương lên che đầu...

Nếu như ở ta, trong điều kiện như vậy, khi khách vào các cửa hàng sẽ gây phiền hà và làm ướt át nền nhà, song ở đây thì không. Ngay trước cửa ra vào, luôn có một máy tự động, để khách hàng thu ô cắm vào máy tự động và khi lấy ra, chiếc ô đã được bọc kín bởi một túi ni lông và khách hàng có thể mang theo bên mình vào trong, vừa tiện lợi lại vừa không làm ướt nền nhà. Ôi, lại là ý thức đến thành thói quen Nhật Bản đây mà.

Trưa hôm ấy, chúng tôi dùng cơm ở một cửa hàng đồ sống ngay tại quận trung tâm Shinjuku ( kiểu như quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ). Các món ăn bầy ra đều là thức ăn sống, cá sống các loại, trứng cá sống, trứng gà cũng sống. Và đương nhiên, các loại rau cũng sống nốt. Chỉ trừ món tảo biển là được nấu chín thành canh để thực khách húp cho ấm. Với những ai ăn lần đầu, thực lòng cũng không đễ nuốt, song khi biết cách nhấm nháp cùng với ma-zi, mù-tạt và chút rượu sô-chu thì cũng khá thú vị. Thôi thì, ẩm thực và khẩu vị từng người, không dám bàn, bởi đã là khẩu vị thì mỗi người một kiểu, khó mà khen chê. Nhưng điều đáng nói ở đây, là độ sạch, độ an toàn của đồ ăn thức uống. Ăn sống đủ kiểu như vậy, mà chẳng một ai đau bụng, chẳng ai bị "Tào Tháo đuổi" cả. Mấy cậu phóng viên nhà VOV thường trú tại Nhật Bản bảo: " Anh chị yên tâm đi, thực phẩm ở đây sạch tuyệt đối ".  Nói như vậy, xem như là một sự đảm bảo về tiêu chuẩn sạch cho thực phẩm ở Nhật Bản. Thấy người lại ngẫm đến ta, ở mình, khuất mắt trông coi, ăn thì cứ ăn, chứ thực phẩm được nấu nướng chín mà đâu có yên tâm, từ rau cỏ đến thịt thà, tôm cá, trứng, hầu như cái gì cũng bị tưới tắm, tẩm ướp, bảo quản bằng các loại thuốc nào đó, không an toàn. Chẳng lẽ, sợ mà nhịn đói không ăn uống sao ?...

Chiều tối hôm ấy, chúng tôi về nhà một cậu phóng viên của Cơ quan VOV tại Tokyo dùng bữa tối. Nhà nằm trên một phố cổ của quận Shibuya ( tựa như quận hành chính Ba Đình, Hà Nội của ta vậy ). Phố này, đường một chiều, không có điểm đỗ xe. Các xe chỉ được phép đỗ tạm để khách hàng mua bán, ăn uống trong một khoảng thời gian ngắn. Chiếc xe chở chúng tôi để bên mép hè phố, ngay dưới căn hộ tầng 2, để chế độ đèn xi-nhan báo hiệu đỗ tạm. Cậu phóng viên phải mở cửa sổ, chốc chốc lại ngó nghiêng xuống chỗ chiếc xe. Chúng tôi tưởng cậu ta canh chừng vì lo sợ trộm cắp bẻ gương hoặc chôm chỉa gì đó. Thì ra không phải, ở đây tuyệt đối không có chuyện trộm cắp, cậu ta canh chừng, vì lo xe cảnh sát tuần tra phạt, vì cái tội-xin phép đỗ tạm nhưng lại vượt quá qui định. Ui, cái cậu này, đã bắt nhịp được với xã hội Nhật Bản, song vẫn rơi rớt chút thói quen tùy tiện kiểu ở ta đây.

Tôi nhớ lại chuyện cũ. Ấy là chuyến sang công tác Nhật Bản năm 2005 theo lời mời của Bộ Y tế. Khi ấy, đoàn chúng tôi ở tại nhà khách của Trung tâm Y tế quốc tế Nhật Bản ( tại quận trung tâm Shinjuku ). Buối tối hôm mới đến, chúng tôi bách bộ ra ngoài phố gần nhà khách mình ở. Khi ngang qua đường ở một ngã ba, vẫn đang đèn đỏ cho người đi bộ, quan sát thấy đường vắng tanh, không có chiếc xe nào chạy theo chiều có đèn xanh, một người trong chúng tôi ( lúc đó đang là cán bộ có chút chức sắc thuộc Văn phòng của một Bộ nọ, có lẽ bây giờ anh ta đã nghỉ hưu), hẳn nghĩ là trời tối không có ai thấy nên ngang nhiên băng qua đường theo vạch dành cho người đi bộ. Khi sang đến bên kia đường, lập tức anh ta phải đối mặt với viên cảnh sát. Chúng tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Lúc có tín hiệu xanh cho người đi bộ, chúng tôi sang được bên kia đường, cả nhóm hỏi nhau, rồi tiếng Anh xịn, tiếng Anh bồi, thêm cả chân tay khua khoắng một hồi với viên cảnh sát, mới biết anh ta phạm lỗi sang đường trái phép và sẽ bị giữ tại đồn cảnh sát. May mà anh ta có sẵn trong túi áo chiếc namecard của người cán bộ Y tế Nhật Bản phụ trách đoàn công tác chúng tôi, chìa ra cho viên cảnh sát xem. Lại sau một hồi xi xồ tiếng Nhật với nhau qua điện thoại giữa viên cảnh sát với người nhân viên y tế Nhật bản, chàng Phó chánh nhà ta mới được viên cảnh sát đồng ý thả ra vì đã có người đứng ra bảo lãnh, nộp phạt cho... VỊ này bị một phen hú vía, còn chúng tôi được ngay một bài học về việc cần phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật nước sở tại.

Lại ngẫm, luật giao thông ở ta, luật thì cứ luật, đèn tín hiệu không mấy ý nghĩ, bởi ý thức nhiều người chúng ta vẫn là "có đi được hay không, chứ không phải là được đi hay không được đi". Còn ở họ, và nói chung các nước văn minh khác, chỉ được phép hiểu "tín hiệu cho phép được đi hay không được đi ".

Chung quy, vẫn là câu chuyện cũ, ý thức tuân thủ pháp luật của cả cộng đồng và mỗi người mà thôi ...

 

3. Núi Phú Sĩ, biểu tượng của Nhật Bản

 

Nói đến núi, người ta nghĩ ngay đến yếu tố vật chất và địa lý của nó. Vâng, đương nhiên, Phú Sĩ là vậy, song với tôi, đây còn là biểu tượng tính thần cốt cách và ý chí vươn lên của quốc gia này.

Về yếu tố địa chất, địa lý của Phú Sĩ, ta có thể tìm thấy những dòng giới thiệu tóm tắt như thế này :

" Núi Phú Sĩ hay núi Fuji (tiếng Nhật: 富士山 | Fujisan hoặc Fujiyama) là ngọn núi cao nhất Nhật Bản và cũng là biểu tượng nổi tiếng của quốc gia này... Núi Phú Sĩ trải dài trên địa phận tỉnh Shizuoka và tỉnh Yamanashi, ở phía Tây Nam Tokyo. Đây là một núi lửa còn hoạt động và là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản với độ cao tuyệt đối: 3.776 mét. Đỉnh núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ, tạo nên một vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ. Dưới chân núi có 5 hồ nước ngọt lớn, đó là: Kawaguchi, Yamanaka, Sai, Motosu và Shoji. Cùng với Hồ Ashi ở gần đó, chúng tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp cho ngọn núi. Đây là một phần trong Công viên Quốc gia Phú Sĩ-Hakone-Izu. Các nhà khoa học đã xác định được 4 thời kỳ hoạt động núi lửa khác nhau hình thành nên ngọn núi Phú Sĩ. Thời kỳ đầu tiên là Sen-komitake. Cái tên Sen-komitake được lấy theo chữ "Phú Sĩ Komitake" là một lớp đá bazan được hình thành từ hàng trăm nghìn năm trước. Khoảng 100,000 năm trước, một ngọn núi "Phú Sĩ cổ" đã được hình thành trên đỉnh núi Phú Sĩ Komitake. Hiện tại, ngọn núi "Phú Sĩ mới" được cho là hình thành trên đỉnh núi "Phú Sĩ cổ" khoảng 10,000 năm trước. Hiện nay, ngọn núi lửa này thuộc loại đang hoạt động với nguy cơ phun trào thấp. Lần gần đây nhất ghi nhận được sự phun trào là năm 1707 trong thời kỳ Edo... Ngọn núi này thường là đề tài trong các bức họa và nhiếp ảnh nghệ thuật cũng như trong văn chương và âm nhạc. Đây là một trong "Ba núi Thánh" của Nhật Bản ( Sanreizan) cùng với núi Tate và núi Haku, và cũng là một nơi đặc biệt của danh lam thắng cảnh, một di tích lịch sử, và đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 22 tháng 6 năm 2013 ".

Tôi nghĩ, tóm tắt như vậy, cũng là khá đủ thông tin cơ bản nhất về núi Phú Sĩ rồi. Tôi cũng không bàn nhiều về việc Phú Sĩ là đề tài muôn thuở cho văn học, hội họa, âm nhạc của Nhật Bản, mà điều tôi muốn nhấn mạnh, chính là biểu tượng về tinh thần dân tộc và sự vươn lên mãnh liệt của đất nước này...

Có thể nói, về cấu trúc địa chất, địa tầng của Nhật Bản với nhiều đảo lớn nhỏ, đều là sản phẩm của động đất và núi lửa từ nhiều triệu năm trước mà nên. Vì thế, ngay từ thuở hình thành, con người và vạn vật nơi đây đã phải sống trong môi trường, điều kiện khắc nghiệt, phải chấp nhận và dần biến đổi để quen với hoàn cảnh tự nhiên ... Cứ thế, mà nên hình thái đất nước, nên tính cách con người. Chấp nhận, đối mặt, hành xử khôn khéo, dũng cảm đón nhận. đứng dậy và vươn lên mạnh mẽ sau mỗi thiên tai... đã làm nên tinh thần và tính cách Nhật Bản. Vì lẽ ấy, mặc nhiên người Nhật Bản xem núi Phú Sĩ như biểu tượng về tinh thần và tính cách của dân tộc mình. Và, tinh thần Võ sĩ đạo ( Samurai ), dù ít nhiều còn khía cạnh tiêu cực, cũng được xem là biểu trưng của con người Nhật Bản.

Hãy xem, người Nhật dạy con em mình, tại gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội, rằng: Nước Nhật vốn nghèo tài nguyên, thiên nhiên không ưu đãi gì, lại thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, vậy nên, mỗi người dân phải biết cần cù, sáng tạo trong lao động, sẵn lòng học hỏi điều hay trong thiên hạ, dũng cảm chống chọi với thiên tai, vươn lên mạnh mẽ, mới hy vọng thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu mà nên giàu có, văn minh... Thiết nghĩ, lời răn dạy ấy, không riêng đúng với nước Nhật, mà nước nào cũng có thể học được gì từ đấy.

Vậy là, lần này, tôi và đồng nghiệp đã được đặt chân lên Phú Sĩ, dù là mới lên được quá lưng chừng. Đường ô tô thuận lợi đưa du khách tập kết ở độ cao trên 2 nghìn mét so với mực nước biển.  Với độ cao tuyệt đối như vậy, đỉnh Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ, bất kể mùa nào. Những ai có sức khỏe, thời gian, và mong muốn chinh phục đỉnh núi, thì có thể thực hiện ước muốn của mình bằng cách leo núi tiếp từ điểm tập kết này. Thật may, hôm chúng tôi đến, vào tiết cuối thu, thời tiết tốt, đúng thời điểm lá vàng lá đỏ, cảnh sắc thiên nhiên suốt dọc đường từ chân núi theo lên, thật tuyệt vời. Loài cây lá đỏ vào mùa lá đỏ, tự nhiên là vậy, song ở đây, hầu hết cỏ cây, và cả loài thông vốn lá xanh trong mọi điều kiện khắc nghiệt khô hạn, cũng đồng cảm mà dần ngả vàng đến thành vàng suộm...

Ôi, chỉ còn biết nhìn ngắm cho thỏa thuê, cho no con mắt, rồi lựa khuôn hình đẹp mà thu vào ống kính của mình rồi cất giữ, bởi rất có thể, rất hiếm cơ hội mà quay trở lại đây, kể cả khi mình được quay lại nước Nhật thêm vài lần nữa, thì cũng đâu có dễ để lên với Phú Sĩ vào mùa thu quyến rũ đến như vậy ...

 

 

4. Chấm phá về văn hóa-tín ngưỡng Nhật Bản qua đền đài...

 

Văn hóa-tôn giáo, tín ngưỡng Nhật Bản, trước hết, được thể hiện đậm nét qua đền đài, chùa chiền. Và không thể không nói đến Minh Trị thần cung và đền Yasukuni cùng sự ảnh hưởng của nó đến tinh thần văn hóa Nhật bản...

Điện thờ vua Minh Trị được dựng sau khi nhà vua từ trần ( 30-7-1912 ) và khánh thành vào đúng ngày kỷ niệm sinh nhật thiên hoàng năm 1920. Toàn bộ các công trình thời ấy đã bị thiêu hủy bởi bom đạn không quân Mỹ dội xuống thủ đô Tokyo, tháng 4-1945. Khu điện thờ ngày nay hoàn toàn mới ( dựng lại năm 1958 ), với sự đóng góp của nhân dân cả nước Nhật. Thần cung là công trình trung tâm của một quần thể kiến trúc đa dạng với tổng mặt bằng rộng tới 70 vạn m2. Quần thể là một rừng cây, ước tính 12 vạn cây thuộc 365 loài đại diện thảm thực vật nước Nhật. Hằng năm, nhất là vào dịp đầu năm và kỷ niệm sinh nhật Thiên hoàng Minh Trị, ước lượng có khoảng hơn 5 triệu người đến thăm viếng, du ngoạn. Minh Trị thần cung ở Tokyo, thờ Minh Trị Thiên hoàng. Vậy Minh Trị Thiên hoàng là một người như thế nào để người dân xứ sở này tôn kính, dựng đền thờ phụng như một vị thần quan trọng trong tín ngưỡng Thần đạo của mình ?

" Thiên hoàng Minh Trị (明治天皇-Minh Trị Thiên hoàng-Meiji-tennō?) (3 tháng 11 năm 1852 – 30 tháng 7 năm 1912), còn được gọi là Minh Trị Đại đế, Minh Trị Thánh đế, Mutsuhito Đại đế, là vị Thiên hoàng thứ 122 của Nhật Bản theo Danh sách Thiên hoàng truyền thống (kể từ khi vua Jimmu lên ngôi năm 660 TCN ), trị vì từ ngày 3 tháng 2 năm 1867 tới khi qua đời. Ông được coi là một vị minh quân có công lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, đã canh tân và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây giữa lúc chủ nghĩa thực dân đang phát triển mạnh. Ông là vị Thiên hoàng đã thực hiện cuộc cải cách Minh Trị theo xu hướng tư bản chủ nghĩa, dời đô từ Kyōto về Tōkyō, bóp chết phong trào Tự do Dân quyền và ban hành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản (1889), khiến quốc gia này theo thể chế quân chủ lập hiến. Dù là cuộc cách mạng tư sản không triệt để, ông đã tạo điều kiện cho nước Nhật phát triển theo đường lối chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc... Nhật Bản vươn lên đứng hàng ngũ các cường quốc thế giới. Ngoài ra, giáo dục cũng là một lĩnh vực mà Minh Trị quan tâm đến..."...

Một ngôi đền thiêng nữa ở Nhật Bản không thể không nói đến, đó là đền Yasukuni: Đền Yasukuni (靖国神社-Yasukuni Jinja-Tĩnh Quốc thần xã ), là nơi thờ phụng những người lính tử trận vì đã chiến đấu cho Thiên hoàng. Tiền thân của đền thờ này là Tōkyō Shōkonsha (東京招魂社 hay Đông Kinh Chiêu Hồn xã), "đền gọi hồn người chết tại Tokyo", được xây dựng tại cố đô Kyoto vào năm 1886. Đến năm 1875, Thiên hoàng Minh Trị quyết định dời Tōkyō Shōkonsha về Tokyo và đổi tên thành Yasukuni với mục đích biến đền này trở thành một địa điểm linh thiêng, đề cao bản sắc dân tộc và là nền tảng tinh thần cho Nhật Bản... Đến tháng 10 năm 2004, đã có 2.466.532 người lính Nhật Bản và thuộc địa của Nhật Bản (chủ yếu là Triều Tiên và Đài Loan) được ghi tên trong đền Yasukuni. Hiện nay, đền Yasukuni trở thành một địa điểm gây tranh cãi không chỉ trong xã hội Nhật Bản và cả ở một số quốc gia đã từng bị Nhật Bản xâm lược vì trong số gần 2,5 triệu người lính ấy, có cả những người tham gia lực lượng phát xít Nhật và những tội phạm chiến tranh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên luôn phản đối việc này vì không chấp nhận việc thờ phụng những tội phạm chiến tranh. Các lần đến thăm đền của Thủ tướng Nhật Bản dù với tư cách cá nhân hay nhà nước đều luôn dẫn đến căng thẳng về ngoại giao giữa Nhật Bản với các quốc gia trên...

Vậy thì tại sao, đền đài lại thể hiện đậm nét văn hóa-tôn giáo-tín ngưỡng Nhật Bản đến vậy ? Chung quy, là bởi, người dân Nhật Bản vốn theo Thần đạo.

Thần đạo (tiếng Nhật: 神道, Shintō) là tín ngưỡng và tôn giáo của dân tộc Nhật Bản.Thần đạo có rất nhiều các thần thánh, có đến 8 triệu thần ( kami). Tuy một số các vị thần này được nhân cách hóa, đa phần các thần liên quan đến thiên nhiên như linh hồn của đất, trời, Mặt Trăng, cây cỏ, hoa lá. Ngay cả đá, núi, hay động vật như cáo, gấu và người quá cố đã trở thành linh hồn cũng được xem là thần. Những thần trú ngụ ở tầng cao nhất trên thiên đàng gọi là "cao thiên nguyên" (高天原 takama-ga-hara), và chỉ rời khỏi đó khi được mời xuống các đền thờ trong các nghi lễ.

" Nghi lễ trong Thần đạo để cầu nguyện hay cảm tạ các thần thường được tổ chức tại các thần xã (神社) hoặc những nơi linh thiêng đặc biệt. Những linh vật thường được dâng lên thần linh là vải, gương hay kiếm. Nghi lễ tẩy trần rất quan trọng, người làm lễ phải giữ cho mình được trong sáng để được tĩnh tâm và có được may mắn. Ngày nay, các hoạt động nghi lễ Thần đạo thường được gắn với lễ hội, lễ cưới truyền thống hay năm mới. Tuy nhiên, người ta cũng thường hay đến đền để cầu nguyện và dâng lễ (thường là chỉ bỏ vài yen vào thùng rồi cầu xin thần), hay mua bùa may mắn. Và ở nhà cũng thường có thần bằng (神棚 kamidana) để thờ các linh hồn "...

Về cơ bản, tư tưởng của Thần đạo khác với những tôn giáo khác ở chỗ không cấm hay buộc con người làm gì, mà chỉ khuyên nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác...

Trong chuyến công tác sang Nhật Bản lần trước ( 2005 ), tôi đã đến thăm viếng Minh Trị thần cung. Sau 9 năm, cảnh sắc không có gì khác trước, vẫn ngăn nắp, sạch sẽ và tấp nập. Vẫn chỗ bày hiến tửu, hiến đăng ( hiến tế rượu và đèn ), vẫn người ghi thẻ, vẫn lễ hiến tế... Khác ở chỗ là không gặp Triển lãm cúc hoa, mà lại gặp triển lãm xe hơi cổ... Có chút gì đó bâng khuâng, ngẫm ngợi về những gì mà đất nước này đã trải qua trong gần chục năm qua...

Lần trở lại Tokyo này, tôi và các đồng nghiệp còn đến thăm đền thiêng Yasukuni. Đây là lần đầu tôi đến đây. Hình ảnh về ngôi đền này thì tôi đã thấy trên tivi nhiều lần rồi, mỗi khi Thủ tướng, hoặc các chính khách Nhật Bản đến viếng thì mấy quốc gia lân bang lại phản đối om xòm cả lên. Điều này, khiến tôi phải tò mò ngó nghiêng đây đó, nhìn ngắm kỹ hơn. Bầu không khí ở đây lặng lễ, trang nghiêm và huyền bí, khác hẳn với vẻ tưng bừng náo nhiệt hội hè nơi Minh Trị thần cung. Cũng đúng thôi, cùng là nhân thần, được dân Nhật thờ phụng, song tính chất người được thờ phụng và tinh thần tín ngưỡng ở hai nơi lại khác nhau.

Hoàng hôn cuối thu xuống nhanh, phủ xuống bầu không của ngôi đền Yasukuni khiến nó thêm huyền bí và có gì đó ma mị, gờn gợn lạ... May mà gặp được một Triển lãm Cúc hoa ngay phía ngoài cổng đền chính. Các sắc màu trắng, vàng, tím, nâu đỏ cúa những bông cúc đại đóa Nhật Bản kiêu sa, tuyệt đẹp như một sự cứu rỗi tinh thần, khơi gợi và đem lại chút hứng khởi trong lòng...

 

 

5... & Chùa chiền,

 

Mặc dù tôn giáo, tín ngưỡng gốc của Nhật Bản là Thần đạo, song có thể nói rằng, Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác ở Châu Á, Đông Á ( Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên ) là quốc gia Phật giáo. Chẳng hạn, như Trung Quốc, vốn tôn giáo gốc là Đạo giáo, song hiện nay, phần đông người dân Trung Quốc lại theo Phật giáo...

Để chấm phá sự biểu hiện của văn hóa-tôn giáo,tín ngưỡng Nhật Bản qua một số chùa chiền nổi tiếng của Kyoto trong chuyến công tác tại xứ sở này mà tôi có dịp viếng thăm, thiết tưởng, cũng nên tóm tắt chút ít về lịch sử và sự phát triển của Phật giáo ở Nhật Bản :

" Theo Niên giám tôn giáo của Cục Văn hóa Nhật Bản thì Nhật Bản là một quốc gia Phật giáo lớn nhất thế giới với 127 triệu Phật tử, 250 ngàn tăng ni. Với khoảng 75000 đền chùa và hơn 30000 tượng Phật các loại, đây là con số vô cùng lớn khi đem so sánh với các nước Phật giáo khác. Ngôi chùa gỗ cổ nhất thế giới Hōryūji (Pháp Long Tự) và những văn thư kinh điển xưa nhất thế giới đều nằm ở Nhật. Mặc dù vậy đại bộ phận người dân Nhật Bản hiện nay đều không theo một tôn giáo, tín ngưỡng cụ thể nào, và cũng rất ít người tự xem mình là Phật tử... Phật giáo Nhật Bản có rất nhiều tông phái khác nhau. Ở đây trình bày hệ phả và liệt kê tông phái của 13 tông phái theo hệ thống thường được nhắc đến phổ biến hơn cả là hệ " Thập tam tông thập lục phá " ( Hoa Nghiêm Tông, Pháp Tướng Tông, Luật Tông, Chân Ngôn Tông, Thiên Thai Tông, Nhật Liên Tông, Tịnh Độ Tông, Tịnh Độ Chân Tông, Dung Thông Niệm Phật Tông, Thời Tông, Tào Động, Lâm Tế, Hoàng Bách )... Đạo Phật bắt đầu từ Ấn Độ từ thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Một nhánh chính của Phật giáo, nhánh Mahayana hay gọi là Phật giáo Đại thừa đã du nhập vào Nhật Bản. Phật giáo được du nhập vào Nhật từ Trung Hoa và Triều Tiên dưới dạng món quà của vương quốc thân hữu Triều Tiên Kudara vào thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên. Trong khi Phật giáo được giới quý tộc cai trị ủng hộ, lúc đầu nó lại không phổ biến trong giới thường dân vì những lý thuyết phức tạp của nó...".

Trong chuyến công tác Nhật lần này, chỉ có 2 ngày trời tính cả thời gian đi đường từ Tokyo đến cố đô Kyoto với gần 500 km đường cao tốc, tôi và đồng nghiệp đã tranh thủ thăm viếng được cả 3 ngôi chùa cổ lớn không những của Kyoto mà của cả Nhật Bản, ấy là chùa Vàng ( Kim Các tự ), chùa Bạc ( Ngân Các tự  ) và chùa Thanh Thủy. Xin tóm tắt chút ít về lịch sử hình thành 3 ngôi chùa nổi tiếng này:

Trước hết là chùa Vàng: " Kinkaku-ji (kanji: 金閣寺, phiên âm Hán-Việt: Kim Các Tự, tức chùa Gác Vàng) là tên phổ thông của chùa Rokuon-ji (kanji: 鹿苑寺: Lộc Uyển Tự, chùa Vườn Nai ). Chùa nằm trong di sản văn hóa cố đô Kyoto. Kiến trúc nguyên thủy xây năm 1397 vốn dùng làm nơi an trí cho shogun Ashikaga Yoshimitsu. Con ông cho đổi hành cung làm chùa và thiền viện cho tín đồ Phật giáo phái Lâm Tế. Trong cuộc chiến Onin (1467-1477), chùa bị đốt cháy rụi nhưng rồi được xây lại. Gần 500 năm sau, vào năm 1950 tòa Gác Vàng bị một vị sư nổi lửa đốt cháy thành tro. Nhà sư sau đó bèn tự tử nhưng bị nhà chức trách bắt được. Mẹ nhà sư cũng bị đem ra tra hỏi. Trên đường về, bà nhảy từ xe lửa, gieo mình xuống sông tự vẫn còn nhà sư sau khi truy tố bị tuyên án bảy năm tù. Trong khi thụ án ông chết bệnh trong ngục năm 1956. Kinkaku (Gác Vàng) trong khuôn viên chùa chỉ là một trong nhiều công trình kiến trúc ở chùa. Ngôi gác có ba tầng soi bóng xuống ao Kyoko-chi (鏡池: Kính Trì, tức "Ao Gương"). Vách gác hai tầng trên đều dát vàng lá, ánh lên rực rỡ nên gác mới có tên là Gác Vàng... Gác này thường được so sánh với Ginkaku (銀閣; Ngân Các tức Gác Bạc) ở chùa Jisho-ji (慈照寺; Từ Chiếu Tự) cũng ở Kyoto. Phần kiến trúc Kinkaku hiện thấy là do cuộc tái thiết năm 1955. Năm 1987 nhà chùa dát thêm lớp vàng mới cùng sửa chữa nội thất; sang năm 2003 thì phần mái được trùng tu. Câu chuyện ly kỳ về vụ đốt Gác Vàng năm 1950 này đã được nhà văn Mishima Yukio phóng tác trong cuốn tiểu thuyết Kinkaku-ji 金閣寺. "...

Và chùa Bạc: " Ginkaku-ji- 銀閣寺, tức Ngân Các Tự (chùa Gác Bạc) là một thiền viện. Tuy dân chúng quen gọi là Ngân Các Tự, nhưng đúng ra chùa mang tên là Jishō-ji (慈照寺), tức Từ Chiếu Tự. Chùa thuộc môn phái Shokoku-ji của thiền tông Rinzai. Công trình kiến trúc này tiêu biểu cho thời kỳ Muromachi. Shogun Ashikaga Yoshimasa sai vẽ sơ đồ xây cất cơ sở này làm tư dinh từ năm 1460 với ý định làm nơi an dưỡng tuổi già. Khi Chiến tranh Ōnin nổ ra thì việc xây cất bị đình trệ. Shogun Yoshimasa muốn dùng bạc lá dát lên vách nhưng kế hoạch đó trì hoãn mãi rồi cuối cùng khi Yoshimasa mất vẫn không được thực hiện. Hình dạng vách bằng gỗ để mộc, hoàn toàn không tô phết (kiểu "wabi-sabi" theo mỹ quan Nhật Bản) là y như cảnh quan Yoshimasa đã ngước trông trước khi nhắm mắt. Sinh thời, Shogun Ashikaga Yoshimasa đã rút về đây trong khi nội chiến Onin cấu xé đất nước và cả kinh thành Kyoto ngụt lửa. Cảnh trí vườn tược, đình quán xây dựng ở Ngân Các Tự phát sinh phong trào khai phóng nghệ thuật theo phong cách mới với tên Higashiyama Bunka (Đông Sơn Văn hóa). Năm 1485, Yoshimasa bỏ ngôi Shogun mà đi tu rồi mất vào đầu năm 1490. Tư dinh Ngân Các được đổi làm chùa thờ Phật,lấy tên là Jishō-ji (Từ Chiếu Tự) theo pháp danh của Yoshimasa. rồi sau khi ông mất thì nơi này được lập thành chùa thờ Phật. Tòa gác hai tầng Kannon-den (観音殿 Quán Âm Điện) là công trình chính trong chùa, khởi xây vào đầu năm 1482 (ngày 4 tháng 2 âm lịch niên hiệu Bummei 文明 thứ 14). Thiết kế tòa nhà phỏng theo Kim Các Tự của Ashikaga Yoshimitsu. Tương truyền, chùa có tên là Ngân Các Tự vì ý định nguyên thủy là dát bạc lá lên vách gác nhưng danh hiệu thông dụng này chỉ có từ thời kỳ Edo (1600–1868), gần 200 năm sau khi thành lập chùa."...

Sau cùng là chùa Thanh Thủy: " Chùa Otowasan Kiyomizu (tiếng Nhật: 音羽山清水寺, romaji: Otowasan Kiyomizudera) là một ngôi chùa thờ Quan Âm nghìn tay. Cái tên Kiyomizu có nghĩa là thanh thủy (nước thiêng) và trở thành tên hay được gọi nhất của chùa. Chùa này là một hạng mục của Di sản văn hóa cổ đô Kyoto. Hiện nay, chùa Kiyomizu đã từng được đem ra bầu chọn ( qua Internet và điện thoại ) làm một trong Bảy kỳ quan thế giới mới. Chùa được một nhà sư phái Pháp tướng tông là Enchin (phiên âm Hán-Việt: Diên Trấn ) chủ trì xây dựng vào năm 778 tức đầu thời kỳ Nara. Tuy nhiên, chùa nhiều lần bị cháy, và những kiến trúc hiện nay của chùa được xây từ năm 1633. Tòa kiến trúc chính của chùa (hondo) thu hút nhiều sự chú ý bởi nó được đỡ bởi hàng trăm cột gỗ chống vào sườn đồi tạo ra cảm giác tòa kiến trúc này như ở trên không. Trước đây, có những tín đồ đã nhảy từ trên tòa kiến trúc này xuống chân đồi với hy vọng nếu sống sót sẽ gặp trở nên có phúc. Theo thống kê, từ thời Edo tới khi bị cấm, đã có 234 lượt người thực hiện hành động này, và 85,4% trong số họ đã sống sót. Ngay phía sau tòa kiến trúc chính là một thác nước có tên Otowa no taki chảy xuống theo đường dẫn thành ba dòng. Có niềm tin rằng uống nước ở cả ba dòng của thác này sẽ trường thọ, khỏe mạnh và thành công trong học tập. Tuy nổi tiếng là một ngôi chùa Phật giáo, nhưng trong quần thể kiến trúc ở đây không chỉ có chùa, mà còn có cả đền thờ của đạo Shinto. Đền thờ được nhiều khách tham quan tham bái nhất là đền Jishu (jishu jinja) thờ thần tình yêu (hoặc thần đôi lứa). Trong đền có hai tảng đá đặt cách nhau 18 mét. Nhiều khách tham bái nhắm mắt cố gắng đi được từ tảng đá này tới tảng đá kia với hy vọng sẽ tìm được bạn để kết đôi. "...

Đây là những trích yếu ngắn gọn về 3 ngôi chùa nổi tiếng từ một số tài liệu. Tôi không dám bàn thêm gì nhiều. Song theo cảm nhận mang tính cá nhân, tôi thấy : Chùa Vàng có cảnh sắc vàng son lộng lẫy; Chùa Bạc, cảnh sắc lại thanh nhàn, u tịch; Còn chùa Thanh Thủy thì trùng điệp, sơn thủy hữu tình. Cảm quan chung, về cảnh quan ba ngôi chùa này nói riêng, và chùa chiền Phật giáo ở Nhật Bản nói chung, thiên về cảnh sắc tự nhiên, chan hòa và gần gũi với đời sống bên ngoài, nên người đi chùa thiên về tính chất thăm quan vãng cảnh một danh thắng, chứ không nặng nề về việc lễ nghi tôn giáo tâm linh như chùa chiền ở xứ Việt ta. Điều đó, còn thể hiện rõ ở cách bài trí Phật đài, tượng Phật trong các chùa chiền đều khá giản dị, nhẹ nhàng và việc hành lễ của mọi người cùng vậy. Thường muốn cầu xin chi đó, người hành lễ chỉ việc bỏ mấy đồng xu lẻ vào một dụng cụ kiểu như hòm công đức ở chùa ta, rồi vỗ tay ba cái và lầm rầm cầu khấn. Đơn giản vậy thôi, chứ không phức tạp như ở ta.

Dường như, yếu tố tôn giáo, tâm linh lại được người dân Nhật Bản gửi gắm ở Thần đạo, vốn là tôn giáo, tín ngưỡng gốc có từ thưở hình thành quốc gia này ...

 

6. NHK, cánh chim đầu đàn của ngành truyền thông Nhật Bản.

 

Mục đích chính chuyến công tác lần này sang Nhật Bản của tôi và đồng nghiệp ở VOV là thăm và làm việc với NHK. Cụ thể hơn, là tìm hiểu để thuê chuyên gia của họ tham gia đào tạo nghề cho người nhà VOV trong lĩnh vực truyền hình; đồng thời xem xét để có thể hợp đồng mua phim tài liệu, phim ngắn của NHK...

Có thể nói, NHK là cánh chim đầu đàn của ngành truyền thông Nhật Bản hiện nay. NHK là tên viết tắt của Nippon Hōsō Kyōkai ( tiếng Nhật: 日本放送協会, Nhật Bản phóng tống hiệp hội hay Hiệp hội Phát hình Nhật Bản ), một đài phát thanh truyền hình công cộng của Nhật Bản.

NHK được thành lập vào đúng dịp đầu năm mới năm 1926 theo mô hình của đài truyền hình BBC của Anh bởi sự hợp nhất của Đài Phát thanh Tokyo (thành lập năm 1924) và các đài của thành phố Nagoya và Osaka. Chương trình phát thanh đầu tiên của Nhật được phát sóng năm 1925, chương trình truyền hình đầu tiên năm 1953, chương trình truyền hình màu bắt đầu năm 1960...

Tại Viện Đào tạo truyền thông NHK, ông Shinohara Hiroaki, Trưởng phòng đào tạo của Viện, cho biết : Viện đào tạo truyền thông NHK cho tới nay đã đào tạo được cho hơn 6000 người làm trong các cơ quan, tổ chức có liên quan tới Tập đoàn NHK. Nhiệm vụ chính của Viện là đào tạo các phóng viên (PV), biên tập viên (BTV), phát thanh viên (PTV), người dẫn chương trình, các kỹ thuật viên (KTV) làm trong ngành Phát thanh - Truyền hình. Viện có hai bộ phận chính, Trung tâm đào tạo với nhiệm vụ chính là xây dựng và thực thi các kế hoạch đào tạo, và Trung tâm Tiếng Nhật có nhiệm vụ đào tạo về ngôn ngữ tiếng Nhật (phát âm chuẩn, lấy hơi, luyện giọng, v.v…) dành riêng cho các Phát thânh viên. Viện đã đào tạo cho hơn 1.500 nhân viên đến từ hơn 140 nước, trong đó có cả Việt Nam. Hiện tại, ở Nhật đã hoàn thành công nghệ số hóa Phát thanh truyền hình. Tuy nhiên, trên thế giới đang xuất hiện trào lưu Hi- Vision, và để theo kịp trào lưu này, Viện đang nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo về công nghệ Hi- Vision cho các Phát thanh viên và Kỹ thuật viên. Hàng năm, NHK cũng tổ chức các chương trình đào tạo cho các học viên quốc tế, các nhân viên tới từ các quốc gia trên thế giới dưới sự tài trợ của tổ chức JAICA. Ngôn ngữ  đào tạo sẽ bằng Tiếng Anh, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha ( tùy từng chương trình ) hoặc bằng tiếng Nhật nếu tổ chức JAICA sắp xếp được phiên dịch.

Đoàn chúng tôi đến thăm quan một lớp đào tạo cho các PTV mới được tuyển vào NHK, thăm quan cơ sở vật chất, các phòng học, thiết bị máy móc được sử dụng trong quá trình đào tạo. Tất cả các thiết bị kỹ thuật và công nghệ, kể cả mô hình cấu trúc trường quay, phòng thu thanh… đều là những thiết bị kỹ thuật và mô hình cấu trúc đang được sử dụng chính thức tại NHK. Do vậy, tính thực tiễn trong đào tạo rất cao, PTV và PV sau khi học đều có thể bắt tay vào làm việc được ngay.

Còn tại NHK Enterprise, ông Masayuki Waga, Giám đốc kinh doanh, Công ty NHK Enterprise cho biết, đây là một doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn NHK. Công ty NHK Enterprises được thành lập vào ngày 01/4/2005 với nguồn vốn 1,25 tỷ yên Nhật. Với lợi thế về kinh nghiệm và thông tin trên thị trường quốc tế, NHK Enterprise cung cấp đa dạng các bộ phim tài liệu độc đáo, các bộ phim ấn tượng, các chương trình về phong cách sống với nội dung phong phú, đa dạng và hấp dẫn. NHK Enterprises cũng chính là doanh nghiệp cung cấp các chương trình chất lượng cao cho nhiều cơ quan truyền thông tại Nhật Bản, các chương trình quốc tế có chọn lọc cho chính NHK và cho các Đài TH cáp như LaLa TV, Ginga hoặc AXN Mystery. Thêm vào đó, công ty cũng phát triển mảng kinh doanh kết nối phát thanh truyền hình với các loại hình truyền thông khác như Internet, DVD và xuất bản. Các chương trình do Công ty cung cấp đã giúp NHK giành rất nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới cho hạng mục phim tài liệu, phim hoạt hình, v.v…

Với kinh nghiệm sản xuất truyền hình và phân phối, tham gia các liên hoan phim quốc tế và tổ chức sự kiện, các hoạt động hiện nay của Công ty bảo gồm: Hợp tác  sản xuất chương trình với các Đài PTTH có uy tín trên thế giới, tham gia Liên hoan Phim Châu Á và tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế như Liên hoan Nhạc Jazz Tokyo. Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường PTTH toàn cầu, NHK Enterprises phối hợp chặt chẽ với các chi nhánh của NHK tại nước ngoài như New York, Los Angeles, London, Paris và Bangkok để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất chương trình nằm ngoài lãnh thổ Nhật Bản, bao gồm cả việc điều phối các địa điểm quay phim, cung cấp thiết bị kỹ thuật cho sản xuất HD và 3D, tổ chức các sự kiện và quản lý vấn đề bản quyền. Mỗi năm, NHK Enterprises sản xuất hơn 9000 chương trình, phục vụ trước hết cho NHK, từ phim tài liệu tới các chương trình về tự nhiên, hoạt hình và các loại hình giải trí nói chung. Mỗi năm những chương trình này đều giành giải cao. NHK Enterprises khẳng định, có thế mạnh sản xuất các phim tài liệu theo thứ tự xuất sắc: khoa học, tự nhiên, văn hóa giáo dục, và đời sống.

Ấn tượng nhất, tôi và các đồng nghiệp được NHK Enterprises cho "mục sở tại" hai bộ phim nhằm quảng bá cho những sản phẩm tuyệt hảo của họ. Ấy là, một phim tài liệu ngắn về săn thủy quái dưới đáy sâu đại dương mà chưa một hãng phim nào trên thế giới thực hiện được. Và đặc biệt, phim thứ hai với kỹ thuật 8K, khẳng định sức mạnh vượt trội hàng đầu về công nghệ của Nhật Bản. Phải thừa nhận, hiệu ứng hình ảnh và âm thanh tuyệt vời đến mức như không tưởng. Chúng ta biết, trong khi thế giới còn đang loay hoay với công nghệ 4K ( 4K đề cập đến một trong hai độ phân giải độ nét cao: 3840 x 2160 pixel hoặc 4096 x 2160 pixel. 4K được hiểu là độ phân giải cao gấp bốn lần so với độ phân giải độ nét cao full HD - 1080p (1920x1080 pixel) - là một trong những tiêu chuẩn độ phân giải cao hiện nay ) thì họ đã vượt lên như vậy. Lẽ đương nhiên, để công nghệ 8K được ứng dụng phổ biến trong đời sống xã hội, dân sinh thì họ cũng phải mất ít nhất từ 3 đến 5 năm nữa với sự nỗ lực không ngừng ...

 

7. Trở lại chuyện Ý thức Nhật Bản.

 

Ở phần 2, tôi đã viện dẫn một số câu chuyện về tinh thần và ý thức Nhật Bản, phần viết này, tôi xin kể thêm một số chuyện nữa mà mình từng "mục sở thị" để minh chứng cho Ý thức Nhật Bản...

Ấy là lần đến Nhật Bản đầu tiên, cách đây 9 năm ( 2005 ), tôi và mấy nhà báo khác là khách mời của Bộ Y tế ta sang Nhật tìm hiểu về một số bệnh nguy hiểm mới xuất hiện, vì khi ấy Việt Nam vừa trải qua dịch cúm gia cầm H5N1 và căn bệnh sark ở Việt Nam. Ngày làm việc đầu tiên, họ hẹn đúng 9 giờ sáng đón ở sảnh nhà khách. Trước 9 giờ, phần lớn đoàn chúng tôi ra điểm hẹn, đã thấy anh cán bô y tế người Nhật đợi sắn ở đấy. Khi biết đoàn ta còn thiếu mấy người nữ ( chắc bận son phấn, trang điểm, hoặc thói quen chậm giờ? ) vẫn chưa có mặt, anh ta tỏ ý không hài lòng. Gần mươi phút sau, mấy nữ ta mới đến, anh chàng nhân viên y tế Nhật lên tiếng phê bình ngay, rằng các bạn nữ đến chậm giờ đã làm ảnh hưởng đến cả đoàn và công việc chung, đồng thời yêu cầu lần sau không được phép muộn giờ như vậy nữa. Nghe vậy, mấy vị nữ nhà mình ngượng nghịu thanh minh này nọ, còn chúng tôi học được bài học đầu tiên trên đất Nhật là phải luôn luôn đúng giờ.

Cũng chuyến làm việc đó, hôm đoàn chúng tôi đến làm việc tại Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ( kiểu như Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới ở ta ), vị giáo sư người Nhật nói nhiều dến dịch cúm gia cầm và căn bệnh sark, vì cả hai bệnh này đều có ở Việt Nam và Nhật Bản. Khi biết ở ta đã sử dụng vắc-xin cúm gia cầm H5N1 đại trà, họ ngạc nhiên và cho rằng, không nên sử dụng sớm vắc-xin một khi còn kiểm soát đươc tình hình, bởi theo họ, việc sử dụng vắc-xin sẽ có tác dụng hai mặt. Bản thân Nhật Bản chưa dùng, mà khi phát hiện dịch ở khu vực nâò đó, chỉ cần khoanh vùng dập dịch triệt để là ổn. Tôi xin phép vị giáo sư này được đặt câu hỏi phản biện, rằng: Liệu việc khoanh vùng dập dịch ở Nhật Bản có đảm bảo chắc chắn việc ngăn chặn dịch lây lan một cách triệt để hay không ? Bởi, rất có thể, xảy ra tình trạng, dịch lây lan ra cộng đồng khi người dân không tuân thủ hoàn toàn các biên pháp phòng chống dịch ( như việc người dân ở ta khi biết có dịch vẫn sử dụng và buôn bán, tuồn vật nuôi ở vùng dịch bẻnh bên ngoài v.v... ). Vị giáo sư người Nhật khẳng định, những chuyện như vậy, chưa từng và sẽ không bao giờ xảy ra ở Nhật Bản, bởi ý thức của người dân rất tốt, việc làm vi phạm như vậy dù vô tình hay hữu ý đều không được chấp nhận với bất kỳ lý do nào. Việc vi phạm như vậy, được xem như một sự xỉ nhục với người dân Nhật. Thêm một bài học đáng kể nữa cho chúng ta về ý thức cộng đồng và tuân thủ pháp luật của người Nhật Bản...

Trong chuyến công tác này, có vài chuyện đáng kể, vẫn là những câu chuyện vặt phố phường. Chuyện thứ nhất, hôm chúng tôi đi mua sắm, mỏi chân bèn ra ngồi nghỉ trên mấy chiếc ghé kê bên ngoài cửa hiệu. Chợt thấy một anh chàng đi vội vàng trên hè phố, vừa đi vừa lục tìm vật gì đó trong túi xách của mình, vô tình làm rơi một cục tiền xuống đất. Một chàng thanh niên người Nhật ngồi nghỉ bên cạnh chúng tôi, nhìn thấy, vội lao ra nhặt lấy cục tiền rồi cắm đầu chạy đi, bỏ quên cả chiếc ô của mình tại nghế ngồi. Chứng kiến sự việc, ta dễ nghĩ, anh chàng này vớ bẫm cục tiền đến quên cả chiếc ô. Song không phải vậy, anh chàng cắm đầu chạy là đuổi theo để hoàn tiền lại cho người mất. Xong việc, anh chàng mới trở lại nơi chúng tôi ngồi để lấy chiếc ô của mình.

Thêm vài chuyện nữa. Đoàn chúng tôi có vài người nghiện thuốc lá. Trời lạnh,lại càng dễ thèm thuốc. Ngặt một nỗi, ở Nhật Bản, đều cấm hút thuốc là nơi công cộng. Mỗi lần đi đâu, hay nghỉ dừng chân dọc đường, mấy chàng nghiện thuốc nhà ta thật khổ, cứ phải loanh quanh tìm nơi chốn được phép hút thuốc lá.

Một lần, thèm quá, mấy chàng bèn ngồi lẩn sau một gốc cây châm thuốc hút. Có một người phụ nữ ngang qua, nhìn thấy, chị liền dừng lại, nhắc nhở rằng, đây là nơi cấm hút thuốc, không được vi phạm, rồi chỉ tay ra một  cái biển ghi cấm hút thuốc cách đấy không xa... Giá như ở bên ta, sẽ chẳng có ai làm cái chuyện không công như vậy. Ngay như tôi, khi ấy, biết là các bạn mình hút thuốc rất có thể vi phạm, song cũng lại không nỡ nhắc nhở, ngăn lại. Chuyện ấy, đáng ghi nhận, song còn một chuyện nữa, còn đáng nể hơn. Ấy là đọc đường đi, nghỉ chân, mấy chàng nghiên thuốc nhà ta loanh quanh mãi không tìm được nơi hút thuốc, bèn lảng ra chỗ vắng người, đứng bên trên nắp cống thoát nước, châm thuốc hút. Các chàng đang khoan khoái rít lấy rít để, chợt thấy hai cụ già đứng cách họ không xa lắm, họ cùng nhau tiến đến chỗ các chàng, trên tay mỗi người đều cầm một vật gì đó nho nhỏ. Khi đến trước các chàng, cả hai cụ liền cùng nhau cúi người lễ phép và chìa ra vật cầm tay, ấy là chiếc gạt tàn thuốc lá, nói với các chàng câu gì dó bằng tiếng Nhật. Thế là các chàng dẫu không biết tiếng Nhật đi chăng nữa thì cũng hiểu ngay, vội vàng rụi ngay điếu thuốc đang hút dở vào chiếc gạt tàn và nói lời xin lỗi. Sau lần ấy, dù có thèm đến mấy, các chàng nhà ta cũng không dám hút thuốc tùy tiện nữa.

Ấy là ý thức Nhật Bản !...

 

 

8. Vĩ thanh.

 

Mọi người ở ta và cả thế giới nói chung, đều phải cất lời khen ngợi xã hội Nhật bản là một xã hội văn minh, hiện đại, kỷ cương pháp luật chặt chẽ. Đấy là một sự thực không gì cưỡng nổi. Tuy nhiên, có một số ý kiến đặt vấn đề rằng, liệu một xã hội như vậy thì mặt trái của nó như thế nào, và liệu rằng có khắc kỷ lắm không ? v.v...

Lần giở lại thiên ký sự " Nhật Bản du ký " tôi viết sau chuyến sang Nhật năm 2005, thấy phần " Những vấn đề của một xã hội hiện đại " vẫn còn nguyên tính thời sự, khi mà đem đối chiếu với xã hội Nhật Bản trong chuyến đi này...

Vẫn biết là thế, nhưng sau chuyến đi này, tôi cũng lĩnh hội được nhiều điều và thấy cần có đôi lời chua thêm cho rõ.

Vâng, quả là sau 9 năm, tôi trở lại Nhật Bản với gần chục ngày, có điều kiện đi đây đó nhiều hơn so với lần trước, nên cũng có điều kiện để quan sát. Vẫn một xã hội văn minh, hiện đại, nề nếp, quy củ, ngăn nắp và cần cù làm việc. Mặc dù, nước Nhật phải nỗ lực gượng dậy sau thảm họa kép động đất-sóng thần, mặc dù nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thực sự hồi sinh trong cơn suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu. Song rõ ràng, người Nhật vẫn bản lĩnh và tự tin về tiềm năng và sự cố gắng từ mỗi con người đến quy mô toàn xã hội, toàn dân tộc, sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. Một xã hội quy củ sẽ là một xã hội khó tính và ít nhiều thiếu uyển chuyển, đấy là quy luật; Một xã hội chặt chẽ cũng có mặt trái của nó, ấy là sự dồn nén con người ta vào khung luật pháp, quy chuẩn đến không còn kẽ hở, và như vậy, nó ít nhiều ngược với bản năng con người là sự bung phá để vươn về phía tự do ...

Tôi xin nhắc lại một câu chuyện, tôi có người chị ruột là tiến sĩ nông nghiệp, hiện đang làm cho tổ chức Jica của Nhật Bản, nên nhiều năm nay làm việc với các quan chức, chuyên gia người Nhật. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, họ đều coi thời gian làm việc ở Việt Nam là khoảng thời gian tuyệt vời đối với họ. Đương nhiên, đánh giá vậy, trước hết, bởi yếu tố hiệu quả của công việc là hàng đầu, song đi kèm với đó, là sự gợi mở, sự thân thiện của đất nước con người Việt ta, và có cả sự thoải mái, thiếu chặt chẽ, thiếu quy củ, thiếu chế tài và còn khá lổn nhổn của một xã hội, một nền kinh tế còn đang phát triển, nó như một sự mơn trớn, xui con người ta buông thả, thoát khỏi sự khuôn phép chặt chẽ ...

Như vậy, không có nghĩa là họ khen xã hội chúng ta, mà nêu ra để thấy, cái gì dù là còn chưa hoàn thiện hoặc đang đi tới để đạt sự hoàn thiện, hoặc được xem là hoàn thiện, thì cũng đều có cái được và cái chưa được của nó...

 

 

 

 

Ký sự Hàn Quốc

       

          Phi lộ : Lịch trình 8 ngày hoạt động của Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc ( 6.7-14.7/2012) , qua các thành phố và tỉnh lỵ : Incheon ( Nhân Xuyên ), Seoul ( Thủ Nhĩ, còn được gọi là Hán Thành ), Gwangju ( Quang Châu ), Gyeongnam ( Khánh Nam ), Ulsan ( Uất Sơn ), Busan ( Phủ Sơn ) và Jeju ( Tế Châu ).

 

1.    Ấn tượng Seoul,

 

           Chuyến bay trên chiếc Boeing của Hãng Asiana Airlines cất cánh đúng giờ, lúc 11 giờ đêm từ Nội Bài đi Seoul. Khác với lần đi Tokyo, bay đêm, mất ngủ trong chuyến đi công tác tại Nhật Bản cách đây dăm năm, lần này tôi ngủ tốt. Lúc tỉnh ngủ, nhìn mặt đồng hồ, 5 rưỡi ( lấy theo giờ Hàn Quốc, sớm hơn giờ Việt Nam 2h ), rồi nhìn ra bên ngoài cửa sổ máy bay, thấy bầu trời đã rạng. Giờ này, ở Việt Nam mới 3 rưỡi sáng, định ngủ tiếp thì tiếp viên thông báo máy bay hạ độ cao chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế Incheon. Vậy là tỉnh hẳn. Còn để nhìn ngắm mặt biển, mặt đất Seoul từ trên cao nữa chứ.

          Chỉ còn mây và biển, thấp thoáng đâu xa dưới cánh máy bay là đồi núi và nhà cửa. Khi hạ độ cao đến cảm giác là càng máy bay sắp chạm mặt nước biển, ấy là lúc máy bay truờn xuống đường băng. Thì ra, sân bay quốc tế Incheon áp sát mép biển. Đây là một sân bay rộng và hiện đại, luôn tấp nập bởi nó là trạm trung chuyển cho nhiều đường bay vượt Thái Bình Dương sang châu Mỹ.

          Đón chúng tôi là một cặp nam nữ người Hàn Quốc, nam Kim Dong Ki, Phụ trách phòng Hành chính, Hội Nhà báo Hàn Quốc, và nữ, Seon Kcum Hi, phiên dịch viên tiếng Việt. Cả hai đều độc thân. Seon Kcum Hi từng học tiếng Việt tại Việt Nam, song khả năng nghe nói còn yếu; còn Kim Dong Ki chỉ mỗi tiếng Hàn ( không biết tiếng Việt và tiếng Anh ). Đây là hai người gần như đồng hành cùng chúng tôi suốt chặng đường trên xứ sở Kim chi. Họ có một đặc điểm chúng là nhanh nhẹn, nhiệt tình, lịch sự và rất chuyên nghiệp.

          Sau bữa ăn sáng tại một nhà hàng sân bay, chúng tôi lên xe chạy chừng gần trăm cây số để đến thăm Tháp canh Thống Nhất. Tháp canh này nằm trên một quả đồi cao, ngay mép sông Hàn, đoạn giới tuyến với Bắc Triều Tiên. Mục đích xây dựng tháp Thống Nhất là để làm đài quan sát giới tuyến, và là nơi để những người Nam Hàn có quê hương ở Bắc Triều Tiên hằng năm và dịp giỗ tết lên đây hướng về phương Bắc mà tế tổ; còn là nơi biểu hiện ý chí thống đất nhất đất nước của người Hàn Quốc. Chính vì lẽ đó, họ đã rất khéo léo khi tổ chức các gian trưng bày mang tính đối lập biểu hiện giữa đời sống tiện nghi hiện đại của Hàn Quốc với sự nghèo khó thiếu thốn lạc hậu của Bắc Triều Tiên, và biến nơi đây thành điểm tham quan du lịch.

          Đứng trên tầng cao của tháp Thống Nhất, dù nhìn bằng mắt thường hay qua hệ thống ống nhòm, tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến một thời dòng sông Bến Hải chia cắt đôi miền Bắc-Nam của ta ngày nào... Hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước, hẳn là ước nguyện của hầu hết người dân Triều Tiên nói chung, còn diễn ra theo chiều hướng nào thì quả là khó lường trước được ...

          Hơn 2 ngày làm việc ở Seoul, chúng tôi được bố trí ở President Hotel 4 sao, ngay trung tâm sầm uất náo nhiệt, bên kia là Tòa Thị chính mới xây dựng dựng chuẩn bị khánh thành, chéo một chút là Tòa nhà báo chíTrung tâm thương mại Seoul. Có thể hiểu, bạn bố trí vậy để chúng tôi có thể thấy quy mô tầm vóc Seoul thế nào mà không mất thời gian tìm hiểu. Những ngày ở Seoul, chúng tôi có những hoạt động như : Thăm và làm việc với Hội nhà báo Hàn Quốc, gặp gỡ và dự tiệc với Phó thị thưởng Seoul, thăm và làm việc với Đài KBS ( Đài phát thanh & truyền hình quốc gia Hàn Quốc ), Tập đoàn viễn thông & báo chí Quân đội, xem kịch Miso ( một loại kịch hát dân tộc truyền thống )...

          Có thể nói, Seoul là một trung tâm chính trị-văn hóa-thương mại du lịch tầm cỡ hàng đầu của Châu Á và thế giới, biểu hiện đầy đủ sức mạnh của Hàn Quốc, một quốc gia kinh tế công nghiệp phát triển. Đường phố phong quang, ngăn nắp, phương tiện giao thông khá hiện đại ( ô tô, xe buýt và 9 tuyến tầu điện ngầm ). Địa hình đồi núi, kiến trúc hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Rất nhiều hoa và cây xanh, chủ yếu là ngân hạnh và thông. Ngài Kim Dong Jo, Phó thị trưởng Seoul cho biết, Seoul có có đặc điểm là : núi, sông, trường đại học và giới tuyến... Với hơn 10 triệu dân, diện tích hơn 600 cây số vuông, lịch sử rất lâu đời ( từng là kinh đô của triều đại Bách Tế, từ năm 660 CN trở về trước ), và ngày nay là 1 trong số 20 thành phố toàn cầu của thế giới, Seoul hoàn toàn có quyền tự hào về mình...

          Đấy là sơ bộ ấn tượng về Seoul. Tôi sẽ trở đi trở lại về chiều sâu của Seoul trong những phần tiếp theo...

 

           2. Dấu ấn của đá.

          

Đến đảo Jeju của Hàn Quốc, tôi hết sức thích thú khi bắt gặp những bờ ruộng của người dân nơi đây toàn bằng đá. Đá hòn đá tảng xếp thành bờ ruộng cao như kiểu hàng rào đá của người Mông ở vùng cao nguyên đá Hà Giang  ( Việt Nam ). Dọc ngang khắp đảo, đâu cũng một kiểu bờ ruộng như vậy. Cô Kim, một phiên dịch viên tiếng Việt kiêm hướng dẫn viên du lịch giải thích,  người dân đảo Jeju chọn kiểu bờ ruộng đá trước hết là theo tập quán canh tác xưa cũ. Ấy là, gió ở đây thường to quanh năm suốt tháng, bờ ruộng đá cao như tường chắn cản gió cho cây trồng bên trong khỏi gãy đổ; thứ nữa, hằng năm, đều qua một lần đốt ruộng ( kiểu như đốt đồng vào mùa khô ở Việt Nam ), nên tường đá giữ không cho lửa cháy lan ra phía ngoài; và cuối cùng, bờ ruộng đá còn có tác dụng ngăn không cho bò ngựa chăn thả tự do vào phá ruộng.

          Tập quán là như vậy, song lý giải tại sao, với phương tiện hiện đại và kỹ thuật canh tác mới như hiện nay, người dân đảo Jeju lại vẫn giữ nguyên lối canh tác cũ có vẻ đã lạc hậu này? Ấy là ý tưởng. Các nhà quản lý ở đây đã nhìn nhận thấy, đó là một lợi thế về bản sắc văn hóa truyền thống trong kinh doanh du lịch. Thế nên, bờ ruộng đá, cùng lối canh tác xưa cũ đã được gìn giữ nhất quán, vừa chứa đựng ý thức bảo tồn phong tục lại vừa tạo lợi thế cho du lịch...

Mọi người đều biết đến đảo Jeju của Hàn Quốc với sự kiện ( cùng với vịnh Hạ Long của Việt Nam ) được bình chọn là 1 trong 7 kỳ quan thế giới mới. Ai đã từng đặt chân đến Jeju, đều công nhận đảo này là thiên đường của du lịch.

          Jeju được kiến tạo bởi hoạt động của núi lửa từ khoảng 2 triệu năm trước, có cấu trúc địa chất nham thạch. Toàn bộ địa hình địa chất nói chung của Hàn Quốc, bao gồm cả đảo Jeju là không có núi đá vôi, nên không thể hình thành các hệ thống hang động, thua thiệt hơn so với Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, ý tưởng về đá đã khiến đảo Jeju vốn toàn đá nham thạch, sống dậy từ đá với một tinh thần mới.

          Cùng với bờ ruộng đá và lối canh tác xưa cũ, giờ Jeju thêm phong phú và sinh động, bởi bao nhiêu hình thái mới của đá như : lâm viên đá, làng dân tộc đá, bờ biển vách đá, đỉnh cao, miệng núi lửa đá, vườn tượng đá, chùa chiền đá... Đâu đâu cũng đá, song là đá có hồn...Ý tưởng và dấu ấn của đá ở Jeju đã góp công lớn, biến Jeju vốn chỉ như một đảo thuyền chài xưa cũ thành thiên đường du lịch ngày nay.

          Các nhà quản lý vịnh Hạ Long, và “Hạ Long cạn”-Ninh Bình, Phong Nha-Kẻ Bàng của ta nghĩ gì ?...

 

          3. Giao thông & sự thuận tiện cho con người

         

Lẽ đương nhiên, biểu hiện của sự phát triển và thuận tiện về giao thông của Hàn Quốc, trước hết là sân bay quốc tế Incheon. Cả quy mô, hiện đại và sự thuận tiện của nó, không chỉ phản ánh sự phát triển về kinh tế, vai trò về chính trị nói chung của Hàn Quốc trên trường quốc tế, mà còn bởi, đây là trạm trung chuyển lớn kết nối hai bờ đông tây của Thái Bình Dương. Song tôi xin không bàn thêm về nó, để nói về các loại hình, phương tiện giao thông khác đều hướng tới sự phục vụ tiện lợi nhất cho mọi hoạt động của con người trên xứ sở kim chi.

          Những ngày hoạt động ở Hàn Quốc, đoàn nhà báo Việt Nam di chuyển bằng hầu hết các loại phương tiện, như ô tô, metro, tàu hỏa, tàu thuỷ và máy bay.

          Trước tiên là đường bộ. Diện tích tự nhiên của Hàn Quốc không nhiểu, chỉ trên trăm ngàn cây số vưông, dân số khoảng 50 triệu người, mật độ dân số đứng thứ 3 thế giới ( sau Banlades và Đài Loan ), Vậy mà, Hàn Quốc lại dành quỹ đất cho phát triển giao thông một cách thích đáng. Đơn giản, bởi giao thông giữ vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội và hiện đại hóa đất nước. Hệ thống đường sá, cầu vượt quy củ, thông thoáng, chất lượng cao, dù ở nội đô thành phố hay ngoại tỉnh. Để giải bài toàn ách tắc giao thông, như hầu hết các quốc gia phát triển khác, Hàn Quốc cho quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông lập thể : đường mặt đất, cầu vượt, đường trên cao và đường ngầm. Thủ đô Seoul hiện có 9 tuyến metro, tuy ít hơn so với Paris ( 13 ) và Tokyo ( 13 ), song cũng cực kỳ hiện đại và thuận tiện. Với hệ thông giao thông như vậy, đông dân như Seoul, thì vào giờ cao điểm, có thể bắt gặp cảnh ùn xe, song không ách tắc. Phương tiện xe bus thì tuyệt vời, loại xe chất lượng cao, cứ đều đặn, 3-5 phút một chuyến trên mọi tuyến và điểm đỗ, không ai có thể kêu ca phàn nàn.

          Tiếp đến, xe lửa cao tốc, người Hàn Quốc gọi theo tên viết tắt là KTX, cũng được phân tuyến thuận lợi và đạt chất lượng cao về tốc độ, giờ chạy tàu, toa xe và dịch vụ. Vì độ dài ngang dọc Hàn Quốc không lớn, nên phần lớn tàu KTX đều không thiết kế giường nằm, song ghế ngồi lại rất tiện lợi, có thiết bị ngả lưng ghế và nâng chân, tạo tư thế nằm nghiêng, cho khách có thể nghỉ ngơi hoặc ngủ bình thường. Cách thiết kế ghế ngồi tiện lợi này, được sử dụng cho cả ô tô chuyên chở khách. Hôm chúng tôi đi từ Seoul xuống thành phố ở miền Nam là Gwangju, quãng đường dài hơn 300 cây số, tàu chạy chỉ mất 2h15, tốc độ chạy tàu khoảng 150 km/h ( tốc độ gấp 3 lần tàu ở xứ ta ). Từ Gwangju đi Gyeongnam, đến thành phố Ulsan, Busan, chúng tôi đi bằng phương tiện xe khách, hoặc khi di chuyển nội tỉnh thăm thú các khu công nghiệp hoặc di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, xe đều chạy với tốc độ 100-120 km/h, và đường vô cùng thông thoáng.

          Có một điều khác biệt là, dù ở Seoul, Gwangju, Gyeongnam, Ulsa, Busan, Jeju, đều không thấy phương tiện xe máy ( moto ). Thi thoảng bắt gặp phương tiện xe gắn máy trên đường, ấy là những người đưa thư báo, hoặc thanh niên tay chơi với loại xe phân khối lớn. Xin nói thêm, ở nhiều thành phố phát triển khác thuộc châu Á như Bắc Kinh, Thượng Hải, Tokyo cũng đều như vậy. Việc này, khiến các nhà quản lý giao thông ở ta sớm cân nhắc, có biện pháp quản lý ( hạn chế, tiến tới việc loại bỏ phương tiện xe máy trong khu vực nội đô ). Đơn giản, bởi đây chính là nguyên nhân gậy nên họa ách tắc giao thông...

          Cùng với đó, phương tiện giao thông thủy và hàng không ở Hàn Quốc cũng rất phát triển và thuận lợi, đạt chất lượng cao. Xin không bàn nhiều ở đây. Song có thể nói, toàn bộ hệ thống đường sá, loại hình phương tiện các cách quản lý giao thông ở Hàn Quốc hiện nay đều ở mức chất lượng cao, nhằm hướng tới sự phục vụ cho mọi hoạt động của con người một cách thuận lợi nhất...

 

 

         4. Công nghiệp & sự vươn lên của Hàn Quốc.

         

          Khoảng hai mươi năm trước, xứ ta đã biết đến một vài thương hiệu của Hàn Quốc như : Samsung ( máy thu hình, tủ lạnh, máy giặt ), Daewoo ( ô tô, máy giặt ). Còn người miền Nam thì biết đến thương hiệu, hàng hóa của Hàn Quốc sớm hơn nữa. Giờ đây, Hàn Quốc vươn lên, trở thành một quốc gia có nền công nghiệp phát triển trong khu vực và tầm thế giới.

          Quả thật, với diện tích tự nhiên già trăm ngàn cây số vuông, địa hình đồi núi trải khắp nước, gần như không có đồng bằng, nếu không sớm đi theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì hẳn Hàn Quốc sẽ lâm vào tình trạng không đủ ăn. Điều này, người dân xứ Hàn đã hiểu và ý thức được vào những năm bảy mươi của thế kỷ 20. Vậy nên, phát triển công nghiệp là một tất yếu, và họ đã làm được điều đó ...

          Chuyến thăm và làm việc này, các nhà báo xứ ta được các đồng nghiệp Hàn Quốc tổ chức đưa đến thăm mấy tập đoàn công nghiệp lớn, đều là niềm tự hào của xứ sở kim chi : Hyundai, Doosan, Taekwang, tại thành phố Ulsan, Gwangnam. Họ đưa ta đến thăm mấy tập đoàn công nghiệp này, còn bởi, mấy tập đoàn ấy đang đầu tư lớn và có nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Khi thăm trụ sở của họ, ở mỗi nơi, chúng tôi đều được xem một phim ngắn giới thiệu về tập đoàn đó qua lời thuyết minh bằng tiếng Việt, và cái tên Việt Nam cũng luôn xuất hiện trên bản đồ, biểu đồ sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Hẳn họ hiểu rằng, việc để các nhà báo xứ ta đến thăm quan, sau khi được “ mục sở thị “, sẽ viết bài PR cho họ. Hiểu dụng ý là vậy, song không thể không thán phục mà viết một chút gì đấy.

          Khi thăm các công xưởng, dây chuyền sản xuất, chúng tôi không được phép chụp ảnh, bởi đây là quy định bắt buộc, nên tôi chỉ có thể có được những pô ảnh chụp nơi trụ sở, văn phòng hành chính và khu giới thiệu chung về mô hình hoặc điểm trưng bày sản phẩm mà thôi. Thương hiệu ô tô Hyundai ( nghĩa là Hiện đại ) hiện quá phổ biến ở Việt Nam. Thăm liên xưởng lắp ráp ngay tại đấy, bạn cho biết, mỗi ngày ra 6 nghìn sản phẩm hoàn chỉnh các loại, còn khi thăm thương cảng, bãi xe, dây chuyền bốc hàng lên tàu thủy, càng thấy quy mô và tiềm năng công nghiệp của Hàn Quốc thật đáng nể.

          Đến khu sản xuất, lò đúc của tập đoàn công nghiệp nặng Doosan, chúng tôi ngạc nhiên và thích thú khi bắt gặp mấy rotor khổng lồ ở dạng sản phẩm hoàn chỉnh, có dán giấy ghi nơi đặt hàng là nhà máy điện Mông Dương ( Quảng Ninh, Việt Nam ). Nữ nhân viên của Văn phòng Doosan, Lee Eun Young ( Management Division ), người giới  thiệu, duyên dáng, chuyên nghiệp, lịch sự và nói tiếng Anh khá hay, tạo nên cảm giác dễ chịu mặc dù chúng tôi được cô dẫn vào thăm quan tận nơi lò đúc có nhiệt độ cực lớn. Cũng như nhiều quốc gia có nền công nghiệp phát triển khác, hiện tại, lượng điện tiêu thụ của Hàn Quốc đến 40% từ điện hạt nhân. Tập đoàn Doosan chính là nơi sản xuất, lắp đặt các lò phản ứng hạt nhân cho ngành công nghiệp điện hạt nhân của quốc gia này.

          Khác với hai tập đoàn kia, tập đoàn Taekwang đầu tư ở lĩnh vực hóa dầu, bảo hiểm, tài chính và hàng tiêu dùng... Hiện, Taekweang có nhà máy đặt tại các tỉnh miền Đông nam bộ Việt Nam, với ngành hàng giày thể thao nhãn hiệu NIKE, giải quyết cho khoảng 4 vạn lao động tại chỗ, và đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 400 triệu USD/năm. Phó Chủ tịch tập đoàn Taekwang Hàn Quốc, ông E.C. Kim, trong buổi làm việc và tiệc chiêu đãi đoàn nhà báo Việt Nam, ngoài vấn đề về phát triển sản xuất, còn kiến giải,  nêu một số vấn đề nhằm cải thiện điều kiện lao động, xã hội, đãi ngộ đối với công nhân người Việt Nam đang làm việc trong các nhà máy của tập đoàn.

          Nhìn chung, công nghiệp phát triển, mặt trái của nó cũng nảy sinh những hệ lụy về xã hội, gia đình, con người, khiến các nhà quản lý phải giải quyết. Ở đây, xin chưa vội bàn...

 

          5. Gốc ngân hạnh cổ thụ & bản sắc truyền thống xứ kim chi.

         

Tự thân, gốc ngân hạnh cổ thụ trong một ngôi làng cổ tại cố đô Gwangju ( Quang Châu ) và món ăn kim chi trong ẩm thực xứ Hàn đã là sự hiện diện rõ nét bản sắc truyền thống của văn hóa đất nước này rồi.

          Ai cũng hiểu, sau chiến tranh Nam-Bắc Triều vào giữa thế kỷ trước, Hàn Quốc cũng lâm vào hoàn cảnh đói kém, kinh tế khó khăn. Vậy mà, khi bước sang thế kỷ 21, Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia có nền công nghiệp phát triển, kinh tế vững mạnh, có uy tín trên trường quốc tế. Ngài Ban Ki Moon, với hai nhiệm kỳ liên tiếp giữ cương vị Tổng thư ký Liên hiệp quốc, hay đơn giản như việc tại Olimpic London 2012, Hàn Quốc luôn nằm trong tốp quốc gia dẫn đầu về huy chương, đã nói lên điều đó. Có thể lý giải dài dòng về hiện tượng Hàn Quốc, song với tôi, hiểu đơn giản chỉ cần qua vài ba yếu tố là đủ, như: định hướng đúng, đầu tư hợp lý, quản lý tốt, và sự nỗ lực vươn lên từ mỗi cá nhân...

          Cái gì cũng mang tính hai mặt. Hàn Quốc cũng như một số quốc gia phát triển ( như Nhật Bản, Mỹ... ), cùng với nền công nghiệp hiện đại và kinh tế giàu có, là những hệ lụy về mặt xã hội, gia đình và tính cách cá nhân con người ( cạnh tranh quyết liệt, tính khắc kỷ, sự cô đơn, bệnh xã hội ... ). Vậy giải quyết mặt trái ấy như thế nào ? Chính sách xã hội phù hợp, đương nhiên rồi. Ấy là văn hóa, mà là  bản sắc truyền thống...

          Rõ ràng, xu hướng toàn cầu hóa về chính trị kinh tế, kéo theo đó là sự nhất thể hóa về văn hóa. Ấy là sự nguy hại. Thực tế cho thấy, đang có một sự xâm lăng về mặt văn hóa của văn minh-văn hóa Âu Mỹ với các nước đang phát triển, mà hệ luỵ của nó, ấy là, trong khi các giá trị truyền thống đang bị băng hoại và mai một, thì các giá trị mới còn chưa hình thành, hiện trạng xã hội là sự lổn nhổn hỗn tạp...

          Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và cả Hàn Quốc đã từng trải qua thời kỳ như vậy. Giải pháp hữu hiệu, không gì nằm ngoài việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Những gì tôi biết ở Hàn Quốc vừa qua, cho thấy họ đã và đang làm được điều này...

          Suốt chặng đường từ thủ đô Seoul, qua Gwangju, Gyeongnam, Ulsan, Busan, Jeju, ở đâu cũng cảm nhận được bản sắc văn hóa truyền thống biểu hiện trong quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn, trong ứng xử xã hội, lối sống, hoạt động biểu diễn, ẩm thực... Hơn thế, việc phát huy yếu tố bản sắc truyền thống không những mang lại lợi ích xã hội, còn thu được lợi ích kinh tế rất lớn trong hoạt động du lịch...

          Ở ta, việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã sớm được đưa ra và triển khai từ mười mấy năm trước ( Nghị quyết trung ương 5 Khoá 8 ). Đã có nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt, chẳng hạn như công tác bảo tồn văn hóa dân tộc và việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Tuy nhiên, vẫn còn nặng tính phong trào, hình thức, nên hiệu quả chưa cao...

           Trở lại yếu tố lịch sử. Ấy là, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt nam cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng sâu nặng của văn hóa cổ Trung Hoa với hơn nghìn năm phong kiến. Song cả ba nước đều biết cách thoát ra khỏi cái bóng khổng lồ của văn hóa phong kiến Trung Hoa, tự tạo nên nền văn hóa riêng của mình, song vẫn bảo lưu được những giá trị tinh hoa của văn hóa cổ Trung Hoa mà mỗi nước từng chịu ảnh hưởng.

          Ở các cấp độ khác nhau, so với họ, việc bảo tồn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của ta vẫn còn nhiều việc phải làm...

 

 

6. Đôi điều về báo giới xứ kim chi.

         

          Sang Hàn Quốc theo chương trình hợp tác và trao đổi giữa Hội nhà báo hai bên, nên ngay khi nhập cảnh và xứ kim chi, chúng tôi đã tiếp xúc ngay với dân làm báo xứ này. Ấy là Kim Dong Ki, phụ trách hành chính-lễ tân của Hội nhà báo Hàn  Quốc.

          Một tháng trước đó, Kim có tháp tùng ông Chủ tịch Hội và một số nhà báo Hàn Quốc sang thăm Việt Nam, ngay khi đón, Kim gặp lại vài ba người quen trong đoàn chúng tôi, nên anh thân thiện và chia sẻ, bỏ qua sự xã giao thông thường.

          Ngay chiều hôm ấy, chúng tôi thăm trụ sở làm việc của Hội nhà báo Hàn Quốc ( trong Toà nhà báo chí ), nằm bên kia đường với President Hotel, nơi chúng tôi ở. Khu vực văn phòng của Hội và phòng làm việc của ông Chủ tịch nhìn chung là hẹp và khá giản dị, bù lại, để view quanh cảnh phố xá thì khá thuận lợi .

          Ông Park Chong Ryul, Chủ tịch Hội cùng đồng nghiệp tiếp chúng tôi trong bầu không khí thân mật, giản dị. Ông Park mới trúng chức Chủ tịch hồi đầu năm 2012 với nhiệm kỳ 2 năm, sau một thời gian khá dài hoạt động báo chí ở Mỹ. Theo ông cho biết và lấy làm tự hào, thì ông là người đầu tiên ở Hàn Quốc cho đến nay, trúng cử chức Chủ tịch với 100 % số phiếu bầu. Điều đó, chứng tỏ tài năng và uy tín của ông trong báo giới xứ kim chi rất cao. Cũng theo ông Park, hiện xứ kim chi có khoảng 30 nghìn người hoạt động trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, song Hội nhà báo xứ Hàn mới chỉ kết nạp đến 8 nghìn hội viên ( chứng tỏ có sự chọn lọc kỹ càng ). Ông Park tặng chúng tôi, mỗi người một cuốn sách về báo chí vừa ấn hành, mà ông là tác giả, có tên “ White House Black President “- tập hợp các tác phẩm báo chí của ông trong thời gian tiếp xúc với Nhà Trắng và làm báo ở Mỹ nói chung. Ông Park hé lộ rằng, nhìn chung, chính quyền ở Seoul và xứ kim chi, là khá e ngại và “ không mấy thích thú “ với báo giới xứ này, vì lo bị xía chuyện, bị chọc ngoáy và làm phiền...

          Trong bữa tiệc chiêu đãi, và cả khi dạo phố đêm Seoul, với chúng tôi, ông Park Chong Ryul và đồng nghiệp luôn thể hiện sự thân thiện, lịch thiệp, chia sẻ tâm thế nghề làm báo, khiến cho mọi người thấy gần gũi, đồng cảm với nhau hơn ...

          Rời Seoul, đến Gwangju, Gyeongnam, Jeju, chúng tôi đều được các Chi hội nhà báo và các đồng nghiệp báo chí địa phương tiếp đón chu đáo, thân mật. Cũng như ở xứ ta, chuyện nghề, chuyện đời chỉ nở rộ và xôm trò trong bữa tiệc có hơi men. Lúc ấy, nhiều ranh giới và sự giữ kẽ xã giao là không cần thiết, thậm chí bị xóa bỏ. Song, cả hai bên vẫn luôn đủ tỉnh táo để thể hiện cái gọi là “ phương diện quốc gia “ tối thiểu. Phương châm giao tiếp trrong suốt chuyến thăm là “ thân thiện, chia sẻ, điều độ ” cùng được cả hai bên tôn trọng, tạo nên sự thành công cho chương trình hợp tác. Xin mở ngoặc ở đây, là chuyện uống rượu của báo giới Hàn Quốc. Họ rất thích uống “rượu bom”, một cách gọi hài hước cho thứ đồ uống “ rượu pha bia “. Rượu bom được pha tại bữa tiệc giữa bia với rượu sô-chu của Hàn Quốc. Tỷ lệ và cách pha thế nào là tùy ý thích và cảm hứng của người pha. Ông chủ tịch Park là một người nổi tiếng trong báo giới về pha rượu bom, điêu luyện và nghệ thuật đẹp mắt...

          Thời gian ba ngày ở đào tự trị Jeju, có một chuyện mà tôi muốn nói ở đây, đó  là sự thăm hỏi đột xuất của Tòa soạn báo Hallailbo. Sau chuyến chúng tôi đi chơi bằng du thuyền và câu cá trên vịnh biển ở Jeju, cả đoàn dự bữa chiêu đãi bữa tiệc hải sản tự chọn. Đang bữa ăn thì họ đến. Theo lời tự giới thiệu, nhà báo của Tòa soạn Hallailbo có tên là Kim Myeong Seon. Anh nghe nói có đoàn nhà báo Việt Nam, bèn tìm cách gặp bằng được, để biết, để giao lưu, và để đề nghị, các nhà báo Việt Nam nên quan tâm và viết về chủ đề “ cô dâu Việt “ ở Jeju và Hàn Quốc nói chung. Theo nhà báo này, hiện ở Jeju có hơn 500 cô dâu Việt ( chỉ phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và hiện sinh sống ở xứ kim chi ). Đi cũng với anh ta hôm ấy, còn có một đồng nghiệp và một “cô dâu Việt” người Cần Thơ, qua đó đã 3 năm. Cô gái này làm phiên dịch tiếng Việt cho anh. Trước đó, chúng tôi cũng đã gặp vài ba cô dâu Việt khác ở đây, và ít nhiều hiểu được hoàn cảnh, tâm tư, nghề nghiệp của họ ở bên này ( sẽ viết kỹ trong một phần khác ).

          Cuộc gặp gỡ và đề nghị của nhà báo này, đã gợi ra nhiều điều về thân phận con người, gia đình, hoàn cảnh xã hội, sự thích nghi... và cả những xúc cảm sâu xa khác, nơi mỗi chúng tôi !...

 

 

          7. Những người đàn bà ở xứ Hàn...

 

          Lẽ dĩ nhiên, đây chỉ là số ít người thuộc giới nữ mà tôi đã gặp và có điều kiện tiếp xúc đôi chút trong một tuần ít ỏi du ngoạn trên xứ sở kim chi. Họ là người Hàn Quốc và người Việt mình...

          Trước hết là những người đàn bà Hàn Quốc.

          Seon Kcum Hi ( gọi tắt Seon, 25 tuổi ), cô là phiên dịch viên tiếng Việt cho Hội nhà báo Hàn Quốc, người cùng với Kim Dong Ki đón chúng tôi tại sân bay Incheon khi đoàn nhà báo Việt Nam đặt chân xuống xứ kim chi. Ngay từ phút đầu gặp gỡ, khi còn chưa thuộc tên, tôi xuýt bật cười mấy lần khi thấy cô thể hiện sự chân thật của mình qua nụ cười rất tươi và qua cử chỉ lật đật ( cứ như người mắc lỗi ). Cô học tiếng Việt cả ở Hàn Quốc và Việt Nam, nhưng nói tiếng Việt chưa sõi, khả năng chuyển ngữ còn lúng túng. Suốt những ngày đồng hành cùng chúng tôi từ Seoul, đi Gwangju, Geyongnam, Ulsan, Busan... Seon luôn tỏ ra sôi nổi, nhiệt tình, chân chất và chưa thật tự tin-kiểu con gái tỉnh lẻ ( quả nhiên, cô là người nông thôn, quê cách Seoul chừng 300 km ). Cô chưa lập gia đình. Tuy chưa mấy thạo tiếng Việt, song lại biết cách xưng hô, những người cỡ tuổi tôi, cô đều gọi là chú và xưng cháu một cách dễ thương...

          Trái lại, Yi Da Sum ( tên tắt là Yi, ngoài 30 tuổi ), phiên dịch viên tiếng Việt thứ 2 cho Hội nhà báo Hàn Quốc lại mang dáng vẻ tự tin, pha chút gì đó kiêu kỳ quý phái của đàn bà thủ đô. Yi hình thức khá xinh và luôn ý thức điều đó. Sau ngày đầu, Seon bàn giao công việc cho Yi Da Sum làm phiên dịch 2 ngày tiếp theo ở Seoul ( Seon về thăm quê cuối tuần ). Dù lộ rõ chút vẻ kiêu kỳ, song Yi vẫn thể hiện được sự chu đáo, cẩn trọng, đủ độ thân tình. Cô nói tiếng Việt khá chuẩn, vốn từ và khả năng chuyên ngữ đều tốt hơn Seon ( có thời gian mấy năm học tiếng Việt tại Hà Nội ). Yi đã lấy chồng, có một con nhỏ. Khi dự lễ tiệc, cô tránh né việc ép rượu bia bằng câu đùa hóm hỉnh, rằng khi  về nhà còn phải cho con nhỏ bú tí “, song về khoản ăn thì tự nhiên cực kỳ.

          Khác hẳn với Seon và Yi, cô Kim-phiên dịch viên tiếng Việt thứ 3, người phiên dịch cho chúng tôi suốt 3 ngày ở đảo Jeju. Kim ( ngoài 30 tuổi, khuôn mặt vóc dáng điển hình người Triều Tiên cổ ). Cô chưa lập gia đình, định cư ở đất liền, thành phố Busan, được Hội nhà báo Hàn Quốc thuê phiên dịch, bay ra đảo Jeju trước, và đón chúng tôi khi xuống sân bay Jeju. Cô học tiếng Việt 4 năm tại đại học quốc gia ở Tp.Hồ Chí Minh, nói tiếng Việt khá tốt, vốn từ phong phú, kể cả những câu đùa tếu, pha chút tiếu lâm Việt. Về hình thức bên ngoài, thua kém hơn so với Seon và Yi. Quả là, cái vóc người thấp đậm, khuôn mặt hơi vuông, mắt xếch, lông mày đậm, khiến Kim giống chủng người Mông Cổ, vốn là tổ tiên của người Triều Tiên hiện đại ( người Triều Tiên hiện đại có nguồn gốc người Mông Cổ tràn sang từ thế kỷ 13 theo gót ngựa Nguyên Mông, pha trộn với người bản địa ). Cô luôn miệng bảo “ Em già rồi, ế rồi “. Khi cánh chúng tôi đùa, bảo lấy chồng Việt nam, thì cô cười to, so vai rụt cổ, bảo “ không dám đâu, đàn ông Việt nam kén vợ lắm”. Rồi cô kể chuyện, một bạn gái thân của cô, lấy chồng Việt, con một đại gia nào đó ở Sài Gòn, nhưng đã bị chồng bỏ rồi... Mấy ngày ở Jeju, cô Kim luôn nhắc đến “ Hải nữ “ và coi như đó là một sự “đặc biệt của đàn bà Jeju”. Xin nói thêm, ở xứ này, đàn bà ( chứ không phải đàn ông ) chuyên làm nghề vô cùng nặng nhọc là lặn biển để bắt hải sản. Họ trở nên nổi tiếng, và thậm chí còn lấy chồng sang cả Nhật Bản để hành nghề này.

          Một người nữa không thể không nhắc đến là, nữ nhân viên của Văn phòng Doosan, Lee Eun Young ( Management Division ) ở thành phố Ulsan. Khi một nhà báo trẻ lãng tử của đoàn Việt nam khen cô xinh đẹp thì mặt cô đỏ lựng, lúng túng nói lời cảm ơn bằng tiếng Anh. Quả là Lee khá xinh đẹp và duyên dáng. Song xin nói thêm, theo thông tin đáng tin cậy, thì có đến 80 % phụ nữ Hàn Quốc từng qua phẫu thuật thẩm mỹ. Lee, Yi và Seon cũng vậy, chỉ có Kim là thô mộc. Cũng chính vì phẫu thuật thậm mỹ, nên khi quan sát kỹ một chút, có thể thấy, phụ nữ Hàn Quốc nói chung, đều mang sắc thái dáng vẻ của một số loại hình khuôn mặt nhất định ( loại mẫu khuôn mặt ). Vì vậy, đi trên đường phố, nơi sinh hoạt cộng đồng, ta thấy họ cứ hao hao giống nhau khiến ta khó phân biệt, hoặc khi gặp một người ở chỗ này, lại thấy quen quen, là bởi giông giống một người nào đó mà ta từng gặp ở nơi  này nơi khác rồi ...

          Còn những người đàn bà Việt thì sao ?

          Hiện cộng đồng người Việt sinh sống ở xứ sở kim chi thuộc tốp đứng đầu ( cùng với người Mỹ và Trung  Quốc ). Theo ông Thái Ngụ, Chủ tịch Hội nhà báo Hà Tĩnh, một thành viên trong đoàn chúng tôi, thì riêng người Nghệ Tĩnh thôi, cũng đã có đến 4 vạn đang lao động tại Hàn Quốc.

          Ở đây, tôi chỉ xin nói đến dăm ba “ cô dâu Việt “ trong số hơn 500 phụ nữ Việt lấy chồng Hàn hiện đang sinh sống ở đảo Jeju.

          Người đầu tiên là H.A, quê Cà Mau ( đồng hương với nhà báo Nguyễn Bé, Chủ tịch Hội nhà báo Cà Mau, thành viên đoàn Việt Nam ). Cô sang đây được 4 năm rồi, làm nghề hướng dẫn viên viên du lịch tại công viên sinh thái HaLim, lấy chồng người Hàn ( nghề chăm sóc cây cảnh ở Halim ). Cô tỏ ra khá hài lòng với người chồng và cuộc sống hiện tại của mình.

          Người thứ hai, là NTH. Cô quê Thanh Hà, Hải Dương, sang đây vài ba năm, hiện mở quán ăn ( cơm phở Việt ) ngay trong khu Bảo tồn làng cổ thuộc Công viên Halim. Nói chung là họ cũng có thu nhập ổn định, cuộc sống không đến nỗi khó khăn.

          Người thứ ba, là T.V, người Hải Phòng. Hôm chúng tôi chờ tàu du lịch đưa ra vịnh biển câu cá, đoàn nghỉ chân tại quán cafe trên bến, tình cờ gặp cô đang phục vụ bàn trong quán. Có chi tiết hài hước, khi vừa gặp chúng tôi, cô đã nhanh nhảu nhận mình là người Hà Nội, qua lời tự giới thiệu “ I-em ... i em là người Hà Lội...”. Chúng tôi cười ồ, cô biết lỗi, khi đó mới thú nhận là người Thủy Nguyên, Hải Phòng... Cô sang đây được 3 năm, qua giới thiệu của một người bạn là “ cô dâu Việt “, cũng sự mai mối của một tổ chức nào đó. Gia đình nhà chồng đông tới 7 anh chị em, nhưng cô tỏ ra mãn nguyện vì hiện nay họ đã có gia đình và ở riêng hết, chỉ vợ chồng cô là sống chung với bố mẹ chồng. Nhìn chúng là dễ chịu.

          Người thứ tư, là K.N, quê Cần Thơ, sang được 4 năm, lấy chồng Hàn, công việc chủ yếu là phiên dịch tiếng Việt và PR cho công ty viễn thông báo chí. Cô cũng tỏ ra hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.

          Chúng tôi biết, hiện có tình trạng nhiều “cô dâu Việt” bị chồng và gia đình nhà chồng bạo hành với các lý do khác nhau, song vì chưa có điều kiện gặp và tìm hiểu kỹ lưỡng, nên không lạm bàn ở đây... Hẹn dịp khác vậy.

          Xin kết thúc phần viết này, bằng đôi chút thông tin về một nữ giới nữa hiện đang làm việc ở Hàn Quốc, đó là T.N, biên tập viên của VOV đang làm việc tại chương trình tiếng Việt của Đài KBS. Nhiều năm nay, VOV thường gửi chuyên gia sang làm việc giúp KBS theo chương trình hợp tác thường xuyên giữa hai bên. T.N sang mới được nửa năm, và sẽ làm việc trong thời hạn 1-2 năm tại KBS với mức lương khá cao. Ở VOV, cô từng làm ở Kênh truyền hình (VOVTV), chưa lập gia đình. Khi tôi đùa khuyên cô bé “Hay cháu ở lại, kiếm tấm chồng Hàn“, thì cô cười bảo: “ Chịu thôi “...

 

          8. ... & Sex

 

          Đến Jeju, có biết bao nhiêu điểm tham quan, thắng cảnh, song nếu không đến “ Love land “ ( Miền đất tình yêu ) thì coi như chưa đến Jeju. Có người nhắn gửi vậy, nên càng sinh háo hức. Vừa may, trong chương trình thăm thú Jeju có địa điểm này.

          Hôm ấy, trời mưa rả rích cả ngày. Sau khi lên Đỉnh Bình minh trong cơn mưa, tiếp đến là tua cưỡi ngựa, mệt nhoài rồi, chúng tôi được phía bạn đưa đến thăm “ Miền đất tình yêu “. Nói vậy cho thêm hấp dẫn, thực ra, đây là Bảo tàng sức khỏe và giới tính. Là gì thì gì, cũng xem cho biết, cho thỏa chí tò mò...

          Cái gọi là “Miền đất tình yêu” này được xây dựng thành một công viên khép kín, bên trong chia thành nhiều khu vực, có vườn hoa, cây cảnh, hồ nước, khu trưng bày và bán các dụng cụ sex cho người trưởng thành...Và đặc biệt nhất, là la liệt các tượng, khóm tượng về chủ đề sex, có nhiều tượng đơn lẻ thể hiện các tư thế, cách thức về tình dục, lại có hàng loạt các tượng, khóm tượng trình bày theo chủ đề về bộ phận sinh dục và mối quan hệ trong tình dục...

          Nói đến sex, thì phải bàn về “ văn hóa sex ”. Song bàn về lĩnh vực này thì vô cùng phong phú, có mà cả ngày, cả năm, cả đời cũng chẳng bao giờ cạn. Thôi thì, cụ thể hơn, là nghĩ và bàn về sức khỏe tình dục, hay trừu tượng hơn là đôi chút quan niệm về sex. Sâu xa hơn, lịch sử phong kiến cho thấy, một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, đều cấm kỵ cái việc viết và nói chuyện phòng the một cách công khai, trong khi vẫn coi tình dục là một trong “ tứ khoái “. Ngay cả khi, về các ngón nghề chơi bời, các bậc cao nhân quân tử xưa nay vốn thông thạo, thì vẫn cứ cấm kỵ việc bàn về nó ở chỗ đông người, và xem như việc này thuộc phạm vi đạo đức. Thế nên, dân gian mới có câu bỡn rằng: “ Ban ngày quan lớn như thần/ban đêm thì lại lần mần như ma “...

          Trở lại với chủ đề sex ở Jeju. Vườn tình ( Love land ), chắc chắn là sự biểu hiện một cách công khai, rõ ràng quan niệm về sex. Từ xã hội phong kiến, Hàn Quốc bước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với đó là kinh tế thị trường, là sự du nhập của văn hóa văn minh Âu Mỹ. Hẳn là, cũng đã từng có một cách mạng về tình dục ở đây, và sản phẩm của nó chính là những gì được trưng bày tại công viên-bảo tàng này. Quan trọng hơn, đó là quan niệm và cách nghĩ, cách hành xứ mới về sex trong đời sống xã hội hiện đại của họ.

          Thiển nghĩ, về sex, ở đây, chí ít là có sự rõ ràng, công khai. Để rồi theo đó, mà hành xử, theo hành lang pháp luật, trong phạm vi gia đình, quan hệ đôi lứa và ngoài xã hội...

         

 

         

          9. Vĩ thanh

 

          Điều tôi muốn bàn là tôn giáo. Hàn Quốc là quốc gia đa tôn giáo. Và cũng chỉ một nửa số dân Hàn Quốc theo tôn giáo. Trong số đó, gần một nửa là Phật giáo, tương đương với Phật giáo là Thiên chúa giáo; số còn lại, là Khổng giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác. Tuy chiếm một số lượng rất nhỏ ( chỉ chừng 1% trong số người có đạo nói chung ), song có thể nói, tư tưởng Khổng giáo ( Nho giáo ) lại ảnh hưởng và chi phối hầu hết mọi mặt xã hội Hàn Quốc.

          Điều này không có gì lạ, bởi cùng với Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên nói chung ( bao hàm Hàn Quốc ) trong lịch sử của mình, từng chịu ảnh hưởng sâu nặng của tư tưởng Khổng Mạnh và văn hóa Trung Hoa. Thế nên, giờ đây, cũng như Việt Nam ( và ngay bản thân Trung  Quốc ), thì đối với Hàn Quốc, Khổng giáo ( Nho giáo ) cũng chi phối và ảnh hưởng không chỉ riêng về khía cạnh tôn giáo, mà mạnh mẽ và bao trùm hơn, ấy là, tư tưởng Khổng Mạnh từ thời phong kiến đã ăn sâu, bám rễ, từng làm nên nền tảng của cả xã hội xưa cũ, nay vẫn chi phối đời sống xã hội nói chung...

          Thời gian ở Hàn Quốc, có lẽ họ cũng hiểu người Việt Nam chủ yếu mộ Phật giáo, nên khi đến mỗi địa phương, phía bạn đều đưa chúng tôi đến thăm viếng các ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng ở mỗi vùng. Ở Gwangju thì Bul Kuk Sa ( hiểu nôm na là chùa hang Phật ), chùa Phật quốc; còn ở Jeju thì thăm chùa Quan Âm...

          Ấn tượng nhất, là chùa hang Phật. Như tôi đã nói ở phần viết trước, địa chất Hàn Quốc thua thiệt hơn so với Trung Quốc và Việt Nam là không có cấu trúc địa chất đá vôi, nên trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc không hề có hang động. Chính vì vậy, chùa Bul Kuk Sa ở Gwangju, người ta đã phải tạo ra một hang động ( hang nhân tạo ), để rồi tạo bệ, tác tượng đá mà đặt vào đó mà thờ cúng. Cũng vì vậy, mà ngôi chùa này là sự đặc biệt, cũng là điểm thăm viếng nổi tiếng nhất trong hệ thống chùa chiền Phật giáo của xứ sở kim chi, cho cả người Hàn và khách du lịch phương xa...

          Có một điều cũng xin nêu ra ở đây, ở mỗi chùa chiền, chỉ duy nhất nơi chính điện, là được phép đặt một hòm, kiểu như hòm Công Đức như các chùa ở ta, mà bạn gọi là “Phúc điền” ( ruộng phúc ), chứ không quá nhiều và lạm thu như mình... Họ có cách quyên góp cho việc tu bổ chùa chiền khá hay, gọi là “ viên ngói lợp chùa “,  ấy là mỗi ai, khi đóng góp một khoản tiền nào đó, họ cho phép người ấy được viết tên và địa chỉ của mình vào một viên ngói, xếp để ở chùa đợi khi nào cần tu bổ thì sẽ lợp viên ngói ấy lên...

Họ cũng cấm quay phim chụp ảnh trong nội điện. Vì vậy, tôi cũng chỉ có những bức ảnh quang cảnh bên ngoài mà thôi.

          Xin kết thúc thiên phóng sự dài kỳ về Hàn Quốc, mặc dù vẫn còn nhiều điều muốn bàn...

 

 

 

 

Xứ sở Hoa hồng

 

 

Tôi có chuyến công tác nước ngoài khoảng hơn chục ngày, qua 3 quốc gia. VOV có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức phát thanh-truyền hình quốc gia và quốc tế. Trao đổi chương trình, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo song phương là công việc thường niên.

Chuyến công tác mà tôi tham gia với hành trình Hà Nội- Bắc Kinh- Sofia ( Bulgaria )- Pháp và về Hà Nội. Quả thật, tôi có tâm trạng khá háo hức trước chuyến đi. Với tôi, Pháp và Trung Quốc không lạ, bởi tôi đã qua lại công tác và học tập đôi ba lần, song Bulgari thì chưa từng. Đối với tôi, Bulgari được biết là một nước Đông Âu, một thời từng là thành viên của phe XHCN, và cũng đã từng tiếp nhận nhiều thế hệ cán bộ sinh viên Việt Nam sang học tập...

 

1. Đây rồi, Sofia

 

Thực ra, Bulgaria đã từng có một thời gian dài gây ấn tượng với không chỉ riêng tôi, ấy là đất nước được mệnh danh là "xứ sở hoa hồng"; và họ cũng đã từng ủng hộ cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của VN, với nhiều biểu hiện về vật chất và tinh thần, song rõ nhất, đó là sự hiện diện của một nữ thi sĩ nổi tiếng đương đại của Bulgaria- Blaga Dimitrova, cùng tác phẩm của bà viết về VN.

Thời sinh viên, tôi đã rất thích thú đọc hai tác phẩm của Blaga, ấy là " Ngày phán xử cuối cùng " và " Vậy giữa tình yêu ", trong đó, đặc biệt là chuyện bà nhận một em gái Việt ( có tên là HTH ) về là con nuôi, sau cô gái được theo học Piano của Học viện âm nhạc quốc gia Bulgaria tại Sofia.

Sau chuyến bay đêm dài hơn 12 giờ từ Bắc Kinh đến sân bay Charles de Gaulle ( CDG ), chúng tôi phải transit thêm 4 giờ nữa tại sân bay này, để rồi lại ngồi thêm 3 giờ nữa trên chuyến bay từ Pháp đi thủ đô Sofia ( Bulgaria ). Khá mệt, nhưng háo hức, bởi tất cả thành viên trong đoàn đều chưa từng đặt chân đến xứ sở này. Trong máy bay của hãng Bulgari Airlinnes, hành khách chủ yếu là người Bulgari, tôi đã được nghe thứ tiếng Bulgaria na ná với tiếng Nga ( cùng hệ ngữ Xlavtơ thì phải? ) mà tôi đã từng có nhiều năm học hồi phổ thông, đại học. Tôi vừa cố nghe vừa phỏng đoán, song thú thực là chẳng hiểu gì, ngoài những âm thanh quen quen. Những nữ tiếp viên hàng không cao ráo và duyên dáng, những hành khách đàn ông người Bul khá bảnh, lại gợi tôi nhớ đến anh chàng Dianov đẹp trai quả cảm và chàng Popov hài hước trong bộ phim truyền hình nhiều tập " Trên từng cây số " đã từng hấp dẫn biết bao người dân Việt Nam một thời...

Rồi tôi lại nhớ đến những lời nhà thơ Trần Đăng Khoa kể về những lần gặp gỡ bà Blaga và những nhà thờ cổ ở SofiaPlovdiv mà anh từng đến thăm trong chuyến sang xứ sở hoa hồng từ mấy chục năm trước. Tôi thiếp đi và bừng tỉnh khi nữ tiếp viên thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế Sofia.

Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi ngợp bởi sự đón tiếp chân tình và nồng hậu của phía bạn. Bước ra ngoài trời, bà trưởng ban Hợp tác quốc tế của Đài Phát thanh quốc gia Bulgaria bảo, thời tiết Bulgaria đang 18 độ C, nhưng mai thôi không chừng trời sẽ lại mưa lạnh. ( trong khi đó, ở Paris là 3 độ C ). Bà trưởng ban chỉ tay lên phía đỉnh núi xa xa, cười bảo " Mọi người có thấy không, đỉnh núi Vitosha của chúng tôi vẫn phủ đầy tuyết trắng. Mai kia, các bạn sẽ được lên trên đó để thăm một kỳ quan của đất nước chúng tôi, ấy là ngôi nhà thờ cổ, mà không chừng, còn được ngắm tuyết bay nữa cơ đấy... ".

 

2. Rừng trong phố.

 

Hành trình từ sân bay Charles de Gaulle ( Pháp ) đến Sofia mất 3 giờ. Lúc máy bay hạ độ cao lượn trên bầu trời Sofia, tôi ngồi sát cửa sổ nên có thể quan sát bao quát thủ đô Sofia từ trên cao. Chỉ thấy loáng thoáng nhà thấp tầng, thi thoảng có một số nhà cao tầng, còn đâu toàn là cây. Thời điểm này, mới là đầu xuân ở Châu Âu, thời tiết còn khá lạnh, lại thêm ít mưa nên cây cối còn trơ trụi trông như cây khô, thế nên, có cảm giác như máy bay đang bay ngang trên một khối củi khô khổng lồ.

Đồ chừng, có lẽ đây là vùng ngoại ô thôi. Nhưng thực ra đã là thủ đô rồi đó. Khách sạn chúng tôi ở thuộc loại 4 sao, khá sang trọng, và chỉ cách sân bay chừng 10 phút ô tô. Ngay buổi chiều, chúng tôi đến Đại sứ quán Việt Nam chào xã giao ngài đại sứ, cũng chỉ cách nơi chúng tôi ở 5 phút đi xe. Và sau đó, cũng chỉ chừng ấy thời gian, đã vào tới trung tâm Sofia rồi.

Đất nước Bulgaria nằm trên bán đảo Balkan, hiện hơn 7 triệu dân, còn thủ đô Sofia thì già 1 triệu, khá thưa người. Trung tâm thủ đô có thể nói, cũ kỹ nhiều hơn là cổ kính và khá nhỏ.

Ngoài phủ Tổng thống, văn phòng làm việc của Chính phủ, một vài trường đại học lớn, Sofia không có gì đáng chú ý, nếu như không có một hệ thống di tích và nhà thờ cổ. Tàu điện leng keng cũng chỉ góp phần cho người ta thấy cảm thấy vui vui, ngồ ngộ về một nhịp sống thanh nhàn, cũ kỹ của một thủ đô còn chưa bắt kịp được bước chuyển hiện đại nhanh chóng của hầu hết các trung tâm, đô thị lớn trên thế giới hiện nay. Duy chỉ có một điểm khá đặc biệt, là ngay trong phố xá lại san sát những khu rừng thưa, lớn nhỏ xen kẽ, khiến người ta có có cảm giác cả thành phố như một cái bánh ga-tô to tướng bị đem cắt nhỏ ra thành từng lát mà thôi. Song khi ngồi xe chạy trên phố, rồi luồn theo những ngả đường nhỏ, xuyên ngang rừng, thấp thoáng đó đây là những quán cafe, restaurant bằng gỗ ẩn náu kín đáo trong rừng, lúc ấy ta mới à lên thú vị, và rồi cảm nhận được sự tinh tế đầy chất thơ mộng cùa thành phố này...

Brick cafe và nhà hàng Vecelo Celo là một trong những quán như vậy. Song có thể nói, hai quán này thuộc diện nổi tiếng nhất ở Sofia, bởi hầu hết các khách ngoại giao và quốc tế đến Sofia đều được giới thiệu đến dùng bữa, dự tiệc chiêu đãi gala diner ở đây.

Khác với phong cách ăn ở ta, là khai vị bằng vang rồi chuyển sang rượu mạnh, còn ở đây, rượu khai vị của mỗi nhà hàng đều là rượu mạnh và chế phẩm riêng biệt của họ. Tiếp theo là rượu vang. Thông thường, mỗi bữa ăn, ít nhất có đến 3 loại vang được mang ra phục vụ khách, và bao giờ kết thúc bữa ăn, nhà hàng cũng phục vụ loại vang ngon nhất...

 

3. Hoa hồng & người Việt ở xứ sở hoa hồng.

 

Hoa Hồng Bun-ga-ri/Ôi loài hoa diệu kì!/Hoa ở đâu chẳng biết/Theo người hay gió bay/Từ thế kỷ mười bảy/Hoa về mọc nơi đây/Giữa bốn bề núi dựng/Một thung lũng hoa hồng/Mỗi năm một lần nở/Trời đất bắt đầu xuân...”.

Đây là một đoạn trích từ bài thơ “ Hoa hồng Bun-ga-ri“, tôi không rõ tác giả, và nghe đâu được đưa vào sách giáo khoa lớp 5 thì phải. Thời tôi còn đi học, chắc chắn SGK chưa có bài thơ này.

Thung lũng hoa hồng được nói đến trong bài thơ này là thung lũng ở Kazanluk của Bulgari. Trên đất nước này, hoa hồng được trồng ở nhiều nơi, song nổi tiếng nhất là vùng Kazanluk. Theo các tài liệu cổ, thì Tiểu Á mới là quê hương thứ thiệt của hoa hồng, và đến thế kỷ thứ 7 mới có mặt ở xứ sở này, song khí hậu, thổ nhưỡng của Bulgari, một đất nước nằm kề bên cả hai bờ biển là Hắc Hải và Địa Trung Hải, vô cùng thích hợp với loài hoa này. Truyền thuyết cho rằng, sở dĩ hoa hồng ở đây tuyệt đẹp là vì từng có một vị nữ thần hạ giới xuống đây và dùng máu của mình tưới lên hoa hồng. Thực ra, ai cũng hiểu, truyền thuyết chỉ nhằm tô điểm thêm cho sự tuyệt vời của hoa hồng xứ sở này mà thôi.

Mùa hoa hồng xứ sở này nở rộ là vào dịp cuối xuân đầu hạ theo thời tiết của Châu Âu, nghĩa là vào dịp tháng 5 và 6 hằng năm. Lẽ dĩ nhiên, tôi đến xứ hoa hồng vào trung tuần tháng 4, chưa phải mùa hoa hồng rộ, lại chỉ loanh quanh ở khu vực thủ đô Sofia và thành phố cổ Plovdiv ( cách thủ đô chừng 150 km ) vì thời gian có hạn, nên chưa có cơ hội “ mục sở thị “ thung lũng hoa hồng ở Kazanluk, hay chí ít vùng chuyên canh hoa hồng khác của xứ sở này. Tuy nhiên, bù lại, tôi được gặp gỡ các "bông hồng" xứ sở này và hẳn còn tuyệt diệu hơn cả hoa hồng, ấy là các cô nàng Bulgaria...

Riêng điều này thì tôi có tìm hiểu qua phía bạn và các cán bộ Việt Nam ở Đại sứ quán ta tại Bulgaria, và được biết, ấy là, vốn mệnh danh xứ sở hoa hồng, song xứ này chỉ trồng và chiết xuất tinh dầu hoa hồng, chứ việc sản xuất nước hoa tại đây thì còn yếu, mặc dù từ thế kỷ 17 họ đã biết cách chế nước hoa.  Bulgari xuất khẩu hương liệu hoa hồng cho các hãng nước hoa nổi tiếng khắp thế giới, nhất là Tây Âu ( Pháp, Italia ...), mỗi năm thu về vài ba tỷ USD. Nói vậy, không có nghĩa là không có nước hoa Bulgaria. Có đấy, song chủ yếu là phục vụ nội địa, và bán cho số ít khách du lịch đến đây, kiểu người tò mò muốn tìm hiểu. Bởi vậy, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn ở Sofia tràn ngập nước hoa, nhưng là các nhãn hiệu nổi tiếng ( Chanel No5, Dior, Piere Cardin, Burberry, Guerlain, Lancôme, Collection ...), và tuyệt nhiên, không hề thấy bất cứ một thương hiệu nước hoa nào của Bulgaria. Loại nước hoa phổ biến nhất của Bulgari mang nhãn hiệu Rose Refan chỉ thấy bán ở bar, quầy hàng lưu niệm tại các điểm du lịch hoặc sân bay quốc tế của Bulgari .

Nói thêm, ngoài hoa hồng, Bulgaria còn nổi tiếng là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển ở châu Âu. Những năm gần đây, Bulgaria có nhiều biến động về chính trị xã hội nên nông nghiệp bị buông lơi. Ngài đại sứ Việt Nam tại đây cho chúng tôi biết, đến rau xanh, họ cũng không cung cấp đủ dùng, mà phải nhập khẩu từ Hà Lan. Song gần đây, do Bulgari là thành viên của EU, vì thế EU đã phân công lao động, đầu tư tiền của để Bulgaria khôi phục lại nền nông nghiệp của mình, đặng tăng nông sản phục vụ chung cho EU.

Còn người Việt ở xứ sở này ra sao? Theo ngài đại sứ Việt Nam Lê Đức Lưu thì, đã từng có thời kỳ cao điểm, người Việt sinh sống và học tập, lao động ở Bulgaria lên con số dăm bảy chục nghìn, song đến thời điểm hiện tại, chỉ còn hơn 1 nghìn người, và cũng chỉ có vài ba trăm người Việt mang quốc tịch Bulgaria. Ít nhưng mà tinh. Các cháu học sinh con em người Việt ở đây học rất giỏi, thậm chí có cháu tham gia đội tuyển toán quốc tế của Bulgaria và giành Huy chương Bạc, đem vinh quang về cho xứ sở này. Theo tôi được biết, thời còn phe XHCN, thì cùng với Liên Xô cũ, một số nước Đông Âu khác là Ba Lan, CHDC Đức, Tiệp Khắc ( Sec và Slovakia ), Hungari, Rumani, Bulgaria đã tiếp nhận và đào tạo nhiều thế hệ lưu học sinh VN. Đặc biệt, Nhạc viên Sofia là nơi nhiều nhạc sĩ của VN từng học, trong đó có cố nhạc sĩ Hoàng Việt.... Sau này, khi cộng đồng XHCN tan rã, người Việt ta cũng sang Bulgari làm ăn rất đông, và đã có biết bao câu chuyện buồn của người Việt, cùng những hệ lụy về mặt xã hội để lại cho đất nước này...

Song, cái thời ấy cũng đã xa. Ta đổi mới, xứ bạn cũng đổi mới. Hẳn là câu chuyện hợp tác cùng phát triển sẽ là một câu chuyện dài...

 

4. Thành phố cổ Plovdiv.

 

Plovdiv là thành phố lớn thứ hai ở Bulgaria với số dân hơn 331 nghìn người theo điều tra dân số mới nhất năm 2011, sau thủ đô Sofia. Plovdiv có lịch sử kéo dài khoảng 6.000 năm, với dấu vết của một khu định cư thời kỳ đồ đá mới có niên đại khoảng 4.000 TCN. Người ta cho rằng, Plovdiv là thành phố có người định cư liên tục lâu đời nhất của châu Âu. Từ trước đến nay, thành phố là một trung tâm kinh tế, giao thông vận tải, văn hóa và giáo dục quan trọng của Bulgaria.

Được biết đến ở phương Tây, hầu hết lịch sử của thành phố này với tên Hy Lạp là Philippopolis. Ban đầu nó là một khu định cư Thracia trước khi trở thành một thành phố La Mã lớn. Trong thời Trung cổ, nó giữ lại tầm quan trọng chiến lược trong khu vực, thay đổi giữa các đế chế Byzantine và Bulgaria. Nó thuộc cai trị của đế chế Ottoman vào thế kỷ 14. Năm 1878, Plovdiv đã được chọn làm thủ phủ của khu vực tự trị của Ottoman Đông Rumelia, vào năm 1885, nó trở thành một phần của Bulgaria với sự thống nhất của khu vực đó và Công quốc Bulgaria... Plovdiv còn được mệnh danh là “ thành phố của bảy ngọn đồi “, bởi trong thực tế lịch sử hình thành, những cư dân đầu tiên đến định cư ở đây, đã xây nhà và sinh sống ở trong một khu vực có 7 ngọn đồi, rồi sau này, phát triển ngày một rộng thêm ra khu vực xung quanh tạo nên diện mạo thành phố như ngày nay ta thấy...

Có thể xem đây là lịch sử tóm tắt về sự hình thành của thành phố cổ Plovdiv mà ta không khó tìm kiếm qua tư liệu. Lại càng không khó để tìm kiếm những hình ảnh về thành phố này. Trước khi đi, tôi đã tìm đọc, song phải đến khi bước chân trên những phiến đá lát đường phố gập ghềnh quanh co trong một ngày đầu xuân mưa tầm tã, tôi mới ít nhiều cảm nhận được chiều sâu lịch sử của cổ thành Plovdiv.

Với một ngày ở Plovdiv, phía bạn chỉ đủ thời gian bố trí cho chúng tôi thăm và làm việc với Đài phát thanh Plodiv ( một trong 6 chi nhánh của Đài phát thanh quốc gia Bulgaria); thăm thú khu trung tâm và là khu cổ nhất của Plovdiv với một số địa điểm cụ thể như : Bức tường cổ nhất, ngôi nhà cổ nhất, bảo tàng cổ của thành phố, bảo tàng của danh họa Zlati Boiadgiez, nhà hát cổ, mua sắm trong các cửa hàng bán đồ lưu niệm ...

Gây ấn tượng đối với tôi là Bức tường cổ, rồi đó là bảo tàng thành phố, ngôi nhà cổ nhất và nhà hát cổ... Những gì ta thấy ngày nay, nhiều thứ đã có từ mấy ngàn năm trước.

Trước dấu tích cổ sơ, ta dễ đánh mất cảm giác về sự hiện hữu của mình... Với Plovdiv, tôi đã có cảm giác như vậy...

Không hiểu mọi người từng có cảm giác ấy chưa ?...

 

 

5. Nhà thờ cổ ở Sofia.

 

Sofia có mấy đặc trưng, thứ nhất là rừng trong phố ( như tôi đã mô tả ở phần 2 ký sự này ), thứ hai, ấy là hệ thống nhà thờ cổ. Chính hệ thống nhà thờ cổ, cùng với một số dấu tích làng cổ khác, mà Sofia được liệt vào hạng thành phố cổ ở Châu Âu.

“ Người nguyên thủy Thracian Serdi đã định cư ở đây vào thế kỷ XVII trước Công nguyên và đặt tên là Serdica, người Byzantines gọi Sofia là Triadisa, người Slavs gọi là Sledets. Thành phố được chính thức mang tên Sofia vào thế kỷ XIV theo tên vị Thánh La Mã St.Sofia. Trong tiếng Hy Lạp, Sofia có nghĩa là sự thông thái “. Đây là những thông tin ngắn gọn nhất, được người ta viết về sự cổ sơ của Sofia.

Dấu tích về một bức tường lớn xung quanh Serdica ( Sofia ngày nay ) do người La Mã xây dựng vào thế kỷ thứ III Tr.CN cho thấy thành phố này được hình thành rất sớm. Cùng với đó, hệ thống những nhà thờ cổ ở thành phố Sofia hiện còn tồn tại đến ngày nay là những minh chứng về giá trị cổ xưa của Sofia, như Nhà thờ Boyana, Tu viện Rila, Nhà thờ thánh Sofia...Và một trong những biểu tượng của Sofia là Nhà thờ Alexander Nevsky, đây cũng được xem là nhà thờ chính thống Phương Tây lớn nhất thế giới, là niềm tự hào của nhân dân Bulgaria. Nó được xây dựng theo phong cách La Mã, để tưởng niệm những người lính Nga đã hi sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng Bulgaria ( năm 1877-1878 ).

Song nổi tiếng nhất trong số các nhà thờ cổ còn tồn tại đến ngày nay ở Sofia, là nhà thờ Boyana tọa lạc lưng chùng núi Vitosha, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1979. Sau khi trùng tu, Boyana mang dáng vẻ như hiện có. Khác với hình dung của tôi, nhà thờ Boyana nhỏ, chỉ đủ chỗ cho khoảng 10 người một lượt tham quan, và bên trong, cả tường và vòm trần là những bức tranh thánh được về chồng lấn lên nhau, do nhiều họa sĩ vẽ ở các thời kỳ khác nhau. Và có thể nói, toàn bộ giá trị tôn giáo và nghệ thuật của Boyana dồn tụ ở các bức tranh thánh này. Không rõ nhà thờ này được xây dựng lần đầu vào thời gian nào, người trông coi và thuyết minh cho biết vậy, song các bức tranh thánh được vẽ trên tường và trần nhà thờ, thì sớm nhất là vào khoảng thế kỷ 11 sau CN. Khách tham quan tuyệt đối không được quay phim, chụp ảnh, thế nên, tôi chỉ có được những bức ảnh chụp quang cảnh bên ngoài.

Tuyệt vời nữa, buổi chiều hôm chúng tôi lên Vitosha để tham quan nhà thờ Boyana, trời có tuyết bay. Những bông tuyết tháng Tư cuối mùa nhỏ nhẹ lất phất bay mơ hồ, thoảng như có như không, làm nên sự huyền ảo của quang cảnh, đất trời xứ Hoa hồng ...

 

 

 

6. Vĩ thanh.

 

Tôi không thể không nhắc đến, những đồng nghiệp làm báo phát thanh ở xứ sở hoa hồng. Họ là những còn người yêu nghề, tận tụy với nghề. Thời phe XHCN còn hùng mạnh, cùng với Liên Xô, các quốc gia khác ở Đông và Nam Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Hungari, Rumani, Bulgaria,... ngành phát thanh-truyền hình đều phát triển rất mạnh, và đương nhiên, khi ấy, ngành Phát thanh & Truyền hình Việt Nam đều có quan hệ tốt đẹp với họ.

Khi Liên Xô sụp đổ, và hiệu ứng đô-mi-nô gây nên sự tan rã của cả hệ thống, mà hệ lụy của nó ít nhiều làm cho ngành PT-TH ở các quốc gia đó chao đảo, điêu đứng. Vì thế, về quan hệ ngành, giữa ta với họ cũng  bị đứt đoạn ít nhiều.

Nhưng rồi, những người làm nghề, yêu nghề, lại từng có mối quan hệ hợp tác mang tính truyền thống, thì du có khó khăn đến đâu, rốt cuộc cũng sẽ tìm lại nhau. Riêng với Đài Phát thanh quốc gia Bulgari, thì từ dăm năm nay, đã nối lại quan hệ hợp tác với VOV. Lần này, tại xứ sở hoa hồng, tôi cảm nhận được sự chân thành trong gặp gỡ, ứng xử, trao đổi công việc hợp tác từ cả hai phía. Những buổi thăm và làm việc tại Đài Phát thanh quốc gia Bulgaria ở thủ đô Sofia, hay ở Chi nhánh tại thành phố cổ Plovdiv đều rất thú vị. Yêu nghề và chân tình, tạo nên sự ấm áp trong ứng xử và hợp tác. Có một điều, không hẹn mà nên, ấy là cả hai bên đều đã rất quan tâm và thực tế đã tổ chức phát triển phát thanh trên Internet. Tới đây, sẽ có những nhà báo và nghệ sĩ của VOV sang đất nước hoa hồng giao lưu, tác nghiệp...

Trước khi kết thúc ký sự đường xa về xứ sở hoa hồng này, tôi vẫn muốn nhắc đến một người Việt Nam, ấy là người con gái nuôi của cố thi sĩ Blaga Dimitrova.

Như tôi đã nói đến ở phần đầu tiên của Ký sự này, ấy là khi Việt nam còn đang ở vào thời kỳ ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ Ngụy, Blaga Dimitrova đã từng sang Việt Nam. Nữ sĩ đã sáng tác 2 tác phẩm văn học tuyệt vời về đề tài Việt Nam, đó là tiểu thuyết du ký “ Ngày phán xử cuối cùng “ và tập thơ “ Vây giữa tình yêu “. Cùng với đó, bà nhận một người con nuôi Việt Nam, cô bé HTH ( sinh năm 1961, quê gốc Hải Phòng ) đưa về Bulgaria nuôi ăn học. Cô bé học piano ở Nhạc viện Sofia. Nghe nói, Blaga đã lập gia đình với một người đàn ông kém mình nhiều tuổi, bà không có con, nên có thể nói, HTH là con nuôi song cũng là người con duy nhất của bà. Bà cũng không chỉ là một nhà thơ đơn thuần trong lĩnh vực nghệ thuật, mà bước sang vũ đài chính trị, lên đến đỉnh cao quyền lực ( đối với một nhà thơ ), giữ cương vị Phó Tổng thống của Nhà nước Bulgaria mới. Trong quãng thời gian vinh quang này, bà đã từng đón tiếp nhiều đoàn văn nghệ sĩ Việt Nam sang thăm và làm việc với các hội chuyên ngành nghệ thuật của Bulgaria, trong đó có nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tôi cũng đã hơn một lần nghe Trần Đăng Khoa kể lại chuyện gặp gỡ với Blaga Dimitrova trên cương vị Phó Tổng thống thân thiết, nồng ấm và rất đỗi gian dị như thế nào. Giờ thì chỉ còn lại tác phẩm. Bà đã là người thiên cổ lâu rồi...Tiếc là thời gian ít và không có trong chương trình, nên tôi không thể đến viếng mộ bà với những đóa hồng Bulgaria trên tay !...

Sau nhiều năm không rõ, mới đây, trong chuyến sang Bulgaria, tôi có đánh tiếng hỏi phía bạn về cô, song họ cũng chỉ nói là biết việc ấy, chứ không rõ hiện cô ra sao. Mới đây, trước chuyến nhà thơ Trần Đăng Khoa đi Pháp dự Fevtival Thơ thế giới, anh có cho tôi biết là anh mới gặp HTH tại Hà Nội. Cô về Việt Nam, để về Hải Phòng thăm mẹ đẻ và gia đình tại quê, và hiện nay, cô không còn ở Bulgaria nữa, mà định cư tại Pháp mươi năm nay rồi. Nghe đâu, cô sống bằng nghề dạy và chơi đàn piano ở một nhà thờ nào đó...

Vậy thôi, một xứ sở với những con người, cũ và mới, thực tại và hoài niệm, cổ kính và hiện đại, mỗi thứ đều mang thân phận của riêng mình.

Dù thế nào, vẫn là một xứ sở xa xôi và hấp dẫn...

 

 

Loanh quanh Châu Âu

 

1. Amsterdam mùa thu,

 

Trước khi đến với Amsterdam, thủ đô của Hà Lan vào mùa thu năm 2012, tôi chỉ biết đến Hà Lan qua phim ảnh, sách báo, rằng đây là thủ đô của một đất nước thấp hơn mực nước biển cùng hệ thống đê biển, nổi tiếng về bò sữa, cối xay gió và bóng đá tổng lực với hình ảnh "cơn lốc màu da cam", cùng thế hệ cầu thủ tài ba như J.Cruijff, V. Basten, R.Gullit, F. Rijkaard, E. Davids P. Kluivert, C. Seedorf v.v...

Và tôi đã có cơ hội đặt chân đến xứ sở nổi tiếng này, trong dịp tham dự một khóa học về nền hành chính tại Học viện Hành chính quốc gia Pháp ( L’ ENA ). Từ Paris, tôi đến Amsterdam bằng xe hơi. Tuyến đường cao tốc nối từ Pháp xuyên qua nước Bỉ đến Amsterdam thật tuyệt vời. Xe lướt đều với tốc độ 120km/h nên chỉ quá trưa sang chiều, chúng tôi đã có mặt ở Amsterdam rồi. EU quả thật là không biên giới, các quốc qua thành viên thông nhau thuận tiện như chúng ta di chuyển trong một quốc gia vậy, nếu không có thông báo của phóng viên VOV tại Pháp thì chúng tôi cũng chẳng phân biệt được là mình đã sang đất Bỉ, rồi đất Hà Lan từ bao giờ...

Là nói vậy thôi, chứ quan sát quanh cảnh hai bên đường cũng có thể phỏng đoán khi vào đất Hà Lan, ấy là những cánh đồng cỏ với những đàn bò sữa thong thả gặm cỏ, ấy là những chiếc cối xay gió khổng lồ quay vòng chậm chạm... Và khi bắt gặp những kênh rạnh ngang dọc, thì biết là mình đã vào Amsterdam rồi.

Được biết, Amsterdam có lịch sử hình thành khoảng 800 năm, từ một làng chài nhỏ ven sông Amstel từ thế kỷ 12. Hà Lan là một quốc gia sớm nổi tiếng với việc đóng tàu thuyền và đi biển, nên từ thế kỷ 14, Amsterdam đã nhanh chóng phát triển thành trung tâm thương mại, tài chính của Hà Lan, châu Âu và thế giới. Ngày nay, Amsterdam được mở rộng trên cơ sở sông Amstel và những kênh rạch chằng chịt vây quanh, với quy mô dân số khoảng triệu rưỡi người...

Hôm ấy là một ngày mưa, mưa nhỏ nhưng dai dẳng. Sau khi lấy phòng khách sạn ở khu ngoại ô, chúng tôi vào trung tâm thành phố tham quan. Phố xá nhà cửa khá cổ kính, không cao tầng và chủ yếu phân tuyến theo hệ thống kênh rạch. Lá đã bắt đầu vàng, nhất là những phố bờ sông. Có lẽ, có một không hai trên thế giới, Amsterdam là thủ đô mà các khu phố được phân khu, xây dựng các tuyến phố bám dọc theo các kênh rạch, và điều ấy làm nên đặc sắc Amsterdam. Dù trời mưa tầm tã, ai cũng che ô, song vào dịp cuối tuần, quảng trường Dam vẫn đông đúc khách du lịch... Rời quảng trường trung tâm cổ kính, chúng tôi thả bộ dọc theo những tuyến phố nhỏ bở kênh, đó đây là những cây cẫu nhỏ nối đôi bờ duyên dáng, chốc chốc bắt gặp những con phố nhỏ, và khi đêm về, nghe nói ở đấy sẽ sáng đèn với những gian hàng trưng bày sex, ấy là khu đèn đỏ nổi tiếng De Wallen ( phố Đèn đỏ ). Dưới kênh, những con thuyền cho khách du lịch thuê đậu san sát nép dưới mưa.

Trên phố, thì cơ man những điểm để xe đạp, mỗi cái đều được chằng bảo vệ bởi những xích sắt cột vào điểm cố định. Chẳng thế mà Amsterdam còn được mệnh danh là " thành phố xe đạp "...

Buổi tối, chúng tôi trở lại khu phố De Wallen ( phố Đèn đỏ ) với mục đích " mục sở thị ". Là dân làm báo, đến được Amsterdam thì cũng không nên bỏ nỡ cơ hội xem cho biết loại hình này. Đầu tiên là bảo tàng Sex. Xin phép không viết chi tiết ở đây, bởi chỉ cần lên mạng gõ mấy từ khóa là bạn đọc tha hồ mà tìm hiểu. Với tôi, xem rồi, cũng thấy đây là nhu cầu bình thường của xã hội, là sản phẩm của xã hội và văn minh Âu Mỹ mà thôi.

Tối ấy, trời vẫn mưa, khi lất phất lúc nặng hạt, song khi phố De Wallen đông đặc người, khác hẳn với vẻ yên tĩnh xuềnh xoàng ban ngày. Người người chen chúc nhau, lép nhép dưới trời mưa, để mà tò mò nhìn ngắm cái khu phố nổi tiếng khắp thế giới này. Từ tuyến phố chính đến các con ngõ hẹp, các cửa hàng sex được bày ra dưới ánh đèn mờ ảo, các cô gái đủ các màu da, chủng tộc, gày béo đều có, chỉ mặc bikini hai mảnh đứng hoặc ngồi chào hàng trong một căn phòng phỏ rộng chừng dăm bảy mét vuông kính trong suốt. Cô thì mỉm cười chào khách, cô thì nhìn đâu đó, cô lại nhí nhoáy nghịch điện thoại di động. Hết tò mò, lại thấy cám cảnh thân phận con người. Sau đó, tôi có cảm hứng làm một bài thơ về cái phố này ( Bài thơ " Ma-nơ-canh phố Đèn đỏ " ). Chúng tôi cũng không ngại, mua vé xem thử một Sexshow thời lượng chừng 30 phút xem người ta làm trò gì ở đấy. Xem rồi, ẩn sau sự tò mò vẫn chỉ là sự xót xa về thân phận con người mà thôi. Rất tiếc, vì được dặn là không nên mang máy ảnh theo, hoặc có mang theo thì cùng không được chụp bởi các bảo vệ và dân bảo kê ở đây sẵn sàng tịch thu, đập máy ảnh, thậm chí gây sự hành hung bạn, nên tôi không có pô ảnh nào chụp cảnh phố Đèn đỏ này về đêm...

Cơn ngủ chập chờn trong đêm Amsterdam mưa tầm tã, mọi hình ảnh của Amsterdam thay nhau hiện về trong ý nghĩ. Sáng hôm sau, chúng tôi ra ngoại ô thăm làng Cối xay gió, ấy là làng Zaanse Schans. Làng này nằm kề bờ sông Zaanse mênh mông nước, cả khu làng có 13 chiếc cối xay gió kích cỡ khác nhau, trong đó có 6 cái cổ, lâu đời nhất được làm thừ thế kỷ 17, cách chúng ta khoảng 300 năm. Trời dở chứng, lúc nắng lúc mưa, và khách cũng tấp nập. Mọi người tha hồ mà lựa cảnh chụp ảnh thoải mái ( ở đây cũng có dịch vụ chụp ảnh rửa lấy ngay như ở ta, nhưng văn minh hơn là không bắt ép khách, nghĩa là thợ chụp cứ tha hổ chụp bạn, rồi khi bạn thăm thú thì họ làm ảnh, lúc quay trở ra, thấy ảnh mình được bầy trên khu riêng, nếu thấy thích, thấy ưng thì khách có thể chọn tấm ảnh nào sẽ tính tiền tấm ấy, không lấy cũng không sao ). Cùng đó, khách du lịch có thể lựa chọn mua sắm, nhất là thứ pho-mát Hà Lan nổi tiếng, hoặc cối xay gió souvenir...

Rời Amsterdam trở về Bruxelle ( Bỉ ), xe chúng tôi lại băng qua những cánh đồng cỏ nơi những chú bò sữa nhẩn nha gặm cỏ trong màn mưa nhẹ thanh bình...

 

 

2. Bruxelles, trái tim Châu Âu,

 

Cho đến thời điểm này, tôi đã đôi ba lần được đặt chân đến đất nước Bỉ ( Belgium ), ấy là một may mắn. Lần thứ nhất, đó là mùa thu năm 2012, khi tôi xuyên đất Bỉ để sang Amsterdam, Hà Lan ( như tôi đã kể trong bài viết về mùa thu ở Amsterdam ), và sau đó khi từ Hà Lan trở lại Paris, Pháp, tôi mới đến thăm Bruxelles, thủ đô của Bỉ. Còn lần nữa, mới mùa hè năm 2015...

" Brussels (tiếng Pháp: Bruxelles ), là thủ đô trên thực tế của Bỉ, của khu vực Vlaanderen ( gồm cả Cộng đồng Vlaanderen và Vùng Vlaanderen ) và Cộng đồng Pháp tại Bỉ, và cũng là nơi đặt trụ sở chính của các cơ quan Liên minh Châu Âu ( EU ). Vùng này cũng bao gồm thành phố Bruxelles là thủ đô về pháp lý của Bỉ, nằm ngay trung tâm của nước Bỉ, và cũng là thành phố tự trị lớn nhất trong khu vực Bruxelles. Bruxelles phát triển từ một thị trấn pháo đài thế kỷ 10, do một hậu duệ của Charlemagne thành lập và phát triển đến nay có hơn một triệu cư dân. Thành phố tự trị này có tên là thành phố Bruxelles, là một trong 19 thành phố tự trị tạo nên vùng thủ đô Bruxelles có dân số gần 15 vạn người, và tính chung vùng đô thị khoảng hơn 2 triêu người. Bruxelles cũng là nơi đặt trụ sở chính trị của NATO,... Tiếng Pháp và Hà Lan là các ngôn ngữ được sử dụng phổ biến ở đô thị này. Tất cả các bảng chỉ đường, tên đường, quảng cáo và hầu hết các dịch vụ được thể hiện bằng 2 ngôn ngữ này...",

Chúng ta có thể tìm hiểu sơ lược về thủ đô Bruxelles qua các trang mạng như vậy. Song nếu chỉ như thế thì có thể nói là vẫn chưa mấy hiểu về Bruxelles... Tại sao, người ta lại gọi Bruxelles là " trái tim Châu Âu ", trước hết, đơn giản bởi Trụ sở của EU và Trụ sở chính của NATO ( Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương ) cùng một số tổ chức khác của EU đều đặt ở Bruxelles... Khác với AmsterdamParis, Bruxelles đặc biệt cổ kính.

Và vào một ngày cuối thu, tôi đã đứng chân giữa khoảng không rộng thênh, cùng đông đúc khách du lịch tứ phương trên Quảng trường Lớn ( Grand Place ) rất cổ kính của một Bruxelles cổ kính. Quảng trường Lớn Bruxelles đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới năm 1998. Trước hết phải nhắc đến Tòa đô chính, nó được xây dựng từ năm 1402 theo kiến trúc Gothic, có tháp cao 97 m, trên đỉnh tháp là tượng thánh Michael, vị thánh bản mệnh của thành phố này. Có một câu chuyện khá thú vị về Tòa đô chính này, ấy là thời gian xây dựng khá lâu, lại được xây dựng theo kiểu xây thêm, chắp nối từng phần và hai cánh không cân xứng nhau. Đầu tiên người ta xây cánh trái ( 1.402 ), rồi tiếp đến cánh phải ( 1.444 ) và sau đó 5 năm nữa mới đến tòa tháp chính giữa để kết nối hai cánh với nhau. Tương truyền là kiến trúc sư Jean Van Ruysbroeck, người thiết kế chiếc tháp này, khi nhận thấy công trình của mình không nằm đúng ngay chính giữa của 2 cánh nhà, rồi vòm cửa chính lại cũng lệch trọng tâm của tòa tháp, nên ông ta đã phẫn uất mà "nhảy lầu" tự tử từ trên đỉnh tháp xuống quảng trường... Tận mắt nhìn ngắm sự lệch chuẩn của cửa tòa tháp và cửa chính, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, nhà kiến trúc thì tài ba lẫy lừng, rồi còn bao nhiêu người liên quan đến việc xây dựng, tại sao trong suốt quá trình xây dựng rất dài lại không một ai phát hiện ra sự bất đối xứng này, để đến khi hoàn thành mới thấy. Tự hỏi vậy, rồi tôi lại bật cười về câu hỏi ngớ ngẩn của mình. Nếu không có chuyện đó, thì đời sau và đến tận bây giờ, chúng ta đâu có chuyện gì để nhớ, để bàn luận về nó ? Cái gì tồn tại, đều có cái lý riêng của nó là vậy chăng ?!...

Đến quảng trường Lớn mà không biết, để rồi không chiêm ngưỡng một ngôi nhà hết sức đặc biệt ( nay đã thành bảo tàng, hay nhà lưu niệm ), ấy là nơi một nhà tư tưởng lớn của Cách mạng vô sản thế giới, Karl Heinrich Marx ( Các Mác ) đã tửng sống từ 1845- tháng 1848. Nơi đây, K. Marx đã nghiên cứu về "Hệ tư tưởng Đức", và viết cuốn "Sự khốn cùng của triết học" (1847), cho đến khi chính quyền Bỉ trục xuất Người ra khỏi nước này... Ngắm ngôi nhà từ các góc độ, đọc biển hiệu ngôi nhà, ngắm những chậu hoa trên ban công, tôi bâng khuâng nhớ lại hồi học phổ thông, khi được đọc những cuốn sách viết về K. Marx và mối tình bất hủ của Người với người bạn đời tuyệt vời là Jenny Marx ...

Dù lưu luyến đến mấy, tôi cũng đành phải rời ngôi nhà này để tranh thủ thăm thú nơi khác.  Biểu tượng "thằng bé đứng tè", thì ai đã đến Bruxelles cũng đều tìm đến cho thỏa tò mò. Tôi cùng mấy đồng nghiệp đã đến đây, chụp ảnh lưu niệm, không những thế, còn biết và tìm đến xem cả tượng "cô bé tè" nữa... Và chắc chắn, không thể không dùng bữa trưa ăn nhẹ, nhấm nháp thứ bia đỏ của Bỉ ngon nổi tiếng trong một nhà hàng mà ngoài cửa có biểu tượng copy " thằng bé đứng tè "...

Sau bữa trưa, lại tiếp tục thăm thú Bruxelles, lên điểm cao để ngắm thành phố từ tầm cao, rồi chiều về, đến thăm Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại đây. Biết chặng đường từ Bruxelles về Paris là 300 km, song chúng tôi không nỡ từ chối bữa cơm tối ở một nhà hàng Việt Nam mà các đồng nghiệp TTXVN nhiệt tình mời.

Các món ăn Việt, đậu phụ rán, dưa chua, canh cua, thịt lợn rang và vài món xào, cơ bản kiểu Việt, nhưng khi ăn, kỹ ra thì thấy cũng chế biến đi một chút cho hợp khẩu vị khách Tây... Chị chủ quán tên Hà thì phải, người Hà Nội, tuổi ngoại ngũ tuần, dáng vẻ và kiểu nói chuyện dễ ưa, sang định cư chừng hơn hai chục năm rồi. Qua câu chuyện, tôi hiểu được phần nào đời sống của cộng đồng người Việt ở đây, họ phần lớn làm nghề dịch vụ ăn uống, và cuộc sống cũng khá ổn định.

Lên xe về lại Paris, tôi thiếp đi trong nỗi mệt dìu dịu...

 

 

3. Brugge, “ Venice Phương Bắc

 

Thực ra, tôi đã có thể đến mảnh đất được mệnh danh là “Venice Phương Bắc” này từ mùa thu năm 2012, chứ đâu phải đợi thêm mấy năm nữa, cho đến mùa hè năm 2015.

Số là, sau khi thăm Amsterdam, trên đường trở lại Paris, anh chàng VOV Paris thông báo rằng, chỉ ghé qua Bruxelles gọi là cho biết, thời gian còn lại dành đến thăm Brugge, vùng đất đẹp như cổ tích. Nhưng rồi, sau vài cú điện thoại dọn đường, chàng ta ái ngại bảo: “ Brugge đang mưa tầm tã, thời tiết này thì vẻ đẹp Brugge giảm đi một nửa...”. Thôi đành đợi dịp khác vậy...

May thay, dịp chờ đợi ấy đã tới. Mùa hè này, trong chuyến công tác đi mấy nước Đông Âu, có vài ngày dừng chân ở Paris, tôi dành để đi thăm Brugge. Vẫn anh chàng VOV Paris cầm lái, trên đường đi, câu chuyện của mọi người chỉ loanh quanh về Brugge mà thôi. Khi xe vào đến rìa thành phố Brugge, vẫn chưa thấy có gì đặc biệt cả. Dường như cảm nhận được điều này, chàng VOV Paris bảo: “ Chút nữa, vào khu vực Trung tâm lịch sử, hầu như, mọi vẻ đẹp tuyệt diệu của Brugge dồn tụ ở đấy “. Và rồi, Trung tâm lịch sử Brugge đã hiện ra, trước hết là những ngôi nhà cổ kề bên những đường phố nhỏ lát gạch, đá cổ... Đó đây, đã thấy nhiều khác du lịch từng tốp tản bộ...

Quảng trường trung tâm thành phố Brugge hiện ra với vẻ cổ kính và tráng lệ. Giữa biết bao công trình kiến trúc tuyệt mỹ, gây ấn tượng và dễ nhận thấy nhất là Tháp chuông. Nghe nói, Tháp chuông có chiều cao 83m. Nó được xây dựng lần đầu tiên năm 1.240, và đến năm 1280, Tháp chuông này đã bị thiêu cháy hoàn toàn trong một trận hỏa hoạn.  Mãi đến năm 1.300, người ta cho xây lại Tháp chuông. Bên trong tháp có cầu thang dẫn lên đỉnh tháp, phải leo qua 366 bậc thang để lên được đến ngọn tháp, nếu ai muốn ngắm toàn cảnh thành phố Brugge. Từ đây, ta sẽ có cái nhìn tổng quan về cả khu vực Trung tâm lịch sử cũng như cả thành phố Brugge. Tháp chuông này là một trong số không nhiều tháp chuông  được Tổ chức Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Brugge (tiếng Pháp: Bruges) là thủ phủ của tỉnh Tây Flanders, ở về phía tây bắc Bỉ. Trung tâm lịch sử của thành phố là một di sản thế giới UNESCO. Brugge là thành phố lớn nhất tại vương quốc Bỉ, có diện tích khoảng gần 14 nghìn hec-ta, trong đó có hơn một nghìn hec-ta bờ biển,... Brugge thu hút đông khách du lịch đặc biệt là các đôi tình nhân, vì thế, cũng có thể nói rằng, Brugge là mảnh đất của tình yêu đôi lứa...

Kiến trúc của Brugge hầu như giữ được kiến trúc từ thời Trung cổ cho đến giờ. Nơi tập trung nhiều công trình kiến trúc nhất, cũng là nơi có nhiều công trình kiến trúc giá trị nhất là khu vực Trung tâm lịch sử Brugge. Cùng với Tháp chuông, có thể kể đến Tòa thị chính, Nhà thờ Đức Mẹ, Tượng điêu khác Madonna và con trai do Danh họa Michelangelo thực hiện, Giáo đường Saint-Salvator, Nhà thờ Máu thiêng Heilig-Bloedbasiliek v.v...

Trong suốt khoảng thời gian từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15, Brugge là trung tâm buôn bán sầm uất bởi hệ thống kênh rạch ở đây thích hợp cho tàu bè qua lại giao thương. Thời ấy, Brugge nổi tiếng bởi các sản phẩm bông, len chất lượng cao. Các thương gia trong ngoài nước đều tìm đến đây làm ăn và gắn bó với mảnh đất này. Tuy nhiên, sau thế kỷ 15, những biến cố lịch sử đã làm thay đổi diện mạo của Brugge. Cùng với đó, hệ thống kênh đào chính của Brugge bị nghẽn bùn khiến cho cả thành phố chìm dần vào suy thoái, và đã có nhiều người rời bỏ thành phố, tìm đến vùng đất mới sinh sống... Nhưng rồi, Brugge lại dần hồi sinh và vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính tuyệt diệu như ta thấy ngày nay...

Mê mẩn với các công trình kiến trúc cổ kính, chúng tôi lại tha thẩn theo những con phố nhỏ với cơ man của hàng souvenir. Mỗi người đều lựa chọn mua cho mình vài ba món đồ lưu niệm. Riêng mình, tôi mua được chiếc chân nến cổ và một chiếc túi xach hand-made... Rồi nữa, cứ theo dọc bờ kênh, nhìn ngắm không chán mắt những ngôi nhà cổ, những hàng cây ngả soi bóng trên mặt nước trong xanh, những câu cầu cổ, những chiếc xuồng chở đầy khách du lịch, những quán bia Bỉ đông người... Có thể nói, kiến trúc, thiên nhiên, con người hòa quện với nhau làm nên sự kỳ diệu và vẻ đẹp cổ tích cho thành phố này...

Quá trưa, chúng tôi dùng bữa tại một quán ăn kế bên quảng trường trung tâm thành phố, bia đỏ nhắm với vài ba món hải sản địa phương, cùng bánh mì phết bơ tỏi nướng thật ngon miệng... Chỉ đến khi nhấp từng ngụm bia, tôi mới cảm nhận được nhịp chậm của cuộc sống nơi đây và thai nghén những câu thơ: “... Sống/nhịp chậm/ngưng đọng/như không/chảy/người/ nơi đây/như chẳng thể già,/cứ thiên nhiên/những cỏ/ cùng hoa/ta/ như tan/hòa vào tĩnh lặng...”

Nắng hè tràn ngập quảng trường. Trời không quá nóng. Ở trong bóng râm lại cảm nhận được cái lạnh se se. Nghe nói trước đó, Châu Âu, nhất là mấy quốc gia Nam Âu vừa trải qua một đợt nắng nóng đỉnh điểm lên tới 39 độ C. Brugge mang khí hậu biển nên ít khi bị nóng bức, ấy cũng là nhờ trời ban tặng cho mảnh đất tuyệt vời này. Ôi, những ngôi nhà kia được xây dựng từ bao giờ ? Và trong mỗi ngôi nhà ấy, đã có bao nhiêu chủ nhân từng sống ở đó ? Để giờ đây, tất thảy đều trở thành bảo tàng sống, lưu giữ cho nhân loại giá trị văn hóa kiến trúc vô giá. Để cho ta thấy diện mạo của lịch sử xa xưa...

Nhấp từng ngụm bia tuyệt diệu, tôi thầm nghĩ như vậy !...

 

 

4. Chạm mặt thành Viên,

 

Thực lòng mà nói, tôi không dám nghĩ đến một ngày nào đó được đặt chân lên hè phố thành Viên ( Vienne ) của nước Cộng hòa Áo. Đơn giản, bởi quan hệ công việc thì không, mà du lịch cũng khó lắm thay. Một khi đã không nghĩ đến thì cũng chẳng mơ mộng làm gì.

Rồi một ngày, cô nhà báo đàn em đến nộp báo cáo công tác sau chuyến cô được một tổ chức khoa học và giáo dục nọ có trụ sở ở Paris mời đi thực tế nửa tháng tại Châu Âu. Cô kể rằng, ngoài Pháp thì cô còn đi được Bỉ, Đức, Séc, Slovakia, và đặc biệt là Áo.  Trong lộn xộn câu chuyện của mình, cô đặc biệt ấn tượng và khen  thủ đô Viên của Áo là tuyệt vời. Vậy là cái ao ước được ít nhất một lần đến Viên chợt nảy sinh trong tôi...

Và cơ may đã đến. Trong chuyến công tác mùa hè năm 2015 đến Cộng hòa Séc, lịch công việc có một ngày thăm thú, mua sắm, lại được biết đường bộ từ Praha đến Viên chỉ khoảng 300 km, thế là chúng tôi lên lịch đánh đổi ngày thăm thú ở Praha để đi Viên.

Thủ đô Viên ở phía Tây Nam của Séc. Xuất phát từ Praha lúc mờ sớm, sau hàng trăm cây số đường cao tốc, xe rẽ vào đường ngang rồi cứ thế băng qua các làng mạc, cánh đồng của Séc, và biên giới của Áo chẳng mấy chốc đã hiện ra. Khi đã sang đất Áo, chúng tôi xuyên ngang cánh đồng bạt ngàn hoa hướng dương. Cảnh đẹp không đừng, chúng tôi xin lái xe nghỉ một chút để tranh thủ chụp ảnh.

Cứ thế, sông Danube ( Đa-nuyp ) đã trước mặt rồi. Cảm xúc thật khó nói, bởi đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy dòng Danube, sau nhiều năm được biết đến dòng sông này qua phim ảnh, âm nhạc, và đặc biệt là bản nhạc nổi tiếng Le beau Danube bleu( Dòng Đa-nuyp xanh ) của Johann Strauss II. Vậy là đã đến thành Viên tráng lệ của CH Áo ngày nay (  Đế chế Áo Hung xưa kia ).

Thời gian ít và nhờ có sự hướng dẫn, chúng tôi không lan man, chỉ chọn thăm một số công trình kiến trúc, di sản văn hóa lịch sử nổi tiếng nhất ở Trung tâm thành Viên, như Nhà hát Opera Quốc gia, Tòa thị chính, Công viên Hoàng cung, Cung điện mùa đông, Tượng hoàng hậu Sissi, Cung điện mùa hè...

Trước Tòa thị chính, đang có lễ hội hay triển lãm ngoài trời gì đó, nên rất đông khách du lịch. Đúng trưa, chúng tôi dùng bữa với suất ăn cùng bia. Trong lúc ăn trưa, người dẫn đường ( tour gaide ) vốn là một người Hà Nội gốc, sang Tiếp Khắc cũ học tập rồi định cư tại Praha, đã say sưa thuyết minh về công trình kiến trúc Tòa thị chính, và nhất là Nhà hát Opera quốc gia Áo, tọa lạc đối diện với tòa thị chính. Theo anh ta, từ khi còn nhỏ tuổi, nổi tiếng là thần đồng âm nhạc, Mozart thường xuyên biểu diễn và kiếm sống tại chính nhà hát này. Đâu đây còn phảng phất hình bóng của người nhạc sĩ thiên tài song bạc mệnh này?... Tiếc là không phải ngày Nhà hát mở cửa cho khách du lịch vào chiêm ngưỡng, nên mọi người đành chụp ảnh lưu niệm bên tấm biển đồng của nhà hát mà thôi. Giờ nhìn ngắm tận mắt, lịch sử xa xưa như hiện về, một thời oanh liệt của Đế chế Áo Hung... Xưa nay, người ta mệnh danh cho Viên là thành phố của kiến trúc và “thủ đô của âm nhạc thế giới”, bởi liến trúc thì đặc sắc, còn hai loại hình nghệ thuật là âm nhạc và kịch được các vương triều xa xưa của Áo và châu Âu nói chung ưa chuộng. Thêm nữa, cùng với Mozart, Beethoven, Gluck, Haydn, Schubert, Johans Strauss đều được sinh ra từ đây... Viên có đến 300 nhà hát kịch và phòng hòa nhạc. Ngày nay, nghe nói, vào những tháng mùa hè, tại quảng trường trước Tòa thị chính, người ta hay tổ chức các buổi nhạc kịch, ca nhạc, opera và chiếu phim trên màn hình lớn phục vụ công chúng và khách du lịch, cùng với đó là các quầy, bar ẩm thực phong phú, đặc sắc của nhiều nước trên thế giới...

Sau khi thăm Công viên Hoàng gia và Cung điện Hoàng gia Hofburg ( Cung điện mùa đông ), chúng tôi thăm khu Bảo tàng Sissi và đặc biệt là Tượng hoàng hậu Sissi ngoài trời trên quảng trường của khu bảo tàng này. Khối tượng lớn với tượng hoàng hậu Sissi trên cao nhất, bốn mặt là tượng các nhân vật trong vương triều Áo Hung, nhân vật lịch sử liên quan đến cuộc đời của vị hoàng hậu nổi tiếng này. Người đàn bà quấy động cả chính trường châu Âu một thời gian dài, không phải vì can thiệp vào chính giới, mà bởi sắc đẹp, tính tình phóng khoáng, yêu thơ và làm thơ, thích du lịch đó đây, phong cách sinh hoạt giản dị, dám phá vỡ nhiều lễ giáo, lề thói phong kiến châu Âu, nội tâm sâu sắc, có đời sống riêng tư nhiều đau khổ, cô đơn bởi khác người, và cuối cùng bị ám sát bởi một kẻ tiểu nhân người Italia điên rồ bệnh hoạn... Người đàn bà huyền thoại ấy đã đi vào lịch sử nước Áo nửa cuối thế kỉ 19, là hoàng hậu Elisabeth d’ Autrice của hoàng đế Franz Joseph và được gọi một cách yêu mến là Sissi.  Các nhà điện ảnh thế giới đã từng lấy cảm hứng sáng tạo từ vị hoàng hậu nổi tiếng này ( Phim “Hoàng hậu Sissi”, được sản xuất năm 1955, vai nữ chính do ngôi sao điện ảnh Romy Schneider đóng, trước tiên và nổi tiếng hơn cả ).

Rồi tiếp đó là Cung điện Schonbrunn, do kiến trúc sư Johann Bernhard Fischer von Erlach thiết kế xây dựng, là một trong các cung điện quan trọng nhât về văn hóa ở nước Áo, được làm theo kiến trúc Baroque ( Ba-rốc ) và là nơi nghỉ ngơi vào mùa hè của hoàng gia Áo vì thế cung điện này còn được gọi là Cung điện mùa hè. Cung điện Schonbrunn gồm 1.441 phòng và có một vườn hoa vô cùng lớn với những kiến trúc tuyệt đẹp theo kiểu Pháp. Ở đây, ta còn bắt gặp 32 bức tượng và cả những cụm kiến trúc theo kiểu Hồi giáo. Quang cảnh thật của cung điện và khu vườn này đã từng được sử dụng làm phim trường bộ phim “Hoàng hậu Sissi”. Nghe đâu, bây giờ, ngoài điểm du lịch thu hút khách, nó còn được sử dụng kiếu dịch vụ cho thuê phòng như khách sạn với giá rất đắt, nếu ai muốn được hưởng thụ đời sống đế vương...

Chiều đã dần ngả bóng trên bầu trời thành Viên, những tia nắng hè chiếu lấp lóa trên các bức tượng và xuyên những lối đi với những hàng cây sâu hút tĩnh lặng... Khách du lịch khá đông, song chẳng thấm tháp gì với khu vườn rộng mênh mông, nên tiếng người cũng như chìm đi, hòa vào tiếng gió trên những hàng cây. Lặng nhìn bốn phía, ta có cảm giác như mất hút, như tan biến vào không gian thành Viên...

Chúng tôi lên xe để trở về Praha. Tạm biệt nhé thành Viên, tạm biệt nhé dòng Danube xanh. Trời dần dày mây, rồi mưa mỗi lúc nặng hạt. Xe xuyên màn mưa, xuyên những cánh đồng lúa mạch, cánh đồng hướng dương nước Áo, rồi cách đồng làng mạc Séc.

Xe dừng chân ở một trạm nghỉ bên đường nơi biên giới Áo-Séc. Mưa rả rích làm trời se lạnh, khiến chúng tôi phải mượn tách café nóng để tìm hơi ấm...

 

 

Để nhớ về Tiệp Khắc một thời đã xưa...

 

        1. Praha vàng, chấm phá...

         

          Cái tên “ Praha vàng “ thì tôi đã nghe lâu rồi. Xa hơn nữa, thủ đô Praha của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc vốn cũng rất nổi tiếng với người Việt Nam từ giữa thế kỷ trước, khi mà phe XHCN còn hùng mạnh dưới sự dẫn dắt đầu tầu của Liên Xô. Ở vào thời kỳ ấy, cùng với Liên Xô, thì Cộng hòa dân chủ Đức và Tiệp Khắc được xem là những nước giàu đẹp, có tiềm lực kinh tế mạnh và phát triển hơn cả.

          Ngày tôi còn đi học phổ thông, những ai được sang Tiệp Khắc học  tập, học đại học và cao hơn, hoặc thấp hơn là công nhân kỹ thuật thôi, cũng được xem là danh giá lắm. Sau này, lại có một thời kỳ, ta xuất khẩu lao động sang Tiệp Khắc khá nhiều.  Sau khi phe XHCN tan rã, trong khi nước Đức thống nhất, thì Liên Xô và Tiệp Khắc lại tái phân chia. Vốn là hai quốc gia riêng là Séc ( Czech ) và Slovakia, được ngăn cách bởi dãy núi Bô-hêm, nhập  thành một nhà nước Tiệp Khắc, rồi lại phân chia thành đôi. Thời kỳ này, người Việt và một số nước Đông Âu tìm đến và định cư tại CH Séc đông lắm. Đến mức, năm 2013, cộng đồng người Việt ở Séc được chính phủ nước này công nhận là dân tộc thứ 14 của họ ( trước đấy người Ukraina được công nhận là dân tộc thứ 13 ).

          Vậy là, cuối xuân năm 2014, tôi đã lần đầu tới Praha, với tư cách là Trường đoàn công tác của VOV ( thành viên trong còn có cán bộ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Tài chính ), sang Séc để xúc tiến việc mở Cơ quan đại diện của VOV tại Séc và Đông Âu.

          Đã cuối xuân, nhưng thời tiết ở Praha khá lạnh, đêm và sáng nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C.  Khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Praha, thời tiết thật lý tưởng, hệt như tiết cuối thu vậy, trời trong xanh, nắng vàng như mật giót. Nghe nói, trước đó cả tuần trời dày mây và hay có mưa. Xe men theo những con phố dọc bờ sông Vtava, tận mắt nhìn những ngôi nhà, công trình kiến trúc cổ kính đều một gam vàng, mới hiểu tại sao người ta gọi thủ đô này là “ Praha vàng”...

Praha nằm bên sông Vltava và được xây dựng trên 9 ngọn đồi, còn được gọi là "thành phố của hàng trăm chóp nón". Từ năm 1992, trung tâm của Thành phố đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Theo Sách Kỷ lục Guinness, Lâu đài Praha là lâu đài cổ lớn nhất trên thế giới.

Gần một tuần ở Praha, cùng với công việc chính tại Đại sứ quán Việt Nam và một số cơ quan của Séc, chúng tôi tranh thủ thăm thú các công trình, di sản lịch sử, văn hóa, kiến trúc đây. Kiến trúc cổ kính và tuyệt vời như vậy, không thể thăm hết và kể ra chẳng xuể, nên chỉ nêu ra vài ba nơi chốn thật đặc biệt mà thôi...

Lâu đài Praha - một công trình kiến trúc tuyệt vời, là tổ hợp lâu đài lớn nhất ở châu Âu - là nơi ẩn chứa nhiều lịch sử của Praha. Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 9, cho tới nửa sau thế kỷ 18, lâu đài này nhiều lần từng được mở rộng, và hoàn thiện. Đây là nơi các vị vua Séc, các Hoàng đế của Đế quốc La Mã thần thánh và cả các vị tổng thống sau này ngự trị. Hầu như, các phong cách kiến trúc lớn của châu Âu từ thế kỷ 19 đều hiện diện tại đây. Đó có thể là đại thánh đường St. Vitus với phong cách Gothique, tòa nhà đã được xây dựng nhiều lần trong 6 thế kỷ và nội thất ngày nay là một điển hình của kiến trúc La Mã cổ. Đó cũng có thể là các công trình mang phong cách Phục hưng do các vị vua triều Habsburgs dựng lên từ sau thế kỷ 16. Quảng trường bên ngoài Lâu đài, từ đây với tầm cao lý tưởng, ta có thể phóng tầm mắt bao quát gần hết thành phố Praha. Hôm chúng tôi đến thăm Lâu đài là vào buổi chiều. Sau khi quan sát Praha từ trên cao tràn ngập trong nắng vàng, chúng tôi tha thẩn vào thăm khu Lâu đài. Thật choáng ngợp bởi các công trình kiến trúc. Lặng ngắm những chóp nhọn nhà thơ cổ chọc lên bầu trời xanh bị cắt chia chằng chịt bởi các vệt khói trắng từ các máy bay thương mại châu Âu bay ngang dọc bầu trời Praha, cảm giác mình thật bé nhỏ và cô độc trong không gian thực mà như ảo mộng...

Cầu Charles cũng là một điểm nổi tiếng ở Praha cũng không nên bỏ qua. Dân ta ở bên ấy gọi nôm na là Cầu Tình. Đây là cây cầu cổ nhất tại Praha, được xây dựng từ năm 1342, với 16 nhịp, được trang trí bằng 30 bức tượng tôn giáo, trước kia được đặt tên là Cầu đá, hay cầu Praha, từ năm 1870 được đổi tên thành cầu Charles. Tương truyền rằng, khi xây cầu, họ đã cho thêm lòng đỏ trứng vào vữa để thêm phần chắc chắn ( kiểu như ở ta các thợ xây ngày xưa trộn thêm mật vào vữa bắt mạch để gia tăng sự kết dính ). Có lẽ thế mà cây cầu vẫn đứng vững đã gần bảy thế kỷ nay, trải qua bao mùa mưa nắng, lũ lụt và là cây cầu đá lâu đời nhất châu Âu vẫn còn được sử dụng. Hai đầu cầu là hai pháo đài, nối liền hai phần của thành phố. Còn tại sao được gọi là Cầu Tình, là bởi các cặp tình nhân mỗi chiều ta hay đưa nhau lên đây ngắm hoàng hôn dát vàng trên thành phố nhất là mỗi độ thu sang. Và cũng như những cây cầu tình yêu khác trên khắp trái đất này, để thể hiện tình yêu chung thủy, họ cột những chiếc khóa tình yêu vào những nơi có thể trên thành cây cầu này.

Một công trình kiến trúc hết sức đặc biệt ở đây là Tòa nhà Khiêu vũ, Tòa nhà nhảy múa ( tiếng Séc là Tančící Dům ). Công trình này do kiến trúc sư Vlado Milunić người Croatia gốc Séc và Frank Gehry người Canada tạo nên. Họ đã phải chịu sự phản đối kịch liệt khi thiết kế công trình này bởi sự khác biệt của nó, nhất là ở một nơi có thống trị của lối kiến Baroque, Gothic cổ đặc trưng của Praha. Bất chấp sự phản đối ban đầu đó, Tancici Dum, theo cách gọi của người Séc, đã trở thành một thắng cảnh được nhiều người yêu thích ở Prague. Tòa nhà này thậm chí còn được in trên đồng xu của Séc vào năm 2012. Dân Việt ta ở đó thì gọi nôm na là Tòa nhà Gái nhảy. Cái tên gọi này khiến người ta có thể bật cười và suy diễn lung tung. Dẫu sao, như cái cách nó tồn tại kể từ khi khánh thành vào năm 1996 cho đến nay, tòa nhà này vẫn có một vị trí nhất định, có cái để mà người dân Praha bàn luận và sau nữa là giới thiệu cho hết thảy những ai lần đầu đặt chân đến đây.

Vì tòa nhà này ở cách Lãnh sự quán Việt Nam chừng vài trăm bước chân, nên khi ngay từ buổi đầu đến Praha, chúng tôi đã có thể đứng ngay dưới chân tòa nhà, tha hồ ngắm và chụp ảnh.

Đó chỉ là đôi nét chấm phá của một Praha vàng...

 

 

2. Địa danh gắn với tên một Liên hoan phim,

 

Ấy là thành phố Karlovy Vary.

Thành phố này gắn với một Liên hoan phim quốc tế nổi tiếng-Liên hoan phim Karlovy Vary (  Karlovy Vary film festival ).

Mặc dù được thành lập từ nửa cuối thế kỷ 14 ( năm 1370 ), có kiến trúc đẹp và khá nổi tiếng vì có rất nhiều suối khoáng nóng ( thành phố còn được gọi là thành phố suối khoáng, với hơn ba trăm suối lớn nhỏ ), song thành phố này được thế giới biết đến nhiều lại nhờ Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary, cùng với đó là một loại rượu Séc cũng khá nổi tiếng , rượu Karlovarská Becherovka.

Karlovy Vary nằm về  phía tây Cộng hòa Czech trên chỗ hợp của  hai dòng sông là Ohře và Teplá. Tên thành phố được đặt theo Karel IV, người đã sáng lập ra thành phố từ hơn 6 thế kỷ trước.

Từ thủ đô Praha, xe chúng tôi băng qua những cánh đồng, hai bên là những vạt đồi thoai thoải được trồng trọt gần như thuần một loại cây gì đó. Hỏi ra, mới biết đó là cây men bia, hay hoa bia ( hubblông, là một loại thực vật dạng dây leo trong họ Cannabaceae ). Biết rồi, lại chợt nhớ đến món bia Tiệp nổi tiếng, trước đây tôi đã từng được uống ở Hà Nội, và hôm mới đến Praha, cũng đã được nhắm với món chân cừu nướng ngon tuyệt trong một nhà hàng  ngầm dưới lòng đất.

Chẳng mấy chốc, đã thấy biển chỉ dẫn lối rẽ vào Karlovy Vary. Cung đường ngoằn ngoèo uốn lượn trên cao rồi từ từ đổ xuống. Qua cửa kính xa, thấp thoáng bóng dáng những dãy phố với các ngôi nhà cổ. Thành phố này nằm rải rác trong thung lũng, dưới chân mấy ngọn núi bao quanh, mặc dù có độ cao khoảng 400 m so với mực nước biển. Khi đổ hết độ cao, xe đã vào đến thành phố. Sau khi gửi xe vào bãi, chúng tôi bắt đầu hành trình bách bộ. 

Karlovy Vary được xây dựng dọc theo con suối lớn, có những nhánh ngang, song cơ bản trung tâm phố xá được xây dựng dọc theo một con suối lớn, với những cây cầu bắc ngang. Địa hình này khiến khác nhà quy hoạch và thiết kế mặc sức hình dung, để trí tưởng tượng bay bổng mà dựng nên các công trình kiến trúc theo ý mình. Bao quát, thành phố này như một con trăn khổng lồ uốn mình trườn giữa rừng xanh... 

Khi ấy, trời vẫn khá lạnh, mặc du nắng vàng vẫn trải khắp núi rừng, suối khe, nhà cửa. Thời tiết lý tưởng để khách du lịch tha hồ lựa chọn khung cảnh, góc nhìn, khuôn hình mà chụp ảnh souvenir.

Dọc hai tuyến phố chính là các cửa hàng bán hàng hiệu đắt tiền mà chúng tôi chỉ có thể ngắm cho đã con mắt thôi chứ không mua, trừ vài ba món souvenir nho nhỏ. Chúng tôi rẽ vào một cửa hàng trưng bày đồ thủy tinh pha lê tuyệt hảo. Tiệp Khắc xưa và Czech ngày nay vẫn nổi tiếng thế giới về đồ thủy tinh pha lê. Ngắm nhìn no con mắt thôi, song chúng tôi, ai cũng ngại mua hàng vì lo việc vận chuyển đường dài khó đảm bảo cho loại hàng dễ vỡ này.

Kiến trúc ở đây thật phong phú, khá cổ kính, và thật khó để tìm  thấy hai công trình có kiến trúc na ná nhau.

Cứ thế, phố xá miên man, thỏa sức chiêm ngưỡng, đến mức mình tự hỏi không biết đã đi bao xa rồi. Và khi ấy, một công trình như một cây cột điện thâm xỉn hiện ra ngay trước mắt. Tự hỏi, và hỏi nhau, cuối cùng cũng có lời giải đáp, ấy là tòa nhà Điện ảnh. Đây là công trình do Liên Xô cũ xây tặng Tiệp Khắc để làm trụ sở và văn phòng làm việc, cũng là nơi để Tiệp Khắc tổ chức Liên hoan phim Karlovy Vary thời kỳ phe XHCN còn thịnh vượng. Công bằng mà nói, công trình này thật đặc biệt bởi nó phá vỡ quanh cảnh kiến trúc tổng thể của thành phố, bởi hình dáng chẳng giống ai của mình. Về màu sắc cũng vậy, khi cả thành phố cùng một gam màu tươi sáng hài hòa thì nó thâm xỉn và đứng trơ trơ kiểu cây cột điện.  Không hiểu người thiết kế ra tòa nhà này nghĩ gì lại thiết kế một công trình như vậy? Tôi thầm nghĩ và hình dung, thấy nó giống như một tháp sản xuất xi măng ở nhà máy xi măng xứ ta hơn là tòa nhà công năng cho việc tổ chức một liên hoan phim quốc tế. Chẳng hiểu, bây giờ người ta sử dụng tòa nhà ấy như thế nào ? Có còn liên quan gì đến Liên hoan phim Karlovy Vary thường niên hay không? 

Lần theo lịch sử hình thành và phát triển của thành phố này, nơi đây đã từng là trung tâm nghỉ dưỡng nổi tiếng khắp Châu Âu, bởi địa hình đồi rừng thơ mộng và tiểu khí hậu ôn hòa, cùng lợi thế từ các suối nước khoáng nóng. Được biết, ở thế kỷ 18, thành phố này từng chịu sự tàn phá của hỏa hoạn, và sau đó người ta đã xây dựng lại công trình nhà cửa đẹp hơn so với trước đây. Lẽ dĩ nhiên, sự cổ kính cũng vì thế mà kém đi so với Praha. Các bậc vương giả, quyền quý và cả giới văn nghệ sĩ của Châu Âu đều tìm đến đây để hội hè, họp kín, và nghỉ dưỡng, sáng tác. Nghe đâu, nơi đây từng ghi dấu các nghệ sĩ lớn của thế giới như: các nhạc sĩ thiên tài F. Chopin ( Ba Lan ), L. van Beethoven ( Đức ), đại thi hào J. Goethe ( Đức ), nhà văn N. V. Gogol và đại văn hào L. Tolstoi ( Nga ); nhà soạn kịch nổi tiếng F. Schiller  ( Đức ) v.v...

Từ năm 1992, chính phủ Czech đã xếp Karlovy Vary vào hàng di sản quốc gia để gìn giữ, bảo vệ. Những địa danh đáng kể ở đây như Khu dưỡng bệnh và Bể tắm Hoàng gia, Công viên Dvorák, Nhà thờ Mary Magdalene v.v...

Thời gian có hạn, chia tay thành phố Karlovy Vary trong lưu luyến, chúng tôi ra ngoại ô tìm đến ăn trưa ở một nhà hàng ăn của người Việt Nam mà trước đó chúng tôi đã gọi điện đặt cơm.

Cô chủ quán người Việt duyên dáng đang đợi chúng tôi với món cá chép nấu dấm tuyệt vời.

Chuyện về cô chủ quán ăn, xin khất lại ở phần sau cùng của thiên ký sự này...

 

3. Bratislava, nơi gặp gỡ của những dòng sông...

 

Ngày còn học phổ thông, môn Địa lý thế giới, tôi vẫn nhớ là khi học về Tiệp Khắc, sách viết là, nhà nước Tiệp Khắc được hình thành từ hai quốc gia là Czech và Slovakia, về địa hình được ngăn cách bời dãy núi Bô-hêm. Mặc dù diện tích nhỏ ( khoảng 49 nghìn cây số vương ) và dân số hơn 5 triệu người, Slovakia lại tiếp giáp với 5 quốc gia là Czech, Áo, Ba Lan, Hungary và Ukraina.

Chương trình làm việc của đoàn công tác chúng tôi tại Slovakia chỉ có 3 ngày, di chuyển từ Praha đến Bratislava ( thủ đô của Slovakia ) bằng tàu hỏa, xem như cũng khá tiện lợi. Tuyến đường sắt nối hai thủ đô xuyên dọc đồng quê hai nước. Suốt mấy giờ tàu chạy, tôi cứ nghển cổ quan sát bên đường để nhận biết điểm ranh giới giữa hai nước, đặc biệt là dãy núi Bô-hêm mà điểm phân thủy của nó được coi là biên giới quốc gia như sách địa lý đã nói.  Nhưng quả thực, tôi đã không nhận biết được như những gì mình mong muốn. Khi tàu cặp ga chính, quan sát nhà ga, tôi ít nhiều thất vọng bởi sự xuềnh xoàng của nó, nhưng sau đó, càng đi sâu vào trung tâm thành phố, nỗi thất vọng vơi đi, thay vào đó là sự thích thú, bởi sự nhỏ xinh và cổ kính của thành phố này.

Khách sạn chúng tôi ở ngay trung tâm thành phố, Austria Trend Hotel, từ đấy đi bộ vào khu ẩm thực rất gần. Buổi tối đầu tiên, lang thang phố phường rồi tạt vào một nhà hàng ngoài trời, nhâm nhi bia Tiệp với món bít-tết với khoai tây nghiền, thật thú vị.

Sự thú vị tăng lên vào ngày hôm sau, khi ngài Václav Mika, Tổng giám đốc Đài Phát thanh truyền hình quốc gia Slovakia chiêu đãi bữa ăn trưa đoàn chúng tôi tại nhà hàng nổi tiếng Berlitz kế ngay bở sông Đa-nuyp ( Danube ), mà ông ta có cổ phần. Hôm ở Vienne ( CH Áo ), tôi chỉ ngang qua sông Đa-nuyp, thì nay tha hồ nhìn ngắm, lựa cảnh chọn khuôn hình mà chụp. Dòng Đa-nuyp chảy qua đây khá lớn, nước đầy và êm đềm, như những gì nhạc sĩ tài ba J. Strauss đã thể hiện trong bản nhạc Dòng Đa-nuyp xanh. Dùng tiệc ở một nơi cảnh quan thơ mộng như vậy, thật khó quên. Nhấm nháp món rượu khai vị riêng của nhà hàng, rồi dùng rượu vang với món ăn mình tự chọn, tráng miệng bằng kem và hoa quả tươi, trò chuyện thân tình về đời sống xã hội và nghề báo phát thanh truyền hình giữa hai bên, càng làm bữa tiệc thêm thi vị.

Đài Phát thanh Truyền hình quốc gia Slovakia trước đó là hai đài độc lập, dăm năm trở lại đây, mới sáp nhập làm một về thể thức, song trụ sở vẫn đôi nơi riêng biệt. Ông V. Mika vốn là giám đốc một đài truyền hình tư nhân làm ăn phát đạt, được mời về làm Tổng giám đốc Đài PTTH quốc gia Slovakia. Tuy cơ sở vật chất đã cũ kỹ ít nhiều, song quy mô và quy trình sản xuất của họ thì khá bài bản và hiện đại. Có một điều đáng tiếc, tòa nhà tháp truyền hình do Liên Xô cũ giúp đỡ xây dựng từ thời trước nay đã xuống cấp nghiêm trọng, gần như bỏ không vì chính phủ không cấp kinh phí, mà đài cũng không tự lo được để sữa chữa nâng cấp.

Ấn tượng mạnh của tôi với thủ đô Brstislava là buổi đi xem hòa nhạc đàn organ ở Lâu đài cổ và đi thăm Pháo đài cổ nơi ngã ba sông Đa-nuyp và sông Morava. Pháo đài cổ này có từ thế kỷ 13 và nó chứa đựng nhiều bí mật của lịch sử phát triển của quốc gia Slovak xa xưa. Nơi đây, ngã ba sông Đa-nuyp và Morava, cũng là ngã ba biên giới giữa ba quốc gia Slovakia- CH Czech-CH Áo. Chính tại đây, nhiều năm trước từng là điểm vượt biên của một số người dân Tiệp Khắc cũ bỏ tổ quốc chay sang Áo. Nhiều người trong số đó đã bị lính biên phòng bắn chết. Trước đây, người ta luôn nghĩ, những người vượt biên sang Áo là bị lính biên phòng bên kia hạ sát, nhưng sau này, người ta mới biết, không hẳn thế, có thể còn bị lính biên phòng bên này bắn, bởi khi ấy, những người dân Tiệp Khắc sang Áo trái phép được xem là phạm tội phản quốc chạy theo tư bản. Giờ đây, theo quy chế Shen-gen, mấy chục nước thành viên thuộc EU ( Liên minh Châu Âu ), trừ Liên hiệp Anh, không cần thị thực ( visa ), mà chỉ cần hộ chiếu là đi lại thoải mái như trong một quốc gia vậy. Và nay, sau bao nhiêu năm bị lãng quên, để tượng niệm những người đã mất do vượt biên trái phép bị hạ sát ngày nào, người ta đã cho xây dựng một đài tưởng niệm đơn giản với hình ảnh chiếc cổng thành mà tường bị đạn bắn phá lỗ chỗ.  Ngã ba sông nước mênh mang, con tàu thủy trắng du lịch hú còi chạy ngược dòng Đa-nuyp về phía Vienne ( CH Áo ) gợi trong tôi cảm giác buồn man mác về một quá khứ chưa xa... Một thời chiến tranh lạnh, phe phái, chống đối nhau quyết liệt...  Một thời Tiệp Khắc vàng son, rồi lại một thời phân chia đôi ngả, tất cả đều ảnh hưởng đến những người lao động Việt Nam từng học tập và lao động tại hai quốc gia này và cả phe XHCN nói chung ...

Bầu không khí thân tình được nhân lên, khi chúng tôi đến chào xã giao Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia. Bà đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt đã đứng tuổi, khá duyên dáng và cởi mở, mởi chúng tôi dùng bữa tại một nhà hàng Phở Việt và thăm nơi sinh sống của cộng đồng người Việt ở gần đấy. Tuy họ có nơi ăn chốn ở, song có thể nói, vẫn chỉ là đủ sống nơi xứ người mà thôi.

          Đang giữa mùa hè, thời tiết ở đây khá nóng bức, trên 30 độ C. Nghe nói, trước đấy ít hôm, Slovakia cùng mấy quốc gia Nam Âu đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng từ sa mạc Trung Đông dồn sang khiến nền nhiệt gần 40 độ C.

          Tạm biệt Bratislava trên chuyến bay ATR loại nhỏ động cơ cánh quạt về lại Praha. Độ cao bay thấp, làng mạc Slovakia mờ ảo trong bóng hoàng hôn. Chào nhé, Bratislava, chào nhé Slovakia.

          Chưa xa mà đã nhớ...

 

4. Người Việt mình ở Tiệp Khắc...

 

          Trong hai chuyến công tác xúc tiến việc mở cơ quan thường trú VOV ở Cezch và Đông Âu, đặt tại Praha, dưới sự giúp đỡ của Đại sứ Trương Mạnh Sơn ( tại Cezch ) và Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt ( tại Slovakia ) tôi được gặp gỡ khá nhiều người Việt từng sinh sống ở Tiệp Khắc cũ nay khá thành đạt, giữ cương vị trọng yếu và có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Việt ở đó ( như ông Hoàng Đình Thắng-Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Czech chẳng hạn ). Tuy nhiên, tôi không viết về họ, bởi báo chí nói nhiều rồi. Ở đây, tôi muốn nói đến một số người hiện sống bên xứ bạn mà cuộc mưu sinh  của họ ít nhiều long đong.

          Người đầu tiên, tôi muốn nhắc đến, ấy là T, một người bạn thưở học trò với tôi. Quê anh ở Hải Dương. Năm 1975, khi tôi được triệu tập về bồi dưỡng tại Đội tuyển thi học sinh giỏi văn lớp 10 toàn miền Bắc của tỉnh Hải Hưng, tôi được bố trí ở nhở nhà T. Anh bằng tuổi tôi, học lực bình thường, nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, T không thi đại học mà đi công nhân kỹ thuật ở Tiệp Khắc ( cũ ). Hết thời hạn, anh mang được ít hàng hóa đồ đạc từ Tiệp về, xây nhà, cưới vợ và đi làm công nhân nhà máy sứ. Sinh đầy đủ 2 con trai, gái. Nhưng rồi không yên với nghề công nhân, anh bỏ nghề đi “ đánh hàng “ từ nước ngoài về. Chán chê, cuộc sống không khá lên, anh tìm cách quay lại Tiệp Khắc. Khi quốc gia này chia đôi, T ở lại Czech. Năm này tháng khác, T ly hôn với vợ, để vợ nuôi con, rồi nghe đâu, vợ cũ của T cùng đi bước nữa. Thi thoảng T vẫn liên lạc với gia đình ở Việt Nam qua điện thoại. Mùa hè năm 2014, tôi được biết con gái T đi lấy chồng. Khi sang Czech, đến Praha, theo số điện thoại được cho, tôi gọi cho T. Anh bắt máy, tôi xưng danh và thông báo nhanh tình hình. Khi tôi ngỏ ý muốn gặp mặt anh những ngày tôi ở Czech, thì anh từ chối, nói rằng mình đang sinh sống ở một tỉnh biến giới xa, cách Praha gần ba trăm cây số, và cuộc sống cũng vất vả nên ngại gặp bạn bè người quen. Và anh cũng cho biết là không thể về Việt Nam dự đám cưới của con gái anh, mà chỉ gọi điện về hỏi thăm, chúc mừng con thôi. Khi tôi gặng hỏi xem anh có gia đình riêng ở đây không thì anh bảo vẫn độc thân. Vì thế, hè năm 2015, tôi trở lại Czech, có đủ thời gian đi thăm Áo và Slovakia, nhưng tôi không liên hệ lại với T. Giờ thì tôi lại thấy tiếc, biết đâu, anh lại thay đổi ý định, muốn gặp lại tôi thì sao? ... Thế đấy, khốn khổ con người ta, khi cuộc sống cơ cực và không thành đạt, người ta sợ gặp lại người quen, huống chi là bạn bè...

          Người thứ hai, ấy là anh Th.- người dẫn đường ( tourgaide ) cho đoàn cán bộ VOV sang Praha khai trương cơ quan thường trú vào mùa hè 2015. Anh Th. quê gốc Hà Nội, thành phần gia đình khá giả, anh học Bách khoa, rồi sang Tiệp Khắc học chuyên ngành vật liệu kim loại nhớ hình và làm luận án tiến sĩ. Anh đã từng về nước, định cùng người thầy cũ của mình thành lập viện nghiên cứu. Việc chưa thành thì người thấy ấy đột tử trong một chuyến công tác ở nước ngoài. Anh vỡ mộng, quay lại Tiệp Khắc và đưa cả gia đình sang, định cư ở Praha. Đấy, tiến sĩ chuyên ngành vật liệu quý nay là tourgaide, nay đây mai đó khi tuổi đã ngoại sáu mươi. Anh cẩn thận, chu đáo và khá chuyên nghiệp trong công việc của mình. Đi cùng anh, tôi biết thêm nhiều điều thú vị về lịch sử văn hóa Czech và đời sống của cộng đồng người Việt ở đây. Tuy kinh tế ổn định, hai con đều làm việc và du học ở Mỹ, song tôi vẫn thấy ở anh sự tiếc nuối về sở học của mình không được dùng, và nỗi khát khao trở về Việt Nam sinh sống khi tuổi cao sức yếu... Nhắc đến anh Th. Tôi lại thấy tiếc cho anh, cho hết thấy những ai được học tập, đào tạo bài bản, nhưng không được mang sở học của mình ra phục vụ đất nước, quê hương...

          Người tiếp theo, ấy là cô chủ quán ăn Lan Anh ở ngoại ô thành phố du lịch Karlovy Vary. Tuổi ngoại bốn mươi, quê Hải Phòng và vốn ngày trẻ là diễn viên múa, nên cô chủ quán này khá xinh xắn, uyển chuyển, dễ mến. Cô theo chồng sang Cezch mở quán ăn cơm Việt. Quán ở ngoại ô một thành phố du lịch như Karlovy Vary nên khách hàng tây ta khá đông và ổn định. Tất cả nhân viên phục vụ ở quán là người nhà, họ hàng của vợ chồng họ từ Việt Nam sang. Ở đây, thực khách có thể đặt rất nhiều những món ăn Việt theo các gu Bắc-Trung-Nam, tuy nhiên, món ăn được nhiều người khen ngợi nhất của cô chủ quán này là cá chép nấu dấm. Cá nhân tôi, chưa từng được ăn món này ngon hơn ở đây... Với các thực khách là người Việt, cô chủ quán xinh tươi và dễ mến này luôn sẵn sàng chụp ảnh kỷ niệm với khách hàng.

          Lần đầu đến Praha, tôi được anh Nguyễn Kim Hệ, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Czech đưa đến thăm Trung tâm thương mại Sapa. Ấn tượng với tôi hôm đó, không phải là những cửa hiệu, nhưng người làm ăn tạm gọi là phát đạt ở đây. Thực ra, việc ở lại, định cư và tìm kế sinh nhai, ai cũng phải bon chen, tìm cách ngoi lên, trước hết để sống được tại xứ người, còn khá giả và giàu có chỉ là giấc mơ. Nhưng rồi, trí lực và sự may mắn cho ai đó cơ hội vượt lên thành đạt, giàu có, ấy là phúc phận của người đó. Cái tôi quan tâm, ấy là cái cách họ chọn nghề để bám trụ lại xứ sở này. Vì chúng tôi là dân làm báo, nên anh Kim Hệ đưa chúng tôi đến thăm tòa soạn báo Tuần tin tức có văn phòng tại Trung tâm thương mại Sapa. Chủ bút đón chúng tôi khá thân tình, phá bỏ cung cách xã giao thông thường. Nhìn ngắm gương mặt, con người và cách ăn nói có gì đó bỗ bã của vị chủ bút, tôi cảm giác quen quen như đã từng gặp ở đâu. Hỏi ra, biết anh tên H., vốn là diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội, và đã có một thời tung hoành trên sân khấu Việt. Nhưng rồi, như bao người, phải bỏ nghề, đi lao động xuất khẩu tại các nước Châu Âu để làm kinh tế gia đình, H. sang Tiệp Khắc và ở lại hẳn. Chọn nghề làm báo, chứ không phải lăn lộn buôn bán, mở cửa hàng cửa hiệu, cũng là một cách chọn lựa phù hợp với tạng mình của anh. Năm 2015, tôi trở lại Praha trong đoàn công tác của VOV để khai trương Văn phòng thường trú, trong hàng trăm khách mời, tôi được biết có một số là dân làm báo người Việt ở Czech, trong đó có H. Gặp lại anh, tay bắt mặt mừng đấy, song thật lòng, tôi vẫn cảm thấy ái ngại, lo lắng cho anh...

          Còn nhiều người Việt khác nữa, tôi đã gặp ở Czech, ở Slovakia trên bước đường mưu sinh nơi xứ sở người của họ. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi nghề, làm thuê có, buôn bán vặt có, doanh nhân có và nghệ sĩ cũng có. Rời bỏ quê hương, ở lại xứ người, dù sướng khổ thế nào thì cũng là kết quả từ sự lựa chọn của họ. Giờ đây, cộng đồng hơn 65 nghìn người Việt ở Cezch ( và khoảng 10 nghìn người sở Slovalia ) sẽ có cơ hội hơn để phát triển, nhất là khi người Việt ở Czech được công nhận là dân tộc thiểu số của đất nước này.

Biết rằng, chuyện mưu sinh là vậy, song từ nơi sâu kín tâm khảm mỗi người, vẫn đau đáu một nỗi niềm quê hương...

         

 

          5. Trở lại Praha,

 

          Mùa hè, tháng 7. 2015, tôi trở lại Praha.

          Mùa xuân năm trước, tôi được giao làm trưởng đoàn công tác của VOV đến Praha, để khảo sát, tìm hiểu thực tế, nhằm mở cơ quan thường trú thứ 10 của VOV ở nước ngoài, đặt tại Praha, để phản ánh thông tin về mọi mặt, không những của Séc, Slovakia mà cả mấy nước thuộc khu vực Đông Âu lân cận. Chuyến đi ấy gặp nhiều trở ngại, song nhờ sự giúp đỡ tận tình của Đại sứ quán ta ở Séc nên có được một số thông tin bổ ích. Sau một năm cố gắng, các thủ tục đã hoàn tất. Và chuyến trở lại Praha này, là gặp hái thành quả, khai trương cơ quan thường trú tại đây.

          Kết hợp công việc, đoàn chúng tôi ghé Paris ( Pháp ) vài ngày, trước khi quá cảnh sang Praha.

          Lần trở lại này, do bận nhiều việc nên gần như không có thời gian thăm thú như lần trước. Vả lại, tuy mới chỉ là lần thứ hai, song phố xá Praha đã dần trở nên thân quen rồi. Vì thế, những công trình kiến trúc ấn tượng và nổi tiếng ở đây như lâu đài Praha, Cầu Tình-Charles, Tòa nhà Gái nhảy... không còn làm tôi tò mò nữa, mà trái lại, mỗi khi ngang qua những công trình này, kỷ niệm của một năm trước lại hiển hiện trong tâm trí. Thêm nữa, sau khi biết thêm về thành phố Brugge ( Bỉ ) và thủ đô Vienne ( Áo ), tôi lại thầm so sánh Praha với hai thành phố nổi tiếng này. Người ta đã mệnh danh cho Praha là “Praha vàng”, thì Brugge của Bỉ lạo được ví là “ Venice Phương Bắc “, còn đương nhiên, “Vienne là kinh đô âm nhạc của thế giới”. Quả là mỗi thành phố một vẻ, khó mà so sánh thành phố nào đẹp hơn. Chỉ biết rằng, được đến, được thăm thú, chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, di sản lịch sử văn hóa, được tận hưởng ẩm thực mỗi nơi, đều khiến cho ta nhớ mãi...

          Sau lễ khai trương cơ quan thường trú VOV tại Trung tâm thương mại Sapa, mọi người mới tranh thủ thăm thú và mua sắm chút ít. Riêng mình, tôi tự bách bộ loanh quanh phố phường khu vực mình ở bằng các phương tiện giao thông công cộng sẵn có và khá thuận tiện, rẻ tiền. Praha có hệ thông xe bus, metro nổi ( tàu điện leng keng như ở Hà Nội xưa ) và hệ thống tàu điện ngầm khá hiện đại. Riêng khu vực trung tâm, phố cổ của Praha, người dân và khách du lịch vẫn thích chọn hình thức đi bộ hơn. Như thế, được thư thàn ngắm nhìn phố phường, tiện mua sắm vặt, lại như một hình thức tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Nền đường ở các khu phố cổ của Praha phần lớn được lát đá nhỏ từ lâu đời, nên đi bộ thích hợp hơn là đi bằng các phương tiện cá nhân...

          Lần này, từ Praha sang thủ đô Bratislava của CH Slovakia, chúng tôi đi bằng phương tiện tàu hỏa cao tốc, vì vậy, mặc dù không là điểm lựa chọn để thăm thú, nhà ga tàu hỏa của Praha lại là điểm đến bắt buộc của hành trình. Và thật không uổng, đây lại là một công trình kiến trúc khá đẹp và cổ của thành phố này.

          Quả thật, khi ngắm nhìn kiến trúc cổ kính của Nhà ga trung tâm này, tôi thầm nghĩ hẳn nó phải có lịch sử hàng trăm năm rồi. Trái với sự cổ kính  và nghệ thuật của kiến trúc vỏ, lòng ga lại được bố trí khá hiện đại và thuận lợi theo kiểu mới. Anh Th,-người dẫn đường, khá thông thạo, cho biết, nhà ga trung tâm được khánh thành vào năm 1909 ở vào thời kỳ cuối của Habsburg, do Josef Fanta thiết kế, với cái tên lúc đầu là Franz Josefs Bahnhof, sau đổi tên thành Wilson. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, nó được nâng cấp để kết nối với các tuyết giao thông nội đô và đặc biệt là việc quá cảnh để đi các nước khác. Và cách đây vài năm, được sự hỗ trợ của Italia, nhà ga lại được nâng cấp để đáp ứng được nhu cầu lưu thông và dịch vụ thương mại hiện đại theo tiêu chuẩn EU. Mặc nhiên, đáng quan tâm hơn cả, đối với tôi, vẫn là nghệ thuật kiến trúc cổ kính của nhà ga với mái vòm cao, những cửa kính màu và các bức điêu khắc khuôn mặt phụ nữ trên tường cột, thêm vào đó là sự tinh xảo đài các phong kiến của các quán ăn nhẹ trên lầu ( Fantova kavárna ).

          Khi tàu rời nhà ga trung tâm hướng tới thủ đô Bratislava của Slovakia, tôi thả lỏng người trên ghế đệm, để tranh thủ nhìn ngắm phố xá, quang cảnh hai bên đường của Praha vàng dần lùi xa...

          Và mơ màng đến một ngày nào đó, được trở lại thành phố cổ kính, tuyệt mỹ và thanh bình này !...

 

 

 

 

 

Nước Mỹ, chấm phá...

 

1. Khi thu còn chưa đi,

 

Mọi người bảo tôi là người duyên nợ với mùa thu. Có lẽ cũng phải.

Tôi viết nhiều về mùa thu, và mùa thu bao giờ cũng là mùa gặt hái sáng tác của tôi...

Cảnh mùa thu lá vàng, lá đỏ thì tôi đã từng thấy nhiều lần ở Châu Âu ( Paris, Bruxelles, Amsterdam...), từng thấy ở Tokyo, Kyoto ( Nhật Bản ), Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An ( Trung Quốc ) ... Song quả thật, những gì tôi tận mắt chiêm ngưỡng cảnh sắc thu ở miền bắc nước Mỹ thì vượt quá sự hình dung của tôi...

Thủ đô Washington thơ mộng chìm đắm giữa rừng thu phong lá vàng lá đỏ. Gần như chẳng còn cảm giác gì về sự tồn tại của nhà cửa, phương tiện và con người nữa...

Cả chặng dài gần 500 km từ Washington DC đi New York băng qua các bang Maryland, New Jersy..., con đường cao tốc xuyên qua nông thôn nước Mỹ, với hàng chục làn xe đi về nườm nượp xe cộ lao vun vút song vẫn bị hút theo, khuất lấp bởi sự kỳ ảo của thiên nhiên nên cảm giác nó chỉ như một lối mòn nhỏ bé lọt thỏm giữa bao la bạt ngàn thu phong rực rỡ lá vàng lá đỏ..

Cảnh sắc diễm lệ trùng điệp khiến ta bàng hoàng và mất đi ý thức về sự hiện diện của mình...

New York, vùng phụ cận vẫn rất tuyệt, tuy nhiên trung tâm thành phố toàn nhà trọc trời và đông người nên sắc màu thiên nhiên có giảm đi nhiều.

Gạt đi những vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội Mỹ, thì thiên nhiên đất nước này, nhất là mùa thu, có thể nói là tuyệt diệu, thật hiếm có trên trái đất này...

Cần phải nói thêm, thiên nhiên ấy không tự nhiên mà có được nếu thiếu ý thức con người...

Thôi thì hãy tận hưởng, cả miền Bắc Mỹ đang chìm đắm giữa sắc thu vàng đỏ diễm lệ, khi thu còn chưa đi...

 

 

 

2. Ấn tượng Washington DC

 

Chuyến bay dài của hãng Korean Air từ Seul đi Washington DC,  dù là hàng không 5 sao thì vẫn khiến người ta mệt mỏi. Khi thông báo máy bay hạ độ cao, cũng là lúc quan sát bằng mắt thường qua cửa kính máy bay, tôi thấy được hình hài mặt đất của nước Mỹ. Bao nhiêu năm chỉ được thấy diện mạo nước Mỹ qua phim ảnh, sách báo, thì nay, nó đã hiển hiện bên dưới cánh máy bay rồi.  Những nhà cửa, dòng sông, đường xá và những vòm cây rực rỡ lá vàng lá đỏ cứ dần rõ nét. Lời đồn đại về sự chắt chẽ khắt khe trong việc kiểm soát an ninh sân bay khi nhập cảnh vào Mỹ đã khiến tôi và những người trong đoàn hơi căng thẳng, nhưng rồi, với giấy tờ đầy đủ và thứ tiếng Anh giả cầy, tôi cũng đã nhập cảnh vào đất Mỹ. Chặng đường từ Sân bay quốc tế Washington Dulles (Washington Dulles International Airport) đến trung tâm thủ đô khoảng 4 chục cây số, trên xe của Văn phòng thường trú VOV tại đây, chúng tôi chỉ nói chuyện về nước Mỹ và chương trình hoạt động sắp tới, cho đến khi ngọn tháp Bút chì hiện ra trước mắt...

Vâng, nếu đến Pháp, tháp Eiffel là một trong những biểu tượng của Paris và cả nước Pháp, thì với Washington DC và nước Mỹ, tháp Bút chì cũng vậy. Sau đó, những ngày ở đây, đi đâu, loanh quanh một hồi rồi ta cũng lại nhìn thấy ngọn tháp này, khi ở hướng này lúc lại hướng khác, hệt như ta thấy tháp Eiffel mỗi khi lòng vòng thăm thú Paris vậy. Sở dĩ, người  ta gọi tháp Bút chì (Washington Monumet) là bởi hình dáng bên ngoài ngọn tháp giống hệt cây bút chì dựng đứng đặt tại National Mall . Thực ra, đây là Đài tưởng niệm vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, ngài G. Washington. Tìm hiểu thêm, được biết, tháp Bút chì có độ cao tuyệt đối là 169,29 m, bằng chất liệu sa thạch và đá hoa cương màu trắng, được thiết kế bởi kiến trúc tài danh Robert Mills. Được khởi công từ năm 1848 và mãi đến năm 1885, tháp mới được khánh thành, và trong quá trình xây dựng phải gián đoạn do thiếu ngân quỹ bởi cuộc nội chiến ở Mỹ.

Nhưng Washington DC đâu phải chỉ có tháp Bút chì, chỉ sơ sơ những gì ta biết qua phim ảnh, sách báo thì dù bận mấy, cũng phải bớt chút thời gian mà tranh thủ ngó nghiêng diện mạo Nhà trắng, Lầu Năm góc, Tòa nhà Quốc hội Mỹ ( Điện Capitol )...

Thực ra, ngay hôm đầu tiên, trên đường từ sân bay quốc tế Dulles về Văn phòng đại diện của VOV tại Washington DC, chúng tôi đã ngang qua Lầu Năm góc. Có thể, với các quốc gia yên bình khác không mắc mớ gì với Mỹ, người ta sẽ chẳng quan tâm gì đến tòa nhà này đâu, còn riêng với Việt Nam, những người thuộc thế hệ tôi trở về trước, hầu như biết đến tiếng tăm của nó. Đơn giản, bởi đây là trụ sở làm việc của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trước năm 1975, chính từ tòa nhà này, các chỉ thị về quân sự tấn công vào Việt Nam phát đi. Người Việt ngày ấy, xem như nó giống một con thú gớm ghiếc chuyên đi gieo chết chóc. Vậy mà giờ đây, nhìn từ mặt đường trên cao, bao quát cả khu vực Lầu Năm góc tọa lạc, nó giống hệt như một cái lô cốt năm cạnh cân xứng trơ trọi vì xung quanh hầu như không có cây cối, chỉ có bãi xe chật cứng phương tiên của nhân viên Bộ quốc phòng làm việc tại đây. Rất may, trong vụ khủng bố mang tầm nhân loại 11.9 (năm 2001), chuyến bay 77 của hãng American Airlines lao vào Lầu Năm Góc vào lúc 9:37:46 sáng giờ địa phương, tòa nhà không mấy thiệt hại. Nhìn bề ngoài thấy nó bình thường như bao tòa nhà khác, chẳng có gì gớm ghiếc cả. Vậy mà, một thời, nó thực sự là một con ngáo ộp kinh khiếp...

Còn Nhà trắng (White House ), hay nôm na là Tòa Bạch ốc, thì mấy ngày sau, khi công việc đã vãn, tôi mới có thời gian đến ngó nghiêng. Khác hẳn với Lầu Năm góc, công viên, đường phố, rồi khuôn viên tiền sảnh tòa nhà um tùm những cây cối. Đang vào tiết giữa thu, cây cối xung quanh choảng lên mình lá vàng, lá đỏ, quang cảnh thật nên thơ. Tòa nhà không làm cho tôi tò mò, chỉ sau dăm pô ảnh  tọa độ xa gấn mấy góc chụp khác nhau, tôi bị lôi cuốn bởi những vòm cây lá vàng, lá đỏ, thực sự là những tác phẩm tuyệt mỹ của thiên nhiên, chạy tới chạy lui, thu vào ống kính của mình không biết chán... Buồn cười là, khi ấy, ngay công viên trước cửa Nhà trắng đang có một cuộc biểu tình nhỏ. Họ trương biển và chốc chốc lại hô to gì đấy. Nhật Quỳnh, phóng viên thường trú của VOV tại Mỹ giải thích cho chúng tôi, rằng họ đang biểu tình chống lại việc cắt bao quy đầu của trẻ em nam. Rõ là nước Mỹ, thật chẳng giống ai, cái gì cũng có...

Riêng điện Capitol, thì mãi sau chuyến đi New York trở về, một ngày trước khi kết thúc chuyến công tác, chúng tôi mới thu xếp để thăm nom tòa nhà quốc hội Mỹ nổi tiếng khắp thế giới này. Khi ấy, vòm nóc trụ tròn của tòa nhà đang được sửa chữa, nghe đâu là dát vàng bên ngoài. Để đến được đây, chúng tôi phải để xe rất xa, rồi đi bộ loanh quanh trên phố. Được là, phố thưa vắng, toàn công sở, nhiều cây cối mang sắc vàng mùa thu, nên việc bách bộ trở thành cái thú.

Từ xa, quan sát Tòa nhà Quốc hội, tôi thầm nghĩ, không biết, nếu vụ khổng bố 11.9 năm nào, chiếc máy bay thứ tư, chuyến bay 93 của hãng United Airlines, bị nhóm không tặc dự định cho đâm vào Điện Capitol (Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ) hoặc Toà Bạch ỐcWashington, D.C. ( trước đó, chiếc phi cơ rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc thị trấn Stonycreek, hạt Somerset, tiểu bang Pennsylvania vào lúc 10:30:11 sáng giờ địa phương ) mà tới được đích chúng muốn, thì sức mạnh và biểu tượng niềm tự hào Mỹ, sẽ ra sao nhỉ ?

Ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ, sông Pô-tô-mác cũng khiến tôi tò mò. Sở dĩ, tôi biết đến tên tuổi con sông này là nhờ thơ Tố Hữu., bài thơ Ê-mi-ly, con được Tố Hữu sáng tác năm 1965.

Ngày còn đi học phổ thông, cũng là những năm cao điểm, cả miền Bắc, cùng với sự giúp đỡ của các nước thuộc phe XHCN chống trả cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc, và chiến tranh chống Mỹ Ngụy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Khi ấy, ở nước Mỹ, người dân yêu chuộng tự do hòa bình cũng biểu tình rầm rộ, yêu cầu chính phủ Mỹ phải nhanh chóng chấm dứt sự can thiệp của mình vào cuộc chiến tranh phân miền ở Việt Nam, mà tấm gương sáng chói là N. Mo-ri-xơn ( Norman Morrison ), người sau này đã trở thành biểu tượng của nước Mỹ về phong trào phản chiến. Sự thật lịch sử, vào ngày 02 tháng 11 năm 1965, N. Mo-ri-xơn, một người Mỹ yêu chuộng tự do hòa bình, đã bế trên tay bé Ê-mi-ly ( Emily ), con gái mình, khi ấy mới 16 tháng tuổi ra bờ sông Pô-tô-mác ( Potomac ), gần Lầu Năm góc ( trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ), đặt con xuống bờ sông và sau đó tự thiêu chết để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ vào Việt Nam. Ngay phần mở đầu của bài thơ, dòng sông Pô-tô-mác đã hiển hiện: “ Ê-mi-ly, con đi cùng cha/  Sau khôn lớn con thuộc đường, khỏi lạc/ Đi đâu cha? / Ra bờ sông Pô-tô-mác/ Xem gì cha? / Không con ơi, chỉ có Lầu ngũ giác/ Ôi con tôi, đôi mắt tròn xoe/ Ôi con tôi, đôi mắt vàng hoe/ Đừng có hỏi cha nhiều con nhé !...”. Sau này, hiệu ứng Mô-ri-xơn đã lan tràn khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, nhất là khu vực Mỹ-la-tinh ...

Lại nữa, ca khúc  Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ của nhạc sĩ Phạm Tuyên được ông sáng tác vào cuối năm 1969, có lời hát “ ... Sông Pô-tô-mác ngày đêm đã in bóng anh đẹp thay, tay gảy đàn miệng hát vang, đi giữ lấy cuộc đời. Gảy đàn lên đi bạn ơi, cho tiếng ca rền vang, đi lên nhân dân Mỹ chúng ta hãy xiết chặt tay cùng đấu tranh cho hòa bình, diệt chiến tranh xâm lược ...”. Ngày ấy, ca khúc này được phát thường xuyên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, ( bản thu đầu tiên là do ca sĩ Đăng Khoa lĩnh xường cũng tốp ca, sau là do ca sĩ Mạnh Hà trình bày ) bay đi khắp năm châu bốn biển, như một sự khích lệ cho phong trào đấu tranh chống chiến tranh, đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã lấy cảm hứng sáng tác ca khúc này, khi ông tình cờ được xem một đoạn phim của Thông tấn xã Việt Nam, có hình ảnh một người đàn ông Mỹ da trắng đi đầu đoàn biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, ôm đàn hát vang một bài ca có giai điệu châu Mỹ La-tinh. Người nhạc sĩ-ca sĩ ấy là Pete Seeger. Và cuộc đời thật khó ngờ, chỉ một thời gian ngắn sau đó, vào năm 1970, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được gặp gỡ, trò chuyện với nhạc sĩ-ca sĩ Pete Seeger ngay tại Việt Nam...

Dòng sông Pô-tô-mác chảy qua Washington DC, đổ vào vịnh Chesapeake, một vịnh nằm ở bờ biển Đại Tây Dương của Hoa Kỳ. Sông dài khoảng 665 km và có lưu vực rộng khoảng gần 15 nghìn dặm vuông. Những ngày ở Washington DC, hàng ngày, xe của chúng tôi qua lại hoặc chạy dọc tuyến phố bờ sông Pô-tô-mác nhiều lần. Vào tiết cuối thu, nước sông trong xanh, êm đềm và bình lặng xiết bao. Những cây cầu bắc ngang sông dáng vẻ cổ kính và bám đầy thân cầu là những loài dương xỉ, cây dây leo, in bóng xuống mặt nước êm ả. Hai bên bờ, những dải cây lá vàng lá đỏ cũng ngả bóng và từ từ, thi thoảng rơi lá xuống dòng sông...

Thật thanh bình và thơ mộng. Xa xa hơn chút là Ngũ giác đài, trơ trụi như một chiếc lô cốt khổng lồ. Có cảm giác, vẻ yên bình thơ mộng của dòng Pô-tô-mác không can dự gì với những toan tính của con người ẩn chứa trong chiếc lô cốt không lồ năm cạnh kia...

 

3. Giáp mặt New York...

 

          Rời Washington DC, chúng tôi đi New York bằng xe của Văn phòng cơ quan thường trú VOV tại Mỹ. Chặng đường ngót nghét 500 cây số nối hai thành phố lớn này phải băng qua mấy bang vùng đông bắc. Khỏi phải nói, cảnh sắc thu vàng lá đỏ của những dải rừng thưa ngập trong nắng hanh se suốt dọc hai bên đường khiến ta như mộng du cùng mùa thu nước Mỹ...

          Khi đến ngoại ô New York thì trời cũng ngả chiều. Tiện đường, chúng tôi tranh thủ ghé outlet mua sắm, để dành trọn ngày sau cho công việc chính và thăm thú trung tâm thành phố đông đúc náo nhiệt bậc nhất này. Chập tối, vào trung tâm thành phố, hiện tượng ùn tắc xe xảy ra. Đây cũng là chuyện cơm bữa ở thành phố này, bởi lưu lượng phương tiện giao thông dần quá tải. Đường loanh quanh mãi bở sông Hudson, con sông chính chảy qua New York, ngắm nhìn thành phố lên đèn, cảm giác mất về phương hướng, chỉ còn thấy một trời sao sa mà thôi...

          Trên đường tìm đến khách sạn mà chúng tôi đã đặt trước, xe chạy ngang khu vực đài tưởng niệm vụ 11.9, được xây dựng trên nền móng cũ của Trung tâm Thương mại Thế giới New York (World Trade Center, viết tắt là WTC), Nhật Quỳnh-phóng viên VOV giới thiệu vậy. Chúng tôi ngó ra bên ngoài, giờ chì là một khoảng rộng cây cối mênh mông, và trong bóng tối nhá nhem, như bảng lảng đâu đây những bóng người...

          Hôm sau là một ngày đẹp trời, nắng vàng ươm khi nhiệt độ ngoài trời khoảng 10 độ C. Khu vực đài tưởng niệm vụ 11.9 ( Ground Zero ), mặc dù không phải là ngày nghỉ, song ngay từ sáng, đã khá đông khách tham quan. Giờ đây, trên nền móng của tòa tháp đôi WTC từng tọa lạc, người ta cho xây 2 bể nước sâu 9 m, được giật cấp, càng xuống sâu càng thu hẹp lại, trung tâm đáy là hố đen, nước chảy từ trên miệng, tràn xuống rồi như mất hút vào lòng đất. Tường bể được làm bằng chất liệu granite, bề mặt của hai bể nước được lát đá bóng, có khắc tên của tất cả những người đã tử nạn trong vụ khủng bố kinh hoàng 11.9. Công trình này là ý tưởng của kiến trúc sư Michael Arad. Đi vòng quanh bể nước sâu, nhìn làn nước trong vắt bị hút xuống lòng đất, cảm giác như những linh hồn người bị tử nạn đang nương theo đó mà về địa phủ. Song khi sờ tay, nhẩm đọc từng tên người được khắc trên bề mặt tường đá của đài tưởng niệm, ta lại có cảm giác như linh hồn  họ đang lảng vảng đâu đây trên các vòm cây tán lá vàng rộm, đỏ thắm kia, hay đâu đang phất phơ cùng những cụm mây bông dật dờ trên đầu mình giữa nền trời xanh trong mùa thu New York ...

          Xung quanh khu đài tưởng niệm vụ 11.9, theo năm tháng hồi sinh, các công trình cao tầng, đã hoàn thiện hoặc còn dang dở, mọc kín. Nắng thu phải khó khăn lắm, mới có thể lách tia sáng của mình, đặng soi rọi chút chút mái nhà, tán cây, góc phố... Nhìn ngắm những tia nắng, thấy chúng như những lưỡi gươm của đám thiên thần khổng lồ nhà trời đang thi nhau xỉa xuống thế gian...

          Cứ thế, chúng tôi tản bộ, sang khu vực phố Uôn ( Wall street )....

            Quả là khi tận mắt nhìn thấy tấm biển chỉ phố Uôn, nó tầm thường như nhiều tấm biển chỉ phố nhỏ, ngõ nhỏ ở Hà Nội, tôi thoáng chút ý nghĩ thất vọng. Phố Uôn nổi tiếng toàn cầu là đây ư ?

Vâng, chẳng khó khăn gì, chỉ vài thao tác, ta có thể tìm ngay thấy những dòng giới thiệu vắn tắt về phố Uôn như thế này: “Phố Wall (Wall street) là một tuyến phố ở hạ Manhattan, thành phố New York, tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Tuyến phố này chạy từ Broadway đến South Street bên sông East, qua trung tâm lịch sử Financial District. Wall Street là nơi đóng trụ sở của Sở giao dịch chứng khoán New York; qua thời gian, thuật ngữ Wall Street đã trở thành tên của khu phố xung quanh nó. Wall Street cũng là cách nói tắt để đề cập các tầm quan trọng tài chính có ảnh hưởng của ngành tài chính Mỹ, tập trung ở khu vực thành phố New York. Nhiều sàn giao dịch lớn của Mỹ vẫn đóng trụ sở ở phố Wall và quận tài chính, gồm NYSE, NASDAQ, AMEX, NYMEXNYBOT... Tên gọi của phố này xuất phát từ thực tế là vào thế kỷ 17, phố này là ranh giới phía bắc của khu định cư New Amsterdam. Trong những năm 1640, các khoanh đất và cư xá trong khu định cư được đánh dấu bằng cọc và hàng rào phiến gỗ thô sơ. Về sau, Peter Stuyvesant thay mặt Công ty Tây Ấn Hà Lan chỉ đạo nô lệ châu Phi và di dân da trắng, cộng tác với chính quyền thành phố để xây nên lớp tường cao 4 m vững chắc hơn”.

Con phố nhỏ, lòng đường khá hẹp, lại thêm, hai bên là những ngân hàng, trụ sở tài chính của các tập đoàn lớn, rồi những công trình cao tầng, nên trời gần giữa trưa mà ánh nắng không mấy chiếu sáng được con phố, khiến nó cứ u u minh minh, bí ẩn, gờn gợn lạ. Nghe đồn đại, nơi đây, các nhà tài phiệt, các ông chủ bự của phố Uôn có thể đảo lộn cả nền tài chính thế giới chỉ sau một đêm... Quả là, mình chẳng có việc chi ở đây, nên làm vài pô ảnh lưu niệm, chúng tôi nhanh chóng sang khu vực có tượng chú bò vàng...

Cùng con vật này, người gọi bò vàng, kẻ gọi trâu vàng. Song quan sát kỹ hình dáng, thì quả là bò. Nghe nói, tác phẩm điêu khắc bởi nghệ nhân Arturo Di Modica. Ông ta tạo ra nó như là một biểu tượng và sức mạnh của người Mỹ sau vụ thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ năm 1987. Để làm ra nó, tác giả đã phải tốn kém một khoản tiền là 350 ngàn USD. Song ở đậy sự tốn kém không đáng nói, mà việc tác giả sáng tạo ra nó đã phải kỳ công, đúng ra ly kỳ nhữ chuyện trinh thám, để đặt trộm tác phẩm này vào vị trí hiện tại của nó. Có tài liệu kể lại chuyện này như sau: “Một ngày trước khi mang con bò đến phố Wall, ông Di Modica đã đi thị sát khu vực này và lựa chọn một vị trí đẹp ở trên vỉa hè trước cửa Sở giao dịch chứng khoán New York đồng thời cẩn thận quan sát thời gian tuần tra của cảnh sát, cứ 8 phút một lần ở khu vực này. Vào lúc 1 giờ sáng ngày 15/12/1989, ông Di Modica cùng với sự giúp đỡ của 30 bạn bè và một chiếc cần cẩu đã nâng tác phẩm nghệ thuật hoành tráng của mình lên một chiếc xe tải sàn phẳng rồi lái đến khu tài chính ở Lower Manhattan, để con bò ở lại và bỏ đi...”.

          Tôi và đồng nghiệp, cũng như hầu hết khách tham quan, ai cũng muốn có ít nhất một bức ảnh kỷ niệm chụp với Con bò Phố Wall, nhất là nay nó đã trở thành linh vật, biểu tượng của sự phát triển và thịnh vượng của New York và của cả nước Mỹ giàu có. Là souvenir vậy thôi, tôi đâu có mơ mộng chi việc làm giàu ... Có chăng, chỉ thấy hài hước cho cái sự gọi là “ nước Mỹ, gì cũng có “ mà thôi ...

          Đến New York mà không ghé thăm Quảng trường Thời đại (Times Square) thì sẽ bị coi là không biết gì về New York. Sao lại như vậy, xin  được kiến giải sau?

          Ít thời gian, nên chúng tôi tranh thủ ghé ngang quảng trường nổi tiếng này bằng xe hơi, nghĩa là chạy xe trên đại lộ chính của quảng trường, chứ không bách bộ. Tận mắt chứng kiến, thấy nó khác hẳn với hình dung của mình. Thực ra đấy chỉ là một đại lộ lớn, mà ở đó có rất nhiều quán cà phê, sân khấu nhỏ, trường quay MTV và khu sân khấu Broadway... Nghe nói, trước đây quảng trường này có tên khác, cho đến khi, báo New York Times được chuyển về đây thì sự nổi tiếng của tòa soạn báo đã khiến người ta lấy tên nó đặt cho quảng trường nơi nó tọa lạc ( năm 1904 ). Điều đó, cho thấy sức mạnh của báo chí truyền thông ở Mỹ như thế nào. Cùng với đó, lễ đón mừng năm mới của người dân, chứng kiến lễ thả quả cầu từ độ cao hơn 40 m, cầu nguyện cho một năm mới tốt lành. Nghe nói, người đầu tiên đứng ra tổ chức lễ nghi này là ông Adolph Ochs, chủ báo Thời báo New York (The New York Times), vào ngày 31 tháng 12 năm 1907, để chào đón năm 1908, và sau đó trở thành thông lệ hằng năm, chỉ trừ một vài năm do ảnh hưởng của chiến tranh...

          Xe chạy ngang quảng trường, lúc chiều muộn lên đèn, nên cố gắng  lắm cũng chỉ để ngó nghiêng nhanh quang cảnh hai bên, và định vị bằng được quả cầu pha lê nổi tiếng kia. Quả là ở độ cao ấy, lại nhìn lướt nhanh từ xa, cảm giác nó chỉ to hơn trái bóng đá một chút. Dẫu sao thì cũng có được khái quát về cái quảng trường nổi tiếng không chỉ ở Mỹ và cả trên thế giới này. Vậy là, cùng với quảng trường- đại lộ Champs-ElyséesParis ( Pháp) và Quảng trường Thiên An MônBắc Kinh (Trung Quốc), tôi đã thấy và dạo chơi nhiều lần, thì nay, biết thêm Quảng trường Thời đại New York ( Mỹ ). Riêng Quảng trường Đỏ ở Moskva ( Nga ) thì vẫn còn là niềm mơ ước...

          Chương trình làm việc chính của chúng tôi ở New York là tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm Đài Phát thanh Liên hợp quốc và chào xã giao Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc. Với riêng bà Phương Nga, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc thì anh em chúng tôi vốn đã quen biết từ khi bà còn làm Vụ trưởng Vụ Báo chí, kiêm người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ta, nên cuộc gặp gỡ khá thân mật, ấm áp tình đồng nghiệp cũ. Chính Đại sứ quán của ta ở đây đã liên hệ, giúp chúng tôi được phép vào trong Trụ sở Liên hợp quốc đặng tham quan và làm việc với Ban lãnh đạo của Đài phát thanh Liên hợp quốc.

            Trụ sở Liên hợp quốc nằm ở khu phố Turtle Bay thuộc quận Manhattan trên một khu đất rộng khoảng 69 ngàn mét vuông, nhìn ra sông East River ( sông Đông ). Tìm hiểu, được biết, nó được xây dựng từ năm 1948 đến cuối năm 1952 mới khánh thành, với khoản chi phí xây dựng lên tới 85 triệu Mỹ kim. Nhờ sự hỗ trợ dẫn đoàn của một cán bộ Đại sứ quán ta tại Liên hợp quốc, chúng tôi qua được cổng an ninh nghiêm ngặt để vào được tòa nhà chính. Tại tiền sảnh, chính bà Phó giám đốc Đài phát thanh Liên hợp quốc ra tận nơi đón, lại thêm thủ tục cấp thẻ ra vào tạm thời và an ninh bổ sung, cuối cùng thì chúng tôi cũng vào được khu làm việc của Liên hợp quốc. Để ý, tôi thấy khá nhiều người dân Mỹ và khách tham quan nước ngoài có mặt trong tòa nhà. Thì ra, mặc dù đây là nơi quan trọng, kiểm soát an ninh vô cùng chặt chẽ, thì trụ sở này vẫn là không gian mở, đầy thân thiện, nhất là trong thời kỳ của những hoạt động khủng bố trên phạm vi toàn cầu, để du khách có thể vào tham quan... Ở sảnh tầng trệt, khu vực cho khách tham quan, ta có thể thấy chân dung phóng to của các vị Tổng thư ký Liên hợp quốc qua các thời kỳ, gần đây nhất là ngài Ban-Ki-Mun (Hàn Quốc), và trước nữa là Kofi Annan (Ghana), Boutros- Ghali (Ai Cập). Javier Pérez de Cuéllar ( Peru), Kurt Waldheim ( Áo ) ...

          Ngắm bức chân dung đương kim Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban-Ku-Mun, tôi chợt nhớ đến câu chuyện về vị Tổng Thư ký này đến viếng thăm nhà thờ học giả Phan Huy Chú ( tác giả bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí ) tại Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây cũ vào chiều ngày 23.5.2015 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông. Tôi cũng đã đọc một vài bài viết về chuyến viếng thăm này. Các tác giả bài viết còn có ảnh chụp lưu bút của ông Ban-Ki-Mun, cùng ảnh chụp ông giữa con cháu dòng họ Phan Huy trước của nhà thờ Phan Huy Chú ở Sài Sơn; và đặc biệt, khẳng định nguồn gốc vị Tổng Thư ký này là dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn. Chính xác ra sao, xin không bàn, song gạt đi cái ý “thấy sang bắt quàng làm họ”, thì cũng rất có thể, ông Ban-Ki-Mun kía mang dòng máu Phan Huy-Việt Nam, khi lịch sử đã chúng mình, chuyện hoàng tử Lý Long Tường mang dòng máu triều Lý-Việt Nam, nối đời chảy mãi trên bán đảo Triều Tiên từ ngàn năm trước ...

 

Sau khi thăm một số không gian trưng bày và studio, chúng tôi tập trung về phòng họp. Ở đấy đã có một số vị trưởng ban phát thanh các thứ tiếng như Pháp, Anh, Nga, Tây Ban nha, Trung Quốc... đợi sẵn. Hiện Đài phát thanh của Liên hợp quốc ( UN Radio ) phát chương trình hàng ngày bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới. Dĩ nhiên, là chưa có chương trình bằng tiếng Việt. Xin không nêu nội dung công việc cụ thể của đoàn công tác chúng tôi tại đây. Song có một thông tin, thiết nghĩ cũng biết, ấy là việc Tổ chức UNESCO lấy ngày 13 tháng 2 hằng năm là Ngày Phát thanh Thế giới, viết tắt là WRD (World Radio Day), được công bố vào ngày 03/11/2011 ở Hội nghị toàn thể UNESCO thứ 36. Về ý nghĩa, ngày Phát thanh thế giới chính là ngày thành lập Đài Phát thanh Liên Hợp Quốc năm 1946. Năm 2015, ngày Phát thanh thế giới ( 13.2 ), Liên hợp quốc tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập Đài phát thanh LHQ, ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban-Ki-Mun đã đưa ra thông điệp, nhấn mạnh: “Nhân ngày phát thanh thế giới năm nay, chúng ta hãy cùng nhau kỷ niệm làn sóng phát thanh với vai trò giúp lưu giữ và làm giàu thêm trí tưởng tượng của con người cũng như gắn kết mọi người với nhau.... Mỗi năm, Đài phát thanh Liên Hợp Quốc phát sóng hơn 1.200 tài liệu, các hạng mục tin tức và xã luận trên sóng phát thanh. Kỷ niệm năm nay của ngày phát thanh thế giới nhấn mạnh vào tầm quan trọng của phát thanh đến 1,8 tỷ thanh niên bao gồm cả phụ nữ và nam giới trên toàn cầu. Phát thanh có sức ảnh hưởng to lớn đối với thanh niên khắp thế giới”...

Một suy nghĩ ngồ ngộ, ấy là Đài Phát thanh Liên hợp quốc uy tín là thế, đến mức UNESCO phải lấy ngày thành lập của nó, ngày 13.02.1946 để làm Ngày phát thanh thế giới, hóa ra lại thành lập sau Đài Tiếng nói Việt Nam ( 07.9.1945 ), những gần một năm ...

Có một điểm đặc biệt không thể không luận bàn đôi chút, ấy là biểu tượng trước tiền sảnh của Trụ sở Liên hợp quốc. Biểu tượng ấy là một khẩu súng ngắn bị bó dây thắt chặt nòng súng. Có thể dụng ý của biểu tượng đa nghĩa, song theo thiển ý của tôi, thông điệp ấy là, dù thế nào, cũng không nên sử dụng súng đạn, vũ khí để giải quyết các tranh chấp, xung đột, mà hãy đối thoại, hòa giải, liên hợp với nhau, vì một nền hòa bính chung, hợp tác để cùng phát triển trên phạm vi  toàn cầu...

 

          4. ... Và tượng Nữ thần Tự do.

Theo lịch, thời gian ở New York chỉ còn một ngày, có sự lựa chọn giữa việc thăm thú thác Niagara giáp biên giới Canada hoặc thăm tượng Nữ thần Tự do ngay ngoài khơi cảng New York, trên đảo Liberty ? Trong đoàn chúng tôi, có người đã từng đến Mỹ vài lần rồi, tuy nhiên cũng chưa có thời gian đến tượng Nữ thần Tự do. Vậy là sự lựa chọn đã được quyết định.

Về xuất xứ của tượng Nữ thần Tự do tại New York, một tài liệu cho biết: “Tượng Nữ thần Tự do, tên đầy đủ là Nữ thần Tự do soi sáng thế giới; (tiếng Anh: Liberty Enlightening the World; tiếng Pháp: La Liberté éclairant le monde) là một tác phẩm điêu khắc theo phong cách tân cổ điển với kích thước cực lớn, đặt trên Đảo Liberty tại cảng New York. Tác phẩm này do kiến trúc sư Frédéric Bartholdi thiết kế và được khánh thành vào ngày 28 tháng 10 năm 1886. Đây là tặng vật của nhân dân Pháp gửi nước Mỹ. Tượng Nữ thần Tự do có hình dáng một người phụ nữ mặc áo choàng, tiêu biểu cho Libertas, nữ thần tự do của La Mã, tay phải cầm ngọn đuốc còn tay kia một tấm đá phiến có khắc ngày tháng độc lập của Hoa Kỳ. Bức tượng này là biểu tượng mẫu mực của lý tưởng tự do cũng như của chính Hoa Kỳ...”. Các tài liệu khá chi tiết về ý tưởng, và quá trình sáng tạo tác phẩm, việc vận động quỹ, dựng tượng, lễ khánh thành, đến việc bảo dưỡng, bảo vệ, khai thác công trình nổi tiếng này. Đã có nhiều lần đóng cửa cấm khách tham quan bởi các lý do khác nhau. May mà dịp này, hoạt động tham quan không bị cấm. Hiện nay, quan trọng nhất là khâu an ninh, đặc biệt từ sau vụ khung bố 11.9.2001.

Để ra đảo Liberty, nơi tượng Thần Tự do tọa lạc, du khách phải mua vé tham quan ( có thể mua trước trên mạng ), qua khâu kiểm soát an ninh nghiêm ngặt, xuống phà tự hành hai tầng. Chỉ cần chạy ra xa một chút thôi, trên tầng hai của phà, có thể quan sát tượng Thần Tự do, và quan sát quang cảnh chung của thành phố New York đều rất đẹp. Tượng  đài nổi bật trên nền trời nước xanh mênh mông, còn thành phố thì uốn cong theo mép nước cong hình cánh cung.

Và rồi, chúng tôi cũng đặt chân lên đảo Liberty. Nghe nói, đảo nhỏ này, trước đây có tên là Bedloe, sau này mới lấy tên của tượng ( Liberty, là Tự do )  đặt cho đảo làm tên. Chiều cao của tượng đài, tính từ mặt nền đến điểm cao nhất của ngọn đuốc là 93m, riêng phần tượng cao 46m. Ngoài việc ngắm nhìn tận mắt ở cự ly gần, hầu hết du khách ai cũng muốn quay phim, chụp ảnh, được chụp ảnh mình trên phông nền là tượng đài. Và dĩ nhiên, còn mua một món quà ý nghĩa làm lưu niệm, ấy là tượng đài Nữ thần Tự do bằng đồng nhỏ với nhiều kích cỡ khác nhau. Nghe nói, trước đây, khách tham quan còn được phép lên phần vương miện của tượng thần để quan sát toàn cảnh thành phố New York từ trên cao, nhưng sau vụ khủng bố 11.9.2001, để đảm bảo an ninh, an toàn, người ta đóng cửa, cắt bỏ khâu tham quan này. Thật đáng tiếc. Nếu không, chúng tôi đã có thể thỏa mãn việc chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố và vịnh New York, nơi của sông Hudson ra Đại Tây Dương.

Theo lịch trình, sau khi rời đảo Liberty, phà tự hành còn cặp bến đảo Ellis, nơi đặt Viện bảo tàng Di dân Mỹ. Sở dĩ, có viện bảo tàng này, là trên cơ sở Tòa nhà Di trú được hình thành từ cuối thế kỷ 19. Nơi đây, từ hơn một thế kỷ trước, nhiều người châu Âu đã đến xin nhập cư để thỏa mãn “giấc mơ Mỹ”. Tòa nhà nay là Viện bảo tàng Di dân chính là nơi đón tiếp và làm các thủ tục cho người nhập cư vào Mỹ từ thời ấy. Mãi đến năm 1990, tòa nhà Di trú này mới chính thức trở thành Viện bảo tàng và mở cửa đón khách tham quan. Nay tận mắt ngắm nhìn tòa nhà 4 tầng  có phong cách kiến trúc cổ Bắc Âu sơn màu huyết dụ ẩn mình lẫn trong tán cây mùa thu, lại nghĩ về câu chuyện “giấc mơ Mỹ“ đâu phải thời nay mới có. Mặc dù, Mỹ là một đất nước hùng mạnh và thịnh vượng bậc nhất thế giới ngày nay, thì cũng đâu có phải là “xứ sở diệu kỳ”. Mong ước về một sự tự do và giàu có, thịnh vượng là ước mong chính đáng của con người. Song ở đâu, và dù có thế nào, để có được điều đó, con người ta cũng đều phải lao động cật lực, chính đáng, cộng thêm một chút may mắn. Gì cũng đều có cái giá của nó. Chẳng ai cho không mình cả !...

5. Lướt qua những thành phố khác...

Trên đường từ New York trở lại Washington DC, chúng tôi tranh thủ ghé thành phố Philadelphia. Đây là thành phố lớn thứ năm tại Mỹ, thuộc bang Pennsylvania. Tìm hiểu, được biết, ở vào thế kỷ 18, thành phố này được xem là thủ đô thứ hai, và từng đứng đầu nước Mỹ về mức độ đông dân. Nghe nói, thành phố này, người Mỹ gốc Việt sinh sống rất đông. Nếu như hiện người Mỹ gốc Việt hiện tại khoảng gần 2 triệu người, thì đứng đầu là bang California, thành phố Los Angeles, và xếp thứ hai là bang Pennsylvania, với thành phố Philadelphia. Sở dĩ, chúng tôi ghé đây là để biết, nữa là vừa chặng nghỉ ăn trưa. Nhật Quỳnh, phóng viên VOV Mỹ dường như quá quen với thành phố này, nên cho xe chạy thẳng đến một con phố, mà ở đó rất đông người Việt sinh sống. Phố không rộng, trên cao là đường chạy của metro, cứ dăm phút lại một chuyến phóng rầm rầm trên đầu. Dưới phố, hai bên liền nhau chạy dài là các cửa hàng, cửa hiệu buôn bán của người Việt. Quan sát một lượt, thấy chủ yếu là hàng ăn, thực phẩm tươi sống và một số dịch vụ đời sống sinh hoạt khác.; và các biển hiệu của hàng nào cũng viết bằng 3 thứ tiếng, Việt, Anh, Hoa.

Chúng tôi chờ ăn phở ở một cửa hàng nổi tiếng, cửa hàng chật, khách ăn đông, đoàn chúng tôi có 8 người, cộng thêm gần chục người nữa cứ phải đứng lố nhố ngoài phổ, chờ đợi nhân viên phục vụ của nhà hàng khi xếp được bàn thì gọi vào. Đây là thói quen ở Mỹ rồi. Với thói quen ăn hàng ở xứ ta, khách hàng là thượng đế, nên có chút khó chịu. Nhưng rồi, tự rằn lòng, kiên nhẫn đứng chờ trong giá lạnh ngoài hè phố, sau chừng 20 phút, chúng tôi cũng được xếp bàn để thưởng thức món phở gà nóng hổi và béo ngậy. Phở khá ngon. Chủ cửa hàng là người Việt, và các nhân viên lẽ đương nhiên cũng là người Việt. Còn thực khách thì tây ta ngang nhau. Nghe nói, người Mỹ cũng rất thích món phở Việt, mặc dù so với món phở ở quê nhà thì kém hơn nhiều vì sự pha tạp.

Cứ quan sát các cửa hàng san sát, có một nhận xét chung, hầu như người Việt sinh sống ở thành phố này, chủ yếu dựa vào nghề mở nhà hàng ăn uống ẩm thực Việt và một số nghề dịch vụ đời sống như hớt tóc, gội đầu, sơn sửa móng ... Có lẽ xuất xứ người Việt và chất lượng đào tạo nghề ở xứ ta chỉ cho phép họ lao động, hành nghề đơn giản vậy thôi?...

Vì không kịp về Washington DC trong ngày, chúng tôi quyết định nghỉ đêm ở thành phố Atlantic, thuộc bang New Jersy. Đây là thành phố du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng của Mỹ bên bở Đại Tây Dương, Nhưng đấy là câu chuyện cũ. Còn bây giờ, ở Mỹ, nói đến cái tên Atlantic (New Jersy), thì nó chỉ đứng ngay sau Las Vegas (tiểu bang Nevada) về sự nổi tiếng trong lĩnh vực sòng bạc, như Macau của Trung Hoa vậy.

Ghé nghỉ qua đêm ở Atlantic, dĩ nhiên, chúng tôi chẳng ai bài bạc gì, song tiện đường, biết thêm được gì hay nấy. Đang là cuối thu, như mọi nơi mọi ngả ở miền Bắc nước Mỹ, ngoại vi thành phố này cũng chìm trong sắc lá vàng, đỏ đắm đuối. Khác hẳn sự mường tượng của tôi, đã là trung tâm sòng bạc thì khách khứa phải đông đúc, nhộn nhịp, đằng này, đường phố vẫn thưa người và cảnh sắc thật thanh bình. Nghe nói, thành phố này được thành lập từ giữa thế kỷ 19 ( 1854 ), và sớm định hình là một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của nước Mỹ, nên từ cuối thế kỷ 19, nơi đây đã đón trung bình nửa triệu khách du lịch mỗi năm. Chiều muộn, chúng tôi khu phố mua sắm cách khách sạn ở không xa. Ở đây có sầm uất hơn đôi chút, với cơ man các cửa hàng đồ hiệu nổi tiếng thế giới. Trời đêm cuối thu khá rét, nên cách giải khuây tốt nhất, nếu không có thú vui bài bạc, là tìm một cửa hàng bit-tết, gọi món, nhấm nháp với vang đỏ, hoặc bia...

 

5. Chút thoáng người Việt & ẩm thực Việt.

Lần đầu đến Mỹ, hết thẩy những gì là dấu vết hoặc liên quan đến Việt Nam, với tôi, đều đáng quan tâm...

Tuy không được đặt chân đến tiểu bang California và thành phố Los Angeles, là nơi người Việt chọn định cư đông nhất ở xứ xở cờ hoa này, thì tôi cũng đã ghé được thành phố Philadelphia (Pennsylvania) là nơi người Việt đông thứ nhì. Thêm nữa, ngay tại Washington DC, New York thì người Việt cũng đâu có hiếm. Ngay buổi trưa khi mới đặt chân xuống sân bay quốc tế Dulles ở Washington DC, chúng tôi đã đến ăn phở ở một quán phở bò nổi tiếng của người Việt ở thành phố này (xin được giấu tên) . Nhà hàng khá rộng, song thực khách đông đến nỗi phải đứng của đợi gần nửa tiếng mới được xếp chỗ. Có một câu chuyện về nhà hàng phở này, nghe nói trước đó, cửa hàng có doanh thu lớn, song tìm cách trốn thuế bằng cách khai rút đi nhiều, tuy nhiên việc này không qua mắt được các nhân viên thuế quan ở đây. Họ cử người bí mật giám sát 24/24 liền một tuần, đếm số khách vào ăn, rồi tính bình quân doanh thu mỗi ngày. Sau đó, ông chủ  phải chịu phạt thuế rất nặng, con số tính dồn mấy năm lên tới cả triệu USD. Chẳng rõ chuyện thực hư thế nào, song chuyện khách đông và chất lượng phở ngon thì tôi chứng kiến, sau hai lần đến ăn ở nhà hàng này.

Phở Việt ở Mỹ, bò hay gà, tại Washington DC, hoặc Philadelphia tuy hơi lai sang món hủ tiếu, đều khá ngon, song cơm Việt thì không bằng. Chúng tôi đã thử ăn vài bữa tại mấy nhà hàng cơm Việt tại Washington DC, cảm giác chung là không ngon miệng. Hầu như các chủ nhà hàng đều là người Mỹ gốc Việt, xuất xứ từ các tình phía Nam của Việt Nam, sang định cư., nên gu ẩm thực nặng về ngọt. Các món ăn, xào ngọt, canh ngọt thỉu như chè, cá kho, thịt rang cũng ngọt nốt. Với thực khách người Nam thì không rõ, còn cá nhân tôi, thật khó nuốt trôi. Bởi vậy, những ngày ở Mỹ, trừ các bữa ăn kiểu cơm gia đình tại Văn phòng VOV Mỹ ( chủ nhà người Hà Nội ), hoặc ăn phở, còn lại chúng tôi đều chọn đồ ăn Tây còn dễ ăn hơn... Song, nếu tự đi chợ, tự nấu ăn, thì các món như bún chả cá, miến lươn, lòng lợn tiết canh... đều đủ điều kiện, nguyên liệu chế biến như ở bên mình. Quả thật, chúng tôi đã được thỏa mãn những món ăn thuần Việt khoái khẩu này, đưới bàn tay chế biến của bà xã phóng viên Nhật Quỳnh...

Còn người Việt ở Mỹ ư ? Không dám bàn về những người Việt gặp thoáng qua, chốc lát. Tôi chỉ nói đôi chút về T., con trai một người bạn rất thân của tôi. T. sinh năm 1986, khi hết lớp 11 ở Việt Nam, thì sang Mỹ theo chương trình học hòa nhập, lớp 12 ở chung nhà dân, rồi vào đại học, chuyên ngành hóa dược. Lựa chọn ngành học này là một khó khăn. Đây là ngành học vừa mang tính cơ bản vừa pha chút thực nghiệm. Phần đông sinh viên Việt sang Mỹ học đại học thường lựa chọn các ngành học mà sau đó dễ có cơ hội tìm kiếm việc làm ở Mỹ hoặc khi về Việt Nam như PR, công nghệ thông tin, luật quốc tế. T có năng khiếu hóa học, cộng thêm sự khuyến khích của vị giáo sư giảng dạy, sau khi tốt nghiệp đại học, T tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, làm luận án tiến sĩ hóa dược. Vừa nghiên cứu, vừa tham gia giảng dạy, đến nay, T đã ở Mỹ 14 năm, chưa lập gia đình, vẫn theo đuổi đề tài nghiên cứu thuốc chữa ung thư. Đời sống của độc thân của một người nghiên cứu khoa học, với một đề tài khó, nếu không muốn nói là vô vọng, hưởng lương theo đề tài, cố lắm cũng chỉ tùng tiệm. Chấp nhận sự chông chênh, theo kiểu “ được ăn cả, ngã về không “. Khoa học là vậy đấy.

Hiện T sống ở Massachusetts, công việc chính là nghiên cứu. Khi tôi đi Mỹ, có hẹn trước, nên T đến New York thăm tôi. Mặc dù T rất ít về Việt Nam, và lần tôi gặp T gần đây nhất cũng đã chục năm rồi, song khi chạm mặt, chú cháu tôi vẫn nhận ra nhau ngay. Đã ba chục tuổi, song dáng vẻ bên ngoài T vẫn thư sinh như ngày nào mới sang Mỹ học. Quả là tôi chỉ hỏi chuyện T chứ không dám đưa ra lời khuyên nào, ngoài việc nhắc khéo chuyện lấy vợ lập gia đình kẻo cha mẹ ở trong nước mong. Cu cậu chỉ cười hiền, bảo cũng đang dự định thế.

Chiều muộn, T chào tôi ra về. Tiễn T ra phố, nhìn bóng cu cậu trong chiếc áo khoác mũ chụp đầu, vai tòng teng chiếc túi nhỏ kiểu ba lô lộn ngược ngày xưa của dân Việt, hai tay thọc túi, đi rảo trên hè phố New York chất ngất cao ốc và sầm sập người xe, tôi bỗng cảm giác ái ngại làm sao ấy?... Tần ngần nhìn theo bóng T xa khuất dần lẫn vào dòng người  đông đúc phố xá. Lòng tự nhủ, có biết bao nhiêu bậc cha mẹ cứ mải miết kiếm ăn, làm giàu, để có tiền cho con cái du học, và cái đích đến, già nửa là xứ sở cờ hoa này.

Rồi tôi lại nghĩ về “ giấc mơ Mỹ “ của thanh niên ta thời nay...

 

 

 

 

 

Ghé bán đảo Balkan,

 

          Cuối hè 2016, tôi có chuyến công du, trao đổi nghiệp vụ của Đài Tiếng nói Việt Nam ( VOV ) thực hiện chương trình hợp tác đã ký kết giữa nhà Đài với đối tác Phát thanh truyền hình quốc gia Hungary và Romania. Mặc dù, Hungary không thuộc bán đảo Balkan theo phân bố địa lý thế giới, song nó thuộc phần cán nối liền với bán đảo Balkan. Trước đó, tôi đã từng đến Bulgaria, và lần này, thêm Romania thuộc bán đảo Balkan. Tranh thủ ghi chép đôi điều trong chuyến đi này...

         

1.   Nhận diện Budapest,  

          

Theo lịch trình bay từ Hà Nội đến Budapest ( thủ đô Hungary ) của Hãng hàng không Aeroflot ( Nga ), chúng tôi phải trantsit qua sân bay quốc tế Moskva. Chuyến bay đi Nga chậm giờ một tiếng, nên thời gian quá cảnh ở Nga rất vội vàng. Khi máy bay hạ cánh xuống Budapest thì chiều đã muộn, đúng ra đã khoảng 8 giờ tối giờ địa phương, song cuối hạ ở châu Âu trời vẫn sáng, vì thế đường từ sân bay về Budapest vẫn đủ để nhận biết cảnh sắc hai bên. Vào đến trung tâm thành phố, xe xuyên từ khu vực Pest sang bờ Buda qua cầu Xích bắc trên sông Danube. Trong ánh điện mờ ảo, tôi kịp nhận thấy một Budapest cực kỳ cổ kính. Mọi điều hứa hẹn khám phá từ sáng sớm mai...

          Đêm đầu ở Budapest, dù lệch chậm so với múi giờ Việt nam là 5 tiếng, tôi vẫn ngủ được vì cả một ngày đường mệt nhọc. Rạng sáng 5 giờ ( lúc này đã là 10 giờ trưa Hà Nội ), kéo rèm nhìn ra, trời hé ánh dương, rọi chiếu trên những dãy nhà cổ kính trùng điệp trên núi đồi cách khách sạn Mercure, nơi tôi ở không xa. Còn ngay gần kề, là nhà ga tàu hỏa trung tâm đã bắt đầu những chuyến tàu vào ra của một ngày mới.

          Dù lần đầu đến đây, song qua lời kể của những đồng nghiệp ở VOV và đọc tài liệu, tôi đã biết đến một Budapest cổ kính được xây dựng, sáp nhập từ hai phần riêng rẽ là Buda và Pest trên đôi bờ tả hữu của dòng Danube xanh nổi tiếng phần chảy qua lãnh thổ Hungary.

          Không khó gì để tìm những thông tin ghi chép về Budapest, đơn giản vì chính sự nổi tiếng của nó, thành phố được xem là một trong những thành phố đẹp nhất Châu Âu, và là di sản thế giới của UNESCO. Budapest với sự hợp nhất từ thành phố Buda với địa hình đồi núi và thành phố Pest ở bờ Tây có địa hình bằng phẳng từ năm 1873. Và sau đó, nó nhanh chóng trở thành thành phố toàn cầu.

Về lịch sử xa xưa, vùng đất này đã từng thuộc La Mã, tới thế kỷ thứ 9, người Magyar đến định cư ở đây, hình thành nên nhà nước Hungary; rồi tiếp thế kỷ 13 lại bị quân Nguyên Mông chinh phục; rồi sau đó, tiếp tục là thời kỳ cai trị của đế chế Ottoman; và đến thời kỳ cận đại là đế quốc Áo-Hung khá hùng mạnh; thời Cộng hòa Xô viết Hungary; qua chiến tranh thế giới thứ 2; tiếp nối liên minh XHCN-khối quân sự Warsava do Liên Xô lãnh đạo, và thời hiện tại... Trải qua một chiều dài lịch sử và đầy biến động như vậy, Budapest vẫn giữ được sự cổ kính, tráng lệ tuyệt vời.

Tôi đã có dịp đến nhiều thủ đô, thành phố nổi tiếng của các nước ở Châu Âu như Amterdam ( Hà Lan ), Bruxelles, Bruges ( Bỉ ), Paris, Anneci ( Pháp ), Geneve ( Thụy Sỹ ), Sofia, Plovdiv ( Bulgary ), Praha, Carlovy Vary ( Czech ), Vienne ( Áo ), Bratislava ( Slovakia )... song cũng khó thấy nơi đâu đẹp và cổ kính hơn Budapest.

Đặc biệt, con sông Danube ( tiếng Hungary gọi là Donou ) với độ dài 2.850 km chảy qua chục quốc gia Trung và Đông Âu thì phần chảy qua lãnh thổ Hungary, nhất là đoạn qua Budapest được cho là đẹp nhất. Với địa hình bờ Đông là Buda trên đồi cao, với bờ Tây là Pest bình địa, chảy giữa là dòng Danube hiền hòa có 9 cây cầu bắc qua, thật khó có nơi nào lãng mạn hơn.

Tôi đã được đến thăm trung tâm Castle, trên đồi Várnegyed, nơi tọa lạc Cung điện Hoàng gia ( Buda castle ) với những dãy phố cổ, quần thể kiến trúc các tòa nhà thuộc hoàng gia, thánh đường công giáo, nhà thờ Matthias, quần thể Thành những người đánh cá ( Fishermenes Bastion ), Từ độ cao nơi đây, có thể quan sát thành phố Budapest cả đôi bờ Danube với cầu Xích, nhà thờ Thánh Stephen ( Saint Stephen ), Nhà Quốc hội...

Cách khu đồi Lâu đài cung điện Hoàng gia không xa là đồi Gellert. Đường lên khá quanh co. Bù lại đây được xem là đồi vọng cảnh. Cùng với các thành quách, tường bảo cổ xưa, đây là điểm lý tưởng nhất để quan sát toàn cảnh Budapest giữa đôi bở Danube. Nhưng ấn tượng hơn cả, ấy là câu chuyện kể về sự tích tên quả đồi này. Từ xa xưa, vào thời kỳ công giáo còn đang hoằng đạo, có một người tên là Gellert đã đến đây để thuyết phục dân chúng, truyền đạo Gia-tô. Ngươi dân bản địa cho là dị giáo nên đã bắt vị giáo sĩ nọ, trói gô, đưa lên đỉnh đồi này, và hành quyết bằng cách lăn vị giáo sĩ từ đỉnh đồi cao tuột thẳng xuống sông Danube, chết chìm. Sau này, công giáo hưng thịnh, người ta lại lấy tên ông- Gellert đặt cho tên đồi. Đúng là một tấm gương tử về đạo. Nghe chuyện thật thú vị. Song lấy làm tiếc, là tôi đã quên hỏi về việc, sau này người ta có phong thánh vị giáo sĩ này và thờ đâu đó trong các nhà thờ ở BudapestHungary không? ...

 

2. Du thuyền trên sông Danube,            

 

Khi được phía bạn cho biết, rằng đến Budapest mà không đi du thuyền trên sông Danube ngắm cảnh thành phố trong bóng hoàng hôn thì thật uổng. Vậy là đoàn chúng tôi chọn ngay tua di lịch này, sau khi kết thúc một ngày làm việc.

Vui và trùng hợp, hôm ấy ( 02.8 ) trùng vào sinh nhật của một thành viên trong đoàn. Thay vì đi ăn bữa tối bình thường, tiệc buffet trên du thuyền ngắm cảnh ( mua vé trọn gói ) và tổ chức sinh nhật cho đồng nghiệp, thật hợp lý hợp tình.

Khoảng 6 rưỡi tối, du thuyền khởi hành. Thực khách trên du thuyền tự chọn bàn, có nhạc sống phục vụ cả buổi. Sau ly sâm-panh khai vị do nhân viên phục vụ mang tới, thực khách tự phục vụ các món ăn chuẩn bị sẵn tại quầy bar. Đồ uống gồm các loại vang, bia và nước ngọt.

Thành phố bắt đầu lên đèn. Du thuyền nhẹ trôi trong bóng mờ ảo của hoàng hôn và ánh đèn tạo thành gam màu thật khó tả. Sau vài ba lần cụng ly, mọi người đều có cảm giác ngà ngà, và đây là cảm giác vàng để những tay máy ảnh nghiệp dư như chúng tôi thỏa sức chọn cảnh, lựa góc máy và khuôn hình, nhất là những lâu đài, tòa nhà cổ kính và những cây cầu bắc ngang ...

Dòng Danube với độ dài 2.850 km, dài thứ hai ở châu Âu, chỉ sau sông Volga (Nga), bắt nguồn từ nước Đức, khu vực Rừng Đen, và là hợp lưu của hai con sông Breg và Brigach. Trước khi đổ vào Biển Đen (Hắc Hải), nó chảy trên lãnh thổ 10 quốc gia thuộc vùng Trung và Đông Âu, qua bán đảo Balkan. Tôi đã từng được ngắm dòng Danube xanh ở ngoại ô thủ đô Vienne (Áo), và đặc biệt, ngã ba sông Danube với sông Morava, điểm biên giới chung của 3 nước là Áo-Czech-Slovakia trong chuyến công tác mùa hè năm 2015. Khi ấy, tôi đã ngắm con tàu trắng tự do đi lại trên dòng Danube, xóa đi cái hiện hữu về biên giới và lãnh thổ quốc gia của EU, mà một thời mỗi quốc gia là một pháo đài, khi các phe phái chinh trị-quân sự căng thẳng với nhau. Ở những điểm biên giới trọng yếu như vậy, đã có sự chết chóc khi một ai đó liều lĩnh vượt biên sang phía bên kia... Vậy là, dòng Danube xanh của tự do và âm nhạc, đâu có phải ...

Du thuyền trên dòng Danube (người Hungary gọi là Donou) ở Budapest mà không chụp ảnh những cây cầu bắc ngang thì cũng thật uổng. Riêng đoạn sông Danube chảy qua Budapest, hiện có 9 cây cầu bắc qua, mỗi cây cầu mang một dáng vẻ kiến trúc, được xây dựng trước sau, song nổi tiếng nhất là cầu Xích. Cầu Xích (Széchenyi Lánchíd), hay còn được gọi là Cầu Sư tử. Gọi vậy, vì mỗi đầu cầu, đều có tượng một đôi sư tử. Đây là cây cầu đầu tiên được xây trên sông Danube ở Budapest và cũng là cây cầu treo dài nhất thời bấy giờ. Cầu này được xây dựng bởi sự tài trợ của vị Bá tước István Széchenyi, theo thiết kế của một người Anh là William Tierney Clark và được thi công bởi một người Scotland là Adam-Clark. Tài liệu kể chuyện vui rằng, vị bá tước nọ sông ở bờ Buda, vì có người tình sống bên bờ Pest, ông ta hay qua lại thăm người tinh ở bờ bên kia, lại không muốn “ bị ướt chân” nên đã tài trợ tiền của để xây cây cầu này. Còn một chuyện nữa, ấy là câu chuyện về người tạc tượng sư tử trên cầu. Kể rằng, người ta dèm pha là 4 con sư tử này không có lưỡi (thực ra là lưỡi ngắn nên người đi lại trên mặt cầu nhìn lên không thể thấy lưỡi). Không chịu đựng nổi sự dèm pha, người tạc tượng đã phải trầm mình xuống sông Danube tự vẫn. Đồn là, khi chết, người đó đã để lại một bức thư tuyệt mệnh, than phiền, đại ý, “vợ các ngươi mà có lưỡi ngắn như lưỡi những con sư tử của tôi thì các ngươi đã hạnh phúc biết bao“. Thực hư chẳng rõ, song quả là một câu chuyện bi hài !...

Tòa nhà Quốc hội tức Tòa Nghị viện (Orszaghaz) cũng là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ tọa lạc bên bở Pest sông Danube. Đây là một công trình hoành tráng nhân dịp kỷ niệm một Thiên niên kỷ thành lập đất nước vào năm 1896, được lấy cảm hứng từ Cung điện Westminster ở Luân Đôn, do  Kiến trúc sư Imre Steindl người Hungary sáng tạo, theo lối kiến trúc Tân Gothic, đặc trưng bởi các tháp pháo và các vòm, song nội thất phảng phất các yếu tố thời kỳ Phục Hưng và Ba-rốc... Đây là Tòa nhà Quốc hội đứng thứ 3 trên thế giới về kiến trúc. Khi xây dựng công trình này bên bở Pest bằng phẳng, người ta có ý đối xứng về kiến trúc và biểu tượng quyền lực với khu lâu đài, cung điện Hoàng gia trên đồi phía bờ Buda.

Riêng tôi, dù không có thời gian thăm thú, ngắm cận cảnh tòa nhà này, song việc chụp thật nhiều ảnh tòa nhà Quốc hội từ nhiều góc độ khác nhau, cả ban ngày, trong bóng hoàng hôn và ánh điện mờ ảo ban đêm cũng thỏa mãn ít nhiều...

Trở lại chuyện du thuyền, với thời gian chừng 2 tiếng rưỡi vòng qua lại khúc sông chính chảy qua Budapest, được nghe các ca sĩ hát những bản tình ca tuyệt diệu, được thổi nến, nâng ly chúc mừng sinh nhật đồng nghiệp, được xem các cặp thực khách dìu nhau trong điệu nhảy say sưa, thật tuyệt vời và đáng nhớ làm sao!...

Du thuyền cặp bờ lúc 9 rưỡi đêm.

Đêm Budapest tưởng sẽ ngủ ngon, không ngờ lại khó ngủ. Phải chăng, thao thức vì cảm giác tuyệt vời mình vừa trải qua ?...

 

         

3. Balaton, hồ đẹp nhất Trung Âu,

 

Vâng, chỉ có thể là hồ Balaton.

Hồ nước ngọt này rộng 592 km2 ở về phía tây nam , cách thủ đô Budapest chừng trăm cáy số, và được xem là ngọc lục bảo của Hungary, đẹp nhất vùng Trung Âu. Đến Hungary mà chưa du ngoạn hồ Balaton là thiếu mất một nửa vậy.

Chúng tôi chọn tàu hỏa làm phương tiện đi du ngoạn hồ Balaton, bởi mấy lẽ, khách sạn Mecure nơi chúng tôi ở cách nhà ga trung tâm chừng 300m đi bộ, còn ga đến lại là một thị trấn kề bên hồ, và thêm nữa, tàu hỏa rẻ, an toàn, nhanh và có thể ngắm được cảnh sắc hai bên đường.

Đồng quê Hungary khi ấy thuần những ngô, lúa mạch và cỏ nuôi bò...thanh bình nhưng khá đơn diệu. Chỉ chừng một giờ đồng hồ tàu chạy, đã đến ga Vasútallomás, điểm đến. Chúng tôi loanh quanh ngắm cảnh thị trấn cổ với những tòa nhà, vườn hoa, lâu đài, tháp cao và những cửa hàng souvenir, rồi mới lần đường ra bờ hồ. Con đường nhỏ, quanh co xuyên qua làng với những ngôi nhà cổ ẩn mình trong khuôn viên rợp bóng cây, với những tường rào gạch cũ, hoặc rào gỗ. Những bụi dâu, cây mận cơm trồng dọc bờ rào quả chi chít trên cành, chìa ra cả lối đi, chín mọng. Nhìn quanh quất xem có thấy gia chủ thì xin mấy quả, nếm thử, nhưng chẳng một bóng người. Không thắng nổi sự cám dỗ, chúng tôi bèn bứt trộm dăm quả. Biết là không hay đấy, song tự biện hộ, thì cứ xem như hồi trẻ con ở quê thi thoảng bứt trộm hoa quả nhà hàng xóm đi. Chẳng may, gia chủ đâu đó nhìn thấy, hẳn cũng không nỡ quở trách bởi sự thèm muốn trẻ con và trong sáng này. Quả thật, những trái mận cơm mọng nước, vị chua ngọt thanh thanh mà tôi chưa từng được thưởng thức bao giờ. Cứ thế loanh quanh, những phố nhỏ xen lẫn với làng, những thảm cỏ xanh mịn lác đác lá vàng khô báo hiệu mùa thu sắp tới, những hàng cây cao thẳng lối, tịnh không một bóng người. Cảnh sắc thanh bình hiếm có, hao hao như quang cảnh đường đi mà tôi đã từng từ Geneve (Thụy Sĩ) theo con đường ven hồ Leman đến thăm làng cổ Yvonne thuộc Pháp vào mùa xuân năm 2014.

Va đây rồi, hồ Balaton. Mênh mông như vịnh biển. Hút tầm mắt nhìn sang xa vời bờ bên kia là những dãy nhà trên triền đồi xanh mờ. Thực ra, trước đó, khi tàu chạy qua nhà ga Balatonliga, đường lượn một khúc cua gần mép hồ, tôi đã nhìn thấy một góc hồ, song cho đến tận lúc này, đứng sát mép nước, thỏa sức phóng tầm mắt, cảm nhận làn gió hồ theo những con sóng, tung những hạt nước li ti tạt ướt lạnh da mặt, mới thực sự tận hưởng sự tuyệt vời của cảnh sắc hồ. Từng bầy vịt trời, thiên nga chao lượn trên không trung rồi lướt xuống mặt nước, lại từng bầy bơi lội quẩn quanh gần bờ rình chụp những vụn bánh do khách du lịch tung cho; những hàng thuyền buồn đậu san sát trong bến, chốc chốc lại một chiếc từ ngoài xa về bến thu buồm, rồi một vài chiếc khác giương buồm lên đưa khách đi du ngoạn ngoài khơi... Càng ngắm, càng khó nắm bắt sự linh động huyền ảo của mặt hồ, chỉ gợi lên trong mình những liên tưởng chớp nhoáng, mong manh mà thôi...

Hồ Balaton nổi tiếng châu Âu bởi vẻ đẹp tự nhiên của nó, còn được cộng hưởng thêm bởi các làng nghề như những bảo tàng sống động, những lâu đài, nhà thờ, công trình kiến trúc cổ rải rác xung quang, rồi những làng quê thuần khiết thanh bình như thuở mới hình thành. Tôi và các đồng nghiệp thỏa sức lựa chọn khuôn hình, góc máy mà thu vào ống kính của mình. Trời quá trưa, chúng tôi chọn một nhà hàng gần đó, gọi cho mỗi người một suất súp cá hồ Balaton, thư giãn chờ đơi món súp nóng với ly bia Hung ướp lạnh nhấm nháp cùng chút hạt rang...

Dù có luyến tiếc cảnh hồ đến mấy thì cũng đến lúc phải trở lại nhà ga cho kịp giờ tàu để trở về Budapest. Trong lúc chờ tàu, tôi tranh thủ quanh quất ngó nghiêng dãy hàng lưu niệm, tìm mua một vài món đồ souvenir của vùng đất này. Gà gật trên tàu vì quá buồn ngủ. Về tới Budapest chiều đã quá nửa.

Tối ấy, chúng tôi còn có cái hẹn ra ngoại ô, đến thăm một gia đình người Việt, vốn là đồng nghiệp cũ cùng họ nhà VOV với chúng tôi, họ đã sang đây định cư từ mấy chục năm trước...                               

 

 

4. Phát thanh truyền hình & người của một thời.

 

Chương trình công tác của chúng tôi là trao đổi nghiệp vụ với MTVA ( tiếng Hungary: Médiaszolgáltatás-Támogató és Vagyonkezeló Alap ), cơ quan quản lý truyền thông cao nhất của Hungary, có nhiệm vụ hợp nhất và điều phối tất cả các hoạt động sản xuất nội dung và quản lý tài sản của tất cả các cơ quan truyền thông công của Hungary. MTVA  được thành lập năm 2011, hiện có 6 Đài truyền hình, 9 Đài phát thanh, và 1 cơ quan thông tấn, cùng một số cơ quan truyền thông mới khác. Mỗi năm, MTVA dành 40.000 giờ phát sóng truyền hình, 52.000 giờ sóng phát thanh, và có tới 99% gia đình ở Hungary theo dõi các chương trình của MTVA. Các chương trình này cũng được dành phát sóng sang châu Âu, châu Mỹ và châu Đại dương. Điều này, cũng phản ánh Hungary và Việt Nam hiện cùng đi theo xu hướng chung của cả thế giới, xây dựng mô hình cơ quan, tập đoàn truyền thông đa phương tiện, làm phát thanh đa nền tảng.

Chúng tôi đã đến thăm cơ sở cũ phát thanh truyền hình của Hungary được xây dựng từ giữa thế kỷ trước ( 20 ) tại trung tâm Budapest và sau đó là cơ sở hiện đại mới được xây dựng ở vùng ngoại ô thủ đô. Cái mới và hiện đại của bạn, không mấy gây ấn tượng với tôi, bởi nó na ná như bao hệ thống phát thanh truyền hình mới mà tôi từng có điều kiện đến thăm và làm việc ở một số nước châu Âu, Mỹ, Nhật bản, Hàn quốc... Điều thực sự gây ấn tượng mạnh trong tôi, lại là hệ thống thiết bị máy móc cũ mà bạn còn lưu giữ, xem như bảo tàng về sự phát triển của phát thanh và truyền hình của bạn, cũng như của thế giới, trong đó Việt Nam. Giờ đây, nhìn ngắm lại các máy chuyển trích băng từ, các bàn trộn, studio cũ của bạn, tôi lại nhớ về tuổi trẻ của mình, về cái thời tôi bắt đầu bước chân vào trụ sở 58 Quán Sứ ( Hà Nội ) với nhân thân một anh chàng kỹ sư canh nông viết báo nghiệp dư từ đồng bằng sông Cửu Long ra sống nghiệp làm báo chuyên nghiệp nhà Đài... Tôi đã có bao năm tháng tuổi trẻ, đầy khao khát cống hiến, miệt mài đi, miệt mài với chữ nghĩa, âm thanh để có thể lên sóng nói trước micro ...

Vâng, ngày ấy, hầu như các thiết bị phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam thời tôi về làm việc là thiết bị được nước bạn Hungary hỗ trợ, hoặc nhập về từ đấy. Nay nhìn lại, làm sao mà chẳng xao xuyến, động lòng. Những thiết bị này, nay nhà Đài cũng đã xếp xó, cất kho đâu đó rồi... Thiết bị mới hiện đại ngày nay, đồng nghĩa với tuổi trẻ của mình đã đi qua, cái già xồng xộc đến rồi. Bất chợt, lại thấy hình bóng tuổi tác mình qua tấm kính phòng thu soi mái đầu nhiều ánh bạc, và vai lưng cũng gù xuống ít nhiều...

Có một chuyện mà tôi không thể không kể ra đây, ấy là những con người liên quan đến công việc và hệ thống máy móc thiết bị thu thanh Hungary của nhà Đài chúng tôi. Ấy là cặp vợ chồng người Việt, anh Nhân-chị Hiên đang sinh sống tại Budapest. Anh chị vốn là nhân viên kỹ thuật của Trung tâm Âm thanh thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày trẻ, anh chị được học tập ở Hungary về điện tử viễn thông, khi về nước thì làm việc ở Đài. Năm 1988, khi ta ào ạt đưa công nhân kỹ thuật sang Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, thì chị Hiên được tuyển chọn sang Hung làm phiên dịch cho lao động xuất khẩu từ Việt Nam sang. Một năm sau, anh Nhân đưa hai con nhỏ sang Hung thăm vợ, rồi anh ở lại, đoàn tụ gia đình tại Hung, gửi thư về cơ quan xin thôi việc. Kể từ đấy đến nay, đã ngót nghét ba chục năm họ sinh sống xa quê hương xứ sở. Họ chỉ là số ít của khoảng 5 nghìn người Việt hiện đang định cư, sinh nhai trên đất nước Hungary. Những năm gần đây, điều kiện cho phép, anh chị có về Việt Nam đôi lần. Anh Nhân cũng đã có lần đến Đài hỏi thăm về chế độ chính sách với người thôi việc như anh. Cá nhân tôi, đã tiếp và giải thích chế độ chính sách cho anh. Nay gặp nhau ở Budapest, chúng tôi cùng nhận ra nhau. Anh mời chúng tôi đến thăm nhà và dùng bữa tối cơm Việt Nam với vợ chồng anh. Phải qua hai chặng metro ngầm, thêm một chặng xe bus, mới tới nơi. Họ mua được mảnh đất phố ngoại ô khá rộng, làm nhà có vườn, trồng cây ăn quả, và đặc biệt tròng các loại rau Việt như rau ngót, rền cơm, cà pháo... Anh chị vui lắm, vì có khách người Việt, lại là đồng nghiệp cùng cơ quan cũ đến chơi nhà. Chúng tôi vừa ăn tối vừa chuyện nghề của cái thời bao cấp gian khó, những câu chuyện của riêng nhà đài, với những máy băng từ, máy ghi âm băng cối to tổ bố, nặng trĩu vai đeo, đến nỗi phóng viên nhà Đài được cấp tem gạo tiêu chuẩn 17k/ tháng, coi như lao động nặng nhọc ... Vui lắm, và cũng cười ra nước mắt với bao chuyện xưa, những kỷ niệm vui buồn với nghề báo nói, cùng sự gắn bó trong ngôi nhà chung VOV. Mừng cho anh chị nay đã tuổi thất tuần, sức khỏe vẫn tốt, con cái phương trưởng và kinh tế cũng sung túc... 

Mô hình truyền thông, thiết bị máy móc, trụ sở, nhà xưởng, cơ sở vật chất đã thay đổi nhanh chóng theo xu hướng hiện đại, song con người thì đâu có vậy. Con người của một thời, đi qua thời gian khó, đến bây giờ, tình cảm chẳng phai nhạt, mà lại càng sâu đậm hơn !?...

 

5. Romania, đất nước trên bán đảo Balkan, 

 

Romania, với tôi, quả là mới chỉ dừng lại ở những thông tin hiểu biết ít ỏi, đây là quốc gia Đông Âu, thuộc bán đảo Balkan, thủ đô là Bucharest ( Bu-ca-rét ), nằm bên bờ Biển Đen ( Hắc Hải, Black Sea ), trước thuộc phe XHCN và khối quân sự Warsava do Liên Xô cầm đầu: còn hiện vật của Romania ở Việt Nam ấy là những đầu máy xe lửa động cơ diezen thời bao cấp, và nữa, là huyền thoại về lâu đài Bran ở vùng ranh giới hẻo lánh Transylvania và Wallachia, cùng câu chuyện về ma-cà-rồng chuyên hút máu người, được nhà văn Bram Stoker người Ailen hư cấu trong tiểu thuyết kinh dị của ông sáng tác năm 1897, Dracula, với nguyên mẫu là bá tước Dracula có lối sống lập dị ... Vậy thôi. Đương nhiên, sau này và trước chuyến đi, tôi có tìm hiểu thêm thông tin về đất nước này.

Với bán đảo Balkan, thực ra, mùa xuân năm 2014, tôi đã đặt chân đến lần đầu tiên trong chuyến thăm đất nước Bulgaria xinh đẹp, xứ sở của hoa hồng, nay thêm Romania nữa, vậy cũng có thể xem mình ít nhiều thân thuộc với vùng đất rộng lớn và nổi tiếng này...

Thực lòng mà nói, tôi có biết câu chuyện và xuất xứ bài thơ được lan truyền nhiều năm nay, bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng” của tác giả Khổng Văn Đương, cả chuyện về tác quyền, song không mấy thích, nên biết chỉ để biết mà thôi. Tôi sẽ trở lại chuyện này ở phần tiếp theo của ký sự...

Ấn tượng của tôi về lần đầu được đặt chân đến đất nước Romania, lại là sự chờ đợi ở sân bay Budapest vì chuyến bay từ Hungary sang Romania bị delay hàng giờ đồng hồ và sau đó là chuyến bay trên chiếc máy bay bé xíu động cơ cánh quạt cũ kỹ khiến tôi mường tượng đến chiếc xe bò chạy trên đường đá khi nó lăn bánh trên đường băng. Vậy mà khi nó bay lên bầu trời châu Âu quang đãng đang dần chuyển sang thu, lại rất nhẹ nhàng êm ái. Tuy nhiên, khi làm xong thủ tục nhận phòng khách sạn ở Bucharest, đã là quá nửa đêm, tức là hơn 4 giờ sáng ngày hôm sau theo giờ Việt Nam.

Ngủ được chừng 4 tiếng đã vùng dậy, chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên ở đây. Từ tầng cao khách sạn, vén rèm cửa kính nhìn ra, đưa mắt bao quát, mới biết, đây là trung tâm phố cổ của thủ đô Bucharest.

So với Hungary, cơ sở Đài phát thanh quốc gia của Romania có kém hơn về sự đầu tư hiện đại hóa. Trụ sở cũ trên phố cổ. Tuy nhiên, tôi lại tìm thấy ở đây sự ấm áp và tình yêu của các đồng nghiệp phía bạn với nghề báo phát thanh ( trong khi, ở Hungary, lại là sự hiện đại đa phương tiện ). Ngài Tổng giám đốc, mặc dù rất vội vì vướng chuyến đi dự lễ kỷ niệm của một chi nhánh Đài địa phương xa cách đến 500 cây số, vẫn dành tiếp chúng tôi chu đáo và nồng ấm.

Khi chạm mặt ngài Tổng giám đốc trong phòng làm việc của ông, tôi không nhận ra, song có gì đó ngờ ngợ nét thân quen trên khuôn mặt và nụ cười cởi mở của con người này. Sau chút giao tiếp xã giao, chuyện trò thoải mái hơn, tôi mới biết, thì ra ông đã thực hiện thành công việc giảm trọng lượng cơ thể, từ ngót một tạ nay chỉ già bảy chục cân. Hai năm trước, tôi đã gặp ông tại trụ sở 58 Quán Sứ của VOV khi ông dẫn đầu đoàn công tác của Đài Phát thanh quốc gia Romania sang ký kết hợp tác với Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi ấy, mình ông kềnh cành đứng chiếm khoảng 1/3 ca-bin thang máy dành cho 20 người. Ông luôn nở nụ cười như người mắc lỗi hài hước giải thích cho cái sự “chiếm chỗ của người khác” vì thân hình quá khổ của mình. Giờ thì ông bảnh bao, đầy tự tin với bộ dạng khá chuẩn của mình, nên câu chuyện hợp tác nghề nghiệp với chúng tôi cũng mạch lạc và thân thiện, ấm áp lắm...

Ngoài cơ sở vật chất còn cũ kỹ, tuy thiết bị có khá hơn, song cơ bản còn thiếu đầu tư theo xu hướng hiện đại, nhưng có một thứ khiến tôi ấn tượng, ấy là Nhà hát-kiêm phòng thu của họ khá lớn, bài bản, đủ tiêu chuẩn, cỡ như Nhà hát Lớn của ta. Với người làm phát thanh, truyền hình, như vậy là ổn rồi, bởi sự đảm bảo chất lượng cho việc biểu diễn thu thanh, thu hình các sự kiện lớn, các chương trình ca nhạc, sân khấu, trò chơi có đông khán thính giả tham gia...

Vậy là, bên trong cái vỏ có vẻ cũ kỹ về cơ sở và trang thiết bị phát thanh ấy của bạn, đã bắt đầu hé lộ chiều sâu hoạt động ... Chắc còn có gì đó bí ẩn bên trong nữa, điều đó hấp dẫn tôi. Và quả thực, ngay hôm sau, ngày làm việc thứ hai, tôi đã thực sự bất ngờ ...

 

6. Dấu ấn Radio Romania,

         

          Trong chương trình làm việc đã được hai bên trao đổi trước khi đoàn chúng tôi sang, có chuyến đi thăm thú một công trình kiến trúc kiệt tác, đồng thời là di sản lịch sử văn hóa của nước bạn, đó là lâu đài Peles thuộc thành phố Sinaia, cách thủ đô chừng 150 cây số và trên độ cao khoảng 800m so với mực nước biển thuộc vùng rừng núi Carpatthia. Tuy nhiên, như vậy sẽ mất quá nhiều thời gian, nên lịch trình thay đổi lại cho phì hợp và tiện lợi hơn.

          Sau khi thăm thú lâu đài Mongosaia cũng rất đẹp ở ngoại ô thủ đô Bucharest, nằm bên bờ chi lưu sông Danube chảy qua lãnh thổ Romania, chúng tôi quay lại thủ đô thăm Làng bảo tồn văn hóa và nghề truyền thông ( Village Museum ) của nước bạn. 

          Thật tuyệt vời, bên trong Làng, những ngôi nhà truyền thống, mô hình các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thuộc Romania được bảo tồn ở đây. Điều đó thật thú vị, bởi qua đây, ta có thể hình dung về cuộc sống của người dân Romania từ hàng chục thế kỷ trước, qua hình hài mô phỏng và qua các sản phẩm thủ công được sản xuất trực tiếp và bày bán ở đây cho du khách tham quan...

          Hơn thế, thật bất ngờ không chỉ riêng tôi mà cả đoàn công tác, ấy là đang có một chương trình hát dân ca dân tộc do các nghệ nhân không chuyên biểu diễn, và nó được tường thuật thu thanh phát song trực tiếp do Kênh Văn hóa của Đài Phát thanh quốc gia ( Radio Romania Cunltural ) thực hiện. Trong buổi làm việc với ngài Tổng giám đốc, ông đã nhấn mạnh, ngoài tin tức thời sự, thì Đài Phát thanh quốc gia rất mạnh với mảng chuyên đề về Văn hóa-Giáo dục & Âm nhạc. Tận mắt chứng kiến chương trình trực tiếp tại đây, tôi nghĩ đó chính là bằng chúng sống mạnh mẽ cho sự khẳng định của ông. Điều này, hiện Đài chúng tôi chưa thực hiện, đúng ra là chưa xây dựng thành format thường kỳ, mà mới chỉ ngẫu hứng làm chương trình na ná vậy. Vâng, nói chưa thực hiện, không có nghĩa là khó đến mức không thể thực hiện. Cái chính là nghĩ ra ý tưởng rồi xây dựng kế hoạch thực hiện. Đây thực sự là một bài học bổ ích về nghề cho Đài chúng tôi, cho cá nhân tôi, trong việc tham mưu hiến kế nhằm đổi mới phát thanh...

          Người dẫn đoàn chúng tôi đến đây, và theo đoàn chúng tôi kể từ khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Bucharest, bà Diana-Maria şincai, chuyên viên quan hệ quốc tế của Đài Phát thanh quốc gia Romania. Hơn thế, Diana-Maria şincai còn là một nhà thơ...

          Tôi muốn dành chút ít để viết về người phụ nữ Romania này.

          Diana-Maria şincai, sinh năm 1956, quê ở một tỉnh phía Bắc của Romania, là người Romania gốc Đức. Bà có gia đình, chồng là một chính trị gia nổi tiếng của Romania, bị mất do tai nạn giao thông trên đường cao tốc từ 19 năm trước. tên tuổi ông này được lưu danh trong Phòng truyền thống của Tòa nhà Quốc hội Romania. Họ có duy nhất một con trai, đã trưởng thành và lập gia đình riêng. Diana yêu và tôn kính chồng đến mức, góa chồng khi còn trẻ, song ở vậy nuôi con, không đi bước nữa, chuyên tâm công việc và sáng tác văn học. Điều kỳ diệu nữa, ấy là hiện Diana đang ở chung nhà với 2 bà mẹ, một là mẹ đẻ, một là mẹ chồng, các cụ này đều ở độ tuổi trên dưới chín chục và khá minh mẫn. Diana tự mình nấu nướng chăm sóc cả hai người mẹ, chứ không thuê người giúp việc. Vâng, tôi nghĩ, thật hiếm có và cũng thật tuyệt vời. Sự tuyệt vời và kỳ diệu của cuộc sống... Nếu ở Việt Nam ta, hẳn Diana-Maria şincai sẽ được Trung ương Hội Phụ nữ phong tặng danh hiệu “ Phụ nữ Hai,Ba hay Bốn đảm đang” đấy nhỉ !?...

          Chuyện bên lề về thơ văn, khi cô phiên dịch của Đoàn VOV giới thiệu các thành viên trong đoàn, biết tôi có viết văn và làm thơ, Diana tỏ ra thích thú. Ngày hôm sau gặp lại, bà hồ hởi nói ngay, cho biết rằng tối qua, bà đã tra cứu về tôi qua công cụ google, rồi nữa qua phần mềm dịch thuật, biết tôi là người đã xuất bản bao nhiêu tác phẩm, gồm văn xuôi, thơ, phê bình và chân dung văn học này nọ, và bày tỏ sự hân hạnh được làm  quen, được tôi tặng sách... Khi cầm mấy cuốn sách tôi tặng để chụp chung ảnh kỷ niệm, bà đã không quên nhờ cô phiên dịch hỏi tôi thêm về tên từng cuốn sách một, cùng tóm tắt nội dung bên trong... Ấy vậy mà, hôm đến tiễn đoàn VOV ra sân bay về nước, Diana đã tặng tôi tập thơ xuất bản gần đây nhất của bà, thơ viết bằng ngôn ngữ Romania, do tíu tít vội vàng, tôi đã quên không hỏi bà tên cuốn sách là gì. So với Diana, tôi thật đoảng. Có lẽ do bản tính chu đáo, cụ thể của người phương Tây và cá nhân bà, theo tôi, bà có phẩm chất cởi mở, thân mật, chu đáo, cẩn thận hết sức chuyên nghiệp của một người nhiều năm làm công việc hợp tác và quan hệ quốc tế. Ngoài tiếng Romania là ngôn ngữ đất nước mình, Diana còn sử dụng thành thạo tiếng Anh, Đức, Italia, và sử dụng xã giao tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Thật đáng nể phục. Tới đây, theo chương trình hợp tác giữa đôi bên, sẽ có một số phóng viên của Đài phát thanh quốc gia Romania sang Việt Nam để tìm hiểu, viết bài giời thiệu văn hóa Việt Nam cho khán thính giả Romania, tôi sẽ nhở họ cầm giúp về tặng Diana tập chân dung văn học tôi mới xuất bản. Và quan trọng hơn, nhờ họ dịch tên và một số thông tin chính tập thơ mà Diana-Maria şincai đã tặng tôi, là để sửa sai sự sơ suất đáng trách của mình...

 

 

7. Để nhớ về một thời đã qua, 

Xin trở lại bài thơ tình “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng” của tác giả Khổng Văn Đương từng nổi tiếng một thời và giờ đây, người ta vẫn nhắc đến, thậm chí có người còn mạnh dạn cho rằng đây là bài thơ tình hay nhất thế kỷ 20. Nhưng thôi, đó là chuyện thiên hạ, ai cũng có quyền riêng của mình... Thật lòng, khi đọc câu thơ “Hỡi trái đất rộng làm chi bao la/ Cho loài người chia biên giới thế gian/ Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát/ Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?”, bộc lộ sự thất vọng tràn trề, nỗi đau quặn thắt lòng của đôi tình nhân ngày nào, tâm trạng tôi ít nhiều xao động, song về lý trí, tôi vẫn nghĩ đây là một bài thơ đường được mà thôi, kể chuyện riêng tư khá dài dòng và ngôn từ thì hơi sáo. Có thể, với tác giả và nhiều người từng có một thời học tập, làm việc ở Romania, ở châu Âu hay nước ngoài nói chung, có hoàn cảnh hoặc sống trong môi trường tương tự, nên dễ cảm nhận, cảm thông và yêu thích bài thơ hơn chăng ?...

Vậy sao, tôi lại viện dẫn bài thơ này để mở đầu cho suy ngẫm của mình về một thời đã qua nhưng còn chưa xa của lịch sử Romania? Thì đây, Khổng Văn Đương đã từng đổ lỗi, sự tan vỡ mối tình duyên của họ nguyên do là trái đất thế gian này lại đi phân chia biên giới quốc gia mà làm chi? Song đấy là nói rộng ra, còn thu hẹp lại, sự ngăn cách, cản trở tình duyên con người ấy lại không nằm ở cái ranh giới cụ thể, mà từ sự xơ cứng nguyên tắc của xã hội, của các thể chế quốc gia trong khối liên kết XHCN một thời, mới là chính... Đất nước Romania cả một thời gian dài (42 năm) dưới sự lãnh đạo độc tài của lãnh tụ Nicolae Ceauşescu, ít nhiều có những thành công này nọ, nhưng xét tổng thể, đã được người dân quốc gia này đánh giá là đưa đất nước đến sự kiệt quệ cả về tài nguyên và tinh thần. Tuy nhiên, việc luận bàn công và tội của vị cố nguyên thủ này, đến nay, vẫn gây ra sự tranh cãi và đánh giá trái chiều nhau ở Romania. Và, cái thời kỳ xã hội nguyên tắc đến xơ cứng ấy, là bối cảnh làm nên câu chuyện tình lâm li bi đát của chàng sinh viên Khổng Văn Đương  thông minh tài hoa (người Việt) với cô nàng Valentina mắt xanh tóc vàng xinh đẹp (người Romania); theo quy định chung, họ không được phép lây nhau, và nếu cố tình, thì anh chàng còn bị kỷ luật, buộc về nước... Vậy nên, mới có lý do để bài thơ ra đời. Thực ra, họ chỉ là điển hình cho hàng nghìn hàng vạn những cặp trai, gái người Việt có tình duyên không thành với người nước ngoài nơi họ từng học tập, nghiên cứu của một thời đã qua mà thôi...

Giờ đây, dạo bước trên phố xá thủ đô Bucharest cổ kính, tôi được tận mắt nhìn ngắm những công trình thế kỷ ghi dấu ấn một thời đã qua, như Khải hoàn môn, Tòa nhà Quốc hội to lớn, Tòa soạn báo của Đảng cầm quyền ngày đó, nhất là cái ban-công nổi tiếng của Trụ sở Trung ương Đảng CS Romania trên Quảng trường Cung điện ( nay là Quảng trường Cách mạng ) khi vào ngày 22.12.1989, Nicolae Ceauşescu lần cuối cùng đăng đàn phát biểu, kêu gọi, đã bị đông đảo dân chúng tham gia chính biến la ó, khiến ông phải bỏ dở, và lên một chiếc trực thăng rời đi, sau đó bỏ trốn cùng vợ, để 3 ngày sau, bị lực lượng nổi dậy bắt giữ, thi hành tại chỗ án tử hình sau 2 giờ xét xử chiếu lệ có truyền hình trực tiếp... Tất cả, cho ta những suy nghĩ, những bài học sâu sắc về chính thể, về sự độc tài, sợ xơ cứng xã hội và tệ sùng bái cả nhân... từng diễn ra một thời ở Romania và nhiều quốc gia khác... 

Cũng ngay Quảng trường Cách mạng, sau khi nhìn ngắm ban-công nổi tiếng gắn với chính biến năm 1989 ở Romania dẫn đến sự sụp đổ chế độ độc tài và cái chết của vợ chồng Nicolae Ceauşescu, tôi lại bắt gặp bên hàng rào sắt của một tòa nhà đối diện những bó hoa đặt dọc sát chân tường. Bà Diana-Maria şincai, chuyên viên hợp tác quốc tế của Đài Phát thanh quốc gia Romania giải thích, những bó hoa ấy là do người dân mang đến đặt để viếng và bày tỏ lòng thương tiếc vị vua cuối cùng của Romania vừa qua đời trước đó một tuần. Tôi không hỏi kỹ lại Diana rằng vị vua ấy là ai, song tra cứu lịch sử, rất có thể đó là vua Michael I, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Romania bị truất ngôi, buộc rời bỏ quyền lực và bị trục xuất khỏi đất nước vào năm 1947, thay thế bằng chính thể mới XHCN do Liên Xô cầm đầu.

Quả là, lịch sử và người dân chẳng bỏ quên một ai. Vua Michel I hay cựu lãnh tụ Nicolae Ceauşescu cũng vậy. Đã gần ba chục năm trôi qua, giờ đây, vào ngày 25 tháng 12 hằng năm, vẫn có nhiều người đến đặt hoa và hát những bài ca bên mộ vợ chồng ông. Và nữa, người ta vẫn không ngừng luận bàn, so sánh công-tội của ông...

Chỉ có nhân dân luôn là số đông và vĩnh cửu mà thôi !...

 

8. Nước Nga xa mà gần, gần mà xa...

Với riêng tôi, cho đến giờ phút này, nước Nga xa mà gần, gần mà xa. Tôi đã đặt chân xuống và bước đi trên mặt đất Nga, ấy vậy, mà vẫn quá xa vời, nước Nga ơi !...

Như tôi đã kể ở phần mở đầu ký sự này, chuyến công tác thăm và làm việc của chúng tôi với đối tác truyền thông của Hungary và Romania, cả đi và về, đều transit qua sân bay quốc tế Domodedovo (Домодедово ) ở thủ đô Moskva ( Nga ). Biết là chỉ là ghé chơi đất Nga chốc lát, tuy nhiên lòng tôi cũng chộn rộn hy vọng có đủ thời gian dạo chơi mua sắm ở sân bay, ít nhiều thỏa mãn sự tò mò đủ để khái quát về một nước Nga ngày nay...

Vậy mà, chuyến bay của Hãng hàng không Nga-Aeroflot từ Hà Nội đi Moskava lại chậm giờ mất một tiếng. Theo giờ mùa hè, Moskva chậm hơn Hà Nội 4 giờ, song không hiểu sao, bảng cập nhật giờ bay thông báo trên lịch trình của chuyến bay lại chỉ chênh có 3 giờ. Cứ chiểu theo vậy, thì chúng tôi sẽ chậm hơn so với giờ bay và có thể nhỡ chuyến từ Nga đi Budapest ( Hungary ). Khi máy bay hạ độ cao, bay lòng vòng chờ hạ cánh, nước Nga với những cánh rừng thưa và hồ nước vùng ngoại ô, rồi nhà cửa làng mạc hiện rõ dưới cánh máy bay, ít nhiều làm tôi xao động, song bị át đi bởi nỗi lo chậm giờ chuyến bay tiếp đi Hungary. Vậy nên, khi máy bay hạ cánh, chúng tôi chỉ còn đủ thời gian làm thủ tục transit, rồi cắm đầu thục mạng tìm cửa ra máy bay vừa kịp chuyến đi Budapest. Lên máy bay rồi mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc ấy, mới hồi nghĩ về những gì mình nhìn thấy ở sân bay Domodedovo trong quá trình kéo va li chạy vã hàng cây số lên xuống loanh quanh tìm cửa đi Hungary, đó là những quầy hàng lưu niệm, những dòng người xuôi ngược và đông đúc hơn cả là khách du lịch Trung Quốc nhan nhản khắp mọi ngách ngả của sân bay...

Đó là khi đi, còn lúc về, theo lịch bay thì thời gian trung chuyển ở Domodedovo cũng kha khá, vậy nên tha hồ mà tha thẩn, mua sắm. Ấy là nghĩ vậy, và điều đó càng thành sự thật khi chuyến bay cất cánh, hạ cánh đúng giờ. Tuy nhiên, ... vâng, lại tuy nhiên, một bất ngờ xảy ra...

Ấy là chiếc vali xách tay của một thành viên trong đoàn chúng tôi, khi làm thủ tục soi an ninh, đã bị giữ lại, yêu cầu mở kiểm tra. Khốn nỗi, chiếc vali này trước đó đã bị hóc khóa do trượt số lúc đóng mở ở sân bay quốc tế Hungary đi Romania. Chủ nhân của nó cũng đã tốn khá nhiều thời gian để mở mà không được, nay nhân viên an ninh yêu cầm mở để kiểm tra tại chỗ, đành bó tay. Cứ lằng nhằng giải thích này nọ đôi co với nhau. Chủ nhân vali chấp nhận phá khóa thì nhân viên an ninh bảo không có dụng cụ. Lại giải thích, tiếng Anh bồi qua lại, thật chán chết, cô phiên dịch của đoàn giỏi tiếng Anh đứng ra giải thích thì nhân viên an ninh mắng “không phải vali của mày”. Mất gần nửa tiếng ách tắc cả đoàn, kết quả, sau khi cho soi chiếu lại chiếc vali và nghe chủ nhân chỉ chỏ màn hình giải thích từng vật trong vali, xác định cái khối đen mà nhân viên an ninh nghi ngờ là vũ khí hoặc vật liệu nổ gì đây, chính là mấy chiếc salami bó lại với nhau mà chủ nhân vốn thích đã mua từ siêu thị ở Hungary. Vậy là chỉ còn chừng khoảng gần một giờ đồng hồ để tìm cửa ra máy bay về nước và mua nhanh vài món kỷ niệm. Dẫu sao, tôi cùng kiếm được vài món souvenir như búp-bê Nga (Matryoshka), sợi dây chuyền bạc cho cô con gái rượu năm nay vào đại học... Và để mua được mấy món đồ souvenir như vậy, chúng tôi cuống cuồng đến quên cả việc chụp mấy pô ảnh làm kỷ niệm ở sân bay Nga này. Có một điều, dễ nhận thấy, ấy là cái sân bay khổng lồ này, tuy có một số hãng hàng không lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapor, Việt Nam, và một số nước Trung Đông, song không thấy bóng dáng máy bay của các hãng hàng không lớn của Tây Âu và Mỹ. Có lẽ, những bất đồng chính trị và lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu là nguyên nhân gây nên sự vắng bóng đó?...

Tôi nói rằng, mình được đứng, bước đi trên mặt đất Nga, thì đúng là vậy. Chuyến bay từ Romania đưa chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Domodedovo đã đỗ ở bãi đỗ ngoài xa, hành khách phải tự kéo va li, xách đồ đi chừng hơn trăm mét mới đến nơi xe khách hàng không đợi chở vào khu vực trong nhà ga sân bay. Lúc lên máy bay, cũng lại xe khách hàng không chở ra gần chân cầu thang máy bay. Trời mây đen kéo sầm trời, rồi mưa, mưa nặng hạt, khiến hành khách ròi ô tô để lên được máy bay bị mưa ướt ít nhiều. Nhìn qua của kính máy bay, nhìn trời mưa tầm tã, một cảm giác buồn xâm chiếm lòng tôi. Dẫu chưa được nhập cảnh vào Nga để ngắm hoàng hôn buông trên sông Moskva; hay chiêm ngưỡng đêm trắng ở St. Petersboug; hay được đến Tula thăm điền trang Iaxnaia Poliana và viếng mộ nhà văn L. Tolstoi; hay về thăm khu vườn trắng nơi quê nhà của nhà thơ S. Exenin ở Yesenino vùng Ryazan; hay lưu dấu chân địa danh điền trang Spasskoye, mà nhà văn I. Turgenev thuật trong thiên ký sự Bút ký người đi săn nổi tiếng của ông ... Bao nhân vật, bao địa danh vùng đất, bao tác phẩm văn học nghệ thuật, bao tên tuổi nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ lỗi lạc của đất nước Nga mà tôi từng đọc, từng nghiền ngẫm từ thời thơ ấu đi học đến mãi sau này tuổi biết yêu, và biết sáng tác văn học, theo nhau ùa về như cuốn phim tua nhanh trong ký ức, cho đến khi máy bay rời đường băng cất cánh lên bầu trời Moskva trong cơn mưa chiều tầm tã... Nghĩ thật ngồ ngộ, máy bay rời mặt đất thì ý thức của mình mới trở về mặt đất. Lên đến độ cao vài nghìn mét, thoát qua khỏi vùng mây mưa, trong ánh hoàng hôn nghèn nghẹn không trung, vẫn loằng ngoằng, nhập nhoàng những tia chớp xanh phía trời xa...

Khi ấy, những câu thơ đầu tiên của bài thơ Cơn mưa chiều Moskva đã manh nha trong đầu tôi : “Cơn mưa chiều Mat-cơ-va/ lần đầu gặp, ngỡ như là đã xưa/ như mình từng đã dây dưa/ như thân thiết lại như chưa bao giờ,... Cơn mưa chiều Mat-cơ-va,/ tính cách Nga ấy cùng ta một thời,/ mưa rơi, tầm tã mưa rơi,/ tìm đâu bóng dáng, người ơi, đã từng ?...”.

         

Nhưng cớ sao, kết thúc thiên ký sự về chuyến công du bán đảo Balkan của tôi lại là những ký ức, nỗi niềm về một nước Nga, một Liên Xô xưa cũ. Ngày đi học, tôi đã từng đắm chìm vào lịch sử, thiên nhiên, con người, tính cách Nga qua văn học nghệ thuật. Tôi cũng đã bộc lộ cảm xúc của mình về những điều ấy trong một thiên tùy bút “Văn học Nga, chiếc nôi vĩ đại và êm ái “...

          Tình yêu nước Nga trong tôi vẫn tròn đầy, mặc những biến thiên của lịch sử hiện đại, mặc những phức tạp về quan hệ đối ngoại, mặc những bất đồng chính trị của chính thể Nga hiện nay trong mối tương quan thế giới đầy rối ren...

          Vậy mà, giờ đây, nước Nga trong tôi vẫn cứ xa mà gần, gần mà lại xa vời, nước Nga ơi !...

 

 

Lướt trên bán đảo Đông Dương.

 

1.    Đất nước Triệu Voi,

 

Mùa thu năm 2010, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khai trương hai văn phòng cơ quan thường trú ngoài nước của mình tại Lào và Cam-pu-chia. Đúng vào dịp ấy, tôi được Hội Nhà báo Việt Nam mời tham gia đoàn công tác của Hội sang thăm và trao đổi nghiệp vụ với Hội Nhà báo Trung Quốc. Thế là đành thoái đoàn của Hội Nhà báo để tham gia đoàn của VOV đi Lào và Cam-pu-chia.

Thú vị nhất, lúc đi, từ Hà Nội sang Viêng-chăn (Vientiane), chúng tôi đi bằng đường bộ, qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) mà vượt biên giới sang nước bạn. Vui nữa, trong đoàn công tác có nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi ấy đang là Giám dốc Kênh Truyền hình VOV (VOVTV). Tôi và Khoa cùng xe nên câu chuyện dọc đường thêm phần rôm rả.

Tối đầu tiên, đoàn chúng tôi ngủ đêm ở Phố Châu, thuộc huyện Hương Sơn của Hà Tĩnh. Biết nơi đây, ngày xưa, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, khi chán ngán thời cuộc nhiễu nhương tao loạn, đã rời bỏ kinh đô Thăng Long, chọn đến để sinh sống những năm cuối đời mình, với nghiệp nghiên cứu đông y, hái thuốc và chữa bệnh cứu người. Cũng tại mảnh đất này, ông đã trút hơi thở cuối cùng, lăng mộ hiện còn đây, được người dân quanh năm hương khói ghi nhớ công ơn. Thêm nữa, tôi có anh bạn trẻ văn chương là Vũ Trọng Hoài, một giáo viên dạy văn ở địa phương, bấy lâu anh em thơ phú giao lưu, từng đối ẩm ở Hà Nội, song thời gian ít nên chẳng dám alo nhau đến.

Đêm Phố Châu yên tĩnh lạ, đến thành khó ngủ. Sáng sớm đã lên đường. Con đường từ Phố Châu đến cửa khẩu Cầu Treo khoảng gần năm chục cây số, thật không ngờ khá quanh co, đồi dốc, và cảnh sắc nên thơ, hao hao giống đường núi Cao Bằng hay đâu đó mầy tỉnh biên giới phía Bắc. Thủ tục quá cảnh khá nhanh chóng, nên xe đã bon bon trên đất Lào. Đây là lần đầu tiên tôi sang Lào. Quan sát quang cảnh dọc đường đi, vẫn còn rừng núi, na ná như Hòa Bình, Thanh Hóa của ta. Nhưng khi cách biên giới Việt dăm chục cây số, chỉ còn địa hình gò đồi, cây cối lúp xúp, đến khi vỡ òa, một không gian trống không phía trước. Ấy là, dòng Mê-kông án ngữ ngay trước mặt.

Sông Mê-kông còn có các tên gọi khác, khởi nguồn từ Thanh Hải, ngang qua cao nguyên Tây Tạng với tên Trát Khúc, hợp lưu thành Lan Thương, gần một nửa chiều dài ( tổng chiều dài là 4.880 km ) chảy trên đất Trung Quốc, rồi các tên Mè Khoỏng, Mè Nam ( sông mẹ, sông cái ), chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Cam-pu-chia rồi đổ vào lãnh thổ Việt Nam thì mang tên Cửu Long ( Chín Rồng, chín cửa ) với đôi nhánh sông Tiền, sông Hậu.

Xe chúng tôi cứ thế, ngược đường từ Đông Nam lên Tây Bắc, quốc lộ bám theo bờ Mê-kông, lúc xa lúc gần. Hai bên đường, toàn bãi trống, rừng thưa, cây cối lúp xúp và thưa thớt. quan sát cấm thấy lại cây quả gì ăn được. Làng mạc và nhà dân thưa thớt, lối nhà sàn, chỉ khi nào đường ngang qua thị trấn, thị tứ hay cụm dân cư thì mới thấy lối nhà mặt phố như ở ta. Nói chung, cảnh sắc đơn diệu, buồn tẻ, cho đến khi gần đến ngoại ô thủ đô Viêng-chăn mới sầm uất hơn. Thú thực, suốt dọc đường nước Lào ngược lên Viêng-chăn, nhìn cảnh dòng Mê-kông lúc gần lúc xa, đầu tôi cứ ong ong câu thơ của nhà văn Nguyên Hồng trong bài thơ dài hiếm hoi của ông, ấy là bài “ Cửu Long giang ta ơi “, khi bày tỏ cảm xúc về dòng sông này chảy qua nước bạn Lào : “ ... Mê-kông chày/cây lao đá đổ/ lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương/ những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn/ ngẫm ghĩ voi đi/ thác Khôn cười trắng xóa/ rừng Lào Miên rộng quá/ dân Lào Miên mến yêu/xôi nếp nước trong sẵn sàng chia bạn đói/ Ta đi, bản đồ không nhìn nữa/ sáng trời thu lại còn bướm với trời xanh/ trúc đào tươi chim khuyên rỉa cánh sương đọng long lanh/ Ta cởi áo lội dòng sông ta hát/ Mê-kông chảy Mê-kông cũng hát/ rừng núi lùi xa/ đất phẳng thở chan hòa...”. Đọc lên rồi, tôi và Trần Đăng Khoa, mỗi đứa nối mỗi câu, hết cả bài thơ dài dằng dặc của Nguyên Hồng. Ôi, cái khung cảnh và bầu không khí hoang sơ thời Nguyên Hồng sáng tác “Cửu Long giang ta ơi” nay còn đâu, khi rừng Lào xơ xác bởi bạn khai thác rừng quá độ, bởi sự đô thị hóa trong bước phát triển của Lào ?... Hai chúng tôi hỏi nhau, và lòng cùng trịu nặng ưu tư. Bởi thế chăng mà bớt đi sự tẻ nhạt của sự đơn điệu chặng đường trên đất bạn...

Lang Quốc Khánh, phóng viên và là Trưởng cơ quan đại diện của VOV tại Lào í ới điện thoại và ra tận rìa đường điểm hẹn đón chúng tôi. Viêng-chăn nhỏ, chỉ một chút là đã vào trung tâm thành phố. Và Đài chiến sĩ vô danh ( Anou Savary )  đã hiện ra. Trước khi đi, tôi đã tìm hiểu nên biết cái đài này mới được xây dựng vào năm 1958, kiến trúc pha trộn giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc cổ phù điêu Lào. Sau này, đổi tên thành Khải Hoàn Môn ( Patuxay ), và như vậy là chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp rồi. Điều này, còn được thấy rõ ở kiến trúc đường phố và biệt thự Pháp, kiểu dáng giống như các thành phố miền Nam nước Pháp vậy.

Trước khi đến khách sạn, chúng tôi ghé văn phòng của VOV tại Viêng-chăn, nghe đâu thuê lại của gia đình quan chức bạn, ngôi biệt thự xinh xắn với khuôn viên vườn tược rộng rãi, cách trung tâm nơi Khải Hoàn Môn tọa lạc không xa ...

Mọi việc tất bật, tạm chưa thăm thú đâu, tất cả dành cho lễ khai trương Cơ quan thường trú VOV tại Lào, với sự hiện diện của chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Minh Triết, cùng quan chức cao cấp hai nước tham dự...

 

 

 

2. Thạt Luổng, biểu tượng của văn hóa Phật giáo Lào,

         

          Và rồi, lễ khai trường Cơ quan thường trú VOV Lào tại Viêng-chăn diễn ra trang trọng và suôn sẻ. Với tư cánh là Chánh văn phòng VOV, tôi là người dẫn chương trình chính, cùng với một nữ phát thanh viên Chương trình tiếng Việt của Đài Phát thanh quốc gia Lào. Cặp MC, nam tiếng Việt, nữ tiếng Lào, khá nhịp nhàng và ăn khớp. Chủ tịch nước phát biểu và giao nhiệm vụ cho VOV...  Sau lễ, là tiệc chiêu đãi, sâm-panh, rượu vang, tiệc đứng. Kết thúc là màn lăm-vông theo phong tục hội hè văn hóa Lào. Các ca sĩ Việt của nhà hát VOV là Hồng Ngát, Đăng Dương, Việt Hoàn biểu diễn các tiết mục của mình. Cuối cùng, cả lãnh đạo và toàn bộ thành viên trong đoàn công tác cùng hát bài ca truyền thống của nhà Đài, ấy là bài “ Tự hào tiếng nói Việt Nam( Âm nhạc Đỗ Hồng Quân, lời thơ Vũ Văn Hiền ).

          Xong việc chính, chúng tôi mới được xả hơi, thăm thú đây đó Viêng-chăn. Dĩ nhiên, Thạt Luổng ( Chùa Vàng ) là điểm ưu tiên.

          Không khó để tìm kiếm những thông tin về Thạt Luổng. Về tổng thể, Thạt Luổng gồm hai phần chính, ấy là Tháp và Chùa. Xét về ý nghĩa, Thạt Luổng là công trình văn hóa-kiến trúc-tâm linh quan trọng nhất của Lào, là biểu tượng của đất nước Triệu Voi, được in hình trên quốc huy và đồng tiền Kíp của nước bạn Lào.

          Thạt Luổng, âm Lào là That Luang, nghĩa là Tháp Lớn ( tháp Đại Phật Tích ). Công trình này được xây dựng vào năm 1566 dưới triều vua Xệt Tha Thi Lạt cầm quyền, có hình dáng chiếc nậm rượu, trên nền cũ phế tích một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ 13. Tương truyền, trong tháp lớn có chứa xá lị của Đức Phật và nhiều châu báu. Thạt Luổng ngày nay gắn liền với công tích của vua Xệt Tha Thi Lạt, sau khi ông dời đô từ Luang Phrabang ( Luông Phạ-băng ) về Viêng-chăn vào năm 1563. Cũng có tài liệu nói về nguồn gốc xa xưa của Thạt Luổng, ấy là từ thế kỷ thứ 3 tr.CN khi năm nhà sư người Lào sau khi tu tập thành công tại Ấn Độ, hoằng duơng Phật giáo tại Lào, đã xin với vị châu mường xứ Viêng-chăn (Chămthabuli Pạ Xitthi xắc) khi đó cho xây dựng một ngôi tháp để chứa xá lị Đức Phật là chiếc xương đầu gối của ngài do chính họ mang theo về từ Ấn Độ. Đấy là truyền thuyết của người Lào, thực hư chẳng rõ. Có điều này thì rõ, ấy là vào năm 1911, một nhà nghiên cứu khoa học người Pháp là Henri Parmentier đã phát hiện ra, trong khối cong chính của ngôi tháp ngày nay là một tháp cũ. Điều này cho thấy, nguồn gốc cổ xưa của nó, và sự chồng chất của di tích Thạt Luổng.

          Mặc dù, Thạt Luổng gồm hai phần chính là tháp và chùa, song mọi tinh hoa của văn hóa Phật giáo Lào dồn tụ cả vào Đại tháp. Về cấu trúc, Đại tháp lại gồm 2 phần, ấy là tháp lớn chính giữa, kích thước 90 x 90, và chiều cao là 45m, xung quanh là các tháp nhỏ. Hình dáng tháp chính là đài sen hinh vuông, giật cấp thành nấc, lên cao nhỏ dần, rồi phình ra thành một phần cầu lớn, làm tựa cho bên trên hình quả bầu vuốt thon lên cao, đỡ phần trên nữa là tháp nhỏ có ngọn vút lên ...

          Lào là quốc gia Phật giáo Tiểu thừa, giống như Cam-pu-chia, Thái Lan và một số quốc gia Nam Á khác. Có lẽ vậy, khi thăm viếng Thạt Luổng, tâm trạng tôi thoải mái, nhìn ngắm thỏa trí tò mò tìm hiểu, nhiều hơn là sự thành kính tâm linh, thậm chí e ngại như khi thăm viếng đền chùa ở xứ Việt ta. Tháp lớn chân đế hình vuông ở giữa, xung quanh là sân cỏ xanh mịn, và bao bọc vòng ngoài là hành lang nối kín thành hình vuông có lợp mái, và dọc theo hành lang là các tượng đất nung, kiểu như la hán chùa bên ta...

          Tôi và Trần Đăng Khoa tha thẩn nhìn ngắm. Người đi lễ chùa, không mấy đông. Để ý, thấy họ chậm rãi, bình thản lắm, chứ không có hiện tượng tranh nhau khấn tế cầu phúc cầu lợi kiểu đi lễ chùa xứ ta. Vậy nên, quang cảnh thật bình an, thanh thản. Tôi nhẩm bụng, thế này thì hơn xứ ta cái chắc. Để ý Trần Đăng Khoa, chỉ thấy anh ngó nghiêng lơ đãng, gương mặt không biểu lộ gì. Chẳng hiểu trong cái đầu mẫn tiệp kia, có tứ thơ nào nảy sinh ?...

          Trong khuôn viên tháp, bên ngoài sân chùa, cổng chùa, cũng lác dác những người bán hàng rong, chủ yếu là đồ lưu niệm nhà Phật mang tính cầu may cầu phúc. Những người bán hàng rong, cũng lặng lẽ, hoặc mời chào nhẹ nhàng, chứ không có lối bán hàng chèo kéo, ép mua như xứ ta, xứ Tàu. Điều này cũng khiến khách thập phương dễ chịu.

          Sau Thạt Luổng, chúng tôi còn được phía bạn đưa thăm thú một vài nơi, rồi chợ búa, mua sắm, thưởng thức ẩm thực xứ Lào. Tuy nhiên, thực lòng mà nói, không mấy ấn tượng. Hôm đến khách sạn Lạn-xạn, một trong những khách sạn sang trọng nhất ở Viêng-chăn, hỏi ra mới biết, tên khách sạn hiểu tiếng Việt có nghĩa là Triệu Voi. Chợt nhớ xứ sở này cùng được gọi là Triệu Voi, bèn hỏi anh Trưởng phòng chương trình phát thanh Tiếng Việt của Đài Phát thanh Quốc gia Lào, rằng Lào hiện còn bao nhiêu voi? Anh chàng cười như mắc lỗi, bảo:” Ôi, ít lắm, chẳng còn triệu voi như ngày xưa đâu. Cũng chỉ có ở khu vực rừng già phía tây bắc nước Lào thôi”...

          Nghĩ mà buồn. Đến đất nước được mênh danh là Triệu Voi, nay cũng còn rất ít voi, nữa là xứ mình, voi vốn không nhiều, vậy thì nay còn đâu nữa !?... Ngay như mấy quốc gia châu Phi như Tanzania, Zambia, voi cũng ít dần, bởi nạn săn bắn lấy ngà tràn lan. Rồi mai đây, liệu loài động vật to xác nhất mặt đất  hành tinh này, có còn tồn tại nữa hay không ?...             

 

 

          3. Ghé đất Thái Lan.

 

          Gọi là ghé đất Thái Lan, với tôi hoàn toàn đúng. Mặc dù, do yêu cầu công việc, tôi có điều kiện đi nước ngoài, Tây Tàu đủ cả, song với Thái Lan thì đây là lần đầu tiên. Thực ra, thu đông năm 1996, tôi sang Pháp học nghiệp vụ báo chí, theo đường hàng không của hãng Air France, cả đi và về đều transit qua sân bay quốc tế thủ đô Băng-cốc ( Thái Lan). Thời gian quá cảnh khá lâu, hành khách được ra khỏi máy bay vào siêu thị mua sắm cả mấy tiếng, song về ý nghĩa, khu vực ấy không còn là đất Thái Lan nữa, mặc dù nó chềnh ềnh giữa xứ sở Thái Lan. Bởi vậy, đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Thái Lan với đầy đủ nghĩa thực của nó.

          Chúng tôi sang đất Thái bằng đường bộ, qua cửa khẩu Nong-khai, nằm đối diện bờ nam sông Mê-kông với Viêng-chăn. Mặc dù, đoàn chúng tôi sang Lào bằng 3 chiếc xe biển xanh 80B, song khi qua đất Thái thì không thể. Bởi mang xe mình quá cảnh, giấy tờ thủ tục phiền hà, lại thêm, hệ thống giao thông bên Thái theo kiểu Anh ( tức đi trái, về phải, như  Nhật bản, Hồng-kông ), chứ không phổ thông đi phải về trái như hầu hết các nước trên thế giới. Các bạn ở Phòng Phát thanh Tiếng Việt, Đài Phát thanh quốc gia Lào thuê giúp chúng tôi một chiếc xe loại hơn hai chục chỗ của một công ty du lịch tại Viêng-chăn.

          Đi từ sáng sớm, xe qua cầu Hữu nghị Thái-Lào số 1, nhìn nước Mê-kông đang mùa lũ, chảy xiết, có chút nao nao trong lòng. Cây cầu hữu nghị này, nghe nói do chính phủ Australia giúp xây dựng với kinh phí mấy chục triệu USD. Nó được khánh thành vào năm 1994 với các làn cho xe cơ giới, khách bộ hành và đường sắt ở giữa. Riêng phần đường sắt thì tận chục năm sau, năm 2004 mới hoàn thành. Phần đường cho xe cơ giới trên cầu được bố trí theo kiểu giao thông Thái Lan (kiểu Anh), nên khi đi từ đất Lào lên cầu, thì ngay đầu cẩu phía Lào, đèn hiệu đã hướng dẫn xe lên cầu theo kiểu Thái. Với các bác tài thường xuyên qua lại đây, đã trở thành bình thường, chỉ lái xe của ta, chắc sẽ bỡ ngỡ ít nhiều.

          Sang đất Thái Lan, thủ tục quá cảnh khá nhanh chóng và thuận tiện khi giấy tờ đầy đủ. Xe chạy trên đất Thái Lan theo giao thông kiểu Anh, nên nhìn đường, cảm giác hơi khó chịu, đôi khi cảm thấy ô tô như sắp đâm sầm vào nhau, mặc dù với tôi, trước đấy vài tháng, đã phần nào làm quen với kiểu giao thông này ở Hồng-kông. Xe chạy trên đất tỉnh Nong-khai, rồi rẽ về hướng tỉnh Udon. Đây là vùng châu thổ sông Mê-kông thuộc đông bắc Thái Lan, nên đồng ruộng cây trồng cũng na ná xứ ta. Tuy vậy, cánh đồng có vẻ rộng hơn, ít manh mún hơn, chắc là do hình thức tập trung ruộng đất và chuyên canh thoáng hơn xứ ta. Đường tốt, xe chạy tốc độ hàng trăm cây số giờ. Và tôi, được tận mắt chứng kiến tài nghệ các bác tài xứ này, đáng nể và cũng đáng kinh. Ấy là, ở Thái Lan, đường thì đi theo kiểu Anh, nhưng ô tô loại lưu thông thoải mái cả xe táy lái thuận, tay lái nghịch. Thế nên, mới có cảnh, hai bác tài chạy xe cùng chiều, một tai lái thuận, một tay lái nghịch, cho xe chạy sát nhau, và với tốc độ chóng mặt như vậy, họ mở kính, thoải mái nói chuyện và trao đổi đồ vật cho nhau. Thật đáng nể và cũng thật đáng sợ. Nói dại, ngộ nhỡ ra...

          Cứ như vậy, vào sâu thêm đất Thái. Chợt nổi lên trong suy nghĩ của tôi, hình như ở vùng này, đâu đó là sân bay Cò-rạt (Khorat), U-ta-pao, căn cứ không quân của Mỹ trên đất Thái Lan, suốt những năm, từ 1965 đến 1972, cùng với sân bay trên Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương, không biết bao nhiêu ngàn lượt máy bay cường kích, tiêm kích của Mỹ cất cánh bay vào lãnh thổ Việt Nam dội bom, bắn phá, gây nên chết chóc, hoang tàn cho xứ sở ta?...  Sau này, tôi có tình cờ đọc được một vài tài liệu của nhà báo Xuân Ba viết về những người Việt hiện đang sinh sống ở vùng đông bắc Thái Lan, trong đó có Udon. Lịch sử cho thấy, từ thời vua chúa nhà Nguyễn, đã có một bộ phận người Việt vì nhiều lý do, di cư sang đất Thái Lan sinh sống. Nay, con cháu họ vẫn định cư ở đây, và cũng đã từng giúp đỡ cụ Hồ ( khi ấy mang tên Thầu Chín ) hoạt động cánh mạng trên đất Thái... Và sau này, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, được biết, không ít người trong số họ, trong quá trình mưu sinh, đang làm việc tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực này, đã có những đóng góp không nhỏ trong việc thông tin trước các hoạt động của máy bay Mỹ từ các sân bay trên đất Thái (Cò-rạt, U-ta-pao) bay sang Việt Nam bắn phá. Nhờ thế mà ta lường trước được để đối phó kịp thời, giảm ít nhiều sự tổn thất ...

          Vì không có nhiều thời gian, nên khi vào đến tỉnh lỵ Udon Thani, chúng tôi vào một trung tâm thương mại lớn. Đủ sức nhìn ngó cho biết, chứ mua sắm chẳng là bao. Hàng Thái Lan chất lượng khá, giá cả cũng phải chăng, nói chung là dễ mua, song cánh đàn ông chúng tôi vụng đường mua sắm. Có cái khác với Lào trong việc sử dụng đồng tiền. Nếu như ở bên Lào, trung tâm thương mại hay chợ trời, ta mua sắm trả bằng Kíp Lào, Bạt Thái, Đô la Mỹ, hay tiền Đồng Việt Nam đều được tuốt. Trái lại, Thái Lan thì tuyệt đối chỉ thanh toán bằng Bạt Thái mà thôi. Đến ngoại tệ mạnh như USD thì cũng bị từ chối, từ siêu thị cho đến chợ trời, hàng rong nơi hè phố, bến tàu xe... Vậy nên, để mua bán, ăn trưa tại siêu thị, chúng tôi phải đến quầy đổi tiền, từ USD đổi sang đồng Bạt. Văn minh và quy củ, song cũng phiền thay cho khách du lịch bụi kiểu chúng tôi. Bữa trưa, tôi và Trần Đăng Khoa lượn mãi, rồi cũng chọn được món ăn tạm gọi là phù hợp, ấy là món phở Thái thịt gà, song quả thực nó giống món hủ tiếu Nam bộ hơn là phở Bắc. Dẫu sao cũng khá ngon miệng và đầy được bụng. Ẩm thực Thái vốn chuộng cay, thế nên, Trần Đăng Khoa dù yêu cầu không cho ớt, song nước dùng đã cay sẵn, lão ta nuốt trôi được hết tô phở Thái thì nước mắt nước mũi cũng trào ra vì cay. Rõ khổ thân lão Khoa béo...

          Chiều muộn, chúng tôi về lại Viêng-chăn Lào, và để bù lại, chúng tôi đi ăn tối ở một quán ăn đồ nướng nổi tiếng tại Viêng-chăn...

 

         

4. ... Và xứ sở Ăng-co,

       

           Rời Viêng-chăn, chúng tôi bay sang Phnôm-pênh, thủ đô của Campuchia, xứ sở Ăng-co. Tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam ( VOV ) tiếp tục lễ khai trương Văn phòng cơ quan thường trú VOV tại Campuchia, với sự tham dự của ông Nguyễn Minh Triết, nhân chuyến thăm chính nhà nước Campuchia trên cương vị Chủ tịch nước, trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông. Đây là một vinh dự không dễ gì có của VOV, bởi vậy, bình thường đã phải long trọng, thì nay càng long trọng và cẩn trọng gấp bội. Riêng tôi, với trách nhiệm Chánh Văn phòng VOV, người dẫn chương trình buổi lễ, nhất là phải tuân thủ một số nghi thức khi có sự tham gia của người đại diện cho nhà vua Campuchia, điều đó ít nhiều làm tôi lo lắng. Song sự thành công của lễ khai trương tại Lào, khiến tôi tự tin trấn an mình. Và rồi, lễ khai trương ấy đã diễn ra suôn sẻ, thành công hơn cả sự mong đợi. Xong việc chính, đoàn VOV còn chương trình làm việc với Đài Phát thanh quốc gia Campuchia, và sau đó mới là sự thư giãn thăm thú chút ít xứ sở Ăng-co này.

          Đến thủ đô Pnôm Pênh, không mấy ai lại bỏ qua điểm thăm thú nối tiếng nhất, ấy là chùa Pênh ( Wat Phnom ), bởi nó gắn liền với lịch sử hình thành của thủ đô này. Theo các tài liệu, đây là ngôi chùa linh thiêng, công trình Phật giáo được xây dựng từ năm 1373 trên Đồi bà Pênh ( Phnom Penh ) với độ cao 27m so với không gian xung quanh và là điểm cao nhất của thành phố. Truyền thuyết kể rằng, ở vào thời điểm trước khi xây dựng ngôi chùa, đã xảy ra một trận lụt lớn, bà Pênh, một quả phụ giàu có đã vớt được một cây gỗ lớn trôi dạt đến bên trong chứa 4 bức tượng Phật; bà Pênh coi đó là ý trời phật, bèn cho đắp một quả đồi cao tại nơi vớt được cây gỗ chứa tượng phật và cho dựng một ngôi chùa, đó là lịch sử hình thành của Wat Phnom. Trải qua nhiều thế kỷ, ngôi chùa từng được trùng tu, và chùa hiện nay là được xây dựng lại vào năm 1926, vì thế có nhiều hạng mục thêm vào, và tháp chứa hài cốt lớn nhất chính là tháp đựng tro cốt của vua Ponhea Yat ( 1421-1462 ), vị vua đã thực hiện việc dời đô của vương quốc Khmer từ Angkor về Phnom Penh trong lịch sử phát triển của Campuchia. Đây cũng chính là trung tâm lễ hội của thủ đô trong các dịp lễ tết của quốc gia này.

          Để đến được đây, xe chúng tôi phải đi ngang qua quảng trường lớn nơi có Đài kỷ niệm Độc lập nằm ở giao lộ hai con đường Norodom và Sihanouk giữa thủ đô Phnôm Pênh ( Đài này được xây dựng từ 1958-1962, hình dạng stupa (phù đồ) mô phỏng theo Angkor Wat và tổng hợp từ một số các di tích lịch sử khác của Campuchia, theo thiết kế của kiến trúc sư Vann Molyvann, là sự kết hợp của truyền thống và hiện đại ) . Ai đó phía bạn cũng chỉ chỏ cho biết, là tư dinh của thủ tướng Hun Sen ở đâu đó khu vực này. Sau khi hành lễ tại chùa, chúng tôi ( cùng NSND Hồng Ngát, NSUT Đăng Dương và một vài thành viên trong đoàn VOV ) đi thăm Hoàng cung.

          Hoàng cung, luôn là một điểm du lịch thăm thú không thể thiếu được khi đặt chân đến Phnôm Pênh. Hoàng cung là cách gọi tắt của Cung điện Hoàng gia, là một khu phức hợp các di tích, công trình kiến trúc, nơi nhà vua và các thành viên Hoàng gia ăn ở sinh hoạt, nơi thiết triều, thực hiện các lễ nghi hoàng gia và các nghi thức ngoại giao, từ khi xây dựng xong vào năm 1866 đến nay ( đương nhiên không tính thời Khmer Đỏ cầm quyền và thực hiện chính sách diệt chủng ).

          Tìm hiểu, được biết, Hoàng cung được khởi xây sau khi vua Norodom chuyển đô từ Oudong về Phnom Pênh ( thực ra kinh đô của vương quốc Campuchia được nhà vua Ponhea Yat dời về Phnôm Pênh từ giữa thế kỷ 15, nhưng sau đó kinh đó lại bị dời đến Basan, tiếp sau lại chuyển tới Lovek, rồi tới Oudong ), sau giữa năm 1800, nó nhìn về hướng Đông và tọa lạc tại bờ Tây của ngã tư các phân nhánh của sông Mekong gọi là Chaktomuk. Hoàng cung với rất nhiều công trình kiến trúc khác cùng những khu vườn có nhiều hoa kiểng quý đã nhiều năm tuổi, kết hợp với Chùa Bạc tạo thành một quần thể kiến trúc là biểu tượng đặc sắc của vương quốc Campuchia.

          Ngoài Cung Khánh tiết rộng lớn uy nghi, là nơi nhà vua cùng nội các thiết triều, và nay còn được sử dụng để cử hành nghi lễ hoàng gia và tôn giáo như đăng quang, kết hôn hoàng gia và nơi nhà vua tiếp khách, các cung điện khác như Điện nghỉ yên tĩnh, điện đồng, điện Napoleon III, điện Phochani, Damnak Chan, cùng sân khấu Chanchhaya và vườn hoa... đều được bố trí hợp lý tạo nên tổng thể hài hòa cho Hoàng cung.

          Tôi và các đồng nghiệp tha thẩn nhìn ngắm, tìm hiểu vài giờ đồng hồ trong Hoàng cung. Theo tôi, bao quát chung, Hoàng cung không quá tráng lệ, nguy nga như các cung điện ở Phương Tây, cũng không hoành tráng và lộng lẫy kiểu Trung Hoa hay một số nước Phương Đông khác, mà là sự kết hợp hài hòa của kiến trúc cổ truyền Phật giáo với kiến trúc khá hiện đại của phương Tây, nên tạo được sự khác biệt, ấy là dáng vẻ bình dị, yên ổn, ấm áp...

 

 

          5. Vĩ thanh,

 

          Nói đến Campuchia, chúng ta và cả thế giới đều biết, đây là đất nước Chùa Tháp; đất nước của những Ăng-co Thom, Ăng-co Vat; đất nước của tượng Bay-on bốn mặt, của điệu múa Ap-sa-ra; đất nước của Biển Hồ mênh mông, bởi đó thực sự là những di sản vật thể và tinh thần quý báu của nền văn minh Ăng-co xa xưa, góp phần làm phong phú, đa dạng kho tàng văn hóa nhân loại...

          Nhưng ngày nay, nói đến Campuchia, thế giới còn biết đến một cái tên khiến người ta phải rùng mình kinh khiếp, ấy là Khmer Đỏ, một thể chế quái dị với nạn diệt chủng, biến đất nước Campuchia thành một công thức toán học: Campuchia 4+3. Công thức toán này được hiểu, ở vào thời điểm ấy, dân số Campuchia là 7 triệu người, đến khi chế độ Khmer Đỏ bị xóa sổ, dân số còn lại là 4 triệu, và thật khủng khiếp, đã có 3 triệu người dân nước này bị thiệt mạng bởi nạn diệt chủng có một không hai trong lịch sử phát triển của nhân loại...

          Không chỉ thực hiện chính sách diệt chủng trên đất nước mình, Khmer Đỏ còn tàn sát dân thường của làng giêng Việt Nam, một đất nước trước đó còn là ân nhân của họ, trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của họ vào năm 1975.

          Cuối thu năm 1981, khi tôi khăn gói, ba lô vào nhận công tác tại Ban Nông Lâm nghiệp huyện Tri Tôn, thuộc vùng biên giới Bảy Núi của tỉnh An Giang, với tư cách chàng kỹ sư nông nghiệp trẻ, viết báo nghiệp dư, thì địa điểm tôi tìm đến đầu tiên ở vùng đất này, ấy là xã Ba Chúc, để tận mắt chúng kiến di tích tội các của Khmer Đỏ trên mảnh đất này, trước đó mới vài năm. Cái tên Ba Chúc ngày ấy được người dân cả nước và khắp thế giới biết đến với sự kiện kinh hoàng, đó là vụ thảm sát của quân Khmer Đỏ với người dân Ba Chúc làm thiệt mạng 3,157 dân thường. Không làm sao có thể nói xiết hành động dã man của bọn mặt người dạ thú đã tra tấn, hành hạ các nạn nhân cho đến chết như cưỡng hiếp, đánh đập bằng công cụ thô sơ của thời trung cổ như búa, rìu, cuốc, chày giã, cọc nhọc đâm vào bộ phận sinh dục nữ... Khi ấy, nhà mồ ở Ba Chúc được xây tạm, cất trữ hơn một ngàn xương cốt. Qua tìm hiểu, sau 12 ngày chiếm đóng Ba Chúc ( từ ngày 18.4 đến 30.4 năm 1978 ), khi ta giành lại Ba Chúc, phần lớn thi thể các nạn nhân đã bị phân hủy, khó nhận dạng, vả lại nhiều gia đình chết hết cả, nên ta phải xử lý bằng hỏa thiêu... Đau xót, căm phẫn đến chừng nào. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, để đến ngày 07.01.1979, quân đội ta tiến vào chiếm giữ Phnôm Pênh, tạo điều kiện tiên quyết cho nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia ra đời cho đến ngày nay...

          Đã gần bốn mươi năm qua, Ba Chúc ( Tri Tôn, An Giang ) ngày nay đã xanh tươi trở lại và còn là một điểm du lịch nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long; thủ đô Phnom Pênh và khắp nơi trên đất nước Chùa Tháp nơi từng xảy ra nạn diệt chủng của Khmer Đỏ, cũng đã hồi sinh, xanh tươi, sầm uất lên nhiều lần. Cuộc sống luôn biết cách xóa đần đi những xấu xa của con người, nhưng tàn tích đau thương của quá khứ... Con người luôn biết tha thứ, và có thể dần lãng quên chuyện xưa, nhưng lịch sử thì ghi lại tất cả, như một sự nhắc nhở và cảnh báo nhân loại các nguy cơ tiềm ẩn, các tội ác mới nảy sinh !...

          Tiếc là thời gian có hạn, nên tôi chưa đến được Xiêm Riệp để tận mắt chiêm ngưỡng những di sản vật thể thế giới tuyệt diệu của xứ sở này, ấy là Ăng-co Thom, Ăng-co Vát...

          Song những gì tôi biết, có tấm bản đồ về sự khuếch đại của một đế chế cổ xưa nơi Hoàng cung; những gì về dấu tích tàn ác của một thời Khmer Đỏ; những lệch lạc, phiến diện và quá khích của những kẻ muốn phá hoại sự đoàn kết, gắn bó các dân tộc, quốc gia láng giềng với nhau, không bao giờ là thừa cả, và luôn cho ta ý thức về bài học cảnh giác,  mang tính quốc tế thời đại ...

          Mong rằng, với nền tảng văn hóa truyền thống, xứ sở này sẽ phát triển trong sự ổn định chính trị xã hội, trong mối tương quan chung của Asean với tiêu chí cùng ổn định, hài hòa lợi ích để phát triển, và để người ta dần xóa đi những ám ảnh về một thời kỳ đen tối của đất nước này...

          Hẹn một dịp khác trở lại xứ sở này !...

 

Nhận xét