Nguyễn Hiếu, nhà văn người làng Chèm

 


Nhà văn Nguyễn Hiếu

@@@

Nguyễn Hiếu, nhà văn người làng Chèm

    

      1, Dấu ấn làng Chèm.

       Nhà văn Nguyễn Hiếu luôn tự hào là người làng Chèm.

       Vậy cài làng Chèm ấy là làng nào?

       Làng Chèm có tên chữ là Thụy Phương, thuộc Từ Liêm, Hà Nội, kề bên đê hữu ngạn sông Hồng đoạn đầu cầu Thăng Long. Làng Chèm nổi tiếng bởi được liệt vào diện làng cổ Việt, với ngôi đình có lịch sử hơn ngàn năm, được công nhận là di sản văn hóa. Tương truyền, đình Chèm được xây dựng từ năm 715 sau CN và cho đến năm 866, Cao Biền, quan đô hộ xứ cũng là thầy địa lý giỏi đã cho tu sửa lại và tạc tượng Lý Ông Trọng (tên thật là Lý Thân), một vị võ tưởng tài giỏi thời An Dương Vương Thục Phán. có nhiều chiến công hiển hách, và còn được cử sang giup Nhà Tần chống giặc Hung Nô. Sau này, Lý Ông Trọng được người đời tôn  như vị Thánh, thờ phụng ở nhiều nơi cả Việt Nam và Trung Hoa. Đương nhiên, vì quê gốc Lý Ông Trọng ở làng Chèm, nên  được thờ phụng ở đình Chèm (nay gọi Đền Chèm) với tư cách Thần Hoàng làng, và có ý nghĩa hơn bất kỳ nơi thờ phụng ông nào khác. Vùng đất với bề dày trầm tích lịch sử văn hóa như vậy, Nguyễn Hiếu tự hào là người con của làng Chèm cũng phải thôi.
       Tuy nhiên, Nguyễn Hiếu không phải gốc làng Chèm, quê nội ông là Phùng Khoang, cũng thuộc đất Từ Liêm, và sinh ra ở Vũ Ẻn, Phú Thọ, nhưng ngay từ thuở lọt lòng, đã về sống ở quê mẹ, làng Chèm và lớn lên từ đấy, rồi lấy làm quê vậy. Tuổi thơ, trẻ trâu, Nguyễn Hiếu hít thở bầu dưỡng khí, ăn cơm, uống nước làng Chèm, nên máu thịt ông cũng mang mùi vị làng Chèm vậy. Nhà văn Nguyễn Quang Huy, một đồng nghiệp cùng đơn vị công tác với Nguyễn Hiếu ở Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), khi còn sống, mỗi lúc cao hứng trà dư tửu hậu, cười đùa Nguyễn Hiếu mà rằng "Tay này, văn chương của hắn ngai ngái mùi cỏ và hoai hoai vị phân trâu làng Chèm. Viết lách, hắn vơ víu, nhặt nhạnh, cấm bỏ sót cái gì, từ bãi phân gà phân chó làng Chèm trở đi...". Nghe vậy, Nguyễn Hiếu chỉ cười khì, không giận, bởi ông hiểu, ngoài sự tếu táo, đùa cợt cửa miệng cho vui ấy, là một sự thật, ấy sự thấu hiểu ngọn ngành, chân tơ kẽ tóc, từ lịch sử văn hóa đến phong tục tập quán và đời sống dân sinh của làng Chèm, một làng mang tính điển hình cho làng quê Bắc bộ xưa nay. Và như thế, khác nào việc thấu hiểu văn hóa làng quê Việt cổ truyền vậy ?...
       Trong văn chương của Nguyễn Hiếu, dường như để tránh những phiền toái không cần thiết, mà cũng dễ bề bịa chuyện trong sáng tạo, ông gán cho làng Chèm của mình cái tên làng Chiện. Vậy là, cái gì trong thực tế đời sống, làng Chèm có thì hầu như làng Chiện có cả, song bao nhiêu chuyện làng Chiện có, làng Chèm chưa hẳn đã có. Vây nên, làng Chèm chỉ là mảnh đất, là không gian cho sáng tạo của Nguyễn Hiếu mà thôi. 
       Thế là cái làng Chiện ấy, khi thì hiện hữu bằng cái tên của mình, để Nguyễn Hiếu dàn trận, bày biện các sự kiện, con người thành các tuyến nhân vật này nọ, khi lại chỉ xuất hiện lẻ tẻ đâu đó, hoặc chỉ phảng phất bóng dáng trong các sáng tác của ông.   

2. Nguyễn Hiếu, phu chữ,

        Gọi Nguyễn Hiếu là phu chữ, hắn phải có bằng chứng để chứng minh cho cách ví này. Hiện tại, Nguyễn Hiếu là số ít trong các nhà văn Việt Nam thời hiện đại, lại là hội viên của ba cái hội danh giá, ấy là Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu và Hội Điện ảnh Việt Nam. Để trở thành hội viên của ba hội này, chắc chắn Nguyễn Hiếu phải có những đóng góp công sức, sáng tạo thể hiện bằng những tác phẩm cụ thể, đủ để đứng trong hàng ngũ của mỗi hội.

          Trước khi điểm những tác phẩm Nguyễn Hiếu đóng góp cho hoạt động của mỗi hội mà ông là thành viên, tôi xin kể đôi chút về sức lao động sáng tạo văn chương của ông. Tôi nhớ, cách đây hơn hai chục năm trước, thời ông còn đang là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), cũng là thời gian ông sáng tác sung sức nhất, hơn một lần, Nguyễn Hiếu khoe với tôi và các đồng nghiệp cơ quan, rằng mỗi ngày, ồng “cày” ít nhất là 6 trang đánh máy. Thường là hằng ngày, ông thức dậy sớm, ngồi vào bàn, gõ máy chữ (sau là máy tính), cho đủ 6 trang rồi mới ăn sáng và đi làm. Nếu sáng nào không đủ thì tối về ông gắng gõ cho đủ, còn được nhiều hơn thì càng tốt. Nghe mà lè lưỡi. Sức viết vậy, nên Nguyễn Hiếu mới có một khối lượng khá lớn tác phẩm đã xuất bản. 

          Năm 1984, Nguyễn Hiếu khởi đầu sự nghiệp văn chương của mình bằng tập truyện hài “Chuyện cái vòi nước”. Cho đến giờ, mỗi khi nhắc đến tập truyện đầu tay này, Nguyễn Hiếu vẫn nhó một cách đầy tự hào, rằng cuốn sách đó được nhà văn Hà Ân biên tập, danh họa Bùi Xuân Phái vẽ bìa và nhà văn Vũ Cao, giám đốc NXB Hà Nội khen là “đọc Nguyễn Hiếu thấy thích hơn vì cái cười của dân mình” ( ý so sánh với Những người thích đùa, của  nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, Azit Nexin, xuất bản cùng thời điểm ấy) và năm đó, Hội nghị các cây bút trẻ tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội, dựng pa-nô quáng bá vẽ bìa cuốn sách này...

          Sau tập sách đầu tay, đến năm 1988, Nguyễn Hiếu xuất bản tập sách thứ hai của mình, ấy là tiểu thuyết “Người đàn bà quỷ ám”.  Kể từ đó, trong vòng 5 năm, đến 1992, Nguyễn Hiếu ào ạt xuất bản như mưa rào, những 13 tiểu thuyết, mà đến giờ tôi còn nhớ tên một số cuốn, như: Bụi đường, Vết xoáy trước ngực làng, Tôi bán mình, Chuyện tình người điên, Vầng trăng hững hờ, Biển toàn là nước, Con ngố, Quá cảnh, Bốn bước đến chân trời, Trưởng thôn xử án...  Tôi nhớ được vậy cũng là nhiều, bởi quyển đọc quyển không. Cũng trong khoảng thời gian này, cùng ngần ấy tiểu thuyết, Nguyễn Hiếu còn viết truyện ngắn, kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyền hình, mỗi thứ đều hai. Đây là thời kỳ sung sức nhất của Nguyễn Hiếu, bời không những viết và xuất bản nhiều, ông còn thành công gặt hái được nhiều giải thưởng. Giải thưởng của các bộ ngành cho tiểu thuyết Bụi đườngTôi bán mình. Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho truyện ngắn Nhãn lồng nhà Cả Đoạt, và Giải truyên ngắn của Báo Văn nghệ cho truyện ngắn Chuyện quan trọng của bà Cả Đào. Cho đến nay, nhà văn Nguyễn  Hiễu đã cho ra đời ngót nghét 30 tiểu thuyết. Kể ra, làm được như vậy, không dễ chút nào !...

          Sàu quãng thời gian sung sức ấy, Nguyễn Hiếu vẫn viết đều tay, hầu như năm nào cũng ra sách. Các lĩnh vực, thể loại, hầu như ông không bỏ loại nào. Tiểu thuyết, truyện, tản văn, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, tiểu luận, phê bình văn học, thồ luận.... Chẳng thế, Nguyễn Hiếu là hội viên của nhiều hội về văn học nghệ thuật (Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nghệ sĩ sân khấu, Hội Điện ảnh VIệt Nam).

Có điều này, Nguyễn Hiếu rất ham thích dự các Trạo sáng tác do các chuyên ngành văn học nghệ thuật mở. Có năm, ông dự trại quanh năm, đầu năm với hội này, giữa năm với hội nọ, cuối năm với hội kia. Mà đã dự trại là rất nghiêm túc, chứ không như ai đó, mượn cớ dự Trại sáng tác để tụ bạ, nhậu nhẹt hoặc du hí mua sắm. Năm 2020, xen kẽ giữa các đợt dịch covid19 bùng phát, Hội Nhà văn Việt Nam tranh thủ mở được 2 trại sáng tác ở Đại Lải và Đa Lạt. Tôi và Nguyễn Hiếu đều tham dự Trại Đà Lat, ở cùng phòng với nhau. Gần nửa tháng trời, để ý, dù có cà phê hay tranh thủ thăm thú, nhưng ngày nào, Nguyễn Hiếu cũng đủ sáng chiều gõ máy tính sáng tác. Cùng lúc, ông viết song hành hai kịch bản sân khấu, đều về đề tải lịch sử dân tộc.  

Sức viết của nhà văn Nguyễn Hiếu thật đáng nể. Có lẽ, ở xứ ta, về sức viết, khỏe và bền bỉ theo năm tháng, và ngay cả cái sự “vơ bèo vạt tép” (nghĩa là không bỏ sót, hễ viết được gì là viết), thì Nguyễn Hiếu chỉ đứng sau cụ Tô Hoài ?!...

Người ta bảo “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, song tôi nghĩ, sức viết như  Nguyễn Hiếu, thật đáng nể!

         

3. Chất hài, người và văn.

Ở xứ Việt mình, văn chương có tính hài không nhiều, nếu không muốn nói là hiếm. Nhẩm tinh, văn học hiện đại Việt Nam, nhà văn Nguyễn Công Hoan thuộc hàng tiên chỉ, là đỉnh, không có ai so sánh được. Sau ngài tiên chỉ Nguyễn Công Hoan, thì nhà văn Vũ Trọng Phụng thuôc hàng thứ hai, trong hầu hết các tác phẩm của nhà văn này, sự hóm hình rất rõ nét Nghĩ tiếp, có nhà thơ Tú Mỡ, nhà văn Ngô Tất Tố (trong Việc làng), và nhà văn Nam Cao. Riêng với Nam Cao, chất bi hài xem lẫn nhuần nhuyễn, rõ nhất trong các tác phẫm Chí Phèo, Sống mòn, Tư cách mõ...

Lóp trước là vậy, và có lẽ các nhà văn này ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các tác giả phương Tây văn chương giàu yếu tố uy-mua như Moliere, Balxac. Cervantes .. Sau này, thời thế khác đi, các nhà văn xứ ta viết nghiêm túc quá, cứ nhăm nhăm lý tưởng này nọ, mà quên đi chất hài sẵn có trong cuộc sống hàng ngày, quên rằng sự hài hước là điều cần thiết giúp con người ta lấy lại cân bằng. Họ ngại viết hài, phần vì lo bị suy diễn là đùa cợt, chế giễu này nọ, phần vì viết hài không dễ chít nào..., Để ý, chỉ thấy vài ba cái tên như Tô Hoài, Lưu Nghiệp Quỳnh, Trần Đức Tiến và Nguyễn Hiếu ?...

Thường thì, văn chương và con người thật của nhà văn không hắn giống nhau. Nhiều người, trong cuộc sống, điệu bộ, nói năng vẻ hài hước đấy, nhưng viết ra thì rất chi là nghiêm cẩn, hoặc không thì nhạt toẹt, chắng có gì đáng cười cả. Lại có người, bề ngoài nghiêm chỉnh lắm, song khi viết văn chương  hóm hình, giàu chất uy-\mua... Ít người, nói năng hài hước và văn chương cũng giàu chất hài. Nguyễn Hiếu là trường hợp con người nhà văn và văn chương khá tương đồng, giàu tính hài. Làm việc cùng cơ quan mấy chục năm trời, tiếp xúc với Nguyễn Hiếu, từ lúc ông chưa nhiều tuổi đến tận già, hầu như lúc nào cũng thấy ông vui đùa, bông lơn, từ ánh mắt, hàng ria, tiếng cười đến ngôn từ hội thoại đều hài hước. Dân nhà Đài (VOV) còn nhớ khá nhiều câu vè bông đùa mà Nguyễn Hiếu ứng khẩu trêu chọc người này người nọ ở cơ quan... ( Ví như: Ban ta có một em Đ,/ cái người thì ngắn cái lông thì dài/ HT bèn giả trăm hai/ Đ rằng không bán để dài quét Ban” “ hay như “C ơi anh mượn chiếc thìa/ ăn xong chốc nữa anh chìa sang cho”” hay như “Bút danh thì gọi VT/ nhưng trong lý lịch lại là thằng N.” v,v... ). Cảm giác như, chẳng bao giờ Nguyễn Hiếu nghiêm túc cả. Ngay cả khi ông lên chức danh trưởng phòng của một đơn vị biên tập, thì Nguyễn Hiếu cũng cười đùa rằng: “Làm trưởng phòng, sướng nhất là từ nay mỗ không phải đi chuyển trích băng nữa” ( chằng là, đây là một khâu kỹ thuật tỉ mỉ và đáng ngại trong quy trình sản xuất chương trình của nhà Đài)...

Đấy là con người hài hước Nguyễn Hiếu, còn văn chương thì sao? Tập truyện đầu tay của Nguyễn Hiếu ‘Chuyện cái vòi nước” là truyện hài. Bẵng đi nhiều năm, ông mới cho ra  tập hài nữa là “Cười dành cho tất cả”. Như vậy, không có nghĩa là Nguyễn Hiếu bỏ hài. Tuy không chuyên tâm viết hài, song chất hài Nguyễn Hiếu ám vào hầu hết các tác phẩm của ông ở mọi thể loại, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch sân khấu, kịch phim, tiểu luận, phê bình văn học, thậm chí cả thơ. Theo tôi, chất hài là một thế mạnh của Nguyễn Hiếu và chính sự hài hước ấy là chất kết dình vô cũng quan trọng giúp các tác phẩm của ông đứng được, thậm chí đúng vững, khi mà một số tác phẩm về  ý tưởng, hoặc kết cầu, còn non. Hài là yếu tố đắc địa trong nghệ thuật sân khấu, nên Nguyễn Hiếu vì thế mạnh vốn có này, đã chuyền dần sang địa hạt sâu khẫu và ông khá thành công. Kịch bản của ông không những được nhiều Đoàn chọn dựng vở mà còn đoạt được giải thưởng cao trong các hội diễn sân khấu. Trong các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông, nhan nhản chi tiết, nhân vật, hội thoại đậm chất hài. Ở tiểu luận, phê bình văn học, cũng thấy Nguyễn Hiếu tinh quái, tung hừng hài hước. Đợt dự trại sáng tác văn học của Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 10.2020 tại Đà Lạt, trong những lúc trá dư tửu hậu tay đôi tay ba với nhau, Nguyễn Hiếu bàn luận sắc sảo, đưa ra nhiều nhận định về thơ ca, văn chương của nhà thơ này nhà văn nọ, khá chuẩn xác, ngắn gọn và rất chi ấn tượng, hài hước,...


 

4. Lãng đãng thơ

          Làng đãng thơ, không có nghĩa là thơ Nguyễn Hiếu ít và mỏng, dăm ba chục bài cho vui, hay kiểu “kém miềng khó chịu” làm thơ cho có. Mặc dù là tác giả văn xuôi và kịch tác gia, song Nguyễn Hiếu vẫn bị Nàng thơ quyến rũ. Có thể nói, Nguyễn Hiếu đầy ý thức và khá dụng công trong thi ca. Trong tổng tập tác phẩm Nguyễn Hiếu được tài trợ xuất bản nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, năm 2010, gồm 19 tập thì  riêng một tập về thơ, dày gần 500 trang in với khoảng 300 bài thơ và cả kịch thơ, trường ca.  

          Về thơ Nguyễn Hiếu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có hẳn một bài viết dài bàn luận “Tính công dân trong thoe Nguyễn Hiếu”. Riêng tôi nghĩ, phải chăng, con người làm báo và ngôn ngữ kịch đã làm nên tính công dân trong thơ ông?

          Tôi đã nhiều lần nghe chính Nguyễn Hiếu nói về thơ của ông. Quả thực, nghe ông hùng biện về thơ mình, ra chiều hấp dẫn lắm. Những lúc như vậy, thưởng tôi chỉ lắng nghe, chốc chốc điểm một câu ngang, chọc ngoáy, để ông hăng tiết vịt mà thôi. Thực lòng, tôi ngại đọc thơ Nguyễn Hiếu, ngại vì dài dòng, loằng ngoằng, từ cái tít đến câu chữ bên trong. Thì đây, những cái tít: Nếu trái dất này không có các loại bom, Có những con người là con số không, Giữa Matsxcova này anh lại bỗng yêu em, Gửi cho một đoàn viên Công đoàn Đoàn kết, Tay đã tự do không thể đặt vào xiềng, Bài thơ có thể dùng làm tư liệu để viết văn xuôi, Gửi những mảnh đồng, cồn cát Quảng Bình-Vĩnh Linh... Đại khái vậy, nhiều lắm. Đọc thơ ông, một lần, ù tai, toát mồ hôi và chẳng nhớ gì. Nhưng đọc lại, thấy ông lập tứ rõ ràng đấy chứ. Nguyễn Hiếu khá nhất quán, từ tiểu thuyết đến thơ, ông đều lập tứ, ý đồ gửi gắm thông điệp này nọ, có điều, diễn đạt lại dài dòng, đôi khi rối rắm, và khá đại ngôn, khiến người đọc cảm nhận, bài thơ ấy, chỉ cần đọc mỗi cái tít là xong, là đủ hiếu ý rồi, nó toạc móng heo ra đấy, cần chi phài đọc hết cả bài cho mất công !?...

          Cả bài thơ, cứ ngổn ngang rặm rạp như bày trận, nhưng rồi bất ngờ, đổ trữ tình, suy tư, ví von so sánh... Đọc kỹ,  mới à, thấy rất nhiều thứ để chê song cũng có cái đọng lại để khen.

          Vài năm gần đây, để ý, thấy thơ Nguyễn Hiếu đã ít nhiều thay đổi, kiệm lời hơn, bớt đại ngôn, ý tứ và suy ngẫm hơn. Dường như, Nguyễn Hiếu dụng ý, gia tăng vị dân gian trong thơ mình, bằng cách sử dụng ca dao, tục ngữ, cách ngôn, thậm chí câu nói cửa miệng, làm cho bài thơ mang phong vị mới, đôi khi bất ngờ, khá thú vị. Và cũng bằng cách này, Nguyễn Hiếu tận dụng được cái hóm hỉnh, chất hài sở trường của mình, thơ têu tếu, vui vui, chấp nhận được. Những điều này thể hiện khá rõ nét trong chùm thơ 5 bài gần đây ông lựa chọn, giới thiệu ở trang Web của Hội nhà văn Việt Nam. Xin viện dẫn:

Đầy suy tư: “...Trở lại căn nhà xưa của mẹ/ Nơi giếng đất trong veo nỗi nhớ đầu/ Khuya, nước điểm buồn rơi lặng/ Cành dương xỉ xanh trời khuôn tròn đáy mắt/ Gầu đu đưa bên má đỏ em/ Giếng xưa nay đã lấp/ Tình một thủa ai quên?... (Trở lại căn nhà xưa của mẹ); Hàng trăm năm/ Và đến cả bây giờ/ Ai đi qua đây cũng buông tiếng thở dài/ Mảnh đất này nghèo quá/ Loi thoi đụn nhà mái rạ/ Mái nhà hình lưỡi rìu/ Trọn đời xẻ đất kiếm ăn/ Con gái lùn đi vì gánh vì gồng/ Con trai lêu đêu vì đi kheo lội biển ... Con vịt cũng gày/ Con thuyền cũng mảnh/ Câu ru em núi chặn, biển ngăn/ Đất cằn không đủ tiếng ngân/ Ruộng cằn nụ cười cũng héo/ Câu ru ngắn không đủ trẻ ngủ ngon...”  (Gửi những mảnh đồng, cồn cát Quảng Bình-Vĩnh Linh)...

          Hay têu tếu nhưng ý vị: “Đàn bà đi xa, về ngắn/ Một sương hai nắng/ Ruộng muống, vại cà/ Ngực tròn quả bưởi/ Tháng năm trôi…/ Mặt xạm, tóc xơ/ Vú mướp tồng tềnh quăng sau áo mỏng/ Lửa tắt, cơm sôi/ Con nguệch mặt đòi ti,. Chồng ngầy ngà tòm tem!/ Bố ho sù sụ khêu đèn,/ Lợn kêu eng éc.

Lũ em gõ nồi!/ Quái chiều nắng nhạt đã rơi/ Hai mươi, trái hồng in gò má/ Ba mươi, bồ hóng xạm da/ Băm bèo, quên lưỡi liềm trăng/ Sàng gạo, lông mày cám đọng...”và “Làng tôi lũ lĩ đàn bà/ Hay làm, nhường ăn, khoẻ nói/ Một thời mớ bẩy mớ ba/ Tóc lả đuôi gà/ Dép cong cau sáu/ Cười duyên nhưng nhức hạt na/ Làm dâu nhịn bánh, nhịn quà/ Đói no không người tỏ/ Lời ru nửa câu hát cũ/ Ối à rồi lại ới a...” (Đàn bà làng tôi); Một thùa làng tôi/ Đàn ông nhiều vô kể/ Đầy đình, chật điếm, ngập đê./ Gà gáy canh tư đã rời hơi vợ/ Toòng teng điếu cày, nùn rơm/ Con trâu đi trước/ Thằng người chập choạng bước sau/ Áo tơi, nón lá./ Mẹ hĩm trên đồng cạn,/ Bố cu dưới đồng sâu...” “Một thời làng tôi/ Đàn ông vợi đi vô kể/ Tùng tùng trống gọi ra đi/ Áo màu đất đổi áo xanh rừng/ Mẹ cu cứng mồm hô câu “vắt, diệt”/ Yếu trâu hơn chán khoẻ bò/ Vắng bóng bố em. Mộng giường cọt kẹt/ Rô ron rán ròn không kẻ nhắm./ Ai bắc cầu ao, chiều bu nó tắm/ Thóc giống cắn chuột trong bồ...” (Đàn ông làng tôi); “Đứa nào trèo lên cây dừa ấy thế/ Nước dừa ngầu bọt cô ca/ Hoa mơ ngoẹo cổ cúm gà/ Tam quan chùa không chua vị khế/ Cung văn bận đi mát xa/ Đàn cò nằm dài ư ử/ Em hát đấy à? Em cứ hát/ Dây quai thao vương dải xu chiêng/ Sắp qua cầu hơi nhiều giọng bass/ Riêng ông chuếnh choáng nghiêng nghiêng...” (Nghe em hát);

          Trong chuyến đi thực tế lên Lào Cai của đoàn Hội nhà văn dịp xuân Bính Thân, Nguyễn Hiếu viết bài thơ Rét ở Mường Khương, nỡm mọi người mà cũng nỡm nhà thơ Pừ Sào Mìn:Hai chăn dầy phủ lên/ Mắt vẫn hấp háy mở. Vì thiếu chăn 37 độ/ Tỏa ra từ người đàn bà của riêng mình/ Giấc ngủ ép nghiêng nghiêng/ Cơ chừng chực đổ” đây nữaCó thứ cũng được gọi là chân/ Không có gì bọc bao/ Không chui vào lỗ nào/ Cả đêm chênh vênh thức/ Rạng sáng nhờ chút xuân tàn/ Ngóc nghểnh ngảng đôi chút/ Như đọt măng cằn...”, “Sướng nhất Phờ Sào Mìn?/ Đêm giá lạnh này/ Bụng rượu lão ấp vào Mông mẩy vợ/ Tôi mong giữa hai người/ Phọt ra ngọn lử/ Đốt thành tro cái buốt,/ Cái giá Mường khương”..

          Mừng là Nguyễn Hiếu đã đổi mới thơ mình, chắt lọc hơn, đằm hơn, vẫn giữ mà còn phát huy được sự hóm hình vốn có. Giờ đọc thơ Nguyễn Hiếu, tôi bớt ngại, nhiều bài đọc thấy khoai khoái, bật cười một mình... /.

 






Nhận xét