Nữ bác sĩ mê văn chương,

 Chân dung văn học, 


Gặp gỡ ở Cẩm Thủy, 

Chân dung bác sĩ, nhà thơ Trương Thị Mầu, 

Vào chiều muộn ngày 30 tháng 4 năm 2020, trên trang Facebook cá nhân, nữ bác sĩ người dân tộc Mường-Trương Thị Mầu, Giám đốc Phòng khám đa khoa Lương Điền, huyện Bá Thước, tinh Thanh Hóa đã viết một tâm sự ngắn như sau:
Lại một ngày như thế.
Lẽ ra hôm nay là ngày vui vẻ (30/4) gia đình cũng tổ chức một bữa tiệc mừng ngày đất nước thống nhất. Kết thúc buổi chiều chuẩn bị tắm gội và nghỉ ngơi thì “Bác ơi có bệnh nhân cấp cứu”- một thanh niên bế một cô gái máu me bê bết đầy quần áo, mặt trắng bệch. Chợt nghĩ hay bệnh nhân chửa ngoài tử cung. Siêu âm kỹ không phải, cô gái cam đoan cháu không thể có bầu đâu bác ạ. Chắc là cháu xuống kinh nhiều nên choáng thôi, Huyết áp tụt. Với trực giác có gì không ổn, “Để bác khám sản cho cháu nhé”. “Cháu không khám đâu, cũng không thể truyền dịch được vì lâu quá, cháu phải về vì chỉ xin phép bố mẹ đi chơi một ngày thôi, cho cháu xin đơn thuốc về điều trị”. Mình cho tiêm trợ lực, cô ta vào nhà vệ sinh bị xỉu luôn, cậu con trai bảo cứ truyền dịch cho cô ấy bác ạ. Đúng như tôi dự đoán, cô bé bị chấn thương đường sinh dục rất phức tạp. Cậu con trai ấp úng “Chúng cháu... lần đầu.. Bác ơi, bây giờ phải chuyển tuyến hay làm sao bây giờ. Chúng cháu sợ quá”/ ”Bác sẽ khâu cho cháu, vì chuyển tuyến chỉ cần chảy thêm chút nữa là kiệt máu chết đấy, bác sẽ tiêm giảm đau, tất nhiên vẫn đau nhưng chịu được. Cháu có thể suýt xoa, khóc nhưng không được giãy giụa nghe chưa”. Vừa hồi sức vừa đánh vật, khẩu trang, mồ hôi, kính mờ, mắt cay, hẹp, ánh sáng nhập nhoè, mình già thật rồi, gần 2h ba bác cháu tôi mới hoàn thành ca phẫu thuật. Truyền gần 3 chai dịch, uống bịch sữa cô ấy dần tỉnh táo trở lại, nhưng rất mệt mỏi, tôi lấy 2 lát sâm ngâm mật ong cho cô ấy nhai rồi hỏi chuyện/ “Bác ơi có ảnh hưởng gì tới chuyện có con sau này không”/ “Không, nhưng về tâm lý thì cậu phải vượt qua một số chuyện”. Thì ra cô ấy, 23 tuổi, tốt nghiệp đại học sư phạm văn, đang chờ việc, đi chơi với người yêu. Mình bảo cô giáo gì mà bé thế, cô ấy bảo tại dạo này cháu bị áp lực lo lắng xin việc, lo thi công chức, cô ấy sút 7kg từ 50kg còn 43kg. Lần đầu tiên đi chơi xa với người yêu, hẹn cuối năm cưới.. Cậu là người có học, lại học khoa văn mà thiếu kiến thức về kỹ năng sống thế sao. Cả việc stress do chưa xin được việc nữa, mới 23 tuổi đầu. Rất nhiều người học đại học đi xuất khẩu lao động, vào làm việc trong các công ty cậu biết không . Trong lúc theo đuổi mục tiêu chính cậu cần phải trải nghiệm trong cuộc sống, Thử làm bất việc gì miễn là kiếm ra tiền, đừng phạm pháp là được, thất bại cũng không sao, cuộc sống sẽ dạy ta phải làm gì để tồn tai. “Bác nói chuyện thật thú vị”, cô ấy cười, cũng xinh. Rồi cô ấy nói: “ước gì cháu mạnh mẽ được như bác. Hôm nay bác không chỉ cứu mạng cháu mà bác còn cho cháu hiểu ra nhiều điều. Cám ơn bác rất nhiều”/”Điện thoại của bác đây, cần gì hỏi sau, truyền xong chai dịch có thể về, không cần cám ơn, đừng làm phiền bác, bác mệt rũ ra rồi”. Nhớ lại cách đây 3 năm cũng dịp 30/4 mình cũng xử lý một trường hợp tương tự, chỉ có điều cô bé mới học lớp 11, còn hôm nay là một cô giáo. Buồn. Những ngày 30/4 không vui nhưng cũng không hề dễ quên chút nào..”.
Tôi mở đầu câu chuyện về một bác sĩ mê văn chương lại bằng chính câu chuyện của người bác sĩ đó về một chuyện không liên quan gì đến văn chương cả. Song tôi nghĩ, ai đó đọc câu chuyện bác sĩ Trương Thị Mầu vừa kể đây, sẽ hiểu ý nghĩa và giá trị nhân văn của nó, mà theo tôi, lý tưởng nghề nghiệp này đã khởi nguồn và dẫn dắt nữ bác sĩ theo đuổi con đường văn chương như một phép tu thân dưỡng tâm, tích đức, gột rửa tinh thần ?...
1. Bác sĩ, nhà thơ Trương Thị Mầu.
Sinh năm 1958, tuổi Mậu Tuất tại xứ Mường, chòm Măng, Lương Ngoại, Bá Thước Thanh Hóa, Trương Thị Mầu những mong ước học hành trở thành bác sĩ, để chữa bệnh cho bà con dân tộc Mường của mình. Theo học Y Khoa Thái Bình, tốt nghiệp, nữ bác sĩ trẻ người Mường giữ đúng lời hứa với lòng mình, trở về xứ Mường quê mình công tác. Năm tháng trôi qua, tận tụy công việc, Trương Thị Mầu trở thành giám đốc Bệnh viên đa khoa Bá Thước và được phong danh hiệu Bác sĩ ưu tú. Không an phận, thấu hiểu việc chăm sóc sức khỏa cho người dân vùng núi xa xôi hẻo lánh là cần thiết, khi nghir hưu, Trương Thị Mầu thành lập Phòng khám đa khoa Lương Điền tại quê, tự mình làm giám đốc và bác sĩ trưởng, tiếp tục sự nghiệp khám chữa bệnh cho người dân quê mình.
Sinh ra trong chiếc nôi văn hóa Mường, thấm đãm bản sắc văn hóa dân tộc minh, Trương Thị Mầu yêu văn học và sáng tác thơ văn, xem văn chương như thuốc dưỡng tâm, dưỡng đức cho nghề y và cuộc sống của mình. Viết truyện, làm thơ như một cach ghi nhật ký. Cứ vậy, lâu ngày, tích lại nên gia tài nho nhỏ và hơn thế, Trương Thị Mầu trở thành nhà thơ của xứ Mường. Chị là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, hội viên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tuy có viết một số truyện ngắn, truyện ký, song Trương Thị Mầu là một nhà thơ đúng nghĩa. Đến nay, chị là tác giả của 5 tập thơ: Nghiêng (2006). Bóng núi (2007), Mùa dậy sấm (2009), Người dưng (2012) và gần đây là Nương bóng nhà sàn,
Đọc thơ Trương Thị Mầu, thấy sự nhất quán, điều này có nghĩa, xuất thân và nghề nghiệp để dấu ấn đậm nét trong tho ca,
2. Dấu ấn nghề y trong thơ văn Trương Thị Mầu,
Mầu chuyện tôi trích ở phần đầu bài viết này chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện hàng ngày mà Trương Thị Mầu ghi chép lại. Trên cơ sở những câu chuyện có thật rất chi sinh động ấy, chị chỉ cần lựa chọn, đẩy lên, gia công là thành truyện ký, truyện ngắn. Khi cảm xúc dâng trào, thì thành thơ.
Một, hai, ba...cố lên, tim đã hồi!
Nhanh nữa lên, một hai ba: thở rồi
Thở đi em, sâu vào, mạnh nữa
Cho không khí ùa vào bầu phổi...
Máu cỉa em đang hồng trở lại
Đôi môi em thắm dần thôi tím tái
Và mắt em chớp chớp mở choàng
Bài thơ “Thở đi em”nữ bác sĩ kể chuyện, Thấy rõ, niềm vui vỡ òa sau một ca cấp cứu thành công, trào dâng thành câu chữ vần điệu. Mộc mac như câu nói thường tình nhưng đầy cảm xúc. Nhung rồi, đâu có được nghỉ ngơi để tận hưởng niềm vui:
Thày thuôc nắm tay nhau cười... ứa lệ
Bình tĩnh lại đi tiếp tục ca mổ nhé,
Còn một sinh linh đang đợi chào đời...
Ngay đó, người bác sĩ lại lao vào ca mới:
“Hãy đón lấy đây, mooyj bé gái/ Nhanh nhanh lên lại ấn thở, bóp tim/ Thở đi con,/ Kìa,/Thở đi con gái,/ Tiếng oa/ Vỡ òa.../ Thành ánh bình mình !”.
Lúc ấy, người bác sĩ mới cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ khi mình vừa đem sự sống đến cho người khác:
Hạnh phúc nào hơn người thầy thuốc
như những thiên thần được chắp cánh bay lên,
Để có những tâm sự nặng nỗi niềm nghề nghiệp trong thơ văn của mình, Trương Thị Mầu đã gửi gắm ước mơ xanh từ ngày còn là sinh viên trường y cùng thày bạn, trên giảng đường. khi thực tập va cả buổi đầu cuộc đời bác sĩ của mình.
Chẳng thể nào quên ca mổ đầu tiên
Thiếu thuốc mê, thiếu người phụ mổ
Bệnh nhân đau đứt đoạn từng hơi thở
Qua khỏi rồi thầy thuốc khóc rồi...run.
Có một thời dịch dã liên miên
Thầy thuốc bệnh nhân sắt se nghèo đói
Mái nhà tranh ánh đèn dầu le lói
Lửa bập bùng xua lạnh lẽo đêm đông.
Dẫu có thế, đâu ngại khó ngại khổ, một khi đã thề cả cuộc đời theo nghề y nặng lời thể Hypocrat:
Ai nhớ ai quên một thời đã sống
Nước sông đục ngầu đánh phèn, lọc, lặng
Pha dịch truyền bằng muối biển đường ăn.
Mối tình đầu rồi cũng lãng quên
Cuộc sống ngặt nghèo lo âu toan tính,
Với nghề y tôi là người lính
Mỗi chặng qua rồi, tiếp tục hành quân.
(Ước mơ xanh)
Tôi rất thích những tản văn bắt nguồn từ các chuyện thật trong công việc nghề y hàng ngày của Trương Thị Mầu, chân thực, ưu tư, cảm động và nặng nhân văn... (nhu Niềm vui có thật, Day dứt, Nhìn cái chết....). Trong tản văn Duy dứt, chị tâm sự rằng, hết thày công việc trong quá trình hành nghề y của mình, chị không nề hà gì, song vẫn thấy nản nhất là phải tư vấn hoặc tự tay giải quyết các ca “vỡ kế hoạch” (có thai ngoài ý muốn). Ngại và nản, không đơn thuần công việc chuyên môn, mà vì tính chất công việc, là do ý nghĩ đang làm cái chuyện “giết người có chủ đích” có sự thỏa thuận đôi bên, đối tương và bác sĩ hành nghê. Kết thúc tản văn, chị kể câu chuyện “Tối qua lại có một cô bé mới 22 tuổi chưa chồng, được mẹ đưa đến khám vì đau bụng, hai mẹ con cười nói ồn ào, khi SA mình phát hiện cô bé đã có thai 4 tháng, được thông báo cả 2 mẹ con tròn mắt ngạc nhiên, sau phút sững sờ người mẹ chửi con, người con cãi mẹ chuyện om xòm. Người mẹ hỏi là của thằng nào, người con bảo không nhớ chắc là do con say rượu. Thế đấy. Cô bé nằng nặc đòi bỏ thai, người mẹ nài nỉ. Mình thấy chán chường và mệt mỏi quá không buồn tư vấn hay giải thích gì nữa. Chỉ nói: nếu còn muốn sống thì đưa cô bé đến bệnh viện phụ sản ở đó người ta sẽ nói nên làm gì. Thấy mình quát to 2 mẹ con thôi cãi nhau lẳng lặng lên xe ra về. Một trận mưa rào đổ xuống, lòng mình ướt sũng như mưa!..”.
Còn hơn sự day dút, ấy là “nhìn cái chết” mà chẳng thể làm gì, ngoài sự bất lực. “Nói đến cái chết thì ai cũng sợ, nhưng thực chất là sợ cái gì thì lại không rạch ròi được. Có lẽ là sự cô đơn, lạnh và không chia sẻ được cùng ai.Rồi thì trách nhiệm, bổn phận chưa hoàn thành, nào là nuối tiếc vân vân và vân vân. Nhưng cũng thật kỳ lạ phải nói là kỳ diệu mới phải, bài điếu văn nào thì người chết cũng tỏa sáng lung linh, những câu chữ tốt đẹp nhất giành ca ngợi người chết. Đặc biệt các nhà văn nhà thơ chỉ thật sự nổi tiếng khi đã chết rồi. Có những bản thảo khi còn sống đã gõ cửa khắp nơi chẳng ai buồn đăng khi chết rồi chợt thành cái rất hay ho. Nên cái chết nhìn về khía cạnh nào đó cũng mang lại điều kỳ diệu. Mọi người cũng nói nhiều đến việc sống hướng thiện chết bình thản. Nhưng có lẽ quan sát nhiều cái chết nhất là các bác sỹ khoa hồi sức cấp cứu còn gọi là khoa điều trị tích cực. Mình cũng không nhớ hết được đã cứu được bao nhiêu người khỏi tay thần chết nhưng cũng không nhớ hết được đã vuốt mắt đưa tiễn bao nhiêu người sang thế giới bên kia...”. Chị đã viết vậy trong tản văn “Nhìn cái chết”. Có nhiều lần bất lực “nhìn cái chết” nhu vậy, bác sĩ Trương Thị Mầu mới thấy niềm vui khi cứu sống được bệnh nhân nó lớn lao thế nào. “Đã 5 ngày trôi qua kể từ khi cấp cứu thành công ca bệnh nhân TTĐ 50 tuổi bị ngừng tim ngừng thở mình vẫn không tin được là bệnh nhân có thể qua khỏi, sống được và tỉnh táo trở lại, thật kỳ diệu lắm thay. sáng 1/11/2013 phòng khám tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng ngừng thở, da vàng ệch, nghe không thấy nhịp tim, đồng tử giãn căng.... Bọn mình đã khẩn trương cấp cứu, chỉ trong vòng 1 phút tất cả các thao tác vừa bóp bóng trợ thở có o xy, ép tim ngoài lồng ngực, bơm trực tiếp Adrenalin vào buồng tim, các động tác nhịp nhàng chính xác và ăn ý, 2 phút sau tim đập trở lại, 5 phút sau sắc mặt dần hồng lên, đúng 15 phút sau bệnh nhân dã tự thở được, 30 phút sau các chỉ số sống đã tương đối ổn định,...”. Ở tản văn, “Niềm vui có thật”, nữ bác sĩ mở đầu bằng câu chuyện có thật tại bệnh viện mình phụ trách. Và chị kêt tiếp câu chuyện, khi bệnh nhân cần chuyển tiếp lên tuyến trên hỗ trợ sau cấp cứu ban đầu, đúng lúc bệnh viện thiếu phương tiện, chị đã dùng xe riêng của mình, và cũng chỉ dám hy vọng bênh nhân sống sót nhưng có thể sẽ phải sống cuộc đời thực vật phần đời còn lại, không ngở, bệnh nhân đã hồi phục sau mấy ngày điều trị tích cực. Niềm vui lan tỏa, chị tâm sự “Mình thấy vui quá chừng. Từ khi về hưu chỉ có chuyên tâm đọc sách và chữa bệnh mình thấy bàn tay mình như có hồn, trái tim mình hòa đồng với nỗi đau của người bệnh, mình thấy cuộc sống đáng yêu quá. Ai nói về hưu thì không vui. Niềm vui có thật và thật sự là vui!...”
3. Dấu vấn văn hóa Mường,
Gái bản Mường, mấy từ ấy thật gần với dáng vẻ, cử chỉ và cách nói năng, ứng xử chân thành, mộc mạc của Trương Thị Mầu. Như cái cách người ta hay dẫn câu thơ của Hàn Mặc Tử “người thơ phong vận như thơ ấy”, Trương Thị Mầu là người mang chất Mường bẩm sinh, và chị cũng đã mang được nét văn hõa Mường vài thơ ca mình.
Khác nhà thơ lớn tuổi cùng quê xứ Mường với mình là Ma Bích, Trương Thị Mầu chưa hẳn nhăm nhăm chủ trương thể hiện và bảo vệ bản sắc Mường một cách quyết liệt, song chất Mường sẵn có ở con người chị, nên biểu hiện trong thơ một cách vô thức và cả ý thức nữa. Là người xuất thân ở xứ Mường, nhưng công việc hàng ngày làm chị thoát ra khỏi xứ Mường của mình, thêm bản tính quàng giao, đã làm nên con người Trương Thị Mầu. Chất Mường không thật sâu đậm, nhưng cứ phảng phất đâu đó trong thơ chị, khiến người ta nhận ra và không thể quên được.
Chất Mường ở đây, chưa thật rạch ròi, song trước hết trong ngôn từ, cách diễn đạt tự thân mà có, rồi sau là ý thức tìm kiếm và chủ định biểu đạt, từ lời ăn tiếng nói đến phong tục tập quán vào thi ca...
Bài thơ Ảo ảnh, Trương Thị Mầu kể chuyện tình Mường, song có lẽ, chị mượn cớ vậy để đánh thức người con gái Mường trong chính bản thân mình:
Tôi đi tìm em , cô gái Mường ơi
Đôi mắt nâu ẩn hiện sau vòm lá
Tìm về bến xưa nơi con đò già mơ ngủ
Đập nước đã dâng đầy sóng đuổi sóng lao xao.
Một em gái bản Mường chính hiệu “cô em gái khéo tay/ đánh cồng, dệt lụa, vá may thêu thùa..” mà từ lúc còn nhỏ, rời bản đi học trường xa, nhưng đã vượt khó :Thương nhau từng bữa cơm nghèo/ Canh môn, rau sắn cheo leo bản Mường...” ước một ngày kia có kiến thức cao, giúp bản ích đời,...
Bài thơ Thượng du là một bài đậm nét Mường:
Nhớ em ngược lại Cành Nàng
Nhớ luồng Thiết Kế nhớ vàng Lũng Cao
Tìm em em ở nơi nao
Có thương chọn hộ cành Đào làng Son
Chọn thêm đôi vịt phố Đòn
Mùa Xuân trẩy hội tung còn Mường Khô
Nhớ hè cùng tắm thác Mơ
Lưng ong váy thắm bây giờ ở đâu.
Lung linh bóng nước soi cầu
Nhớ thuyền độc mộc nhớ câu phiền lòng
"Nhất Suội, nhì Cả, ba Long"
Nhớ người năm cũ gò lưng chống bè
Xưa rồi một bến sông quê
Bức tranh cổ tích theo về mai sau...
Và bài thơ Mường Ống cũng là một bài như vậy:
“Ngoảnh mặt lên Mường trên
Thấy bà Da Dần phân năm phân tháng
Bà gánh xường đi bán
Qua Mường Ống đứt quai
Qua Mường Ai đứt gánh
Để gái Mường trên giỏi xường
Trai Mường dưới giỏi mo...
Về Mường Ống một lần đi anh
Cùng em tìm lại vết tích cây Chu đá
Có còn không những lá Chu đồng
Trên đồi Lai Li Lai Láng
Mây trắng ngút ngàn Pù Luông xanh...”
Kể lể vậy, cũng chỉ để nuốn khoe xứ Mường quê mình”
“Chỉ muốn anh cảm nhận
Có một xứ Mường trăm mến ngàn thương...”
Còn trong bài thơ “Phố huyện”, Trương Thị Mầu ý thúc trước sư nhạt phai chất Mường trong hiện thực đời sống xã hội khi mà làng bản Mường mình đổi thay trong cơn lốc đô thị hóa, diện mạo thì “nửa làng nửa phố”, còn con người thì “nửa tỉnh nửa quê”: “Cô kia gái bản chưa chồng/ Nay đi trên phố tay bồng nách mang/ Con đường phố rộng thênh thang/ Có còn nhớ bản nhớ làng suối xa?” Liệu có còn không cái tình cái nghĩa, và cách ứng xử chan hòa gần gũi mộc mạc của dân tộc mình, khi mà cố niu giữ: “Sau nhà vẫn bụi trầu cay/ Trước hiên vẫn cái điếu cày cây cau/ Mưu sinh còn lắm cơ cầu/Vẫn không quên nếp trước sau của làng”?
Thương nhất, bài thơ Bà ơi, lá rụng về nguôn. là lời tạ lỗi trước mộ bà, vì mình chẳng thể níu giữ Mường lại cho bà,
“Trời mênh mang nước mênh mông
Ngổn ngang con với cánh đồng tuổi thơ
Vẫn dòng sông của ngày xưa
Nấm mồ đằng đãi nắng mưa của bà
Tưởng như còn đó chưa xa
Bà đang đánh chuyện Nàng Nga Nàng Ờm
Lom khom thổi cái nùn rơm
Nướng ngô lùi sắn đồ cơm xứ Mường
Lưng còng vác nước ống bương
Bờ sông dốc đứng con đường tuột trơn.
Khói hương tỏa bóng chập chờn
Con như một kẻ vô ơn với bà...:”

Chỉ cần để ý tên các tập thơ của Trương Thị Mầu thôi, trong 5 tập đã xuất bản, thì có đến 3 tập (Bóng núi, Mùa dậy sấm và Níu bóng nhà sàn) biểu hiện ý thức bảo tồn không gian văn hóa dân tộc của chị. Nếu như thời mới làm thơ (Bóng núi, Mùa dậy sấm), dấu ấn văn hóa Mường còn chưa sâu đậm và ít nhiều mang tính vô thức, thì đến Níu bóng nhà sàn, tâm thức hướng về cội nguồn dân tộc và nỗi nềm một ngày kia, bản sắc văn hóa Mường trong cộng đồng dần phai nhạt, đã dồn tụ, biều hiện thành ý tú, câu chữ, thông điệp... Trước tiên là ký ức tuổi thơ ở bàn: “Trải bao nắng sớm chiều tà/ Đất còn in dấu chân ta thuở nào /Khúc này xúc hến mò nga/ oBờ kia nhặt lá ép vào trang thơ...” (Dòng sông tuổi thơ); Rồi đến thứ văn hóa vật thể là cái nhà sàn Mường ở bản từng mấy đời gia đình chung sống nay sắp bị phá bỏ để xay cái nhà lầu kiểu phố: “Trưa vóng Đông cha ngồi đan lưới/ Chiều vóng Ngang mế ngồi dệt cửi,/ Đèn con vịt thơm thơm dầu bưởi/ Tiếng thoi đều đều, tiếng mế nhẹ êm/ Bà Dạ Dần hiện trong giấc ngủ hằng đêm....”(Níu bóng nhà sàn). Rồi trách cứ các em sống ở bản mà không giữ nối căn nhà sàn của cha mẹ để lai “Giận các em sao lại bán nhà sàn/ Xây nhà hai tầng dưới chân núi Khú/ Ngày khánh thành đông hơn ngày họp họ/ Buồn một mình ký ức dở từng trang..: Cố mà không giữ được, níu cũng chẳng thể, thì chỉ còn tự xoa dịu, an ủi lòng mình bằng nỗi nhớ mà thôi ”Tôi lớn lên giữa chiều rộng chiều dài/ Biển Bắc trời Nam, biển người, ngơ ngác/ Như con nai lạc rừng xao xác/ Níu bóng nhà xưa tôi nhớ lối quay về...” (Níu bóng nhà sàn)....
Tìm kiếm, nhặt nhạnh trong thơ Trương Thị Mầu, còn khá nhiều câu chữ, ý tứ mang chất Mường, nhưng chị không phải là người nệ cổ, cứ khư khư níu giữ, hay đau đáu nỗi niềm về chất Mường phôi pha trong đời sống xã hội hiện đại. Trương Thị Mầu là người có kiến thức và trải đời, nên đã biết thoát ra, vươn đến những giá trị khác từ sự phát triển mang tính tất yếu.
Có những điều bình thường giản dị, song có khi người ta phải đi gần hết cõi con người mới nhận ra, Trương Thị Mầu cũng vậy.
“Nhưng chắc chắn ta chính là sự sống
Con của mẹ mình cháu của ông ta
Là cha mẹ của con mình sinh ra
Là cụ kỵ của đời đời cháu chắt
Không thể khác chẳng bao giờ kết thúc.
Cội nguồn ơi xin một chốn đi về...” (Điều bất tử)
Hay như, trong các bài Nghỉ hưu và Người đàn bà sáu mươi tuổi, Trương Thi Mầu ngộ ra rằng:
Ồ thảnh thơi
Qua chặng đường khó nhọc
Buồn gì đâu
Có ai hát khải hoàn... ...
Từng chặng một
Cứ mải mê leo núi
Chiếu nghỉ dài
Thôi thả sức nghỉ chân.
Sau lưng mình
Khép lại những phù vân. (Nghỉ hưu)

“Người đàn bà sáu mươi tuổi tư duy bằng trực giác
Thấy rõ ràng cái điều xưa học mãi không hiểu,
Trong vô thức có một ước mơ cưa quậy
Một con đường như lộ dần nét vẽ
Một niềm tin dồn nén sáu mươi năm
Một hiện sinh tự nó đã nảy mầm.
Người đàn bà sáu mươi lại quẩy gánh lên vai
bước tiếp..” (Người đàn bà sáu mươi tuổi)

Điều ấy, khiến chị khác với nhà thơ Ma Bích, một nhà thơ của bản làng đậm đặc chất Mường. Và cùng với Ma Bích, Trương Thị Mầu đã thêm tiếng nói Mường, góp phần đưa chất Mường trong thi ca vượt ra khỏi vùng núi Bá Thước, Thanh Hóa, làm nên sự phong phú nghệ thuật của các dân tộc thiểu số Việt Nam. ./.
 


.









Nhận xét