Người về khép áo lặng trông ( XXX )


 Thung lũng Mường Hoa.

@@@

30.

          Thực ra, bố tôi đã quá quen với sự tráo trở của con người, ông từng nhiều lần ngậm đắng nuốt cay khi bị người ta vu oan giá họa này nọ. Chỉ trong vòng vài chục năm thôi, ông đã phải hứng chịu nhiều tai họa mà phần lớn là do sự dối trá và tráo trở của người đời, trong có có những người thân, họ hàng của ông gây nên... 

          Sự nghiệp làm giàu của bố tôi khá thuận lợi. Sau khi dứt áo ra đi khỏi mảnh đất Hải Phòng, với việc từ chối trở thành con rể của ông chủ thầu xây dựng giàu có nhất mực ở đất Cảng, bố tôi về quê cưới vợ theo sự xếp đặt của bà nội tôi. Mẹ già tôi, tức bà Lĩnh, về làm dâu nhà tôi, kèm theo của hồi môn mẫu ruộng tốt, cùng với số ruộng cũ của bà nội tôi, nên việc nông gia cũng dư dả. Bố tôi ra Hà Nội nhận làm thuê cho người thầy dạy nghề đồng thời cũng là ông chủ thầu xây dựng lẫy lừng của Hà thành nên lương bổng khá khẩm. Bố tôi là người có chí, không muốn cam phận làm thuê mãi, nên tích cóp tiền bạc, đưa về nhà cho bà nội tôi tậu têm ruộng, mua trương đất ở. Mặc dù, bố tôi cũng đua chân vào chốn ăn chơi, cô đầu, thuốc phiện, nhưng so với tiền bạc kiếm được không đáng bao nhiêu, nên chỉ dăm bảy năm, bố tôi đã khởi công việc xây dựng ngôi biệt thự kiểu Pháp ở quê. Do thiếu thốn vật liệu, đặc biệt là gỗ tốt để làm sàn nên ngôi biệt thự làm hơn bốn năm mới cơ bản hoàn thành.

          Có nhà mới bề thế ở quê, bố tôi bớt chuyện chơi bời cao lâu, cô đầu, hay về quê hơn. Thời buổi tao loạn, chiến tranh ở Tây, còn ở ta thì xảy nạn đói năm Ất Dậu. Thiên hạ mất mùa chết đói chứ đâu đến nhà giàu. Nghe nói đận ấy, bố tôi cũng căn dặn bà nội tôi ở nhà, họ hàng người làng, nhà nảo túng thiếu thì cứ lấy thóc nhà ra đỡ đần trước đã rồi tính sau. Bà nội tôi bản tính cận thận tằn tiện, đành bấm bụng nghe theo. Thóc bổ thóc cót xuất ra cả tần cho mọi người dật tạm cầm chừng chống đói. Cũng chính năm ấy, ở nhà bà nội tôi nhận nuôi nấng những mấy người, trong đó có chị Gái.

          Nhật đảo chính Pháp. Rồi cách mạng tháng Tám nổ ra, nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Chính phủ Cụ Hồ ra mắt quốc dân đồng bào. Để hình thành bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, Cụ Hồ kêu gọi phàm là trí thức, người có trình độ hiểu biết hãy ra mắt ứng nhận các chức vụ trong hệ thống chính quyền. Bố tôi cũng nghe theo lời kêu gọi ấy, trở về quê đảm nhận chức vụ chủ tịch xã lâm thời đầu tiên. Sau này, bổ tôi có kể lại chuyện ấy cho mẹ tôi và mấy chị em chúng tôi nghe, nhưng tôi không nhớ nổi rằng thời gian làm chủ tịch xã của chính phủ lâm thời ấy, ông đã làm được những gì. Thời sơ khai ấy, ngoài việc giữ chính quyền, thì giặc đói, giặc dốt là chính. Ngay nội bộ, thống nhất cách làm việc với những vị cán bộ cách mạng nhưng ít học nghĩ sao làm vậy cũng là khó khăn lắm rồi. Bố tôi vốn tinh quyết đoán, lại thêm phấn gia trưởng bởi ảnh hưởng tinh thân Nho giáo thâm căn mấy đời, con trai trong gia tộc phải đứng mũi chịu sào, quyết sách việc lớn trong họ, trong nhà, nên trong công việc chính quyền ông cũng đem lối suy nghĩ ấy mà ứng xử trong công việc chung. Ông không quen việc mang ra bàn bạc dân chủ tập thể, nhất là khi mấy vị cán bộ người xã cùng làm việc, vừa thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết lại kề rề, thích bàn ngang, rách việc. Thế là sinh mâu thuẫn. Mà một khi đã mâu thuẫn thì phiền và gay rồi. Việc mình quyết có đùng thì không sao, chứ khi sai hay lệch chút thôi liền bị người ta xúm vào đổ lỗi, bảo mình độc đoán chuyên quyền. Bố tôi bảo, ngày ấy, dẫu trong lòng đấy nhiệt huyết, muốn đem sự hiểu biết và chút công sức để xây dụng chính quyền lâm thời ra dáng vẻ, chững chạc, tạo nền móng nền nếp cho sau này cũng thật khó. Ông đã tính xin thôi nhưng cấp trên lại động viên nên cố.

          Ngày ấy, nghe bố tôi kể lại chuyện, tôi có hỏi ông đôi ba điều này nọ, thì ông bảo, ông không hề ân hận vì những gì mình đã làm cho chính quyền xã nhà thời kỳ chính phủ lâm thời của cụ Hồ. Trước đấy, ông học hành, gắng sức lập thân lập nghiệp và cũng đã trở thành người nổi tiếng và giàu có trong vùng, nhưng sự nỗ lực ấy là cho bản thân mình và người thân trong gia đình mình thôi. Đằng này, mọi việc ông gắng sức là cho cộng đồng, xã hội và sự nghiệp chung vì một nền độc lập dân tộc và tiến bộ của nước nhà.

          Sau này, bố tôi khẳng định như vậy là ông thật lòng, bởi cũng chính vì việc quyết định tham chính hồi ầy đã cuốn cuộc đời ông sang một ngả khác với con đường mà ngày trẻ ông đã chọn là lập thân làm giàu, cho dù tiếp ngay đấy, ông bị mất mát, gia đình mấy người bị thiệt thân, khiến ông phải nửa đường đứt gánh...

          Mùa đông năm 1946, Pháp quyết xâm lược Việt Nam một lần nữa, chính phủ cụ Hổ, nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ đầu tiên ở Đông Nam Á có nguy cơ tan vỡ, nên đành phải rời bỏ thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bố tôi theo kháng chiến, mang hai con đi tản cư lên phố Thắng thuộc Bắc Giang, khi đó là cửa ngõ của an toàn khu, của thủ đô kháng chiến theo chính sách thời chiên. Ở quê chỉ còn bà nội và mẹ già tôi cầm chừng trông nom nhà cửa, ruộng vườn...

          Bố tôi, từ khi được sinh ra, tiếng con nhà nông, nhung nặng chất Nho giáo, không giàu có nhưng cũng không đên nỗi thiếu ăn. Nhà có hai chị em, bao phần việc nhà nông thì mẹ và chị gái làm hết, nên ngày nhỏ, ông chị quanh quẩn việc vặt trong nhà và theo nghiệp đèn sách, học chữ Nho do ông nội tôi truyền dạy. Lớn lên chút, bỏ chữ Nho ra Hà Nội học chữ quốc ngữ, học tiếng Pháp và học nghề kiến trúc, có vất vả chút nhưng vẫn được gia đình chu cấp đầy đủ, nên chưa phải kham khổ gian nan bao giờ, Khi thành nghề, thành danh thì kiếm được nhiều tiền, nhanh chòng giàu có, lại nhiễm thêm thói ăn chơi, cô đầu nhà hát, hút xách, sướng quen thân. Bỏ nhà đi kháng chiến, dẫu mới tới Phố Thằng, cửa ngõ vùng kháng chiến thôi thi cũng là gian khổ thiếu thốn đủ thứ rồi. Chặng đường kháng chiến dài lâu và chỉ mới bắt đầu, vậy mà bố tôi đã mất sạch, dẫu chưa đến mức trắng tay, thì những gì gọi là quý giá yêu thương nhất với ông, ấy là vợ con, đều lần lượt theo nhau mà đi mãi mãi…

          Thử hỏi, người chưa quen chịu khổ ải đau thương như ông,  làm sao mà chịu đựng nổi những mất mát to lớn ấy,…

 


Nhận xét