Bức tranh để lại

@@@

Bảo gã là một người tốt bụng ư? Phải. Phần đông những người cùng cơ quan và những người quen biết gã đều công nhận như vậy. Ở vào thời buổi này, việc thống nhất công nhận thế quả là khó, song không hiểu sao với riêng gã mọi người đều có chung nhận định như vậy. Có lẽ, bởi gã không hại ai, không bon chen đố kỵ với ai, và hễ ai nhờ việc gì gã cũng sốt sắng giúp đỡ mặc dù nhiều khi gã chẳng nên cơm cháo gì. Mọi người trong cơ quan hay lấy gã ra để mà đàm luận trong lúc nhàn rỗi. Tỉ như người ta hỏi nhau rằng gã ham muốn gì, gã sống vì mục đích gì. Chịu thôi. Nghĩ rằng gã sống vì tiền? Không đúng. Gã không ham hố chuyện kiếm tiền, và khi kiếm được gã cũng tiêu vung tiêu vẩy cho kỳ hết. Bảo gã sống ham địa vị chức tước. Cũng không đúng. Gã không màng chuyện đó, ở cơ quan nào gã cũng chỉ là thằng lính quèn. Vậy gã sống vì một sự nghiệp, một niềm đam mê nào đó chăng? Chẳng phải thế. Phàm những gì liên quan đến nghệ thuật gã đều biết tí chút, và gã cũng chẳng dại gì sống chết vì những thứ vô bổ đó. Vậy mục đích cuộc đời của gã là gì? Có một đôi lần, gã say mèm và gã hùng hổ tuyên bố rằng gã chỉ sống vì tình, vì “sự nghiệp giải phóng phụ nữ”. Song không ai tin. Nghe gã tuyên bố vậy, người ta chỉ cười, cái thằng cha hiền lành, nhát như thỏ đế, nói không nên câu, chỉ lung búng trong miệng thì đến ma nó cũng chẳng thèm, nói chi đến đàn bà. 

Gã làm việc ở một bảo tàng ngành. Gã tự hỏi, không hiểu vì sao người ta lại thành lập cái bảo tàng ngành ấy. Song gã lại biết ơn chuyện đó, bởi nhờ có nó mà gã thoát được cảnh lao động nặng nhọc. Gã vốn là công nhân. Gã lái tàu. Gã ngồi trên cái đầu tàu hơi nước to đen trùi trũi với chiếc lò than hồng và chiếc nồi súp-de nóng hầm hập, kéo đằng sau một dãy toa cũng đen xì như vậy. Hàng ngày, gã và chiếc đầu tàu của gã chạy đi chạy lại trên một cung đường quen thuộc, quen đến mức, cứ ngồi lên, vận hành một lát là gã ngủ khì, đến lúc tỉnh thì vừa là đến cái thời điểm gã phải nhấn lên một hồi còi dài. Cũng may cho gã là bao nhiêu năm ngủ khì trên tay lái nhưng tàu không gặp tai nạn trắc trở gì, nếu không thì gã đã ngồi tù mục xương từ lâu rồi. 

Khi trai trẻ, gã không lầm lì như bây giờ. Lúc ấy, gã thuộc diện nhanh chân nhẹ bước, mồm miệng đáo để. Gã biết khá nhiều trò lặt vặt, đại loại như hát hò, kẻ vẽ, trang trí hội họp, bởi thế, ông giám đốc xí nghiệp nhắc gã từ chân lái tàu về làm việc ở văn phòng. Rồi ông ta hứa sẽ cho gã đi học, và gã được đi học thật. Học xong, gã không muốn quay về chốn cũ nữa, vả lại, ông giám đốc cũ bị đẩy đi nơi khác nên cũng chẳng quan tâm đến gã ở hay đi, và thế là gã cầy cực xin được về cái bảo tàng ngành này. Làm việc ở đây tuy lương có ba cọc ba đồng song được cái nhàn rỗi. Điều chính là gã được về sống ở thành phố, niềm mơ ước từ thuở thiếu thời của gã.


     *

    Cơ quan gã lúc nào cũng vắng như chùa bà đanh, ấy là nói những người vào ra liên hệ công tác, chứ còn cánh nhân viên thì lại đông nhung nhúc. Họ chẳng làm gì. Đi ra đi vào, ngắm vuốt, khen nhau có bộ quần áo đẹp, kiểu đầu lạ, và sau hàng giờ tán gẫu, mọi người kéo nhau đi chợ, rồi khi về lại rãi thai rãi thẻ ra bàn nhặt rau, làm thịt, mổ cá sẵn rồi quẳng vào chiếc tủ lạnh của cơ quan, chờ chiều mang về nhà. Thường là khi ấy, gã thu mình trên chiếc “buồng chim của gã”. Đó là một căn gác xép, bên dưới là nơi chứa bàn ghế hỏng. Gã nằm thẳng cẳng, nghĩ ngợi linh tinh và thỉnh thoảng lại ngồi dậy nhấp một ngụm chè suông. Cũng có lúc, gã như phát cuồng, gã trải bất kỳ thứ gì gã có, chẳng hạn như tờ giấy, mảnh gỗ, miếng vải trắng ra bàn và gã vẽ. Khi thì gã vẽ phong cảnh, lúc thì gã vẽ phố phường, rồi gã vẽ các con vật như bò, gà, chó, lợn, thỏ và cả cóc nữa. Có bức, gã vẽ một bầy cóc lổm ngổm những cóc, con ngồi, con nhảy, con đớp ruồi, có cả đôi cóc đang gièo nhau và gã chua vào bên dưới “cóc vườn địa đàng”.

    Mọi người biết chuyện gã hay vẽ tranh, một hôm cả cơ quan, từ bà nạ dòng bảnh chọe đến mấy cô gái măng tơ rủ nhau tìm lên cái “chuồng chim” của gã. Mọi người đòi xem tranh. Cực chẳng đã, gã đành phải lôi hết cái đống của nả ra cho mọi người thỏa mãn. Mọi người ồ lên bảo là gã vẽ giống như thật. Rồi người ta, kẻ xin bức này, người xin bức khác, cho đến hết, chỉ chừa ra mỗi bức “Cóc vườn địa đàng”. Có bà kêu lên: “Eo ơi, bẩn quá”, còn hai cô gái trẻ lại bấm nhau, rì rầm nho nhỏ: “Trông phồn thực quá”. 

Gã nghĩ bụng, ở đời toàn những thứ phồn thực cả, riêng chỉ có khoản lương hàng tháng gã lĩnh là còm cõi. Thấy lương gã thấp, cánh đàn bà ở cơ quan kêu hộ lên ông thủ trưởng. Ông ta hứa sẽ tăng lương cho gã, nhưng rồi bận họp hành, công cán đâu đó, ông ta quên luôn. Và gã cũng chẳng bao giờ nhắc lại chuyện đó. Đám đàn bà trong cơ quan thấy gã đụt vậy cũng sinh chán. Gã còn nghe họ bảo nhau: “Như cái của nợ này thì có mỡ đến miệng cũng chẳng biết đớp”. Gã chỉ cười thầm.


     *

Gã biết, mọi người coi gã không phải là đàn ông. Gã từng là đàn ông, thậm chí là đàn ông mạnh mẽ. Cuộc đời lái tàu của gã, gã tiếp xúc với biết bao loại đàn bà. Những người đàn bà buôn lậu, những đàn bà giang hồ, những đàn bà trốn chúa lộn chồng đã từng nhảy lên đầu tàu hoặc rúc vào toa đen trên chuyến tàu của gã. Họ trả công cho gã không phải bằng tiền mà bằng cái vốn có của họ. Gã chán chết.

Song có một chuyện thì gã không chán, gã nhớ, gã khát khao. Ấy là vào cái thời điểm gã học xong, còn lơ cơ chưa biết xin việc làm ở đâu. Tình cờ, gã về quê và gặp lại anh bạn thuở thiếu thời. Anh bạn đang dạy học ở mãi phương Nam, nơi xứ dừa. Anh bạn rủ gã vào trong đó chơi, nếu thấy thích thì ở lại hẳn. Gã bùi tai nghe theo. Ở đó gã đã gặp một cô gái. Cô gái quê miệt sông nước phương Nam làm cho gã xao lòng. Gã nhớ lắm…

Một lần cô gái rủ gã đi hái dừa. Vạt dừa nhà cô nằm mãi ở cồn đất nổi rìa sông. Hai người lên xuồng. Cô gái cầm bơi chèo đưa gã đi. Gã ngồi một đầu xuống, nhìn vào vồng ngực cô cứ trồi lên trồi xuống theo nhịp bơi chèo, gã nhẩm bụng nghĩ con gái miệt sông nước người nào cũng thắt đáy lưng ong, ngực nở, hông nở vì phải bơi chèo từ nhỏ. Đến lúc hái dừa, gã không biết trèo cây, đành phải đứng dưới. Cô gái leo thoăn thoắt, loáng cái đã tới ngọn. Cô bứt dừa quẳng xuống và gã bắt từng trái một. Gã nghĩ tới bức tranh dân gian “Hứng dừa”. Chỉ khác là gã đứng dưới còn cô gái ở trên cây. Gã ngửa mặt nhìn lên, đôi gót chân hồng hồng của cô gái, bắp chân rồi bắp vế trăng trắng trong ống quần rộng. Gã mải nhìn vào chỗ đó mà quên cả đỡ dừa, cô gái quen tay cứ bứt và lẳng xuống, thiếu chút nữa là gã vỡ đầu. Hái xong, cô gái ngồi thở, gã cứ nhìn cô mà tưởng tượng ra bắp chân bắp vế. Cô gái chặt dừa đưa cho gã uống. Gã uống một hơi rồi đứng lom khom đưa trả cô gái trái dừa. Gã nhìn sâu vào ngực áo bà ba cổ trễ của cô và gã đùa: “Hai trái dừa của em tròn quá”. Cô đỏ mặt bảo gã: “Anh Hai chớ đùa heng”. Gã hấp háy mắt nhại giọng cô: “Anh nói thiệt đó heng”. Đến lúc chuyển dừa xuống xuồng, không may gã trượt chân ngã ùm xuống kênh. Gã không biết bơi, tay gã chới với trên mặt nước. Cô gái nhảy ào xuống vực gã lên. Gã ngồi tựa vào thân cây dừa đổ bên bờ kênh vuốt nước trên mặt. Cô gái sợ quá cứ luống cuống trước mặt gã, lắp bắp hỏi xem gã có sao không. Gã hoàn hồn và đập ngay vào mắt gã là đôi vú căng mẩy dưới lần áo ướt của cô gái. Xúc cảm rực lên trong lòng gã. Gã vờ lả người tựa vào thân dừa. Cô gái vội vàng day day ngực gã, và mặt cô kề sát mặt gã. Gã đưa tay khẽ choàng lấy eo cô gái và bàn tay kỳ diệu của gã cứ lần lần vuốt ve. Khi cô gái mừng vì gã đã tỉnh thì cô lập tức sa vào nỗi đam mê mà gã tạo ra cho cô. Cô gái ôm ghì lấy gã, mắt nhắm nghiền, miệng rên khe khẽ. Khi ấy gã tỉnh táo, nhanh nhẹn hẳn lên, và gã từ từ bế cô lên, đặt cô nằm ngửa trên thân cây dừa đổ ven bờ kênh…

Tối ấy, gã ngồi uống rượu cá lóc bông nướng chấm muối tiêu với cha cô gái bên đống lửa hun muỗi. Còn cô gái cứ lúi húi bên đống trái dừa, nâng lên đặt xuống mà chẳng ra làm việc gì cả. Gã hiểu tâm trạng cô gái, song câu chuyện với cha cô trong hơi men lấn áp đi. Gã bốc đồng nói những chuyện trên trời dưới bể đâu đâu. 

Một tuần sau gã ra Bắc. Gã nhớ chuyện đã xảy ra với cô gái xứ dừa nhưng cũng chỉ xem như một kỷ niệm sâu sắc. Với đám phụ nữ cùng làm việc, gã thấy họ cứ như là những hình nhân mặc váy, bảnh chọe, biết quay cuồng trên chiếc đĩa hát nhựa. Gã chán họ và họ cũng chán gã. 

Nhưng rồi người bạn của gã bỗng từ phương Nam ra, hỏi thăm người làng, biết gã làm việc ở đây và anh ta đã tìm đến. Gã biết được rằng, gã đã có một đứa con trai, con với cô gái xứ dừa. Cô gái có thai với gã rồi sinh con ngoài giá thú. Vì lỡ dở như vậy mà cô khó lấy chồng. Cô đành ở vậy nuôi con. Nghe người bạn kể chuyện, gã thấy như sụn người xuống…


     *

Gã biến mất khỏi cơ quan. Không ai biết gã đi đâu. Gã cũng chẳng để lại mảnh giấy nào. Mọi người trong cơ quan xáo xác. Họ đồn đoán bảo rằng gã chán cảnh nhàn rỗi mốc thếch nơi gác xếp nên bỏ đi đào vàng. Lại có người bảo rằng một lần xem ti vi thấy công an một tỉnh mãi miền Trung nhắn tin tìm tung tích nạn nhân bị tai nạn giao thông, ảnh chụp người bị nạn hao hao giống gã. Thật chẳng biết thế nào. Hôm mọi người tổ chức lục tìm nơi gác xép “chuồng chim” của gã, chợt một ai đó xướng lên “Thằng cha này được lên lương chưa nhỉ?”. Tất cả cùng ớ người ra, rằng gã vẫn chưa được lên lương. Trong đống tranh vẽ trên đủ loại chất liệu, người ta vẫn thấy bức tranh “Cóc vườn địa đàng”. Hai cô gái trẻ trề môi dè bỉu: “Gớm ghiếc quá! Rõ một lũ cóc chết”. Còn bà nạ dòng lần trước chê là bẩn thì lại lẩm bẩm: “Nhìn kỹ thấy phồn thực thật”. 

Mọi người bàn nhau nên đốt đi hay giữ lại. Cuối cùng cánh phụ nữ đi đến thống nhất là giữ lại bức tranh, mặc dù nó chẳng có giá trị gì và không hợp với bảo tàng ngành này, song xem nó như là kỷ vật của một người từng làm việc ở đây đã khuất…



Nhận xét