@@@
Tôi vừa đi công tác về thì chị tôi đến tìm. Chị bảo tôi tối đó đến nhà chị vì mẹ tôi có chuyện cần bàn. Không rõ chuyện gì nên tôi lo lắng gặng hỏi thì chị hé mở: “Người ở quê ra thì thào với mẹ chuyện đất cát, nhà cửa gì đó, tôi chỉ nghe loáng thoáng”.
Tôi thở phào, phần nào yên tâm. Tiễn chị về rồi, tôi thần người vì nỗi buồn ập đến. Điền thổ là chuyện của muôn đời, ngẫm thấy người xưa nói cấm sai câu nào.
Quê tôi, làng Giải Oan, một làng cổ của vùng ngoại thành Thăng Long xưa. Nguyên cha tôi được ông tôi cưới vợ cho từ khi người mới mười ba tuổi và hơn cha tôi đến vài ba tuổi. Nhà có mấy mẫu ruộng nên cần có người trông nom, bà nội tôi chỉ phục dịch ông tôi và đám học trò cũng đủ nhược người. Người vợ đầu cha tôi vốn con nhà giàu của làng bên nên sớm biết làm ăn, chỉ phải tật hợm hĩnh, động tý lại cậy gia thế mình giàu có, chê bai, dè bỉu người khác. Tính khí làm vậy nên sinh thất lễ với bà tôi và bà liền đem chuyện nói với ông tôi. Ông buông sách, thở dài rồi bảo: “Con người ta sang hèn là ở cốt cách, tài cán chứ đâu phải ở miếng cơm, manh áo”. Còn cha tôi, sau khi cưới vợ liền ra Hà Nội học, thi thoảng mới về nhà. Vì ít tuổi, lại ham học, vả lại ông bà tôi sẵn lòng không quý mến con dâu nên bảy năm sau, cha tôi bỏ hẳn người vợ này.
Sau này cha tôi có kể lại là lúc lâm chung, ông nội tôi vẫn nhớ chuyện người vợ đầu của cha tôi bỉ nghèo nên căn dặn cha tôi chớ lấy vợ con nhà giàu. Nhưng sự thể lại khác, người vợ kế tiếp của cha tôi (tức là mẹ già tôi) là con nhà giàu nhất trong vùng, được cái lúc ấy cha tôi đã học xong nghề kiến trúc, bắt đầu làm ăn phát đạt nên chẳng ngại mang tiếng tham của lấy vợ giàu. Mẹ già tôi là người biết điều, khi về làm dâu lại mang theo năm mẫu ruộng tốt làm của hồi môn, vì thế gia sản nhà tôi tăng nhanh. Sẵn tiền, sẵn nghề trong tay, cha tôi mua thêm đất của những nhà xung quanh, mở mang thổ cư rộng đến sáu sào, xây liền một biệt thư hai tầng với mười hai phòng theo kiểu nhà tám mái, sàn gác ghép toàn gỗ lim. Ngôi nhà to đến nỗi sau này người làng vẫn kháo nhau rằng hôm khánh thành ăn liền một trăm mâm cỗ không phải ngồi ngoài sân. Cách mạnh năm bốn nhăm cha tôi về quê và giữ chức chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của xã. Năm bốn sáu, toàn quốc kháng chiến, cha tôi tản cư lên Bắc Giang, mẹ già tôi lo tiếp tế, một lần không may, bà bị đắm đò, chết đuối. Rồi sau đó, cha tôi bị Pháp bắt, may mà người trốn thoát, trở về Hà Nội làm nghề thiết kế nhà cửa. Thời gian này, người gặp gỡ và lấy mẹ tôi. Mẹ tôi vốn buôn bán từ nhỏ, con gái thành thị không biết làm ruộng, song vì ở nhà quê nhiều ruộng, bà tôi già, chị Ngoan (con mẹ già tôi) chưa lớn, nên dù không muốn, mẹ tôi vẫn thường xuyên về quê trông nom nhà cửa, ruộng vườn. Mấy năm ấy, mùa màng thất bát, tô thu được chẳng đáng là bao, bên nội nhà tôi đông người nhưng toàn nhà nghèo, làm giúp thì ít mà tìm cách bớt xén, bòn rút lại nhiều. Năm năm hai, giặc Pháp chiếm làng tôi khi rút đi đã chôn mìn giật nổ tung ngôi biệt thự của cha tôi. Cha tôi về quê, nhặt nhạnh gạch vỡ, cho xây lại một ngôi nhà ngói năm gian. Mãi đến hòa bình lập lại, mẹ tôi mới mang hai chị tôi về quê ở hẳn. Cả gia sản ấy của cha tôi chỉ tồn tại đến cải cách ruộng đất.
*
Đến nhà người chị, tôi thấy mẹ tôi ra vào nghe chừng sốt ruột. Để tôi uống xong chén nước, mẹ tôi vào chuyện ngay:
- Mai anh phải về quê xem chuyện nhà cửa ra sao?
- Để thư thả không được sao, mẹ?
- Không - Mẹ tôi cương quyết - Hôm qua, anh rể anh ở quê ra bảo hoặc mẹ, hoặc anh phải về quê ngay dứt khoát chuyện nhà cửa. Nghe đâu phức tạp đấy.
Thấy tôi im lặng, mẹ nói tiếp:
- Mẹ ra đây ở với chúng mày, nhà cửa ở quê bỏ không ai trông nom. Nhà Gạo cho vợ chồng nhà Di ở tạm, ý chừng muốn mua hay xin gì đó. Ở mãi không thấy mẹ nói gì, chúng nó xin đất xã làm nhà khác và chuyển đi rồi. Giờ thì cả nhà nó trách mình không bán. Nó có hỏi gì đâu. Tức vậy. Bây giờ chú Côi cũng đánh tiếng mua cho thằng con thứ hai ở.
- Ai mua thì mẹ cứ bán. Người nào trả giá cao là được.
- Nói như anh, ai chẳng nói được - Mẹ trách tôi - Sự đời không giản đơn thế đâu con ạ. Để mẹ nói cho mà nghe, họ nội nhà anh còn đánh tiếng đòi để miếng đất ấy lại xây nhà thờ họ, chứ không được bán.
- Nhưng mà có phải đất hương hỏa ông cha để lại đâu mà họ đòi - Tôi cãi - Nếu con không nhầm thì bố mẹ bỏ tiền ra mua khi nhà ta rời Hà Nội về quê.
- Anh im đi, nghe mẹ. Anh tưởng mẹ không biết điều đó hay sao? Mẹ biết cả, biết tường tận là khác. Họ nghĩ sao, nói vậy, còn phần mình, mình phải có trách nhiệm giải thích cho họ hiểu. Chính vì thế mà mai anh phải về quê gấp.
Và tôi chỉ còn biết thở dài nghe theo ý mẹ.
*
Ngoài người chị gái con mẹ già và hai người chị con đẻ của mẹ, tôi còn một người chị nuôi. Chị người Thái Bình. Năm bốn nhăm, Nhật bắt dân nhổ lúa trồng đay, người đói khát bệnh tật chết đầy đường. Bà nội tôi đi chợ phiên đã nhặt được con bé chừng ba tuổi, quằn quại ôm bầu vú mẹ đã chết, bà nội tôi bèn bế mang về, bảo với mẹ gìa tôi: “Con người là quý hơn cả. Nghĩ con bé thương cho thân phận con người. Nhà mình của ăn của để, có thêm nó cũng chẳng vì thế mà nghèo đi, con Ngoan nhà mình đã có chị có em. Thôi thì ra tay tế độ, sau lấy phúc”. Mẹ già tôi bằng lòng ngay và vui vẻ hỏi: “Thế nó tên là gì”. Bà tôi chép miệng: “Nào ai biết. Cứ gọi nó là Gạo. Mong sao cho nó sau này chẳng thiếu ăn”.
Từ đó, chị Gạo là thành viên của gia đình tôi. Ngày bé, chị chẳng hề ốm đau, cứ lớn như củ khoai. Công việc chính của chị hàng ngày là rửa bát đũa và quét sân, quét lá vườn phơi khô. Lẽ dĩ nhiên, với cái cơ ngơi rộng đến mấy sào của gia đình tôi thì quét dọn cho sạch sẽ cũng đủ mệt người. Tuy chẳng học hành gì song đối với gia đình tôi, chị được đối xử như con cái trong nhà. Bà nội và mẹ già tôi đều là người hiền lành nên chị Gạo hầu như không bị đòn bao giờ, thực ra cũng đôi lúc bực mình thì chị Ngoan cốc cho vài cái, nhưng chỉ là lén bởi bà nội tôi cấm tiệt việc này. Chị Gạo cứ thế lớn lên trong gia đình tôi cho đến năm chị mười bốn tuổi, đó là năm cải cách ruộng đất.
Mẹ tôi bảo, nghe người ngoài kháo nhau sắp cải cách ruộng đất, chị Gạo vẫn thản nhiên. Rồi một tối chị không về ngủ, và chị đi liền ba hôm sau mới về nhà. Chị không chào bà và mẹ tôi vào thẳng buồng lấy mấy bộ quần áo, chiếc lược và mảnh gương bỏ vào tay nải rồi bỏ đi. Thấy lạ, mẹ tôi gặng: “Mày đi đâu đấy hả Gạo?”. Chị Gạo cấm cảu: “Đi đâu thì hỏi làm gì? Mà thôi, muốn biết thì đây nói cho mà biết. Đây đi với đội cải cách”. Mẹ tôi ngờ nghệch: “Thế không về nhà nữa à?”. Chị Gạo vằn mặt lên: “Ai ở với địa chủ bóc lột”. Rồi chị nguây nguẩy bỏ đi khiến mẹ tôi ngỡ ngàng, ê chề. Bà nội tôi nghe được, thản nhiên: “Phúc đức chẳng thấy đâu. Rõ phí cơm gạo”.
Bà nội tôi bị quy là địa chủ. Cùng với bà, mẹ tôi cũng bị giam ở truồng trâu để Đội tra của. Đồ đạc trong nhà bị lấy đi hết, chỉ còn sót lại chiếc cối xay bột bị sứt một góc do nhà đổ dạo nào. Bà, mẹ và chị tôi nhiều hôm không có gạo ăn phải hát nhãn trong vườn ăn trừ bữa. Hôm đấu tố, chị Gạo lên đấu bà nội tôi và chị Ngoan. Riêng mẹ tôi thì bỏ qua, không hiểu vì sao. Sau này mẹ tôi bảo có lẽ chị Gạo thấy mẹ tôi hiền và đẹp, mà chị thì rất thích những người đàn bà đẹp. Bà nội tôi mất trong dịp này, có lẽ bởi tuổi già, sức yếu, tiếc gia sản và cộng thêm sự thiếu ăn, sự dày vò. Bố tôi vốn là người chí hiếu nhưng biết tin bà nội tôi mất chỉ thở dài chảy nước mắt không dám về. Đến khi bố tôi viết thư về mời Đội ra Hà Nội nhận tiền thoái tô, mẹ và các chị tôi được ra cùng.
Tết năm ấy, khi mẹ tôi vẫn bị quản thúc ở quê, nhà tôi ăn một cái tết suông. Quá giao thừa, khi mẹ tôi vừa ru được các chị tôi ngủ thì chợt nghe có tiếng người gọi ngoài bờ tường. Mẹ tôi nghe ngóng và lòng đầy lo sợ. Thì ra chú Côi. Chú là người trong họ nội tộc, mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, chú tốt bụng và nhanh nhẹn, thường vẫn được bà nội tôi cưu mang bằng cách nhờ làm đôi ba việc đồng áng nhưng trả công rất hậu. Khi chú lớn, bà nội tôi lại dàn xếp cưới cho chú một người vợ vốn là con gái xứ khác, phiêu bạt đến làng tôi. Chú Côi lẻn trèo tường đưa cho mẹ tôi một chiếc bánh chưng và hai khoanh giò nạc rồi vội vã về luôn vì sợ nhỡ ai nhìn thấy lại nguy. Mẹ tôi đặt chiếc bánh và mấy khoanh giò lên bàn thờ, thắp hương khấn gia tiên và trời đất chứng giám mà nước mắt chảy ròng ròng, phần vì cám cảnh gia thế, phần cảm động trước lòng tốt của chú Côi. Chuyện này, mẹ tôi nhớ suốt đời. Hễ cứ năm hết, tết đến, sau khi cúng đêm ba mươi, thế nào mẹ tôi cũng bùi ngùi nhắc lại chuyện cũ. Mẹ bảo: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Chị Ngoan lấy chồng, bán mảnh đất nhỏ được Đội trả lại sau cải cách để làm thổ cư. Chị Gạo cũng lấy chồng dịp đó. Chồng chị cũng là một người côi cút và cũng hoạt động với chị trong một tổ của Đội. Hai vợ chồng được chia đất, chia nhà.
Mãi bảy năm sau, chị Gạo lần tìm về quê, thì ra trong số gần chục anh chị em mà chị phiêu bạt khắp nơi còn sống mấy người. Biết chuyện em mình, người anh cả khuyên chị Gạo ra Hà Nội xin lỗi bố mẹ tôi. Khi thấy chị Gạo rơm rớm nước mắt hối lỗi, bố tôi bảo: “Giàu sang, phú quý là phù du, bọt biển. Ở đời chỉ còn lại tình người mà thôi”, rồi tha lỗi cho chị, và từ đó vợ chồng chị đi lại giỗ tết xem như con cái. Riêng chị Ngoan thì vẫn hậm hực mãi chưa chịu làm lành, bởi còn căm chuyện chị Gạo cầm đầu một lũ trẻ con bẫy chị lúc cải cách, bằng cách vẽ hình lá cờ dưới đất ngang cổng nhà, rồi đứng ngoài trêu tức chị Ngoan xông ra vô tình dẫm lên và vu tội. Chuyện cũ cũng qua đi!
*
Tôi về quê, đến thẳng nhà chị gái lấy chồng ở quê. Thấy tôi về, vợ chồng chị tôi mừng lắm, song vẫn trách khéo:
- Cậu cứ như người ở đâu đến, chẳng quan tâm gì đến nhà cửa cả.
- Thì em cũng nghĩ đơn giản thôi - Tôi chống chế.
- Đơn giản ư? Đến điên cả người lên đây. Mà cậu có ở nhà đâu nên chẳng phải nghe những lời trì móc.
Rồi vì chồng chị tôi kể rằng sở dĩ chị Gạo cho con ra ở trông nhà cho mẹ tôi là hàm ý sau này sẽ xin đất nhà ấy, hoặc không thì mua rẻ, nhưng lại không muốn đánh tiếng.
- Ai cần thì phải mua, kể cả vợ chồng chị - tôi khẳng định - Mẹ già rồi, phải có tiền tĩnh dưỡng tuổi già và lo chuyện hậu sự. Em thì còn bơ vơ, nằm bàn tại cơ quan chứ sung sướng gì đâu. Bây giờ, đâu còn nhà cửa, ruộng vườn bờ xôi ao mật như xưa mà bảo cho không. Ai cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được miếng ăn, chứ bốc được của đâu.
- Anh chị cũng nghĩ như cậu nên mới bực. Cậu thử nghĩ xem, nhà Gạo cho con ra ở đó hơn năm, lợp lại mái rạ, vừa qua lại đánh tiếng “Nay mai cho các cháu ra xin lại mái rạ về đun”, như thế còn gì là tình nghĩa.
Rồi vợ chồng chị tôi kể lể chuyện chú Côi muốn mua nhà, chuyện họ nhà tôi bàn nhau giữ lại mảnh đất ấy để xây nhà thờ họ.
Tôi phải lựa lời khuyên can. Khuyên người khác mà lòng tôi buồn bã. Tôi nhớ, khi chuyển từ Hà Nội về quê những năm đầu chiến tranh phá hoại, bố tôi bán đi chiếc xe đạp duy nhất của gia đình được hơn trăm bạc, chỉ dám trả cho ông chủ đất một trăm, còn bớt lại làm kế sinh nhai, số nợ đến mấy năm sau mới trả nổi. Tôi bảo vợ chồng chị:
- Thôi bớt giận làm lành, Cứ để em và mẹ định liệu.
*
Cho đến bây giờ, tôi còn nhớ rõ khuôn mặt đầy buồn nản xen lễn vẻ lo âu của bố tôi lúc cả gia đình chuyển về quê ở hẳn. Xin thôi việc ở Bộ Kiến trúc, bố tôi được hưởng nửa năm lương. Không hiểu tính toán thế nào, bố tôi lần mò xuống Thanh Trì học nghề làm bánh cuốn. Đây là một nghề có thể làm khá giả một gia đình lao động bình thường, song đối với gia đình tôi thì là sự bất đắc dĩ trong lúc sa cơ lỡ lận. Những ngày bánh ế, hai chị tôi phải nghỉ học, đội thúng bánh đi vào các thôn xóm xung quanh rao bán, kể cả bán chịu không hy vọng đòi được tiền. Rồi nhà tôi lại xoay sang nghề làm bánh đa, cán mì sợi. Hơn sáu mươi tuổi đầu, bố tôi nghiến răng, mồ hôi ròng ròng quay chiếc vô lăng to tướng và đôi khi tôi cũng phải bám vào đó mà quay cứ như là người đánh đu.
Ngày nhỏ, tôi là một cậu bé nhạy cảm, song lại thiệt thòi bởi thể chất yếu ớt. Tôi phải theo lũ trẻ trong làng đi chăn trâu để mỗi vụ gia đình có thêm chút ít công điểm. Đối với tôi việc này như một cực hình bởi tôi sợ đỉa và không biết bơi. Cứ nhìn những con đỉa no mòng máu bám lủng lẳng vào mình trâu là tôi lại sợ rởn gai ốc, song như thế còn chưa rung rợn bằng việc chứng kiến bọn trẻ con lấy ống rạ sắc lột đỉa làm máu đen bắn ra tung tóe. Mỗi khi trâu lội qua song là tôi sợ run người vì lo rằng nó sẽ ăn lúa của hợp tác xã và bị người ta quy vào tội phá hoại. Có một lần, trời mưa phùn gió bấc, nhìn tôi mặc chiếc áo mưa lụp sụp dắt trâu đi chăn, bố tôi động long thương xót, gọi tôi lại và người đi chăn thay. Trưa ấy về, mặt bố tôi lầm lì khiến mấy chị em tôi lo lắng nhưng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Sau này tôi mới biết chuyện. Hôm ấy vì muốn trâu chóng no, bố tôi đã dắt cho ăn cỏ ở bờ lúa, thấy vậy, một bà trước đây vẫn làm công cho gia đình tôi đứng ở rìa làng, gọi réo rắt qua sông: “Đứa nào dắt trâu bờ lúa kia. Muốn sống thì dắt đi nơi khác, không biết thế là phá hoại hợp tác à?”. Từ đó, bố tôi dặn tôi rất kỹ là không được chăn trâu ở bờ lúa.
Thế là sau này, hễ con trâu sứt mũi bướng bỉnh bơi qua song thì tôi chỉ còn thiếu nước khóc. Tôi đành phải nghĩ ra một cách, nhờ một đứa nào đó trong bọn trẻ chăn trâu bơi sang dắt hộ trâu về, bù vào đó, tôi phải kể cho chúng nghe một đoạn trong “Tam Quốc diễn nghĩa” hay “Tây Du ký”, “Thủy Hử”, được cái là những chuyện này tôi thuộc long như cháo chảy, chỗ nào quên tôi có bịa ra thì bọn chúng vẫn nghe mê li. Song bọn chúng cũng tinh quái, nhiều khi vòi tôi kể chuyện không được, chúng bèn lén lùa trâu của tôi xuống sông. Nhiều khi tức trào nước mắt, và tôi quyết tập bơi.
Những năm tháng tuổi thơ đầy lo âu và mặc cảm của tôi qua dần…
*
Từ nhà chị, tôi đạp xe về nhà mình. Cảnh nhà hoang vắng, cỏ leo mèo lóc. Mái rạ trũng xuống từng mảng lớn. Chú Côi đang lúi húi dọn cỏ trong vườn. Thấy tôi, chú rất mừng.
- Cháu về đấy à? Cơm nước gì chưa, để chú nấu?
- Dạ, cháu ăn cơm nhà chị cháu rồi.
- Mày chỉ vẽ chuyện, lần sau về quê, cứ đến thẳng nhà chú cơm nước rồi đi đâu hẵng đi - chú Côi trách nhẹ rồi thân mật trở lại - Cháu thấy đấy, vợ chồng nhà Gạo cho con ra ở một thời gian rồi dọn đi, nhà vườn bỏ toang hoang thế này. Nhìn cảnh, chú buồn quá. Mua hay không, thời gian rỗi rãi, chú quét dọn cho.
- Cảm ơn chú - Tôi cảm động.
- Cháu không ở nhà nên không hay chứ ở nhà, chú đến dọn dẹp thế này cũng nhiều chuyện lắm. Người thì bảo: “Công dã tràng”, kẻ lại dèm pha “Gìa rồi vẫn dại. Cái giống địa chủ nó lại lừa cho trắng mắt ra”. Còn chú thì nghĩ ở đời tình nghĩa là trên hết, phải không cháu? Vả lại, bụng chú luôn ngẫm là mình nhận người không nhầm. Thôi để chú rửa qua cái tay rồi chú cháu mình uống nước.
Tôi vào nhà, thắp hương lên bàn thờ gia tiên. Tôi đứng lặng hồi lâu, lúc ngoảnh lại thì chú Côi cũng đứng lặng ở đằng sau từ bao giờ, mắt chú đầy nước, khuôn mặt già nua khắc khổ ẩn chứa sự phúc hậu. Chú nói:
- Cứ nghĩ đến cái đận bà nội và bố cháu cứu chú khỏi chết đói năm Ất Dậu, chú lại thương cảm. Sao ở đời những người làm phúc thường hay long đong thế!
Hai chú cháu tôi pha chè uống. Chú Côi cho biết là trong họ nội nhà tôi tranh luận nhau việc đòi nhà tôi để xây dựng nhà thờ họ, kẻ bảo nên, người bảo không, say rượu xuýt choảng nhau. Tôi hỏi:
- Vậy mẹ con cháu bán, chú nghĩ sao?
- Bán cũng được nhưng không nên, bởi sẽ phức tạp nhiều.
- Vậy chú khuyên cháu nên làm gì?
- Chú thì nghĩ thế này, tuổi trẻ chúng mày có học, thích bay nhảy ra thành phố là lẽ đương nhiên không ai dám giữ, mà còn lấy đó làm hãnh diện, song gốc rễ mình ở nông thôn, nên có miếng đất, nếp nhà để nơi mà đi về. Như thế không là tốt sao, nhất là cháu giữ vai trò trưởng họ tộc. Thôi thì thế này, cháu sợ bỏ hoang thì nhà vườn nát ra chứ gì? Không phải bán cho ai cả. Cứ để đấy, chú trông nom cho.
- Nhưng chú định mua cho đứa thứ hai nhà chú ở cơ mà?
- À… - chú Côi cười - Lúc đầu quả có vậy nhưng sau chú nghĩ lại rồi.
- Người khác thì chưa chắc song chú thì mẹ con cháu bán.
- Cảm ơn mẹ con cháu, cứ để đây chú trông nom cho.
- Chú làm thế, mẹ con cháu khó nghĩ quá.
- Có gì đâu, ra ngoài đó bảo với mẹ là chú Côi bàn vậy. Chú nói là mẹ cháu hiểu và bà ấy tin đấy! Tối tối chú lên đây ngủ, hương khói. Sau này cháu có làm ăn khá giả, lúc ấy hiến cho họ xây nhà thờ tổ cũng chưa muộn, phải thế không cháu?
Rồi chú Côi vội ra chợ mua ít lòng lợn và chai ba rượu. Hai chú cháu nhấm nháp, nhắc lại chuyện cũ. Thoảng có lúc cũng lặng đi trôi theo dòng thời gian với bao buồn vui, sướng khổ của kiếp người.
Chiều hôm ấy tôi tạm biệt chú Côi, đi trên đường làng tôi nhác thấy chị Gạo và hình như chị cũng nhìn thấy tôi, song không hỏi mà vờ quay đi ngay. Phải xem đó là chuyện thường, như ngày nào bà và mẹ tôi đã trải.
H Nội, 1990-1992
Nhận xét
Đăng nhận xét