Ơi cái thời chị đẹp


 Nuy by VuducTan

@@@


Bẵng đi hàng mấy năm trời, tôi mới lại có dịp về thăm quê.

Tôi tranh thủ đi hỏi thăm hàng xóm láng giềng và bà con họ hàng. Một buổi tối đến chơi nhà chú họ, tôi ngồi uống nước chè với cậu con trưởng của người chú. Cậu ta đang chăm chú nghe tôi nói chuyện thủ đô, chuyện thời sự quốc tế, chợt quát hỏi thằng em khi ấy vừa đi từ trong buồng ra:  

- Này, tay mày cầm cái gì thế kia?

Thằng em lúng túng, một tay giấu đằng sau lưng.

- Có gì đâu, em…

- Gạo phải không? Mày lấy trộm gạo để đi đến ổ Luyến à?

Nói rồi anh xông ngay đến tước lấy cái bọc mà cậu em đang giấu đằng sau. Cái gói bung ra làm gạo bắn tung tóe. Khi cậu em đi rồi, thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, cậu anh giải thích: 

- Anh có hiểu là nó mang gạo đi đâu không?

- Chắc là… bán lấy tiền tiêu hoặc cùng lắm tích tiền mua sắm quần áo, tệ hơn nữa là cờ bạc, rượu chè.

- Không, anh nhầm rồi - Cậu ấy cười khẩy - để chơi gái đấy. 

- Chơi gái? Tôi hỏi lại bởi ngạc nhiên thật sự.

Lúc trước nghe cậu anh nói đến “ổ Luyến” thì tôi nghĩ ngay đến một ổ rượu chè, cờ bạc nào đó, chứ không thể nghĩ đến là “ổ điếm”. Ở nông thôn, đi với gái điếm lại trả công bằng gạo, thật là một chuyện lạ. Điều đó kích thích lòng tò mò nghề nghiệp của tôi. Một suy nghĩ chợt xuất hiện, có thể viết một bài báo, hoặc một phóng sự chẳng hạn. Tôi bèn xoay vào cậu anh:

- Này, thế chủ ổ điếm đó tên Luyến à?

- Chủ gì đâu. Có độc mình mụ Luyến, con riêng của bà cả Ái. 

- Chị Luyến à?

Thế là chẳng còn đợi tôi hỏi, cậu anh thông thốc kể cho tôi nghe hàng loạt chuyện xung quanh ổ điếm làng này…


@@@

          Tình họ hàng, chị Luyến có họ xa với tôi, kiểu họ bắc cầu “bắn đại bác không tới”. Tuy nhiên, ngày nhỏ chị khá gần gũi với gia đình nhà tôi và tôi luôn kính trọng chị. Ngày ấy, những năm sáu mươi, tôi còn đang học cấp một, chị ấy đã hết cấp hai. Chị học cùng lớp với chị Thúy của tôi. Lúc ấy, tuy còn bé nhưng tôi cũng biết được rằng chị Luyến rất đẹp. Có thể nói, ngày đó, không những chị đẹp nhất làng mà còn nhất xã, thậm chí nhất huyện không chừng. Chị Thúy tôi cũng đẹp nhưng là vẻ đẹp thùy mị, nết na, còn chị Luyến thì ngược lại, đẹp một cách quyến rũ, lẳng lơ. Tôi nhớ, lúc bấy giờ là những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ rất dữ dội. Làng tôi cách Hà Nội chỉ vài chục cây số lại làng quê cổ nên có rất nhiều trường đại học sơ tán về. Các chàng sinh viên phát hiện ngay ra những cô gái quê có nhan sắc để bâu quanh tán tỉnh. Chị Luyến được các chàng chú ý nhất và xoay quanh như chong chóng. Chàng tặng thơ, chàng tặng sách, chàng rủ đi xem… Chị nhận lời với tất cả.

Có lần, tôi được nghe một chàng trong số đó, từng bị chị Luyến cho ra rìa, đến tán tỉnh chị Thúy tôi và kể lại rằng chị Luyến đã chơi trội bằng cách xin theo học ngoại ngữ cùng với lớp sinh viên và đã từng diện chiếc áo len đỏ chói đi từ cửa lớp phía gần bục giảng với dáng vẻ kiêu hãnh xuống hàng ghế cuối lớp trước hàng trăm con mắt nửa thèm muốn thán phục, nửa chê trách khích bác của đám sinh viên.

Chị Luyến không những đẹp mà học cũng rất giỏi. Cánh thanh niên trong thôn và cả đám sinh viên đều cho là chị hâm hâm.

Chị có hâm hay không thì chẳng biết song rõ ràng chị là đối tượng khao khát của đám con trai và đàm tiếu của nữ giới, kể cả các nàng sinh viên vốn được tiếng là cao giá… Bây giờ tôi mới hiểu rõ là người ta muốn, người ta giành giật không được, hoặc người ta kém hơn thì sinh dèm pha, chứ thực ra chị cũng không đến nỗi nào. Có chăng bởi chị đẹp quá, đẹp một cách khêu gợi làm ngứa ngáy và gai mắt mọi người.  

Thế rồi, đùng một cái, chị Luyến lấy chồng. Chồng chị không phải là một trong số những người mê chị mà là một anh chàng hiền lành người làng nhưng đi thoát ly. Những năm bấy giờ, thoát ly là niềm mơ ước của biết bao trai gái nông thôn. Anh ta tên Ngọc. Chẳng hiểu vì tật bẩm sinh hay bệnh ngoài da mà cứ đến độ hanh hao thì da anh lại mốc lên, cho nên ở làng, anh ta có biệt hiệu là Ngọc “mốc”. Ngọc là con độc nhất của một bần nông. Bố Ngọc là cốt cán trong năm giảm tô cải cách. Gia đình được chia quả thực. Bố mẹ Ngọc lại căn cơ nên lúc đó nhà Ngọc được tiếng là khá giả nhất làng. Cũng không hiểu vì sao chị Luyến lấy Ngọc “mốc”. Lấy Ngọc, chị Luyến được tiếng là có chồng làm cán bộ thoát ly, bố mẹ chồng lại thuộc diện nhà ngói, sân gạch, cây mít. Đối với đám con gái làng, có lẽ được như vậy là toại nguyện lắm rồi, song với chị Luyến thì tôi nghĩ là không. Về chuyện chị Luyến lấy Ngọc “mốc” thì người làng có đồn rằng, bà cả Ái, mẹ chị - một người đàn bà có nhan sắc sớm lận đận chuyện tình duyên, góa chồng, đi bước nữa với ông làng Triển, vì cuộc đời quá long đong nên ngẫm mình tủi thân mà bắt con gái sớm lấy chồng cho yên phận. Cũng nghe đâu là chị Luyến định cự tuyệt thì bà Ái đe tự tử, thế là chị đành cam lòng.

Ngọc “mốc” công tác xa, tháng đảo qua nhà một vài lần, song chị Luyến nào được sống tự do, mà luôn phải ghép mình trong vòng kiềm tỏa chặt chẽ khắt khe của bố mẹ chồng. Thế rồi chị Luyến xin đi học lớp sơ cấp sư phạm của tỉnh. Mãn khóa học, chị Luyến nhận nhiệm sở trường cấp một của xã và cũng là ngày chị ở cữ đứa con trai đầu lòng. Thằng bé chẳng có nét gì của bố. Cánh giáo viên ở trường xì xào rằng đứa bé không phải là con của Ngọc “mốc” mà của một ông thầy dạy ở trường sư phạm tỉnh. Tuy vậy, mọi chuyện vẫn bình thường bởi Ngọc “mốc” rất quí đứa bé. Cuộc đời chị có lẽ như thế trôi đi, nếu như không có chuyện một buổi người ta ấn vào tay chị bức điện tín báo tin chồng chị bị cảm và mất đột ngột ở cơ quan. Chồng chị được đưa về chôn cất ở quê. Nhìn cảnh chị khóc lóc thảm thiết trước linh cữu chồng, ai dám bảo là chị không yêu chồng. Chẳng biết người làng nghĩ gì, song riêng tôi thì nghĩ có lẽ chị cám cảnh thân phận mình thì nhiều hơn. Mãn tang chồng, chị Luyến trở về với vẻ cởi mở vốn có của mình. Chị cười đùa nhiều hơn, mắt nhìn đong đưa hơn. Gái một con đầy đặn, mặn mà. Lại khối kẻ nhòm ngó, tán tỉnh…

Một thời gian, người làng đồn đại về mối quan hệ kỳ quái giữa chị với ông bố chồng. Người ta bảo là ông bố chồng chị “giữ gian cho con trai ở dưới suối vàng”. Còn ở trường học, mọi người lại thì thầm về việc ông hiệu trưởng “chỉ quí có mỗi mình cô Luyến”. Thật chẳng biết tin vào đâu. Mà thực ra, người ta cần gì phải tin hay không. Miệng thế gian ngoan miễn có chuyện để nói là được. 

Chị Luyến lại gây ra một chuyện bất ngờ nữa. Chị xin thôi việc ở cơ quan, mang con bỏ lên mạn ngược với người chị gái. Thế là làng hết chuyện để mà đàm tiếu. Hơn một năm sau, chị Luyến về thăm quê, đi kèm là một chàng trai cao to mang sắp phục công an. Theo lời giới thiệu của chị, người ta biết được ở trên đó, chị xin vào dạy một trường cấp một và chàng trai đi cùng là chồng mới cưới của chị. Anh ta người dân tộc thiểu số, là trai tơ, gặp chị là si mê ngay và đòi cưới bằng được mặc dù biết chị đã qua một đời chồng và có con riêng. Đợt về thăm quê ấy chính là tuần trăng mật của đôi uyên ương. Trời lạnh, chị Luyến diện quần âu, mặc chiếc áo len cổ lọ màu hoàng yến, tay dắt con, đi cùng chồng từ đầu làng đến cuối làng thăm thú hết nhà nọ đến nhà kia. Vẻ hãnh diện và vẻ đẹp rực rỡ kết hợp hài hòa trên con người chị. Người làng chứng kiến cảnh ấy, kẻ khen thực lòng “cô Luyến thế mà may. Dạo này cô ấy trẻ đẹp quá”; kẻ lại dè bỉu “Đồ đĩ thõa. Rồi xem được mấy nả”…

Riêng mình, khi ấy đang học cấp hai nói theo kiểu ngươi lớn là “hỉ mũi còn chưa sạch”, tôi thấy chị đẹp quá chừng và tôi vừa mừng, vừa thương cho chị, xen chút ghen tỵ, ước ao sau này mình cũng lấy được một người vợ xinh đẹp và quyến rũ như vậy. 

Cuộc đời thật lắm điều chẳng ngờ. Tưởng vợ chồng chị sẽ yên ấm. Ai dè, mấy năm sau lần về quê thăm ấy, chị Luyến lại dắt con về làng. Lần này không có anh chồng đi cùng. Dù cố tình che đi nhưng chị Luyến không sao dấu nổi những vết thâm tím trên khuôn mặt mình, chắc là dấu vết của những trận đòn. Theo bà Ái rêu rao trong làng thì anh chồng chị vốn tính hay ghen, lại cục, hễ bắt gặp vợ mình đi cùng hoặc nói chuyện với người đàn ông nào là xông đến gây sự, rồi về nhà đè vợ ra mà thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Không chịu nổi những trận đòn ghen, chị Luyến đã mang con bỏ về làng và cũng chằng buồn ra tòa ly dị. Bà Ái ví thân phận con gái mình như nàng Kiều. 

Chị Luyến ở hẳn quê. Chị xin đi dạy cấp một nhưng người ta không nhận lại nữa. Làng cũng đã chia xong ruộng khoáng nên chị không xin được ruộng để làm. Bà cả Ái thương con bèn xẻ bớt vài sào ruộng trong định suất của mình cho con sinh sống. 

Một thời gian dài sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nhận công tác xa, lâu lâu mới có dịp về quê. Hỏi thăm, tôi được biết chị Luyến không lấy ai nữa. Mà có lẽ cũng không ai dám lấy mặc dù vẫn không ít kẻ thèm muốn thân xác chị. Chị xin xã được mấy chục thước đất dựng một căn nhà nhỏ ở góc sân kho hợp tác xã lâu ngày bỏ không để rêu mọc và làm ruộng nuôi con. Chị có mua thêm ít nước mắm, dầu thắp bán lẻ cho mọi người những lúc nhỡ nhàng. Thôi thế cũng được, tôi thầm nghĩ. Nào ngờ, nay lại đến bước đường này…!


*

           Một buổi trước kỳ nghỉ kết thúc, tôi gọi thằng con thứ của ông chú để hỏi thêm về chuyện chị Luyến. Nghe xong, nó cười và bảo tôi:

- Anh cứ đùa dai. Ở ngoài đó thiếu gì gái đẹp mà phải tìm đến mụ gái già nhà quê này làm gì?

- Dào ơi, ông anh lại khéo che đậy. Thôi được, để viết báo hay để làm gì thì cũng mặc, thằng em xin chiều.

Nó kể và bày cách cho tôi tiếp cận. Rồi nó bông đùa một cách đểu giả: 

- Bọn trai làng từ trung tuần đến choai choai bất cứ ai mụ ta cũng đều tiếp cả. Mụ ta dễ dãi lắm mà. Có tiền thì trả tiền không có tiền thì trả bằng gạo thóc. Hiện vật là được. Không có thì chịu đến lần sau trả một thể. Anh có tin rằng đã có đứa sau khi hành sự, trả mụ bằng bọc mắm tôm không? Ha, ha… - Nó cười - Mụ Luyến mà vớ được anh, dân thủ đô, phóng Cub vèo vèo, bẫm phải biết. Chúc anh một buổi tối sung sướng. Ôkê!

Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến ổ Luyến. Căn nhà gạch bé nhỏ xây vữa không trát, nép dưới bụi tre bên góc sân kho lở lói. Tôi gõ cửa rụt rè. Tiếng chị Luyến uể oải nhưng tôi vẫn nhận rõ:

- Cứ đẩy cửa mà vào. 

Tôi lách mình vào nhà và vội vã khép ngay cửa lại. Chị Luyến mặc bộ đò hoa mỏng, nằm chân co chân duỗi trên giường xem tiểu thuyết. Thấy tôi, chị buông sách hỏi:

- Anh cần gì? Hình như anh không phải là người ở đây?

- Vâng. Tôi… tôi gặp chị.

- Gặp tôi à?

Vậy thì anh uống nước đi. Có chè pha sẵn rồi đấy. Nếu không muốn uống thì nằm ngay xuống đây với tôi. 

Chao ơi, trơ tráo và chai lỳ đến thế là cùng, tôi cay đắng nghĩ. Thấy tôi cúi đầu, chị khiêu khích:

- Hay anh không mang tiền? Nếu không sĩ thì chịu cũng được. Anh nằm xuống đây đi, tôi đang mệt, không muốn ngồi dậy đâu. 

- Chị Luyến, chị không nhận ra tôi sao? Tôi cố kìm mình để không quát lên.

Chị Luyến nhỏm dậy, nhìn tôi trân trân rồi nhếch mép, cái nhếch mép nửa cười khẩy, nửa như mếu:

- Đã đến thế này, thì quen biết làm gì… Nhưng thôi, cậu là Nguyên. Cậu tưởng cậu đi xa mà tôi không còn nhận ra nữa sao? Chắc nghe nói về tôi rồi chứ gì? Thảo nào cậu cũng biết đường đến đây! Tôi hiểu ra rồi… Mọi thằng đàn ông đến đây đều xông ngay vào tôi mà cấu xé, còn cậu… Tôi biết cậu đến không vì lý do đực cái mà để lý thuyết, dạy đạo đức, chứ gì?

Tôi thêm phần lúng túng bởi sự đáo để đến quyết liệt và tàn nhẫn của chị, song dù sao cũng còn dễ chịu hơn. 

- Tôi là nhà báo, chị hiểu cho…

- A, thế thì còn tệ hơn! Cậu viết bài đăng báo lấy nhuận bút. Cậu kiếm tiền bằng cách phỉ báng tôi. Cậu cút đi! Tôi không tiếp những người đạo đức giả như cậu. Bọn đàn ông trong làng đến đây, tuy toàn một lũ cục mịch, ngu ngốc, háo sắc và đểu giả ra mặt, nhưng như thế còn hơn bởi dù sao họ cũng thành thực, chứ không như loại lắm chữ như cậu!

Chị Luyến rít lên. Tự nhiên, tôi không còn cảm thấy lúng túng nữa mà trong người tôi bừng lên một sự giận dữ. Rồi tôi chùng người xuống. Tự ngồi xuống bàn, tôi rót nước cho mình và đưa cho chị một chén. Châm thuốc hút. Chị Luyến cầm chén nước trên tay, không uống mà cũng không đặt xuống. Im lặng hồi lâu, tôi nhìn sang thì thấy đầu chị cúi gục xuống, vai khẽ rung từng đợt. Chị khóc. Tôi định chào chị và ra về thì chị Luyến lên tiếng:

- Cậu đến đây mà không sợ xấu hổ với người làng à? Ngộ nhỡ bây giờ có ai đến, người ta sẽ biết mặt cậu…

- Không. Nhưng chị đối xử với tôi còn tệ hơn với đám khách làng chơi của chị, vậy tôi đành về thôi. 

- Cậu Nguyên - tôi tự giận mình đấy thôi. Tôi đâu có ngờ mình lại đến nông nỗi này. Lúc tôi mới về làng, còn khó khăn, mấy tay cán bộ xã bốc giàu lên, học đòi thiên hạ, thèm của chua tìm đến tán tỉnh tôi. Tôi cự tuyệt thì họ dọa sẽ gây khó khăn mà đuổi tôi ra khỏi làng. Còn như, tôi chấp nhận thì họ sẽ tạo điều kiện cấp đất làm nhà cho tôi và mấy sào ruộng khoán. Cực chẳng đã, cậu ơi. Lâu thành quen, tôi nghĩ thế cũng nhàn. Bây giờ thì cả làng khinh bỉ tôi, cả mẹ tôi, con tôi… Cái đám đàn ông cũng vậy, họ vừa thèm khát, lại vừa khinh bỉ tôi. Đến nước này, cuộc đời quăng vật, còn gì để mà danh giá, gìn giữ nữa cậu! Đã điều tiếng thì dù mình có thế nào cũng vẫn điều tiếng. Nhiều lúc mệt mỏi, chán nản, tôi muốn chết quách cho xong. Nhưng rồi lại nghĩ đến con… Muốn bỏ nghề, từ chối thì họ lại chửi “Đĩ còn giữ giá”. Thôi thì mặc thây cái cuộc đời này, cũng đáng bỏ đi lâu rồi…

- Thế con trai chị đâu?

- Cứ tối đến thì nó bỏ đi. Đến nửa đêm mới về, thậm chí cũng không về, bởi nó biết tôi thường có khách. Hồi nhỏ, nó còn chịu được, sau lớn lên một chút, nó hầm hè với khách. Lớn lên nữa nó hiểu, và nhất là sau mấy lần bị tôi mắng, nó bèn nghĩ ra cách ấy. Có khi đến mấy ngày nó chẳng nói với tôi một câu nào. 

Ngắm kỹ chị Luyến, tôi thấy chị phai tàn đi nhiều. Chị đã ngoài bốn mươi rồi, qua hai lần đò, bây giờ lại thế này thì còn gì là người nữa. Tôi nén tiếng thở dài. Chợt chị hỏi:

- Nghe đâu, Thúy cũng sống ở ngoài đó?

- Vâng, gia đình chị ấy cũng tạm ổn. 

- Tôi có một đề nghị thế này. Ra ngoài ấy, cậu muốn viết gì thì tùy cậu nhưng không được để đúng tên tôi. Và nhất là, không được nói bất cứ điều gì cậu biết về tôi với Thúy.

Chị Luyến lại tức tưởi. Tôi lặng nhìn. Rồi móc túi tiền đặt khẽ lên bàn, lách cửa ra ngoài. Trời đêm đầy vẻ rầu rĩ. Tôi đi giữa những tiếng chó sủa rấm rẳng. Mà tôi để tiền lại làm gì nhỉ. Tiền bạc nghĩa lý gì? Lại một sự ngu ngốc. Nào có ai cần tôi thương vay khóc mướn đâu!...

Tháng 9/1992





Nhận xét