Thân phận,


 @@@

“Lưu linh! Lưu linh,

                                                           Lý Bạch! Lý Bạch!

                                                           Say có danh gì mà truyền lưu?”

                                                                             (Đặng Huy Trứ)

Thoạt đầu người ta nghe thấy tiếng rú, sau là những tiếng gào thét, rồi mới đến tiếng khóc thảm thương. Lúc ấy trời đã nhá nhem, các thành viên của từng gia đình ở cái xóm lao động này hầu như đã về đủ cả, nên nghe thấy vậy, mọi người đùn ra từ những lỗ cửa toen hoẻn, đứng chật ngõ, nháo nhác hỏi lẫn nhau xem chuyện gì xảy ra. Người ta tập trung vào nơi phát ra những tiếng gào rú khóc lóc. Thì ra ở nhà thằng Quấy. Anh chàng đạp xích lô, người trong xóm, mặt đỏ phừng, miệng sặc hơi men gạt đám đông xông vào nhà Quấy, rồi quay trở ra ngay, nói oang oang: “Thằng Quấy chết rồi. Chẳng biết chết từ bao giờ. Vợ nó đi đâu mới về, mở cửa vào nhà thì thấy nó nửa nằm nửa ngồi trên sàn nhà, đầu nghếch lên thành giường. Vợ nó tưởng nó say rượu như mọi ngày, lay gọi thì thấy người cứng nhắc lạnh giá, mới biết là chết”. Thế là cả xóm lại nhao nhao. Người ta tranh nhau nói. Một bà bảo: “Thảo nào, cả ngày hôm nay tôi không thấy mặt nó. Mọi hôm, đêm có say rượu thì ngày sau muộn lắm cũng chỉ chừng mười giờ là nó bò dậy, mở cửa ra bắc ghế ngồi sưởi nắng. Đằng này…”. Một bà khác không chịu thua: “Thì mới trưa hôm qua hay hôm kia gì đó, tôi thấy thằng Quấy ngồi uống rượu với mấy quả táo, tôi còn đùa bảo nó là bớt uống rượu đi, để dành tiền mà xây nhà lầu… Thế mà bây giờ nó đã là người thiên cổ!”. Tôi hiểu là bà hàng xóm đùa Quấy như thế bởi mấy tháng nay có một ông làm giám đốc công ty mua lô đất ở giữa xóm lao động này xây thành ngôi biệt thự bốn tầng theo kiểu nửa cổ nửa kim. Rồi người này, người kia đua nhau kể lể những chuyện xung quanh thằng Quấy. Riêng tôi, trước đó mấy ngày là chủ nhật, tôi còn thấy Quấy chơi cờ tướng với một cậu hàng xóm, thấy hắn gặp thế cờ bí, tôi bèn mách hắn mấy nước và sau đó hắn chuyển bại thành thắng, và khi đó Quấy còn bảo tôi: “Em không ngờ bác chơi cờ khá thế”. Trong khi mọi người còn đang bàn tán thì cảnh sát khu vực đến, chẳng hiểu ai đó đã nhanh nhẹn gọi điện báo. Đúng rồi, chết đột tử tại nhà không ai biết thì phải báo các nhà chức trách khám nghiệm tử thi xem có phải án mạng gì không. Biết đâu lại chẳng phải là kẻ trộm vào nhà cướp của giết người, hoặc chuyện thù oán, chuyện tình duyên trắc trở…? Khi xác Quấy được đưa đi rồi, mọi người còn bàn tán một hồi rồi ai nấy rút về nhà mình và trong nhà lại tiếp tục bàn quanh chuyện cái chết của Quấy…

Đêm đó, bên nhà Quấy đông chật họ hàng. Còn cả xóm, hình như mọi người cũng mất ngủ? Đoán vậy bởi tôi nằm mãi không ngủ được, và dường như cố tình ngủ thì mắt cứ chong chong. Hình dáng Quấy lúc chết nửa nằm nửa ngồi, rồi những hình ảnh, những câu nói thường ngày trước đây của Quấy cứ hiện ra trong suy nghĩ của tôi lộn xộn…

Cách đây chừng ba năm có lẻ, gia đình Quấy từ nơi khác dọn đến ở xóm lao động này. Nghe đâu, bố mẹ Quấy có mảnh đất khá to ở ngoại ô. Thời đất đai rẻ mạt thì chỉ cấy rau muống, nhưng khi đất đai có giá, bố mẹ Quấy bán bớt đi lấy tiền chia cho mỗi con một ít để chúng tự lo mua đất làm nhà theo ý mình. Và Quấy đã mua một căn nhà cấp bốn ở xóm lao động này. Nhà Quấy dọn đến ở dễ đến nửa tháng mà cả xóm không ai biết là có Quấy bởi người ta chỉ thấy một người đàn bà với một bé gái ra vào hàng ngày và thế là họ nghĩ nhà này chỉ có mẹ góa con côi. Nhưng rồi một hôm, tôi thấy người đàn bà ấy thập thò ngoài cửa thì hỏi: “Chị hỏi gì?”. Cô ta nói: “Em nhờ bác xem hộ xem cái ti vi nhà em làm sao mà không lên hình”. Tôi liền theo cô ta, bước chân vào nhà tối om nên chẳng thấy gì. Cô ta bật điện thoại và tôi mầy mò một lát thì phát hiện được cái ti vi bị tuột dây ăng ten. Khi đã lên hình rồi, tôi hỏi cô ta: “Đàn ông đàn ang nhà này đi đâu cả rồi”. Cô ta nói to cười cười rằng: “Bác ơi nhà này có đàn ông thì cũng coi như không ấy mà. Đây, đàn ông nhà này đây, ở ngay sau lưng bác đấy”. Nghe vậy tôi nghoảnh lại và bây giờ tôi mới nhìn rõ một chiếc giường kê phía trong bỏ màn sùm sụp là một người đàn ông, không phải vậy, đúng ra là một hình nhân, lặng thinh và nhìn tôi chòng chọc. Ngạc nhiên nhưng tôi vẫn khẽ gật đầu chào, song hình như anh ta chả phản ứng gì với cái gật đầu của tôi. Người đó là Quấy. Lúc ấy, Quấy vừa qua một cơn thập tử nhất sinh. Lâu lâu sau đó, Quấy khỏe lên đôi chút và hắn bắt đầu đi lại được. Dần dà, cả xóm biết chuyện là Quấy nghiện rượu nặng và nghe đâu nghiện từ khi còn chưa thành người lớn. Bình thường mỗi ngày Quấy phải đủ ba cữ, sáng, trưa, tối và mỗi cữ ít ra cũng phải chai ba. Quấy ngày một khỏe thêm, nhưng gọi là khỏe vậy thôi, chứ người Quấy vẫn chỉ là bộ khung, hai chân như xe điếu, gò má nhô cao, miệng dẩu ra. Người vậy nhưng miệng lưỡi có vẻ hoạt lắm. Theo lời Quấy thì hồi trai trẻ hắn khỏe mạnh và đẹp trai lắm, lại có nghề cơ khí trong tay; nhưng rồi cơ sở hắn làm sa sút, hắn nghỉ ở nhà không việc, lại thêm tật nghiện rượu và cứ thế hắn nhậu tì tì ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác mặc vợ làm, mặc chuyện con học hành thế nào không cần biết. Rượu đã nhấn chìm hắn!...

Có một dạo, Quấy có vẻ đỏ da thắm thịt, hắn đi lại lăng xăng ngoài đường trong ngõ. Rồi hắn lại còn ăn diện, đèo vợ con bằng xe đạp đi chơi đây đó vào ngày chủ nhật. Thấy vậy, mọi người khen: “Vợ chồng nhà này hạnh phúc nhỉ!”. Vợ Quấy cười như mếu, còn Quấy thì dẻo quẻo: “Phải nói là cứ như đôi chim quyên chứ”. Gần nhà Quấy có một cặp vợ chồng trung tuổi, họ sống với nhau có vẻ yêu thương nhau lắm, những ngày nghỉ, người chồng ngồi múc từng gáo nước bồ kết cho vợ gội đầu. Những lúc như thế, Quấy bắc ghế ngồi cửa chứng kiến từng động thái của cặp vợ chồng này và đùa: “Kiếp này thì em chịu, nhưng chờ kiếp sau, em sẽ sống đầm ấm như hai bác… Nhìn cảnh hai bác, em thấy thèm!”. Vợ chồng nhà kia đùa lại: “Thì ai cấm. Bây giờ chỉ cần chú bớt rượu đi là cô chú cũng thế được, thậm chí còn hơn nữa”. Hắn cười phá lên: “Trời ơi! Không kịp nữa rồi! Hai bác không biết đấy thôi, em đã xí được mấy thước ở Văn Điển rồi”. Thấy vậy, vợ hắn bảo: “Sao lại không kịp? Kịp hay không là ở mình, nếu muốn thì vẫn kịp. Còn muốn đi Văn Điển ư?...”

“Đi được thì đã phúc cho cái thân tôi”. Mấy người cùng cười. Đùa hay không thì không rõ nhưng nghe ra thì cũng bi hài lắm. Lúc ấy, tình cờ nghe được, tôi cũng không khỏi bật cười!

Rồi sau đó, đến những ngày quẫn chí của hắn. Hễ chiều là hắn mò đi, uống ở quán xá nào không rõ, nhưng khi về đến nhà thì say mèm. Hôm thì bạn rượu đưa hắn về, hôm thì về đến ngõ ngã rúi rụi, hàng xóm nhìn thấy rìu về. Có lần, tôi thấy hắn say quá ngã xấp mặt xuống vũng nước, lồm cồm bò dậy, lại ngã, lại bò dậy. Mấy nhà ở quanh đấy cứ nhìn mà cười rũ. Tôi phải gọi vợ hắn ra rìu hắn về. Vợ hắn cứ rền rĩ: “Khổ cho tôi không!”. Nhiều đêm hắn say li bì, vợ hắn đi làm ca về gọi cửa mãi hắn không tỉnh để mở. Rồi có hôm, hắn đi uống đến đêm mới về, gọi cửa nhưng vợ hắn kiên quyết không mở cửa thế là hai vợ chồng, kẻ trong người ngoài chửi cãi nhau như hát hay làm cả xóm mất ngủ. Lại có những đêm hắn không ngủ được, cũng không có chỗ để đi, hắn bật cát-xét, những băng nhạc ẽo ợt sướt mướt, những băng cải lương mùi mẫn. Hàng xóm láng giềng đều tức, nhà nào nhà nấy lủng bủng nhưng chẳng ai nói ra, bởi không ai muốn dây với hắn. Đời ai đi chấp những thằng Chí Phèo. Thằng Quấy tuy không rạch mặt ăn vạ, song nó say, nó cho rằng đời nó chẳng còn gì, nó chửi vung lên cho thì dại mặt à. Dưới con mắt của bà con trong xóm lao động này, thằng Quấy là hiện thân của sự bệ rạc, cỏ ráy xã hội. Ai cũng bảo: “Cái ngữ ấy chết đi không ai thương. Chỉ thương con vợ trông sạch sẽ, hiền lành, chăm chỉ là thế mà vớ phải thằng chồng cặn bã thì khổ quá”…

Tưởng đời thằng Quấy cứ lặng lẽ trôi đi và chìm hẳn trong u mê như thế, nhưng không, hắn đã có một quãng đời chót không đến nỗi uổng phí. Chuyện là thế này: Trước đó ít lâu, có ông giám đốc mua đất trong xóm xây nhà lầu.

Một toán thợ xây mấy chục người ùn ùn kéo đến. Rồi kế đó là gạch, cát, xi măng, sắt thép bề bộn. Quấy ta hễ lúc say, lúc ngủ thì thôi, hắn bắc ghế ngồi cửa xem người ta làm, thỉnh thoảng nói góp một câu. Ngoài rượu, Quấy còn có thú hút thuốc lào, mặc dù sau mỗi lần hút, hắn lại ôm ngực ho sù sụ, mà đám thợ lại có cái điếu cày rất kêu, thế là dần dà hắn quen hết cả đám thợ. Những lúc họ nghỉ giải lao, hắn cùng ngồi với họ, chén nước, điếu thuốc hoặc tranh thủ làm ván cờ. Hắn vui lắm, trong những câu chuyện phiếm như thế, người ta thấy hắn nói năng, đưa đẩy rất có duyên.

Hắn kể chuyện tiếu lâm. Và hắn nói đạo lý. Đúng thế. Một thằng cùn, thằng càn quấy vào loại “đệ nhất thiên hạ” bỗng nói toàn giọng đạo lý. Ấy là chuyện lạ.

Thường là buổi tối, cánh thợ vào nhà tôi xem nhờ ti vi. Theo cánh thợ, lần đầu tiên hắn bước chân vào nhà tôi. Và hắn đánh tiếng: “Em đến nhà bác là tôm đến nhà rồng mặc dù bác không mời. Em biết là em không đáng để bác mời và dưới con mắt bác em chỉ là đồ bỏ đi. Đúng thế. Nhưng chẳng lẽ cả đời không bao giờ bác thèm nói chuyện với đồ bỏ đi à!”. Tôi cười bảo hắn: “Cậu cứ vào. Không việc gì phải rào trước đón sau và cũng không cần phải hạ mình như thế”. Hắn hớn hở: “Như thế là bác hiểu em. Bác đã đánh cho hai chữ đại xá”. Hắn nhìn quanh một lát rồi reo lên: “Ôi nhà bác có nhiều sách quá. Bác làm gì và lấy đâu thời giờ để ngốn hết từng kia sách? Lại toàn là những quyển dày cộp. Giá mà em có nó nhỉ… thì em đâu đến nỗi thân tàn ma dại thế này!”. Tôi bảo: “Thế bây giờ cậu có muốn đọc những sách đó không?”. Hắn cười và xua tay: “Không, không… đầu óc em làm sao hiểu được những ý tưởng cao siêu trong những cuốn sách kia. Nếu có thể, bác cho em mượn mấy tờ báo xanh xanh đỏ đỏ kia em xem để giết thời gian thôi”. Và trong một lần sang mượn sách, hắn lần tay trên các gáy sách rồi rút ra một quyển. Hắn đọc to tên sách và tên tác giả. Rồi ngạc nhiên: “Bác viết sách này à? Đúng là bác thật. Tên bác rành rành đây này”. Tôi mủm mỉm: “Nếu đúng thì sao?”. Hắn so người lại: “Thôi chết! Mấy năm trời sống bên cạnh văn nghệ sĩ mà không biết. Hẳn bác nhìn cảnh vợ chồng em sống với nhau buồn cười lắm nhỉ. Ôi, thật là xấu hổ…”. Và sau đó hắn còn tuôn ra một bài diễn văn dài hổ lốn các thứ đạo lý ở đời vào với nhau.

Cánh thợ xây hay đi lại nhà hắn. Hắn vui vẻ, sống chan hòa và vì thế hắn ít cãi nhau với vợ. Vợ hắn cũng thấy nhẹ người. Một hôm, tình cờ gặp tôi, vợ hắn bảo: “Dạo này em nhẹ cả người, nhà em bớt la lối vô lý đi nhiều”. Tôi cười: “Ừ, Quấy nó vui vì có người trò chuyện. Vì người ta không coi nó là người thừa. Vì nó xem sách báo…Mà này, Quấy nó nói năng khéo léo ra trò”. Vợ hắn nở mặt khoe: “Vâng! Khéo lắm. Nhất là những lúc…”. Vợ hắn bỏ dở câu nói đỏ mặt.

Một hôm, tôi thấy Quấy ngồi uống rượu một mình, mặt lầm lì. Tôi đùa: “Này, vẫn chưa đủ bộ à?”. Hắn bảo: “Không!…Bác này, em muốn hỏi bác điều này, xem xử thế nào cho phải?”. Nhận thấy vẻ nghiêm túc trên mặt hắn, tôi hỏi: “Việc gì? Có nghiêm trọng lắm không?”. Hắn há miệng mãi không thành lời: “Chuyện vặt ấy mà…Bác này, dạo này bác có thấy mụ vợ em nó xí xớn không? Trước mặt mấy tay thợ xây mà nó cứ đi đi lại lại, uốn a uốn éo. Lại còn son phấn, ăn diện nữa chứ”. Tôi gạt đi: “Cậu cứ ru rú ở nhà. Xã hội bây giờ ngươi ta ăn mặc đẹp thế cả. Cậu hẹp hòi đấy!”. Hắn vẫn không chịu: “Đằng này còn thì thì thầm thầm với nhau”. Tôi vặn: “Với ai?”. Hắn cấm cảu: “Thằng cha thợ cả ấy”. Tôi chuyển sang bông đùa: “Chắc không có gì đâu! Còn cậu, bớt rượu cho đỏ da thắm thịt thêm rồi đẻ lấy một thằng cu nối dõi tông đường chứ!”. Hắn vui lên ngay: “Đúng thế. Em cũng đang tính vậy. Bác xem này, cánh tay em cũng săn đấy chứ”. Vừa nói hắn vừa co tay cho tôi xem. Thực lòng, nhìn cánh tay cẳng cà toàn xương với da nổi lên những đường tĩnh mạch xanh xám, tôi không giấu nổi vẻ thất vọng, song vẫn gắng đùa: “Chắc lắm. Vật tay với nhau không khéo tôi thua cậu cũng nên”. Quấy nghe vậy phấn khởi lắm: “Bác này, em thấy sao những năm tháng qua mình lại phung phí thời gian, sức lực mà sống vô nghĩa thế nhỉ. Hôm nọ, em bảo cả nhà em nữa rằng từ nay vợ chồng mình đừng cãi nhau nữa, hàng xóm đây có nhiều trí thức lắm, lại có cả văn nghệ sĩ nữa, người ta cười cho”. Tôi cười cười: “Mọi người bình thường cả thôi, nhưng mà cậu nghĩ thế là phải”. Hắn ngần ngừ: “Nhưng mà…hằng ngày em chẳng có việc gì để làm. Em thèm rượu. Cố uống cho thật say. Say rồi li bì đi. Lúc tỉnh tỉnh lại thấy trống rỗng và vô nghĩa…Thế là lại muốn say. Cứ cái vòng luẩn quẩn thế mãi… Bác bảo, đời em còn gì nữa đâu. Em biết là em chẳng còn được ở với các bác, các anh em xóm này lâu nữa đâu”. Tôi mắng: “Bậy nào! Người hay nói đến cái chết sẽ là người thọ nhất”. Hắn cười như mếu: “Bác cứ động viên em!”. Tôi vỗ vai hắn: “Cậu lo không có việc gì để làm phải không? Tỉ như thế này, hằng ngày cậu đọc sách báo chút ít, luyện tập thân thể, cứ lấy mục đích là có sức khỏe để đẻ con trai đi! Thế nhé, bắt đầu từ hôm nay!”. Hắn vui: “Vâng! Em xin nghe lời bác!...”.

Sau lần ấy, tôi đi công tác một chuyến dài. Khi về đến nhà thì khung cảnh xóm lao động nhà tôi đã khác. Biệt thự của ông giám đốc đã xây xong, đám thợ xây đi nơi khác hết cả. Các gia đình lại khép kín biệt lập như cũ. Trừ những lúc xe rác đến thì mọi người mới túa ra với xô đựng rác trên tay và người ta tranh thủ lúc ấy nói với nhau, trêu đùa nhau đôi ba câu. Tôi để ý, ít thấy Quấy ra ngồi ngoài cửa uống rượu hoặc hóng chuyện nữa. Mọi người đều sấp ngửa từ mờ sáng đến tối mịt, ai đâu có thời giờ mà chuyện gẫu nữa. Chẳng hiểu Quấy có còn uống đều đều như cũ không? Cho đến khi xảy ra cái chết của Quấy tại gia không ai biết…

Mọi chuyện nhanh chóng được làm sáng tỏ. Sau khi khám nghiệm tử thi, người ta kết luận là cái chết của Quấy do chính những căn bệnh tiềm tàng trong người hắn bấy lâu gây ra. Nghe đâu như là tim gan, phèo phổi hắn mục ruỗng hết. Chất rượu tuôn chảy trong huyết mạch hắn và vi trùng là những kẻ đồng mưu sát hại Quấy. Cả xóm thở phào nhẹ người vì cái chết của hắn không liên can đến ai và hắn cũng không còn ở trên đời để quấy rối làm phiền mọi người. Buổi đưa đám hắn, người ta đi đông lắm. Lúc sống có không ưa nhau thì nay bỏ hết nghĩa tử là nghĩa tận mà! Người ta bảo nhau rằng hắn cũng đủ mùi đời rồi, chỉ tiếc cho hắn là chưa có con trai nối dõi. Lại có người bảo là cần gì con trai, có con trai để sau cũng rượu chè như bố thì vứt.

Sau khi Quấy chết, người trong xóm cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó. Hắn sống như thừa mà hắn chết thì thấy thiếu. Lạ thế! Ngẫm mãi tôi hiểu ra thế này, lúc hắn sống gây phiền cho mọi người, và khi ấy, người trong xóm có cái cớ để kêu ca, phàn nàn với nhau, kể lể với nhau về hắn, thậm chí giễu cợt, xỏ xiên hắn rồi nói với nhau. Nay hắn không còn, chẳng ai làm phiền ai và cũng không ai nhờ vả gì nhau. Thế là mọi người đều cố thủ trong cái lô cốt của gia đình mình.

Dạo này, người trong xóm thấy vợ Quấy ăn diện lắm. Thị vui vẻ dần sau cái đại tang. Chẳng hiểu thị có buồn phiền thật không? Nghe đâu thị rao bán nhà, chuyển đi sống nơi khác. Rất có thể, sẽ lại có một ông giám đốc nào mua và sau đấy xây lên một ngôi biệt thự. Người ta sẽ nhanh chóng quên đi rằng trước đây trên mảnh đất ấy có một thằng cha tên Quấy nghiện ngập chìm đắm!...

Khi hắn còn sống, có một lần nghe hắn rao giảng về đạo lý ở đời, tôi đã cười và đùa hắn rằng: “Cậu nói hay lắm. Thế nào tôi cũng sẽ viết một cái gì đấy về cậu”. Hắn sáng mắt lên: “Ôi, thế thì tuyệt quá! Bác hứa nhé, thế nào cũng viết truyện về em. Thế thì em yên tâm rồi. Em những tưởng đời em chỉ toàn vô nghĩa, bỏ đi. Bây giờ được bác viết thì em có ra đi, cũng có nghĩa là em vẫn còn ở với cái đời này. Đọc truyện của bác viết về em, người có cười, thậm chí có chửi rủa cái thằng em thì em cũng sướng!...”.

Tôi viết truyện này là thực hiện ý nguyện và giữ đúng lời hứa với Quấy. Cũng là nén nhang cho Quấy!...
          


Nhận xét