Vĩ nhân nằm bàn

 




@@@


Họ có ba người. Thắng, Phó tiến sĩ vật lý học ở Liên Xô về, hiện công tác ở một Viện nghiên cứu. Hữu, cán bộ nghiên cứu văn học cổ. Và Kiên, nhà báo. Họ cùng chạc độ tuổi “Tam thập nhị lập”. Ba người quen nhau trong một cua học tiếng Pháp buổi tối. Buổi học đầu tiên, hoàn toàn do ngẫu nhiên mà họ ngồi cùng bàn với nhau. Rồi hứng lên, họ rủ nhau vào quán trà ngay trong sân trường làm một chầu thuốc nước. Đến lúc trả tiền thì cả ba đều tranh trả, song cô bán hàng trẻ đẹp cũng rất am hiểu tính khí của đám trí thức nghèo vốn hay sĩ diện, nên đã nhận tiền của cả ba chàng, tính tiền cho từng người, rồi trả lại tiền thừa cẩn thận, với mỗi chàng đều kèm theo một nụ cười tình tứ khiến ba chàng đều ngượng nhưng rất đẹp lòng.

Sau đó dần dà họ hiểu nhau hơn. Cả ba đều có một điểm giống nhau là cùng Celibataire. Nhưng đến với tiếng Pháp thì họ lại có những động cơ khác nhau. Với Thắng, tuy nói thạo tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ, song nhu cầu cấp thiết thêm một ngoại ngữ khác nhất là trong thời buổi bùng nổ về thông tin này thì không phải là thừa, nhưng lại chê tiếng Anh là bị “thương mại hóa”.  Còn Hữu, ngoài chút vốn liếng về tiếng Hán, một thứ ngôn ngữ cổ có chữ tượng hình, khi cần có thể tra cứu tạm các văn bản, thư tịch cổ, chàng mơ ước dịch được một số tác phẩm văn học từ nguyên bản tiếng Pháp. Riêng với Kiên, chàng nhà báo lang thang, kiết xác mang trong mình một chút mộng mơ thi sĩ thì thích tiếng Pháp bởi chàng cho đó là thứ ngôn ngữ nhẹ nhàng, tinh tế, để nói với người tình. Tuy nhiên, có một lý do giống nhau mà cả ba đều nghĩ đến song không ai nói ra, nhưng thâm tâm họ đều hiểu nhau, đó là tìm đến với lớp ngoại ngữ buổi tối - vốn nổi tiếng là để “nên vợ nên chồng”, với ít nhiều hy vọng tìm thấy tại đây người bạn đời.

Thoạt đầu, Kiên theo địa chỉ mà Hữu ghi lại cho anh tìm đến thăm Hữu. Đó là một chiều chủ nhật. Tới nơi, Kiên mới biết đó là cơ quan. Bác gác cổng già tốt bụng chỉ dẫn cẩn thận cho anh. Kiên lần theo hành lang tối om, sực mùi ẩm mốc đến một căn phòng khuất hẳn phía trong. Ánh điện vàng vọt hắt ra khe cửa nên vừa hé mắt nhìn vào Kiên đã nhận ra Hữu đang nằm ngửa trên hai chiếc bàn buyrô ghép lại với nhau, đọc sách.

- Bonjour monsieur - Kiên đẩy cửa chào to.

- A… Cơn gió lành nào đã đưa người đến đây? Hữu cũng reo to không kém

- Này, thế chủ nhật là cậu không đi chơi đâu à? Cứ nằm đây mãi rất có thể người cậu bị bốc mùi như tịch cổ mất.

- Thì cậu bảo đi đâu bây giờ? Thế còn cậu?

- Thì cậu thấy đấy, ít ra tớ cũng đã hòa mình vào dòng người trên phố, tìm đến đây thăm dinh cơ của cậu.

- Của đếch gì tớ. Của thiên hạ mà tớ là ông chủ bất đắc dĩ và còn có phần vô trách nhiệm nữa chứ.

- Thôi mời ông chủ xuống tiếp khách cho, cứ ngự mãi trên long sàng như thế thật bất lịch sự đấy.

Trong lúc Hữu chạy ra ngoài quán mua chè, Kiên đi lại quanh quẩn trong phòng và mắt anh bắt gặp mấy chiếc xoong con và bát đũa giấu dưới gầm tủ. Hữu về, pha chè. Kiên móc túi lấy ra bao Hêrô đã hút dở.

- Sang nhỉ? Hữu khen.

- Sang chứ! Có điều là của thiên hạ. Mình làm nghề chống tiêu cực nên thỉng thoảng có vị khách đến hỏi điều này điều nọ… và khi đứng lên ra về, bao giờ họ cũng cố tình quên không cầm theo thuốc. Lúc đầu mình nhắc nhưng thấy chẳng vị nào chịu nhận lại, sau đó thành quen, mình cũng mặc kệ.

- Này, tớ hỏi nhé, Hữu vòng vo - Thấy tớ thế này cậu có ngạc nhiên không?

- Không. Đến cổng là mình hình dung ra ngay, bởi mình cũng chẳng khác gì cậu là bao.

- Có nghĩa là…

- Nằm bàn.

- Tớ lại cứ nghĩ cậu có nhà.

- Thì mình có ở trong Toilette đâu. Phòng làm việc của mình lạ lắm. Đó là hai khối tam giác ghép lại với nhau. Mình kiếm được chiếc bàn rộng, kê vào một góc, chăng bên ngoài chiếc riđô. Sang đáo để. Hôm nào cậu đến sẽ rõ.

- Mà này, tớ cũng nghĩ là Thắng chịu chung số phận như ta.

- Không đâu, cơ quan hắn sang lắm, và lại hắn là phó tiến sĩ, ai nỡ để vậy.

Và rồi trước khi chia tay nhau, họ hẹn chủ nhật tuần tới sẽ người ngựa ngậm tăm đến thăm Thắng. Ai thua cuộc sẽ phải chịu đãi một chầu bánh rán.

Y hẹn, hai người đạp xe ra rìa thành phố. Cơ quan Thắng nhìn bề ngoài vẻ bề thế, bên trong có khu tập thể kiểu nhà ngói mái tạm. Kiên khấp khởi mừng nghĩ mình sẽ thắng cuộc nên xông vào trước. Chợt nhác thấy Thắng mặc bộ pi-ja-ma đi vào một phòng trong dãy nhà đó.

- Này Hữu, cậu nhìn cho kỹ xem, đúng là chàng Thắng kia.

Quả đúng là Thắng. Thấy bạn, Thắng tay bắt mặt mừng. Liếc vào bên trong thấy bóng dáng phụ nữ. Kiên ngạc nhiên:

- Cậu lấy vợ hồi nào vậy?

- Đâu có - Thắng ngẩn người - Chợt hiểu ra - Thôi rồi, các cậu bé cái nhầm. Chị đây cùng phòng làm việc với mình, chồng chị là sĩ quan quân đội nên thường xuyên vắng nhà…

Hữu ghé sát Thắng đùa nhỏ:

- Vì vậy tổ chức phân công cậu thường xuyên đến nhà động viên?

- Bậy nào - Thắng cười rất tươi - Tớ đến thường xuyên nhưng không có trách nhiệm động viên mà để gửi tiền nhờ đi chợ giúp.

- Chao ơi, chàng phó tiến sĩ nhà ta quả là “gà công nghiệp” trước biến động của thị trường.

Thế rồi, cả ba kéo nhau vào một chiếc quán ngay gần cổng cơ quan. Hữu gọi một chai rượu. Thắng chạy đi mua thêm mấy chiếc bánh đa to tướng. Cuộc vui bắt đầu. Bác gái chủ quán tốt bụng thương tình, vét vại cho một đĩa dưa muối chua và bát tương ớt, làm bữa tiệc thêm phần thịnh soạn. Khi đã ngà ngà. Hữu gật gù dáng vẻ triết gia:

- Tớ nghĩ kỹ rồi các cậu ạ. Cứ như bọn mình đây lại hóa hay. Các cậu cứ nghĩ mà xem, biết đâu rồi chúng mình lại chẳng thành những vĩ nhân cũng nên? Trong bọn mình, không đứa nào dốt. Đúng không?

- Đúng vậy! Thắng gật gù đồng tình.

- Thế thì vì cớ gì mà chúng mình không thành các vĩ nhân nhỉ? Này nhé, không vướng víu vợ con, có chí, có học, còn thời gian thì… vô khối. Tớ vẽ cho các cậu thấy cảnh sống của giới trí thức thành phố: Sáng ngủ dậy ăn quà rồi vội vã đến cơ quan; chiều về đi uống bia hoặc không thì về nhà xem báo chờ vợ nấu cơm; buổi tối xem ti vi hoặc bảo cho con học, và ngủ. Một vòng khép kín. Cứ thế vòng nọ chồng lên vòng kia. Mấy mà hết đời người. Hà… chúng ta thì không!

- Xem ra cũng có lý đấy, song e rằng chúng ta mắc bệnh vĩ cuồng cũng nên - Thắng chọc thêm vào.

- Chúng ta sẽ trở thành các vĩ nhân - Kiên tủm tỉm - Các vĩ nhân nằm bàn.

- Đúng vậy. các vĩ nhân nằm bàn. Muôn năm! Hữu kêu to.

Tiếng kêu của Hữu làm cháu nhỏ của bà chủ quán tỉnh ngủ, khóc inh ỏi. Bữa tiệc đến đó là chấm dứt.

 

                                                *

                                            *       *

Các buổi học sau đó vẫn diễn ra đều đặn một tuần ba tối. Đến gần cuối cua học thì Thắng hay tách ra đi lẻ và ít tham gia vào các cuộc tán gẫu có hơi men. Với nhạy cảm, Kiên đoán Thắng đã tìm được bạn gái. Dự đoán không nhầm. Trong thời gian chờ trường mở tiếp cua B, Thắng báo tin cưới vợ. Vợ chưa cưới của Thắng là một cô gái học lớp tiếng Anh bên cạnh, con gia đình cán bộ khá giả, có vẻ vì cứng tuổi và cũng không lấy gì xuân sắc cho lắm, hoặc giả vì duyên số, nên gặp Thắng là bén luôn. Kiên và Hữu đều đến dự đám cưới. Đám cưới to, tổ chức theo đúng bộ lệ thành phố, nghe đâu phần lớn là do bên nhà gái bỏ ra, khách nhà Thắng mấy người lèo tèo từ quê ra, cung cách rụt rè. Lúc về, Hữu hỏi Kiên:

- Chắc nhà gái bỏ tiền ra tậu một chàng rể phó tiến sĩ lấy tiếng.

- Chỉ nói lung tung - Kiên ngăn - Bây giờ còn đâu kiểu lấy tiếng.

- Tớ thì tớ nhất địng không lấy vợ nhà giàu - Hữu nói - Suất gầm trạn ngán lắm.

- Con gái nhà giàu nó thèm vào lấy cậu - Kiên đánh lảng - Thế là một vĩ nhân phá thế độc thân.

Sau khi cưới vợ, Thắng bỏ dở cua ngoại ngữ. Hữu học hành bữa đực bữa cái, chỉ có Kiên là nghiêm chỉnh. Cua B vừa kết thúc thì Hữu cũng báo tin lấy vợ. Không ngạc nhiên song Kiên vờ hỏi:

- Cậu không đùa đấy chứ?

- Một trong ba việc quan trọng của đời người, không thể đùa. Mặt Hữu có vẻ nghiêm trang khác vẻ hài hước thường ngày.

- Vĩ nhân cũng cần có vợ à?

- Mình nghĩ kĩ rồi - Hữu nhoẻn cười - Một vĩ nhân mà không có vợ thì chỉ là vĩ nhân một nửa.

- Cũng lại một suất gầm trạn chứ?

- Ô… Non pas - Hữu kêu lên - Vợ mình là một thím bộ đội mới thoát cảnh chân lấm tay bùn vài năm nay. Cũng gần như nằm bàn tại đơn vị. Một thím khác cùng phòng đã nhanh chân lấy chồng trước nên chiếc giường duy nhất biến thành giường cưới của họ.

- Hỏi thật nhé, rồi vợ chồng cậu sẽ… ngủ với nhau ở đâu?

- Còn ở đâu nữa! Ở trên bàn.

          - Ha, ha… Kiên bật cười - và rồi các vĩ nhân con cũng lần lượt chào đời ở trên bàn. Tuyệt thật!

          Đám cưới của Hữu được tổ chức nhanh chóng. Theo Hữu thì cưới vợ thì phải cưới liền tay, để lâu sẽ sinh mất nhuệ khí. Tổ chức theo kiểu mít tinh hô khẩu hiệu, ông chính trị viên đơn vị vợ Hữu vẫn giữ cung cách cũ, nghĩa là tràng giang đại hải, căn dặn cô dâu chú rể vui duyên mới không quên nhiệm vụ hết già nửa thời gian. Tan, Hữu tiễn bạn:

          - Cưới mình mà sao cậu rầu rầu thế nào ấy?

          - À… Mình thương cho các cậu và cám cảnh mình. Cậu thử về soi gương xem, mặt cậu đâu khác gì mặt mình.

          - Thế thật… - Hữu bần thần - Sao không thấy Thắng nhỉ?

          - Chắc hắn bận. Nghe đâu dạo này hắn cùng bố vợ áp phe gì đấy.

          Thời gian sau, nhóm ba người gần như tan bởi họ ít có dịp gặp nhau. Riêng Kiên, ngoài công việc cơ quan anh tâm niệm làm một cái gì đấy, song rồi cũng vẩn vơ không làm được việc gì. Vẫn son rỗi, những lúc buồn anh muốn ghé nhà bạn tâm sự song lại sợ bạn mất việc. Ai cũng có gia đình của họ với biết bao sự lo toan. Một hôm, Kiên tình cờ gặp Hữu và hai người lại kéo nhau vào quán. Hữu thông báo hai tin quan trọng. Thứ nhất,vợ đã có thai; và thứ hai, sắp được cơ quan phân nhà cho, tuy hơn chục mét vuông thôi nhưng ở ngay phía sau cơ quan.

          - Cả hai tin đều đáng mừng - Kiên thành thực vui với bạn.

          Họ thay nước chè băng rượu trắng lạc rang. Nửa chừng cuộc vui, Hữu thông báo là vợ Thắng đẻ con gái nhưng hiện gia đình không được bình thường.

          - Sao? Cãi nhau? Ngoại tình? Hay sắp ly dị?

          - Non pas - Hữu khẽ nhăn mặt - cảnh gầm trạn bức bối, chật chội lắm.

          - Bố vợ Thắng làm to. Nhà cửa rộng rãi lắm cơ mà.

          - Cậu thật chẳng xứng đáng làm nhà báo tý nào. Là mình muốn nói đến sự bức bối, chật chội về tinh thần ấy.

          Thấy Kiên thừ người ra. Hữu bảo:

          - Mình đã lường trước rồi, sự đài các rởm của kẻ trọc phú là khó chịu lắm.

          - Thôi, cậu ạ, buồn mà làm gì, âu cũng là số phận.

          - Số phận? Hữu đay lại - Tự mình quyết định tất cả. Như mình đây, quyết thế nào là làm thế ấy, không phụ thuộc vào ai.

          Không khí trầm hẳn xuống. Nhưng mà ai quan tâm đến họ làm gì. Là những kẻ đa sầu, đa cảm, vui đấy và họ cũng buồn ngay đấy.

 

                                                *

                                            *       *

          Bẵng đi dễ chừng hơn nửa năm sau, Kiên mới có dịp gặp Thắng. Bề ngoài, Thắng béo và chững chạc hơn. Thắng hồ hởi bắt tay và rồi trách bạn không đến thăm gia đình mình.

          - Thì cậu biết đấy, mình thường xuyên phải đi công tác xa, còn Hữu bận việc gia đình. Chắc vợ nó sắp đẻ.

          - Mình biết cả rồi - Thắng buồn - các cậu ngại đến cũng phải. Nghe Thắng thở dài, nhìn mặt bạn ngẩn ra, lúc này Kiên mới nhận thấy vẻ chán chường của bạn. Kiên cũng khẽ thở dài cảm thông. Chợt Thắng sôi nổi:

          - Cậu biết chuyện Hữu mua đất làm nhà không?

          - Sao? Nó được phân nhà rồi cơ mà! Kiên ngạc nhiên.

          - Thì lúc đầu mình cũng biết như vậy, nhưng sáng nay mình gặp một anh cùng cơ quan Hữu ở thư viện, hỏi thăm thì biết nó nhường căn hộ ấy cho người khác, rồi tự bỏ tiền mua đất, làm nhà. Điên thật.

          - Đúng thế thì quả là điên. Nhưng vợ chồng hắn làm gì ra tiền mà bày trò mua đất làm nhà cho khổ. Hai bên gia đình cũng nghèo lấy đâu ra giúp đỡ cơ chứ?

          Đến cơ quan Hữu, hai người được chỉ dẫn đường đến nhà Hữu mới làm trong làng Gỉang Võ. Họ lại tức tốc đến luôn. Hữu có nhà. Vợ Hữu đã sinh con và trong thời gian nghỉ đẻ. Gọi là nhà, lại đổ mái bằng hẳn hoi, song tất cả chỉ chừng dăm mét vuông là cùng. Cửa sổ lại bé tí tẹo, chẳng theo một khuôn mẫu nào cả. Ngắm nghía kĩ, Thắng buông lời nhận xét:

          - Vợ cậu là lính nên nhà thiết kế theo kiểu lô cốt.

          - Cậu nhường nhà thật đấy à, Hữu? Kiên sốt ruột hỏi tuột.

          - Đúng đấy.

          - Nghe hắn thủng thẳng chỉ thêm tức, Kiên à - Thắng nổi cáu - Mình đã bảo là điên mà. Thời buổi này lấy đâu ra lòng tốt thế.

          Hữu kéo hai người ra đầu nhà, nơi có kê một tấm dát giường đã trải chiếu trên đống gạch, mái giấy dầu vảy ra che mưa nắng. Đó là chỗ làm việc của Hữu. Tập thơ văn Lý Trần và mấy văn bản Hán tự vứt lổng chổng trên đó. Hữu giãi bày. Thực ra là Hữu rất vui khi biết được phân nhà, song trong cùng cơ quan có một anh tên Tầm, vợ con ở cả quê, lại mắc chứng ho lao, cũng phải nằm bàn, chẳng nhẽ để anh ta mãi như vậy sao? Mới lại, vợ chồng Hữu còn trẻ khỏe, có khả năng làm nhà. Tiền thiếu có thể vay chỗ này, giật tạm chỗ nọ, mà bên đơn vị vợ Hữu hứa bán cho ít vôi cát giá rẻ. Thế là Hữu nhường. Anh chàng Tầm này còn nói là giành giụm được ít tiền sẽ cho vợ chồng Hữu mượn làm nhà khi nào có thì trả.

          - Dù thế nào đi chăng nữa thì cũng vẫn là điên - Thắng kết luận.

          - Điên thật - Hữu buồn - Mình vay tiền chàng Tầm ta nào có cho vay, được nhà xong anh ta chuồn luôn. Thiếu gạch, mình cũng ăn cắp. Các cậu có biết không, gần đây có một công trình tập thể đang xây dựng. Mấy tay chắc là chủ công trình lén đến chở đi mấy ô tô gạch, tức quá mình nghĩ tội gì mà không lấy. Nhưng mỗi lần chỉ được có mấy viên.

          - Ha, ha… vĩ nhân mà cũng ăn trộm à? Kiên cười trêu.

          - Đêm hôm giá lạnh, mặc quần đùi ra rìa ao lấy trộm gạch, khi ngủ lại phải tính toán thiếu đủ vay mượn ra sao, nhưng hôm sau đến cơ quan thấy tay Tầm bô lô ba la vui vẻ, thế quái nào rồi mình lại rủ hắn vào quán các cậu ạ.

          - Cậu xứng đáng là vĩ nhân. Trái tim vàng và tình yêu thương nhân loại bao la - Thắng gật gù cười.

          - Buồn cho nhân tình thế thái - Kiên thêm vào.

          Đứa con Hữu vừa mới sinh, khóc. Vợ Hữu gọi. Cuộc hàn huyên buộc phải giải tán.

 

                                                *

                                            *       *

          Một năm sau.

          Cả ba người vẫn giữ được tình bạn với nhau, mỗi người đều bận bịu với công việc của mình, song thi thoảng họ vẫn thu xếp để gặp nhau, thông tin cho nhau những điều cần thiết.

          Thắng vẫn sống tại gia đình bên vợ. Kinh tế có khá hơn chút ít nhờ cơ quan vợ là cơ quan buôn bán nên có chút màu mè. Trong thời buổi chạy đua về kinh tế, người ta cũng bắt đầu làm quen với việc sử dụng chất xám và làm tăng giá trị của nó lên, song chỉ với các ngành khoa học ứng dụng. Cái bằng phó tiến sĩ về vật lý nguyên tử của Thắng không ai cần đến. Mấy chục ngàn tiền lương Thắng lĩnh hàng tháng chỉ đủ để ngày ngày trả tiền gửi xe đạp tại thư viện, ăn qua loa chiếc bánh mỳ buổi trưa và một tháng mua được vài quyển sách bán hạ giá. Được cái vợ Thắng tốt bụng không bao giờ lèo nhèo Thắng về chuyện tiền nong. Bố mẹ vợ Thắng càng giàu lên lại càng hay va chạm, làm không khí gia đình luôn trong tình trạng nặng nề. Vì thế kể cả ngày chủ nhật Thắng vẫn thích đến thư viện hơn là ở nhà. Thắng nuôi hy vọng trở lại Liên Xô làm luận án tiến sĩ.

          Hữu đã xây xong nhà ba buồng. Với phương châm “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, vợ chồng Hữu thực sự là những “Ngu công dời núi”. Lâu lâu, Hữu lại có một bài điểm sách đăng trên báo để bạn bè biết là Hữu vẫn tồn tại, và nữa là làm những người cùng đơn vị với vợ Hữu phải lè lưỡi bái phục, khen ngợi hết lời. Vợ Hữu cũng lấy đó làm mát mặt về chồng, làm cớ để quên đi nỗi băn khoăn về đồng lương ít ỏi mà mỗi tháng Hữu nộp cho vợ. Chỉ buồn là khi công trình nhà cửa vừa xong thì Hữu phát bệnh thần kinh tọa, hơn tháng châm cứu tại ngoại bệnh mới bớt nhưng giờ đạp xe đi lâu thì người mỏi nhừ. Có lẽ cũng đáng buồn nữa là khoản nợ Hữu vay mua đất làm nhà vẫn còn đó chưa biết lúc nào mới trả xong. Chủ nợ thỉng thoảng nhắc nhở đôi câu làm vợ chồng Hữu khó nghĩ. Mỗi khi bạn bè chúc mừng làm được nhà mới Hữu đều giữ vẻ mặt trung tính.

          Với Kiên, anh luôn bị cảm giác là mình đang chuồi ra khỏi cuộc đời đè nặng. Bạn bè anh, ai cũng có gia đình riêng của họ rồi, còn anh cứ vất vơ vất vưởng, ngày mấy bữa cơm bụi. Theo con đường của Hữu thì Kiên không đủ sức, còn theo kiểu Thắng thì anh lại e sợ, cái gì cũng có giá của nó. Kiên quay về với công việc, song anh cũng chẳng thích thú gì những chuyến đi triền miên các bữa tiệc hiếu hỷ đầy bia rượu và ngồn ngộn thức ăn. Công việc và công việc, Kiên nhủ mình như vậy, nhưng trái tim khao khát yêu thương của anh vẫn luôn thôi thúc anh. Có thể viết ra những dòng về tình yêu và hôn nhân hay, song thực hiên, nghĩa là phải sống đích thực với đời thì anh thấy mệt mỏi quá. Những người quen biết chẳng hiểu vô tình hay hữu ý đôi khi nói nhỏ với nhau rằng “dạo này nó hâm hâm rồi”, hoặc “có lẽ thằng cha ấy ái nam ái nữ cũng nên”, người thiện chí hơn thì “thời buổi khó khăn vật giá leo thang một thân như cậu chẳng phải nuôi ai như thế là sướng”… Những lúc như thế, Kiên hoặc lờ đi như không biết, hoặc chua thêm vào, lấy mình ra bông phèng cho vui.

          Hữu và Thắng đều nhiệt tình và sốt sắng trong việc mối lái tìm vợ cho Kiên. Thắng giới thiệu một người cùng cơ quan với vợ mình đã cứng tuổi, còn Hữu lại giới thiệu ngay chính cô em vợ mình còn trẻ măng và xuề xòa “lấy nó đi, không có nhà mình cho mượn một ngăn lô cốt mà ở tạm”. Do bất đồng quan điểm, Hữu và Thắng lại tranh luận với nhau rằng lấy vợ già hay trẻ thì hơn. Tuy nhiên cả hai đều đồng tình với nhau rằng “muốn vĩ nhân gì thì vĩ nhân cũng phải lấy vợ cái đã”, rằng “vĩ nhân bây giờ hiện đại lắm, ở nhà đầy đủ tiện nghi, đi lại bằng xe du lịch, chứ không phải như vĩ nhân xưa sống trong lều cỏ nơi rừng rú, trên đỉnh núi cao”. Nghe có lý. Trước sự thuyết phục của các bạn, Kiên hứa sẽ nhanh chóng lấy vợ. Hứa thì hứa, song lúc đêm về, nằm vắt tay lên trán, Kiên lại tự hỏi: “Lấy ai? Ai lấy?”.

          Những lúc vui, có hơi men, hứng lên, họ chẳng đùa nhau là những vĩ nhân đó sao! Nghĩ mà buồn cười, cũng buồn rơi nước mắt.

          Ừ đã là vĩ nhân, dù là vĩ nhân nằm bàn cũng không có việc gì là không làm nổi!


Nhận xét