Ai mà chẳng có một thời

 


Ký họa Vũ Đúc Tân

@@@

Tôi đến ga Hà Nội mua vé tàu để trở về đơn vị của tôi, một đoàn địa chất đóng ở biên giới phía Bắc. Vì thời gian không còn nhiều và tôi cũng chẳng muốn thăm thú nhà người quen, nên trải tấm áo mưa đi xuống thềm đá ở một góc tối, nằm gối đầu lên ba lô chờ đợi. Lâu rồi, tôi mới lại có dịp ngắm Hà Nội vào ban đêm. Kia những mái nhà lô xô mệt mỏi, những tán cây đen sẫm bù xù và những ngọn đèn ngái ngủ. Tiếng những người bán hàng rong cất lên đều đều chán chường “nước chè nóng đây”, “ai ngô nướng nào”… Sợ mình ngủ quên đi, tôi móc thuốc lá hút nhưng vỏ bao bẹp dí không còn lấy một điếu. Không ngờ cử chỉ ấy của tôi lọt ngay vào mắt của một chị hàng rong và chị ta liền sà ngay xuống bên tôi, mời chào:

- Anh thèm thuốc hả? Mua cho em mấy điếu đi. 

- Chị bán cho một bao Du lịch. 

- Trông trí thứ như anh mà lại hút Du lịch à? Có Vinnataba loại thứ thiệt đây. Anh hút thử một điếu xem, không phải của rởm Đình Bảng đâu. A, anh uống thêm cho em một chén chè nhé. Chè móc câu Thái nguyên ngon lắm, em vừa pha nóng và đặc.

- Cũng được.

Tôi châm thuốc hút và uống hớp chè:

- Này chị, chè loãng và nước cũng nguội đấy.

- Thế ạ, chết thật, em xin lỗi.

- Chị kiếm có khá không? Tôi bắt chuyện.

- Đi rạc cả người, ăn nhằm gì. Cực chẳng đã mới phải thế này… cũng là kiếm miếng cơm bát cháo qua ngày.

- Này, sao anh cứ phải ôm khư khư lấy chiếc ba lô thế? Sợ em cướp giật hả?

- Đâu có, chị không đi bán nữa à?

- Đi nhiều mệt lắm rồi - Chị ta ngáp to - Chút nữa em về. Cũng khuya rồi còn gì.

- Khuya rồi. Gần nửa đêm.

- Anh đi tàu ngược à? Anh uống thêm chén nữa. Em đi một vòng rồi quay lại đây lấy chén, lấy tiền.

- Thế không sợ tôi quỵt tiền à?

- Không, chị hàng rong cười buồn.

Nụ cười buồn thật rầu rĩ khó tả. Ai đây? Phải chăng là cô giáo Minh Hoàng xinh đẹp và hát hay ngày nào về trường tôi thực tập? Nếu đúng thì sao lại tàn tạ thế này. Song nụ cười ấy…

Kí ức tôi trở về một chiều đầu hè. Cậu học sinh cấp ba tên Nho một mình trong sân trường ngày chủ nhật vắng lặng. Chợt nghe có tiếng khóc. Đúng là tiếng con gái. Cậu lần theo… Ai kia? Cô giáo sinh thực tập, dậy văn có tên là Minh Hoàng lặng lẽ khóc dưới một tán phượng non khuất nẻo. Cậu hồi hộp. Chợt cậu giẫm chân lên cành cây khô gẫy làm phát ra tiếng động. Minh Hoàng giật mình: “Ối…”. Cậu lúng túng: “Thưa cô!... cô bị mệt ạ!”. “Không sao…! Em đi đâu vậy?”- Minh Hoàng lau nước mắt - “Kìa, em đi đi. Tôi không sao đâu mà”. Cậu hỏi giọng tắc nghẹt: “Nhưng sao… cô lại khóc?”. Minh Hoàng lại lau nước mắt “Mẹ tôi mệt nặng lắm. Tôi vừa nhận được thư nhà mà!”. “Bây giờ em giúp gì được cho cô?”. Minh Hoàng xua tay: “Không sao. Cảm ơn em. À, em tên gì nhỉ?”. Cậu sung sướng: “Nho. Trần Đình Nho. Lớp 10A”. “Thế hả. Thôi Nho đi đi”.

*

      *       *

- Anh xong chưa ạ? Cho em xin tiền - Chị hàng rong quay trở lại.

Vừa trả tiền, tôi vừa nhìn người đàn bà thật kỹ:

- Này chị, tôi ít tuổi hơn chị, đừng xưng hô như thế. Mà sao chị không tìm một nghề gì cho bớt vất vả hơn…?

- Biết thế nào? Chị hàng rong chép miệng. Nghề ư? Trước đây tôi cũng có nghề đấy chứ. Một nghề nghiêm chỉnh và cao quí nữa kia - Chị cười vẻ chua chát - Tôi từng dạy cấp ba, tất nhiên không phải ở thành phố này mà mãi trên rừng xanh núi đỏ. Chồng tôi kéo tuột tôi về và còn bảo: “Báu gì cái nghề trèo đò ngang. Bạc như vôi ấy”.

- Chị từng là giáo viên cấp ba?

- Đúng thế. Anh không tin sao? Tôi dạy văn - Cười khẩy - Người đời từng bảo: học văn là học làm người còn dạy văn là dạy cách làm người. Phải thế không anh? Giờ thấy tôi thế này, anh không tin cũng đúng thôi… Sông có khúc, người có lúc - Thở dài - Ai mà chẳng có một thời, anh? Im lặng - Ai mà chẳng có một thời ngờ nghệch, mơ mộng và hạnh phúc! Liệu anh có tin rằng đã có thời tôi viết ra câu thơ thế này “Rạo rực mỗi ngày ôi tiếng trống trường. Tiếng gọi của cuộc đời, tôi ký thác…”

- Minh Hoàng! Đúng là cô Minh Hoàng - Tôi thốt lên.

- Ô… sao anh lại biết tên tôi? Chị hàng rong ngạc nhiên.

- Tôi… Cô Minh Hoàng, em là Nho lớp 10A trường Lãng Yên đây.

- Nho nào nhỉ? Tôi không nhớ, tôi không biết…

- Ngày ấy, em đã từng thấy cô ngồi… khóc dưới gốc cây phượng vào một chiều hè… Khi ấy mẹ cô bị mệt nặng…

- À, ra là cậu. Tôi nhớ rồi - Giọng cay nghiệt - Phải, tôi chính là cô giáo Minh Hoàng ngày nào của cậu đây. Vậy cậu cần gì ở tôi? 

- Cần gì à? Em không cần gì! - Tôi chuyển từ ngạc nhiên sang tức giận.

- Thôi… Tôi lạ gì các người. Toàn một lũ đạo đức giả. Cùng một duộc với nhau cả. Lúc đầu là tay Luyến, sau đến hắn ta, và bây giờ, có lẽ đến lần cậu chắc…?

- Cô không được nói như thế.

Người đàn bà im lặng. Tôi cũng nguôi dần cơn giận. Không ai nhìn ai.

- Ừ, mà cậu có làm gì tôi đâu. Ngày ấy… Cậu còn tưởng tôi làm sao, xin đưa tôi về… Tôi nhớ lắm. Cảm ơn… Song cậu có biết đâu là tôi đã nói dối cậu rằng mẹ tôi mệt nặng… thực ra, tôi khóc là vì…

- Em biết rồi. Cô không phải nói.

- Cậu biết thật à? Thế là hết… Thế mà tôi cứ nghĩ, ít ra thì cũng còn có một người biết tôi mà vẫn nghĩ tốt về tôi…

Vừa lúc ấy thì nhà ga thông báo cho hành khách vào ga lên tàu. Tôi vội vàng gấp tấm áo đi mưa cho vào ba lô. 

- Thôi, giờ thì em phải đi… Sẽ còn có ngày gặp lại. Em vẫn nghĩ về cô với những gì tốt đẹp nhất.

- Cẩn thận kẻo bọn gian nó giật ba lô thì khổ.

Căn dặn tôi, Minh Hoàng lấy bao thuốc lá nhét vào túi tôi. Tôi từ chối mà không được:

- Giờ Nho vào đi cho kịp tàu. Đi may mắn. Phải… sẽ có ngày gặp lại.

*

     *       *

Con tàu trôi qua các phố hẹp, vượt sông Hồng và lao ngược màn đêm. Gió lùa vào mát rượi. Tôi nhìn ra ngoài, bóng đêm dầy đặc nhưng ở đâu đó tôi vẫn thấy hiện lên khuôn mặt tàn tạ và nụ cười héo hắt của Minh Hoàng. Chính hai câu thơ cuối của bài thơ Minh Hoàng đăng báo tường ngày nào đã giúp tôi nhận ra cô.

Đã có một thời tôi yêu tha thiết con người ấy. Tôi còn nhớ lắm, ngày ấy tôi vừa mười bảy tuổi, và chỉ còn mấy tháng nữa là tốt nghiệp phổ thông. Một buổi học, giờ giải lao, Thu là lớp trưởng lớp tôi mà mọi người vẫn nói rằng nó rất mến tôi, đến chỗ tôi đứng, mạnh bạo nắm tay tôi kéo đi. Tôi đỏ mặt giật tay ra vì sợ đám bạn bè nhìn thấy. Thu ghé tai tôi nói nhỏ:

- Này, đừng bướng. Đi đằng này với mình. Hay lắm.

Tôi đành để Thu kéo đi. Đến gần dẫy phòng học của lớp dưới, chúng tôi nghe thấy một giọng nữ hát ấm áp và truyền cảm: “Mẹ thương con có hay chăng. Thương từ khi thai nghén trong lòng. Mấy nắng sớm chiều mưa ròng. Chín tháng so chín năm, gian khó tính khôn cùng. Á ru hời…”

- Hay không? Thu hỏi tôi.

- Hay… Nhưng mà ai thế? Tôi nổi tính tò mò.

- Cậu cứ nhìn xem!

Tôi nhìn vào, thấy người hát là một cô gái còn rất trẻ, lại xinh đẹp. Cô hát say sưa. Đám học trò im phắc lắng nghe. Thu nói nhỏ vào tai tôi:

- Cô ấy tên là Minh Hoàng, giáo sinh dậy văn. Người Hà Nội chính cống đấy. Cô ấy xinh nhỉ?

Thấy tôi không trả lời, Thu nhắc lại:

- Nho có công nhận là cô ấy xinh không?

- Nghe nào. Tôi gắt lên, cũng là để lảng tránh.

Bài hát chấm dứt. Đám học sinh vỗ tay sôi động và yêu cầu hát lại. Vừa lúc đó trống vào lớp điểm. Cô Minh Hoàng nhẹ nhàng từ chối. Khi quay về lớp mình, Thu không chịu từ bỏ ý định:

- Nho thấy cô ấy thế nào?

- Thế nào là thế nào?

- Nhìn mặt cậu ngẩn tò te……thì biết ngay - Thu châm chọc.

- Vớ vẩn.

- Vơ vẩn chứ? Rồi xem ai vơ vẩn.

Sau đó, không ngờ lời trêu của Thu lại thành sự thật. Tôi như chịu một lực hút về phía người con gái ấy. Giờ ra chơi, tôi tìm cách lảng vảng gần khu vực đó. Hôm nào không được nhìn thấy gương mặt xinh đẹp đó, tôi thấy lòng mình thiếu vắng. Còn ở trong khu vực của sân trường, hễ nhác thấy bóng Minh Hoàng ở đâu là trái tim tôi đập rộn lên. Tất cả những cái đó, tôi rụt rè ghi vào nhật kí. Từ một đứa hay nói, tôi thành ra tư lự, ngơ ngẩn. Và điều đó không qua được con mắt tinh quái của Thu.

Rồi một hôm, Thu gọi tôi ra chỗ kín đáo và cho tôi biết là cả trường đang kháo nhau chuyện cô Minh Hoàng có quan hệ yêu đương với thầy Luyến, giáo viên dạy ngoại ngữ của trường đã có vợ con. Nghe tin ấy, tôi sững người. Thật tình lúc ấy, tôi cũng không biết là mình ra sao. Thu bảo tôi:

- Bố mình, với tư cách là hiệu trưởng đã gửi công văn về trường đại học sư phạm nơi cô Minh Hoàng đang học, đại ý là cô ấy không đủ tư cách để trở thành người giáo viên nhân dân bởi đã tiêm nhiễm lối sống tiểu tư sản.

- Nhưng họ mới yêu nhau thì đã làm sao? Tôi cố gắng bênh vực Minh Hoàng, tuy trong lòng tan nát.

- Chết nỗi là cô Minh Hoàng có thai!

- Thế nhưng Thu nói chuyện này với mình để làm gì?

- Mình nghĩ là…- Thu lúng túng - Nho cần biết…

Mặt Thu đỏ bừng lên rồi lại tái đi. Thu giận dỗi bỏ đi. Và cũng may là Thu bỏ đi sớm, bởi chỉ thiếu chút nữa là tôi khóc trước mặt Thu. Tôi khóc vì thần tượng của mình bị sụp đổ. Đúng ra là mối tình đầu ngờ nghệch, thơ trẻ của mình chưa thành hình đã tan mây khói. Đêm ấy, tôi úp mặt xuống gối mà thổn thức. Tôi gọi tên Minh Hoàng, thầm nói những lời yêu đương rồi lại nguyền rủa cô. Sớm hôm sau, tôi chợt nhớ đến lời thầy giáo dạy văn tìm về một cuốn tiểu thuyết của một nữ văn sĩ ở miền Nam viết về mối tình của cô giáo với học trò và bị xem là một thứ nọc độc. Nhớ rồi tôi đâm sợ. Tôi lấy quyển nhật kí mang xuống bếp và khi nấu cơm, tôi đã xé từng tờ đốt đi. Nước mắt ứa ra khi nhìn những tờ giấy biến thành ngọn lửa. Mẹ bắt gặp tôi khóc và gặng hỏi thì tôi nói dối là bị khói xông vào mắt…

Sau đó, ở trường tôi tránh gặp mặt Minh Hoàng và hình như cô cũng ít xuất hiện ở chỗ đông người. Cô không hát nữa. Hôm đoàn giáo sinh tạm biệt để trở về trường đại học, tôi đứng ở gốc cây phượng non lén nhìn theo Minh Hoàng đi cúi đầu thiểu não. Trái tim thơ trẻ của tôi như tan ra…Và năm ấy, tôi thi trượt đại học. Phải đến lần thi thứ hai, tôi mới đậu vào trường Mỏ - Địa Chất. Hình bóng Minh Hoàng chỉ thoảng về trong trí nhớ của tôi cho đến tận bây giờ...

*

     *       *

Tết năm ấy, tôi ăn tết tại nhà. Tôi đến trường cấp ba cũ để chúc tết các thầy cô, tình cờ tôi gặp lại Thu. Thu vẫn gầy gò và mạnh bạo như ngày nào, là kĩ sư công tác ở Hà Nội. Tôi hỏi Thu một câu thật vô duyên:

- Thu đã lập gia đình chưa?

- Nho thử đoán xem nào? Thu bắn mũi tên trả lời về tôi.

- Chưa phải không?

- Nho vẫn còn đoán được thế, thật là… Thu cười.

- Ngốc phải không?

- Còn Nho?

- Mình vẫn là lính phòng không. Theo nghề địa chất, quanh năm suốt tháng lang thang nơi rừng xanh núi đỏ nên chẳng ma nào ngó tới… À này, Thu còn nhớ cô Minh Hoàng không?

- Cô giáo sinh thực tập dạy văn, xinh đẹp và hát hay.

- Vậy là Thu nhớ. Mình vừa gặp cô ấy đấy… Nhưng trong hoàn cảnh thật là bi đát. 

- Sao cơ?

- Cô ấy đi bán nước rong ở ga tàu.

- Thế à? Thu cười khẩy - vậy thì hãy nghe tôi nói đây, hỡi nhà thông thái và đạo đức!

Và Thu đã kể cho tôi biết rằng ngày ấy, khi trở về trường Minh Hoàng bị xử lí kỉ luật đuổi học. Một anh chàng cùng khoa vốn từ lâu theo đuổi Minh Hoàng và bị từ chối đã lên gặp Ban giám hiệu nhà trường nhận bừa đứa con mà Minh Hoàng đang mang thai là con anh ta rồi một mực xin cưới. Cảm cái ơn ấy, Minh Hoàng lấy anh ta và đã không bị đuổi học. Tốt nghiệp, cô nhận quyết định lên dạy học ở miền núi, còn anh chồng thì chạy về được một Viện nghiên cứu. Họ có thêm một đứa con nữa. Anh chồng bắt cô bỏ việc về Hà Nội, nhưng để trả cái nỗi nhục xưa, anh chồng luôn xỉ vả cô và dắt cả nhân tình về nhà. Thế là họ li dị. Mỗi người nuôi một đứa con. Còn phần sau thì tôi đã được chứng kiến tận mắt rồi. 

- Nhưng sao cô ấy không tìm một nghề khác…

- Nghề khác ư? Đâu phải dễ …Nghe đây, tay chồng đã lấy vợ mới và còn được chọn vào nhóm biên soạn sách giáo khoa cho chương trình cải cách giáo dục. 

- Sao người như vậy mà lại được chọn nhỉ?

- Nho thật như người ở hành tinh khác đến - Thu trách - Bố mình còn được Sở giáo dục làm hồ sơ đề nghị Bộ công nhận là “nhà giáo ưu tú” nữa kìa.

- So thế nào được. Bố Thu xứng đáng được bởi ông đã cả một đời người tận tụy với nghề giáo dục.

- Phải. Xứng đáng - Thu chua chát - Bởi đã coi con người như một cái máy. Vô cảm …và thảo ra những bức công văn, đại loại như “cô, anh… không đủ tư cách để trở thành người giáo viên nhân dân”.

- Thu phải độ lượng chứ!

- Để cô ấy đến nông nỗi này có phần tham gia của bố mình…- Thu im lặng giây lát - có lẽ cũng phải kể đến tên cậu nữa, Nho nhỉ?

- Mình ư? Tôi không ngờ.

- Ngày ấy, mình cảm thấy… Nho yêu cô Minh Hoàng lắm thì phải.

Tôi im lặng nhìn Thu. Cái nhìn biểu lộ sự công nhận.

- Mình thật không ngờ cô ấy lại đến nông nỗi này!

- Nếu Nho còn giữ tình cảm tốt đẹp về cô ấy thì Nho nên đến thăm.

- Thăm ư? Phỏng có ích gì?

- Mình không biết - Thu bâng khuâng - Mình chỉ nghĩ thế thôi. Việc ấy là tùy ở Nho …Im lặng một lát, Thu cảm động - Ngày ấy, khi biết chắc chắn thế nào cô ấy cũng bị nhà trường kỉ luật …và nhìn Nho đau khổ, thất vọng, mình lại cảm thấy sung sướng mãn nguyện …Chắc Nho thừa hiểu vì sao rồi. Thật chẳng ra làm sao cả …Mà này - Giọng Thu chắc lại - Nho thật chẳng xứng mặt đàn ông. Ngạn ngữ có câu: “muốn là được” cơ mà. Nhưng thôi - Thu thở dài - Ai mà chẳng có một thời! 

Lần lữa mãi, tôi vẫn chưa tìm gặp Minh Hoàng. Nhiều lần sau, mỗi khi qua ga Hà Nội tôi đều có ý tìm nhưng không hề thấy bóng dáng cô. Cho đến lúc này, tôi vẫn không biết địa chỉ là cô đang ở đâu. Hôm ấy vì xúc động, lúc chia tay tôi đã quên không hỏi Thu địa chỉ của Minh Hoàng. Dẫu sao, tôi tự an ủi mình rằng, lần gặp gỡ ấy cũng có tác dụng cho cả tôi và cô, nhìn lại mình và nhìn lại mọi người. Sao ngày ấy tôi lại ngây thơ nghĩ rằng mình cứ đốt đi quyển nhật kí là có thể lãng quên tất cả, rằng tất cả những điều người ta công nhận và mang ra răn dậy là tốt đẹp, và đã là ngọc thì không thể có vết…!

Minh Hoàng giờ ở đâu? Hay chỉ sống trong kí ức của tôi? Mỗi khi nghĩ đến cô, tôi lại thầm nhủ, ai mà chẳng có một thời!







Nhận xét