@@@
Ra giêng. Sau những ngày dài rét khan, tiết trời ấm dần lên. Được thì, được tiết, cả làng sấp mặt vào cấy hái. Nhà Nõn có bẩy sào ruộng, tiếng là không nhiều nhưng chỉ có mỗi mình chị làm, nên lúc đông vụ chí kỳ thật vất vả. Anh Tịnh, chồng chị là thương binh nặng, chẳng mấy khi ra đồng, chỉ loanh quanh việc nhà và trông thằng cu tũn. Muộn màng mới có được đứa con, lại là thằng cu nên vợ chồng Nõn quý lắm. Lúc bé thì nhong nhong trên cổ vai bố, lớn lên chút nữa thì nó lại suốt ngày bám quần bố lẵng nhẵng như cái đuôi. Cha con nó quấn nhau thế, thôi thì việc đồng áng mình cố vậy, chị nghĩ thế.
Sáng nay, lúc trở dậy, Nõn thấy ươn người, uể oải không thiết làm gì, chợt nhớ ra còn gánh mạ nhổ chiều qua chờ cấy, thế là nhắm mắt cố nuốt vài củ khoai lang luộc, vừa ăn vừa chiêu nước cho có sức, rồi gánh mạ ra đồng. Đầu ong ong, chân bước dập dềnh đến đoạn đường cái quan rẽ xuống bờ sông thì Nõn chợt nghe có tiếng xe máy phía sau, rồi tiếng xe phanh kít ngay bên cạnh người. Chị khẽ giật mình nhìn sang thì người đàn ông trên xe hỏi: “Nõn! Có đúng là Nõn không”. Vẫn gánh mạ trên vai, chị nhìn người hỏi mình ngỡ ngàng, chưa hiểu gì. Người khách vừa bỏ chiếc mũ cát-két khỏi đầu và gỡ kính râm đi đường, miệng cười cười: “Cô Nõn vẫn chưa nhận ra tôi là ai à?”. Chị há miệng một lát mới dám nói: “Anh là…là”. Người khách tiếp lời: “Là tôi đây. Tuấn Cò… Giờ thì cô nhớ rồi chứ?”. Nõn khẽ reo lên: “Tuấn… Anh Tuấn… Trông anh béo béo là. Nói khí không phải, chứ trông chẳng giống thời cò hương ngày trước tý nào cả. Thảo nào em nhìn mãi vẫn không nhận ra”. Nõn đặt hẳn gánh mạ xuống đường, còn Tuấn cũng dựng xe máy hỏi chuyện. Nõn trách khéo: “Đã lâu lắm rồi không thấy anh Tuấn về quê chơi. Chắc quên hết người làng rồi?”. Tuấn cười: “Người quê dễ gì quên được. Mà chẳng biết ai quên ai trước… Thì đấy, tôi nhận ra Nõn, gọi cô trước, còn cô nhìn tôi trân trân như nhìn quái vật từ hành tinh khác, mãi có nhận ra đâu”. Nõn cười trừ: “Là tại anh khác quá… với lại em sợ mang tiếng thấy người sang bắt quàng làm họ… Còn em thì anh dễ nhận ra quá rồi, vẫn như xưa… à quên, lại già như bà lão bảy mươi”. Nõn cười không thành tiếng, cúi mặt xuống, bàn chân trần di di trên mặt đất. Tuấn bảo: “Đâu có, Nõn có già đi tý chút nhưng vẫn xinh lắm… Có thi hoa hậu làng, bọn con gái bây giờ thua đứt”, Nõn giãy nẩy: “Không nói chuyện với cái nhà anh này nữa. Cứ đùa… Thôi em đi cấy đây kẻo muộn. Quên chưa hỏi anh về làng có lâu không, nếu rỗi rãi, chiều vào nhà em chơi… Anh Tịnh nhà em vẫn thỉng thoảng nhắc đến anh đấy”. Nói rồi Nõn quầy quả quẩy gánh lên vai. Tuấn với theo :“Này, tôi còn chưa kịp hỏi thăm chuyện gia đình chồng con ra sao cơ mà?”. “Bình thường. Chẳng hỏi thì anh cũng biết. Thôi em đi đây!”. Nõn rẽ xuống bờ sông, cắm đầu đi không dám ngoảnh nhìn lại, nhưng chị vẫn nghe rõ tiếng xe nổ máy phóng đi phía sau và biết rằng Tuấn đã vào làng.
Từ lúc gặp lại người anh họ cũ, đầu óc Nõn như để ở đâu đâu. Hai tay như cái máy ra dảnh và cắm mạ xuống ruộng chỉ còn là một phản xạ tự nhiên. Thỉng thoảng chị phải dừng tay đứng thẳng người lên, khẽ ngúc ngoắc đầu như để cảnh tỉnh mình. Nhìn hàng lúa cấy xiêu vẹo, chị khẽ bật cười, trách mình lơ đãng, viển vông đâu đâu ấy. Tuổi hoa niên, thanh xuân đi qua, rồi từ khi lấy chồng, chị mất hẳn những cảm giác bồi hồi, mơ hồ. Những lo toan hằng ngày và nỗi vất vả nhà nông thay đổi hẳn con người chị, từ một cô gái xinh đẹp với sức sống mãnh liệt được ẩn giấu trong một dáng vẻ bề ngoài thùy mị, nết na thành một người đàn bà lặng lẽ, khô cứng và khiêm nhường đến mức chỉ còn là một cái bóng. Hôm nay, chị thấy lòng mình như cựa quậy, như đổi khác. Một chút gì đó bồn chồn, rạo rực và lo âu xen kẽ. Chị lắng nghe cái cảm giác đó, là lạ, thu thú…
Gần ba mươi năm trước, Nõn và Tuấn cùng học một lớp với nhau ở trường làng. Đấy là những năm chiến tranh ác liệt. Lũ học trò đi học đứa nào cũng đội trên đầu chiếc mũ rơm. Trường học, đường làng san sát những giao thông hào, hầm chữ A. Nhà Tuấn từ thành phố chuyển về quê, cậu ta ngơ ngác trước cảnh quê, công việc người nhà quê, cái gì cũng ngạc nhiên, cũng lạ lùng và chẳng biết làm bất cứ việc gì. Xét về họ hàng trong làng với nhau thì Tuấn là anh, song so về tuổi thì kém Nõn những hai tuổi. Học trò thành phố, trắng trẻo, thư sinh, cớm nắng, chân tay long ngóng nên bọn trẻ làng đặt cho biệt hiệu Tuấn Cò. Tuấn học giỏi lắm, môn nào cũng giỏi trừ thể dục và lao động. Trong lớp, Nõn lớn tuổi, khỏe mạnh và ngoan nên được cử làm lớp phó phụ trách lao động. Vừa lớn tuổi hơn, lại là cán bộ lớp, Nõn chủ động gặp gỡ và giúp đỡ Tuấn trong những công việc chung của lớp, nhất là khi lao động đào giao thông hào, trồng cây. Nõn bèn tặng Tuấn một chiếc mũ rơm rộng vành thật đẹp. Tuấn xúc động lắm, cậu ta cứ mân mê mãi chiếc mũ trên tay không dám đưa lên đầu đội thử. Tuấn lại được lớp cử giúp đỡ Nõn hai môn chính là toán và văn. Trước những con số, đầu óc Nõn cứ rối bù, còn với văn thì Nõn cũng không tài nào viết ra được những điều mình nghĩ. Những buổi Tuấn đến nhà Nõn để kèm thêm bài vở, bố mẹ Nõn nói chuyện, tỏ ra quý Tuấn lắm. Cho đến tận bây giờ, Nõn vẫn còn nhớ lời bố mình bảo Tuấn: “Này, cháu với cái Nõn nhà này có họ với nhau đấy. Dưng mà là họ xa, họ ngoại thôi. Các cụ ta ngày xưa kiểu họ thế này lấy được nhau… Dù họ xa thì với người quê mình vẫn là họ cháu ạ. Chú thím và cái Nõn đây coi cháu như người nhà, đừng ngại gì cháu ạ”. Có lẽ câu nói ấy của bố Nõn là bình thường, song lại làm cho cả Nõn và Tuấn đều đỏ mặt vì ngượng, và sau đó, Tuấn ít đến nhà Nõn hơn.
Chẳng biết Tuấn thì thế nào, chứ Nõn thì quý Tuấn lắm. Cậu ta thông minh, học giỏi, cái gì cũng biết hơn người và tuy ít nói nhưng hễ nói thì say sưa và rất hay. Ở lớp, hai đứa ít nói chuyện với nhau. Bù lại, khi đi chăn trâu thì tha hồ mà trò chuyện, đùa nghịch. Đám trẻ chăn trâu trong xóm học cùng nhau có đến hơn chục đứa. Chăn trâu ngoài đồng, nhất là khi gặt hái vừa xong, đồng quạnh quẽ, với lũ trẻ trâu là thiên đường. Bầy trâu được quấn thừng lên sừng, thả rông muốn đi đâu thì đi. Lúc này, bọn trẻ bắt đầu những trò chơi của chúng. Nào chơi tam cúc, chơi ô ăn quan, chơi chuyền hay rải ranh, con trai thì đánh bi, đánh kháo, đánh khăng. Chán chê thì chia làm hai phe chơi trận giả. Lúc mệt nhoài thì đám con trai lột quần áo nhảy xuống sông, xuống đầm tắm. Vào dịp một chạp, trời rét căm căm, lũ trẻ trâu ít đùa hơn, chúng thường tụ lại thành nhóm, châm bếp tự tạo đốt những quả phi lao khô để sưởi, và quẳng vào đó nướng đủ các thứ mà chúng kiếm được, từ củ khoai lang đến con cá, con cua, con ốc… Những bữa tiệc cua nướng, ốc lùi đó làm Nõn và Tuấn thêm thân thiết. Tuấn có biệt tài kể chuyện. Cậu ta biết đủ các thứ chuyện trên đời, thỉng thoảng lại mang ra kể cho đám trẻ trâu nghe. Nào là Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh, chuyện Lưu-Quan-Trường kết nghĩa vườn đào, chuyện Võ Tòng đả hổ, chuyện Lỗ Trí Thâm say rượu phá chùa… chuyện nào, cũng được kể bằng một giọng bí ẩn, hấp dẫn, khiến bọn trẻ say mê há hốc mồm ra mà nghe. Những lúc như thế, Nõn bao giờ cũng ý tứ ngồi xa xa vòng ngoài, nghe chăm chú, thi thoảng cười tủm như khuyến khích Tuấn.
Những chuyện, những trò thú vị như vậy nhiều lắm, song với Nõn, và có lẽ cả với Tuấn, hai người sẽ chẳng bao giờ quên những chuyện chỉ có hai người biết với nhau…
Ấy là lần, Tuấn theo mấy người làng bắt chuột đồng bằng chó săn. Cứ hết hang này đến ổ khác, Tuấn ham xem quá đến mức Nõn nhắc nhở buổi học chiều hôm ấy mà Tuấn chỉ ừ hữ cho qua chuyện, quá trưa sang chiều mới giật mình quay về. Nõn không chờ được đành dắt hộ trâu về buộc gốc đa cổng làng. Tuấn muộn học, bố cậu ta giận quá trói chân tay đánh cho một trận nên thân. Nõn ngồi học trong lớp mà lòng cứ thắc thỏm, không yên, nhất là khi không thấy Tuấn đến lớp. Chiều tan học biết chuyện Tuấn bị bố đánh, buổi chăn trâu hôm sau, Nõn lén mang theo nắm lá láng. Nõn khẽ gọi Tuấn ra riêng một nơi hỏi chuyện, Tuấn ngượng quá chối quanh, Nõn vừa mắng, vừa lật lưng áo Tuấn lên xem những vết roi còn nổi hằn trên da thịt. Rồi chẳng cần biết Tuấn có đồng ý hay không, Nõn vơ lá phi lao đốt lửa, hơ lá láng cho nóng và ấp vào các vết đòn. Lúc đầu Tuấn còn ngó ngoáy không chịu nhưng thấy Nõn tốt bụng và thật lòng lo cho mình thì cậu ta ngồi yên. Lúc ấy, Nõn thấy lòng mình dào lên một mối cảm thương trìu mến, thấy Tuấn như một cậu em bé bỏng, lại như một người bạn, người anh. Nõn rơm rớm nước mắt và thầm trách bố Tuấn ác, nhưng không dám hé miệng câu nào bởi sợ Tuấn biết là mình khóc…
Nõn ngừng cấy. Chị lên bờ vặn mình cho đỡ mỏi, rồi ngồi bệt xuống vạt cỏ bờ sông. Mùa này nước sông cạn gần tới đáy, có thể xắn cao quần lội qua không ướt. Chị khẽ ngúc ngoắc mỉm cười buồn. Thời niên thiếu chị chẳng ngán gì nước sông cạn hay đầy, khi thích là cứ cả quần áo, thậm chí lúc vắng người lột bỏ tất cả, nhảy ùm xuống sông bơi phăng phăng sang bờ bên kia rồi lại về còn chưa mệt. Chẳng bù, Tuấn không biết bơi, người thông minh là vậy mà lại dại dột nghe bọn trẻ trâu xui cho chuồn chuồn cắn rốn. Nghĩ đến đây, Nõn mỉm cười, đỏ bừng mặt…
Một lần, bọn trẻ chơi trò vợ chồng. Chúng chia thành từng cặp vờ tổ chức đám cưới. Cuối cùng, chúng ghép cặp Tuấn với Nõn. Tuấn đỏ mặt, vùng vằng không chịu. Thấy vậy, Nõn bảo: “Ừ mà không nên ghép thế, tớ với Tuấn có họ với nhau đấy”. Bọn trẻ bảo: “Thì chúng mình chơi trò cơ mà. Chúng tớ đây cũng họ hàng với nhau cả, có sao đâu”. Tuấn vẫn khăng khăng, và bỏ chơi, Nõn gàn thế nào cũng không được. Bọn trẻ trâu tức quá phá đám, một đứa tinh nghịch lén lùa con trâu sứt mũi một sừng nổi tiếng bướng của nhà Tuấn xuống sông. Nó bơi liền một mạch sang bờ bên kia, lên bờ ung dung gặm cỏ và mon men đến ruộng lúa. Tuấn sợ trâu ăn lúa nhưng không biết bơi nên không biết làm thế nào. Bọn trẻ đưa yêu sách bắt Tuấn phải kể chuyện bù thì chúng mới bơi qua sông dắt trâu về hộ. Tuấn ức quá, không chịu. Bọn trẻ đùa dai, chúng hè nhau nhất loạt nhảy lên lưng trâu lùa sang cánh đồng khác. Còn lại có Tuấn và Nõn. Tuấn giận trào nước mắt, chạy loanh quanh trên bờ sông, dậm chân bặm môi kêu khổ. Nõn thương quá bảo: “Cậu đừng lo. Để tớ bơi qua dắt trâu về cho”. Tuấn tròn mắt: ‘Nhưng cậu là con gái, làm gì biết bơi?”. Nõn chẳng nói chẳng rằng, từ từ lội xuống mép nước rồi nhoài người bơi. Ra xa một đoạn, Nõn ngoảnh lại nhìn lên bờ, Tuấn vẫn chưa tin nên dặn với: “Này, cẩn thận kẻo chết đuối đấy”. Nghe vậy, tự nhiên Nõn nảy ý định trêu Tuấn, lặng lẽ ngụp sâu xuống lặn một mạch. Tuấn tưởng Nõn chết đuối kêu loạn lên, nhưng cả cánh đồng không một bóng người. Lúc nhô người lên khỏi mặt nước gần bờ bên kia, Nõn nghe tiếng Tuấn kêu thất thanh, biết mình đùa ác, bèn cất tiếng gọi. Tuấn nghe và nhìn thấy Nõn mừng quá, vừa mệt vừa run vì chưa hoàn hồn, ngồi bệt xuống thở dốc. Nõn dắt trâu xuống sông, cưỡi trên lưng nó trở về bờ sông bên này. Lúc lên bờ, Nõn vẫn còn hối hận vì trò đùa ban nãy của mình, nên quên mất là quần áo đang ướt. Cứ thế, Nõn tiến thẳng đến trước mặt Tuấn, định nói một câu gì đấy, nhưng Tuấn ne né người như định lảng tránh, mắt nhìn sang một hướng. Sự nhạy cảm nữ tính mách bảo Nõn, cô khựng lại, tự thấy thân thể mình bước vào tuổi dậy thì đang căng lên, dán vào quần áo ướt. Nõn thảng thốt kêu khẽ lên một tiếng rồi chạy ù té lại nơi để chiếc nón và áo mưa lẩn nhanh vào một lùm phi lao rậm rạp. Quây kín một chỗ, Nõn luống cuống cởi quần áo ra vắt bớt nước, vừa nhìn lén về phía Tuấn. Cậu ta ngượng nhưng vờ không biết thập thõm dắt trâu ra xa hơn. Xong xuôi, Nõn rủ Tuấn cùng về, cả hai đứa nói linh tinh với nhau song không ai dám nhìn vào mặt ai…
Nõn quờ tay bứt một đám cây dại trên bờ sông nơi chị ngồi đưa lên mũi. Hương đồng quê ngan ngát, hoang nồng. Nõn xòa tay buông rơi nắm cỏ xuống lòng. Hoa tầm xuân. Đã lâu lắm rồi chị chẳng hề để ý đến nó, quên bẵng cái mùi hương dại khờ của nó. Chị đưa tay nhặt lại từng nhánh tầm xuân mình vô tình bứt lên. Những bông hoa nhỏ trăng trắng nằm chỏng chơ xấu số và vô duyên. Giờ chị có nâng niu cũng bằng thừa. Loài hoa chỉ đẹp khi hoang dại, khi lòng người có tâm sự bất chợt thấy… Chị nhớ đến câu ca dao mẹ hát ru chị và sau này chị lại hát ru những đứa em, ru con chị: Yêu em từ thuở lên ba/ Mẹ bồng ra ngõ hái hoa em cầm. Hoa ấy là hoa gì nhỉ?...
Rồi cái tuổi chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng qua đi. Hết cấp hai, Nõn ở nhà làm ruộng không học cao thêm bởi chị là con gái đầu lòng, vả lại học không giỏi thì học cũng chẳng để làm gì. Bố mẹ Nõn bảo Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng. Nõn hiểu mình phải có trách nhiệm làm việc giúp cha mẹ nuôi nấng các em khôn lớn. Tuấn học giỏi, được tuyển thẳng vào cấp ba, học ở trường huyện, lại trọ học nên hai người ít gặp nhau. Lâu lâu, chủ nhật Tuấn về làng, có tình cờ gặp nhau trên đường thì cũng chỉ hỏi vài ba câu chiếu lệ, và mỗi lần như vậy bao giờ Nõn cũng ý tứ chào, nói bận đi trước. Song Nõn biết, lần nào cũng vậy, khi Nõn bỏ đi trước, Tuấn đứng lặng nhìn theo rất lâu. Nõn vừa bâng khuâng lại vừa e sợ trước tình cảm gây gây lòng mình với Tuấn. Nõn thầm mắng mình: “Vớ vẩn… có họ hàng với nhau…”.
Và Nõn lấy chồng. Lấy chồng đột ngột. Anh Tịnh, thương binh từ mặt trận phục viên về làng hơn Nõn dăm bảy tuổi, anh Tịnh thuộc thế hệ trai làng nhập ngũ đầu tiên của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Trước khi nhập ngũ, anh hoạt động đoàn thể, có tài ăn nói văn hoa. Phục viên về làng với mấy danh hiệu dũng sĩ, anh được dân làng đón nhận như một anh hùng. Đi chơi nói chuyện ở đâu, mọi người cũng bảo anh: “Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ Quốc rồi, bây giờ phải cưới vợ ngay để hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Đã nhắm được đám nào chưa, không thì để chúng tôi làm mối”. Mỗi khi nghe giục thế, anh Tịnh đều cười bảo: “Xin cảm ơn bà con, cháu đã nhắm được rồi. Sắp cưới ngay đây ạ”. Hôm đến chơi nhà Nõn, anh cũng trả lời bố mẹ Nõn vậy, và liếc nhanh sang Nõn đầy ý tứ. Không ngờ, chỉ một tuần sau, một tối, bố mẹ gọi Nõn ra nói chuyện anh Tịnh ngỏ ý hỏi Nõn làm vợ. Nõn bị bất ngờ, vùng vằng, nhưng rồi sau nghĩ lại, Nõn xuôi thuận. Nói không ngoa chút nào, khi ấy Nõn là cô gái xinh nhất làng, lại chăm chỉ, nết na. Nhưng mà nói ra để mà làm gì khi làng vắng bóng trai tráng, khi mà anh Tịnh trở thành niềm ao ước của hết thẩy các cô gái làng, và khi Tuấn đang bị hút về phía đô thị! Đám cưới thời chiến đơn sơ nhưng khá là trang trọng và vui vẻ. Chú rể phát biểu một bài diễn thuyết phát động phong trào thanh niên lên đường ra trận, phụ nữ ở nhà ba đảm đang vì tiền tuyến. Sau bài diễn thuyết, chú rể hát bài quan họ Người ở đừng về. Các cô gái dự đám cưới xúc động rân rấn nước mắt. Nõn cũng cảm động rưng rưng, không biết là mình xúc động vì cái gì, hay vì hết thảy. Sau đám cưới chừng nửa tháng, Nõn tình cờ gặp Tuấn ở bờ sông. Nõn đi tát nước và Tuấn cũng đi tát nước giúp nhà. Vợ chồng Nõn tát gàu đôi, còn Tuấn tát cùng với mẹ. Lúc nghỉ tay, anh Tịnh bảo Tuấn: “Mình quen cầm súng, giờ cầm dây gàu tát lóng ngóng quá”. Rồi anh hỏi thăm chuyện học hành của Tuấn, động viên Tuấn gắng học để sau này xây dựng đất nước mà thế hệ anh đã hy sinh gìn giữ. Tuấn vâng dạ ngoan ngoãn, song Nõn biết rằng cậu ta chỉ ừ hữ chiếu lệ thôi, chứ thực ra cậu ta đang mải nghĩ việc khác. Nhân lúc anh Tịnh be bờ, Tuấn nói nhỏ với Nõn: “Tiếc quá tôi không được dự đám cưới Nõn… Nõn hạnh phúc chứ?”. Nõn chẳng biết nói sao, cười như mếu. Nghe cái từ hạnh phúc từ nơi miệng Tuấn, Nõn thấy xa lạ quá. Tự nhiên Nõn cảm thấy giận cậu ta, lặng lẽ đi be bờ cùng chồng. Từ lúc ấy, Nõn chỉ còn nghe mỗi tiếng gàu nước đổ xì xùm, phập phồng từ nơi Tuấn…
Mấy chục năm trôi qua, Tuấn học đại học rồi đi công tác xa. Bố mẹ lần lượt qua đời, các anh chị lập nghiệp và sống ở thành phố cả. Nõn thì vẫn theo dõi tất cả những thay đổi ấy, còn Tuấn thi thoảng về làng, chẳng biết có còn quan tâm gì đến Nõn không? Là bây giờ chị mới tự hỏi thế, chứ thực ra ngần ấy năm sống nơi thôn dã, vất vả lam lũ, lại mang tiếng là “người đực không biết chửa đẻ gì”. Nõn đâu còn tâm trí, hơi sức mà nghĩ đến điều ấy nữa. Mang tiếng như vậy, lúc đầu Nõn còn loanh quanh tìm cách giải thích, bào chữa cho mình, nhưng rồi năm tháng còm cõi biến chị thành một người thuần phục lặng lẽ, thậm chí như người sống thừa, sống chui lủi. Tự lòng mình biết với mình, Nõn có đầy đủ thiên chức của một người đàn bà, lỗi không có con là ở chồng chị. Những năm tháng đầu chung sống, anh Tịnh đã bao đêm thầm thì vào tai chị rằng anh vô cùng sung sướng khi lấy được một người vợ nồng hậu như Nõn mỗi khi hai người âu yếm gần gũi nhau. Rồi một năm, hai năm, năm năm trôi qua chị không một lần mang thai, dư luận trong họ ngoài làng đổ hết lỗi cho Nõn. Riêng anh Tịnh có buồn nhưng anh ấy hiểu lỗi đó thuộc về mình nên vẫn động viên chị. Nhưng rồi đến mười năm, hơn mười năm thì lòng tin và sự kiên nhẫn của anh Tịnh không còn nữa. Chính anh cũng nghi ngờ rằng mình chỉ có lỗi một phần, còn đâu là do Nõn, thậm chí đã có lúc vợ chồng gắt nhau, anh đổ lỗi hoàn toàn do chị. Lòng tự trọng về thiên chức đàn bà của Nõn từ chỗ bị tổn thương đến sụp đổ tan nát. Chị không phản kháng mà cam chịu tới mức nhiều lúc chị cũng nghĩ rằng hay chính là do mình? Nhưng không, tự sâu thẳm của tiềm thức, bản năng đàn bà với khát khao làm mẹ đánh thức chị, vực chị dậy. Và không hiểu tự khi nào, trong lòng chị âm âm một ý chí và nó cứ lớn dần, rằng chị sẽ làm mẹ, làm mẹ bằng mọi giá!...
Và cái ngày đó đã đến một cách tình cờ. Anh Tịnh nghi ngờ khả năng sinh nở của Nõn và tin vào bản thân mình không sao, nên đã một mực bắt chị đi bệnh viện thành phố khám chữa, còn anh cắt thuốc bổ thận tráng dương uống liền mấy tháng. Chiều lòng chồng Nõn đi bệnh viện chuyên khoa. Bác sĩ bảo, sinh lý bình thường, tuy nhiên mười lăm năm không đẻ nên cần nằm viện mấy ngày để theo dõi một số chỉ tiêu. Nõn chung buồng bệnh với một người đàn bà đã có bốn đứa con gái nay mắc bệnh phụ khoa, anh chồng bắt chữa để may ra còn sinh cho anh ta một cậu ấm. Anh chồng đi theo chăm vợ. Anh ta chăm vợ lắm, suốt ngày bắt vợ ăn toàn thứ bổ, nào trứng vịt lộn, cháo gà, cháo bầu dục. Chị vợ người gầy đét, da đen sạm yếu ớt, cứ phải rướn cổ nuốt trôi những thứ chồng mua về. Nhìn cảnh anh ta chăm vợ, Nõn liên tưởng đến cảnh mình vỗ béo lợn ở nhà chờ xuất chuồng. Anh chồng làm nghề lái xe tải, to thô như hộ pháp, đi lại nói năng dạn dĩ. Lúc phòng bệnh vắng người, anh ta kể chuyện tếu làm Nõn cười nôn ruột. Anh ta tỏ ra săn sóc vồ vập chị, lại còn động viên nữa. Vẫn biết nơi công cộng chợ búa chớ nhẹ dạ cả tin vì quan hệ phần lớn là khách sáo, nhưng với riêng Nõn, vốn đã nhiều năm nay phải nín nhịn, cam chịu, toàn nghe những lời cạnh khóe, nặng nề, nên bây giờ được vui vẻ, được nghe những lời động viên, chị cảm động lắm. Đến bữa, có cái gì ngon ngon, anh ta thường san bớt một phần mời chị ăn bằng được, bảo là khó khăn giúp nhau mới quý, mới thật lòng. Nõn vui thật đấy, xong đôi khi chị vẫn phát hiện cái nhìn của anh ta có gì đó khang khác, tựa như sự thèm muốn. Nhưng chẳng hề hấn gì, Nõn không thấy lo, còn cảm thấy thinh thích, nghĩ rằng mình chưa đến nỗi già hom hem, mình vẫn còn đẹp và hấp dẫn. Thôi thì thân gái, làm hoa cho người ta hái…
Thế rồi cái buổi chiều hè hôm ấy… Chị vợ anh ta lên phòng chụp chiếu gì đó. Cơn bão đang ập về, mưa lả tả và gió dần mạnh lên. Chị nhìn ra ngoài cửa lo lắng lúa má ở nhà. Anh ta nửa nằm nửa ngồi đọc một tờ báo, phì phèo rít thuốc lá, thỉng thoảng khẽ ư ử trong họng câu cải lương. Chị nhắc anh ta tắt thuốc vì sợ bác sĩ. Anh ta phẩy tay, bảo mưa bão thế này có ma nào đâu. Gió xô mạnh những cánh cửa sổ, anh ta rụi thuốc đi đóng hết cửa lại. Chợt điện trong phòng phụt tắt. Và rồi trong bóng tối mờ mờ của phòng bệnh ấy, anh ta xán đến sát người Nõn bằng cách nào không rõ. Cái ôm choàng và ghì chặt của người đàn ông to lớn khỏe mạnh khiến chị bất ngờ đến nghẹt thở. Ý thức về tiết hạnh và tự vệ của người đàn bà thúc đẩy chị quẫy cựa vùng ra. Chị ú ớ định kêu thì anh ta hổn hển bảo rằng đừng có kêu kẻo mọi người thì cả hai cùng xấu hổ, với lại chị đang thèm khát có được một đứa con cơ mà. Những lời ấy đã tiêu diệt nốt chút sức lực và ý thức tiết hạnh còn lại của chị. Chị phó mặc trong cơn bão đang giằng xé giữa lòng khao khát đứa con và mặc cảm tội lỗi!...
Cho đến lúc này, ngồi thừ trên bờ sông, bỏ mặc ruộng lúa cấy dở, nhìn vô hồn vào mấy bông tầm xuân ngớ ngẩn, chị ù hết cả mình khi nhớ lại chuyện đó. Sau khi biết mình có thai với anh ta, chị còn bị giằng xé mãi giữa việc bỏ hay giữ lại cái thai. May mà, sau gần một tuần xa nhau, khi vợ trở về nhà, anh Tịnh bỗng nồng nàn trong chuyện chăn gối, và khi biết chị có thai, anh mừng lắm, nghĩ là cả hai vợ chồng dày công chữa trị nên công hiệu. Riêng Nõn, mừng lo hồi hộp, phấp phỏng đợi ngày. Sự mừng vui của anh Tịnh và gia đình, họ hàng anh làm Nõn vơi đi nỗi lo. Thực lòng chị chẳng có cảm tình gì với tay lái xe nọ, chị chỉ muốn có đứa con của riêng chị, muốn cứu vớt cái gia đình có nguy cơ tan vỡ bởi sự vô sinh, muốn bù đắp cho chồng chị một đứa con dù nó không mang dòng máu của anh ấy. Nhưng điều chính yếu là chồng chị đó là con anh. Với anh ấy, có lẽ như thế là đủ? Từ lúc gặp lại Tuấn, tự nhiên Nõn lại cảm thấy như mình mắc lỗi với Tuấn, rồi một ý nghĩ mới lạ len lỏi trong đầu chị, rằng thằng bé không thể là con thực của anh Tịnh thì giá như nó là con của Tuấn!?...
Người Nõn lại gây gấy như sốt. Chị cắm đầu mải miết cấy bằng hết số mạ. Quang gánh không trên vai, bồng bềnh thập thõm về nhà, bước vào cổng, chị nhìn thấy chiếc xe máy dựng ở sân, tim như nhói lại trong ngực. Trong nhà, chồng chị đang uống nước nói chuyện cùng Tuấn. Nõn dừng bước nghe ngóng, vẫn như thường ngày anh Tịnh nói to, những lời hoa mỹ, khen những bài báo của Tuấn mà anh tình cờ mượn báo đọc được. Nõn ghé vào trước cửa chào chồng và Tuấn. Thằng cu con chị ngồi cạnh bố hóng chuyện, mồm miệng nhoe nhoét nước kẹo. Nõn cất quanh gánh, ra giếng múc nước rửa mặt mũi chân tay. Tự nhiên chị thấy gương mặt mình, mặt anh Tịnh, mặt tay lái xe, mặt Tuấn và thằng bé con nhập nhòe chập vào, tách ra nơi đáy giếng tan theo những vòng song. Và bập bềnh trên đó là những bông hoa tầm xuân vô duyên, khờ khạo…!
Nhận xét
Đăng nhận xét