Quà tặng ở chợ hoa,

 Đào đá Sủng Là, 



@@@

       Vận lững thững đạp xe trên phố. Anh có cái thú được đạp xe thật chậm vào chiều tất niên để nhìn ngắm mọi người bận rộn mua sắm chuẩn bị đón xuân. Và sau đó anh sẽ vào chơi chợ hoa. Đã từ nhiều năm nay, anh vẫn duy trì được ý thích này. Cả cơ quan, duy chỉ có mình anh là vợ con sống ở quê, nên bao giờ anh em cũng nhường cho anh trực trước Tết. Anh sẽ đáp chuyến tàu đêm tất niên trở về nhà đúng lúc giao thừa.
Trời mua phùn lây phây từ mấy ngày trước làm đường phố lầy lội, nhất là lối vào chợ Hoa. Năm nay, có vẻ như chợ đông hơn năm trước, nó được mở rộng thêm ra mấy ngách phố bên cạnh. Ngay lối vào là những hàng hoa giấy, hoa lụa đủ màu sắc, kiểu loại. Vận tiếp tục đi sâu vào trong và anh bắt gặp cả thế giới của loài cúc, cẩm chướng, thược dược, violet, đồng tiền. Mưa phùn vẫn rắc như rây bột làm những cánh hoa trĩu nặng, bởi những hạt mưa nhỏ li ti đậu xuống như nạm cườm cánh hoa. Nước mưa đọng trên lá cây nhỏ thánh thót xuống đầu, xuống quần áo mọi người. Người Hà Nội bao giờ cũng mang dáng vẻ hào hoa của riêng mình. Mưa như vậy mà chẳng mấy người mũ nón, hay che ô gì cả. Họ cứ để đầu trần như vậy, lại còn quần áo là lượt mà mua sắm dưới màn mưa xuân. Vận đến dãy bán đào, mời chào luôn miệng. Một anh chàng có vẻ lém lỉnh, nháy mắt với Vận:
- Ông anh mua cho thằng em cành đào này đi. Cành này hoa hết ý. Em lấy rẻ ông anh thôi.
- Cành này hoa nở hết rồi, ít nụ, nhanh tàn lắm.
Vận chưa biết trả lời ra sao thì có tiếng phụ nữ nói ngay sau lưng anh.
- Này bà chị, việc gì đến bà - chàng bán đào nói vẻ gây sự.
- Đây là anh trai tôi. Đàn ông không biết. Tôi mua hộ anh ấy.
Lúc này Vận mới quan sát người đàn bà vừa trả lời thay anh. Chị chạc tuổi bốn nhăm, đẹp và đầy vẻ kiêu sa. Chị mặc áo dài màu vàng, dắt theo một bé gái chừng mười tuổi. Chị nhìn anh cười cười vẻ thiện cảm. Anh ngượng ngùng nhưng vẫn khẽ gật đầu thầm cảm ơn chị, rồi đi sâu hơn vào giữa chợ. 
Từ lúc ấy, hình ảnh người đàn bà này cứ lởn vởn trong đầu anh. Có nét gì đó quen quen. Anh cố nghĩ nhưng không thể nhớ ra. Vận chẳng còn để tâm vào chuyện mua đào nữa. Anh đi đến cuối chợ nhưng không chọn được cành nào. Anh quay trở lại và anh lại nhìn thấy hai mẹ con người đàn bà. Chị ta có vẻ như đang tìm ai. Cháu bé cầm trên tay một cành đào nho nhỏ nhưng dáng và nụ hoa rất đẹp. Anh định tránh mặt thì chị đã nhìn thấy anh, chị mừng rỡ dắt con len đến chỗ anh đứng.

- Anh vẫn chưa tìm được cành đào nào ưng ý sao? Chị chủ động.
- Ồ, vâng,… Chưa chị ạ.
- Con chào bác đi. Rồi nói điều mẹ vừa dặn con - Chị nói với đứa con.
- Cháu chào bác ạ! - Con bé e thẹn, ngước nhìn mẹ.
Chị nhìn nó khuyến khích. Con bé hai tay giơ cành đào lên đưa cho anh và nói chậm rãi từng tiếng một:
- Mẹ con cháu xin tặng bác cành đào này ạ!
Vận chưa hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh lúng túng:
- Xin lỗi… Tôi không nhớ chị là ai, với lại không biết lý do, tôi không dám nhận đâu.
- Vâng! Tôi quên… Đúng anh công tác ở tòa án quận…?
- Đúng vậy. Sao chị biết?
- Tôi nhớ anh… Còn anh không nhớ tôi cũng phải thôi. Anh xử án cho biết bao người. Còn tôi… - Chị cười thành tiếng - cả đời, ra trước tòa một lần là quá đủ. Có lẽ chúng ta đi ngoài nói chuyện cho tiện. Anh cứ nhận cành đào cho mẹ con tôi vui. Tôi sẽ nói rõ lý do ngay thôi.
*
                                   *        *
Khi chiến tranh gần kết thúc, Vận trở về với mấy vết thương trên mình. Anh học nốt đại học dở dang trước đây, rồi được ưu tiên về nhận công tác ở một tòa án quận. Vụ ly hôn của vợ chồng Hà, tên người đàn bà, là vụ đầu tiên trong cuộc đời “cầm cán cân công lý” của anh. Vận tìm hiểu kỹ lưỡng, thì ra sự rạn nứt trong quan hệ vợ chồng họ bắt nguồn từ sự ghen tuông của người chồng. Anh chồng là kỹ sư cơ khí, còn Hà là diễn viên sân khấu. Hà phải theo đoàn đi lưu diễn đây đó, rồi cô phải đóng vợ chồng, yêu đương với người này, người nọ. Anh chồng vốn hay ghen, cộng thêm sự đùa cợt của bạn bè cùng cơ quan “Má văn công, mông bộ đội”. Anh chồng nghi ngờ vợ rồi sinh to tiếng, bắt vợ phải bỏ nghề. Vợ kiên quyết không chịu. Cứ thế, tình trạng ngày càng xấu đi đến mức cả hai đi đến quyết định ly hôn. Vận thấy tiếc cho vợ chồng họ, và anh thương đứa bé gái, con họ khi ấy mới chừng năm sáu tuổi. Ly hôn rồi, mỗi người có thể tìm lại được hạnh phúc, song đứa trẻ thì không. Sống với ai, đứa trẻ cũng phải chịu sự ghẻ lạnh khi người thứ ba xuất hiện. Anh đã từng nghĩ, sao người lớn lại ích kỷ làm vậy. Suốt đời, họ chỉ chạy theo khát vọng của riêng mình…

Anh thì không. Vận vào bộ đội. Khi chưa đi B, thỉng thoảng anh tạt về nhà thăm mẹ. Rồi một lần, mẹ anh bảo là có cô giáo Thuận mới về dạy ở trường làng. Vì trường ở cạnh nhà anh, nên thỉng thoảng cô giáo vào chơi và giúp mẹ anh đôi việc lặt vặt lúc tắt lửa tối đèn. Mẹ khen cô giáo được người được nết và tỏ ý nhắm cô giáo cho anh. Rồi Vận gặp cô giáo và hai người nói với nhau đôi ba câu chuyện, thấy qui quí nhau. Rồi nữa, lần về thăm nhà khi đi B, anh cưới cô giáo Thuận. Họ lấy nhau mà có yêu đương gì đâu. Còn người ta yêu nhau đằm thắm, thế mà khi ở với nhau thì chưa chi đã sứt mẻ. Hay tại anh cứ xa nhà suốt, và vì thế vợ chồng anh ít va chạm, hoặc thể anh là con người cũ kỹ, cổ điển?... Không phải anh không biết yêu. Lấy vợ rồi nhưng anh vẫn có lần yêu, song anh phải nén lại tất cả… vì con… Và có lẽ anh sợ tai tiếng.
Khi xử vụ ly hôn của Hà, anh đã gà cho con bé nói trước tòa rằng nó muốn ở với cả bố và mẹ. Mượn cớ ấy, anh phân giải rồi cuối cùng họ xin rút đơn, về ở lại với nhau. Lúc đầu, anh vui mừng vì nghĩ là mình đã giúp ích cho gia đình họ đoàn tụ. Lâu rồi, anh sinh băn khoăn. Biết đâu, vợ chồng họ lại xô xát và không chịu đựng nổi nhau, đứa con còn khổ hơn?...
                                       *
                      *       *
- Vậy mà ngày ấy tôi cứ lo…
- Chắc anh lo chúng tôi lại bỏ nhau, bởi tính ghen tuông con người ta đâu có dễ bỏ - Hà khẽ cười - Anh thấy đấy chúng tôi còn có thêm một cháu trai sau, và con bé út đây là “vỡ kế hoạch” đấy.
- Anh ấy nhà chị vẫn ghen chứ?
- Vâng, vẫn vậy…
- Điều đó chứng tỏ anh ấy quá yêu chị!...
- Yêu… quả là thế, nhưng nhiều khi cũng khó chịu lắm. Song có điều là… - Hà lại cười - … sau lần ấy, tôi có khôn hơn, không để cái gì đi quá đà…” “Già néo, đứt dây” mà anh, các cụ ta xưa đã dạy thế.  
- Tôi nói thế này, có thể chị cho là văn vẻ - tự nhiên Vận cảm thấy cần thổ lộ với Hà suy nghĩ của mình - Từ ngày ấy, cứ sau khi xử xong một vụ ly hôn, tôi cảm thấy rỗng người, bởi sự có lý đến thành vô lý của chuyện hôn nhân và hạnh phúc. Chị có hiểu tôi không?...
- Anh là một người đa cảm - Hà nói - Người đa cảm thường chẳng sung sướng gì đâu. Có điều…
Hà bỏ dở chừng câu nói, và chẳng bao giờ anh đoán được chị định nói gì.



     Đêm tất niên ấy, Vận về ăn tết với gia đình trong nỗi bâng khuâng khác thường. Con tàu xuyên đi trong đêm mù mịt. Bên ngoài gió bấc đang gầm rít. Vận nhìn rõ những đốm lửa hồng loang loáng lướt qua bên cửa sổ tàu. Mỗi đốm lửa hồng đó là một gia đình. Có lẽ họ đang quây quần chờ đón giao thừa. Vợ con anh lúc này chắc đang nhắc đến anh. Khác mọi năm, anh đem về cả một cành đào. Thế nào vợ anh cũng xuýt xoa tiếc tiền bởi cô ấy vốn tằn tiện. Anh có cần phải giải thích cho vợ nghe không nhỉ?
Bỗng tiếng pháo ở một làng ven đường rộ lên. Rồi như truyền, pháo rộn lên bốn bề. Tiếng còi tàu gần về đến ga bị ngợm đi trong tiếng pháo. Người kiểm soát viên già bước vào toa, ông xoa xoa hai tay vào nhau cho đỡ cóng, vui vẻ nói to cùng mọi người.
- Giao thừa rồi đấy! Chúc cho một năm mới tốt lành. Hà hà… Giờ này chắc thằng cu út nhà tôi đang đốt pháo. Sáng nay lúc tôi đi nó bảo: “Đúng giao thừa, con sẽ đốt một bánh pháo thật đặc biệt, xem bố đi trên tàu có nhận ra pháo nhà ta không”.


Nhận xét