Trần Đăng Khoa với cha con nhà thơ Vũ Quần Phương, GS Vũ Hà Văn & tác giả bài viết.
@@@
TẢN MẠN VỀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA
(
Đi tìm thi pháp thơ Trần Đăng Khoa )
Nguyễn Chu Nhạc
Từ quãng thời gian tôi làm biên tập trang Web của Hội Nhà văn Việt Nam (Vanvn.net) đến sau này làm biên tập viên ở Tạp chí Nhà văn & cuộc sống, do nhà thơ Trần Đăng Khoa làm Tổng biên tập, tôi hay lai vãng phòng làm việc riêng của ông ở trụ sở Hội Nhà văn tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Ở đây, tôi thường chứng kiến các cuộc đàm thoại văn chương của Trần Đăng Khoa với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học khác. Song thú vị nhất vẫn là các cuộc chuyện trò tay đôi giữa ông với nhà thơ Vũ Quần Phương. Đã nhiều lần, tôi nghe hai ông bàn về thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử,... và về thơ của chính các ông. Tôi nhớ, có lần, hai người bàn rất say sưa về thơ Tố Hữu, đặc biệt về nhạc điệu, ngôn ngữ hình ảnh trong một số bài thơ (Khi con tu hú gọi bầy, Việt Bắc, Nước non ngàn dặm...) Song qua những gì hai ông bàn, tôi hình dung ra Tố Hữu-một nhà thơ tài hoa, nhưng đáng tiếc, nhà thơ chưa chắt lọc khi sử dụng thơ ca mình cho những mục đích khác nên sự nghiệp thơ ca và cả sự đóng góp cho tiến trình phát triển thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung, chưa đạt tới đỉnh cao nghệ thuật...
Khi nói về thơ mình, Trần Đăng Khoa hỏi nhà thơ Vũ Quần Phương: “Bác thấy thơ em thế nào? Đến giờ còn lại được bao nhiêu bài?...”. Nhà thơ Vũ Quần Phương ngẫm nghĩ một hồi rồi kể tên một số bài... Trần Đăng Khoa gật gù tán đồng, rồi ông bảo: “Nhiều bài trong số bác kể, em có thể viết lại được,... nhưng riêng bài thơ Trăng sáng sân nhà em, thì chịu không thể nào viết được như thế nữa”.
Ngm ngợi, Trần Đăng Khoa bảo: “Cả bài thơ những tưởng chẳng có gì, mà lại có gì,...vô cùng vô tận, trải ra mênh mông từ những cái gần gặn...”. Nhà thơ Vũ Quần Phương ra chiều tán thưởng...Tôi nghe chuyện các ông, mà ngẫm nghĩ ra nhiều điều. Đặc biệt, khi soi chiếu vào những bài thơ của Trần Đăng Khoa mà tôi biết từ mấy chục năm qua...
*
Thực ra, từ hơn chục năm trước, tôi đã ý
thức tìm hiểu phương pháp sáng tác thơ Trần Đăng Khoa. Trong một bài viết về
thơ Trần Đăng Khoa thời kỳ ông du học ở Liên Xô, tôi đã bàn thêm về thơ ông
thời kỳ ông còn nhỏ tuổi đi học ở quê (tập
thơ Góc sân và khoảng trời cùng một
số trường ca khác). Bài viết đăng báo và sau được tôi tập hợp vào tập sách
chân dung văn học của tôi có tên Trời đất thu hay lòng ta thu (NXB
Dân trí, 2016). Ở đấy, tôi đã đưa ra nhận định, không có thơ Trần Đăng Khoa thiếu nhi, mà chỉ có thơ Trần Đăng Khoa
sáng tác khi tác giả ở lứa tuổi thiếu nhi. Điều này khẳng định, những bài
thơ được Trần Đăng Khoa sáng tác từ khi tác giả sáu, bảy tuổi ngày ấy, không
phải là thơ thiếu nhi theo đúng nghĩa, thiếu nhi nghĩ sao viết vậy, phù hợp với
lứa tuổi của mình, mà là những bài thơ mang sức vóc và suy nghĩ của người lớn,
về các sự kiện, vấn đề lớn, thậm chí mang tính thời đại... Điều đó, cũng có nghĩa,
thơ Trần Đăng Khoa, dù ở lứa tuổi nào, là một sự nhất quán về ý nghĩa tư tưởng
và phương pháp sáng tác...
Tôi cũng đã nghĩ
về phương pháp sáng tác thơ của Trần Đăng Khoa từ lâu rồi, nhưng chỉ lờ mờ rằng
thế này, thế nọ... Là bạn thân với Trần Đăng Khoa từ thời học trò, sau lại đồng
nghiệp báo chí cùng cơ quan, nên mỗi khi xuất bản tác phẩm mới, hay tái bản tập
thơ cũ, ông đều tặng sách tôi. Mươi năm trở lại đây, mỗi khi ký tặng sách, Trần
Đăng Khoa đều thân mật bảo: “Ông về đọc
kỹ hộ tôi cái, xem còn những bài nào đọc được...thì đánh dấu vào đấy và cho tôi
biết nhé...Tôi muốn xem, sau ngần ấy năm, bài nào còn sống được đến bây giờ?”.
Tôi đọc lại và cũng đánh dấu khá nhiều bài, nhưng không nói lại với ông...
Cho đến một lần, đâu
năm 2015 thì phải, Trần Đăng Khoa tái bản Tuyển thơ. Khi ký sách tặng tôi, ông
quen miệng lại dặn tôi đọc kỹ và chọn những bài còn thấy được cho ông. Tội nhận
lời chiếu lệ cho xong, cất vào cặp. Ngày hôm sau, tôi phải dự một hội thảo lớn
ở trung ương theo thành phần được triệu tập. Nửa buổi ngồi nghe các báo cáo,
tham luận viết sẵn được các diễn giả đọc oang oang trên hội trường, tôi ngán
ngẩm, lục cặp thấy tuyển thơ của Trần Đăng Khoa bèn lôi ra đọc. Một ý nghĩ lóe lên trong
đầu, rồi theo đó mọi sự sáng rõ. Tôi đọc ngấu nghiến Tuyển thơ Trần Đăng Khoa.
Vẫn đó những bài thơ cũ, mà nhiều bài ông làm từ khi còn ở tuổi thiếu nhi, tôi
thuộc nằm lòng, vậy mà giờ như mới. Là bởi, tôi bỗng nhận thấy ở đấy dạng thức
mà trước đó tôi chưa từng nghĩ tới. Giờ thì rõ mồn một, từng chữ từng câu, từng
ý. Thậm chí, tôi còn hình dung, mường
tượng trong đầu, khi sáng tác bài thơ này bài thơ nọ thì Trần Đăng Khoa nghĩ
gì, làm như thế nào... Tôi lấy bút, đánh dấu
bài, gạch chân, viết chua ra bên lề nhận định của mình, sợ sẽ quên đi mất. Hết
ngày dự hội nghị hôm ấy, tôi đã cơ bản làm xong cái việc mà tôi cho là khá lớn
khiến tôi suy nghĩ nhiều năm qua...
Ngày hôm sau, đến
cơ quan, tôi tìm đến phòng làm việc của Trần Đăng Khoa, hùng hồn, liền một mạch
cho ông nghe hết thảy những gì tôi vừa mới phát hiện ra về thơ ông, về phương
pháp sáng tác thơ của ông, hay nói cách khác như các nhà lý luận phê bình văn
học thường dùng, ấy là thi pháp thơ ông.
Trần Đăng Khoa lắng nghe. Ông tỏ ra vui mừng và tán thưởng, công nhận những
điều tôi vừa nói về thơ ông và giục tôi sớm viết những điều ấy. Tôi hứa.
*
Tự thân, tôi cũng muốn sớm viết ra những
điều ấy, thậm chí ngay tắp lự. Nhưng ôi thôi, nói thì dễ nhưng làm thì không dễ
chút nào. Bận công việc, ngần ngại này nọ, lẫn lữa mãi, việc chưa thành. Khác
với sáng tác, có ý tưởng ngẫu hứng là thành, phê bình văn học là một công việc
khoa học, đòi hỏi sự chặt chẽ về luận cứ, sự tỉ mỉ tìm tòi trong chứng minh, lý
giải... Vậy nên, đã đôi ba lần tôi nhắc lại với Trần Đăng Khoa những luận điểm
của mình về thi pháp thơ ông mà vẫn chưa viết ra nổi.
Đã có lần Trần
Đăng Khoa khích tôi rằng “Phát hiện thì
tinh đấy...cũng như phát hiện về thi pháp Đảo
chìm,rất khác người.. có điều, ông chẳng chịu dấn tới, nên thành nửa vời...”.
Ồng không nỡ nói hết câu... chắc sợ tôi phật ý, song tôi hiểu ý ông, và cũng
hiểu việc mình cần làm lúc này là gì,...
Có thể nói,
phương pháp sáng tác thơ của Trần Đăng Khoa như sau: Mối
quan hệ Động-Tĩnh, Thực-Ảo, sử dụng thủ pháp hoán vị, lối đồng dao, ví von so sánh, phép
nhân cách hóa, tạo dựng không gian truyện cho mỗi bài thơ và cuối cùng
là có những câu thơ cất cánh. Còn
theo phương pháp khoa học, hầu hết các bài thơ của Trần Đăng Khoa đều theo phép
quy
nạp, hoặc diễn dịch, hoặc cùng lúc cả hai. Tùy bài mà tác giả dùng cách
này, hay cách kia, hoặc dùng cả hai cách trong một bài.
Ngay trong bài
thơ đầu tiên, Con bướm vàng, ta thấy ngay mối quan hệ thực - áo rất rõ: “Con bướm
vàng/ Con bướm vàng/ bay nhẹ nhàng/ trên bờ cỏ/ em thích quá/ em đuổi theo/ nó
vỗ cánh/ vút lên cao/ em nhìn theo/ con bướm vàng/ con bướm vàng”. Ở đây,
những câu thơ đầu là tả thực, thì mấy câu kết “em nhìn theo/ con bướm vàng/ con bướm vàng” đã là ảo rồi. Nhờ mấy
câu kết này, bài thơ chuyển thành hư ảo, không sa kể lể tầm thường. Mỗi khi đọc
bài thơ này, tôi lại liên tưởng đến một bài thơ khác của Trung Quốc. Chuyện
rằng, vua Càn Long nhà Thanh trong một lần du xuân vãng cảnh cùng quần thần,
thấy những cánh hoa đào mỏng manh rơi rụng tơi bời xuống cỏ xanh rồi bị gió
cuốn bay đi mất, đã tức cảnh làm thơ “Một
cánh/ hai cảnh/ rồi ba cánh/ bốn cánh/ năm cánh/ sáu, bảy cánh/ rơi xuống cỏ
xanh/ bay mất tăm...”. Trong khi cả đám quần thần tung hô khen hay thì một
đại quan thưa rằng: “Thơ của bệ hạ giống
như đám dân chài lưới ở quê thần cùng hò nhau kéo lưới vậy...”. Cả đám quần
thần thất kinh và vua Càn Long thì cụt hứng tỏ vẻ bực tức thì vị quan ấy thẽ
thọt: “Mấy câu thơ đầu, đếm một hai ba
bốn năm sáu bảy ấy thì giống hệt dân chài quê thần đếm hò dồn sức kéo lưới,...
nhưng hai câu kết rơi xuống cỏ xanh/ bay
mất tăm thì thật thần kỳ, khiến cả bài thơ không những thoát khỏi hệ đếm
tầm thường thô tục, mà còn làm bài thơ thanh thoát, hư ảo, chẳng khác gì chắp
cánh cho bài thơ bay vút lên”. Lúc ấy, vua tôi cùng òa lên vui sướng. Người
làm thơ tài tình thay, song người bình còn tài tình hơn.
Bài thơ Chiếc
ngõ nhỏ, là một bài thơ rõ nét quan hệ Động-Tĩnh. Gần như bài thơ là sự kể chuyện, tác giả vẽ lên các bức
tranh tĩnh vật, nhưng chỉ vài câu thơ, mở đầu “Chiếc ngõ nhỏ/ thở trong đêm/ ông trăng lên/ cười trong lá” và câu
kết “Chiếc ngõ nhỏ/ ở lại nhà”, vậy
thôi mà các bức tranh tĩnh vật sống dậy, hoạt động, như con người. Ở đây, tác
giả còn dùng phép nhân cách hóa.
Bài thơ Gà
con liếp nhiếp là một bài thơ thực-ảo.
Tác giả tả cảnh đàn gà con ngoài sân lây lội, mải tìm sâu, trời mưa phùn không ướt
cánh, ướt đầu…Nếu chỉ vậy thôi thì đơn thuần là một bài văn tả cảnh thực, nhưng
tài tình thay, hai câu kết “Đôi mắt tròn
trong như hai giọt nước/ hai giọt nước
không bao giờ khô được” thì bài thơ như được phù phép, hồn cốt, ảo
diệu và rất chi ám ảnh.
Bài thơ Chọc
ếch là một bài thơ ngắn nhưng có đủ quan hệ động-tĩnh, thực - ảo, chỉ
bởi hai câu “Giỏ không thoắt đã đựng đầy tiếng kêu/ râm ran tỏa một buổi chiều”
Hay như bài thơ Trăng
sáng sân nhà em, một bài thơ mà Trần Đăng Khoa đã thú nhận với nhà thơ
Vũ Quần Phương như tôi đã nói ở phần đầu, là chẳng thể nào viết lại được như
thế. Ở đây ta thấy rõ quan hệ động-tĩnh,
thực-ảo. Tác giả không tả trăng sáng
đẹp như thế nào, mà chuyển quan sát sang những vật thể trong ánh trăng như cái
sân, cái cây, con chim, con sâu...Câu thơ được lặp đi lặp lại “Ơi ông trăng sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em…” khiến cảnh sắc tĩnh mà động, thực mà
ảo, không có gì mà lại có gì... Tài tình là vậy!
Bài thơ Nửa
đêm tỉnh giấc cũng là một bài thơ điển hình dạng thức Động-Tĩnh, Thực-Ảo. Mỗi khổ thơ là một
bức tranh, nhưng chúng chỉ là tranh tĩnh vật nếu như không có những câu thơ
chuyển trạng thái như: “nghe tiếng sương
đọng mật”, “há miệng đòi uống sương”,
“loáng vỡ ánh trăng vàng”, và đặc biết
câu kết “Một tiếng gì không rõ/ xôn xao
cả đất trời” làm bài thơ không chỉ đơn thuần là bức tranh sống động cảnh
nông thôn bình thường mà nâng tầm lên một cái gì đó to lớn hơn, trải ra mênh
mông, khiến người ta phải mường tượng, liên tưởng, nghĩ mãi không thôi.
Hay nữa, bài thơ Bên
sông Kinh Thầy, dạng thức Động-Tĩnh, Thực-Ảo cũng rất rõ. Cả bài
là quang cảnh làng quê ven sông với cây cối lúa ngô, nhà cửa, bác chài buông
câu, cá nhảy, sinh động đấy, song cũng chẳng là gì nếu thiếu hai câu kết, khiến
người ta phải suy nghĩ “Ôi cánh buồm bé
nhỏ/ biết bay về nơi đâu?”...
Bài thơ Đêm
Côn Sơn, ngưới ta nói và khen nhiều câu thơ “Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”.
Đành rằng thế, đã tinh tế lắm rồi, nhưng chưa đủ, vẫn là câu thơ tả chân. Song
“Ngang trời kêu một tiếng chuông/ Rừng
xưa nổi gió, suối tuôn ào ào” thì Thực đã thành Ảo rồi, và bầu không ảo diệu ấy bao trùm tạo nên sự linh thiêng như
hồn Nguyễn Trãi hiện về. Để rồi trở lại trạng thái thực với câu kết “Ngoài kia nòng pháo ướt đầm sương khuya...”.
Thực đấy mà vẫn như ảo. Theo tôi, đây là bài thơ toàn bích về nghệ thuật chuyển
trạng thái động-tĩnh, thực-ảo và thêm
nữa có câu thơ cất cánh.
Bài thơ Đồng
chiều cũng là một bài toàn bích điển hình của dạng thức này: “Mặt trời chìm cuối đồng xa/ Sương lên mờ mịt
như là khói bay/ Đất trời cách một gang mây/ Và tôi liền với luống cày tỏa
hương”. Chỉ bốn câu lục bát thôi mà cảnh vật, con người, với sắc màu, hương
vị, trạng thái tan hòa vào nhau, tôn nhau lên rồi lan tỏa mênh mang, chẳng rõ
thực ảo. Sự ảo diệu của thi ca là đây!
Nữa, bài thơ Đồng
quê, thực ảo xen lẫn, đan cài như người đan lóng mốt, làm nên một quang
cảnh làng quê mộng mị: “Làng quê lúa gặt
xong rồi/ Mây hong trên gốc rạ phơi trắng đồng/ Chiều lên lặng ngắt bầu không/ Trâu
ai no cỏ thả rông bên trời/ Hơi thu đã
chạm mặt người/ Bạch đàn đôi ngọn đứng soi xanh đầm/ Luống cày còn thở sủi tăm/
Sương buông cho đồng hoang nằm chiêm bao/ Có con châu chấu phương nào/ Buâng
khuâng nhớ lúa đậu vào áo em”. Thơ lục bát cặp đôi, nếu câu sáu thực thì
câu tám ảo, và câu sáu ảo thì câu tám lại thực. Cứ vậy, liên tiếp, không thể bỏ
một từ nào. Đọc xong, muốn đọc lại, đọc một hồi, mụ mị người, như lạc lối không
biết đường ra. Riêng mình, tôi từng ao ước viết được bài thơ như thế!...
Còn nhiều lắm bài
thơ thuộc dạng thức này, như: Góc sân và khoảng trời, Tiếng
chim kêu, Ò ó o, Chớm thu, Tiếng chim chích chòe,
Tiếng võng kêu, Trăng ơi từ đâu đến, Mưa,
Hoa dại, Ghi ở ao nhà, Trong sương sớm, Mưa xuân, Con
mắt, Cơn dông, Hoa bưởi ...v.v...
Và những bài thơ sau này ở thời kỳ
trưởng thành, khi nhà thơ tham gia chiến trường Campuchia, đi Trường Sa và cả
những bài thơ viết ở nước Nga, (Về làng, Hoa xương rồng, Thơ
tình người lính biển, Ghi ở đảo chìm, Trăng Matxcơva, Qua
Borodino, Qua Suzdan, Đêm Nga, Chiều Riazan, Matxcova,
mùa đông năm 1990, Uống rượu với người bạn Nga, Hoa
Lư, Thưởng trà, Không đề, Trái đất quay, Với
bạn, Đỉnh núi, Ở nghĩa trang Văn Điển, Gửi bác Trần Nhuận Minh v.v…).
Hay đâu, bài thơ ngắn mới nhất của Trần Đăng Khoa đăng báo Văn nghệ số tết Nhâm Dần 2022:
“Mẹ cha thành nỗi nhớ thương/ Anh em nằm
lại chiến trường thẳm xa/ Bây giờ bầu bạn cùng ta/ Chỉ còn một mảnh trăng tà
ngoài hiên” (Về quê) cũng thuộc dạng thức này. Chỉ vỏn vẻn 4 câu thôi mà nhà
thơ nói được hành trạng các mối quan hệ
lớn của gia đình và xã hội, cha mẹ, anh em bạn bè, đồng đội như hàng thế kỷ
trôi qua.
Có một điều không
khó nhận thấy, nhất quán và xuyên suốt toàn bộ thơ ca Trần Đăng Khoa, dạng thức Động-tĩnh, Thực Ảo là dạng thức chủ đạo
làm nên không gian thơ ông. Cũng giống như truyện ngắn, tiểu thuyết, nói chung
mỗi bài thơ phải có một không gian để nó tồn tại. Trần Đăng Khoa là người rất
giỏi trong nghệ thuật tạo dựng không gian truyện. Ông đã thể hiện tài năng này
trong tiểu thuyết Đảo chìm. (Tiểu luận“Đảo
chìm, nghệ thuật tạo dựng không gian truyện”,- NCN) Thế nên, ngay từ
buổi đầu sáng tác, mỗi bài thơ của Trần Đăng Khoa đều sống trong một không gian
của riêng mình mà tác giả tạo cho nó. Và trong không gian ấy, tác giả tha hồ kể
chuyện, vẽ vời bằng ngôn từ với màu sắc, thanh âm, nhịp điệu phù hợp. Điều này
cũng lý giải, tại sao, ta bắt gặp vô vàn những bài thơ của người này người nọ, khi
nghe đọc bằng âm thấy rổn rảng, leng keng đấy, nhưng tãi ra thành chữ trên mặt
giấy, đọc bằng mắt thì phẳng lì, dẹt đe đe, nhạt nhẽo, chẳng đọng lại chút gì, là
bởi nó không có không gian sống, mà không có chỗ sống thì bài thơ chỉ là đám
xác chữ, không hồn vía, như chết vậy.
Trần Đăng Khoa thì khác, bài nào của ông
cũng có không gian tồn tại. Hầu như, mỗi bài thơ không đơn thuần xuất phát từ
cảm xúc nhất thời mà ở đấy, Trần Đăng Khoa đều kể một câu chuyện, có cốt truyện
vậy, hoặc nói một điều gì đó ý thức rõ ràng, nên ngôn ngữ, nhạc điệu là thơ
nhưng không gian của truyện. Với nghệ thuật ngôn từ và tạo dựng không gian sống
như vậy, người ta thầy được các nhân vật, con vật, đồ vật trong thơ Trần Đăng
Khoa đều có thân phận... Thơ Trần Đăng Khoa vừa đằm vừa gợi, đằm bởi chất
truyện, gợi bởi ý tứ, ngôn từ của thơ. Theo tôi, đấy cũng là lý do để các bài
thơ của Trần Đăng Khoa sống mãi cùng thời gian. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên
mà những bài thơ ông viết từ năm, sáu mươi năm trước đến nay vẫn được bạn đọc
yêu quý đón nhận... Bằng chứng là các tác phẩm thơ ca của Trần Đăng Khoa liên
tục được tái bản và hiện bán rất chạy...
Thi pháp ngôn ngữ thơ trong không gian của
truyện ít gặp ở Việt Nam, Điểm lại, xưa có các cụ Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm,
thời hiện đại có nhà thơ Tố Hữu với một số bài thơ cụ thể (Tiếng hát Sông Hương, Con cá chột nưa, Việt Bắc, Bầm ơi, Mẹ Tơm, Sáng
tháng Năm, Nước non ngàn dặm ,...), nhà thơ Hoàng Cầm với Bên kia sông Đuống, và nhà thơ Hữu Loaan với Màu tím hoa sim, Đèo Cả; sau nữa, ít nhiều, là nhà thơ Trần
Nhuận Minh. Lẽ dĩ nhiên, Trần Đăng Khoa là nhà thơ tiêu biểu, điển hình của thi
pháp này, gần như toàn bộ, xuyên suốt sự nghiệp thơ ca của mình, từ bài thơ
ngắn đến trường ca. Tôi nghĩ, thế
giới thi ca Trần Đăng Khoa hiện thưc mà ảo diệu và làm nên điều kỳ diệu
này, chính là thi pháp “ngôn ngữ thơ
trong không gian truyện”.
*
Nhân cánh hóa, thủ pháp hoán vị, lối đồng dao cũng là phương pháp được nhà thơ Trần
Đăng Khoa sử dụng thường xuyên. Bài thơ Côn Sơn là bài điển hình về thủ
pháp hoán vị: “Sáng đứng đỉnh Côn
Sơn/ Hương đồng thơm trong túi/ Chiều xay thóc góc nhà/ Tóc lại bay gió núi”.
Ở đây, nếu đứng trên đỉnh núi mà tóc bay gió núi và xay thóc góc nhà mà hương
đồng thơm trong túi thì bài thơ hết sức bình thường. Thủ pháp hoán
vị đã tạo nên khác lạ và nó đem đến sự thú vị, khiến người ta mặc sức
liên tưởng...
Hay đâu, trong
bài thơ Tiếng chim chích chòe, nhà thơ cũng sử dụng thủ
pháp hoán vị này, khi viết “Cánh đồng
vui reo/ Gió đồng rộng rãi”. Đúng ra, phải là cánh đồng rộng rãi/ gió đồng vui reo, nhưng viết vậy thì quá bình
thường. Ở đậy, sự hoán đổi tạo ra hiệu ứng lạ nên thú vị làm sao.
Cũng vậy, lối đồng dao, vận dụng
ca dao, tục ngữ, ví von, so
sánh và phép nhân cách hóa,
khá phổ biến trong thơ Trần Đăng Khoa. Hầu như mọi cảnh vật được tả trong thơ
đều được nhân cách hóa, mang tính
cách của con người, nhờ thế mà tác giả mặc sức kể chuyện, đối thoại, gán ghép,
xoay vần, sắp đặt, cực kỳ sinh động. Ở đây, con người dường như là nhân vật
phụ, song lại là nhân vật chính ẩn mình điều khiển... (Con chim hay hót, Máy
cày xình xịch, Đám ma bác giun, Đánh
tam cúc, Con trâu đen lông mượt, Đánh thức trầu, Tiếng trống làng, Con
trâu đen lông mượt, Nói chuyện với con gà mái, Sao
không về vàng ơi, vv ).
Bài thơ Kể cho bé nghe là bài
điển hình về phép sử dụng lối đồng dao, bắt đầu bắt cuối để quay trở lại, thú
vị, hóm hỉnh, dễ thuộc dễ nhớ: “Hay nói
ầm ĩ/ là con vịt bầu/ hay hỏi đâu đâu/ là con chó vện/... Ríu ran cành khế/ là
cậu chích chòe/ hay mua xập xòe/ là cô chim trĩ.” Bài thơ này, mãi về sau,
Trần Đăng Khoa có cắt bớt, sửa lại đôi chút như văn bản hiện nay, cho hợp thời
cuộc, nhưng vẫn giữ phong vị cũ...
Bài thơ Em kể chuyện này, lại là
bài điển hình về vận dụng tục ngữ. Người Việt mình có câu tục ngữ “Ghét như xúc đất đổ đi”, Trần Đăng Khoa
đã vận dụng rất tài để viết nên những câu thơ “Giặc Mỹ bị bắn rơi xuống cánh đồng làng ta/ các chú dân quân dong nó đi
xa/ còn lại dấu chân nó in trên cát/ những dấu chân/ trông vào nhức mắt/ các
bạn đã đào đổ xuống ao sâu”, sau khi kể chuyện máy bay Mỹ rơi, phi công Mỹ
nhảy dù xuống cánh đồng làng bị dân làng vây bắt. Đây cũng là đoạn thơ có sức
nặng nhất trong bài thơ khá dài này.
Bài thơ Em dâng cô một vòng hoa,
câu thơ “Trăng suông sáng cả đêm rằm/ Nhịp
cầu vá vội ầm ầm xe qua” là một câu thơ tài tình. Câu sáu là câu thơ vận dụng
ca dao thì câu tám lại là một câu thơ tả thực thời chiến tranh. Để tránh máy
bay Mỹ ném bom phá hoại, người ta đã biết cách lợi dụng đêm trăng suông để sửa
chữa cầu đường cho xe qua. Những đêm trời như thế, người làm đường không cần
phải đèn đuốc vẫn đủ ánh sáng để làm việc mà máy bay Mỹ trên cao cũng thể phát
hiện được mục tiêu bên dười mà đánh phá. Cái quan trọng, hai câu thơ này đã làm
bài thơ có tính thời sự, lại kết gắn chuyện cũ thời anh hùng Mạc Thị Bưởi chống
Pháp với chuyện thời nay chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ.
Ở bài thơ Hạt gạo làng ta, có câu
thơ ví von so sánh rất độc đáo, ấy là “Những
năm băng đạn/ vàng như lúa đồng”, nhà thơ đã ví von băng đạn pháo súng bắn
máy bay Mỹ với bông lúa chín vàng trên đồng làng, vừa so sánh về hình thể, màu
sắc, và so sánh cả về ý nghĩa, một bên là vũ khí biểu hiện của chiến tranh chết
chóc, một bên là lúa gạo biểu hiện của hòa bình ấm no... Nhân đây, tôi cũng nói
giùm nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhằm cải chính lời thơ bị hát sai trong ca khúc
cùng tên được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc. Cả bài thơ gốc và lời thơ trong
ca khúc Hạt gạo làng ta đều chính xác là “Những năm băng đạn/ vàng nhứ lúa đồng,” nhưng mấy năm gần
đây, không hiểu sao, các ca sĩ biểu diễn đều hát sai lời thơ ấy thành “Những năm bom đạn/ vàng như lúa đồng”.
Ai đời lại đi ví bom đạn với lúa đồng cơ chứ. Thật đáng tiếc. Mong
là các ca sĩ lưu tâm hát đúng lời thơ trong ca khúc này cho cả nhà thơ và nhạc
sĩ nhờ !
*
Những câu thơ cất cánh và phép quy nạp, diễn
dịch
Những
câu thơ cất cánh chỉ là
cách nói, biểu thị một thực trạng phổ biến và xuyên suốt toàn bộ thơ Trần Đăng
Khoa. Ấy là, hầu như bài thơ nào của Trần Đăng Khoa, dù giọng điệu kể chuyện,
thì ít nhất cũng có một vài câu, hoặc có khổ thơ, xuất thần, như chắp cánh cho
cả bài sống động hắn, như vỗ cánh mà bay lên, thoát khỏi sự tầm thường. Tôi
nghĩ, cái tài tình của nhà thơ là ở đấy...
Ví như, bài thơ Tiếng
chim kêu, sau cái sự kể bom đạn làm cây cối, tổ chim tan tác, chim chết
này nọ, bài thơ chốt lại: “Tiếng chim như
lửa cháy/ đốt lòng ta không nguôi”, tạo nên dư âm, ám ảnh, nghĩ ngợi,...
Hay như, bài thơ Ò ó o,
cũng là sự kể lể, nếu như không có cái kết: “Ôi bốn bề/ bát ngát/ tiếng gà/ ò ó o...” thì bài thơ dễ bị chuội
đi, chẳng để lại gì.
Bài thơ Mưa
cũng vậy, mấy câu kết “Bố em đi cày về/
đội sấm/ đội chớp/ đội cả trời mưa” đã làm nên sức đằm mà vẫn gợi của bài
thơ.
Bài thơ Tiếng
chim chích chòe, phần đầu bài thơ là những gì tác giả thấy bằng mắt, có
tả khéo đến đâu thì cũng chẳng có gì đề bàn, nhưng bài thơ kết lại bằng mấy câu
“Nòng pháo bỗng nhiên dừng lại/ bao nhiêu cái mũ lắng nghe// xa xa từ một ngọn
tre/ tiếng chim chích chòe/ đang hót” thì không chỉ bằng mắt bằng tai nữa
rồi, mà là cái sự cảm, nên có sức gợi...
Bài thơ Thôn
xóm vào mùa, sẽ chỉ là một bài tả quang cảnh làng xóm vào mùa gặt đơn
thuần, nếu như thiếu đi hai câu thơ ví von đầy sức liên tưởng “Thóc nở bung như sao/ nhuộm vàng cả trời cao”.
Hay nữa, bài thơ Thả diều,
ở đấy, tác giả tả quang cảnh và cả cách thức chơi diều như thế nào, mà
người ta có thể học được cách thả diều. Như vậy thôi, cũng thú vị đấy, nhưng
bài thơ sẽ nhẹ hều nếu như không có câu kết: “Dây diều em cắm/ bên bờ hố bom...”.
Chưa đầy chục từ, nhưng nó cái cái chốt ghim cả bài thơ không làm nó bay
đi mất,...
Bài thơ Buổi
sáng sân nhà em, câu thơ: “Bố em
xách chiếc điếu cày/ Mẹ em tát nước nắng đầy trong khau” là câu thơ chìa
khóa mở ra cả bài.
Bài thơ Em lớn lên rồi, câu thơ: “Nhìn trời, trời bớt
xa xăm/ nhìn mây, mây cách ngang tầm cánh tay” là linh hồn cho cả bài.
Bài thơ Trận
địa bỏ không, sẽ nhẹ tênh, chẳng có gì, nếu thiếu câu thơ ví von tài
tình này “Em nhìn đáy nước trong veo/ máy
bay một mảnh cắm xiêu vỏ hà”.
Bài thơ Cánh đồng làng Điền Trì,
câu thơ kết “Ái chà, con cà cuống/ bỏ
ngay vào ống bơ” ngỡ là câu reo lên một cách hồn nhiên vô tình, nhưng không,
là có dụng ý. Cả bài thơ là quang cảnh cánh đồng với những người làm đồng qua
ngôn ngữ tả thực, thì câu kết vừa thể hiện sự có mặt của chủ thể, vừa làm cho bài
thơ như cựa quậy, sống động hẳn lên, v.v...
Ở bài thơ Gửi
bạn Chi Lê, câu thơ “Ao trường
vẫn nở hoa sen/ bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu” giản dị, tinh tế mà làm nên một vóc dáng, khí
thế Việt
Hay ở bài thơ Mẹ ốm,
câu thơ “Nắng mưa từ những ngày xưa/ lặn
trong đời mẹ đến giờ chưa tan” vừa gợi lại có sức khái quát cao.
Rồi bài thơ Tiếng võng kêu, chỉ mấy
câu “Ba gian nhà nhỏ/ đầy tiếng võng kêu”
bài thơ rất gợi. Tôi nghĩ, mấy câu thơ ấy, sẽ khiến con người ta mang theo
tiếng võng kêu đến suốt đời...
Rất nhiều, rất
nhiều những câu thơ như thế trong toàn bộ thơ ca của Trần Đăng Khoa, từ nhỏ đến
trưởng thành và cho đến tận bây giờ. Nhưng câu thơ ấy, đặt trong văn cảnh từng
bài thơ, nó như một luận điểm trong phép quy
nạp, hoặc diễn dịch theo logic
khoa học. Đây cũng chính là một điểm cơ bản trong thi pháp thơ Trần Đăng Khoa.
Từ những cái cụ thể được mô tả, trình bày trong bài thơ, rốt cuộc, cô đọng,
chốt lại owtr phần kết như thế. Ở một số bài thơ, câu thơ-luận điểm được nêu ngay ở đầu bài, để sau đó tác giả diễn
giải này nọ.
Nếu như trong các
bài thơ lẻ, Trần Đăng Khoa chưa hẳn ý thức về phép quy nap, hay diễn dịch
trong sáng tác của mình, thì ở một tác phẩm dài hơi khác, trường ca Khúc hát
người anh hùng, Trần Đăng Khoa lại rất ý thức và nhất quán trong quá
trình sáng tạo của mình. Toàn bộ trường ca này, thơ thể tự do, giọng điệu kể
chuyện, tùy từng chương, từng khúc, sử dụng phép quy nạp hay diễn dịch, thì mỗi
khổ thơ lục bát là sự chắt lọc, chốt lại, giàu sức liên tưởng, khiến người ta
phải suy ngẫm, vừa là mối liên kết các đoạn, các chương với nhau tạo nên một
chỉnh thể thống nhất. Mỗi khổ thơ ấy như cọc tiêu, tiếp nối, giăng hàng, làm
thay đổi tiết tấu từ giọng điệu kể nhanh làm chậm lại, bớt nhàm, mà lắng đọng,
suy ngẫm,...
Ví như, một số khúc dẫn chứng ở đây
“Đất
hát rằng: Từ đây, từ tiếng chim
này/ Làng quê đẫm máu hẹn ngày vượt
lên/ Máu người như ngọn lửa thiêng/ Ngàn năm sau vẫn cháy trên sắc cờ”.
“Sự lặng im hát rằng: Lặng im của một nhát
dao/ Chém vào đá, giữa trời cao đất dày/ Hỡi ai hát với cỏ cây/ Hồn kêu thành
gió những ngày bão giông”
“Lúa hát rằng: Quê tôi-những cánh rừng
hoang/ chính trong cơn bão đại ngàn-tôi sinh/ Nuôi tôi trong bếp nhà gianh/ Ủ
là một chấm-thổi thành biển khơi”
“Mái nhà gianh hát rằng: Ước mơ từ thuở
ông cha/ Bao năm Đất Nước nghĩ ra Ngọn Cờ/ Con đường đi đến Tự Do/Một mình mà
chẳng bao giờ lẻ loi”.
“Đêm hát rằng: ... Người ta đến lúc hiểm
nghèo/ Hoặc vằng sáng. Hoặc heo hút tàn”
“Sự thật hát rằng:
... Những quân ức hiếp người ta/ Thì đời nó cũng chẳng ra cái gì”
“Cái cột trói hát rằng: ... Sóng sông
thì vỗ vào bờ/ Người trung thì đến bao giờ vẫn trung”.
“Cái cánh cửa hát rằng: Ngày mai cô sẽ hy sinh/ Một mình mình sống một
mình đêm nay/ Một mình với mọi vơi đầy/ Mọi
buồn vui, mọi tháng ngày-một đêm”
“Cái bậc cửa hát rằng: Ngày mai lửa sẽ
thiêu đồn/ Tôi còn nền cũ thì còn mọc
lên/ Cái còn thì vẫn còn nguyên/ Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan”
“Máu hát rằng: Có đi qua những chiến
tranh/ Máu người đổ xuống mới thành núi sông/ Đẹp sao dòng máu anh hùng/ Lại từ
sông núi chảy trong tim người”
“Chiến dịch lớn hát rằng: Một lần gió
nổi bên sông/ Mà xanh lại sắc tươi trong ngàn đời/ Mỗi khi vật đổi, sao dời/
Lại nghe trong đất máu người ngân vang”
Thiết tưởng, cái kết cho Khúc hát người anh hùng, ở khúc vô cùng, chằng cần chi phải triết
lý đao to búa lớn, chỉ giản dị, gần gũi, thân thương như thế này: “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa
nắng mà thành quê hương/ Bóng cau vẫn ngả ngang vườn/ Lá tre gió vẫn thổi vương ngõ ngoài...”,
Quả là, mỗi khúc hát như nêu ra một chân
lý hiển nhiên ở đời. Quan trọng, những khúc hát ấy đều là những câu thơ hay, chắp
cánh cho trường ca Khúc hát người anh hùng bay lên mang theo cả sức nặng của nó.
Ấy cũng là cái tài riêng của Trần Đăng Khoa.
*
Nhà thơ Trần Đăng Khoa là một người giỏi
dùng từ và rất cẩn trọng về câu chữ. Ông biên tập, sửa câu chữ, sửa thơ cho ai
thì người đó đều nể phục. Cho đến giờ, nhiều bài thơ làm từ ngày nhỏ, giờ ông
vẫn sửa lại khi tìm được từ hay hơn. Ông sẵn sàng cắt bỏ cả đoạn, cả khổ thơ
nếu thấy dở, thây ấu trĩ. Hầu như, mỗi lần tái bản, bạn đọc có thể tìm thấy ở
văn bản mới nhất có những từ, những câu khác với văn bản cũ,...
Thú vị, tôi nhiều lần nghe Trần Đăng
Khoa đọc vanh vách nhiều bài thơ được ông làm từ thiếu thời, mà không có trong
bất kỳ tập thơ nào của ông. Đọc rồi ông toét miệng cười tự chê: “Dở và ngô nghê nhỉ”. Ông bảo, ngày ấy, đã
dám vứt đi hàng loạt bài mà tự cho là dở, để có tập “Góc sân và khoảng trời”
tinh như vậy. Ở tập thơ này, giờ đây, mạnh tay thì cũng có thể bỏ đi một số
bài, hoặc lược bớt thì mới đạt tới độ tinh túy, nhưng mà, cái gì cũng có tính
lịch sử của nó, không thể tùy tiện được,..
*
Nhà thơ Trần Đăng Khoa rất quan tâm đến
câu chuyện đằng sau mỗi bài thơ của mình. Tình huống, thời điểm, chuyện liên
quan đến sự ra đời của bài thơ và cả dư âm của nó trong đời sống. Tóm lại là
toàn bộ đời sống của mỗi bài thơ. Điều đó cho thấy, ông ý thức về tính toàn vẹn
và vĩnh cửu của thơ mình. Ngoài tập sách Hầu chuyện thường đế thì trong các
tuyển thơ tái bản sau này, Trần Đăng Khoa đều cài vào đó những câu chuyện đằng
sau bài thơ.
Quả thật, nhiều
câu chuyện xung quanh bài thơ khá thú vị. Đôi khi, nó còn thú vị hơn chính bản
thân bài thơ. Bạn đọc, người yêu thơ nói chung thích thế. Riêng tôi, ở mức độ
nào đó, chấp nhận được, song tôi vẫn thích bài thơ mang sự bí ẩn của mình, như
thế, nó sẽ thu hút hơn. Ở đời, không phải cái gì cũng chẻ hoe ra được. Sự bí ẩn
làm nên lực hấp dẫn cho bài thơ!...
*
Nhân đây, tôi bàn thêm về
nhuận bút thơ.
Giờ đây, chẳng ai
làm thơ để lấy nhuận bút cả. Các nhà thơ, có thơ in báo, nhuận bút rẻ bèo, hoặc
chẳng buồn lấy nhuận bút nữa, thậm chí tốn thêm tiền để khao bạn bè, người thân
vì có thơ đăng báo. Lâu lâu, gom bài in thành tập thì tốn hàng chục triệu đồng,
để rồi tặng không cho người quen, người ta nể mà nhận, nhưng không ít người đùa
rằng “gặp nhau tay bắt mặt mừng/ tặng gì
thì tặng xin đừng tặng thơ”…Thật thế...
Ấy vậy, mấy chục
năm trước, nhuận bút thơ khá cao đấy. Cứ chuyện của tôi mà suy. Năm 1978, khi
đang là sinh viên đại học, tôi có bài thơ đăng báo Văn Nghệ (bài thơ Núi
Đôi buổi sáng, số 789 ra ngày 16-12-1978).
Nhuận bút gửi tận nơi, 18 đồng, bằng số tiền học bổng đại học một tháng của tôi…
nghĩa là nhuận bút ấy đủ nuôi sống tôi một tháng cơ đấy.
Vậy nên, có lần,
ngồi chuyện phiếm với nhau, tôi đã hỏi nhà thơ Trần Đăng Khoa, lấy nhuận bút
thơ mình mà phỏng đoán, rằng ngày ấy chắc nhuận bút của thần đồng thơ khá
nhiều, có thể thêm thắt đỡ cho bố mẹ đồng ra đồng vào, giảm bớt khó khăn vì đời
sống gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào nghề nông qua HTX nông nghiệp. Ông toét
miệng cười : “Làm gì có nhuận bút mà giúp
đỡ bố mẹ...”. Sao thế? Trần Đăng Khoa bảo, ngày ấy cấp trên chủ trương để
hồn thơ thần đồng thêm bay bổng, không thể định giá trị bằng tiền bạc, với lại,
trả tiền cho trẻ con dễ làm nó hư đi, thế nên hầu như các báo cứ đăng thơ Khoa đều
đều mà không cần trả nhuận bút. Có một số tờ báo quan tâm thì trả bằng hiện
vật. Ông kể, có tờ báo nọ đăng nhiều thơ của ông, rồi trả bằng cái chăn bông, giữa
mùa hè nóng bức thì họ cho người đèo xe đạp mang chăn bông đến nhà trả thay
nhuận bút. Nữa, người ta hay lựa chọn cách trả nhuận bút thơ Khoa bằng cặp
sách. Chẳng thế mà Khoa có tới hàng trăm chiếc cặp sách. Bản thân và anh em trong
nhà dùng chỉ vài ba chiếc là đủ. Chứ thừa ra cả đống như thế, bán thì chẳng
được, cho cũng khổ. Cực chẳng đã, câu bé thần đồng mang dần cho, tặng người
làng, bạn bè ở trường, nhờ người ta dùng hộ kẻo phí. Đại khái, nhiều chuyện
buồn cười lắm. Tôi đùa Trần Đăng Khoa: “Có
lẽ họ nghĩ thế cũng đúng. Nếu ngày ấy, bài nào cũng trả nhuận bút bằng tiền cả,
có lẽ cậu bé Khoa sẽ ham tiền mà sáng tác ào ào, mỗi ngày dăm bảy bài thơ, thì
không khéo đến giờ thơ ông chất thành núi, mà toàn bài dở cũng nên,...” . Ông
cười ngỏn nghẻn, không hẳn đồng tình mà cũng chẳng phản đối. Nhớ lại những lúc
vui, ông đọc nhiều bài thơ làm từ thiếu thời mà cho là dở, bỏ đi, đủ thấy, dù
có thần đồng thì người ta cũng có lúc
dở hơi (kiểu như nhà bác học Niu-tơn từng
khoét hai cái lỗ to nhỏ, một cho chó một cho mèo chui).
Thực ra, ngày ấy
Trần Đăng Khoa thiệt thòi chút về nhuận bút cũng đáng kể gì. Lộc trời, lộc đời,
lộc người rốt cùng cũng đền đáp ông, tuy chậm nhưng khá đầy đặn. Nhờ sớm thành
danh cộng thêm văn tài thực lực mà vài chục năm qua, Trần Đăng Khoa không bị
chìm đi hoăc mất tăm như mấy nhà thơ thiếu nhi khác cũng từng được xem như thần đồng trong tao đàn thơ thiếu nhi cùng
thời với ông ngày ấy... Và cho đến tận
giờ, Trần Đăng Khoa vẫn có nguồn thu khá ổn định từ những sáng tác của mình. Trong
khi các nhà thơ, nhà văn đương thời, phần đông phải bỏ tiền túi ra in sách và
tự phát hành (phần lớn là tặng), thì
sách của Trần Đăng Khoa hàng năm vẫn được các Nhà sách, Nhà xuất bản liên tục
tái bản, nối bản (Góc sân và khoảng trời, Tuyển thơ Trần Đăng Khoa, Chân
dung và đối thoại, Đảo chìm Trường Sa, Hầu
chuyện thượng đế) và theo đó tiền bản quyền hàng năm không thật nhiều
nhưng khá đều đặn. Đó là còn chưa kể,
Trần Đăng Khoa tỏ ra có tài và rất đắt khách những nơi mời ông đến nói chuyện
theo chủ đề, bắt nguồn từ chuyện thơ văn của ông. Xưa thiệt nay bù, cũng công
bằng thôi.
*
Thiết nghĩ, nên đề cập đôi chút về tài ứng
tác thơ của Trần Đăng Khoa. Đây cũng là cái tài của ông, không hẳn riêng có,
song quả thật cũng là hiếm có.
Cứ theo lời kể
của nhà thơ Trần Đăng Khoa, tài ứng tác sớm phát lộ và từng được rèn luyện từ
khi ông còn nhỏ. Ông cho biết, nhiều bài thơ trong tập Góc sân và khoảng trời là
ứng tác. Ngày ấy. nhiều người, nhất là các nhà quản lý văn nghệ, các nhà thơ,
nhà văn nổi tiếng, các nhà báo ở trung ương chưa hẳn tin Trần Đăng Khoa có tài
làm thơ thật, nên họ về tận nhà, mục sở
thị bằng cách ra đề tài này nọ rồi bắt Khoa ứng tác tại chỗ nhằm thử tài
cậu bé. Đề tài thử tài thơ cậu bé vô cùng phong phú, từ cây cối, đồ vật, con
vật, tình huống này nọ, bất kể cái gì cũng được mang ra làm đề tài. Thực tế, có
nhiều bài thơ Khoa ứng tác đáp ứng hoặc viết theo đặt hàng của báo này, báo nọ,
ông nọ bà kia mà thành. Ví như, các bài Vuờn
em, Sao không về Vàng ơi, Cái
sân, Cây dừa... là những bài như thế.
Đấy là chưa kể,
nhà thơ Trần Đăng Khoa có hàng trăm bài thơ ngắn ứng tác, kiểu xuất khẩu thành thi, khá hóm hỉnh, hài
hước... Đầu năm 1975, khi học chung với nhau ở Lớp bồi dưỡng học sinh giỏi văn
lớp 10 (hệ 10/10) của tỉnh Hải Hưng, tham dự kỳ thi học sinh giỏi môn Văn toàn
miền Bắc (trước giải phóng miền Nam), tôi lần đầu chứng kiến tài ứng tác
của Trần Đăng Khoa khi nhóm học sinh chúng tôi trêu đùa nhau, ra đầu đề và bắt
Khoa ứng tác tại chỗ. Chỉ vài phút, Khoa đọc ngay một bài thơ tả quang cảnh lúc
trời sắp mưa, mà khi ghép các chữ cái
đầu câu đúng y với yêu cầu đề ra, thơ hay, hóm hỉnh, tinh nghịch kiểu học trò. Tôi
còn thuộc bài thơ ấy, nhưng xin phép không chép ra đây. Sau này, tôi còn chứng
kiến nhiều lần Trần Đăng Khoa ứng tác trêu đùa, bông lơn người này kẻ nọ trong
những lúc trà dư tửu hậu, phiếm đàm nơi công sở.
Biết đâu, đến một ngày đẹp trời nào đó,
ông nổi hứng tập hợp thành tập, kể cũng thú vị đây!
Tháng 3- 2022.
.
Nhận xét
Đăng nhận xét