@@@
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành.
Nhà văn Nguyễn Chu Nhạc, thuở phổ thông giỏi văn nhưng lại thi vào Đại học Nông nghiệp. Trai phố nhưng lại thích làm nông, mà làm nông tận vựa lúa An Giang mới ghê. Ông bước vào “làng văn” cũng không muộn, những năm 80 của thế kỷ trước đã in tản văn, năm 1993 xuất bản tập truyện ngắn “Đêm nguyệt thực”. Túc tắc, từ đó đến nay, ông đã công bố 25 tác phẩm, đủ thể loại.
Gọi Nguyễn Chu Nhạc là nhà văn, có lẽ không “khách khí”. Trong 25 tác phẩm, có 16 tác phẩm văn chương, chiếm 64%, trong đó có 5 tập truyện ngắn, còn lại là tản văn và phê bình văn học. Gọi ông là nhà thơ cũng “không oan”, vào Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên ngành thơ, theo “tiêu chuẩn cứng” chỉ cần tác giả đã có 2 tập (tất nhiên là chất lượng); trong khi Nguyễn Chu Nhạc đã có 9 tập thơ, chiếm 36% trong “gia tài” văn chương, đến hiện nay.
“Xương rồng khô đã lên xanh”, năm 2019 và “Trường ca Nguyễn Chu Nhạc”, năm 2021 là hai tác phẩm thơ và trường ca mới nhất.
Cuộc đời làm báo, lại là cơ quan báo của Chính phủ, ban cho Nguyễn Chu Nhạc một “ân sủng”, được đi nhiều nơi. Chả thế mà, trong “gia tài” của ông có nhiều bút ký, du ký. “Lối thu” là tập du ký, ông xuất bản năm 2017. Du ký hay bút ký thực chất là thể loại văn học ký, phải đi nhiều mới viết được. Tất nhiên, tương đối. Phùng Quán xưa khi viết tác phẩm đầu tay “Vượt Côn Đảo”, năm 1954, ông đã bao giờ đến đâu.
Đọc “Xương rồng khô đã lên xanh” càng biết Nguyễn Chu Nhạc đã lặn lội đến nhiều nơi. Ông viết từ Hà Nội, với “Cây bồ đề cổng chùa Quán Sứ”, lên Tây Bắc với “Mỗi phút xao lòng với Tây Bắc”, “Tây Bắc những ngày ngâu tháng bảy”, xuống Đông Bắc với “Hoàng hôn Yên Tử”, vào Nam Bộ với “Hoài niệm Cửu Long Giang”, “Nhớ miền Tây”, “Cần Thơ chiều vắng mưa giăng”, rồi lại ngược ra với miền Trung với “Lại về với miền Trung”...
Nguyễn Chu Nhạc là người lãng đãng. Sau chiếc mục kỉnh đến mấy độ lão là đôi mắt xanh non của mơ màng. Chả thế mà, ngồi ở Hà Nội, ông “Nhớ bạn thành Vinh”, co ro trong mùa đông ông mơ hồ “Nghe đâu gió mùa cũng tới Nam” và “Nhớ núi”. Chỉ riêng mơ màng, đã là “đặc hữu” của tâm hồn thi sỹ.
Lăn lộn trên đường đời, đường trần đến “tuổi tôi” Nguyễn Chu Nhạc, hẳn nhiên trong thơ bao giờ cũng chở đầy chiêm nghiệm. Đọc “Xương rồng khô đã lên xanh” thấy một Nguyễn Chu Nhạc duy lý trong trái tim duy tình.
...
Đời người ta mấy con sào
Cuộc tình chỉ giấc chiêm bao thôi mà
(Bên bến thời gian)
...
Mấy ai dò được nhân tâm
Làm sao để biết đâu mầm gian ngoan
Vẫn là miệng lưỡi thế gian
Tự ta vững bước trên bàn chân ta
(Biết mình còn phải biết người)
...
Quẩn quanh vẫn mấy con đò
Lòng người thăm thẳm ai đo được nào
(Cần Thơ chiều vắng mưa giăng)
Đọc thơ Nguyễn Chu Nhạc thấy tâm hồn ông trĩu nặng một tình yêu quê hương, đất nước. Cuộc đời ông có những năm tháng gắn với đồng bằng sông Cửu Long. Nặng tình với châu thổ, cho đến bây giờ vẫn không nguôi thổn thức:
Chớp mắt ba phần tư thế kỷ
Từ tóc xanh nay bạc nửa mái đầu
Cửu Long vẫn dạt dào sóng nước
Cần mẫn ngày đêm nuôi đất mỡ màu
Thời trai trẻ ôm đầy khao khát
Lòng chứa chan hoài bão đường xa
Chân vạn dặm đến vùng đất mới
Sá chi đâu khi phải xa nhà
(Hoài niệm Cửu Long giang)
Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” có hai câu thơ nằm lòng mọi người: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!". Quả thật. Trong đời ai chẳng từng sống ở những mảnh đất, qua những miền quê, nhất là những cán bộ kháng chiến. Những năm tháng sống với các miền đất ấy, chính là những quãng đời của chúng ta. Những quãng đời ấy nối tiếp nhau dệt thành cuộc đời mỗi con người.
Nghe đâu gió mùa cũng tới Năm
Gửi chút heo may chút sẽ sang
Đến tận chân trời heo hút ấy
Ta người chung một nỗi đa mang...
(Nghe đâu gió mùa cũng tới Nam)
Gió mùa thổi bùng lên “mùa cảm xúc” trong tâm hồn nhà thơ. Hẳn nhiên, đó phải là người biết trân quý, nâng niu ký ức.
Ngoài “ân huệ” của trời đất, Nguyễn Chu Nhạc còn sở hữu nỗi buồn. Buồn là vẻ đẹp của thi sỹ. Nhìn đâu cũng thấy buồn. Cái buồn ở đây, không phải “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” như cụ Nguyễn Du triết luận trong Truyện Kiều mà dường như nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn thời cuộc xâm lấn, “thai nghén” nên trái tim nhà thơ? “Bên ngoài cửa sổ mưa ngâu / Bên trong có một nỗi đau dịu dàng”, (Bên ngoài cửa sổ mưa ngâu). Nhiều khi đau mà thành bất lực, vô giác: “Thấm nhân gian những khóc cười / Bao mùa thay lá rụng rơi chẳng màng”, (Cây bồ đề cổng chùa Quán Sứ).
“Trường ca Nguyễn Chu Nhạc” gồm 5 trường ca: “Đất nước nơi đầu núi”, “Thu mùa sinh tôi”, “Bảy Núi miền ký ức”, “Con sông tuổi thơ tôi”, “Tây Bắc thương nhớ”. Trường ca là thể loại “thơ dài”, khác biệt về cấu trúc, đầy tính tự sự và chuyển tải những tư tưởng thơ lớn. “mùa tôi sinh / khi sông Hồng mùa lũ / mẹ tôi đau / đẻ tôi / cha tôi mừng / tôi có / hình hài tôi / hiện diện cõi đời này / tôi làm thơ / như một lẽ / đắng cay / khổ ải”, (Thu mùa sinh tôi). Ông xác tín “Nỗi đau còn tươi mới”...”những vấp váp / cuộc đời / còn ở phía tương lai”, (Thu mùa sinh tôi).
Nếu như “Thu, mùa sinh tôi” và “Con sông tuổi thơ tôi”, đong đầy tự sự; thì “Đất nước nơi đầu núi”, “Tây Bắc thương nhớ”, “Bảy Núi miền ký ức” là ba trường ca về quê hương, đất nước. Nếu như “Đất nước nơi đầu núi” viết về quê hương Hà Giang, thì “Tây Bắc thương nhớ” như tên trường ca, cho cả vùng Tây Bắc. Nếu như hai trường ca về miền núi phía Bắc là cảm xúc trước con người và thiên nhiên thì “Bảy Núi miền ký ức” vừa là tự sự về vùng đất Nguyễn Chu Nhạc đã từng “dầm dìa” vừa là cảm xúc về tinh thần quật khởi của đất và người trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
“Ngô thương người / giận đá / mà lên”, vùng đất Mèo Vạc (Hà Giang) hiện lên trong trường ca, chỉ bằng hình ảnh cây ngô đã mang đến sự nhận diện. Ở đó “đàn ông / ôm việc nặng / đàn bà / địu con leo dốc”, hình ảnh những con người làm chủ vùng đất này thật dễ thương, chân thực. Hà Giang, nơi đó đã từng có con đường mang tên “Hạnh phúc” – con đường của mồ hôi và máu của biết bao người thế hệ trước, của các dân tộc an hem, vì hạnh phúc của “Đất nước nơi đầu núi”.
Khác với “Đất nước nơi đầu núi”, “Tây Bắc thương nhớ” lại là “bản đồ văn hóa” của đồng bào các dân tộc. “Người Hà Nhì, Thái, Mông, Dao / đều chuộng hoa văn / yêu gam màu rừng núi”. Nguyễn Chu Nhạc hoài niệm, xa xót và cảnh tỉnh: “Hãy trả lại / núi rừng bình lặng / cho chiều hôm mặt trời thủng thẳng / gác trâu rừng về bản...”. Vẻ đẹp núi rừng, văn hóa bản địa đã và đang mai một, biến dạng...Đó là một nỗi đau, chỉ thi sỹ nhìn thấy, ký thác vào văn bản.
...
Bảy Núi
bận gót chân châu thổ
bảy chấm cao
chòm thất tinh
sáng rực
cuối trời Nam
(Bảy Núi miền ký ức)
Đây mà mấy câu thơ cuối cùng của trường ca “Bảy Núi miền ký ức” của Nguyễn Chu Nhạc. Trường ca có biên độ cảm xúc từ những ngày người Việt đi mở cõi, hành trình, đứng lên chiến thắng thiên tai, giặc giã,,,cho đến hôm nay. Trai cũng như gái từ đời này, kiếp khác chung lưng đấu cật, thương yêu, ra công đắp xây, gìn giữ mà thành non sông đất nước này.
Xuyên suốt thơ cũng như trường ca Nguyễn Chu Nhạc là “hành trình của nỗi đau”. Có điều trăn trở, vật vã, kể cả nỗi đau của Nguyễn Chu Nhạc đều có “chiều kích 3D”, rộng dài; luôn xanh non, tươi mới, trinh khiết. Hạnh nhân trong những thông điệp./.
Ngày 8/4/2022
NĐH
Nhận xét
Đăng nhận xét