GIẬU CÚC TẦN

 


@@@

GIẬU CÚC TẦN

 

Về quê, ... ngơ ngác bờ ao/

cúc tần tơ dại bờ rào cũngđâu?...

 

Một lần đến chơi nhà người bạn thời đại học, anh bảo tôi: “Đọc tập truyện ông tặng, thú thật, tôi chỉ thích những chuyện ông viết về làng quê thôi… Mà này, trong truyện, để ý tôi thấy ông hay nhắc đến giậu cúc tần. Quê tôi người ta cũng hay trồng làm hàng rào nhưng lại gọi là khúc tần cơ. Vậy thế nào là đúng?”. Nghe thế, tôi cười, bảo bạn: “Ngôn ngữ dân gian mình quen dùng theo thổ ngơi từng vùng. Tôi nghĩ, muốn biết thế nào cho chính xác thì cứ tra Từ điển Tiếng Việt… nhưng mà ông ơi, căn vặn cái gì. Cúc tần hay Khúc tần thì cũng thế cả thôi, nó đều là một thứ cây ở quê chuyên trồng làm bờ giậu. Gọi thế nào thì người ta cũng không thể nhầm thành cây hoa cúc hoặc rau bánh khúc là được chứ gì?”. Anh bạn tôi tán đồng và sau đó chúng tôi còn bốc hứng nói hàng thôi hàng hồi về cái giậu cúc tần ở quê mình, cứ như là ở trên đời này không có thứ cây nào hơn.

Quả thật, hình bóng giậu cúc tần ở quê mãi in đậm trong tâm khảm tôi. Làng quê tôi những năm đó, hai bên con đường làng và những ngõ xóm chính lát gạch nghiêng xưa cũ rặt một màu xanh cúc tần bờ giậu. Thi thoảng là những bụi tre, trúc, hoặc những khóm mây gai xem kẽ. Sau tiết mưa xuân, rồi kế đến mưa rào tháng ba, đất ẩm, cúc tần được thể lên xanh bời, xanh suốt mùa hè, ngay cả dưới cái nắng tháng sáu chó già le lưỡi. Nắng xiên khoai buổi chiều làm cúc tần héo lá rũ xuống, trông đến xót ruột, nhưng sáng hôm sau tất cả lại tươi nguyên. Sương đêm, hơi đất ẩm là thứ thuốc hồi sinh. Mùi lá cúc tần hăng hắc nồng nồng thật dễ nhận và không thể không nhầm lẫn với bất cứ mùi gì khác. Giản dị vậy. Như người nông dân quê tôi, ngày lao động vất vả, sau bữa cơm tối, ngồi uống nước ối vủ, xỉa răng, nói đôi ba câu chuyện phiếm, bấm đốt ngón tay nhẩm tính công việc ngày mai rồi đánh một giấc rõ thật nồng, sớm hôm sau tỉnh dậy là khỏe khoắn ngay, và lại một ngày mới, một vòng tuần hoàn mới không mấy khác trước bắt đầu.

Nhớ cách đây nhiều năm, tôi gặp một người đồng hương Hưng Yên ở Paris. Ông ta đã ngót tám chục tuổi, bị Pháp bắt vào lính thợ ONS từ cuối những năm ba mươi khi đang trai trẻ, đưa sang châu Phi rồi lại về Pháp, lấy vợ đầm, và chưa hề một lần về thăm quê. Vợ mất, mấy đứa con Tây lập gia đình riêng, bỏ ông bố sống cô đơn trong một căn hộ những bảy buồng trên tầng chín chung cư. Ông bị bệnh tim mạch phải đeo máy trợ tim dưới lần da ngực trái. Người như thế, lại sống một mình, có thể tắc tử bất cứ lúc nào, tôi rẩm riu mà ái ngại thay. Ông viết văn, khi biết tôi cũng viết văn, ông bảo: ”Này em, không biết ở quê mình có giậu cúc tần không nhỉ?”. “Còn chứ, bác…”. “Vậy à!...”. Ông mơ màng: “Giậu cúc tần… Ngày ấy… Nàng mười lăm, còn tôi mười bảy… Hai nhà đối diện nhau… Tôi và nàng cách trở một con ngõ nhỏ và những hai… giậu cúc tần cơ…”. Ông cười khe khẽ, rồi ngâm: “Cúc tần, ơi giậu cúc tần/ Để ai thương nhớ, lòng gần trời xa/ Xanh mơ một nỗi niềm ta/ Người em năm ấy quê nhà có hay?...”. Ông dừng bài thơ nửa chừng từ lúc nào tôi cũng không biết nữa. Lâu lâu ông bảo tôi mà như nói với lòng mình: “Nàng giờ chắc đã già… Móm mém lắm rồi nhỉ… Mà chưa biết chừng… đã là người thiên cổ rồi cũng nên…”. Rồi ông còn lẩm nhẩm nói mãi về cái thằng ông thuở trai tơ, về nàng và đôi mắt nàng nhìn trộm ông sau kẽ lá mãi giậu cúc tần bên kia (tôi đồ là một cô gái quê nào đó người yêu ông ngày trước), về những dây tơ hồng sống tầm gửi vào cúc tần… và về một ngày nào đấy ông sẽ trở về quê nhà để được chạm tay vào những chiếc lá cúc tần giậu quê.

Nỗi niềm thương nhớ của người đàn ông già nua, cô đơn nọ có sức nặng lan truyền sang tôi. Trở về nước ít lâu, tôi về quê. Những bờ giậu cúc tần vẫn còn đấy song đã ít dần. Thay vào đó là những hàng rào ô rô và lác đác có nhà xây tường bao. Thêm vài năm nữa, cùng với phong trào “mái bằng hóa” thì tường bao vườn nhà gần như khắp lượt. Nhà nhà kín cổng cao tường. Đi trên đường làng nhìn lướt chỉ thấy những gạch là gạch, cảm giác như các dãy nhà kho san sát. Ao chuôm lấp hết thành thổ cư. Không còn cảnh người đi đường và người đứng trong vườn nhà chào hỏi nhau, nói chuyện với qua bờ giậu cúc tần như ngày trước nữa. Có lẽ thế mà sinh hoạt của các gia đình dần khép kín. Âu cũng là biến đổi tất yếu của xã hội nông thôn làng nửa phố, phố nửa làng đấy sao!. Có nhà dường như vẫn luyến tiếc giậu cúc tần xưa nên còn giữ lại chút ít, loi thoi phía bên trong tường gạch.

Rồi một lần, nhân ngày giỗ mẹ tôi, mấy người chị gái bảo tôi: “Cậu xem thế nào… mảnh đất vườn dưới quê của ông bà để lại cậu cũng nên tính xây bức tường bao đi, kẻo lợn gà và trẻ nhỏ phá tan hoang cả. Hôm nọ các chị về quê thắp hương mộ bố mẹ, ghé qua mảnh vườn cũ, nhìn mà xót xa. Cây cối xơ xác, trụi thùi lụi hết. Ngày trước xanh um là thế.. Mà giậu cúc tần thì xơ xác, dày đặc những dây tơ hồng… Khiếp quá”. Những điều các chị tôi nói, tôi đều biết cả. Song tôi cứ nấn ná mãi không quyết được. Dường như tôi muốn chờ… Nhưng mà chờ cái gì kia chứ? Tôi cũng không rõ nữa… Nếu nói là tôi muốn níu kéo tuổi thơ, giữ chân quá khứ, giữ nguyên hồn quê kiểng của một thời xưa cũ thì cũng là dở hơi mất rồi chăng ?... Song quả là nỗi niềm về quê hương bản quán và những câu thơ của ông già Việt ở Paris ngày nào cứ lảng bảng đâu đó trong tôi!

Giờ dây thì:

Về quê, ... ngơ ngác bờ ao

cúc tần tơ dại bờ rào cũng đâu ?..,.

may còn một chút bóng cau

để ta lưu dấu có nhau... một thời,





Nhận xét