Ơi những cánh đồng làng (tản văn )

 


@@@

Ơi những cánh đồng làng

Những năm tuổi thơ sống ở quê, ấn tượng in đậm trong tôi ngoài những tên làng, tên xóm, những sân động, cây đa, bến nước, dòng sông, còn có những cánh đồng với bao tên gọi vừa đúng về ngữ nghĩa vừa nôm na mộc mạc và buồn cười đến nao lòng.

Làng nằm như con trăn trườn uốn khúc theo dòng sông. Cánh đồng bờ sông bên kia đối diện với làng cao vời vợi những con ngòi đổ dốc về phía bờ sông. Mặt đồng chia ra, cứ vài ba thửa lại làm thành một cấp. Người làng gọi là đồng Dộc, hay đồng Vực. Sở dĩ gọi vậy vì hễ có mưa thì hết mưa, nước theo những con ngòi dốc tuột hết xuống lòng sông, đồng không bao giờ úng ngập. Còn như đứng trên mặt đồng nhìn xuống lòng sông thấy mặt nước sâu hoắm mãi phía dưới khiến người yếu bóng vía có cảm giác đang đứng bên bờ vực thẳm mà chóng mặt. Hỡi ôi, lúc ngày hè nắng hạn, tát nước từ sông lên tới ruộng phải ba bốn cấp gàu sòng gàu giai, thêm nữa ngòi khô háo hút nước, cực nhọc ơi là cực nhọc, bát nước lên ruộng đổi bát mồ hôi. 

Cánh đồng nằm xa hơn, phía ngoài đám ruộng bờ xôi ao mật rìa làng là đồng Ao. Tên gọi thế bởi rải rác mặt đồng có ba bốn ao đầm to, đều từ xa xưa. Các ao đầm này là rốn nước mùa lũ, nguồn nước mùa hạn. Vài ba năm, người làng lại có niềm vui tát cá ao đầm mùa cạn, vui vì lại đúng vào dịp giỗ tết. Khi ấy mới hiểu câu dân gian “Nay tát đầm, mai giỗ hậu” sâu xa thế nào! 

Từ xa nhìn về, làng được bao bọc bởi những cánh đồng trông như hình chiếc làn. Có một khu đồng thòi ra dáng cong cong, hẹp vanh, và nó có tên đồng Quai. Ruộng thẻo nhưng không thể bỏ, bởi làn không quai thì khác nào chiếc thúng rách đựng đồ đồng nát nơi xó buồng muỗi.

Xa hơn khu đồng Ao là đồng Dạ (hay Rạ không phân biệt). Sở dĩ gọi vậy là bởi chỉ làm được một vụ lúa. Lúa chín vào mùa nước, người làng dùng hái hớt lấy ngọn cỏ, bỏ lại gốc dạ ngập trong nước, vì rạ ấy có cố vớt lấy phơi khô lợp mái bếp thì cũng chỉ hơn năm là đã mủn. Cả cánh đồng đầy gốc rạ bời bời, cánh đồng là nơi trú ngụ của các họ nhà chim, cò diệc, dẽ giun, bồ nông, rồi cua ếch, ba ba… Xâm xẩm tối, là lúc người làng lần sờ kiếm miếng tươi cho bữa cơm gia đình. Những bóng người nhấp nhô ẩn hiện trong bóng tối nhập nhoạng bao phủ cánh đồng. Dạ cũng có nghĩa là đêm tối. Xa hơn đồng Dạ là một cánh đồng mang tên Nợ. Qủa thật đây là món nợ của người làng từ thuở lập làng. Đồng Nợ quanh năm ngập nước kể cả mùa hanh khô. Các bậc lão nông tri điền bảo rằng, chưa thấy mặt đồng Nợ khô bao giờ. Cấy chay bừa chùi là thường tình, nước ngập ngang bụng người bụng trâu, cả hai ì ạch nhích từng bước, xong buổi bừa lên bờ thì chân người thâm những vết miệng đỉa, còn bụng trâu đeo đầy những chú đỉa no máu căng mọng. Ấy là lúc đám trẻ chăn trâu tinh nghịch trả thù, dùng cọng rạ trước sắc lẻm cứa dọc thân lũ đỉa. Đồng Nợ là xứ xở của các loài thủy sinh. Cũng là nơi dân làng kiếm miếng tươi. Đã là nợ thì không thể bỏ mà mãi vẫn không trả xong…

Giờ thủy nông nội đồng, tấc đất tấc vàng, dẫu là Dộc, Ao, Quai hay là Dạ, Nợ gì thì cũng quay vòng hai ba vụ. Đồng đất và người đều chóng mặt với những giống lúa, giống hoa màu… Với mỗi người dân thì ký ức về những cánh đồng làng không bao giờ phai nhạt bởi những tên đồng vẫn còn đó. Còn với riêng tôi, đứa con nuôi lưu lạc của làng nơi đô thị, đã có một thời chăn trâu, cắt cỏ trên những cánh đồng làng, đã từng “mải mê đuổi một cánh diều/ củ khoai nướng để cả chiều thành tro” (thơ Đồng Đức Bốn) thì những cánh đồng ấy là nơi nuôi dưỡng ước mơ nho nhỏ của tôi!...


Nhận xét