TÌM TÁC GIẢ MỘT BỨC ẢNH




Cây gạo làng Thanh Khe mùa hoa đỏ tháng ba,...

@@@

Trước tiên, phải xin lỗi tác giả bức ảnh này, bởi tôi không rõ nguồn gốc và tác giả bức ảnh này là ai, để xin phép khi đăng lại nó trong bài viết này....

Số là, từ vài ba năm nay, mỗi mùa hoa gạo tháng ba, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều ảnh gạo, một loài hoa được xem như biểu tượng cho tiết đoạn lúc chuyển mùa cuối xuân sang hạ, và là loài hoa linh hồn của đồng quê làng mạc xứ Việt mình. Trong vô vàn các bức ảnh cũ, mới thi thoảng tôi lại bắt gặp bức ảnh hoa gạo này. Tôi để ý, tìm xem nguồn gốc và tác giả bức ảnh là là ai, song đều không thấy ghi rõ. Vậy nên cho đến giờ phút này, vẫn chưa biết ai là người bấm máy chụp bức ảnh hoa gạo này....

Mặc dù, còn lâu mới đến mùa hoa gạo, nhưng tôi chợt nghĩ, cần phải tìm xem tác giả bức ảnh đó là ai? Bởi mới hôm trước, tôi lại thấy nó xuất hiện trong một bài viết ở một Nhóm nọ.

Nhưng sao tôi lại muốn đi tìm tác giả bức ảnh này,? Đơn giản, bởi cây gạo trong bức ảnh này là chụp cây gạo làng tôi-làng Thanh Khê, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Nhìm bóng dáng cây gạo đặc biệt quang cảnh xung quanh, cho phép tôi nhận diện ra cây gạo làng quê mình.

Mấy năm trước, trong khi đăng một bài viết về hoa gạo tháng ba, tôi đăng ảnh những cây gạo trổ đầy hoa đỏ mà tôi chụp được ở đó đây, thì có một người quen đã mách và gửi cho tôi bức ảnh này, kèm theo lời nhắn "cây gạo làng Thanh Khê đây ạ" (tên làng quê tôi). Tôi xem và nhận ra ngay cây gạo làng mình thật. Tôi có hỏi lại ai là tác giả bức ảnh đó thì họ bảo là cũng không rõ, chỉ thấy ở trên mạng, nhận ra nó và lưu giữ lại thôi chứ không rõ nguồn gốc từ đâu và của ai.

Nhìn kỹ, chân ảnh bên phải có chữ viết gì đấy nhưng mờ và quá nhỏ nên không đọc được. Chẳng rõ đấy có phải là chú thích và tên tác giả không? Vì không rõ nguồn nên tôi cũng chỉ lưu giữ xem như đây là một hình ảnh về làng quê mình và định bụng sẽ tim xem người chụp bức ảnh này là ai.

Sở dĩ, tôi nhận ra ngay cây gạo làng quê mình, bởi từ gần 60 năm trước, tôi dã biết nó.

Số là, vào mùa đông năm 1964, khi cuộc chiến tranh chống chống MỸ bắn phá miền Bắc, thực hiện chính sách thời chiến, giảm dân số ở thủ đô Hà Nội, cả gia đình tôi đã chuyển từ ngôi nhà ở 50A Trúc Lạc, phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình về quê gốc (làng Thanh Khê, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hải Hưng, sau là Hưng Yên) sinh sống. Nhà tôi được HTX nông nghiệp cấp cho một sào ruộng diện đất 5%, ở cánh đồng làng chỉ cách cây gạo này chừng dăm chục mét. Thê nên, mỗi khi theo cha mẹ và các chị ra làm đồng, tôi đều nhìn thấy ngôi cổ quan có cây gạo này, với vẻ e sợ, bởi người ta vẫn bảo là "cây gạo nào cũng có ma" (thì Thần cây Đa, ma cây Gạo mà).

Nói rõ thêm, đây là cây gạo ngay sau lưng Quán Táo, ngôi quán giữa đồng duy nhất của làng tôi. Còn chức năng của quán đồng vùng Bắc Bộ thì xin không nói lại ở đây. Khi ấy, tôi mới 7.8 tuổi thôi nên sợ ma cây gọa Quán Táo là đương nhiên. 10 năm đi học ở quê, rồi cũng phải chăn trâu, cắt cỏ, làm vài việc đồng áng, nên Quán Táo và bóng dáng cây gạo này trở nên gần gũi thân thiết với tôi, bởi đó là nơi nghỉ chân tránh nắng mưa nỗi khi ra đồng. Bọn trẻ con chúng tôi thường chơi ô ăn quan, rải ranh trong quán, rồi nhặt hoa gạo rụng chơi mỗi tháng ba về,...

5 năm học đại học, thi thoảng hoặc kỳ nghỉ hè ở quê, tôi vẫn giúp mẹ tôi chút việc đồng nên cũng hay ngang qua Quán Táo và cây gạo già này. Tôi nhớ, cũng đã từng hỏi han người làng xem cây gạo do ai trồng, có từ bao giờ, thì cũng chẳng ai rõ, chỉ chung chung này nọ cho qua thôi.

Mười năm trở lại đây, gia đình tôi dựng ngôi thờ tự trên mảnh vườn quê, nên hàng năm đều dăm ba bận về quê công việc, giỗ chạp này nọ. Mỗi khi ngang qua Quán Táo có cây gạo già này, tôi đều chụp ảnh. Chụp các góc nhìn khác nhau nên thuộc quang cảnh xung quanh ngôi cổ quán và cây gạo. Tiếc là không gặp đúng mùa hoa gạo nên cho đến nat tôu vẫn chưa có bức ảnh nào chụp cây gạo làng mình mùa hoa đỏ.

Hình ảnh bà cụ đi dưới tán hoa đỏ với thảm hoa gạo rụng đầy lối đi này hẳn cũng là người làng tôi. Qua bức ảnh, chẳng thể nhận diện người trong ảnh là ai ở làng mình.

Bởi với tôi, hoàn cảnh chẳng khác gì người xưa, Hạ Tri Chương (nhà thơ thời Đường) đã nó hộ tâm trạng chung khi viết trong bài tứ tuyệt HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ:

"Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi/ Hương âm vô cải mấn mao tồi/

Nhi đồng tương kiến bất tương thức/ Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai."  Dịch nghĩa :'Lúc còn nhỏ rời quê ra đi, khi đã già mới trở lại/ Chất giọng quê còn chưa mấy đổi mà tóc đã bạc trắng cả rồi/ Trẻ con ở làng trông thấy mình nào biết mình là ai/ Chúng cười hỏi, rằng khách từ nơi đâu đến đây".

Thiển nghĩ, tác giải bức này rất có thề người làng tôi, hay người mấy làng lân cận, mà cũng có thể là dân chơi ảnh tài tử, hoặc giả tay máy chuyên nghiệp nào đó ?

 


###
P/S: Hôm nay (11/12) lướt Fb tình cờ lại nhìn thấy một bức ảnh khác chụp cây gạo Quán Táo làng Thanh Khe (góc chụp cảnh toàn, thấy rõ cả quán Táo và dòng sông chay qua trước cửa  quán). Ảnh cũng không ghi tên tác giả, chỉ nói là lấy trên Fb thôi. Rất có thể dây là bức bức ảnh cùng một người chụp với bức kia. Thôi cứ tạm gắn ảnh lưu vào đây đã.
Sẽ tìm hiểu sau.




Nhận xét