@@@
Tranh Tết
Tản văn của Nguyễn Chu Nhạc
Cho đến bây giờ, tôi vẫn thuộc lời đề từ của bộ tranh dân gian Bốn mùa dán trên vách nhà, ố vàng vì thời gian. Bộ tranh được in trên giấy bìa theo lối công nghiệp, cha tôi đã mua về nhân một dịp tết Nguyên Đán và ngự trị ở đấy suốt những năm tuổi thơ đi học ở quê, mặc chiến tranh, mặc mùa màng thất bát… Theo thứ tự từng bức tranh, lời đề từ như một bài thơ âm Hán Việt:
Xuân thiên mai nhị phô thanh bạch
Nhật hạ hồng hoa đấu hảo kỳ
Cúc ngạo thu tình hương vạn hộc
Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi
Cha tôi đã cắt nghĩa cho tôi hiểu, với bốn mùa của năm Xuân, Hạ, Thu, Đông thì lời đề từ ấy đại ý là: Mùa xuân hoa mai phô nhị trong trắng / Ngày hè hoa hồng khoe sắc thắm / Sang thu là lúc hoa cúc tỏa vạn hương thơm / Đông về nghìn cành tùng tuyết phủ như ngọc. Thiên nhiên, vạn vật cây cỏ đặc trưng, tuyệt vời theo từng mùa trong cảm nhận của người xưa. Tinh tế thay và cũng sâu sắc thay! Hình ảnh ấy, lời đề từ ấy, cứ ngày một ngày hai thấm vào tôi, đến mức, chỉ cần nhìn thật lâu vào tranh, hoặc chẳng cần nhìn nữa, nhắm mắt lại mà mường tượng, bốn bức tranh lớn lên và nhòa đi rồi hiện hình trở lại sinh động với cảnh sắc thiên nhiên thật…Ngày trước, bài thơ được tranh hóa này, tôi chỉ biết là cổ thi, mãi sau này mới rõ tác giả bài thơ ấy là Uông Thù, một nhà thơ, một nhà giáo dục thời Bắc Tồng (Trung Hoa phong kiến). Ông này là tác giả bộ sách Thần đồng thi, từng được xem là giáo khoa thư cho trẻ em đi học thời xưa.
Cha tôi bảo, bộ tranh Bốn mùa chỉ là một trong vô số bộ tranh dân gian, và người kể cho tôi nghe về phong tục chơi tranh dân gian ngày trước. Quê tôi nằm ở tâm điểm tam giác văn hóa lớn của đồng bằng Bắc Bộ là Thăng Long-Phố Hiến-Kinh Bắc. Người dân nơi đây có phong tục chơi tranh Tết từ xa xưa và truyền mãi đến ngày nay. Trước đây, cứ từ độ một chạp (tức là tháng 11, 12 âm lịch) trở đi, mấy chợ phiên lớn trong vùng như chợ Bần, chợ Dầm, chợ Nôm, chợ Đậu đều có hàng bán tranh dân Đông Hồ. Người chính từ Đông Hồ sang bán, kẻ người địa phương buôn tranh Đông Hồ về. Những bộ tranh như Bốn mùa, Tứ quý (mai, thông, cúc, trúc), Hứng dừa, Chuột vinh quy, Đàn gà, Lợn âm dương, Mục đồng v.v.. được dựng trong những chiếc bồ nan tre nhỏ, theo tay người bán hàng xếp thành lớp phô trước mắt khách hàng. Người đi chợ Tết về, quang thúng đầy gạo nếp, đậu xanh, lá dong, ống giang… còn có những bức tranh Tết được bọc trong giấy điều.
Đấy là kể từ nửa đầu thế kỉ trở về trước, còn sau này, thời tôi đi học ở quê, chiến tranh cuốn đi tất cả. Tranh dân gian hiếm dần và hầu như không còn, bù vào đấy, người dân vẫn có tranh dân gian chơi Tết nhưng là tranh được in công nghiệp trên giấy bìa cứng bóng do một vài nhà xuất bản ấn hành bán ở Hiệu sách nhân dân. Tranh loại này tuy kém tranh dân gian in bản khắc màu tự nhiên trên giấy dó song được cái phù hợp với quảng đại người dân. Tranh giá rẻ, không cần khung, mua một lần dùng nhiều năm, hoặc mỗi năm mua một vài tấm nhiều năm thành cả bộ. Quê tôi thời chiến tranh ấy, có nhà xây mái ngói song phần đông tường vách rơm bùn, lợp rạ. Tuy thế, mỗi năm xuân về, kinh tế có eo hẹp, chỉ cần có bánh chưng, dăm bảy nhà đụng một con lợn ngả ra, giã giò chí chát, trẻ con có tấm áo mới, thêm tường nhà dán đầy tranh tết, thế là vui lắm rồi, lại đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Ngày tết, đi chơi nhà chúc tụng nhau, cỗ bánh chưa thấy đâu, chỉ cần nhìn tranh tết là thấy xốn xang, thơ thới lòng dạ, ấm áp tình làng nghĩa xóm. Người Việt mình vốn trọng lễ nghĩa, giàu lòng bao dung, dạy rằng: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, song lại thung thăng: “Nhiều no, ít đủ” và “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”… Giàu nghèo gì thì Tết cũng chừng ấy thôi, bởi ngoài miếng ăn ngon miệng thì cao hơn là lễ nghi, và hơn nữa là tâm linh hướng về tổ tiên, nòi giống, hướng tới sự tốt lành ở cái ngày mai còn đợi phía sau lưng mình, thậm chí con cháu mình kia!...
Sau này, thật buồn, có dạo người ta mải đôn đáo việc kiếm chác lãng quên nhiều phong tục đẹp, lẽ dĩ nhiên cả tục chơi tranh tết. Và dường như để khỏa lấp sự thiếu hụt trong đời sống tinh thần, tâm linh theo truyền thống dân tộc, bằng cách người ta mua thật nhiều vàng mã, bỏ tiền triệu mà thửa cái ti vi, tủ lạnh, xe máy mã, để đốt cho sướng tay. Làng làm tranh thì bán cả bản khắc cổ lấy tiền làm vốn sản xuất hàng mã. Tết về quê, đi thăm chú chúc tết họ hàng, mừng vì thấy nhà cửa khang trang nhưng buồn vì tường nhà nào cũng lất phất vài ba tờ lịch có hình hoa hậu, ca sĩ gì đó uốn éo trong trang phục của “người nguyên thủy”. Đối diện với mâm ngũ quả, với bàn thờ nghi ngút khói hương, chúng thật chướng!
Thế rồi, một lần, tôi đã thầm reo lên giữa đám đông người khi tham quan triển lãm “Làng nghề, phố thợ Việt Nam”. Trước mắt tôi, đích thị là tranh dân gian Đông Hồ. Này đây, những Bốn mùa, Tứ quý, Chuột vinh quy, Lợn âm dương… trên giấy dó mà trước đây tôi chưa từng thấy. Tôi ngắm nghía, sờ tận tay. Người dân Đông Hồ phần đông người ta làm hàng mã, chỉ còn dăm ba nghệ nhân già vì yêu tranh, vì thấm đẫm hồn cốt dân tộc, vì tư tưởng nhân văn ẩn chứa trong tranh mà sống chết vì tranh. Thôi thì cứ như người đi câu, chẳng mong giàu có nhờ tranh, chỉ những muốn khơi gợi được hồn dân tộc ẩn chứa trong lòng mỗi người, làm sống lại nghề tranh, lưu truyền phong tục chơi tranh Tết của cha ông xưa!... Và hôm ấy, tôi cứ loanh quanh mãi nơi gian tranh Đông Hồ mà lòng mình những thắc thỏm, lo âu khi người xem đi ngang qua quầy một cách dửng dưng. Nhưng rồi, kìa một người… hai, ba người dừng chân… Đám đông tăng dần. Lúc đầu còn thầm thào, sau người ta trầm trồ khen ngợi thành tiếng…
Đấy là chuyện của ngày hôm qua, dẫu chỉ vài năm trước thì cũng đã là quá khứ. Bây giờ thì không những tranh dân gian Đông Hồ, còn có tranh Hàng Trống, tranh trên quạt, tranh trúc chỉ… đều có những quầy bán riêng, tấp nập khách vào ra. Không chỉ nhà quê mà cả những salông sang trọng cũng treo tranh dân gian như một thứ souvenir (lưu niệm) đặc sắc Việt Nam. Tranh dân gian và tục chơi tranh Tết như một bằng chứng nhỏ thực sự về sức sống bền bỉ đang trỗi dậy của bản sắc văn hóa dân tộc!...
Nhận xét
Đăng nhận xét