DU TỬ LÊ VIẾT VỀ NGUYỄN VĨNH TIẾN

 


@@@


Nguyễn Vĩnh Tiến, Tài hoa và Lục bát

 

Tôi thực sự không biết ba chữ “Nguyễn Vĩnh Tiến” có gợi lên trong tâm cảm bạn đọc, thân hữu trang nhà dutule.com một ấn tượng rõ nét nào chăng? Riêng tôi, khi nhận được sự giới thiệu từ hai người bạn trẻ của chúng tôi là Hà Quang Minh và Nguyễn Đăng Khoa cùng với bài viết và, thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến, do Hà và Ngu

Cái hân hoan, hạnh phúc của một người được đọc những vần thơ lục bát, của một nhà thơ tương đối còn trẻ tuổi, ở cuối thế kỷ thứ XX, đầu thế kỷ thứ 21 mà, lại mang mang hồn tính dân tộc, đất nước nghìn năm trước.
Nó không phải là cái khí hậu “mang mang thiên cổ sầu” của Huy Cận. Bởi vì tính chất “mang mang thiên cổ sầu” trong lục bát Huy Cận vẫn đẫm, đẫm cái không khí đường thi và, không gian bất định, không cá tính.
Nhưng lục bát của Nguyễn Vĩnh Tiến (sinh 1974), sau Huy Cận gần 60 (HC sinh 1919) lại là những vần thơ có được cái không gian, quá khứ Việt gần như đã mất hẳn trong thi ca, âm nhạc của chúng ta, sau nhiều thế kỷ…
Thí dụ, họ Nguyễn có những câu lục-bát-đẹp-xưa như sau:

“Quê tôi cả thẹn, hay lo
Dòng sông vắng khách con đò trầm ngâm
Bụi tre thích đứng cười thầm
Giàn bầu, giàn bí thích cầm tay nhau”

Hoặc nữa:

“Tháng tám giờ sắp cạn rồi
Ngoài song tháng chín đã ngồi trong sương
Anh mơ, hẻo lánh con đường
Cánh đồng hoa dại nằm vương đôi mình”
V.v…

Chưa kể, trong cõi-giới lục bát Nguyễn Vĩnh Tiến, bằng vào tài hoa đặc biệt của mình, tính hài hước cũng được họ Nguyễn đem vào, thể hiện rất Việt Nam. Ý tôi muốn nói, nếu đặc tính của hài hước Tây phương là một thứ nhan sắc lồ lộ, thấy ngay thì, tinh thần hài hước của Việt Nam nói riêng, phương đông nói chung, là tính ý nhị, vi tế. Nó đòi hỏi người thưởng ngoạn ít giây phút lắng đọng, suy nghĩ…Sau đó, mới là sự gật gù cùng nụ cười thâm trầm. Nó như một thứ duyên ngầm của người phụ nữ Việt.

Thí dụ:

“Tuổi tôi sục sạo khắp nhà
Tìm sao cho đủ tiếng gà ban trưa.”

Hoặc:

“Mặt trời vừa giống hòn bi
Lại vừa giống điểm bài thi hôm nào…”

Hoặc nữa:

“Chồn ơi chồn đứng ở đâu
Ban ngày đang ngủ trên đầu ban đêm
Chồn đi đá cứng chân mềm
Về làng mà hát, mà xuyên qua làng”
V.v…


*
Cụ thể hơn, chúng tôi xin trích dẫn phát biểu nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa, một người trẻ (rất trẻ), theo tôi, cũng là một trong vài tiếng thơ lục bát hay nhất hiện nay ở quê nhà, nói về thơ Nguyễn Vĩnh Tiến:
“Nguyễn Vĩnh Tiến Đến với thơ từ năm 8 tuổi, và hoạt động trên nhiều lĩnh vực : kiến trúc - văn chương - âm nhạc, với một sức viết mạnh mẽ rất mực, tài hoa rất mực.
“Đó là một người của những chuyến viễn du, nhưng mà lại không bao giờ quên mang theo những chiếc va ly nặng chứa đầy đủ cả bóng quê nhà, cả mùi xứ sở.
“Đọc Nguyễn Vĩnh Tiến, nghe Nguyễn Vĩnh Tiến, ta dễ dàng trông thấy hồn thơ ngập tràn thành lũ, thành sông. Thấy chữ xếp thành đường làng. Thấy hồn thơ vững vàng đứng lẫn vào bóng núi, bóng trung du. Đó là một nhân vật đặc biệt, có thể khiến người ta nhớ về Nguyễn Bính, nhưng không hề lẫn vào Nguyễn Bính. Đó là một trong những người giữ lửa đại tài mà vùng quê hương Bắc Bộ sản sinh ra, dành cho những giá trị thuần Việt nhất!”
(Nguyễn Đăng Khoa Sài Gòn, 9.4.2014).

Và, bài viết trong loạt bài “Những Người Nổi Tiếng” của tác giả Hà Quang Minh, viết từ Saigon, tháng 10 năm 2013:


NHỮNG ĐỒNG CHIỀU, CUỐNG RẠ, BỎ SAU LƯNG.
“Có bao nhiêu gió cho vay cánh đồng”
(Thơ Nguyễn Vĩnh Tiến)

“Một trưa Sài gòn, tháng Năm, tôi bước ra khỏi nhà, trong cái nắng đỉnh Hạ, đi về phía hẹn với Trí. Ở đó, tôi biết, có một người cùng Trí đợi tôi, một người tôi đã nghe tên nhiều mà chưa từng gặp mặt. Tôi tò mò muốn biết con người ấy có đúng như mình vẫn luôn hình dung hay không, một chút tò mò được ẩn dấu dưới vẻ bất cần bề ngoài của tôi, vẻ bất cần mà nhiều người cho rằng đó là hiện thân của kiêu ngạo. Ừ, dù sao thì cũng chỉ là một con người thôi mà. Ai hay ho thế nào, tôi vẫn còn phải dò xét đã. Những ngợi khen ngoài kia, với tôi, nhiều khi đều chỉ là lầm lẫn cả.
“Và cứ thế, tôi đi, đi về phía Nguyễn Vĩnh Tiến…

“Chúng tôi uống rượu trưa, điều mà tôi rất ghét. Buổi trưa là khi tôi bắt đầu một ngày, uống vào, chỉ làm cho buổi chiều trở nên nặng trĩu, một buổi chiều vô công rỗi nghề. Những xã giao ban đầu xoay quanh chai vang đầu tiên cũng chỉ đủ cho một cuộc trò chuyện thông thường, không để lại ấn tượng gì đậm nét. Nhưng rồi chai thứ hai, chai thứ ba đi qua. Trí đã ngưng không uống nữa. Tính Trí là vậy, uống chỉ ở mức độ vừa đủ để thưởng thức. Còn tôi, khi đã mềm môi, mưu sự tại nhân, hành sự tại men cả. Tôi để men cuốn tôi đi tiếp, đi miết, đi cho đến tận cùng của cuộc chơi. Và những giọt rượu huyết dụ đã đẩy tôi đến ngã rẽ bất ngờ của cuộc hạnh ngộ, ngã rẽ khi mà Tiến chìa ra cho tôi tấm ảnh cũ, ố màu, được chụp lại và lưu lại trong điện thoại của anh. “Minh có nhận ra ai không?”, Tiến cười, nhỏn. nhoẻn. Tôi kinh ngạc, ngỡ ngàng, bừng. tỉnh. Tôi nhận ra tôi, đau đáu tuổi thơ xưa, năm tôi 14 tuổi. Trong tấm ảnh cũ ấy, tôi đứng nghiêm cẩn như ‘ông cụ’ bên cạnh một nụ cười mới đây thôi, nhỏn. nhoẻn. Lạ kỳ thật. Làm sao Tiến lại có bức ảnh này? Và tại sao Tiến lại đứng đó, bên cạnh tôi, ở trong không gian cũ ấy?
“Vậy là tôi đã lầm. Tôi và Tiến đã gặp nhau từ xưa, rất xưa, từ khi tôi mới là một thằng bé con không hơn không kém. “Năm ấy thi thơ, em được giải nhất hay giải nhì gì đó, còn anh được giải ba. Minh còn nhớ không? Anh vẫn còn giữ một tập thơ em gửi tặng anh, sau bữa đó mình còn đi café với nhau một lần nữa đấy.”.

“Ký ức cũ bỗng cuồn cuộn quay về. Thằng bé tôi, 14 tuổi, bỏ dở kỳ nghỉ hè với ngoại ở Đà nẵng để bắt tàu nhanh quay về Hà nội nhận giải thưởng thơ. Những năm ấy đã quá xa rồi, những năm đầu thập niên (19)90s. Tôi nhớ, ba vẫn thường len lén lấy những bài thơ tôi viết, đánh máy lại sạch sẽ, gửi đăng báo, gửi tham dự các cuộc thi dùm tôi. Thằng bé con ngày xưa bỗng nhiên quay về. Nó đấy, trong đôi mắt đuôi dài đã có dấu chân chim nhưng vẫn trong lay láy của Tiến đấy. Tiến cho tôi thấy lại mình, ngồi trên chuyến tàu một mình, nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn những đồng chiều cuống rạ trôi đi, trôi đi qua mắt mình. Nhìn những đứa trẻ chăn trâu ngồi trên con-vật-gia-tài lặng ngắm đoàn tàu qua ước mình một lần viễn du trên cánh tàu như thế và hình dung ra, đã có một tiền kiếp nào, tôi chính là đứa trẻ trâu trên lưng con-vật-gia-tài ấy. Tôi bỗng nhiên chìm đi, nhòa đi, mê. man…

“Rồi sau lần hội ngộ đó, tôi và Tiến bỗng nhiên gần nhau hơn. Tôi bắt đầu nhìn anh bằng đôi mắt hiền lành hơn, đôi mắt đã không còn những màu kiêu ngạo. Và tôi nhìn thấy ở đó là cả một trời lý thú. Chúng tôi không gặp lại nhau nhiều nhưng gần như luôn luôn giữ một nối kết thường nhật trên mạng, bằng những đối đáp với nhau về thơ phú. Vả tôi chợt nhận ra, những cảm nhận ban đầu của tôi, những cảm nhận chủ quan của những ngày chưa gặp Tiến buổi trưa tháng Năm ấy không sai lệch là mấy. Tôi đã từng hình dung Tiến hồn nhiên lắm lắm, hồn nhiên đến không ngờ. Nhưng thực sự, Tiến còn hồn nhiên hơn cả tôi đã từng hình dung nhiều lần.
“Bởi ngoài sự hồn nhiên vốn dĩ, Tiến còn giữ nguyên được cả sự ngạc nhiên, sự ngạc nhiên với tất cả những gì xung quanh anh, sự ngạc nhiên giữ chân anh làm nghệ sỹ.

“Có chuyện kể rằng, trong một chuyến đi Nhật, Tiến đã ‘đi lạc’ khiến chủ nhà phải hốt hoảng tìm kiếm vì sợ anh sẽ muộn giờ tàu. Người ta cho 2 tiếng đồng hồ thảnh thơi để mỗi thành viên trong đoàn được tự mình thăm thú trước khi về tập trung lại tại bến tàu. Mọi người đều đúng hẹn, chỉ mình Tiến mất tích. Và đến khi anh được tìm ra, anh vẫn đang ngơ ngẩn chụp lại những kiến trúc đẹp tuyệt vời của thành phố ấy. Thế là có chuyện “Tiến hồn nhiên đi lạc” từ đó. Nhưng tôi không nghĩ là Tiến đi lạc. Người ta chỉ lạc khi mình định ra cho chính mình một cái đích cụ thể mà thôi. Còn Tiến thì không. Đời Tiến luôn là những chuyến đi, đi để mà đi, để hưởng trọn cái cảm giác lang thang sướng khoái, đi không hề cần biết đích đến.

“Mà đã chẳng có đích đến, sao có thể gọi là đi lạc đây???
“Rồi tôi bắt đầu đọc thơ Tiến nhiều hơn, nghe ca khúc của Tiến nhiều hơn. Tôi nhận ra, anh không phải là một nhà thơ, không phải là một nhạc sỹ đơn thuần mà anh là một nghệ sỹ tạo hình âm thanh và câu chữ. Cái chất kiến trúc trong Tiến bộc lộ rất rõ, với những lớp lang, hình khối mơ hồ trong thơ và nhạc. Trong thế giới ấy của anh, người ta có thể hình dung ra rất rõ những bậc thềm, chiếu nghỉ, tam quan, hàng hiên, mái ngói…Thật lạ. Nhìn những bản thiết kế mà Tiến vẽ hiện đại thế nào thì thơ và nhạc của Tiến lại ‘kiến trúc’ nên những thứ cổ kính đến đối nghịch. Dường như, Tiến không thể thoát ra được khỏi những làng quê bé nhỏ bắc bộ thì phải. Anh như đứa trẻ con, ngơ ngác giữa chốn thị thành, đôi mắt lay láy vẫn còn vương lại những đồng chiều, cuống rạ, bỏ sau lưng…

“Ngay cả trong những sáng tác mới mà Tiến đưa tôi nghe cũng vậy. Chất liệu âm nhạc thì hiện đại lắm nhưng cái thần của nó vẫn chẳng thoát ra khỏi bờ đê đầu làng. Nó cứ mang mang buồn, cái buồn của một chiều mùa đông, khói rạ lên hoang hoải ở những cánh đồng gặt xong còn trơ lại những xác xơ tiêu điều. Cái buồn ấy, nhiều khi ta bỏ quên vì những ồn ào phố thị. Nhưng nó còn hằn sâu mãi ở trong anh, dù là anh ở Hà nội, Sài gòn hay Paris, Toulouse. Và nhiều khi, ngồi với Tiến, mình để cái buồn của Tiến chạm vào, tự nhiên thấy hai mắt mình nhòa lệ, rưng.rưng…

“Cách đây vài tuần, tôi nhắn tin cho Tiến “bao giờ anh qua Pháp vậy Tiến ơi?” và anh đã trả lời “Tháng Mười em ạ. Đang buồn vì sắp phải xa Việt nam”. Chúng tôi đã cùng im lặng sau câu trả lời ấy. Để rồi chỉ một tuần sau đó, Tiến hồ hởi gọi tôi “Anh vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất” và hai anh em đã có một đêm ngồi uống thật sâu, giữa cơn mưa cuồn cuộn của Sài gòn trong một mé quán nhỏ. Trong cuộc nhậu ấy, chúng tôi đã nói rất nhiều về thi ca, về âm nhạc và về cả những khát vọng quá lớn của mình. Và khi tôi chợt nhắc về khái niệm “Vũ trụ song song” mà chúng tôi vừa trao đổi với nhau cách đó mấy ngày, Tiến hồn nhiên tới mức thốt lên “tại sao anh em mình không làm chung một album với chủ đề là Vũ trụ song song nhỉ?”. Tôi mỉm cười “Ai hát anh ơi?” nhưng thực ra trong lòng, tôi cũng háo hức lắm. Một vũ trụ song song với vũ trụ này; những vũ trụ song song với vũ trụ này; những vũ trụ chạm vào nhau và lại tạo ra những vũ trụ mới, tất cả, mềm mại, như những con người, giao phối với nhau và sinh ra những con người mới. Và ở vũ trụ này, tôi và Tiến đang uống ngất ngư với nhau nhưng có thể ở một vũ trụ khác, tôi và anh đang so kè nhau trên võ đài không chừng. Chẳng thể nào biết được một tôi ở nơi nào đó và một Tiến ở nơi nào đó giờ này đang song song làm gì? Tất cả chỉ là một cú gieo xúc sắc mà thôi, một cú gieo quyết định phương án của cả một đời. Ý niệm ấy đâu cứng nhắc như bản thân khoa học là sự khô khan vốn dĩ. Nó đủ mềm mại để viết mà, song song…

“ ‘Đầy người hát mà em. Lo gì?’ Tiến nói xong, anh vội vã lao ra ngoài hiên mưa.
“Chắc anh có điện thoại và tôi ngồi lặng một mình nghĩ về cú gieo xúc sắc. Cú gieo nào đã cho chúng tôi trở thành bằng hữu của nhau? Chắc Thượng đế là một nhà thơ nên người mới đưa ra đáp án tuyệt vời như thế, hứng khởi như thế. Và dòng suy nghĩ của tôi bỗng sững lại khi Tiến ập về vội vã nói ‘Anh mới tặng em bài thơ, trên facebook em đó’. Tôi mở điện thoại đọc ngay, ngấu.nghiến. ‘Em tôi ham chơi/ Ngồi buộc mưa rơi/ Thành từng nút thắt..../ Mai mưa vắng mặt/ Ngồi gỡ anh đan/ Hồn anh gió tràn’. Và cũng chỉ vài phút sau, tôi đã gửi lại anh, một bài họa khác, gói gọn cũng chỉ trong mười sáu chữ ấy của Tiến. ‘Tôi, em, chơi, ham/ Ngồi thành nút thắt/ Buộc từng mưa rơi…/ Mai anh vắng mặt/ Anh ngồi gió tràn/ Hồn gỡ mưa đan’. Đó là một cuộc chơi vui, có thể nói là đôi phần nghịch ngợm tếu táo.

“Nhưng nó chợt làm cho tôi hiểu, giữa cuộc đời dài này, kiếm tìm một người để có thể ngồi lại với nhau bằng những thứ tưởng như vô bổ như thế đâu dễ.

“Vài hôm nữa, Tiến sẽ đi rồi, chàng Candide hồn nhiên, ngạc nhiên sẽ đi rồi. Dịp gặp lại anh, ngồi uống cùng anh chắc cũng còn lâu lắm. Và tôi cứ hình dung ra, ở một phương trời rất xa, trong cái lạnh của mùa đông châu Âu, giữa những bông tuyết rơi xứ lạ, vẫn có một đôi mắt đau đáu nhìn của một trẻ thơ ngỡ ngàng với tất cả những gì xung quanh mình, ngỡ ngàng vì biết mình phải ra đi nhưng vĩnh viễn không thể trả lời được tại sao mình lại bỏ lại phía sau lưng những đồng chiều, cuống rạ. Trong hơi thở ấy vẫn sẽ có mùi khói rơm mang mang cuối ngõ. Trong cái nhìn ấy vẫn có một bờ cát dài ven sông, những bãi ngô non phất cờ cuối bãi.
“Con người ấy không bao giờ thoát được khỏi quầng ký ức ấy quanh mình, cho dù, song song đây, anh đang lơ vơ ở một vũ trụ nào, xa lắm…”


* Và, đây là tiểu sử Nguyễn Vĩnh Tiến, do Nguyễn Đăng Khoa tổng hợp từ Wikipedia:

-Nguyễn Vĩnh Tiến sinh 28 tháng 12 năm 1974 tại Phú Thọ, là một kiến trúc sư, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ thể loại nhạc dân gian đương đại được dư luận chú ý nhiều từ bài hát "Bà tôi" được Giải thưởng Bài Hát Việt tháng 7 năm 2005.

Hiện tại, Nguyễn Vĩnh Tiến đang du học để hoàn thành luận án tiến sỹ về kiến trúc tại Toulouse - Pháp.

Sự nghiệp Văn Học, đã xuất bản:

• Những giấc mộng kín [tập truyện ngắn] (in chung), Nhà xuất bản Trẻ, 1999.
• Những bình minh khác [tập thơ], Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2001.
+ Các Giải thưởng văn học đã được nhận:
• Giải thưởng Truyện Ngắn và Thơ "TPTX" - Báo Tiền Phong, 1991- 1993. Tác phẩm: "Con Chó Hư" "Lá Rụng"
• Giải thưởng Thơ "Thanh Xuân", 1992. Tác phẩm: “Mùa Gặt".
• Giải thưởng Thơ Hay - Báo Văn Nghệ P.HCM, 1993.Tác phẩm:"Những Ngón Tay Của Tôi"
• Giải thưởng Tuyện Ngắn và Thơ " Hoa Học Trò" 1994. Tác phẩm: "Một Cánh Chuồn Chuồn", "Bốn con chào mào".
• Giải thưởng Thơ Tuổi Hoa (Hội nhà văn VN và Tạp chí Tuổi Xanh) 1994. Tác phẩm:" Cái Roi Tre"
• Giải thưởng Thơ Cho Thiếu Nhi - Nhà xuất bản Thanh Niên, 1997. Tác phẩm: “Thấy Một Mùa Quen Quen"- Tập Thơ
• Giải thưởng Truyện Ngắn - Báo Văn Nghệ Trẻ, 1997. Tác phẩm: “Sự ra đời của Buổi Tối".
Các thành tích được công nhận:
• Giải nhất “Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC 1994" - về đề tài "Kiến trúc cổ Việt Nam”, Giải nhất nghiên cứu khoa học Bộ Giáo Dục và Đào tạo 1994, Huy chương tuổi trẻ Sáng tạo 1994, được chọn là một trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc của Việt Nam trong năm này.
• Giải "Ca khúc của tháng" do Hội đồng thẩm định và khán giả Chương trình Bài hát Việt số 4, tháng 7-2005, bình chọn với ca khúc "Bà tôi" - qua tiếng hát của ca sĩ Ngọc Khuê.
• Giải nhất dòng nhạc "Dân gian đương đại" năm 2005 của chương trình "Bài Hát Việt – 2005”- với ca khúc "Giọt sương bay lên".
• Giải "Bài Hát Ấn Tượng", chương trình “Bài Hát Việt”, tháng 10- 2007 với ca khúc "Ông tôi".
• Top 15 (Vòng chung kết) Bài Hát Việt 2009 với ca khúc: "Phố Thị"
• Giải Sáng tạo dành cho bài hát "Mẹ tôi và những thị xã vắng", chương trình "Bài hát Việt 2011".
Sau chót, chúng trân trân trọng kính mời bạn đọc, thân hữu thưởng thức một số thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, sưu tập của Nguyễn Đăng Khoa:
_____________

THƠ NGUYỄN VĨNH TIẾN,

Đáy Xuân,

Tôi về lất phất mưa đêm
Cười đùa đã thoả thuê thềm rêu xưa
Chỉ còn lành lạnh giọt mưa
Hoà cùng giọt nước mắt vừa ấm môi
Có gì nặng trĩu đường trôi
Một mùa Xuân rót một lời đáy Xuân
Có quang gánh nỗi đồng lần
Hồn kêu kẽo kẹt trên thân thể buồn...

Tuổi Tôi,

Quê tôi cả thẹn, hay lo
Dòng sông vắng khách, con đò trầm ngâm
Bụi tre thích đứng cười thầm
Giàn bầu, giàn bí thích cầm tay nhau
Con chim sẻ nhớ bẹ cau
Con chào mào lại nhớ màu ổi ương...
Làng tôi lắm ngách nhiều đường
Trẻ con theo phía trống trường mà đi
Mặt trời vừa giống hòn bi
Lại vừa giống điểm bài thi hôm nào...
Tuổi tôi câu cá bờ ao
Chợt mong chẳng có con nào cắn câu
Tuổi tôi bám chặt lưng trâu
Vượt sông mà ngắm nhịp cầu bắt ngang
Tuổi tôi ra đứng đầu làng
Để xem màu nắng có vàng như hoa?
Tuổi tôi sục sạo khắp nhà
Tìm sao cho đủ tiếng gà ban trưa
Tuổi tôi chạy giữa cơn mưa
Thương con kiến cánh bay chưa kịp về
Tuổi tôi cắt cỏ ven đê
Những khi đầy gánh lại khe khẽ buồn
Tuổi tôi lúc ngắm hoàng hôn
Lo cho diều giấy vẫn còn trên cao
Tuổi tôi có lối rẽ vào
Suốt đời bước thấp, bước cao - Tôi tìm

Chồn Hoang,

Những con chồn hoang
Đêm đêm mò về làng
Mắt như sao rơi xuống đất
Mỗi chiếc lông rụng mang theo một hạt bụi của núi đồi
Chúng nối chân nhau đi theo đường dích dắc
Vắt qua khe hở bất trắc
Vòng theo những thớ đất lồi
Và nói với nhau những chuyện lôi thôi
Chồn hoang chồn hoang
Có câu hát rằng:
Hễ có mặt trăng
Là thêm cái bóng
Theo ta về làng
Hễ có mặt trăng
Là thêm cái ánh
Theo ta màu vàng
Hễ có mặt trăng
Là thêm cái tối
Theo ta lang thang
Bầy chồn về bắt vạ chuyện làng
Bầy chồn đi như tìm đói khát
Chồn ơi chồn đứng ở đâu
Ban ngày đang ngủ trên đầu ban đêm
Chồn đi đá cứng chân mềm
Về làng mà hát, mà xuyên qua làng.

Trung Thu,

Sông Thao réo ùng ục màu hồng xám,
lặn ngụp giữa dòng củi mục
xác tuổi thơ trôi
Cây gạo đứng giữa bãi bồi, không lá
Tôi đáng lẽ ngồi chờ chuyến đò định mệnh
Nhưng đã bật dậy chạy theo cánh cung triền đê vàng
Để rồi lạc tiếp giữa những cánh cung sườn đồi căng nắng
Thoát theo một đường nhỏ, cây cọ xòe tay đã nhuộm rát từ mặt trời
Tôi đi chậm lại bỗng muốn khóc xối xả
Muốn cõng về cho em một quả núi
Rồi nằm thật dài như đường ray
*
Tôi đáng lẽ đã thấy chuyến đò định mệnh
Nếu không lạc vào những tiếng chuông trên mặt nước
Rồi đuổi theo em áo vàng trong cánh đồng ngô
Bắp tròn hạt mẩy
Sao tôi chần chừ để mất lần cắn ngập
Để sau này mò mẫm mãi trong phố xẩm mưa phùn
*
Con chim bông lau cánh xác xơ về kêu
Buổi chiều sắc xám xơ vạt đồi cao ối đỏ
Ông nội tôi uống rượu say là tại con đường
*
Tôi lao như mũi tên mê theo quả bàng chín ẩn hiện trong lá tim
Tuổi tôi bao giờ cắn ngập những làn hương?
Phố xá im lặng chồn chân
Cánh cửa màu trắng phía ngày xa rộng toác
Vẫn ít người trở về
Tôi quen trò trốn tìm sắc ngày nhạt
Khi chán lại tìm trùng điệp những ngọn đồi chơi trò cánh cung mây
*
Tôi chạy xa rồi cái bến đợi chuyến đò định mệnh
Nhưng Sông Thao lẽo đẽo chảy trong người
Trung du thở những cánh cung căng cứng.
Toulouse, 5-9-2003

Đêm Qua Núi Lại Kiễng Chân,

Đêm qua núi lại kiễng chân
Lại tô thẫm ngực những tuần cỏ xanh
Lại bóng đè những mộng lành
Lại mạch ngầm những suối quanh thuở nào...
Em ơi, Xuân sắc chiêm bao
Tết Âm Lịch chạm cành đào môi thơm...
Tháng ngày đã nụ hoa đơm
Đã thoăn thoắt vẽ những đường én bay
Núi bồng bềnh đến sáng nay
Giờ im chờ một cơn say mã hồi...

Đáy Mùa Đông,

Đáy mùa Đông, chạm sau rằm
Hương nhang khắc khoải lối thăm thẳm về
Dùng dằng tưởng dứt cơn mê
Lại dùng dằng vướng màu tê tái màu
Rót gì để lấp đêm sâu
Một đôi mắt biếc? Một màu cỏ xanh?
Đáy mùa Đông gió lạnh tanh
Triền đê vẫy mãi một cành sậy khô
Gọi ai trong cõi mơ hồ
Về trong men rượu xưa hồ hởi trao...
Đáy mùa đông, chạm chiêm bao
Đổ đầy lạnh lẽo lên ao nước bèo...

Canh Tư,

Chòng chành đã đến canh tư
Tay khô cánh cúc vàng dư gió lùa
Tháng tám đã khép cổng Chùa
Tiếng chuông có vọng đến mùa thu sau?
Sen tàn những lúc xa nhau
Anh là vốc cốm gói vào lá sen...
Canh tư, chẳng muốn thắp đèn
Quấn quýt dòng chữ mực đen giấc vùi
Sớm mai, nắng sẽ loé vui
Hay anh vẫn lửa bùi nhùi khói thơm?
Ước làm tảng đá vô tâm
Còn hơn khắc khoải đứng nằm đều trôi...
.....
Tháng Tám giờ sắp cạn rồi
Ngoài song Tháng Chín đã ngồi trong sương
Anh mơ, hẻo lánh con đường
Cánh đồng hoa dại nằm vương đôi mình
Canh tư gói cả mấy canh
Thu này gói cả chòng chành mấy năm...
.....
Mai này, có khách hỏi thăm
Thu rằng: Mộng mấy trăm năm, lâu rồi
Chỉ là một phút giây thôi
Mở ra bát ngát rừng phơi mối tình
Song song những bóng những hình
Thời gian trổ lá trên cành tương tư...
.....
Chìm dần vào một phong thư
Anh là nét chữ Thu vừa viết xong?

3h57ph 31-8/1-9

Mưa Mùa Thu,

Mưa mùa Thu, giọt mùa đông
Như cầu không nhịp, như sông không phà...
Đong mưa bằng vạt cà sa
Nhớ nhau mình lại thẩn tha cổng chùa...
Tháng 9 hạc trắng nhớ vua
Sông Hồng gió hát lạc mùa ngã ba...
Tháng 10, vườn đỗ ra hoa
Một con sẻ nhỏ xa nhà, sang sông...
Mưa mùa Thu, giọt mùa Đông
Một cơn phùn chỉ mênh mông một màu...
Nguyễn Vĩnh Tiến

Nhận xét