RƯỢU NÚI AI RÓT MÀ SAY,...

 


@@@

RƯỢU NÚI AI RÓT MÀ SAY,...
(Chân dung nhà thơ Lò Cao Nhum)
###

hế là nhà thơ Lò Cao Nhum, người con của Bản Lác, Mai Châu  đã ra đi mĩa mãi vì căn bệnh trọng.

Biết đến tên và thơ Lo Cao Nhum thì từ lâu nhưng phải đến năm 2011, tôi mới giao du với ông qua mạng Blog Tiếng Việt.

Tôi đi du lịch Bản Lác cũng nhiều, nhưng cũng chỉ có một lần ghé thăm chơi nhà Lò Cao Nhum. Ấy là khoảng mươi năm trước, vào dịp xuân, tôi cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Thanh Vân, nhà văn Nguyễn Trọng Huân và nhạc sĩ Phạm Quang Hiển vô  xứ Thanh chơi, thăm nhà của nhà văn Trịnh Tuyên ở Cẩm Thủy, rồi quá bộ lên Bá Thước thăm nhà thơ Trương Thị Màu. Tôi post ảnh lên mạng, nhà thơ Lò Cao Nhum biết tin bèn gọi điện nhắn là khi về thì tiện đường vòng qua Bản Lác, Mai Châu ghé nhà ông chơi. Thế là đoàn chúng tôi sang Mai Châu, đến Bản Lác ghé nhà Lò Cao Nhum. Có trà có rượu nên không khí cuộc gặp thêm phần ấm áp, rôm rả, thơ phú dạt dào,...

Những lần sau, ghé bản Lác, thì hoặc ông chơi xa vắng nhà, hoặc chúng tôi vội nên chỉ í ới qua điện thoại dăm câu ba điều vậy thôi.

Trang cá nhân của nhà thơ Lò Cao Nhum trên Blog Tiếng Việt lấy tên Rượu Núi, tôi đọc thơ ông chủ yếu ở đây. Thi thoảng thấy tên ông trên báo này báo nọ thì bài đọc bài không, nên chẳng lạm bàn, song qua đó cũng đủ để nhận diện, thấy được chất văn hóa bản địa (Thái và Mường) và dấu ấn bản tính nhỏ nhẹ rủm rỉm riêng có của Lò Cao Nhum.

Lần giở từng trang của nhà thơ Lò Cao Nhum trên Blog Tiềng Việt mà ông bỏ lửng gần chục năm nay, ngược thời gian để nhận diện một Lò Cao Nhum, thơ và người. Trang cá nhân của ông lấy tên RƯỢU NÚI, thì hẳn ông phải tâm đắc với bài thơ này và xem đó như sự đại diện hay một tuyên ngôn về thơ, về quê hưởng bản quán và con người mình...

Hãy xem cái cách Lò Cao Nhum, hay rộng ra là người Thái Bản Lác mời rượu bạn bè: “Rượu núi/ Bạn đến/ Mời ngồi xếp bằng tròn giữa chiếu/ Chiếu đan bằng tia mặt trời/ Bát rượu trăng rằm/ Mong hồn vía bạn đừng thất lạc/ Cầu cụ ông, cụ bà, cây si, cây đa/ Gái bản nụ hoa, trai mường cây nghiến/ Ngửa bàn tay cũng da/ Úp bàn tay cũng thịt...”. Vậy thì đâu còn xa lạ nữa, dù bạn là người Thái, người Mường, người Mông, người Kinh hay dân tộc nào đi nữa thì bàn tay cũng da cũng thịt như nhau cả thôi.

Có thẻ nói, chỉ bằng một bài thơ “Rượu núi” Lò Cao Nhum đã xóa nhòa đi cái khoảng cách về sắc tộc. về sự giàu nghèo, gần xa, cũ mới,... Đấy là cái khéo riêng có của nhà thơ, ấy còn là văn hóa ứng xử của người Thái và một số dân tộc thiểu số vùng cao...

Cảm giác chung, Lò Cao Nhum cũng như các nhà thơ người dân tộc thiểu số vùng cao khác (Pơ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh...) yếu tố dân tộc bản địa rất rõ. Tất nhiên, mỗi dân tộc thiểu số vùng cao, bản sắc văn hóa khác nhau đôi chút, song tựu chung, văn hóa ứng xử lại khá giống nhau, ấy là sự hiếu khách và lòng tin ở còn người. Người Thái, người Mường vùng Tây Bắc đều khá tinh tế và khéo léo trong ứng xử với khách. Bản thân, tôi có nhiều năm ngang dọc Tây Bắc nên hiểu điều này. Giờ hãy xem Lò Cao Nhum thưởng trà với bạn hữu ra sao: “Hương trà thơm thao thức/ Quyện vấn vít mãi thôi/ Em nâng lời chén nước/ Sóng sánh vỗ lòng tôi/ Nhấp một ngụm thành hai/ Nhấp hai ngụm thành mười/ Một đêm trà gió thức/ Chung chiêng lá trọn đời”.(Hương trà). Với cái phép nhân của lòng người “một thành hai, hai thành mười” ấy, mới thấy Lo Cao Nhum khéo và cũng ngoa  làm sao.

Nét văn hóa của người miền núi đồng rừng, tục “bắt vợ” cũng được Lò Cao Nhum thi vị hóa: “...  Nghiêng lòng rình khe vách/ Ngả tim ngóng buồng trong/ Đâu là trời, là đất/ Đâu là vuông, là tròn./ Tiếng khèn hổn hển/ Khua lạo xạo con đường đá sỏi/ Bỗng lách qua khe liếp/ Vồ dốc núi/
Chộp rừng rú/ Bế bổng thiên thần/ Nhẹ nhõm hòa vào sương ban mai
” (Bắt vợ).

Văn hóa ứng xử của người Thái, người Mường vốn tinh tế, phả vào người thơ rủm rỉm Lò Cao Nhum nên đã khéo càng thêm khéo. Chuyện gia đình,có khéo ăn ở bao nhiêu cũng chẳng thể tránh được  những  giận hờn, sứt mẻ. Nhưng với  Lo Cao Nhum những lúc thế này: “Hơi tí em bỏ về bên ngoại/ Làm cơm canh, ấm chén rối lên/ Bậu cửa vào vấp chân/ Khung cửa ra đụng trán/Thương cái bếp nguội lạnh...”. Để vợ giận thì chỉ có thua và thiệt thôi, nên người thơ nhủ lòng mình, cũng là cách lấy lòng vợ: “Thôi cũng vì cái vung trót méo/ Cũng vì nắng quá mà mưa/ May mà vung còn dẻo/ May mà vẹo lại tròn/ Bữa cơm trưa một mình/Anh còn so thêm đũa” (Mưa nắng nhà mình). Đến nước này thì gỗ đá cũng tan thành nước, người vợ nào cũng đành cầm lòng, giận dỗi chi nữa. Nịnh vợ giỏi thế, khó có ai hơn được Lò Cao Nhum. Thường ngày  là vậy,nhà thơ nịnh đầm theo quán tính, nhưng hễ có dịp thì tội gì mà không giả vờ có chút tị nạnh với chị em : “Làm phụ nữ thích thật/ Có ngày vui tháng ba/ Có ngày hoa tháng mười/ Làm phụ nữ vui thật.../  Làm phụ nữ sướng thật/ Bao nhiêu là tiếng khen/ Bao nhiêu là lời tán/ Ngọt thơm suốt cả đêm..”, nhưng rồi vẫn nửa thương nửa răn dạy: “Ngày vui ngắn chẳng tày/ Về còn lo con nhỏ/ Còn trăm ngày giặt giũ/ Còn nghìn đêm khóc thầm./ Phụ nữ vốn rộng lòng/ Đàn ông đừng hẹp bụng/ Phụ nữ đáng thưởng lắm/ Ngày nào cũng ngày hoa” (Thơ vui ngày hoa tặng cánh mày râu). Tị nạnh như thế thì cũng là một cách lấy lòng người thôi. Khôn thế, có mà khôn hết cả phần thiên hạ à ...

Những tưởng chỉ vui bàn chuyện văn hóa dâ\n tộc, ứng xử cộng đồng làng bản, gia đình vậy thôi, chứ thực ra, nhà thơ cũng thích bàn chuyện thế sự. Song chuyện thế sự có ghê gớm thế nào đi chăng nữa thì cũng nhìn từ bản thân mình, từ người thân mà ra chuyện thiên hạ. Hãy xem Lò Cao Nhum bàn chuyện thế sự ra sao? “Họ bảo tôi đi đường ngược chiều/ Bị phạt là điều cầm chắc/ Chợt hiểu đấy là phép tắc/ Giống bản mình giăng bủa Ta leo... / Ngôi nhà ta có nóc, có sàn/ Làm người không thể không phép tắc/ Phép tắc không thể không chòi gác/ Cuộc đời có ngã ba, ngã bảy/Trong ta có đèn đỏ hay không...” (Ngược chiều).

Vậy thì lệ làng, phép nước cũng nhìn nhận từ bản thân mình mà ra. Bố bản hay ai cũng thế cả thôi, cứ phải khép mình mà tuân thủ suy ra phép công thì xã hội mới có trật tự chứ.

Căn phòng tôi một góc khói bay/ Tôi ngấu

nghiến chợ chiều ùa đến/ Nhịp đời thường cà chan nước mắm/ Không góc đêm chạm cốc bon che./ Căn phòng tôi chiếu rải thênh thênh/ Ríu ran tiếng giao lưu đồng loại/ Nhịp nhàng tiếng đưa nia sàng sảy/ Nụ cười thơm lọt sàng xuống nia” (Căn phòng tôi). Cái riêng đã thành chung rồi, chuyện của mình thành chuyện làng xã, chuyện xã hội thôi. Thế sự với Lò Cao Nhum cứ thủ thỉ là vậy.  Chẳng hơi đâu phải đao to búa lớn cả, chuyện thế sự đơn giản là lời dăn con:  “Rồi ngày mai con xuống núi/ Gặp phố phường ngã bảy, ngã mười/ Gặp lòng người đỏ, vàng, đen, trắng/ Mỗi lần vấp, một bước đi/ Sẽ sực nhớ người thầy trên núi.../ Ngày mai con xuống núi/ Cùng tay nải hành trang đầu tiên/ Đi như suối chảy về với biển/  Chớ quên mạch đá cội nguồn.” (Ngày mai con xuống núi)...; Hay đâu như chuyện ăn bát phở dưới phố: “Người Núi xa bản Mỗ, bản Lác/ Đi phố xa cải tổ cái đầu?/ Sau hội Thơ, hội Văn, hội Bè, hội Bạn/ Muốn về lắm rồi/ Nhớ gà đồi…/ Thế là xong/ Người Núi làm sao biết được/ Mấy trăm tấn gà mắc dịch om, lưu/ Bột rượu cồn nhập của Tàu pha nước/ Thơm lừng môi – trôi xuống ruột: ngọt lừ!/ Ngon lỗ miệng – bụng đứ đừ/Ung thư, tắc ruột coi như xong đời...” (Đau cái sự phở gà); Hay đơn giản là nghe tiếng chim ngoại thành: “Lật chăn bên này/ Trở gối bên kia/ Tiếng chim cuốc/ Ven đầm sậy một khu đô thị/ Đêm không vắng/ Mà thăm thẳm/ Chim gù đôi/ Như khoan vào đáy ruột.../ Lặng nghe đêm sâu/ Tiếng chim đôi khi như nấc/ Tiếng chim thảng thốt/ Giữa chói chang sức nén/Ngàn tấn bê tông...’ (Tiếng chim cuốc been đầm ngoại thành): Hay là chút cảm xúc khi về Điện Biên thăm Mường Phăng: “Chín sẽ quên và mười sẽ quên// Nhưng không quên Pú Thẩu (*) Đại tướng/ Mùa hoa vông đếm hoa vông ngồi đợi/ Mùa hoa bưởi ngắt hoa bưởi chờ mong./ Về Mường Phăng câu ca còn ngân/ Sáu mươi mùa ve sôi chín núi/ Ngày noọng sao hát lời buộc trói/ Pú Thẩu về sợi chỉ về theo...” (Câu hát Mường Phăng); Rồi nữa, khi bố bản nhìn thấy cây thốt nốt bên bờ biên giới sinh ngẫm nghĩ: “Cây thốt nốt lắc lư vô tư nghiêng ngả./ Rễ chùm uống nước ruộng này/ Uống nước ruộng kia/ Cỏ xanh cũng không chia/ Phương này phía nọ./ Chàng trai Căm Pu Chia ruộng bên buông cày/ Cô gái Nam Bộ bên này ngơi tay gieo sạ/ Dưới vòm râm thốt nốt/ Rôm rả mùa màng” (Cây thốt nốt giữa bờ biên giới); v.v... Cứ rủ rỉ tâm sự như tự nói với chính mình, Lò Cao Nhum suy ngẫm và  kể chuyện thế sự theo cách riêng của mình, chẳng khác mấy việc  hàng ngày ông tìm lối mòn lên núi hay đi nương rãy,...

Như thế, cũng không có nghĩa mọi việc phả vào nhà thơ đều đơn giản cả, không đa sự song ông cũng ưa triết lý: “Ừ đời người mới đó buổi mai/ Dăm chén rượu đã chạm chiều chạng vạng/ Nồng say mối tình không biết ngán/ Chẳng khỏa đầy nỗi hoảng hốt bâng quơ./ Ừ thì trời cho ta làm thơ/ Phơi phới đi từ thiếu thời cắp sách/ Nhưng cũng khoác cho ta áo rách.../ Sáu mươi năm còn vá đụp vá chằn...” (Những con giáp di); “Ở trên núi có bấy nhiêu hộ/ Một phần ba giầu có đỏ rừng,... / Một phần ba mới giầu nửa chừng/ Vừa ăn vừa dụm sinh dè sẻn,.../ Còn lại một phần ba liêu xiêu/ Gió tháng tám tốc cả lên rừng/ Đã thế sự nghèo đuổi tận cùng/ Cáo hay bắt trúng gà kẻ khó” (Trên núi có ba loại người); “”Pù Bin có sấm rền bất chợt/ Dội lên giấc ngủ giữa trưa mù/ Giấc mơ không thể mơ trọn giấc... / Người Pù Bin lầm lỳ như núi/ Cao xanh trên sương gió, nắng mưa/ Người rẻo cao tình bền củi lửa/ Râm ran cháy nỏ suốt bốn mùa (Ở đèo cao Pù Bin),... v.v...

Quả thật, đọc thơ  Lò Cao Nhum, những khi bắt gặp ông triết lý, tôi cứ cười thầm, nghĩ bụng và hình dung, khi viết ra những câu thơ mang tính triết luận như vậy, hẳn nhà thơ nhẩm bụng hay lẩm bẩm một mình “này, đừng có nghĩ là người vùng cao chúng tớ ai cũng thật thà như đếm đâu nhớ,...?”. Song rõ là, cái kiểu triết lý như vậy. chẳng giống người miền xuôi tẹo nào, vì nó vẫn rất chi là “thật thà đáng yêu”, hay chăng  người giả vờ “thật thà đáng yêu “?...

Nhà thơ, ai mà chẳng đa sự, đa tình. Âu cũng là cái cách nhà thơ tự đo-ping, gây cảm xúc  để thành thơ?... Thứ tình cảm  mà  nhà thơ Thuận Hữu đã buột miệng nói hộ thiên hạ chúng sinh ấy, chút ý nghĩ  “ngoài chồng ngoài vợ”. Giờ thì xem Lò Cao Nhum sóng sánh ra sao?

Lần giở thơ ông, bắt gặp một bài thơ của một bạn thơ giấu tên thật, ký bút danh THỊ NỞ tặng thơ Lò Cao Nhum: “Quả cuối năm ngọt đậm/ Hoa cuối mùa vẫn hương/ Nắng cuối

chiều như mật/ Đỏ thêm nét môi hường./ Thời gian ào suối lũ/ Cuốn mưa nắng từng ngày/ Muối đã mặn vẫn mặn/ Gừng đã cay thêm cay./ Từ ngàn xưa đến nay/ Tình yêu là phép lạ/ Chỉ một giọt trong ngần/ Cũng sánh ngang biển cả./ Cơn mưa rào mùa hạ/ Dào dạt ướt vai anh/ Giấc mơ trưa có thật/ Một bờ vai xanh xanh”.  Lại lần hồi cho rõ nguồn cơn, có một bài thơ của Lò Cao Nhum, trước đó không lâu gửi  tặng một "người hôm qua" nào đó, đọc rồi thì hiểu đây là bài thơ khởi  từ phía nhà thơ, khơi nguồn cho bài thơ hồi đáp của người bạn thơ giấu tên kia: “Không thể gọi người xưa/ Vì ngày mai còn nhớ/ Không thể gọi ngày cũ/ Bởi tình nào đã xa./ Mà thời hoa là hoa/ Đến mùa nở cứ nở/ Hương chắt chiu cho quả/ Ai hái trái vườn xưa?/ Kể gì thủa bâng quơ/ Gì nên ở còn ở/ Thời gian ào thác lũ/ Cuốn mưa nắng từng ngày./ Chỉ lạ điều xưa nay/ Tiêu nghìn vàng không nhớ/ Hoa buổi đầu chớm nở/ Gió day dứt trọn đời” (Thơ gửi người hôm qua),....

Có thể, chỉ là võ đoán, song tôi thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng cái người mà nhà thơ gọi là “người hôm qua” ấy, khi bắt gặp đôi ba lần nhà thơ giới thiệu thơ của một “nàng thơ” trên trang cá nhân của mình. Sự việc đó khiến tôi cứ liên tưởng, sâu chuỗi,... rồi suy luận vậy thôi,... Âu cũng là để ta nhìn nhận con người thơ Lo Cao Nhum thi vị hơn chăng ?...

Nhớ về Lò Cao Nhum, không thể không nhớ đến bài thơ Rượu núi của ông. Nhưng Lò Cao Nhum còn có những bài thơ khác, ta không thể bỏ qua để thêm phần rõ cái triết lý về nguồn cội sắc tộc, dấu ấn văn hóa bản địa, chất Thái Mường hòa quện nhuần nhị trong con người và thơ ca của Lò Cao Nhum (ông có cha người Thái mẹ người Mường) : “Nhận ra anh em/ Nhận ra họ hàng/ Nhận ra đồng tộc/ Khi nóc nhà có hoa khau cút/ Đấy là tin hiệu vui/ Tín hiệu máu mủ/ Anh có thể cởi dép/ Rửa chân lên thang/ Tìm chỗ ngồi của mình nơi góc chiếu,.../ Rồi anh ra đi/ Ngoái nhìn ngọn hoa mưa nắng/ Thơm thảo nơi mái lá nhà sàn/ Văng vẳng níu chân lời hát/ Người ta chỉ muốn gần nhau thôi” (Nóc nhà ta có hoa khau cút);  “Ông nội tôi khai sinh miền đất/ Bắt đầu là gồng gánh núi non/ Ở trong núi có mồ hôi của đá/ Trong đá kết tinh nỗi khổ/ Nỗi khổ ủ niềm khát khao/ Rồi ông vung dao phạt quang mầm đói/ Ông chọc lỗ gieo hạt củ no/ Sự sống ấm chân trời hoang sơ,...” (Ông nội tôi khai sinh miền đất); “Tao có chồng, mày đi bắt vợ/ Bao mùa vụ cắm cúi đời nương,.../ Giờ mày năm chân, tao bảy tay/ Chuyện chồng vợ còn giấu vào núi/ Tao nhớ mày gùi lưng lủi thủi/ Nén mũi kim thêu áo cho chồng,.../ Chợ tình tâm sự mấy mươi phiên/ Yêu thương gập ghềnh còng dáng núi,...”  ( Lời chợ phiên). v.v....

Vậy đấy, văn hóa bản địa, sắc tộc tháng ngày lẽo đẽo theo chân  nhà thơ mang dấu ấn đời sống thường nhật, từ nét hoa văn nhà sàn, chuyện cha ông khai sơn lập bản, nét ẩm thực bát rượu nắm xôi, đến phong tục chợ phiên chợ tình,... với Lò Cao Nhum hòa quện, chung đúc thành thơ mà nên giọng điệu của riêng  ông.

Cũng như một số nhà thơ dân tộc thiểu số khác, có thể nói, Lò Cao Nhum ít nhiều góp phần công sức làm phong phú văn hóa dân tộc mình.

Hơn cả, người ta ghi nhận nhà thơ Lò Cao nhum ở điểm này.

Những ai, đã ít nhất một lần,  như tôi từng nâng bát rượu núi ngồi khoanh chân nơi sàn nhà Lò Cao Nhum ở Bản Lác, thì hãy thêm lần nâng bát rượu núi trên tay, bởi Lò Cao Nhum đã mời: “... Rượu nhà tôi// Rượu buộc chỉ cổ tay/ Thắp lửa tình chiêng, tình trống/ Đã uống vắt kiệt chum mà uống/ Đã say đổ tràn tình mà say/ Nào bạn ơi/ Cụng bát cùng rẻo cao muôn đời/ Chụm bền ngọn núi/ Giữa chiếu đan bằng tia mặt trời.”...

Giờ đây, .... Rượu núi ai rót mà say?...

Khi mà, Lò Cao Nhum đã rời bỏ mọi người,

ngủ vùi giấc muôn đời nơi Xứ Mường đồng vàng, núi xanh, mây trắng,...thả cho thơ mình mặc sức thung thăng !... ./






Nhận xét