Chính danh gọi Tễu,...(chỉnh sửa)

 CHÂN  DUNG PHẠM CÔNG TRỨ

(Có sự tham gia chỉnh sửa của Phạm Công Trứ)



Hai nhà thơ PHẠM CÔNG TRỨ & VƯƠNG TRỌNG

@@@

CHÍNH DANH GỌI TẾU...

                                                                     Nguyễn Chu Nhạc

                                             

1. Chính danh gọi Tễu

Đấy là một gã đặc biệt. Đặc biệt người, đặc biệt thơ. Cứ nhìn cách gã đặt tên cho những đứa con tinh thần của mình - các tập thơ là đủ thấy: Lời thề cỏ may I-II-III, rồi Cỏ may thi tập ; Phồn thi I-II và tới đây là Phồn thi III, để hoàn tất thành Phồn tập. 

Tôi thì nhất quyết gọi gã là Tễu. Đơn giản bởi tôi thấy gã đã tự họa chân dung mình khá ấn tượng: 

Cởi trần đống khố múa chơi 

Hát rằng, giữa đất và trời có ta 

Đất là mẹ, trời là cha 

Chính danh là Tễu, tự là Thảo Dân ...

Còn tên khai sinh do cha mẹ đặt cho là Phạm Công Trứ - Tiến sĩ Luật  - Nhà thơ - Nhà báo.  

Thật khốn khổ cho cái thân gã, sinh ra lớn lên đã phải mang vác những tên tuổi lớn trên thân xác cực kỳ quê mùa của mình. 

Thoạt đầu là cái tên Công Trứ, khiến người ta nhớ đến danh nhân Nguyễn Công Trứ - Doanh điền sứ, nhà thơ và nhà khẩn hoang lỗi lạc của đất Việt thời Nguyễn, đầu thế kỷ 19. Có lẽ cha mẹ gã, những nông dân của vùng đất biển bồi Hải Hậu (Nam Định) vốn là những người hiểu biết nên lấy tên Công Trứ  đặt cho gã, một để tỏ lòng kính trọng với danh nhân Nguyễn Công Trứ, người đã có công lập ra hai huyện nguyên là vùng đất mới bồi, Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn  (Ninh Bình), hơn nữa, cũng là sự kỳ vọng vào tương lai của gã. Hẳn sau này, nếu tài danh không mấy nổi thì gã cũng có cớ để biện bạch rằng, vị danh nhân kia họ Nguyễn, còn gã họ Phạm. 

Thêm nữa, chẳng hiểu gã có biết rằng, trong lịch sử xa xưa, còn có một người trùng danh tính với gã, song lại rất nổi tiếng, ấy là Phạm Công Trứ, một danh thần, nhà sử học thời Lê, đầu thế kỷ 17. Ông này sinh năm 1600, quê Liêu Xuyên, Đường Hào (Hưng Yên), đậu tiến sĩ năm 1628, làm quan to trải các chức Đô ngự sử, Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Lại, Tham tụng phủ Chúa, tước Yến quận công, người từng được nhà vua giao trọng trách cùng với cộng sự đương triều sửa chữa và duyệt bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư. 

Thôi rồi, gã hết đường biện bạch nếu chẳng may sự nghiệp không thành. May thay, gã không hổ danh đội tên danh sĩ, danh nhân, dù thân xác quê mùa, trí tuệ chú Tễu. Đã từng đứng trên bục giảng đường đại học mà cao giọng giảng luật học, cũng tiến sĩ và thơ phú như ai, lại thêm cái danh nhà báo, dẫu chẳng dám so sánh với tiền nhân, thì cũng có thể tự hào mà đứng trong trời đất này! 

Tôi biết Phạm Công Trứ khi đã nổi danh với bài thơ Lời thề cỏ may, sau cả khi lấy bằng Phó tiến sĩ Luật từ Liên Xô về, làm việc tại Báo Pháp luật, và còn độc thân. Trứ tuổi Quý Tỵ, tôi tuổi Đinh Dậu, hơn kém những 4 tuổi, song chơi ngang hàng, xưng hô ông-tôi thân mật. Chúng tôi biết nhau nhờ cùng là cộng tác viên của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Biết thì thế, song chơi được với nhau lại qua trung gian là Trần Đăng Khoa và Trịnh Bá Ninh, khi ấy là Phó Tổng biên tập Báo NNVN. Tiếng là thân, nhưng không gần. Cứ ai việc nấy, lâu lâu gặp nhau do hẹn hò hoặc tình cờ thì vẫn có chuyện để mà nói. Ngồi với nhau, lúc tại công sở, khi nhâm nhi tách cà-phê nơi quán xá, đủ độ thân để thật lòng chuyện nghề, chuyện thơ văn, chuyện gia đình, chuyện đời... Khi nghe nhau nói, lúc hăng lên cùng tranh nhau nói, một bộc trực to tát, một uyển chuyển nhỏ nhẹ hơn, và chưa bao giờ bất đồng hoặc gay gắt đến phát cáu, đến mức một ai đó phải bỏ đi trước.  

Song le, nhắc đến Phạm Công Trứ, thì phải nói đến thơ của gã. Thơ lại dăm bảy loại, Phạm Công Trứ chỉ gắn với thơ lục bát thôi. Thế quả có thiệt cho gã, bởi thơ không lục bát gã cũng có ối bài hay, song người đời đã nghĩ thế, cho là thế, nên đành vậy, thanh minh mà làm gì . 

Như một định mệnh, Phạm Công Trứ đến với người yêu thơ bằng bài lục bát Lời thề cỏ may, rồi cứ đà tiếp mạch nguồn tuôn chảy. Hễ đụng đến lục bát là ngòi bút của gã trơn tru, tung tẩy, uyển chuyển làm sao. Tôi biết, với ngần ấy tập thơ, Phạm Công Trứ đã được nhiều nhà phê bình thơ để mắt, săm soi, và trong số đó, đáng kể là Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Vũ Nho và Chu Văn Sơn. Khen chê đủ mùi, có cả chuyện bảo gã ngồi vào chiếu của Nguyễn Bính. Dẫu vậy thì có sao đâu. 

Quả thật, Phạm Công Trứ sở trường về thơ lục bát. Song le, thương thay cho gã, ngay cái tên đã đội danh nhân lên đầu, đến nghiệp thơ cũng không thoát khỏi kiếp con rùa vào chùa đội hạc ra đình đội bia, ấy là phải đội các bậc cao thủ tiền bối lục bát là Nguyễn Du, Tản Đà và Nguyễn Bính. Là kẻ hậu sinh, dẫu chỉ bén gót các bậc danh tài tiền bối cũng chẳng có gì xấu hổ. Xét hiện tại, trong làng thi ca Việt mình, chiếu thơ lục bát có mấy người thành danh thì trong số ấy cũng có tên gã. Bốn người ngồi bốn góc: Nguyễn Duy - Lê Đình Cánh - Phạm Công Trứ - Đồng Đức Bốn, mỗi người riêng một vẻ hay. 

Chơi với Phạm Công Trứ, cũng thích nhiều bài thơ của gã, tôi đã tự chọn và bình dăm ba bài, đăng báo chỗ này chỗ nọ. Lẽ dĩ nhiên, cũng na ná những bài viết của làng phê bình ta, khen một tý và chê một tý, rồi cộng thêm tham số hy vọng bằng kết quả bài thơ (tập thơ). Tôi không thông báo, cũng chẳng kể công gì với gã, song gã để ý và gom góp đủ cả. Lại còn tuyên bố, khi làm tuyển các bài giới thiệu phê bình thơ gã, thì sẽ chọn lựa đưa vào. Không rõ đến bao giờ gã mới làm cái tuyển đó? A ha, gã đã vậy thì sợ gì mà không biếm họa chân dung gã? 

Tôi từng viết một bài tạp văn Sân trăng (in trong tập Lên núi tầm mai - Nxb Văn học-2005 ), lấy cảm hứng từ mấy câu thơ của gã: “ ... Vợ thì mặt khó đăm đăm/ Con thì ọ oẹ đái dầm cả đêm/ Mình thì ngồi xuống đứng lên/ Trăng thì cứ vãy đầy thêm như trêu”. Tôi gán chàng thi sĩ trong tạp văn ấy vào gã, và còn rủa khéo, bảo gã hãy bỏ cái chốn phồn hoa đô hội mà về quê cày cuốc cấy hái, để rồi tha hồ ngắm trăng. Gã biết, không giận bạn, mà lại cười hiền.

Thoạt trông tướng gã quê quê, lại thêm ẩm ương thơ phú, nhiều người lo không biết gã làm gì ra tiền để nuôi vợ con (một vợ, hai con - đủ cả nếp tẻ). Đùng một cái, gã mua đất xây nhà lầu ở Cầu Giấy. Xây nhà rồi, lại còn bắt chước người xưa đặt tên chữ nữa. Thảo am thì quyết không phải rồi, thế thì phải là hiên, hoặc các, lâu chi đó. Kể từ đấy, nhiều bài thơ, gã đề bên dưới là Quan-Hoa các, hoặc giả Nghênh-Phong hiên, hay Vọng-Nguyệt lâu...cho thêm phần nho nhã. Vậy mà Tễu, một kẻ đặc quê mùa và láu cá lại được ra đời từ đấy. 

Đa phần người yêu thơ, biết đến Phạm Công Trứ là nhờ Lời thế cỏ may. Hẳn tự thân gã cũng nghĩ vậy, thế nên mới có chuyện gã lấy tên một bài đặt cho cả tập, rồi không những một mà cả ba tập, lại còn thành tên tuyển Cỏ may thi tập. Tôi biết, trong cuộc đời, đã có bao nhiêu cô gái sướt mướt chùi nước mắt, bao kẻ ngậm ngùi nhớ về cái thuở “ngồi gỡ lời thề cỏ may”. Song chuyện gió trăng ấy chỉ là những phút thăng hoa ban đầu dễ làm người ta lầm tưởng, thực ra, không mấy hợp cái tạng của gã. Gã là folklore, gã tưng tửng mang mình ra mà tự trào để rồi bông lơn, trêu ghẹo, châm chọc cả làng, cả tổng, cả thiên hạ (đâu kém cạnh gì cụ Tú Xương cùng quê với gã). Tôi lại cho rằng, sự nghiệp thi ca của gã là ở trâu với cỏ, là ở Bờm với Cuội, là ở Tễu kia. 

Tễu sinh ra ở quê, đích thị nông dân. Ở quê, Tễu là đệ nhất, đếch sợ bố con thằng nào. Vậy nên, Tễu mới “cởi trần đóng khố múa chơi”. Hãy xem cái chú Tễu của gã tự bạch: “Đất là mẹ, trời là cha/ Chính danh gọi Tễu, tự là Thảo Dân/ Gia tài độc một chữ cần/ Trọng thực thường lấy chữ ăn làm đầu/ Bạn thì những chó cùng trâu…”. Nhưng đâu chỉ lầm lụi, hèn mọn, cần lao, Tễu bình thường cam phận là thế: “Ra trận đành phận tốt đầu/ Về làng thì lại cưỡi trâu ra đồng”, song lúc máu yêng hùng nổi lên thì nhất là bét nhé: “Kéo cày đã cực chai lỳ/ Khi giương sừng nhọn hổ thì ngán ta”. Gì thì gì, Tễu vẫn biết và trở về với thân phận giáo trò của mình.

Đấy là Tễu gốc. Biến tướng sang Tễu II , Tễu ta không còn chính hiệu nông dân nữa, mà đã nhuốm màu thị dân rồi. Nghĩ phận mình bèo bọt, cỏ rả “Độc một mảnh khố che thân/ Giấc mơ xuất ngoại đâu phần Tễu tôi”, Tễu đâu tài cán như Trạng tiên tri mà biết, chỉ là chó ngáp phải ruồi, há miệng chờ sung may sung rụng thôi: “Ai ngờ dân dã lên ngôi/ Thế rồi Tễu cùng được ngồi máy bay”. Tễu ta ngồi máy bay, nhòm xuống nhân gian thấy dân làng mình cấy cày vất vả, mới ô hay biết phận mình bấy lâu là thế. Rồi trải đất Tàu trời Tây, diễn trò đồng áng, thảo dân ma lanh hết xứ gà trống đến xứ sương mù, trở về quê, chợt thấy mình không còn là nông dân nữa. Vậy không là nông dân thì là ai ? Là thị dân chứ còn gì. Nhưng muốn thành thị dân thì cũng phải có điều kiện gì chứ? Đơn giản thôi, thì cứ “Sống lâu ở phố/ hóa thành thị dân”. 

Thế là thành Tễu III, thị dân, kiêm nghệ sĩ. Tễu-thị dân khác hẳn với Tễu-nhà quê hồi mới bén mảng ra phố “Nhà quê khí huyết tràn trề/ Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân”. Thêm nữa, sau lần đầu xuất ngoại, Tễu ta quen mui. Bây giờ xuất ngoại với Tễu không còn là may, mà đã thành chuyện cơm bữa. Tễu biểu diễn chuyên nghiệp, mặc thì quen với gi-lê , mũ phớt, ăn thì quen xúc-xích, dăm-bông, màn-thầu, sủi-cảo, nói năng thì gút-bai, nỉ-hảo... Đấy là trước đám đông Tây-Tàu bộ tịch thế thôi, chứ hễ xong việc trở về, Tễu ta chỉ dễ chịu khi là chính mình, với khố áo, với tre trúc ngõ quê, với ao bèo sân đình, với ối a điệu chèo và câu dân ca não buồn giã bạn đêm trăng. 

Tễu ta đành lột xác, song chớ trêu thay, nỗi ám ảnh nông dân bám lấy Tễu, lẽo đẽo theo đi mọi lúc mọi nơi, trung thành và nhẫn nại. Kỳ thực, bước ra với đời thì cũng bộ tịch thế thôi, chứ sâu thẳm cõi lòng, nếp văn hóa làng quê Việt luôn ẩn chứa “Này nước tre trúc lung linh/ Này mây lồng bóng thủy đình gần xa/ Này người dân dã quê ta/ Cắc tùng nhịp trống, ới a điệu chèo”. Kỳ cùng cho đến một ngày kia, con cháu Tễu tiễn đưa Tễu về nằm lại nghĩa địa làng bằng một đám rước ra trò!... Song trước khi sắp đặt sẵn cho Tễu một kết cục bi hài, hãy xem Tễu ta sống ở phố thế nào, ăn ở với dân khối phố, đối xử với kẻ phường ra sao? 

Tễu ta, thị dân: “Thị dân trong mặc/ Váy áo ngắn dần/ Thị dân trong ăn/ Chán cơm có phở/ Thị dân trong ở/ Nhà ống mái tôn/ Thị dân phát ngôn/ Cám ơn! Hân hạnh/ Thích coi phim ảnh/ Thuê đĩa xi-đi/ Muốn uống cà phê/ Quán vườn mờ ảo/ Rất chăm đi dạo/ Vì ngại bụng to/ Cần gọi xích lô/ Thì ra đầu phố/ Thuê một tốp thợ/ Cứ đến chợ người/ Cả đến khóc cười/ Cũng có dịch vụ ...”. Mọi việc dễ ợt, như là lẽ đương nhiên. Ở quê khó hơn nhiều.

Quanh đi quẩn lại, Tễu thấy mình chỉ có thể về quê, đánh bạn với trâu. Đấy là con vật luôn gần gũi, thân mật với mình, buồn vui chia xẻ cùng mình. Tễu nhận mình là Thảo Dân. Trâu lại là bạn của thảo dân: “Từ ngày về với thảo dân/ Trên thừng xiên mũi, dưới chân lội bùn/ Trưa hè nước bỏng như đun/ Chiều đông sương muối rét run từng hồi/ Vụ năm cho chí vụ mười/ Hạt vàng người hưởng, rơm mời trâu ăn/ Lòng riêng thoáng chút lăn tăn/ Vẫn thề đi với thảo dân trọn đời”.

Xin được nhắc lại, gã biết tuốt song giả ngây giả ngô, tưng tửng, chất chưởng, chẳng ngại gì và cũng không ngán ai. Thấy chướng tai gai mắt là phê, là trào lộng. Bây giờ thì gã quen với cái giọng điệu này rồi. Châm chọc, chê bai rồi gã cười. Cười chán cười chê, cười đến trào nước mắt. Rồi gã giật mình, tỉnh ngộ. Lại buồn, lại hoài cổ, hoài quê... Thân phận gã đâu khác thân phận Tễu kia chứ?! 

Khi ngồi với vài ba bạn bè thân mật, lúc ngồi riêng với tôi, Phạm Công Trứ không tiếc lời khen chúng bạn, rằng ông này nhàn, cậu kia thì sướng, tay nọ khôn ngoan...chỉ riêng gã là khổ. Cơ khổ. Rằng cái mặt gã ... ý muốn nói là khó coi, khó chơi, hãm tài ... ! Có phải vậy không? Có lần tôi giở trò chữ nghĩa suy luận, mang tên gã ra chiết tự mà đoán: Trứ, có nghĩa là sự rõ ràng, còn chỉ sự soạn thuật, làm văn, làm sách (theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh), chữ này bao gồm chữ giả và bộ thảo đầu. Giả ở đây là chỉ người (như học giả, hiền giả), còn bộ thảo chỉ cây cỏ. Vậy là kẻ đội tên Trứ muốn thành giả (như tác giả thi ca chẳng hạn) là phải nhập vào cây cỏ. Chẳng trách, thoạt đầu gã thành danh là nhờ cỏ may. Rồi để nổi tiếng hơn lên, gã phải gắn với trâu, với cỏ, rồi hóa thân vào Bờm, vào Cuội, vào Tễu, toàn những loại gần gũi thân thuộc với thôn xóm, với chuyện cỏ rơm và công việc nông phu. 

Phạm Công Trứ nghe. Gã gật gù cười ra chiều tán đồng, lại như nghi ngờ. Thì cũng là chuyện vui thôi mà. Định viết thêm về gã, song thấy chẳng hơn gì gã tự bạch rất ngắn gọn : “Đúng là/ Hồn gửi ngõ quê/ Xác chôn hẻm phố/ Chưa giây phút thăng thiên/ Đã đôi lần thất thố/ Nhờ câu thơ làm tin/ Lấy đức năng thắng số/ Sớm muộn trời gọi mình/ Việc chi mà lo sợ”. 

Không những thế, ở phần V Thơ phú giao duyên, gã thẳng thắn tự giễu cợt mình: “Nửa kim nửa cổ/ Dăm câu trần tình/ Vừa thơ, vừa phú/ Chắp nhặt linh tinh/ Nếu có điều gì/ Xin được lượng thứ/ Hoặc nữa: chấp chi/ Hắn - Phạm Công Trứ!”.

Gã đã chơi bài ngửa, trắng phớ trước bàn dân thiên hạ. Trước tiên, gã lấy bản thân ra mà châm biếm cái đã (kiểu như cụ Tú Xương, người cùng quê Nam Định với gã, tự rủa mình là kẻ cao lâu thường ăn quỵt, thổ đĩ lại chơi lường, rồi mới xỏ đổng thiên hạ; hoặc như bạn thơ cùng thời là Trần Đăng Khoa, trước khi chê cả làng văn chương thì hạ mình tự nhận là kẻ vô tích sự”. Đến ngay cái thân mình cũng chẳng buồn nương tay, thế thì thương xót và nương nhẹ ai đây ?!...

2. Tự là Thảo Dân

Có một dạo Phạm Công Trứ được giao chuyên trách tở Pháp luật cuối tháng. Trong đó khó nhất là “nuôi” một chuyện mục nửa báo nửa văn, gồm những chuyện pháp luật, xã hội, đời sống, độ trên dưới nghìn từ. Bí bài, Phạm Công Trứ cầu cứu đến tôi. Chẳng là, ngày ấy, tôi là Phó trưởng ban Văn hóa xã hội Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), nội dung công việc hàng ngày liên quan đến các vấn đề văn hóa-xã hội, đời sống-pháp luật. Các thể loại ngắn như tản văn, tạp bút, câu chuyện là nghề của tôi. Vậy là tôi nhận lời giữ mục cho Phạm Công Trứ, cũng đâu cầm cự được vài năm. Lẽ dĩ nhiên, còn có thêm bài viết của người khác để chuyên mục đa giọng điệu, đỡ nhàm, và phòng khi tôi quá bận việc hoặc bí đề tài... Nhân đây, cũng phải cảm ơn Phạm Công Trứ, bởi nhờ những tạp bút, tản văn đó, mà sau này tôi cơi nới, nhuận sắc được tập sách khá dày dặn là Lên núi tầm mai, in ở nhà Văn học, 2005. 

  Đây cũng là thời kỳ thơ Phạm Công Trứ sung sức nhất. Ngoài các tập thơ tặng, tôi còn được nghe gã đọc thơ và chuyện phiếm về thi ca, cùng chuyện bếp núc văn chương chữ nghĩa. Những tư liệu, thi liệu này đã giúp tôi viết bài chân dung Chính danh gọi Tễu. Khi đưa lên mạng xã hội (blogtiengviet.net), nhiều người vào dọc, thích thú, cảm nhận và còn cung cấp thêm một số chuyện mà họ biết hoặc nghe nói về gã, ví như một người sống ở Vũng Tàu, bảo là rất thích bốn câu  của lục bát của Phạm Công Trứ “Mướp tàn sen cũng đi tu/ Lá tre đã thả một mùa heo may/ Con sông không ốm mà gày/ Mắt em chưa tối đã đầy hoàng hôn”. Khi ấy tôi mới giật mình tự trách  sao mình lại bỏ sót câu thơ rất gợi này. 

Lại có người thóc mách chuyện thời Phạm Công Trứ sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh ngành Luật, vì chuyện cơm áo đã cùng người ta buôn hàng này nọ. Rồi cả chuyện đem chó Bắc Kinh về Việt Nam kiếm lời theo phong trào, rủi ro thế nào mà bán lỗ vốn. Có người còn biết cả chuyện Trần Đăng Khoa (khi ấy đang là sinh viên Trường viết văn Gorky) trêu Phạm Công Trứ, khi xuất khẩu thành thi rằng: “Đã Nguyễn Công rồi... lại Phạm Công/ Tưởng là thi sĩ hóa ra không/ Sang Tây nghiên cứu không thấy chữ/ Túi đầy xi ngực với xi mông”. Ôi, ngày ấy, nhãng học đi buôn là chuyện của nhiều người chứ đâu mình Trứ. Nghĩ mà thương gã một, thì tủi cho trí thức xứ ta mười!

Trở lại chuyện thơ ca, những thứ làm nên tên tuổi Phạm Công Trứ trong làng Lục bát Việt Nam hiện đại.“Chính danh gọi Tễu”, mới chỉ phác họa một nửa chân dung gã nhà thơ này, còn cái nửa kia tất nhiên“tự là Thảo Dân”như chính câu thơ của gã. Mà Làng phố giao duyên, in năm 2010, một dạng trường ca, trong đó đã thể hiện rất rõ cái gọi là Thảo Dân này.

Theo nghĩa Hán-Việt, “thảo” là cỏ, còn chữ “dân” nghĩa nguyên thủy là kẻ nô lệ. Vậy nên nói thảo dân là tự nhún mình, ví mình là thứ  nhiều như cỏ rác, mang thân phận thấp hèn của “dân đen”. Tuy nhiên, hai chữ Thảo Dân ở đây viết hoa và được xem như “tự” của chính danh gọi Tễu. Có lẽ Phạm Công Trứ cũng như một số các nhà thơ khác “xài” hai chữ Thảo Dân thì chỉ là một cách nói nhún nhường để rồi biểu dương, vinh danh họ, chứ không mang tính chất hạ thấp, xem thường người nông dân. Chẳng thế mà cỏ may, một loại dã thảo, đã có mặt trong số bài thơ đầu tiên trình làng văn nghệ của Phạm Công Trứ. Rồi, như một duyên nợ, cỏ may xuyên suốt đời thơ và để dấu ấn đậm đặc làm nên thương hiệu thơ Trứ: “Cỏ may cỏ đĩ cỏ mê/ Cỏ không ngôi thứ cỏ thề cùng tôi… Cuối cùng thì đất lên ngôi/ Tôi hóa thành cỏ hát lời hư vô!”.

Như cái tên “làng phố giao duyên” viết trường ca này, Phạm Công trứ cũng chẳng cần di đâu xa, gã cứ lấy nguyên cái làng quê mình trong sự đối sánh, trương tranh, tương giáo với “phố”  mà tả, mà kể, mà giễu cợt, mà thương nhớ xót xa,... Cũng như cái làng Vũ Đại của Nam Cao hóa thân từ làng Đại Hoàng quê ông, đại diện cho sự bần cùng hóa pha lưu manh hóa thời thực dân phong kiến ở làng quê Bắc bộ Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, thì nay làng của Phạm Công Trứ ở chốn Hải Hậu có thể thay mặt cho làng quê xứ Việt buổi cựa mình, đổi mới vươn lên thoát nghèo. Bề bộn và nham nhở lắm, biết bao chuyện dở khóc dở cười với hiện trạng “làng trong phố, phố nửa làng”. Thì đấy: “Ban ngày phố như làng/ Em tóc vương rơm cỏ/ Đêm về làng hóa phố/ Em tóc nâu môi trầm”; “Làng xưa vãi húng trồng rau, phố giờ cắt tóc gội đầu như ai”; “Chỗ này xưa gọi làng Vòng/ Tiếng chày giã cốm uốn cong trăng vàng/ Từ ngày phố nuốt mất làng/ Những em giã cốm chuyển sang làm đầu”; “Cái mất thì đã mất rồi/ Cái còn nhấp nhổm đứng ngồi không an”...

Dù là tiến sĩ Tây học, gần trọn đời sống ở phố, làm báo làm thầy đi khắp đó đây, ăn mòn bát đĩa thiên hạ, nhưng cứ sểnh ra là gã lại hiện nguyên hình là một tay nhà quê, với cỏ rả, bùn đất đồng áng: “Cỏ may, sao lại cỏ may/ Không hương, không sắc dựng đầy bờ đê/ Nhớ đồng, nhằm biển anh về/ Gỡ cỏ sống lại lời thề ngày xưa”; sống lại với chuồn chuồn bươm bướm từ thuở trẻ trâu: “Rón rén là rón rén ơi/ Chú chuồn ớt mới đậu rồi, tóm ngay/ Rón rén là rón rén này/ Nàng bướm trắng lại vút bay mất rồi”.

Gã như còn như tự hào với những cánh bướm, cánh chuồn, cánh diều mà gã mỹ miều gọi là hồn quê:“Hồn quê vi vút phiêu diêu/ Ấy là mộng ước trẻ nghèo thả lên/ Nghèo là nghèo bạc, nghèo tiền/ Dưng mà giăng gió thiên nhiên chẳng nghèo”. Chẳng ngại gì kẻ cười người chê là quê mùa, gã như còn thấy hả hê, hào hứng: “Tắm truồng thú của trẻ quê/ Ra phố là hết đam mê tắm truồng/ Về quê tìm lại cội nguồn/ Hòa cùng lũ trẻ “diễn tuồng” trên sông”...Thậm chí gã còn gọi đó là bậc nhất “thú quê”: “Thú quê gì sướng nhất ta/ Chọi gà bắt cá hay là cưỡi trâu?/ Cưỡi trâu chưa sướng nhất đâu? Sướng nhất là được cùng nhau… tắm truồng”. 

Chẳng biết thuở nhỏ gã có “chăn trâu cắt cỏ” không, song thơ gã đã Cắt cỏ chẳng ngại gai đâm/ Lội ruộng chẳng hãi âm thầm bùn rêu”. Cùng với cỏ rả là những cào cào, châu chấu, cua ốc, trâu chó dù đã xuất hiện sớm song phải đến trường ca này thì nó mới dầy đặc như là một thế giới cần lao lam lũ (dã tràng tự bạch, là ếch, là trâu…). Thi liệu, thi ảnh toàn là những công việc của người quê, sản vật của làng quê, từ đó làm nên thứ “văn hóa làng quê”, mà là làng quê của đồng bằng ven biển, của kẻ tự nhận là… Thảo Dân!

Là trường ca thì cũng phải có chương hồi chứ, nên gã dụng công băm chặt bày đặt ra cho có đủ cả“Mở”, và “Khép”, còn khúc giữa là những Ngày tự nhận “Mục đồng là chúng anh đây/ Lưng trâu đã cưỡi, liềm tay đã cầm/ xưa, Tự bạch, Trích ngang, Làng, Đấng sinh thành, Viết cho con, Phố, Hà Thành hồi cổ, Hai khúc sông Tô, Làng trong phố, Phố nửa làng... Là trường ca thì kiểu gì cũng phải tự sự, tức là kể và tả. Mà đã kể tả thì khó tránh khỏi “con cà con kê”, “ngồi lê đôi mách”, dù chữ nghĩa có  dụng công đến mấy. Phạm Công Trứ không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, ở Làng phố giao duyên cũng hạn chế được sự nhàm chán nhờ ở cách kể và ở giọng kể. Ấy là một giọng kể hóm hỉnh, có duyên và nhất là gã liên tục thay đổi giọng điệu, biến tấu thể thơ.

Chẳng hạn, gã mượn đồng dao để nhớ về cái tuổi thơ hoa bướm, mộng mơ “Ngày xưa/ Kéo cưa lừa xẻ/ Chẳng hám cơm Vua / Chỉ mong được thua/ Về bú tí mẹ (!)/ Ngày xưa/ Mặc quần thủng đít/ Chi chi chành chành/ Quả ổi quả chanh/ Gốc na gốc mít/ Ríu ra ríu rít/ Ngày xưa/ Đung đưa hoa bìm/ Lim dim hoa khế/ Sao mẹ đi chợ lâu thế?/ Ngày xưa/ Đi trốn / Đi tìm/ Đống rơm, đống rạ/ Góc bếp, cánh cửa / He hé mắt nhìn/ "Ù oà", "ù ập"/ Thế là ú tim!...”. 

Có lúc Phạm Công Trứ mượn lối văn biền ngẫu của thể phú để phác họa cảnh và người ở vùng quê biển của gã: “Ngàn lưỡi chó dưới chân sóng liếm/ Trăm tay mèo trên đầu gió mơn/ Lũ còng gió ườn mình nằm phơi nắng/ Đàn dã tràng miệt mài xe cát lấp đại dương/ Người đi te chân kheo cao nghễu nghện/ Dân bắt còng giỏ nặng kéo lệch sườn/ Gái làm muối bịt mặt cười lấp loá/ Trai kéo rùng cơ bắp cuộn như lươn/ Anh quỳ xuống ô nề trưa nắng toé/ Lưỡi thấm mùi mặn chát kiếp gío sương/ Anh soi lên ánh mặt trời nhiệt đới/ Những long lanh tinh kết giữa ngày thường/Anh chạy vồ những con còng gọng đỏ/Những mắt lồi sắp chết vẫn còn giương/ Anh áp tai vào những vỏ sò, vỏ ốc/ Nghe u u hồn biển giục lên đường…”.

 Cũng bằng lối miên man kể và tả, gã dẫn dụ người đọc lạc vào trận đồ chữ nghĩa dày công giăng mắc của mình: “Sông quê nước chảy rầm rì/ Mặt sông sẫm màu nước vối/ Gái quê đi làm đồng về/ Kéo nhau ra sông tắm tối/ Sớm ra vạn chài hành nghề/ Rộn rịp vãi chài tung lưới…Tháng chín bước sang tháng mười/ Cốm mới thơm mùi mời gọi/ Rải đồng chim ngói từng đàn/ Thôn xóm bước vào mùa cưới/ Cô dâu nửa khóc nửa cười/ Chú rể mong trời chóng tối/ Lúa chiêm cấy hái xong xuôi/ Tết Ta cũng vừa kịp tới/ Nhà nhà gói bánh, đồ xôi/ Giồng nêu, quét lại tường mới/ Sân đình náo nức cờ người/ Ao làng om thòm diễn rối/ Thôn nữ váy ngắn nhún đu/ Các cụ ngước nhìn không nói,...”. 

Kể gì thì kể, tả gì thì tả, thế nào rồi cũng phải hiện lên bóng dáng trâu bò thấp thoáng nơi triền đê, ngõ xóm: “Cảnh quê bao đời tiếp nối/ Trâu bò gặm cỏ triền đê/ Lông mượt vo ve ruồi muỗi/ Nối đuôi từng đàn chiều về/ Thậm thịch chìm vào ngõ tối/ Mục đồng tóc gió vàng hoe/ Sáo trúc lưng trâu nhẹ thổi/ Bập bùng ánh lửa bên hè/ Mùi cơm quyện vào mùi khói/ Lấp ló trên đầu ngọn tre/ Trăng non cong hình lưỡi hái/ Dưới trăng trai gái nguyện thề/ Thầm thì bãi dâu, ruộng cói/…”.

Làng quê trong Thơ phú giao duyên cũng như có “âm bản”, bên cạnh cái phồn thực, phong nhiêu là bàng bạc cái nỗi buồn muôn thuở của đồng quê, nỗi khốn khó lam lũ của những thảo dân, nhất là khi màn đêm trùm lên lũy tre làng: “Đuổi nhau đom đóm nhập nhoè/ Ôm nhau ếch nhái sấp ngửa/ Cót két gió vặn thân tre/ Tưởng tiếng dân nghèo than thở/ Lấp loáng cánh dơi đi về/ Mèo hoang từng hồi nức nở/ Lửa chài thấp thoáng ven đê/ Bờ bụi nhọc nhằn tiếng cú/ Kẽo kẹt bên sông vó bè/ Ma trơi trên cồn nhảy múa/ Say rượu giọng ai lè nhè/ Vu vơ đôi tiếng chó sủa/ Đều đều mẹ kể con nghe/ Cái thời ngày xưa ngày xửa/ Bến sông trăng ném thia lia/ Thôn xóm chìm vào giấc ngủ/ Ngoài ngõ sương giăng đầm đìa/ Trong nhà tiếng người nói mớ/ Mảnh mai tiếng hạc về khuya/ Chém màn đêm thành hai nửa/ Thoạt tưởng tinh cầu đang rơi/ Sau ngỡ bình vàng chợt vỡ…”. 

Quả thật, đọc những dòng ma mị như thế, người ta sây sẩm mặt mày như bị thôi miên mà lạc lối trong mê lộ chữ nghĩa giăng mắc. Những khúc miên man li bì như vậy không hiếm trong trường ca này, nó tạo nên cảm giác bất bình thường, ru rín, mê dụ, như tự kỷ ám thị mà không biết thoát ra bằng lối nào. Về mặt tâm linh, có thể ví chúng với thuật thôi miên trong lối hát hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt bản địa. Mà Phủ Giầy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đất Nam Định, quê gã, lại là “cái nôi” của Đạo Mẫu rất thịnh lối hát chầu văn hầu bóng này. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Phạm Công Trứ mượn các dạng thức dân gian đặng “thao túng tâm lý” khiến người đọc bị mê dụ dẫn dắt. Song như thế kể cũng đáng, bởi bức tranh quê mà gã họa nên bằng ngôn từ, nhạc điệu thực sự mê đắm lòng người. Tôi nghĩ, đó là điểm mạnh, khác biệt riêng có của Phạm Công Trứ. 

         Về cấu trúc, trường ca Làng phố giao duyên không có gì mới. Từ mấy chục năm trước, khi đang còn tuổi thiếu niên, thần đồng Trần Đăng Khoa, trong trường ca Khúc hát người anh hùng, đã dùng ngôn ngữ thơ để kể trong không gian truyện về sự tích anh hùng của người thôn nữ Mạc Thị Bưởi. Và, để thâu tóm chủ để tư tưởng của từng khúc, từng chương, đồng thời làm cọc tiêu, điểm nối và thay đổi tiết tấu Khoa đã sử dụng những khúc hát theo thể lục bát rất tài tình. Ở trường ca Làng phố giao duyên của Phạm Công Trứ, ta cũng bắt gặp thủ pháp này, tuy không thật rõ ràng. Bởi các khúc lục bát của Phạm Công Trứ đa phần là để thay đổi tiết tấu chứ không giữ vai trò cô đọng ý tứ và sâu chuỗi mạch thơ như Trần Đăng Khoa. Có điều, khi sáng tác Làng phố giao duyên, Phạm Công Trứ đã bước vào tuổi trung niên, nên ngôn ngữ thơ kể chuyện già giặn, ma mãnh, với nhiều chiêu trò, mảng miếng, như đã nói.

Vậy thì qua trường ca này, Phạm Công Trứ có đóng góp gì về mặt nghệ thuật thẩm mĩ? Ý tưởng, nội dung thì quá rõ. Làng phố giao duyên nói về thời kỳ chuyển đổi từ “làng” canh tác nông nghiệp lạc hậu lên “phố” sản xuất hàng hóa thương mại mại dịch vụ. Trong quá trình vặn mình chuyển đổi ấy, có mất có được, mà được là chính. “Làng từng tìm thật mà yêu/ Phố nay lấy khéo làm điều vinh danh/ Không làng tự đánh mất mình/ Thiếu phố thật khó đua tranh với đời”.

Thương nhớ và cũng bực mình lắm thay bởi cái sự chuyển đổi còn dang dở, khi phố chưa hẳn thành phố mà quê cũng không hẳn còn quê. Giao thoa, giao duyên giữa làng và phố với ý tưởng thế, không chỉ được Phạm Công Trứ chuyển tải trong trường ca này mà còn ở nhiều bài thơ khác những năm gần đây. Nhìn chung, nếu đem tách ra từng trường đoạn, từng khúc, nhìn nhận như một bài thơ độc lập thấy nhuyễn và hay, nhưng đặt trong cấu trúc của trường ca thì còn rối và thiếu liền mạch. Như vậy, xét về tổng thể, Phạm Công Trứ chưa thật cao tay ấn, còn có chỗ vụng trong bài binh bố trận và điều khiển đội quân chữ nghĩa của mình.

Điều đáng ghi nhận ở gã phù thủy Phạm Công Trứ là qua trường ca Làng phố giao duyên, cùng một số bài thơ khác, dấu ấn về LÀNG rất đậm nét, mặc dù gã không xướng tên một làng quê cụ thể nào để khám phá, vinh danh, chẳng hạn như cái “bản Hiếu Lễ” của Y Phương, “bản Hon” của Dương Thuấn, hay “làng Chùa” của Nguyễn Quang Thiều... Ấy là cái tài của gã, biến cái riêng thành cái chung, nâng cái cụ thể lên thành khái quát. Mà điều ấy, thật không dễ chút nào và không phải nhà thơ nào cũng làm được. Sắm vai một Thảo Dân thời 4.0, gã đã khép lại làng phố giao duyên, bằng một cái kết “mở”: “Biết thân thấp thế lỗi thời/ Giữa làng và phố đành ngồi giao duyên/ Sâu sắc phát lộ hồn nhiên/ Rạ rơm khuất lấp một miền phồn hoa/ Áo xiêm mớ bảy mớ ba/ Khép vào tưởng phố mở ra thấy làng”.

3. Nhuốm màu thiền lão

Ở vào cái tuổi chấp chới thất thập niên lão, Phạm Công Trứ lượng sức mình, chẳng thể cứ dương dương như cái buổi đầu ra phố “Nhà quê khí huyết tràn trề/ Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân” mà đã thoáng thấy cái sự mệt mỏi, ngấm đời của“Dáng đi có lỗi với đời/ Cái đầu đã cúi thấp rồi, thấp hơn”. Đóng cửa luyện công đặng nâng cao tuổi thọ, kéo dài tuổi thi hình như là chủ trương của lão. Hàng chục năm liền, không thấy gã ọ ẹ ở đâu, thơ phú nơi nào. Sống thì chắc rồi nhưng sống ra sao thì chẳng rõ. Hỏi thăm vài ba người thân với gã thì họ bảo “Vẫn sống nhăn răng đấy dưng mà bệnh tật yếm thế lắm”.  Hỏi tiếp “Thế thơ phú gì không?”. Lại bảo “Chắc là có đấy. Lão này còn ngọ nguậy thì còn thơ. Bắt lão ấy cai thơ khéo lão thăng luôn”. 

Rồi một hôm, bất thình lình thấy Phạm Công Trứ ngồi thù lù nơi phòng khách Hội Nhà văn, số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Quần áo, mũ len khăn cổ xùm xụp, thêm một cái gậy chống bên cạnh và thẻ xe buýt dây đeo trước ngực. Giá gặp ngoài đường dễ ngỡ lão hành khất nào đó. Râu tóc bờm xờm bạc cả, riêng ánh mắt thì vẫn ánh lên sự minh triết pha chút tinh nghịch, diễu cợt vưỡn có. 

Thơ gã lại đăng lác đác đây đó. Tôi biên tập một bài viết bình thơ Nguyễn Bính gửi đến Tạp chí Nhà văn & cuộc sống. Đọc mà ngờ ngợ, tên tác giả bài viết thì lạ hoắc. Hỏi ra, ông Tổng Khoa cười toét miệng “Lão Phạm Công Trứ đấy. Tớ bắt đề tên thật rồi”. Tôi ngớ người “Thảo nào, giọng văn quen quen ...”. Thời gian sau, mỗi lần đến Hội, gã đều ghé vào Tạp chí chuyện phiếm. Đã bỏ được chiếc gậy chống, chuyện cũng rôm rả hơn. Lại hiện nguyên hình một gã tiến sĩ nửa nhà quê, độ lượng và từng trải, thật thà mà tinh quái,...

Thực ra, suốt quãng thời gian bế quan, hay trầm cảm tự kỷ gì đấy, gã vẫn bập bõm, chi chút với thơ “Về già thơ phú lai rai/ Chẳng cao thêm được chỉ dài thêm ra”. Có điều, điềm tĩnh, thâm trầm hơn về cách nhìn nhận cuộc sống, và giọng điệu đã hạ tông, thương đời, thương mình hơn, nhưng vẫn lộ rõ sự hóm hỉnh vốn có của “gã nhà quê… tinh quái” như “đọc vị” của nhà thơ kiêm nhà phê bình cũng rất tinh quái là Nguyễn Hoàng Sơn trong một bài viết về thơ Trứ trước đây. 

Về chữ nghĩa, vẫn nguyên đó một Phạm Công Trứ biến hóa, giàu thanh sắc, hình ảnh, nhạc điệu,... Riêng về thơ lục bát, theo tôi, gã không lẫn bất cứ một ai trong số các cao thủ về thể thơ này (như Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Trần Đăng Khoa, Đồng Đức Bốn). Cùng giàu chất uy-mua, nhưng ở Nguyễn Duy quãng thời gian sau là chủ ý bông đùa và đẩy lên thành nghệ thuật; Còn Lê Đình Cánh thì chủ thể luôn đứng hẳn một phía để rồi quan sát, tủm tỉm cười mà cảm thông đôi chút; Riêng Phạm Công Trứ là sự tự thân, tự giễu, lấy chính mình làm đối tượng rồi ra chuyện người nên có sự đồng cảm, chia sẻ,...

Được biết, lão đang ráo riết chuẩn bị in “Thơ Chùm”, một dạng “sơ tuyển”, nhân cập tuổi “cổ lai hy”. Chẳng hiểu xuất phát từ đâu, gã lẩn thẩn sắp xếp “cây thơ” mình theo từng chủ đề, mà gã gọi là “chùm”: Cỏ, Phồn, Linh, Luật, Lão, Mùa, Nhi, Triết ... và kỳ công viết luận giải mào đầu cho từng chùm. Hẳn diễn lại trò xưa trong cách chơi chữ đặt tên như thời Cỏ may, Phồn thi...? Kể cũng thú vị. Song ở đây, tôi chỉ điểm mấy chùm, bắt đầu bằng chữ “lờ” (L) của gã để bàn qua thôi.

Trước hết là Thơ Luật. Luật thi không đề cập nhiều đến khái niệm luật pháp dù gã học luật, phó giáo sư tiến sĩ luật hẳn hoi, mà là những chiêm nghiệm của cái người mà số phận “mắc kẹt” giữa luật và thơ:“Đi giữa đôi bờ: luật và thơ/ Luật vuông hình khối, luật có gờ/ Thơ thon hình ống, thơ có cánh/ Thao thiết một dòng thực lẫn mơ”.

Bằng con mắt của một nhà báo chuyên luật, Phạm Công Trứ quan sát sự vật, hiện tượng, thói đời ... để luận về đúng sai, thiện ác, quyền năng, trách nhiệm và công lý, từ đó rút ra bài học, điều chỉnh hành vi xử sự hướng tới cái thiện bằng tư duy thơ, diễn ngôn thơ:“Để tồn tại phải luôn thích ứng/ Ấy là quy luật của muôn đời/ Khủng long tuyệt diệt vì to lớn/ Kiến giun bé nhỏ mãi sinh sôi” (Luật đời);  “Sông có khúc/ Người có thời/ Xong thì đi chỗ khác chơi/ Nếu không muốn bị ông giời nhấc ra” (Luật chơi); “Nếu đời là một cuộc chơi/ Ai người làm luật, ai người cầm cân?/ Ai người gác cổng, dọn sân/ Ai chờ vào cuộc ai dần bắn ra?” (Một cuộc chơi); “Chữ “quan” (倌) có một cái ô/ Giương ra là để che cho nhiều mồm/ Mồm ăn, mồm nói, mồm hôn/ Mồm tụng kinh sách, mồm chôn sống người” (Chữ quan); “Sinh ra vốn đã có rồi/ Ấy là quyền của ông Giời ban cho/ Cung đình mấy cụ Tân Nho/ Phán rằng có cái còn to hơn Giời!” (Quyền tự nhiên); “Việc của nó là “bắt”/ Việc của mày là “khai”/ Việc của họ là “buộc”/ Việc của chúng là “cãi”/ Tao “tuyên” là hết bài (Công Lý); “Các ác nhìn từ nhiều phía/ Càng nhìn càng khó phân minh/ Khi thì là dao là búa/ Khi thì ngoảnh mặt làm thinh” (Cái ác)… v.v... Diễn đạt nôm na, tưng tửng, mà tinh quái làm sao!

Với Phạm Công Trứ, luật của người (nhân luật), luật của trời (thiên luật) đan xen với nhau, nhìn ra chúng để mà sống, chấp nhận, chia sẻ và ứng xử cho phải đạo, cả nhân đạo và thiên đạo. Còn với riêng mình, từ lâu gã đã tự thú:“Số kiếp định rồi: thơ cùng luật/ Thực mộng nên đành cảnh phân thân/ Ngày nơi bàn giấy tra điều khoản/ Đêm với trăng hoa lại gieo vần”.

Thơ Lão của Phạm Công Trứ, lấy tuổi tác (Thọ lão) ra để bàn luận. Tựu trung lại, khi tuổi đã cao người ta tự ý thức về cái sự già đi của bản thân nên nhìn nhận cuộc đời có khác đi. Người già thì hay hoài cổ, gã cũng thế “Già thì cứ nhận rằng già/ Bảo “người cao tuổi” chỉ là đẩy đưa/ Với con hay kể ngày xưa/ Với vợ hay nhắc thuở vừa biết nhau” (Già). Già thì hay chạnh lòng, gã cũng chạnh lòng “Ngày nào ngồi sau lưng cha/ Cha đùa thường bảo:“Cu là cái đuôi!”/ Thoắt thôi con đã đôi mươi/ Sau lưng giờ lại một người là cha/ Trạnh lòng song chẳng nói ra:/ “Biết đâu nó nghĩ mình là... cái đuôi?” (Đuôi); Già thì hay tủi thân, gã cũng không ngoại lệ: “Gái son bạn với giai tân/ Giêng hai diễu hết hội gần, hội xa/ Ngậm ngùi cho cái thân già/ Chống gậy ra ngõ để mà… nhìn giêng”. Già thì sợ hãi đủ mọi thứ, nhất là sợ chết:“Hồi bé sợ nhất là ma/ Lớn lên thì sợ người ta hơn mình/ Lấy vợ sợ vợ kém xinh/ Lấy chồng thì sợ chồng rình đấm cho/ Con sợ láo, vợ sợ hư/ Giờ thì sợ chết mà chưa thành gì/ Thôi thì cứ vô tư đi/ Sợ thì cứ sợ, ta thì cứ ta” (Sợ); “Phải có cái gì để đọc/ Phải có cái gì để nghe.../ Hãi nhất là không gì cả/ Thiu thiu là bị bóng đè” (Hãi); Già thì hay suy tư, triết lý vụn, triết lý vặt “Vẫn biết thân là cõi tạm/ Bạc tiền là của phù vân/ Thế mà vẫn “tham” vẫn “hận”/ Thế mà vẫn “si” vẫn “sân”/ Vẫn biết đời là bể khổ/ Trốn sao khỏi kiếp luân hồi/ Thế mà vẫn “con xin Bụt”/ Thế mà vẫn “lậy Chúa tôi”/ Vẫn biết sống là để chết/ Trời gọi chẳng thể chạy làng/ Thế mà vẫn tập vẫn luyện/ Thế mà vẫn thuốc vẫn thang/ Vẫn biết thơ là thơ thẩn/ No-bel còn chẳng ăn ai/ Thế mà vẫn ra thi tập/ Thế mà vẫn muốn khen tài/ Vẫn biết ừ thì vẫn biết/ Thế mà vẫn cứ thế mà/ Càng sống lại càng nặng “nghiệp”/ Cả làng đâu phải riêng ta!” (Vẫn biết); Già thì hay chiêm nghiệm: “…Đến tuổi này/ Chỉ thấy râu ria là tươi tốt/ Chỉ thấy cây gậy là sáng suốt/dìu dắt/ nâng đỡ/bước ta đi!

Đi đâu?

đi về phía mông lung

đi về phía vô cùng...

Có lúc lão như rơi vào tâm trạng “bán âm bán dương”:“Đang cuối tuổi “nhi nhĩ thuận”/ Mặt dần đờ đẫn như ngây/ Tai dần ù ờ như mất/ Mắt dần dài dại như cây/ Chân dần nặng nặng như đất/ Tóc dần phơ phất như mây...”. Có lúc gã lại như kẻ “tự kỷ ám thị”: “Tr. Ơi, lạnh toát cả người/ Tên mình ai gọi từ nơi vô hình…Lần trước còn ngỡ xa xôi/ Lần này gần gặn ngay nơi đầu giường/ Phía đầu giường nửa sương, nửa gió/ Chỗ cuối giường nửa tỏ, nửa mờ/ Mình thì nửa tỉnh nửa mơ/ Vô hình trời gọi hay ngờ rằng ai/ Bần thần dụi mắt, bứt tai/ Buông ra một tiếng thở dài... rồi im” (Tiếng gọi);  Kể cả tâm trạng tiếc đời, ham sống“Bảy mươi còn được là bao/ Còn say sưa được phút nào cứ say” (Say) để rồi tự nhủ: “Bảy mươi tụng niệm câu này:/ Sống một ngày biết một ngày, chứ sao!” (Than sống). Trong cái bi vẫn có cái hài cùng một giọng lưỡi chất chưởng: “Ai ơi đừng vội than già/ Ngồi bô, đóng bỉm lại là trẻ con/ Còn người, còn nước, còn non/ Thì vẫn đóng bỉm, thì còn ngồi bô!”…v.v... 

Tóm lại, lão thi là một cái nhìn khá minh triết về sự vận động của vũ trụ, con người và bản thân. Nhận thức rồi để biết sợ, biết trân trọng cuộc sống, nâng niu những cái mình đang có. Với Phạm Công Trứ, lão thi là một cách chấp nhận thực tế, kể cả cái hư vô, để tồn tại và vượt lên chính mình,...

Nói về Thơ Linh, Phạm Công Trứ gần xa luận giải “Tâm linh là một khái niệm mở, biểu hiện như là một thế giới - thế giới tâm hồn dưới ánh sáng của chữ “linh”. Linh cảm, linh giác, linh nghiệm, phiêu linh… đều thuộc họ nhà “linh”, đầy huyền hồ, lắm nghi hoặc. Thời nay, tâm linh được xem như một khoa học, rất được giới học giả, các nhà huyền học để tâm và những nghiên cứu, khảo nghiệm cũng đã đạt được một số thành tựu. Quan điểm hai thế giới (vật chất và tinh thần) dưới cái nhìn duy vật cổ điển đang dần nhường chỗ cho quan điểm ba thế giới (vật chất, tinh thần và tâm linh) dưới cái nhìn duy vật đan cài với duy tâm. Tâm linh có họ hàng gần gũi với tinh thần nhưng không đồng nhất với tinh thần”.

           Thơ Linh của gã đây: “Hạt ngọc cuộn tròn ôm lá sen/ Bí ẩn nào như bí ẩn đêm/ Đừng tiếc ngày về tan mất ngọc/ Sớm mai sen ngọc lại ngời lên” (Sen ngọc); “Chờ cho dương thế lịm say/ Gác Quan-Hoa mới thoảng bay hương quỳnh/ Cõi quỳnh trắng, mộng quỳnh trinh/ Chỉ vành trăng khuyết nghiêng mình tiễn hoa!” (Quỳnh hoa);  “Ngại lấm bụi trần nơi dương thế/ Dạ hoa hương chỉ thoảng về đêm/ Trắng trinh khai nở đen huyền bí/ Thưởng hoa đâu cứ phải cần đèn.” (Dạ hoa); “Đêm mùa hè ngắn/ Đời quỳnh hoa ngắn hơn/ Khép rồi búp trắng/ Lặn rồi trăng đơn/ Hoa dẫu tạ tàn không cánh rụng/ Xác hoa tự hoá chẳng mồ chôn/ Trăng - hoa/ lặn - nở/ vô-thường-mộng/ Phù thế người ơi!/ Một/ Đoá/ Hồn.” (Một đóa hồn); “Vô ngã” là chân ngã/ “Vô ngôn” là chân ngôn/ Nếu như biết mình dại/ Thì nghĩa là đã khôn?” (Ngộ) ;“Đã coi trời đất là nhà/ Ai chủ ai khách phân ra làm gì/ Đã tin sống gửi thác về/ Trắng tay thì có khác chi tay đầy” (Khác gì); “bây giờ và ở đây”/ An lạc nằm trong mấy chữ này/ Đọc chi muôn quyển, đi muôn dặm/ “Ngay bây giờ và ở chính đây”/ Thở/ Chấm hết!” (Lạc); “Cách chùa đã một thôi dài/ Tai còn đồng vọng một vài “buông... buông”/ Bâng lâng giữa cõi vô thường/ Trăng liềm mờ hiện, giọt chuông loãng dần...”…

Thú thật, cứ sa đà vào Thơ Linh của Phạm Công Trứ, dễ có cảm giác mình được hóa thân thành chàng quý tử họ Giả (Giả Bảo Ngọc) vui vầy cùng đám tiểu thư khuê các nơi Vinh phủ, Ninh phủ uống rượu vịnh thơ trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Ai ngờ, gã tiến sĩ luật nặng chất nông phu này thơ thanh thoát đến thế. Linh hay Thiền gì đó hơi nhạt màu Phật song đậm phong vị Lão-Trang. Mải mê, khéo rồi có ngày gã đắc đạo mà thành Tiên cũng nên? Hi… hi... 

        Thay cho lời kết

          Mai này, ... người ta thoáng thấy, khi trên hè phố thủ đô, lúc chốn ngõ quê vùng ven biển Hải Hậu đây đó, một lão già râu tóc bạc phơ, ăn vận nửa quê nửa tinh, chân đánh võng cùng với cây gậy trong tay, ánh mắt nhìn còn tinh ranh, hay ngó nghiêng, miệng lẩm nhẩm gì đó. Bám theo lão là một lũ trẻ quê lau nhau hiếu kỳ. Còn người qua đường chỉ chỏ, phỏng đoán lão già này hâm đơ hay sao ấy. Chẳng hiểu những lời thiên hạ đàm tiếu có lọt tai gã hay không nhưng từ cái miệng lởm chởm râu ria như muôn mũi kim cỏ may thoáng nở ra nụ cười độ lượng, rồi cất tiếng nghêu ngao: “Nước nước nước/ Non non non/ Thoảng nghe trong gió như còn cuốc kêu/ Đói đói đói/ Nghèo nghèo nghèo/ Áo cơm nặng nợ bám theo đến giờ/ Mộng mộng mộng/ Mơ mơ mơ/ Thương bao kẻ sĩ ngóng chờ No-bel/ Yếu yếu yếu/ Hèn hèn hèn/ Nghe đi nghe lại dần quen mất rồi/ Bác bác bác/ Tôi tôi tôi/ Tôi đi hỏi bác, bác thời hỏi ai/ Nhanh như chớp mắt đời người/ Ngắn như một tiếng thở dài, vậy thôi!”... 

        Lại có người vẻ tỏ tường: “Lão ấy chính danh gọi Tễu, từng có thời tự nhận là Thảo Dân, một nhà thơ nổi tiếng đấy!”.

                                                                              Chính Hạ, 2023



           


    



Nhận xét