@@@
2.
Buộc người đời sau khi đọc phải ngẩn ngơ vì luyến tiếc
giấc mộng lầu hồng ngắn ngủi giữa dòng đời dằng dặc những truân chuyên, buồn
tủi,... đó là cái tài của tác giả Hồng
Lâu Mộng. Tài là thế, song cái tài ấy cụ thể là những gì?
Là trường thiên tiểu thuyết, với hàng
ngàn nhân vật lớn nhỏ, nên việc “bài binh bố trận” sao đây, khi mà người ta
chơi cờ có mấy chục quân thôi đã khó?
Nửa thế kỷ đọc Hồng Lâu Mộng và không ngừng nghĩ ngợi về nó, cho đến nay, tôi mới
vỡ lẽ ra cái tài của Tào Tuyết Cần mà trước đây chỉ cảm nhận không nói ra được,
ấy là cách tạo dựng không gian truyện và nghệ thuật khắc
họa hình hài, tính cách nhân vật.
Thực tình, từ mấy trăm năm trước, khi
loài người chưa biết Điện ảnh là gì thì Tào Tuyết Cần đã
biết dùng các thủ pháp nghệ thuật Điện ảnh để sáng tạo nên Hồng Lâu Mộng. Đọc tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, có thể nhận biết, tác
giả đã sử dụng các thủ pháp hình ảnh Toàn,
Trung, Cận và nghệ thuật chồng mờ,
những đặc trưng cơ bản của điện ảnh.
Trong một không gian không quá rộng,
chủ yếu ở hai phủ Ninh, Vinh với bà chủ quyền uy là Giả mẫu, rồi không gian
được khoanh về mỗi phủ với các không gian nhỏ hơn là gia đình riêng trong quan hệ
máu mủ ruột rà, họ hàng hang hốc và hẹp nữa là qui thành không gian riêng biệt
mỗi cô cậu chủ đơn thân trong Đại Quan Viên, từ không gian chật hẹp nhất ấy lại
tiếp tục mở ra, phân nhánh chia rễ sang đám người hầu con ở,... Dây mơ rễ má,
rắc rối là thế, với hàng trăm nhân vật, hàng ngàn mối quan hệ thì giải quyết
sao đây? Tài tình thay, tác giả (Tào
Tuyết Cần và sau đó Cao Ngạc) đã biết cách sử dụng phương pháp chồng mờ về tổng thể (nghệ thuật điện
ảnh, những hình ảnh thay thế nhau liên tiếp theo trình tự mờ-đậm-mờ), nghĩa là
đem các không gian to nhỏ, rộng hẹp ấy chồng liên tiếp lên nhau, để kể chuyện,
rồi tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà dụng
cảnh toàn, trung, cận. sao cho phù
hợp. Với thủ pháp này, người đọc nhận biết được sự việc, hiện tượng, hình ảnh,
tính cách nhân vật ,... theo logic câu chuyện và trí tưởng tượng của mình, mà
không bị rối.
Có thể, so sánh
không gian truyện giữa Hồng Lâu Mộng & Chiến tranh và hòa bình để thêm rõ nghệ thuật không gian chồng mờ.
Cùng dạng trường thiên tiểu thuyết, với nhiều nhân
vật, ở tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của
L.Tolstoi, không gian truyện trải rộng bao la, tản mạn, tuy chung quy về mấy
gia đình quý tộc, nhưng không gian khá
riêng biệt, mối quan hệ với nhau thông qua những nhân vật đại diện, chứ không
chằng chịt, chật hẹp và chồng lấn như ở Hồng
Lâu Mộng. Thêm nữa, mối quan hệ họ tộc, gia đình ở xã hội Phương Tây mang
tính độc lập tương đối, khác với xã hội và họ tộc phương Đông vấn vít, nương
tựa, dựa dẫm vào nhau. Thế nên, việc khắc họa nhân vật đậm nét, nổi bật trong
mớ bòng bong quan hệ ở Hồng Lâu Mộng
thực khó. Điều này càng cho thấy cái tài của tác giả Tào Tuyết Cần.
Nghệ thuật không gian truyện về tổng thể là vậy, nhưng
chuyện kể sẽ nhạt nhẽo, vô bổ nếu như tác giả không giỏi việc khắc họa cảnh
vật, con người, tình tiết chuyện...
Ở đây, mỗi nhân vật chính (hay phụ)
lại được khắc họa theo trình tự cấu trúc: trước hết là vị trí và vai trò của
nhân vật, rồi theo đó là hình dáng dung nhan, tích cách con người, quang cảnh
nơi ở, quan hệ với họ hàng-bè bạn-kẻ hầu người hạ... Cứ theo cái trục đó mà đan
cài, khâu nối hay bóc tách mà ra hết,...
Thật tài tình lắm thay,... Cứ xem các nhân vật chính như Giả mẫu, Vương Hy
Phượng, Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Sử Tương Vân, Lý Hoàn,
Nghênh Xuân, Tích Xuân, Thám Xuân... mỗi người mỗi vẻ hay. Các nhân vật phụ:
gia đình, họ hàng, quan hệ dây mơ rễ má (như Giả Chính, Giả Xá, Vương phu nhân, Hình phu nhân, Dì Triệu, Nguyên
Xuân, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Hoàn, Giả Dung, Tần Khả Khanh, Tiết Bảo Cầm, Giả
Thụy, Tiết Bàn, Ba chị em Vưu thị ...); những a hoàn, người hầu (như Bình Nhi, Uyên Ương, Kim Xuyến, Tập Nhân,
Tình Văn, Tử Quyên, Xạ Nguyệt, Dính Yên....); đám người ngoài có quan hệ
bạn bè quen biết (như Già Lưu, Ni cô Diệu Ngọc, Hương Lăng, Hình
Tụ Yên, Tưởng Ngọc Hàm, Liễu Tương Liên, Hạ Kim Quế,
Một đặc đặc sắc nữa của Hồng Lâu Mộng mà hiếm có tác phẩm Đông
Tây Kim Cổ nào có dược, ấy là Thơ.
Thơ
ngâm vịnh, trêu ghẹo, đùa rỡn hay tự thán của các nhân vật trong Ninh-Vinh phủ,
Đại Quan Viên (Lý Hoàn, Bảo Ngọc, Đại
Ngọc, Bảo Thoa, Tương Vân, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, Ni cô Diệu Ngọc,
Bảo Cầm...), hay cả đám a hoàn (Tình
Văn, Tập Nhân, Xạ Nguyệt, Tử Quên...), đều hay, hợp cảnh hợp tình,... có
những bai thuộc hàng xuất sắc.
Ví như: Đại Ngọc chôn hoa, tự thán: “Giờ hoa rụng có ta chôn cất/ Chôn thân ta
chưa biết bao giờ/ Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ/ Sau này ta chết ai là người
chôn?”; Rồi cũng Lam Đại Ngọc: “Chiều
hôm quyên lặng tiếng rồi/ Vác mai về đóng cửa
ngoài buồn tênh/ Ngả người trước ngọn đèn xanh/ Ngoài song mưa tạt bên mình chăn đơn” (Táng hoa
từ); và “Ngoài
rèm hoa vẫn nở đầy/ Mà trong rèm lại người gày hơn hoa” (Đào
hoa hành);... Hay đâu: “Tỉnh giấc nỗi niềm ai đã tỏ/ Cỏ khô khói lạnh ngổn
ngang lòng” (Cúc mộng)...
Hay như Sử Tương Vân với bài thơ Đối cúc :”... Sổ khứ cánh vô quân ngạo thế/ Khán lại
duy hữu ngã tri âm/ Thu quang nhẫm
nhiễm hưu cô phụ/ Tương đối nguyên nghi tích thốn âm”. (nghĩa: ở đời mấy ai
xa được thói thô tục/ may ra có nổi một kẻ tri âm/ bóng thu loáng vụt trôi đi
mất/ khi ấy mới ngẩn ngơ mà tiếc nuối)...
Hây đâu,
Hay như, đêm Trung thu thưởng nguyệt ở Ao Tinh quán, khi
sen dần tàn, Lâm Đại Ngọc và Sử Tương Vân đã thay nhau nối vận mà thốt ra câu
thơ hay đến lạnh người :” ... Cò rò bóng
hạc bên ghềnh/ Hồn hoa chôn chặt dưới vành trăng trong”.
Không chỉ những cô cậu chủ ở Đại Quan Viên, trong Ninh
phủ, Vinh phủ, mà các a hoàn cũng lây cái bệnh
ngẩn mơ thơ phú của chủ mình. Hàng ngày hầu hạ các cô cậu chủ, khi tiệc
tùng, lễ lạt, khi gặp hội uống rượu đề thơ, đố thơ, đám a hoàn hóng chuyện,
hoặc bị lôi vào cuộc vui... và những lúc an ủi, chia sẻ nỗi ưu tư phiền muộn
của chủ... lâu thành quen, bị ngấm khi nào chẳng hay, mà sinh mơ tưởng hão
huyền (Tập Nhân, Tình Văn, Kim Xuyến, Tử
Quyên...).
Dĩ nhiên, thơ vịnh, thơ đối trong Hồng Lâu Mộng đều do
Tào Tuyết Cần sáng tác cả, nhưng khi gán cho từng nhân vật lại phải hợp cảnh,
hợp tình, hợp tính với mỗi người. Ấy cũng là cái tài của Tào tác giả.
Trong Hồng Lâu
Mộng, ngâm vịnh, đối thơ vừa là cách để gây không khí choviệc tạo dựng không gian truyện, vừa là phương tiện giao
đãi và cũng là sự bày tỏ nỗi niềm tâm can của mỗi nhân vật. Thật là “nhất cử, đa tiện”. Vì thế, đó cũng là một
đặc trưng, góp phần làm nên thành công của tác phẩm này và cùng với những đặc
sắc khác, biến Hồng Lâu Mộng thành
một kiệt tác, đẩy nó lên hàng đầu đông tây kim cổ văn chương thế giới ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét