@@@
1.
"Hoài lang biền biệt đêm trường
người đi bao nỗi dặm đường, sá chi
xông pha gươm giáo kể gì
sao đành, người ở chia ly cõi lòng,..."
Những câu thơ váng vất trong ý nghĩ...
Chiều nay. Minh trĩu nặng tâm tư,
Thấm thoắt, anh vào vùng Bảy Núi này đã ngót năm,...
Cứ chiều chiều, lúc nhập nhoạng tối, khi đàn dơi loạng choạng chao trên vòm cao mấy cây xoài cổ thụ, thì dàn cát-xet của một gia đình trong khu tập thể cơ quan lại vang lên, hết ỉ eo những bài hát nhạc vàng rồi sang nỉ non vọng cổ. Nghe mãi, chẳng buồn để ý, vô thức mà thành thuộc. Minh sở thích chèo cổ, ghét cải lương vọng cổ, nhưng riêng bài Dạ cổ hoài lang thì anh không thể làm ngơ. Từng chữ từng lời, thấm dần vào anh từ lúc nào không hay "Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng/ Năm canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng/ Ôi gan vàng quặn đau í a/ Như chim trời lẻ bạn... chim bay về... nơi vô định/ Trời xa đất lạ trong mây khói mịt mùng/ Kiếp giang hồ mỏi gót phong sương/ Một chiều qua bến lạnh bỗng nhớ tới một người...".
Minh nhớ mẹ và nhớ Nguyệt. Sâm sẩm nhớ mẹ, khuya là nhớ em. Anh mang máng nhớ một câu thơ của ai đó vì nó đúng với tỉnh cảnh của mình . Nhập nhoạng, khói lam chiều khiến anh nao lòng nhớ mẹ. Nhớ bóng mẹ ra vào, dáng mẹ ngồi bên bếp lửa với chiếc que cời bếp rơm luôn tay. Nhớ hình bóng mẹ tựa của, rồi chậm rãi ra đóng cổng lúc sẩm tối, mẹ biết lại thêm một ngày nữa con trai mẹ mãi chân trời phương Nam chưa thể về với mẹ... Đêm khuya khó ngủ, anh cồn cào nhớ Nguyệt, nhớ những lời thầm thì và những cái hôn cháy bỏng của Nguyệt trước lúc chia tay, tiễn anh hành phương Nam. Anh thầm phỏng đoán, Nguyệt ngủ chưa hay vẫn đang cặm cụi soạn giáo án, hay mải chấm bài của học sinh. Anh lại thầm hỏi, Nguyệt có đang nhớ tới anh không khi cô cũng một mình ở ngôi trường giữa đồng chiêm trũng xa thủ đô hơn trăm cây số ấy.. Anh trằn trọc không ngủ được, vì nhớ, vì trời phương Nam mùa khô oi nóng. Cố nhắm mắt cưỡng ngủ thì đầu anh lại mường tượng cái nghĩa địa với mấy ngôi mả mới gần ngay cửa sổ phòng ở của anh, chỉ cách một hàng rào cây lá rậm rạp kia thôi. Anh vùng dậy, đóng chặt cửa sổ, nằm im, ý nghĩ miên man và chìm đi...
2.
Một trông mong vạn chờ mong,
chẳng thà cứ gái chưa chồng cho cam
sông kia dằng dặc trời Nam.
nước mây vời vợi ai làm cho đau,...
Minh nghe vẳng vằng một giọng nữ đọc thơ., không xa mà cũng chẳng gần, như đâu đó trong khu vườn thôi. Anh ngơ ngác "Ai dấy? Ai vừa đọc thơ đấy?". Giọng nữ cất lên rất gần khiến anh giật mình "Ta đây... ở gần ngươi thôi... nhưng ngươi không thấy đâu,... Ta cho ngươi mấy câu thơ ta vừa ngâm để chắp nối với câu thơ mà ngươi ngâm nga chiều nay...". Minh cố trấn tĩnh để không lộ vẻ sợ hãi "Nhưng bà... bà là ai? ... Sao lại biết tôi làm thơ?... Sao lại tặng thơ bà cho tôi?,...". Giọng nữ khẽ cười "Ngươi không biết ta đâu... Ta sống trước người những hơn hai trăm năm ... Thơ ta vừa đọc ngươi cứ nhận lấy. nối tiếp vào thơ ngươi cũng hợp cảnh hợp tình đó...". Nói rồi, giọng nữ cất lên đọc liền hai khổ thơ với nhau, câu cuối như nghẹn lại trong nước mắt. Minh nghe rưng rưng, quên cả sợ, tự cảm thân quen, muốn trò chuyện: "Thì bà ... cũng nên hiện hình tỏ dung nhan .. hay cho biết quý danh để mà thưa gửi chứ ạ ?...". Giọng nữ nhẹ nhàng, có chút ân cần "Ngươi thật biết phép tắc,... và cũng hết sợ rồi đấy nhỉ,". Cười ôn hòa "Cứ từ tốn, trước sau thì ngươi cùng biết thôi... Ta đến gặp ngươi thế này chẳng phải để chơi đâu ... ắt phải có chuyện để nói chứ...".
Minh cố căng mắt, ngó nhìn quanh quất hòng nhận diện ngươi đang nói chuyện với mình, nhưng chẳng thấy gì ngoài thứ ảnh sáng nhờ nhờ như sương đục, loáng thoáng hình bóng những cây xoài, cây dừa, vú sữa, mãng cầu vẻ quen quen. Không khí tĩnh lặng, Minh bỗng sợ, lên tiếng: "Bà... bà ở đâu rồi?". Giọng nữ cười nhẹ: "Ta vẫn ở đây... Ngươi nhìn kỹ chưa? Có thấy ta không? Thấy gì quen không?". Minh e sợ "Không thấy bà... chỉ thấy cây cối quen quen thôi...". Cười to "Đã bảo mà... thì cây cối trong vườn hàng ngày... người đi dạo, quét lá khô nấu bếp, rồi leo trèo hái quả cả năm nay. không nhận ra sao được... Ta cho người biết, cả khu vườn này có mười tám cây vú sữa, hai mươi bảy cây dừa và bảy mươi hai cây xoài các loại, thêm ít cây lặt vặt khác ta không tính...Ngươi không tin, mai đếm thử xem...". Minh vẫn nghi hoặc "Vậy là...ta vẫn đang ở trong khu vườn của cơ quan tôi hay sao?". Hạ giọng "Thì đúng thế ... Thực ra, ta chính là chủ nhà. Ta ở đây từ hai thế kỷ rưỡi nay... còn ngươi mới là khách. Ta nhớ, ngươi đến sống ở đây còn chưa đầy năm kia mà...". Minh ú ớ vâng dạ. Giọng nữ khẽ cười: "À, ta nhớ... người có mấy lần giẫm lên nóc nhà ta để bám cành đu mình leo lên cây xoài cát cổ thụ ở vườn sau ấy...". Minh ớ người cãi "Nhà nào nhỉ ?... Có nhà nào ở vườn sau đâu? ... Tôi giẫm lên nóc nhà bà hồi nào? ". Cười trêu "Người cũng giỏi cãi nhỉ... Chẳng lẽ ta đổ oan cho ngươi sao.... Ngươi thử nhớ lại đi... Không tin, sáng mai, người ra gốc cây xoài cổ thụ vườn sau, tìm xem thấy ở đấy có gì không? Chớ vội cãi ngay thế... ". Minh nghi hoặc, chợt nhớ ra điều gì, vôi kêu lên "Bà này, tôi nhớ hình như là..." Giọng nữ cắt lời, nghe xa vọng lại "Ta có việc đi đây... Hẹn gặp ngươi sau... Cứ suy xét cho kỹ đã... Rồi ngươi cũng sẽ biết về ta thôi.". Minh níu lấy "Nhưng tôi đã mạo phạm... thì sao ạ"...". Cười xa xôi "Chớ lo... Ta tạm tha cho ngươi cái tội mạo phạm giẫm đạp lên nóc nhà ta... Yên tâm và đợi khi ta quay lại...". Minh vẫn chưa chịu "Nhưng bà cũng phải gợi chút... thì tôi mới biết lối mà tìm... chứ mù mịt thế này tôi chẳng biết manh mối ra sao,... tìm đến bao giờ? ", Lại cười "Ngươi thật nhiều chuyện... Dạ cổ hoài lang, ngươi rõ rồi đấy... nhà ông Cao Văn Lầu ấy nói hộ nỗi lòng của người vợ đợi chồng phu phen lính tráng thời tao loạn binh đao ở vùng đất này ,... Sống chết gang tấc biết khi nào về mà chờ đợi cơ chứ... Ta xưa cũng là người cùng cảnh ngộ... Chợt thấy ngươi thương cảm thành thơ mà hiện về nói với ngươi đôi ba câu... Ngươi là người đọc sách, hẳn biết về trận Rạch Gầm Xoài Mút năm xưa, quân Tây Sơn đại phá liên quân Xiêm Nguyễn... Thôi, ngươi chịu khó đọc lại sử sách cho tỏ tường... Đợi lúc ta quay lại còn có cái để mà nói chuyện. Ta đi đây....".
Minh choàng tỉnh, ngồi phắt dậy. Bàng hoàng, định thần. Người vã mồ hôi ướt đẫm. Nhìn ra cửa số phía trước nhà, lờ mờ. Trời sáng giăng suông,...
3.
Đêm ấy, Minh thấp thỏm không ngủ lại được nữa....
Nghĩ miên man, điểm lại từ ngày anh chào mẹ khoác ba lô hành phương Nam. Chuyến đi bị bão hoành hành, đường qua miền Trung ngập nước, rồi núi lở, làm đoàn tàu lúc chạy, lúc dừng, lúc tăng-bo, nhếch nhác cả tuần mới tới Sài Gòn. Nhóm mấy người cùng đoàn chia tay nhau ở Xa cảng Miền Tây, kẻ Bạc Liêu, Rạch Giá, Đồng Tháp, còn Minh và một người bạn nữa thì An Giang. Vất vưởng mấy ngày ở Long Xuyên rồi hai người bọn Minh được điều đi Bảy Núi, vùng xa xôi khó khăn nhất của tỉnh. Những tưởng có hai người với nhau đỡ buồn chán và đỡ đần nhau lúc khó khăn thì người bạn kia nhớ vợ con ngoài Bắc, thở ngắn than dài. được vài tháng bỏ cơ quan ra Bắc và không quay trở lại nữa. Còn lại một mình, Minh gắng cầm cự. Nửa năm qua đi, anh dần quen với nhịp sống vùng đất mới.
Cơ quan đóng tại một khu nhà vườn rộng chừng gần hec-ta, rợp xanh bóng dừa, xoài, vú sữa, mãng cầu xiêm... Nghe nói, chủ cũ của khu nhà vườn này chạy sang Mỹ định cư thời điểm kết thúc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Khi chiến tranh biên giới Tây Năm xảy ra, quân Khmer Đỏ lấn sang gây ra vụ thảm sát Ba Chúc, quân ta dồn về đây, từng lấy khu nhà vườn này làm nơi đóng quân. Kết thúc chiến tranh biên giới, khu nhà vườn đổ nát hơn, Nhà nước trưng dụng làm cơ quan của huyện, xây thêm vài căn kiếu nhà tạm để có chỗ làm việc. Phía ngoài có vài hộ gia đình nhân viên ở. Phía trong, duy nhất Minh ở lại cơ quan và một cậu thủ kho vật tư người địa phương, tuần ngủ lại vài ba buổi lấy lệ. Ở đây, được cái, mùa nào cây trái ấy, Minh tha hồ ăn, thích gì lấy ăn. Lâu lâu, đám công nhân trạm máy kéo cơ khí hết mùa cày ruộng, về bảo dưỡng máy thì đông vui hơn chút. Thế nên, buổi tối cơ quan hoang vắng, khiến Minh thấy sờ sợ. Dân sống quanh đây đồn là khu nhà vườn có ma, khiến Minh ngại đi chơi tối.
Sáng trở dậy, Minh dạo quanh khu cơ quan, rồi lượn về vườn sau, nơi có mấy cây xoài cát cổ thụ. Nhìn quanh, vạch cỏ dại, anh tìm thấy đám đất mấp mô lẫn gạch xây chẳng ra hình thù gì. Minh gai người, nhẩm bụng, đoán mò nơi đây từng có một ngôi mộ hoặc miếu thờ cổ nào đó.
Nhớ lời người đàn bà gặp trong mơ, Minh bắt đầu tìm hiểu về lịch sử vùng đất. Chuyện tiên chúa Nguyễn Hoàng xưa nghe lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân", xin chúa Trịnh Kiểm bỏ xứ Bắc vượt Đèo Ngang vào trấn thủ Thuận Hóa từ năm 1558 thì Minh biết, nhưng trải mấy trăm năm qua chín đời chúa Nguyễn đến Nguyễn Phúc Ánh, mở mang bờ coi phía Nam vào trấn Gia Định và châu thổ Cửu Long giang, Chân Lạp xưa thì anh không mấy tường. Việc tìm tòi sách vở và tra cứu tài liệu cũng không dễ chút nào. Lần mò rồi Minh cũng tìm được nguồn tài liệu từ những cuốn sách sử in trước năm 1975 của một người quen ở Sài Gòn. Lịch sử triều Nguyễn mở ra trước mắt anh, nhất là thời kỳ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, công cuộc chinh phạt phương Nam của ba anh em nhà Tây Sơn và cả hành trình gian truân nguy hiểm để phục quốc của chúa Nguyễn Ánh. Minh chú tâm đọc kỹ phần viết về trận Rạch Gầm Xoài Mút, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài ba của Nguyễn Huệ đại phá liên quân Xiêm-Nguyễn, xem có gì đặc biệt mà người đàn bà xuất hiện trong mộng mị. nhắc đến...
Ngày xưa, tháng Chạp năm Giáp Thìn sang Ất Tỵ, giao năm 1784-1785, trên khúc sông Tiền, Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, dài chừng 7 cây số, nơi lòng sông rộng, lại có cù lao. thích hợp cho việc ém quân để quân Tây Sơn bố trí trận địa. Liên quân Xiêm-Nguyễn mắc mưu quân Tây Sơn nhử đến trận địa này, bị phục binh Tây Sơn chặn cứng hai đầu, dồn ứ lại, làm mồi cho hỏa pháo Tây Sơn tiêu diệt. Chỉ trong vòng một ngày, Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn phá tan và tiêu diệt gần 5 vạn liên quân Xiêm-Nguyễnđông gấp đôi quân mình. Hai tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương cùng đám tàn quân thoát chết chạy ngược lên đất Quang Hóa (nay là Tây Ninh) sang đất Chân Lạp để về Xiêm La. Còn Nguyễn Ánh thì cùng đoàn tùy tùng phò tá tháo chạy khổ sở đói khát, đến nỗi tướng Nguyễn Văn Thành phải đi cướp của dân lấy miếng ăn cầm hơi, đến nỗi bị dân đánh trả mà trọng thương. Gần năm ngàn quân còn lại chưa đây một ngàn, tan tác cả, phần chạy theo quân Xiêm, nhúm quân theo Nguyễn Ánh chạy dạt về cuối đất, trốn ra đảo Thổ Chu. May mà quân Tây Sơn đuổi theo bị bão biển đánh tan thuyền nên Nguyễn Ánh thoát nạn, bôn ba nhiều năm, chờ thời cơ nhà Tây Sớn có biến, lấy lại cơ đồ...
Minh cứ ngẫm nghĩ, mảnh đất khu nhà vườn này chắc liên quan gì đến quan quân chúa Nguyễn thời nhà Tây Sơn chinh phạt vùng châu thổ này. Nhưng lịch sử đâu có chi tiết đến mức có thể tra cứu rõ được. Đành chờ cơ duyên thôi.
4.
Đầy năm, Minh nghỉ phép, ra Bắc. Lần đầu tiên, anh cảm nhận được niềm vui. niềm hạnh phúc của kẻ xa nhà về cả khoảng cách và thời gian khi gặp lại mẹ và người yêu. Già nửa tháng. Minh tính toàn, phân bổ sao cho hợp lý để ở bên mẹ, giúp mẹ làm việc nhà với thời gian dành cho người yêu đang dạy học ở một trường xa dăm chục cây số. Trong niềm vui thường nhật những ngày bên mẹ và gần người yêu, nhưng ẩn chứa trong sâu xa, Minh lại thấy nhớ miền Tây sông nước, nhớ khu vườn xanh um cây trái, vắng vẻ và chập chờn ma mị ấy. Chẳng gì, anh cũng đã có bao chiều cô đơn, bao đêm hoang hoải, mất ngủ vì nhớ Bắc và sợ bóng tối. Con người ta lạ thế đấy, vui quá và sợ quá đều đem đến sự ám ảnh khôn cùng. Kỳ nghỉ gần hết, Minh bỗng thấy ngại khi nghĩ đến việc phải trở lại khu vườn ma mị sống tiếp những ngày khắc khoải, những đêm say để ngủ cho quên nỗi sợ, những phút giờ hoang vắng đếm tiếng tắc kè tặc lưỡi bóng tối. Minh phân vân khi mẹ bảo ở lại thêm, còn người yêu thì nhắc nhở rằng chậm phép có thể bị cơ quan kỷ luật vì tội vô tổ chức... Nhưng rồi, Minh cũng dứt ra được, trả phép tuy có chậm ít ngày. Thấy anh ba lô trở vào, ông trưởng phòng người địa phương cười đùa "Tưởng cậu ở luôn ngoải... Vô lại thế này là được rồi... Có vợ chưa? Sao không đưa vô đây... tớ nói với Ủy ban huyện cấp cho miếng đất cập lộ, cất cái nhà tạm, chồng làm cơ quan, vợ mần buôn bán vặt. ... Sống khỏe à...". Minh cười cầu tài cảm ơn. Không nhắc nhở, kỷ luật gì là ổn rồi.
Mấy nhà người quen, diện chồng Nam tập kết lấy vợ Bắc, thấy Minh vào lại, hè nhau nhậu, bảo là để mừng anh không đào tẩu. Buồn vui lẫn lộn, Minh quá chén say đứ đừ, thập thõm gắng gượng khuya về đến phòng, đổ ập xuống giường, say ngủ mê man...
Dưới gốc dừa, hóng gió mát, Minh ôm cây ghi ta bập bùng. Anh lựa gam thử mấy nốt theo một điệu vọng cổ, chợt nghe giọng đàn bà "Đàn này không hợp đâu, phải dùng đàn phím lõm kia.". Minh giật mình, ngừng bặt "Ôi, đúng là bà rồi... Tôi vẫn nhớ giọng bà mà...". Cười nhẹ "Vậy là người vẫn nhớ, khen cho ngươi... Về quê vui chứ?" Minh ngạc nhiên "Quê nào... Tôi vừa nghỉ phép ra Bắc ít ngày... ". Cười thành tiếng "Quê đấy chứ đâu... thăm mẹ thăm vợ thì hẳn vui lắm nhỉ". Minh cãi "Mẹ thì đúng rồi, nhưng ... bạn gái thôi, tôi đã cưới đâu mà vợ ?". Giễu cợt "Ngươi chưa cưới vợ, ta biết.... nhưng ăn nằm với người ta thì cũng nên coi người ta là vợ... thế lấy của người ta cái ngàn vàng rồi định bỏ người ta à ?...". Minh cứng họng ú ớ "Sao... bà cũng biết à ?". Cười nhạt "Thì ta là ma... dương gian các người hay bảo, biết ma ăn cỗ lúc nào... nhưng ma lại biết rõ các ngươi ăn cỗ thế nào kia đấy". Cười ma mãnh, Minh ớn lạnh cả người "Tôi yêu cô ấy, muốn cưới làm vợ...". Vẻ chân thành "Ta tin ngươi thật bụng... nhưng đời còn dài mà... lòng người dễ thay đổi". Im lặng một lúc. Người đàn bà "Ta đến đây không phải để chuyện yêu đương của ngươi... Thế ngươi đã biết sử sách bao nhiêu rồi ?" . Minh hào hứng "Không nhiều, nhưng cũng đủ biết về trận Rạch Gầm Xoài Mút, nhà Tây Sơn đại phá 5 vạn quân Xiêm-Nguyễn,... biết chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy dài trốn chui trốn lủi ra đảo Thổ Chu thế nào...". Mỉa mai "Người có vẻ đắc ý nhỉ... Ai dạy dỗ ngươi mà cao giọng vậy... làm được vài câu thơ mà giọng đầy thiên kiến vậy... Lịch sử vốn không thiên vị ai...", Minh hăng lên "Tôi không thiên kiến, rõ ràng nhà Tây Sơn, nhất là Quang Trung Nguyễn Huệ, đệ nhất anh hùng, ra Bắc dẹp Trịnh, vào Nam đuổi Nguyễn, trước quét sạch quân Xiêm, sau đại phá quân Thanh... Thử hỏi, trời Nam xưa nay có ai bằng? ...". Cười mỉa "Ta phận đàn bà, không bàn việc nước... ôm nỗi lo riêng, ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, chăm con trẻ, đêm đêm nghe mưa nhẩm thời khắc chợ đợi chồng mòn mỏi nơi chiến trận, nén lòng ham muốn giữ đạo phu phụ, khi chồng chết trận lại thủ tiết thờ chồng nuôi con khôn lớn... ngần ấy thôi đã khô héo thân xác, úa nẫu tâm hồn rồi... ngươi bảo dễ lắm à... vòm trời này sao lại đổ hết bao nỗi cơ cực lên đầu người đàn bà làm vậy ?...". Minh nghe lòng bùi ngùi "Bà nói cũng phải... hỏi ông giời hà cớ gì bắt tội người đàn bà... ? ". Cười to "Ta than thở với ngươi nhiều cũng phí công. Người thích lý sự thì nghe ta bàn đây... Này nhé, ba anh em nhà Tây Sơn, khởi thủy là giặc cỏ, có thấy nhà Nguyễn ta từ tiên chúa Nguyễn Hoàng vâng lệnh vua Lê, vượt đèo Ngang trấn thủ xứ Thuận Hóa, rồi trải tám đời chúa. mở mang bờ cõi trời Nam, thu phục Chăm-pa, Chân Lạp, mở nửa giang sơn Đại Việt này, ấy là công lao to lớn.... Nhà Tây Sơn kia nổi lên, chẳng qua cũng là tham vọng tranh đoạt thiên hạ, người Việt tàn sát lẫn nhau.... Nhờ việc phá Xiêm, đuổi Thanh mà trời đất dung thứ, lòng người biết ơn nên sử sách ghi công đó... Ta nói vậy, chẳng hay ngươi có ý gì khác? ". Minh ầm ừ "Bà nói thế cũng đúng... Chẳng hay, bà xưa kia cũng thuộc người nhà chúa nên mói gọi nhà Nguyễn ta...?". Người đàn bà ôn tồn "Ngươi tinh ý đấy... Ta không phải người nhà chúa, chỉ là, chồng ta cùng họ với nhà chúa... vả lại nhà ta đôi bên đều gốc dân Thanh Nghệ cả. Ngày trước, Trịnh Nguyễn phân tranh, những lần quân chúa Nguyễn vượt sông Gianh lấn đất Bắc, chiếm làng bắt dân vùng Thanh Nghệ cũng đâu có giết chóc ai, chỉ vì hiếm người mà đất lại rộng, bắt dân cả làng, cả tổng đưa vô trỏng an dân khai mở đất hoang dần về phương Nam. Dân lúc đầu không hiểu, có phần oán thán vì phải rời bỏ quê hương bản quán, nhưng ngẫm kỹ ra lại hóa hay, được yên ổn làm ăn nơi đất mới mà sinh ơn... Cái gì cũng có hai mặt, chắc ngươi hiểu rõ ?" Minh thỏa mãn "Bà cũng thấy được đạo lý của nhà Tây Sơn... thế còn bao việc khác nữa chứ ?...". Cười nhạo "Ta chỉ thấy có vậy thôi.... nhà Tây Sơn chưa thành, anh em đã nghi kỵ lẫn nhau... Nguyễn Nhạc là anh cả mà nhỏ nhen, hẹp hòi, nghi kỵ; Nguyễn Lữ hoài nghi và thiếu quyết đoán. Còn Nguyễn Huệ thì tài năng hơn cả, nhưng cũng mắc chứng ngông nghênh coi trời bằng vung, mục hạ vô nhân, chưa biết lắng nghe.... Đạo làm vua như thế cũng là non kém, sao thấu nổi lòng dân ?... Vậy nên, nhà Tây Sơn nổi lên như sấm rền chớp giật là thế, nhưng nhanh chóng lụi tàn, trước hết là do nghi kỵ, tàn sát lẫn nhau... cũng là đúng đạo lý trời đất cả đấy ...". Minh buồn buồn "Điều này thì bà cũng có lý... Tôi thắc mắc, không họ hàng thân thích với chúa Nguyễn, gia đình của bà chắc cũng mắc mớ chi đó ?". Chậm rãi "Có chứ... Thư thả nghe ta đây... Tổ tiên hai nhà ta vô xứ Thuận Hóa, rồi theo thời gian mở đất của các đời chúa Nguyễn, dạt dần vào Gia Định trấn, cũng thuộc hàng khá giả, có máu mặt ở xứ này... Phu quân là thuộc hàng võ tướng, trước trận Rạch Gầm Xoài Mút, phu quân ta là tướng lĩnh dưới sự chỉ huy của đại đô đốc Châu Văn Tiếp, vâng lệnh nhà chúa mở màn đánh vào đất Mân Thít (Vĩnh Long). không may bại trận, đại đô đóc Châu Văn Tiếp bị Chưởng cơ Bảo quân Tây Sơn giết chết. Chúa Nguyễn Ánh lại cử tướng quân Lê Văn Quân thống lĩnh tiền quân tiến đánh trận Ba Lai (Bến Tre) và Trà Tân (Định Tường), nhưng rồi tướng Lê Văn Quân cũng bị trọng thương... Phu quân ta cùng tàn quân nhập vào đội quân chính phò tá nhà chúa...". Minh à lên "Vậy ra, gia thế của bà cũng ghê gớm đó... thuộc hàng công thần của nhà Nguyễn rồi.". Cười đau khổ "Công thần, công trạng mà làm gì... khi hồn lìa khỏi xác ? ... Trong trận Rạch Gầm Xoài Mút, mấy vạn nhân mạng tiêu vong... Phu quân ta cùng đám tàn quân phò chúa Nguyễn tháo chạy rồi lên thuyền trốn ra đảo Thổ Chu... Dọc đường rút chạy, phu quân ta liều chết để bảo vệ nhà chúa... không may tử nạn... Người bảo sao ta không đau xót?..." Minh giọng chia sẻ "Thì ra vậy... rất tiếc... tôi hiểu lòng bà !...". Giọng buồn rượi "Khốn cho thân ta... ở nhà vò võ chờ chống... đợi ngày đoàn viên phu quân làm nên công trạng, mang vẻ vang cho gia tộc.... Có biết đâu, ổng bỏ ta mà đi mãi mãi như thế...". Minh cảm thông "Bà có nỗi đau riêng của bà... nhưng đấy cũng là nỗi đau chung của biết bao người mẹ, người vợ.... có người thân tử trận trong những cuộc chiến lên miên suốt mấy thế kỷ qua trên dải đất này". Cười mỉa "Ngươi nói hay quá nhỉ,... may cho số phận ngươi không phải xông pha trận mạc, không biết hòn tên mũi đạn thế nào, nên người hót hay lắm... Ta còn biết cả chuyện mẹ đẻ của ngươi mừng chảy nước mắt khi ngươi vì thấp bé nhẹ cân không đủ sức khỏe vào lính... Thực lòng, ta mừng cho bà ấy không phải sống những tháng ngày thấp thỏm chờ mong con mình trở về lành lặn... Phúc đức là đấy, ngươi có hiểu không ? Vinh quang thì hay hớm gì khi không còn nữa ?". Minh cãi "Thế bao xương máu đổ xuống là vô ích à ? Tôi không được trực tiếp tham gia cuộc chiến, không bàn may rủi... Ấy là số phận. Có điều này, giờ đây, mỗi khi người ta bàn về cuộc chiến vừa qua, tôi mặc cảm của người ngoài cuộc... thấy mình chưa đóng góp gì cả... xấu hổ lắm chứ". Cười nhạt "Ngươi cũng sĩ diện nhỉ, nhưng nam nhi không có chút sĩ diện mới đáng buồn... Ta không học hành nhiều như ngươi...phận đàn bà, ta thấm nỗi đau ta, mọi lý tưởng cao siêu, mọi lý sự này nọ, với ta đều là suông hết. Chỉ nỗi đau ta từng chịu đựng là có thật !...Đừng lý sự nữa...Ta không muốn nghe đâu.". Minh cười cảm thông, lần đầu tiên anh cười trong cuộc đối thoại "Chiều ý bà, ta nói chuyện khác,... Công lao cứu giá của phu quân bà như vậy, hẳn sau này chúa Nguyễn không quên chứ ?". Ôn tồn "Ngươi là người chu toàn khi hỏi ta chuyện này.... Quả là sau khi thành nghiệp lớn, nhà chúa thu phục cả giang san, lên ngôi vua đầu triều Nguyễn, ngài ngự đã không quên công lao của những người từng phò tá mình dựng nghiệp, cả kẻ sống và người chết... Phu quân ta được truy phong tước vị, nhà ta được ban thưởng hậu hĩnh, được cấp trang ấp nơi đây... Cầm lòng vậy, bằng lòng vậy... ta thay chồng cai quản cơ ngơi này, giàu có sản nghiệp ta đâu có màng khi phu quân ta không còn trên cõi đời để cùng ta và con cháu hưởng thụ... Chút an ủi cho ta ấy là người dân trong vùng nhờ thế mà có công ăn việc làm, được miếng ăn no bụng, được áo quần lành lặn... Họ ơn nhà ta là vậy..." Minh cướp lời "Thế nên họ mới xây miếu thờ cúng bà chứ gì ?" Cười to "Ngươi đúng là kẻ láu cá'... Xây miếu thờ ta trên đất trang ấp nhà ta, ấy là từ con cháu ta... Có điều, dân trong vùng cũng nể trọng ta phần nào mà hương khói cho ta... Vậy thôi.". Minh đắc ý "Bà thấy không, đạo lý ở đời cũng công bắng lắm chứ... Ai làm phúc cho dân thì dân quý trọng...". Trầm ngâm "Điều này thì ta tin ngươi hiểu... rốt cuộc, chúa Nguyễn thắng làm chủ thiên hạ, nên nhà ta mới được hưởng lộc chúa.... Ngươi nghĩ xem, nếu nhà Tây Sơn giữ được cơ đồ, nhà ta đây không chừng thành tội đồ vì tội đi phó tá chúa Nguyễn, bị triệt hạ, tàn sát cũng nên...". Minh băn khoăn "Điều này thì tôi không dám chắc... Có thể là vậy". Cười nhạo "Ngươi cũng là kẻ công bằng đấy chứ....Ứng xứ với kẻ thua cuộc ra sao, hoàn toàn phụ thuộc vào bản tính và tâm trạng của người thắng, hoan hỉ bao dung hay cay cú rửa hận... thôi thì, nói sao cho hết được tâm địa con người ta...". Minh chậc chậc "Có lẽ vậy chăng ?...". Cười nhẹ "Ta lại nói đúng tim người rồi... Ngươi bối rối là phải... Ta bàn thế là để so sánh ta với người đàn bà mới đến trú ngụ trên đất của ta,". Minh ngạc nhiên "Ai thế?... người đàn bà nào?". Buồn buồn "À, ngươi đi vắng về quê ít bữa, nên không biết đấy thôi... Có một đàn bà góa mới lìa trần xuống dưới này, đến gặp ta xin trú ngụ... Vậy người không để ý, cái nghĩa địa phía bên kia hàng rào cây cửa sổ sau nơi người ở rồi?... Cái mả mới với những vòng hoa héo...". Minh khẽ rùng mình "Vậy sao?... Tôi chưa kịp để ý.", Giải tỏa "Ngươi yên tâm... Có ta ở đây làm chủ, ngươi không phải sợ... Với lại, người đàn bà mới đến này vốn hiền lành. Ngươi không sợ bị quấy nhiễu đâu...". Minh vẻ yên tâm. cầu tài "Vậy người này đâu dám so với bà được ?" . Cười nhạo "Ngươi cũng khéo nịnh nhỉ... Ý ta là, người này từng chịu cảnh góa bụa như ta xưa... Có điều, khốn kiếp đàn bà góa một phần, khốn thêm nỗi người chồng tử trận lại thuộc bên thua cuộc chiến... Nghe đâu, người chồng là sĩ quan cấp tá, tử trận ngay đầu chiến dịch quân Bắc tấn công Tây Nguyên chi đó.... Xác bị vùi lấp đâu đó chẳng rõ nữa..." Minh thở phào "Thì ra là vậy... nhưng biết làm sao được ! Chiến tranh mà, nó có chừa ai đâu". Cảm thông "Góa bụa đã khổ. lại bao năm sống trong nỗi sợ bị bên thắng trận trả thù, hành tội, o ép này nọ... May mà, bên thắng cuộc cũng không tệ..." Minh hào hứng "Đấy, bà thấy chưa.... Đạo lý công bằng mà. Ai làm người nấy chịu... Bà ta không liên quan gì đến việc chồng bà ta làm, nên chẳng có gì phải sợ... Nhưng chồng bà ta, nếu còn sống thì tôi không dám chắc được đối xử như bà ta đâu... Chắc chắn ông ta sẽ phải học tập, lao động cải tạo này nọ... ". Mỉa mai "Nghe ngươi nói, thấy rõ cái lý của kẻ mạnh, thấy sự áp chế của bên thắng cuộc.". Minh lên giọng "Đương nhiên... Thời ấy, bà cũng thấy đấy, nhà Nguyễn đã thi hành một chính sách trả thù nhà Tây Sơn tàn khốc... truy lùng, giết chóc, quật mồ mả, phá từ đường, thôi thì không thiếu gì hành vi rửa hận...". Cay đắng "Ngươi thôi đi... ta không muốn nghe nữa....". Minh tự ái "Vậy thì thôi,... xin phép bà dừng lời...". Vẻ buồn bã "Chuyện thế là nhiều rồi... ta thấy cũng là có ích ... À, ta nói trước điều này... có lẽ làm ngươi buồn.... người con gái của ngươi tên Nguyệt nhỉ.... Tên hai ngươi ghép vào hay lắm... Minh Nguyệt là giăng sáng, nhưng chỉ để mai sau mỗi đứa tháng tháng nhìn giăng sáng mà nhớ đến nhau thôi... Hai người có duyên mà không có phận... Ta đi đây..." Minh bàng hoàng khi nghe lời phán vậy "Kìa bà...cho tôi hỏi vài câu được không ?... Tôi còn chưa tường diện mạo bà kia mà...". Giọng xa xăm "Thế đủ rồi... ngươi không thể tường diện mạo ta đâu... Ta đã siêu thoát từ lâu... Cho ngươi hay, người đã khuất mà còn để lại diện mạo trong tâm thức người sống, là người còn chưa siêu thoát... ".
5.
Minh tỉnh cơn mơ. Cảm nhận đầu đau nhức, nặng trịch. Hơi thở vẫn nồng mùi men. Chắc rượu uống lúc chiều là loại rượu kém chất lượng được lên men từ nguyên liệu gỉ đường. Ngọn đèn dầu hỏa đỏ quạch gió lùa cửa sổ sáng lay lắt. Người váng vất khó chịu, lôi vội chiếc xô nhựa dưới gầm giường nôn thốc nôn tháo cả mật xanh mật vàng. Minh mệt lả người, nằm im, lần hồi nhớ lại giấc mơ ...
Minh những tưởng, giấc mơ ngày nào gặp người đàn bà tự xưng là chủ khu vườn từng có miếu thờ ngay trong vườn này sẽ không bao giờ lặp lại. Vậy mà anh lại mơ thấy bà ta, tiếp nối câu chuyện bỏ dở từ lần trước. Anh vẫn bị ám ảnh bởi bầu không khí bí ẩn của khu vườn và câu chuyện đằng sau nó. Minh ngẫm nghĩ, có lẽ sự hoang vắng của khu vườn cộng hưởng với âm khí từ cái nghĩa địa ngay phía sau nhà anh ở đã ám thị anh thành mộng mị. Song những hiểu biết về lịch sử anh đọc ít nhiều được tái hiện vào câu chuyện với người đan bà trong mộng khiến anh nghi hoặc về nguồn gốc khu vườn này và những chủ nhân của nó qua mấy thế kỷ. Những người quanh đây, cũng chỉ biết lơ mơ về người chủ bỏ xứ sang Mỹ định cư khi kết thúc chiến tranh phân miền, chứ không ai biết sâu xa hơn về nguồn gốc, liệu rằng các người chủ trước nữa có phải huyết thống trực hệ là nối nhau sống nhiều đời ở đây hay là đã sang nhượng thay tên đổi chủ.
Riêng có chi tiết trong mộng mị của anh thì nhanh chóng xác định được ngay. Ngay hôm sau, anh theo lối mòn vạch rào ngó sang nghĩa địa phía sau thì quả nhiên thấy ngôi mả mới thật. Cũng không khó để xác định người nằm dưới mộ ấy là ai. Chị người quen cũng cơ quan sống kế bên chợ An Lạc xác nhận, thời điểm Minh đi phép Bắc, có một chị chuyên bán đồ khô ở chợ An Lạc bị cảm đột ngột rồi mất, và nghe nói chồng chị ta trước đây là sĩ quan Ngụy chết trận. Đối chiếu với giấc mơ của mình, Minh thấy không sai. Chi tiết này là có thật, thì câu chuyện dài trong mộng mị kia có cơ cở để tin...
Sau lần ấy, Minh không hề mơ thêm gì nữa, mặc dù anh có ý trông chờ. Công việc, cuộc sống biến động, anh dần lãng đi, mặc dù đâu đó trong những đêm khó ngủ vì nhớ nhà, vì lo tính công việc, nó vẫn thảng về trong ý nghĩ của anh. Mối tình của anh và Nguyệt cũng không thành sau vài ba năm chờ đợi. Nguyệt chủ động chia tay anh vì lý do từ gia đình. Minh níu kéo không nổi đành buông tay... Nguyệt về Hà Nội theo khóa cao học, rồi xin việc mới, không trở lại trường cũ. Chuyện tình đổ vỡ, Minh không đổ lỗi cho việc anh đã vô tình tặng kéo cho Nguyệt, bởi một lần vì không biết, anh đã mua tặng cô chiếc kéo thợ may cùng bộ sách hường dẫn cắt may, thước vải, và dụng cụ may, gửi qua bưu điện để cô tập lúc rảnh rỗi. Sau anh mới biết, người ta bảo, người yêu nhau kỵ nhất việc tặng dao kéo và khăn tay, bởi dao kéo sẽ cắt đứt tơ duyên, còn khăn tay là để lau nước mắt chia tay, ly biệt... Minh có nghĩ đến lời tiên đoan của người đàn bà trong mộng về sự tan vỡ mối tình của anh với Nguyêt, chỉ cảm thấy buồn nhớ những năm tháng ở đấy...
Nhưng cũng vì gắng níu kéo mối tình với Nguyệt mà anh quyết tâm ra Bắc. Anh bỏ lại quá khứ với khu vườn, bỏ châu thổ mênh mông sông nước cùng những điệu vọng cổ da diết buồn, bỏ "Dạ cổ hoài lang" sầu bi não nùng....
Hơn hai mươi năm sau, Minh mói có dịp trở lại vùng đất Bảy Núi, nhân chuyến công tác miền Tây Nam bộ. Anh tranh thủ thăm gặp những người quen cũ. Vài người trong số thân quen của anh ngày ấy đã khuất bóng. Biết tin cơ quan cũ của anh đã chuyển đi nơi khác, còn khu vườn ấy được huyện quy hoạch xây dựng thành trường dân tộc nội trú. Minh muốn thăm lại nơi cũ. Anh nói qua lý do và xin phép người bảo vệ được vào hẳn sân trường. Anh đứng tần ngần, quan sát khắp lượt, hình dung lại cảnh xưa, người cũ, đâu là hàng dừa, vườn xoài, đâu là căn nhà có phòng anh ở, và đâu từng là chỗ cây xoài cát cổ thụ dưới gốc có đám gạch xây long lở, vết tích của một ngôi miếu cổ. Bao nhiêu chuyện cũ, hình ảnh xa mờ bỗng hiện về rõ nét trong đầu anh... Người bảo vệ đến bên anh, bảo "Chẳng còn dấu vết cũ, anh hỉ". Minh cười buồn, cảm ơn người bảo vệ...
Minh còn trở lại vùng đất này nhiều lần. Anh cũng có thơ ghi lại cảm xúc của mình. Giờ đây, mỗi khi nhớ về vùng đất ấy, anh thầm gọi tên miền xanh thăm chân mây... ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét