TỔNG KẾT CUỘC THI "Chân dung cuộc sống"

 


@@@

CUỘC THI “CHÂN DUNG CUỘC SỐNG”.
BỨC TRANH SINH ĐỘNG CỦA CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Cuộc thi CHÂN DUNG CUỘC SỐNG của Tạp chí NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG bắt đầu nhận bài từ ngày 01 tháng 07 năm 2021 và kết thúc ngày 30-06 năm 2023, vừa tròn hai năm. Đây cũng là giai đoạn gian nan, vất vả nhất của đời sống đất nước. Nạn suy thoái kinh tế diễn ra trong phạm vi toàn cầu. Rồi thiên tai, dịch họa. Đặc biệt là dịch covid 19 tàn phá cả thế giới. Nhiều hoạt động của con người có lúc tưởng như ngưng trệ. Trong bối cảnh đó, cùng với sự nỗ lực vượt khó của cả nước, vẫn luôn có những con người cao đẹp, những câu chuyện cảm động, tươi sáng hấp dẫn để bạn văn, bạn viết khai thác, khám phá và khắc họa chân dung.

Cuộc thi đã nhận được 285 tác phẩm của 173 tác giả trong cả nước, trong đó có những nhà văn rất quen thuộc với bạn đọc, lại cũng có những tác giải mới cầm bút lần đầu. Có người đã ở tuổi 80, 90, có người còn đang là sinh viên, học sinh. Nhiều tác giả không phải cây bút chuyên nghiệp nhưng tác phẩm lại sinh động, vững chãi, chứng tỏ là những cây bút có nghề và họ đang đứng trên một mặt bằng khá cao. Nhiều nhà văn nổi tiếng tuy không tham gia cuộc thi, nhưng cũng gửi tác phẩm về hưởng hứng cuộc thi như Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Phê, Vương Trọng, Dương Kỳ Anh… Tòa soạn đã chọn lựa 50 tác phẩm đặc sắc nhất giới thiệu trong các số Tạp chí thường kỳ. Sau cuộc thi, nhiều tác phẩm gửi tới có chất lượng cao (không nằm trong hệ thống Giải thưởng) sẽ vẫn tiếp tục ra mắt bạn đọc trong các số Tạp chí thời gian tới...

Cuộc thi của chúng ta là thi viết Chân dung Cuộc sống. Nó là một dạng của “Chân dung văn học”. Theo định nghĩa của các nhà Kinh viện Hàn Lâm, Chân dung Văn học (Portrait littéraire) là thể loại văn học đặc thù có nhiệm vụ tương tự như thể loại chân dung trong hội họa và điêu khắc, miêu tả diện mạo của một con người cụ thể, có thật, sao cho truyền được thần thái sống động của người đó, phát hiện đặc điểm riêng, cá nhân, độc đáo, không lặp lại của một nhân cách với thế giói tinh thần của nó. Khác với hồi tưởng, ghi chép về một con người cụ thể, với tư cách là một thể loại văn học, chân dung văn học miêu tả con người cụ thể với một quan niệm xác định về nhân cách. Phương pháp của chân dung văn học là phương pháp của thể ký. Nó không thiên về cốt truyện. Nhà văn phát huy sở trường quan sát, lựa chọn chi tiết, cử chỉ, ngôn luận, kể cả tác phẩm, tư thế, hồi tưởng để dựng lại bộ mặt tinh thần của một con người, thường là nhà văn, nghệ sĩ hoặc các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng.

Tất nhiên, đây cũng chỉ là một quan niệm của giới nghiên cứu về thể loại văn học này. Người khác sẽ nghĩ khác. Bởi nhìn vào thực tiễn sáng tác ta thấy nó không phải chỉ có thế. Nhiều nhà văn lớn nổi tiếng thế giới, từng có những kiệt tác ở thể loại này như M. Go-rơ-ki; Ban-dắc, Đích-kenx của X. Xvai-gơ, K. Pautopxki và nhiều nhà văn bậc thấy, qua những kiệt tác của họ, ta nhận ra rằng: Chân dung văn học là một thể loại văn chương tổng hợp. Ở đó có ký, truyện ngắn, hồi ức, ghi chép và phê bình nghiên cứu. Những chân dung của M. Go-rơ-ki về Lê Nin, Tchekhop, X. Êxenhin và đặc biệt là L. Tõntoi dù ngổn ngang, bề bộn, nhiều khi chỉ là những ghi chép trong cảm giác choáng ngợp, ta lại thấy lồ lộ hiện hình một L. Tônxtoi với cả số phận, tính cách, tài năng, vị trí của ông cho đến cả những chi tiết cụ thể như bàn tay, con mắt và cả sự tinh quái lọc lõi lẽ đời. Còn K. Pautopxki dựng chân dung hai nhạc sĩ thiên tài, ta lại lại thấy thú vị như đọc những truyện ngắn với cấu trúc rất chặt chẽ. Mọi chi tiết nhỏ đưa ra đều sử dụng đến triệt để. Ta không chỉ hiểu được sự kỳ diệu của âm nhạc mà còn thấy được trọn vẹn vẻ đẹp và tài năng, tính cách của hai thiên tài Grich và A. Moza qua hai tác phẩm “Lẵng quả thông” và “Người đầu bếp già”,...

Đấy chỉ là những nét khai mở, phác họa và gợi ý về thể loại Chân dung, nhất là Chân dung văn học. Trở lại với các tác phẩm dự thi cuộc thi viết Chân dung cuộc sống, đặc biệt là các tác phẩm đoạt giải.

Chủ đề của cuộc thi viết Chân dung là cuộc sống rộng mở mọi mặt, tuy vậy, số bài viết về chân dung văn nghệ sĩ chiếm già nửa, và non nửa còn lại thì số lượng bài viết về các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cũng chiếm phần nhiều. Thực sự quá ít bài viết về những người lao động trực tiếp, những người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi xa xôi hẻo lánh... Đó cũng là một hạn chế của cuộc thi viết này. Dẫu vậy, qua cuộc thi, chúng ta đã có một bức tranh kha phong phú, sinh động về đời sống xã hội, cả quá khứ và hiện tại. Thêm nữa, sự đa dạng của bạn văn, bạn viết tham dự cuộc thi này cho thấy sự quan tâm sâu sát, không thờ ơ với cuộc sống của lực lượng cầm bút trong cả nước. Đây là điều đáng mừng.

Tuy các tác phẩm được trao giải lần này chỉ là một phần của cuộc thi, song xứng đáng là đại diện bởi chúng đạt được tương đối các tiêu chí về nội dung và hình thức thể hiện. Ở thể loại chân dung, không những nhân vật phải được khắc họa sắc nét về cuộc đời mà còn phải nêu bật được sự đóng góp của họ cho cộng đồng, xã hội. Điều này lại phụ thuộc vào cái tài của tác giả bài viết. Chọn nhân vật đã khó, khắc họa nên thần thái, tính cách, hành vi của nhân vật còn khó hơn nhiều. Thật sự là cái khó nhân đôi. Nói vậy, để chúng ta cùng chia vui với các tác giả đoạt giải, bởi họ đã làm được cái việc khó nhân đôi này.

Tác giả Y Nguyên, với chùm tác phẩm (Ngô Phan Lưu “ẩn số văn chương” đất Phú; “Phù thủy” của bục giảng; Nguyễn Văn Thọ, nhà văn và người lính), bằng cái nhìn đa chiều, giọng văn tưng tửng, khánh quan để dựng các chân dung. Ví như, với cách quan sát tinh tế về nhiều mặt của một con người, tác phẩm Ngô Phan Lưu “ẩn số văn chương” đất Phú không lặp lại những gì người ta đã viết về nhà văn Phú Yên này, tác giả Y Nguyên khắc họa nên một con người-nhà văn không chỉ độc đáo về văn chương, còn độc đáo về lối sống thường ngày, và ẩn chứa bên trong những vẻ đẹp tâm hồn,...Ở tác phẩm Phù thuỷ của bục giảng, Y Nguyên khắc họa một con người rất cá tính, khá đặc biệt, ấy là một cô giáo say đắm với nghề dạy học ở Phú Yên. Cô giáo, dưới góc nhìn cảu Y Nguyên, trong các tiết giảng của mình “Người nghệ sĩ ấy đang nhập đồng, đang cháy hết mình cho vai diễn”, vượt ra khỏi mọi thông lệ, sự giáo điều thường thấy của một “viên chức ăn lương” để trở thành một nhà giáo tâm huyết,với mong muốn góp chút công sức cho sự nghiệp giáo dục nước nhà,...

Khác với Y Nguyên, tác giả Võ Bá Cường thật già giặn, từng trải trong lựa chọn nhân vật và khắc họa chân dung. Với chùm tác phẩm (Cánh chim sơn tiêu; Sọ đầu mới vỡ lẽ đời; Thanh Tùng với “Thời hoa đỏ”), Võ Bá Cường xứng đáng là cây bút già luyện ở sự quan sát tinh tế và nhặt nhạnh chi tiết đời thường để đi sâu khắc họa một tâm hồn hơn là dựng ra vẻ ngoài của một con người. Qua các tác phẩm dự thi của Võ Bá Cường, hình bóng các văn nghệ sĩ một thời đã khuất bóng như Tào Mạt, Quang Dũng, Thanh Tùng hiển hiện trong đời sống hôm nay. Ví như, viết về nhà thơ Quang Dũng, người đọc không chỉ thấy một mình Quang Dũng, mà thấy cả một thế hệ văn nghệ sĩ đã đóng góp những tác phẩm xuất sắc trong dòng chảy văn học đất nước; Hay như, khắc họa Tào Mạt, mà chỉ có cá tính, phẩm cách kiên trung của một Tào Mạt-người lính-nghệ sĩ, thì sẽ là thiếu sót, nếu không thấy được đóng góp đáng kể nhất của ông chính là sự dám nghĩ dám làm cuộc cách tân chèo, với mong muốn và hy vọng, loại hình nghệ thuật cổ truyền này không chỉ tồn tại dưới dạng kinh điển để bảo tồn, mà cần phải tìm được đất sống trong xã hội đương đại kia ?...

Hay như, tác giả Lưu Khánh Thơ, trong chùm bài dự thi của mình, riêng tác phẩm “Lưu Quang Vũ và huyền thoại Tạ Đình Đề”, cũng lúc, người đọc được biết chân dung hai con người đêu dặc biệt (nhà thơ-kịch tác gia Lưu Quang Vũ và huyền thoại Tạ Đình Đề). Đúng là “nhất cử lưỡng tiện”. Hay như, tác giả Hoàng Quảng Uyên, đã phát huy vốn hiểu biết và lợi thế của mình ở mảng đề tài về dân tộc thiểu số, miền núi, để lựa chọn và khắc họa chân dung cả văn nghệ sĩ và người lao động bình thường. Tác phẩm “Con đường sáng mang tên Tẩn Dấu Quẩy” là sự tìm tòi, kỳ công để cho ra chân dung một người con dân tộc Dao nơi vùng cao hiểm trở khuất lấp, biết nghĩ biết làm vì cuộc sống của cộng đồng làng bản nơi quê hương mình,...

Hay như, tác giả Thái Sinh, một nhà báo, nhà văn cả đời gắn bó với vùng núi biên cương Hoàng Liên Sơn, biết mình mang bệnh trọng khó qua khỏi nhưng đã gắng sức vượt nỗi đau riêng, viết chùm tác phẩm dự thi mà qua đó, bạn đọc thêm hiểu về cuộc đời và sự đóng góp cho văn học các một số nhà văn, nhà thơ người dân tộc thiểu số (Pờ Sảo Mìn, Mã A Lềnh và các văn nghệ sĩ khác). Chỉ tiếc là tác giả-nhà văn Thái Sinh đã không còn nữa, để hôm nay tham dự lễ trao giải cuộc thi, chung vui cùng với chúng ta !

Các tác giả, Trâm Oanh viết về “người nông dân t4.0” thông minh sáng tạo, về “người lính già với chuỗi sản xuất và tiêu thụ ca cao” dám nghĩ dám làm; Tấc giả Phạm Thị Toán viết về người chiến sĩ giao thông liên lạc Phạm Thị Ánh Vân không chùn bước trước gian nguy thời chống Mỹ, cũng như má Lê Thị Huệ, người má Nam Bộ cả một đời hy sinh c gho độc lập dân tộc, như một góc nhỏ tái hiện công cuộc tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Tác giả Đặng Thành Văn viết về người trí thức, nhà khoa học Trần Mạnh Báo (tác phẩm “Sống là để sáng tạo”) và nhà thơ khuyết tật đất Thái Bình-Đỗ Trọng Khơi (tác phẩm “Tôi từ chèo lái tôi đi”), trước tiên là sự tự lực vượt khó, cùng những sự đóng góp của họ cho công đồng, xã hội; Tác giả Quang Chí viết về nhà trí thức tham gia cách mạng Trình Quang Phú thời chiến tranh, đến thời hòa bình lại trở thành một doanh nhân, một nhà văn, xứng đáng làmột người lính tiên phong trong mỗi thời kỳ của đất nước; Tác giả Hoàng Ngọc Điệp viết về một “ông lão ...tuổi thanh xuân”, đó là nhạc sĩ Trần Viết Bính, người một thời nổi tiếng với các ca khúc viết cho thiếu nhi, trong đó có ca khúc “Hạt gạo làng ta” đầy sức sống và tính hiện thực cao mà lại giàu ý nghĩa biểu tượng của cả thời chiến tranh gian khổ cho tới ngày này; Tác giả Ngọc Hùng, về về một “Nhà sư giữ núi”. Đây là tác phẩm duy nhất dựng chân dung một người tu hành, và ở đó, tác giả đã khắc họa chân dung một nhà sư, người đã kiên trì bảo vệ các di sản cần được bảo tồn của quốc gia, đồng thời còn như hồi chuông cảnh báo, nhắc nhở về nạn xâm hại những giá trị văn hoá trong cơ chế thị trường mở, khi mà công tác quản lý của nhà nước và cộng đồng còn nhiều sơ hở, lỏng lẻo. v.v...
Có một điều được xem một thành công của cuộc thi viết Chân dung cuộc sống lần này, đó là bút pháp khắc họa nhân vật của các tác giả dự thi, từ nhà văn đến các cây bút không chuyên, tỏ ra có nghề và khá linh hoạt. Qua đây, còn cho thấy, thể loại ký chân dung là một thể loại được khá nhiều cây bút ưa thích. Và như vậy, có dư địa để Tạp chí Nhà văn & cuộc sống thêm lý do giữ chuyên mục này, đặng tiếp tục đăng tải các tác phẩm thuộc thể loại ký chân dung đã (và sẽ) gửi đến tòa soạn, ngay sau khi cuộc thi này kết thúc.

Chỉ đáng tiếc, thời gian tổ chức cuộc thi viết Chân dung cuộc sống không thể kéo dài thêm nữa, và dung lượng mỗi số tạp chí thường kỳ cũng không đủ để đăng nhiều tác phẩm dự thi hơn vì số trang có hạn và Tòa soạn phải cân đối với các chuyên mục khác của Tạp chí. Còn một điều đáng tiếc nữa, ấy là Ban Tổ chức cuộc thi không thể trao giải nhiều hơn con số đã công bố, vượt quá khuôn khổ quy định của Thể lệ cuộc thi, và còn bởi kinh phí cuộc thi có hạn, khi mà mỗi tác phẩm dự thi đều đem đến cho Tạp chí và bạn đọc bức chân dung đẹp đẽ về con người và sự việc, góp phần làm nên bức tranh sinh động, tô điểm thêm cho cuộc sống muôn màu.Và như thế, các tác phẩm dự thi đều xứng đáng được giải, đó là phần thưởng từ sự yêu quý và trân trọng của bạn đọc!

Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định một lần nữa, cuộc thi viết Chân dung cuộc sống của Tạp chí Nhà văn & cuộc sống (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) đã thành công tốt đẹp.

Ban Tổ chức cuộc thi chân thành cảm ơn các nhà nhà văn và bạn viết trong cả nước đã nhiệt tình hưởng ứng cuộc thi; chân thành cảm ơn bạn đọc đã chia sẻ, góp ý, động viên kịp thời; chân thành cảm ơn Ban Cháp hành Hội nhà văn Việt Nam đã tạo mọi điều kiện có thể; chân thành cảm ơn các doanh nghiệp, doanh nhân, bạn yêu văn chương đã tài trợ kinh phí để cuộc thi của chúng ta về đích thành công.

Trân trọng !




 


Nhận xét