Bút tích của Tào Mạt
@@@
MƯA XUÂN CỎ MỌC
(Về
trạng nguyên Nguyễn Trực)
Nguyễn Chu Nhạc
1.
Đình tiền sinh thụy thảo,
Sau tết nguyên đán, mồng tám âm lịch
mưa xuân, xua đi cái nắng nồm mệt nhoài,
hậu quả của đợt gió mùa đông bắc tràn về hôm trước. Năm ấy thời tiết lạ, miền
Bắc khô hanh bởi rét đậm nhưng không có mưa, trong khi đó niềm
Xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Tây), hai
làng hai ngôi chùa lớn. Chùa làng Hưng Giáo (Hưng
Phúc tự) bên này mới tu sửa, mang dáng dấp của những ngôi chùa phương
Hội chùa làng còn chưa mở. Vào chùa
Đại Bi bằng cửa hậu .Chùa vắng tanh, phần vì còn chưa đến hội, phần vì chùa dở
trùng tu, phần thêm trời đang mưa, nên đường đất lép nhép, nên người ta ngại
chăng? Tha thẩn nhang đèn, hết ngắm nghía các pho La hán lại lẩm bẩm đọc những
bức đại tự và đôi ba câu đối. Chữ nghĩa nhà Phật và các bậc tiền nhân sâu xa
không dễ hiểu ngay được. Giật mình bởi câu chào hỏi của người thủ từ. Bác thủ
từ thủng thẳng nói chuyện lại như là đang tự nhủ chính mình, rằng năm nay hội
làng chắc sẽ buồn hơn vì chùa đang trùng tu, nhưng nghe giọng lại có gì đó vui
vui vì số tiền trùng tu nghe đâu những mấy mươi tỉ được trên rót về. Nghe thì
biết vậy, chẳng buồn vui gì đến mình, song hơi lo lo thì có. Bởi chẳng biết tốn
kém thế song không khéo lại làm mất đi cái cổ kính và hồn cốt tâm linh xưa mà
thay vào đó là sự phô trương lòe loẹt ? Rồi nữa, có thể còn là sự thất thoát,
sai lệch trong công việc xây cất, tu bổ?…
Lại chợt nhớ, đây là quê hương của Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực,
người tên đứng đầu trong toàn bộ văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà
Nội. Nghe đâu ông đậu trạng nguyên khi mới 26 tuổi trong khoa thi hội đầu tiên
của thời Lê sơ- dưới triều Lê Thái Tông, cách chúng ta hơn 500 năm. Ông là
người tài giỏi và có khí tiết nổi tiếng trong lịch sử, làm thơ viết sách đủ cả
nhưng rồi thất lạc gần hết, chỉ còn mấy bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục mà thôi. Lại có cả chuyện ông là Lưỡng quốc trạng nguyên, rằng sau khi đỗ
đạt làm quan, được cử đi sứ Trung Hoa gặp khoa thi bên ấy bèn xin ứng thí và
cũng đậu trạng nguyên. Chuyện này khiến tôi phân vân, đồ chừng chỉ là giai
thoại dân gian, chứ chắc gì sự thât lịch sử. Thôi thì đành đợi lúc nào ngày
rộng tháng dài sẽ để tâm truy nguyên xem thực hư ra sao ?
Ngoài trời mưa xuân vẫn như rây bột,
đều đều, rơi rơi… Những mảnh mạ non mỡ màng, những vạt cỏ non lấm tấm đón mưa,
những tiếng vặt diệt, tiếng tát nước
thì thòm và biết bao thanh âm của đồng quê, vừa bình dị gần gũi vừa như báo
hiệu điềm lành !...
Thấp thoáng một câu thơ cổ “Đình tiền sinh thụy thảo… “, được hiểu
nôm na là Trước sân cỏ mọc báo điềm lành…
Ừ… vẫn mưa xuân, cỏ mọc !... Lòng thấy
bình yên, ấm áp!...
2. Nguyễn Trực, có phải là lưỡng quốc
trạng nguyên ?
Lần lữa mãi, sau đận thăm chùa làng Bối Khê (Đại Bi tự) hồi giêng hai năm Canh Tuất,
tôi cũng lần giở sử sách để tìm xem sự nghiệp văn chương của Trạng nguyên
Nguyễn Trực, nhất là chuyện có đúng ông là Lưỡng quốc trạng nguyên hay không ?
Bắt đầu bằng cuốn Từ điển các nhân vật lịch sử Việt
Tra một cuốn khác, sách Các nhà khoa bảng Việt
Cả hai sách này, thì một cuốn nhắc đến
chuyện Nguyễn Trực đi sứ nhà Minh và có họa thơ với nhau, song tuyệt nhiên
không thấy nhắc tới việc ông gặp khoa thi bên Trung Hoa và xin thi rồi đậu
trạng nguyên, để rồi nhân gian tôn vinh là Lưỡng
quốc trạng nguyên. Về tên sách của ông viết ra thì chép khác nhau. Xin bàn
thêm việc này ở phần sau.
Nhưng hai cuốn đó là sách biên soạn
thời nay, nên có thể các tác giả đã lược bớt đi cho ngắn gọn để phù hợp với
tiêu chí cuốn sách. Vậy sách cổ có thể ghi chép chi tiết hơn chăng ?
Sách Kiến văn tiểu lục (KVTL) của
Lê Quý Đôn (bản in năm 2007 của Viện Sử
học , NXB Văn hóa thông tin) , trong phần Chế độ khoa cử, có thấy nhắc đến khoa thi Nhâm Tuất, Đại Bảo thứ 3,
1442 một cách sơ lược, song bù lại có phần bao quát hơn "... Sĩ tử ứng thí 450 tên, lấy 33 người
trúng tuyển, qua tháng sau vào thi Đình, nhà vua ngự lấy đỗ Trạng nguyên, Bảng
nhãn, Thám hoa và 7 tiến sĩ, 23 phụ bảng, ân ban cho ăn yến, mũ áo, cân đai và
cho vinh qui về làng.Việc này bèn định thành thể lệ ...". Có một thông
tin hay, ấy là kể từ khoa thi ấy mới định ra thể lệ thi cử như ta biết về khoa
cử phong kiến Việt
Vậy có chuyện Nguyễn Trực thi đậu
trạng nguyên trên đất Trung Hoa không ? Bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC) của Phan Huy Chú (bản in năm 2007 của Viện Sử học-NXB Giáo
Dục) ở phần Nhân vật chí, quyển VII- người phò tá công lao tài đức, có
phần viết khá kỹ lưỡng về Nguyễn Trực, từ thân thế đến sự nghiệp công lao của
ông. Sách viết : " ... Cha ông là
Thì Trung giỏi về địa lý, thấy ở làng Nghĩa Bang huyện An Sơn có ngôi đất quý,
nhân lấy con gái họ Đỗ người làng ấy và làm nhà ở đấy, mới sinh ra ông ở am núi
Phật Tích. Lúc bé ông thông minh, rộng xem các sách. Năm 12 tuổi giỏi làm văn;
18 tuổi đỗ đầu thi Hương ở Sơn Tây; 26 tuổi đỗ Đệ nhất tiến sĩ tên, đứng đầu về
khoa thi năm Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo đời Lê Thái Tông, tức trạng
nguyên mở đầu của nhà Lê... Ông vâng mệnh đi sứ Trung Quốc, gặp khoa thi, ông
là bồi thần cũng xin thi, nhà Minh lại cho đỗ trạng, nên đời bấy giờ gọi là
trạng nguyên hai nước. Năm Diên Ninh thứ 2 (1445), gặp khi nhà có tang ông xin
về làng. Bấy giờ học trò các nơi theo học kể hàng nghìn người. Sau khi hết trở,
gặp sứ Minh sang, vua sai ông giữ việc
tờ bồi qua lại và làm bài biểu mừng vua Minh lên ngôi, được người Minh khen
ngợi. Khi vua Lê Nhân Tông bị giết, ông làm văn tế, lời lẽ rất thống thiết "...
Như vậy, theo sách Các nhà khoa bảng Việt nam (CNKBVN),
thì trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Trực có hai lần đi sứ nhà Minh là
vào các năm Thái Hòa thứ 1 và Diên Ninh thứ 6 . Còn sách LTHCLC thì nói chuyện Nguyễn Trực thi
đỗ trạng nguyên ở Trung Hoa dưới triều Minh song lại không nói cụ thể năm nào.
Nếu căn cứ vào đoạn chép vừa trích từ LTHCLC và thử đồ rằng Nguyễn Trực đi sứ
và dự thi là vào năm Thái Hoà 1 (1443), chỉ một năm sau khi ông đỗ trạng nguyên
Việt. Vậy liệu có xảy ra điều đó không ?
Tra cứu bộ ĐVSKTTcủa Ngô Sĩ Liên (sử biên niên) thấy rằng, năm 1442 (niên hiệu Đại Bảo thứ 3 triều Lê Thái Tông
- tương đương với Minh, Chính Thống thứ 7) là một năm thật đặc biệt với rất
nhiều sự kiện trọng đại liên quan đến lịch sử nước Việt. Lựa chọn, liệt kê một
số sự kiện trong năm này dể thấy được sự kinh
thiên động địa của nó :
- Nhâm Tuất, năm thứ 3 (1442). Mùa
xuân, tháng giêng, làm cung điện mới .
- Tháng 3, thi hội các nhân sĩ trong
nước, cho bọn Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Lương Như Hộc ba người đỗ tiến sĩ cập
đệ, bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ
đồng tiến sĩ xuất thân. Lại sai dựng bia làm văn đề tên. Tiến sĩ được dựng bia
ghi tên bắt đầu từ đây. (như vậy là sử
gia nổi tiếng Ngô Sĩ Liên, tác giả của bộ sử trứ danh Việt Nam - ĐVSKTT , đỗ tiến sĩ tại chính khoa thi
này).
- Mùa thu, tháng 7, ngày 20, Hoàng tử
Tư Thành sinh (sau này là Lê Thánh Tông,
vị vua nổi tiếng hiền tài trong lịch sử Việt
- Ngày 27 (tháng 7) vua đi tuần về
miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi đón vua ngự chùa Côn Sơn, ở
hương của Nguyễn Trãi.
- Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến
vườn Lệ Chi huyện Gia Định (nay là huyện
Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), bỗng bị bệnh ác rồi băng... Mọi người đều nói là
Nguyễn thị Lộ (vợ lẽ của Nguyễn Trãi)
giết vua.
- Ngày 12 (tháng 8)... tôn Hoàng thái
tử Bang Cơ lên ngôi (tức vua Lê Nhân Tông).
Bấy giờ mới 2 tuổi. Lấy sang năm làm Thái Hòa năm thứ1 (tức năm 1443).
- Ngày 16 (tháng 8), giết Hành khiển
Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn thị Lộ, giết đến ba đời (vì bị gán cho tội âm mưu giết vua).
- Mùa đông, tháng 10, sai sứ sang nước
Minh. Đồng tri Hải Tây đạo Nguyễn Thúc Huệ và Thiêm tri thẩm hình viện Đỗ Thì
Việp sang tạ ơn cho mũ áo; Thị ngự sử Triệu Thái sang tâu việc địa phương Khâm
Châu; bọn Tham tri Nguyễn Đình Lịch và Phạm Du sang báo tang; Tham tri Lê
Truyền, Đô ngự sử Nguyễn Văn Kiệt, Ngự tiền học sinh cục trưởng Nguyễn Hữu Phu
sang cầu phong.
Sau một năm đầy biến cố như thế, khi
Lê Nhân Tông lên ngôi đã đổi niên hiệu là Thái Hòa, năm thứ 1 (1443), và trong
năm này, ĐVSKTT chép việc bang giao
Việt- Trung như sau :
- Tháng 11, nước Minh sai chánh sứ là
Hành nhân ty hành nhân Trình Cảnh sang tế (hẳn
là tế vua Lê Thái Tông).
- Ngày 25 (tháng 11), nước Minh sai chánh sứ là Quang
Lộ tự thiếu khanh, Tống Kiệt, phó sứ là Binh khoa đô cấp sự trung Tiết Khiêm
sang phong vua (Lê Nhân Tông) làm An
Nam quốc vương.
- Ngày 26 (tháng 11), sai Tham tri bạ
tịch là Trình Dục, Nội mật viện chánh chưởng là Trình Thanh, Hàn lâm viện trực
học sĩ là Nguyễn Khắc Hiếu sang nước Minh tạ ơn việc sách phong.
Như vậy, trong năm này (tức Thái Hòa 1, 1443) chỉ có một đoàn
sứ sang nước Minh, song không thấy có tên Nguyễn Trực. Vả lại, nếu có tham gia
vào đoàn sứ bộ thì ông cũng chỉ là một thành viên trong đoàn không được nêu tên
mà thôi, đơn giản bởi ông vừa mới đỗ đạt, cùng lắm là mới được bổ nhiệm,con
đường quan lại chưa có gì.
Lại xem năm Diên Ninh 6 , là năm mà các tác giả cuốn CNKBVN cho là Nguyễn Trực có đi sứ Minh. Sách ĐVSKTT chép rất tóm tắt quãng thời gian 2 năm tính từ Mậu Dần,
Diên Ninh thứ 5 (1458) đến tháng 9 Diên Ninh thứ 6 với mỗi sự kiện thi hội lấy
bọn Nguyễn Văn Nễ đỗ tiến sĩ xuất thân. Sự việc chi tiết hơn với sự kiện : mùa
đông, tháng 10, ngày mồng 3 (Kỷ Mão, Diên
Ninh năm thứ 6, 1459), khi Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân làm cuộc chính biến
cung đình, giết chết vua (Lê Nhân Tông)
và cả Tuyên từ hoàng thái hậu. Đến ngày mồng 7, Lê Nghi Dân tự lên ngôi vua,
đổi niên hiệu là Thiên Hưng tính từ ngày mồng 7 tháng 10 năm Kỷ Mão, 1459).
Trong thời gian ở ngôi vua 8 tháng, Lê Nghi Dân chỉ có 2 sự kiện hoạt động bang
giao với nhà Minh, được sách ĐVSKTT
chép như sau :
- Tháng ấy (tháng 10, năm 1459) Nghi Dân sai Lê Cảnh Huy , Nguyễn Như Đổ,
Hoành Thanh, Nguyễn Nghiêu Tư sang nước Minh nộp cống hằng năm và xin bỏ việc
mò ngọc trai.
- Ngày 20 (tháng 10, năm 1459) lại sai bọn Trần Phong , Lương Như Hộc, Trần
Bá Linh sang nước Minh xin phong.
Đến ngày mồng 6 tháng 6 năm Canh Thìn (tức Thiên Hưng thứ 2, 1460), Lê Nghi
Dân bị nhóm đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt lật đổ, bắt tự thắt cổ chết, rồi lập
Gia vương Lê Tư Thành làm vua (tức Lê
Thánh Tông), niên hiệu được đổi ngay sau đó là Quang Thuận khi Lê Thánh
Tông lên ngôi. Như vậy, đầu năm Diên Ninh thứ 6 khi Lê Nhân Tông còn chấp chính
thì không thấy chép gì về hoạt động bang giao với nhà Minh, đến khi Lê Nghi Dân
cướp ngôi, có cử 2 đoàn đi sứ nhà Minh thì đều không thấy tên Nguyễn Trực. Cứ
cho rằng về sau các nhà biên soạn nhầm cách gọi niên hiệu Thiên Hưng thứ 1 với năm Diên
Ninh thứ 6 (vì cùng là năm 1459 theo công lịch) nên ghi là Nguyễn Trực đi
sứ vào năm Diên Ninh thứ 6 thì cũng
không có gì liên quan đến việc ông đỗ đạt ở bên đó. Giả thiết, ông có tham gia
vào đoàn đi sứ Minh năm ấy, thì cái chuyện ông dự thi và đậu trạng nguyên với
triều Minh là một sự kiện chấn động, chi ít cũng phải được ghi chép trong ĐVSKTT chứ ? Quả thật, không thể tin
nổi, nếu có một sự kiện vẻ vang về uy tín cá nhân mà còn nâng tầm ảnh hưởng tới
danh dự quốc thể nhường ấy, lại bị sử thần Ngô Sĩ Liên, vốn là người thi đỗ
cùng khoa và làm quan cùng thời với Nguyễn Trực lại bỏ qua, không nói đến chút
nào trong bộ ĐVSKTT của mình ?
Liệu có việc ông dự khoa thi với triều
Minh và lại đậu trạng nguyên không, khi mà
ĐVSKTT không hề đả động gì ?
Gần đây, tham khảo bài viết Nguyễn
Trực, tấm gương vê trí học-nhân học của tác giả Phan Tuấn đăng trên Tạp
chí Xưa Nay số 287, tháng 7 năm
2007, có đoạn viết : "Năm 1444 ông (Nguyễn
Trực) cùng bảng nhãn Trịnh Thiết Tường, bạn cùng khoa thi đi kinh sứ Trung
Hoa , gặp khoa thi được mời dự thi, nhật kỳ thú: Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên,
Trịnh Thiết Tường lại đỗ Bảng nhãn. Vì thế lịch sử có ghi hai ông là Lưỡng quốc
trạng nguyên, Lưỡng quốc bảng nhãn. Nguyễn Trực về nước được vua ban 8 chữ :
"Thánh công danh văn. Bắc triều hiền
ngã".
Tra cứu sách ĐVSKTT xem năm 1444 ghi chép gì? Ấy là năm Giáp Tý, Thái Hòa năm
thứ 2 (tương đương Minh, Chính thống thứ
9), thấy có chép việc khảo thí học trò bổ làm thuộc lại các ty; việc gộp
làm sổ đinh ; việc sai Lê Khôi, Lê Khả đem 10 vạn quân đi đánh Chiêm Thành;
việc bắt giam Thái phó Lê Liệt ; việc có động đất, nhật thực, nguyệt thực; và
cuối năm ấy có việc đi sứ nhà Minh. Sách chép là : " Tháng 11, sai sứ sang
nước Minh : Tả thị lang là Đào Công Soạn và ngự tiền chấn lôi quân chỉ huy là
Lê Quát sang cống nộp hằng năm. Tham tri Đông đạo là Nguyễn Lan sang tâu việc
địa giới Khâm Châu". Như vậy không hề thấy tên Nguyễn Trực và Trịnh Thiết
Tường. Không hiểu tác giả bài viết trên lấy tư liệu từ đâu để khẳng định sự
kiện đó? Lại càng khó tin hơn, khi tác giả này có lẽ đã nhầm với Trịnh Khiết Trường. Không có Trịnh Khiết
Tường nào cùng khoa thi với Nguyễn Trực, mà chỉ có bảng nhãn Trịnh Khiết
Trường. Theo sách Các vị trạng nguyên,
bảng nhãn, thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam của tác giả Trần
Hồng Đức biên soạn (Hội khoa học lịch sử Việt
Nam-NXB Thông tin năm 1999) thì Trịnh Khiết Trường (sau này còn được tuyển làm phò mã) quê Thanh Hóa đỗ Bảng nhãn khoa
thi Mậu Thìn, Thái Hòa năm thứ 6 (1448) triều Lê Nhân Tông cùng khoa này, Nguyễn Nghiêu Tư
đỗ Trạng nguyên, Chu Thiêm Uy đỗ Thám hoa), tức là thi đỗ 6 năm sau Nguyễn
Trực. Việc này sách ĐVSKTT cũng nói
đến. Đối chiếu thêm với chính cuốn sách này của soạn giả Trần Hồng Đức, phần về
trạng nguyên Nguyễn Trực, có nói ông từng đi sứ nhà Minh, song không hề nhắc gì
việc ông là Lưỡng quốc trạng nguyên cả.
Cũng có một căn cứ nữa để tham khảo sự
kiện này, đó là sách Hồng Đức quốc âm
thi tập (HĐQATT) của Lê Thánh Tông (NXB
Văn học, 1982). Sách này có bài thơ Điếu
Nghĩa Bang trạng nguyên (Viếng trạng
nguyên làng Nghĩa Bang). Nghĩa Bang trạng nguyên ở đây là chỉ Nguyễn Trực,
bởi ông tuy quê ở Bối Khê, Thanh Oai (Hà Tây), song từ đời cha ông là Nguyễn
Thì Trung, chạy giặc Minh, đã rời sang sinh sống tại Nghĩa Bang, trấn Sơn Tây,
nay thuộc Quốc Oai (Hà Tây) và sinh ra ông ở đó. Bài thơ được phiên âm là :
" Đời dõi nho tông phát
ấp bang
Trong đạo đức, có từ chương
Nối dòng thi lễ nhà truyền báu
Tranh
giải khôi nguyên bảng chói vàng
Phong lưu một cửa họ sang
Từ đường ở đấy niềm tây lạnh
Dấu cũ càng thơm xạ có hương "
Hai câu thơ Tranh giải khôi nguyên bảng chói vàng/ Nam Bắc hai triều danh dậy,
được các tác giả biên soạn sách là Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên chú giải như
sau : "Nguyễn Trực ở trong nước đỗ
trạng nguyên, khi phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, gặp nhà Minh mở khoa thi, ông
xin vào dự thi, lại được đỗ ca ". Như vậy, cũng chỉ là những lới phán
chung chung thế thôi, chứ các soạn giả cũng không chỉ rõ được là khoa thi năm
nào, đỗ cao thì cụ thể là gì (bởi từ tiến
sĩ trở lên đều coi là đỗ cao). Nếu cứ cho là trong một lần đi sứ nào đó,
nhân gặp khoa thi ông có ứng thí tại một khoa thi dưới triều Minh, rồi đỗ đạt
thật, thì cũng khó có thể là trạng nguyên, bởi Trung Hoa từ xa xưa luôn tự xưng
là Thiên triều, coi các quốc gia lân
bang, trong đó có An Nam chỉ là chư hầu (bằng
chứng là việc các vua Việt Nam thường bị các vua Trung Hoa phong cho là An Nam
quốc vương và ta luôn phải giữ lệ cống nộp hằng năm) , là man di mọi rợ, và
với bản tính tự cao tự đại cố hữu, thì vua Minh cũng chẳng thể chấp nhận việc
cho sứ thần chư hầu đỗ trạng nguyên (mặc
dù họ có thật sự xuất sắc, đáng đỗ trạng nguyên đi chăng nữa).
Thêm nữa, ngay trong phần Lời nói đầu, các tác giả biên soạn HĐQATT cho biết, sách này là một tập
thơ chỉ được sưu tầm về sau, chứ không phải được biên soạn từ thời Hồng Đức, vì
thế ở trong sách có sự lẫn lộn một số bài thơ của người đời sau, chẳng hạn như
của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trịnh Căn. Điều này làm cho độ tin cậy của sách này ít
nhiều giảm đi, nhất là khi đem căn cứ từ thơ vịnh để suy ra sự thật lịch sử.
Nguyên việc Nguyễn Trực có phải là Lưỡng quốc trạng nguyên không, thì theo
sử cũ, duy có bộ LTHCLC của Phan Huy
Chú là có nói đến, song lại không ghi rõ năm nào, khoa thi nào của triều Minh.
Quả là khó biết, khi biên soạn sách, phần về Nguyễn Trực, tác giả Phan Huy Chú
đã lấy nguồn từ đâu để viết vào sách của mình việc Nguyễn Trực là Lưỡng quốc trạng nguyên? Cứ căn cứ ngay
chính phần Phan Huy Chú biên soạn thì cũng có thể thấy, về sự kiện đó, tác giả
cũng không tường nên chỉ nói chung chung vậy, chứ không dẫn dụ được năm tháng,
khoa thi xảy ra sự việc đó. Thế nên, khi Ngô Sĩ Liên là người cùng thời đó còn
không viết gì trong bộ ĐVSKTT của
mình, thì ai dám chắc, hơn 300 năm sau, Phan Huy Chú chính xác trong việc ghi
lại sự kiện tày trời đó. Phải chăng,
khi ấy Phan Huy Chú cũng chỉ ghi từ giai thoại dân gian mà thôi.
Có một điểm khá thống nhất, các sách
đều viết rằng Nguyễn Trực là một người sống thanh khiết, không xu thời, lánh xa
vinh hoa phú quý. Hẳn vì thế, nên mặc dù đỗ trạng nguyên, song quan lộ cũng
không mấy hanh thông, lại càng kém hơn so với hai vị cùng khoa là Nguyễn Như Đổ
và Lương Như Hộc. Tìm trong sách ĐVSKTT, người ta có thể thấy được sự
thăng tiến vinh hiển vượt bậc của hai vị kia, thì riêng ông, chỉ được nhắc đến
có 3 lần. Ấy là, vào năm Kỷ Tỵ, Thái Hòa thứ 7, 1449, ông được làm Hàn lâm viện thị giảng; vào năm Canh
Thìn, Quang Thuận thứ 1, 1460, vua Lê Thánh Tông sai ông cùng với Nguyễn Bá Kỳ
soạn văn bia Mục lăng (tức lăng vua Lê
Nhân Tông) ; và vào năm Kỷ Sửu, l469 , vua lấy ông khi đó là Hàn lâm viện thừa chỉ , cùng với Vũ Vĩnh
Ninh, Nguyễn Đức Trinh, Quách Đình Bảo làm Độc quyển kỳ thi hội năm ấy.
Thật tiếc, tác giả bài viết này chưa
có điều kiện để tra cứu thêm Minh sử (hoặc
những sách và tài liệu khác) nhằm xem các sử gia Trung Hoa có biết gì và viết
ra sao về sự kiện này không?
Thiết nghĩ, trong khi việc xác nhận
Nguyễn Trực là Lưỡng quốc trạng nguyên
chưa đầy đủ cơ sở, mà việc bác bỏ cũng chưa mấy thuyết phục, thì chúng ta cứ
xem Nguyễn Trực từng là Lưỡng quốc trạng nguyên đi. Âu như một giai thoại dân
gian, như chuyện kể về Lưỡng quốc trạng nguyên Tống Chân (chuyện dân gian Tống Chân - Cúc Hoa), hoặc giả như rất nhiều những
câu chuyện trạng dân gian khác, và xem đó như một câu chuyện khuyến học, khuyến
tài cho hậu thế. Vậy cũng là hữu ích. Còn như nghiên cứu, viết sách thì lại là
việc làm khoa học, cần nghiêm túc, cẩn trọng và chính xác, nên mong rằng các
học giả hãy thận trọng với sự kiện này khi viết về Trạng nguyên Nguyễn Trực.
Đã là người thiên cổ, được sử sách ghi
danh, lại xa cách chúng ta những gần 600
trăm năm rồi, hẳn là Nguyễn Trực cũng không vui khi hậu thế tôn là Lưỡng quốc trạng nguyên, mà cũng chẳng
buồn khi không phải vậy !
Về với thiên nhiên, ông như cây cỏ,
mưa xuân thì mọc !...
3. Thơ văn
còn lại những gì ?
Về Trạng nguyên Nguyễn Trực, tôi còn muốn tìm xem
những bài thơ của ông lưu truyền hậu thế. Hy vọng qua đó, phần nào hiểu thêm
con người ông, từ tính cách thanh cao đến tâm trạng xa lánh vinh hoa và muốn
lui về ở ẩn của ông.
Thật may. Sách Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC) của Phan Huy Chú, phần Văn
tịch chí có nhắc đến 3 tập thi văn của Nguyễn Trực, đó là Vu
liêu tập, Ngu nhàn tập, Kinh nghĩa chư văn tân tập, song đều ghi chú là không rõ mấy quyển. Sách này còn
chép : "Trạng nguyên Nguyễn Trực
soạn, học trò biên sắp. Cả tập mất nhiều, nay còn vài chục bài. Lời và ý thanh
nhã đáng ưa". Sách liệt kê 4 bài, nay xin chép cả ra đây để tiện cho
việc tham khảo, bình luận :
Bài 1: Ngẫu tác
Bệnh
thừa ân chiếu hứa lưu kinh
Quy kế như kim nhất vị thành
Hà nhật Tây Sơn sơn hà lộ
Soa y tiểu lạp khán xuân xanh .
(Dịch)
Có bệnh, nhờ ơn vua lưu lại ở Kinh,
Tính đường về mãi mà đến nay vẫn chưa được,
Biết ngày nào được đi con đường ở dưới chân
núi Tây Sơn,
Đội nón nhỏ, mặc áo tơi, đi xem cày ruộng mùa
xuân.
Bài 2 : Bính Tuất ngâm
Đại đình tằng đối tam thiên tự,
Phù thế hư kinh ngũ thập niên,
Bất thị vô tâm lai cấm tỉnh
Chí nhân đa bệnh ức điền viên.
(Dịch)
Ở sân vua từng làm bài đối sách ba ngàn chữ,
Giật mình về việc đã năm mươi năm trời đuổi
theo
cái hư danh của thời thế,
Chỉ vì lắm bệnh, nhớ cảnh điền viên.
Bài 3:
Đề chùa Cực Lạc (thuộc Ý
Đột
ngột vân gian tự,
Nhân sinh kỷ độ qua ?
U nham tàng Phật tích,
Tiếu bích ỷ tăng gia.
Địa viễn phi trần thiểu,
Sơn cao đức nguyệt đa,
Thượng nhân lưu khách túc
Ổi vụ hựu phanh trà.
(Dịch):
Chùa cao chót
vót ở trên mây
Bởi người dễ mấy lần
được đến
Hang sâu dấu vết Phật
Vách núi dựa nhà tăng,
Xa đất nên ít bụi,
Trên cao được trăng
nhiều.
Nhà sư lưu khách lại,
Nướng khoai lại pha
trà.
Bài 4 :
Lên chùa Hương Lô
Tằng tằng
đăng nghiễn lộ,
Thừa hứng yết kim tiên,
Diệu khế tam sinh mộng,
Do tồn nhất lũ yên.
Lâu đài phi thế hữu,
Thảo mộc đắc xuân
thiên.
Du mục phù vân ngoại,
Mang mang thị Đại
thiên.
(Dịch):
Tằng tằng đường leo núi,
Thừa hứng lên yết
Phật,
Khéo hợp mộng ba sinh,
Vẫn còn một tia khói.
Lâu đài này không phải
người trần có được,
Cỏ cây lúc nào cũng
mùa xuân.
Đưa mắt ngoài mây nổi,
Mông mông ấy thế giới Tam thiên.
Có lẽ trong số 6 bài thơ còn lại được chép trong bộ Toàn Việt thi lục (TVTL) có 4 bài này.
Nhìn chung, đều mang tâm trạng muốn rời xa chốn quan trường lui về ở ẩn chốn
sơn lâm, chữa bệnh, tu dưỡng tinh thần, nuôi dạy con cái, gõ đầu trẻ, và chăm
lo việc thiện.... Cũng có thể xem như thái độ "trốn việc quan đi ở chù " vậy .
Học giả Phan Huy Chú sau khi dẫn dụ rằng, đến thời
Quang Thuận triều Lê Thánh Tông, nhờ văn chương nên Nguyễn Trực càng được vua
yêu, được bổ làm quan to (Tuyên phụng đại
phu, Trung thư lệnh), song ông vẫn mấy lần xin về ở ngôi nhà tranh ở Tây
Sơn mà vua không cho, nên mới có gửi gắm nỗi niềm tâm sự vậy. Qua đó, Phan Huy
Chú bình : "Xem đấy đủ rõ phong độ
và tiết tháo của ông ". Sách dẫn tiếp : "Ông đỗ đầu đại khoa, ra
làm quan mà coi rẻ công danh, thường có ý muốn chóng về. Thân Nhân Trung (một
thành viên trong Nhị thập bát tú ,
Phó súy Tao đàn thời Hồng Đức) có
khen ông là: Lấy văn chương được các
triều tri ngộ mà khiêm tốn kính cẩn giữ vẹn sau trước . Thực là lời phê
bình xác đáng ".
Quả là sau những lời bình của các bậc
danh tài túc nho như vậy, há không cần bình phẩm gì thêm. Tuy nhiên, nếu truy
nguyên để bồi đắp thì hẳn cũng không thừa ?
Sách Kiến văn tiểu lục (KVTL) của Lê Quý Đôn , quyển V-Tài phẩm, thấy chép về Nguyễn Trực : "Nguyễn Trực đỗ
trạng nguyên lúc còn ít tuổi, giao thiệp đối đáp với sứ nhà Minh là Hoàng Gián,
một lúc họa xong 50 vần thơ lưu biệt, có thể giữ được thể diện trong nước. Nhân
Tông sai trung sứ cùng thợ vẽ tới nhà vẽ tượng truyền thần, để ở bên cạnh chỗ
ngồi, để tỏ ra rằng không lúc nào quên được. Thánh Tông sai người đem bộ Thiên
Được những hai vị vua sủng ái như vậy
thì cũng là hiếm, vậy sao ông vẫn muốn sớm cáo bệnh lui về ở ẩn với nếp sống
thanh nhàn? Phải chăng, ngay chính năm ông đỗ trạng nguyên thì đã xảy ra liên
tiếp các sự kiện kinh thiên động địa như đã liệt kê ở phần 2) khiến ông sớm
kinh hãi rồi sinh chán ngán chốn quan trường? Tài danh và công lao nhất mực như
Hành khiển Nguyễn Trãi còn bị vu oan tru di đến 3 đời; các công thần từ thời Lê
Thái Tổ thì tranh giành quyền lực, thanh toán lẫn nhau theo cái lối do chính
Thái Tổ sử dụng là hết thỏ thì đập chó
săn; rồi các phi tần thì ngấm ngầm lôi kéo quan lại và nội thị kết thành bè
cánh tranh giành ảnh hưởng nhằm tiêu diệt nhau để ngoi lên? Ngay trong triều,
thấy những quan lại đồng khoa, và sau mình (như
Nguyễn Như Đổ, Lương Như Hộc, Nguyễn Nghiêu Tư...) thăng trầm quan lộ, có
thể làm ông ngán ngẩm?
Lại nữa, cũng có phần ông chịu ảnh
hưởng di truyền và cả sự dạy bảo từ các bậc tiền bối, nhất là cha mình, Nguyễn
Thì Trung vốn là Giáo thụ trong Quốc Tử Giám? Sách KVTL, học giả Lê Quý Đôn chép về người cha của Nguyễn Trực: "Nguyễn
Thì Trung, người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, dưới triều nhà Trần, ông tổ tên
là Hữu, giữ chức Hàn lâm thị giảng kiêm Thẩm hình viện sứ, cha tên là Bính, giữ
chức nho học Huấn đạo. Thì Trung là người có văn học, nối dõi được gia
phong... Sau khi Thái Tổ đã bình định
được cả nước, hào kiệt, nho sinh, văn sĩ các lộ đều tranh nhau đến bái yết, kẻ
trước người sau đều được trao cho quan chức, chỉ có Thì Trung có ý nhạt nhẽo
không cầu hiển đạt làm quan. Đến đầu triều Thái Tông, hạ chiếu tìm hỏi những
hiền tài còn bị bỏ rơi, nghe biết ông là người có văn học đức hạnh, nhà vua ra
đặc chỉ tuyên triệu, hạ lệnh cho sở tại cố khuyên mời ông đến kinh sư, cho giữ
thư khố ở Quốc Tử giám, mùa thu năm thứ 2 (1435) nhà vua ngự điện Hội Anh, ra
bài thi, ông dự thi được trúng cách, cho thăng một tư, giữ chức Thị thư ban,
sau thăng chức Giáo thụ trong Quốc Tử giám. Chưa được bao lâu, liền xin thôi
làm quan, lui về ở chốn lâm tuyền, giảng sách dạy con, vui vẻ tự do, xa gần
nhiều người theo học. Lúc mất, đặt tên thụy là Như Ngu cư sĩ (chữ Ngu ở đây được hiểu là sự yên vui - TG
)... Văn chương của Nguyễn Thì Trung tuy không lưu truyền hết, nhưng xem
bài thơ tiễn viên giáo thụ họ Trình về trí sĩ và một bài khi ông về trí sĩ lưu
lại để từ biệt viên giám sinh họ Hồ cũng có thể tưởng tượng biết được phong vận
thơ văn của ông ".
Đã rõ ràng, qua phần chép và bình phẩm
của Lê Quý Đôn, ngay từ trứng nước, Nguyễn Trực đã thừa hưởng di truyền tố chất
để làm nên bản tính thanh cao từ bậc cha ông, thêm vào đó, sự dạy dỗ tận tình
của người cha đã sớm định hình phẩm chất cao quý trong con người Nguyễn Trực.
Không những ông không xu thời và biết xa lánh bả quyền quý vinh hoa, Nguyễn
Trực còn có một phẩm chất đáng quý khác là ông không đố kỵ, biết tôn trọng và
nâng đỡ người khác, kể cả khi họ chỉ là bậc dưới về mọi phương diện. Sách KVTL
của Lê Quý Đôn chép :"Lê Hoằng Dục, con Thái phó Lê Văn Linh, học vấn rộng
khắp đầy đủ, thơ từ thanh cao phóng khoáng... thường cảm hứng làm 10 bài thơ Giang thành ngẫu thành, lúc Thánh Tông
còn ở phủ đệ phiên vương, lấy làm thích lắm, theo vần họa lại, sau khi lên ngôi
vua hạ lênh cho từ thần là Nguyễn Trực phê bình, phần nhiều khen ngợi ...".
Cũng sách này còn chép: "Bản triều lại có Nguyễn Bảo (người xã Phương Lai, huyện Vũ Tiên, nay thuộc Thái Bình) đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1472) niên hiệu
Hồng Đức. Trung thư lệnh là Nguyễn Trực yêu thích văn chương của Nguyễn Bảo,
tìm đến xem mặt và nói : ‘Già này chấm
văn kỳ đệ nhị, mãi sau được chấm bài của ông, về lời lẽ bài chiếu "phục lập phó bí" (dựng lại bia
đã đánh đổ , tài tình ở chỗ nói rõ được
bụng ăn năn hối lỗi của Đường Thái Tông, các sĩ tử không thể theo kịp được, già
này nêu rõ ra là bài ấy đứng vào hàng văn kiệt tác. Từ nay về sau, nghĩa lý
trong Kinh sách thánh hiền, ký thác vào ông cả"... Quả nhiên, sau này
Nguyễn Bảo rất hanh thông về quan lộ, thăng đến chức Thượng thư bộ Lễ, giữ chức
ở viện Hàn lâm dưới triều Lê Hiến Tông, có đóng góp nhiều cho triều chính.
Truyền thống nho gia nhiều đời tiếp
nối qua ông đến tận con cháu. Cháu ngoại của Nguyễn Trực là Nguyễn Ích Tốn, hẳn
là được thừa hưởng từ ông ngoại mình không những sự di truyền mà cả sự giáo
dưỡng. Nguyễn Ích Tốn đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 15 (1483), cũng là một thành
viên trong Nhị thập bát tú của Tao đàn
do chính Lê Thánh Tông làm chủ súy dưới thời Hồng Đức (Theo sách Hồng Đức quốc âm thi tập - NXB Văn
học,1982).
Có một việc, theo tôi cũng nên xác
định cho rõ, đó tên tác phẩm của Nguyễn Trực được các sách chép khác nhau.
Không kể các tác phẩm Ngu Nhàn tập, Kinh nghĩa chu văn tân tập, và văn bia Mục lăng (soạn cùng Nguyễn Bá Kỳ theo
lệnh của vua Lê Thánh Tông) thì tên một thi văn tập khác của ông lại được chép
khác nhau. Cụ thể là :
- Vu liêu tập (Theo sách LTHCLC của Phan Huy Trú).
- Trừ liêu tập (Theo sách Từ điển các nhân vật lịch sử Việt
- Hu liêu tập (Theo sách Các nhà khoa bảng Việt
Thậm chí, có sách còn chép là Sư
liêu tập. Vậy thì tên gọi nào là đúng? Rất tiếc là phần lớn các sách,
khi biên soạn xuất bản, đều không kèm mẫu tự chữ Hán, mà chỉ có tên Hán Việt
phiên âm mẫu tự Latin, nên thật khó tra cứu. Trong số các sách dẫn ra đây, duy
bộ Các nhà khoa bảng Việt Nam là có
in kèm tên bằng mẫu tự chữ Hán (chép đủ cả tên chính Nguyễn Trực, tên tự Công
Đĩnh, hiệu Hu Liêu, tên tác phẩm- Hu Liêu tập). Căn cứ vào mẫu tự chữ Hán, tra
cứu Từ điển Hán Việt của Đào Duy
Anh, thì không phải là Hu, mà phải đọc là Vu
(chỉ tên một loài cây xấu, không dùng làm
được việc gì, còn có nghĩa bóng để chỉ loại người vô dụng) ; còn chữ Liêu,
cũng theo từ điển nêu trên, có nghĩa là cửa
sổ nhỏ-mà cũng chỉ việc làm quan cùng nhau (ví như : đồng liêu - cùng làm quan với nhau ).
Nếu căn cứ vào đó, thì tên hiệu của
Nguyễn Trực là Vu liêu (chứ không phải
là Hu Liêu). Có lẽ đây là một
cách lấy tên hiệu kiểu tự biếm, tự nhận mình là người vô dụng, thể hiện bản chất khiêm nhường, muốn xa lánh chốn đình
trung của Nguyễn Trực chăng? Cùng với hiệu là Vu liêu, thì tác phẩm là Vu
liêu tập. Điều này đúng với cách gọi trong sách LTHCLC của Phan Huy Chú ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét