CHÚA TỂ CỦA NÚI TUYẾT
(Tiểu luận của Nguyễn Chu Nhạc)
1.
Ngôi vị chúa tể.
Người ấy là Yasunari Kawabata, nhà văn hiện đại của xứ
sở Mặt trời và hoa anh đào, người đầu tiên của Nhật Bản được trao giải Nobel văn
chương vào năm 1968. Nói đến ông, dân hâm mộ văn chương đều biết đấy là tác giả
của bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng làm nên tên tuổi ông trên văn đàn thế giới : Xứ Tuyết- Ngàn cánh hạc- Tiếng rền của núi.
Cùng với đó, còn kể đến Cố đô, Người đẹp say ngủ, Hồ, Đẹp và buồn, Vũ nữ It-zu và biết bao nhiêu truyện vừa, truyện ngắn xuất sắc nữa
...
Nói đến văn học hiện đại Nhật Bản, với
riêng tôi và tin rằng còn bao người khác nữa, Y. Kawabata giữ ngôi vị chúa tể.
Sau ông, người ta nhắc tên Kenzaburo Ôe, người Nhật thứ hai giành Nobel văn chương,
và mới đây là Haruki Murakami , người được tiên đoán sẽ giành Nobel văn chương
trong tương lai, song dẫu thế thì họ cũng khó có thể lật được ngôi vị chúa tể của Y. Kawabata.
Riêng với tôi, chính Y. Kawabata cùng
với những tác phẩm của mình là diện mạo văn chương, và cao hơn là văn hóa Nhật
Bản. Shõ-gun tướng quân của tác giả
James Clavell, một tác phẩm văn học sử, ít nhiều đã đưa đến mọi người hình ảnh
một nước Nhật phong kiến xưa cũ, ở đó bản sắc văn hóa của đất nước mặt trời mọc
hiện lên khá phong phú. Tuy nhiên, phải chờ đến Kawabata, tinh thần và văn hóa Nhật mới được
khắc họa đậm nét, được tôn lên hàng đầu.
Bấy lâu nay, nói đến Nhật Bản, người
ta tóm gọn trong mấy cụm từ như sau : Hoa
anh đào- Núi Phú Sĩ- Động đất.- Samurai (Võ sĩ đạo)- Trà đạo- Kịch Noh- Thơ
Haiku- Trang phục Kimônô- Vật Su-mô- Rượu Sa-kê- Geisha. Theo tôi, nối dài thêm một gạch nữa - Y. Kawabata.
Như vậy, Y. Kawabata là một đặc sắc
của Nhật Bản rồi. Song tại sao lại thế? Đơn giản, bởi Y. Kawabata khiến cả thế
giới biết đến văn chương- văn hóa Nhật Bản, không chỉ thông qua các tác phẩm văn
chương , mà qua cả chính cuộc sống và cái chết của mình. Tự thân, ông chỉ là một
gạch nối, song ông đã chứa đựng trong cuộc sống mình những tố chất của nền văn
hóa Nhật Bản và đồng hóa nên các tác phẩm, mà bạn đọc khắp thế giới đều có thể
tìm thấy từ đấy nhứng gạch nối kia (hoa
anh đào, động đất, núi Phú sĩ, trà đạo, kịch Noh, Geisha...). Câu chuyện về
ông, xin bắt đầu từ kết cục là cái chết theo tinh thần Samurai, chỉ không lâu
sau khi ông giành Nobel văn chương, vào đầu năm 1972 ...
Mùa thu năm 2005, tôi sang
Trở lại với mùa thu
Tôi nhớ, trong buổi làm việc báo cáo kết
quả chuyến đi và cũng là buổi làm việc chia tay với Ban lãnh đạo của Trung tâm y
tế quốc tế Nhật Bản, trong ý kiến của mình, tôi dành phần nhiều để nói về đất nước
và con người Nhật Bản thông qua những biểu hiện về văn hóa. Tôi nhắc đến tác phẩm
Vô ảnh đăng của nhà văn Wantanabe viết
về giới y học Nhật Bản, chỉ là mượn cớ để bắc cầu sang Y. Kawabata. Tôi đã thao thao không rõ bao lâu
về văn hóa Nhật được thể hiện trong các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn này làm
cô phiên dịch tài giỏi cũng hết sức khó khăn trong việc tìm từ chuyển ngữ sang
tiếng Anh, đến mức làm các vị tiến sĩ y khoa bạn phải ngạc nhiên không hiểu sao
cái ông nhà báo Việt này lại biết lắm thứ về văn hóa Nhật đến vậy. Có lẽ, khi ấy,
sự dồn tụ về Y. Kawabata chứa chất trong tôi bao lâu không được giải tỏa, nên đến
khi gặp dịp tôi đã tuôn ra trong sự kích động khó kìm nén, khiến mình có gì đó
bất nhã bởi đáng lý phải nói về chuyện y học bệnh tật thì lại đi khen một ông
nhà văn. Tôi còn nhớ, trong những phút giây như nhập đồng đó, tôi vẫn còn đủ tỉnh
táo, lo phía bạn khó chịu vì sự lac đề của mình, nên đã viện diễn rằng, chính
người cha thân sinh của Kawabata cũng là một bác sĩ. Sau này tôi rẩm riu, chắc
là các vị trong giới y học Nhật Bản cũng không nỡ chê trách khi phải nghe một ông
khách nói như phát cuồng về tinh thần, về vẻ đẹp, về văn hóa nước họ, cùng những
lới khen ngợi dành cho một nhà văn của họ, người đầu tiên đã mang về cho đất nước
họ niềm vinh hạnh, Nobel văn chương.
Chắc chắn là các vị tiến sĩ y khoa người
Nhật hôm ấy không tài nào biết được tôi đã từng đọc ngấu nghiến, rồi nghiễn ngẫm
bộ ba kiệt tác của Y. Kawabata là Xứ
tuyết, Ngàn cánh hạc, Tiếng rền của núi, cùng truyện Vũ nữ It-zu, Người đẹp say ngủ , Cố đô, Đẹp và buồn,...đó
là những tác phẩm của ông sớm nhất được dịch ra tiếng Việt, và dạo ấy do đời sống
xã hội khó khăn nên hầu hết ấn phẩm in bằng loại giấy xấu màu xám đen, xù xì và
nét chữ không mấy rõ. Họ cũng không thể biết được là, đúng vào lúc tôi có dịp dạo
chơi trên đất nước quê hương của Y. Kawabata để nhìn ngắm mà chiêm nghiệm về những
gì nhà văn này đã viết từ nửa đầu thế kỷ trước, và thao thao nói về Y. Kawabata,
thì ở Việt Nam, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây đang chuẩn bị cho ra đời Tuyển tập tác phẩm Y. Kawabata, dày hơn nghìn trang in trên giấy loại tốt
trong kế hoạch Tủ sách Nobel văn học.
Sau nữa, khi có điều kiện đọc thêm nhiều
tác phẩm khác của Kawabata, nhất là Diễn
từ Nobel của ông, kể cả bài giới thiệu giải Nobel văn chương năm 1968 của
Tiến sĩ Anders-Sterling thuộc Viện hàn lâm Thụy Điển, tôi thấy những cảm nhận của
mình về con người và giá trị văn chương của ông không mấy khác xa. Y. Kawabata được
trao Nobel văn chương bởi những lý do, như : "Người ta đặc biệt ca ngợi Kawabata như một người thấu hiểu một cách
tinh tế tâm lý phụ nữ." ; "Tác
phẩm của Kawabata làm ta nhớ tới hội họa Nhật Bản; ông là kẻ tôn thờ cái đẹp
mong manh và ngôn ngữ hình ảnh u buồn của hiện hữu trong cuộc sống của thiên
nhiên và thân phận con người" , và "Kawabata , với tư cách nhà văn, đã phú cho một nhận thức văn hóa đầy
tính đạo đức-thẩm mỹ một phẩm chất nghệ thuật độc sáng, vì vậy, bằng cách riêng
của mình đóng góp vào việc bắc một nhịp cầu tinh thần giữa phương Đông với
phương Tây".
Ngay chính Y. Kawabata, Diễn
từ Nobel của mình đọc tại buổi lễ trao giải cuối năm 1968, ông đã lấy tên
"Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản",
như thế đủ rõ ông tự ý thức về giá trị văn chương của mình thế nào! Tôi dặc biệt
thích, ông đã mở đầu diễn từ đó bằng việc viện dẫn bài thơ thiền của vị thiền sư
người Nhật Bản là Dogen ở thế kỷ 13, bài thơ có tên là Bản lai diện mục : "Hoa thắm mùa xuân/ Cu gù tiết hạ/ Trăng thu óng ả/ Tuyết đông/ Giá
lạnh, tinh khôi".
Tôi không dám sa đà vào diễn từ của Y.Kawabata,
đơn giản bởi tôi sợ mình sẽ không còn đủ sự khôn ngoan tỉnh táo để thoát khỏi mê cung cái đẹp mà ông giăng mắc. Còn bởi
từ lâu nay, sau khi đọc những kiệt tác văn chương của ông, tôi bị đắm chìm vào đấy
và thường hay mộng mị giữa ban ngày. Những người đàn bà đẹp với đủ thân phận,
những xúc cảm tình dục mãnh liệt mà mong manh dễ vỡ, những phong cảnh thiên nhiên
đẹp một cách u buồn , những sinh hoạt tôn giáo huyền bí, những phong cách quý tộc
vừa trang nhã vừa suy đồi, những phong tục dân gian khác lạ, những bóng hình của
nhân vật-tác giả lởn vởn đâu đây... Tất, tất cả vây hãm, luồn lách trong ta, ám
ảnh ta !...
Trong chục ngày ở Nhật Bản, tôi không
có thời gian và điều kiện đi đâu xa ngoài thủ đô
Sau này, tôi có dịp tiếp xúc, trò chuyện với một bạn gái trẻ Nhật Bản, cô
Sachiko Asa, đạo diễn chương trình phát thanh Tiếng Việt thuộc Ban Phát thanh
& truyền hình Đối ngoại Đài NHK Nhật Bản.Cô có đợt tìm hiểu và học việc tại
cơ quan tôi, Đài Tiếng nói Việt Nam. Cô cắt nghĩa cho tôi hiểu cái tên Sachiko,
âm Hán Việt là Tảo Tri Tử, tức là đứa trẻ thông minh sớm. Là một nữ nhà báo,
tuổi chưa đến 30, Sachiko khá thông minh và hiểu biết. Vì không vướng rào cản
ngôn ngữ, tôi giúp cô hiểu biết thêm nhiều về văn hóa phong tục Việt, và ngược
lại, cô cũng giúp tôi hiểu thêm văn hóa Nhật Bản. Tôi hỏi cô về Y. Kawabata, cô
sáng mắt à lên vui thích. Tuy nhiên, cô cũng không mấy hiểu về Kawabata, ngoài
việc biết đó là một nhà văn nổi tiếng đã đem về Nobel văn chương cho tổ quốc
song đã mất từ lâu rồi. Tôi nghe mà chạnh buồn. Ôi tinh thần và vẻ đẹp Nhật Bản
đâu rồi, khi con người hiện tại đã dần phai mờ về Y. Kawabata, một giá trị đặc
sắc của văn hóa Nhật Bản ?
Tôi lại nhớ về hình ảnh của cặp vợ chồng
già ngồi tựa lưng vào nhau mặt ngoảnh đi hai phía trước sân vườn ngôi nhà bên đường
ngày ngày tôi ra ga Wakamatsu, những người già ngả lưng trên ghế đá công viên Hibiya
và người già dạo chơi rồi ngủ lăn lóc dưới thảm cỏ vườn thông bên Lầu công chúa, hẳn trong ký ức họ có Y.
Kawabata? Thế còn cánh nam thanh nữ tú kia, những người hằng ngay tranh thủ lúc
ngồi trên metro vun vút trong lòng đất sâu Tokyo hoặc nhoay nhoáy chơi điện tử
hoặc cắm phôn nghe nhạc từ điện thoại di động, hoặc ngủ gật vì quá mệt mỏi sau
một ngày làm việc cật lực, họ có gì về Y. Kawabata không? Hay chính ông cùng
các tác phẩm tuyệt vời của mình đã thuộc về quá khứ, một quá khứ vừa mới đây?
Người ta bảo Y. Kawabata tự sát vì bế
tắc. Vậy xã hội Nhật Bản đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước có biến động gì
lớn khiến ông bế tắc? Hay tự nội tâm ông? Chỉ 3 năm sau giật Nobel văn chương,
một đỉnh cao chói lọi mà hàng ngàn hàng vạn nhà thơ nhà văn trên khắp trái đất
này nằm mơ cùng không thấy, thì điều gì khiến ông chọn kết cục như vậy ?
Chẳng vì lẽ gì cả. Thực ra, câu kết của
Diễn
từ Nobel năm 1968, Y. Kawabata đã bộc lộ : "Những câu thơ Bản lai diện mục
ca ngợi vẻ đẹp bốn mùa của Dogen chính là Thiền ".
Thế là đã rõ. Tự chấm dứt sự tồn tại về
thể xác, với Y. Kawabata, chỉ là một cách Thiền !...
2. Tiếng rền của núi tuyết
Cho đến thời điểm này, tôi
đã có ba lần đặt chân đến xứ sở Mặt trời mọc, lần đầu vào mùa thu năm 2005. Các
lần sau, 2014 và 2017, tình cờ cũng đều vào mùa thu. Tôi đã thấy một nước Nhật
đẹp huyền ảo và mông mị trong tấm áo choàng thiên nhiên lá vàng lá đỏ. Tôi cũng
thấy tuyết trắng lấp lánh trên đỉnh núi Phú Sĩ dưới bầu trời trong xanh mùa
thu... Và tôi lại nghĩ về các tác phẩm của Y. Kawabata, vị chua tể của văn
chương Xứ Tuyết,...
Gần đây, tôi đọc thêm một
tác phẩm nữa trong số các kiệt tác của ông, tiểu thuyết “Hồ”. Khác với các tác phẩm
kia, chuyên săn tìm cái đẹp, ở tác phẩm này, nhân vật chính của ông là một con
người bị coi là xấu xí. Song bi kịch là ở chỗ, con người xấu xí ấy lại đam mê
cái đẹp, mà cụ thể là vẻ đẹp khác giới-đàn bà. Nhân vật chính của câu chuyện,
Momoi Gimpei, một người đàn ông luôn mặc cảm vì sự xấu xí về hình thể và tuổi
thơ không mấy tốt đẹp của mình, nên phần sau cuộc đời, gã ta bị mặc cảm chi
phối thành vô thức mà bám theo bóng hình đàn bà đẹp bất kỳ cho dù họ chỉ thấp
thoáng lướt qua gã trên đường đời. Người ta cho rằng, nhà văn cố tình lựa chọn
và tạo dựng một nhân vật đầy khiếm khuyết, đang vùng vẫy tìm lại cái tôi, tìm
lại bản tính như những người Nhật bước ra từ chiến tranh. Có thể là vậy, song
tôi nhận thấy còn hơn thế, Y. Kawabata còn gửi gắm những thông điệp lớn lao
hơn,... Đó là gì vậy?
Tôi thấy ở đây, hình bóng
đàn bà đẹp hay là hình bóng của một tinh thần văn hóa Nhật Bản tốt đẹp một thời
đang dần bị phôi pha, mai một, bị chen lấn xô đẩy, chèn ép bởi văn hóa ngoại
lai? Phải chăng, Y. Kawabata đã sớm nhận thấy và tiên đoán về sự sa sút và xô
bồ của tinh thần văn hóa Nhật Bản khi bước vào thời kỳ công nghiệp phát triển
và toàn cầu hóa?
Rất có thể, gã trai xấu xí
và một quá khứ tuổi thơ không mấy tốt đẹp kia chính là hình ảnh của một nước
Nhật ngày nay, dần bị xô bồ và lệch lạc bởi sức ép từ chính sự phát triển quá
lố của mình và áp lực từ việc toàn cầu hóa, từ sự ô nhiễm và biến đổi khí hậu,
từ dịch bệnh với quy mô toàn cầu,...? Thế nên, sự vô thức (hay ý thưc) đi tìm vẻ đẹp kia, sự tốt đẹp hiện tại còn sót lại đâu
đó (và cả vẻ đẹp trong quá khứ) của
nhân vật Momoi Gimpei, chính là sự cần thiết, sớm ngộ ra để khôi phục vẻ đẹp
tinh thần văn hóa Nhật Bản từng có,...? Đương nhiên, ở vào thời nhà văn sống và
sáng tác, thì đây là sự suy luận thiên tài mang tính tiên tri. Vậy theo tôi,
đây là một thông điệp cơ bản ẩn chứa của tiểu thuyết này.
Tìm hiểu về văn hóa và tinh
thần Nhật Bản, dường như mọi hiện tượng đều được nâng lên một giá trị nào đó và
có ý nghĩa biểu tượng khi mà nó chứa đựng chất nhân văn, như một triết lý sống,
ngay cả với cái chết. Không giống tinh thần Phật giáo, mọi sự đều bé nhỏ và vô
ưu trước Đức Phật, tinh thần Nhật Bản nặng yếu tố Thần Đạo, ít nhiều mang một ý
nghĩa nào đó, gần với cuộc đời.
Người dân Nhật Bản có tuổi
thọ rất cao. Nhưng khi cuộc sống không còn ý nghĩa và giá trị nào đó, nghĩa là
sống chỉ là sự kéo dài thời gian tồn tại trên mặt đất thôi, người ta sẽ tìm
cách chấm dứt. Khác với cái chết theo tinh thần võ sĩ đạo (samurai), người già cô đơn ở Nhật Bản đã từng diễn ra khá phổ biến,
ấy là cách bỏ lại tất cả, một mình đến xứ tuyết, cứ thế đi sâu vào vùng trắng
lạnh mênh mông cho đến khi cạn hơi kiệt sức mà gục ngã vùi mình trong tuyết
giá. Một kết cục đẹp và buồn làm sao ?!
Hay đâu, một giá trị từng
được nâng lên thành triết lý đầy chất nhân văn, mà Y. Kawabata thuật trong tác
phẩm "Người đẹp say ngủ" của mình. Người ta bỏ tiền ra để thuê
dịch vụ ngắm (chỉ được ngắm bằng mắt,
không có hành vi nhục dục) đàn bà đẹp khỏa thân trong trang thái say ngủ (là loại hình dịch vụ, bị dùng thuốc mê ngủ,
không bị cưỡng bức mà là sự thỏa thuận). Đó là một cách hưởng thụ về tính
dục cho những ai có nhu cầu, nhưng cũng có thể nhìn nhận đó như một sự cảm thụ
cái đẹp theo tinh thần mỹ học....
Những triết lý sông-chết
như vậy chỉ có ở Nhật Bản, và cũng chỉ qua cái nhìn đầy mỹ cảm và nhân văn, sâu
săc, cùng bút pháp điêu luyện của Y. Kawabata mới trở nên tuyệt vời như vậy!...
Trong xã hội Nhật Bản hiện
tại, tức là hơn nửa thế kỷ đã qua so với thời gian Y. Kawabata sống và viết,
những cách thức như vậy không còn nữa (hoặc
giả vẫn tồn tại cá biệt trên đất nước Nhật?), thì những triết lý ấy vẫn
không mất đi, bởi ý nghĩa nhân văn của nó. Chí ít, nó tồn tại trong ký ức của
một lớp người, hay trong các tác phẩm tuyệt vời của Y. Kawabata, với sự lan tỏa
trên phạm vi toàn cầu...
Sau cùng, không thể không
nói đến bút pháp, văn phong của Y. Kawabata. Lựa chọn ông để trao Nobel văn
chương năm 1968, Hội đồng giải Nobel đã nhận xét: "... Kawabata , với tư cách nhà văn, đã phú cho một nhận thức văn
hóa đầy tính đạo đức-thẩm mỹ một phẩm chất nghệ thuật độc sáng, vì vậy, bằng
cách riêng của mình đóng góp vào việc bắc một nhịp cầu tinh thần giữa phương
Đông với phương Tây". Dĩ nhiên, không có gì bàn cãi, khi tô đậm mấy
đặc điểm chính của văn chương Kawabata, đạo đức-thẩm mỹ-nghệ thuật độc sáng.
Khi đã là một gạch nối, một
đặc sắc của văn hóa Nhật Bản, tôi nghĩ, cùng với các đặc điểm cơ bản làm nên
giá trị văn chương của Y. Kawabata (đạo
đức-thẩm mỹ-nghệ thuật độc sáng) thì chắc chắn còn những giá trị khác nữa
từ cội nguồn văn hóa dân tộc xem như chất “phụ gia” để ông hòa quên, nhào nặn
thành chất kết dính các giá trị cơ bản kia? Vậy đó là những gì?
Thường là, mỗi nền văn hóa
đều chịu ảnh hưởng, nếu không muốn nói lấy tôn giáo, tín ngưỡng gốc làm nền
tảng. Với người dân xứ sở Mặt trời mọc, tôn giáo gốc (từ trước Công nguyên) là Thần
đạo (Shinto). Truy nguyên, tư
tưởng của Thần đạo Nhật Bản khác với
những tôn giáo khác ở chỗ không cấm hay buộc con người làm gì, mà chỉ khuyên
nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác. Giết chóc đối với Thần đạo là điều ác và không nên giết
sinh vật trừ khi vì sự sống còn của con người, nên trước khi ăn người ta thường
phải nói câu Itadakimasu (戴きます) để cảm ơn những sinh linh đã phải chết
để trở thành thức ăn, và đến ngày nay điều này đã trở thành một phong tục. Như
thế, có thể nhận thấy, tư tưởng Thần đạo
Nhật Bản với ý nghĩa cơ bản của nó khi khuyên “con người ta hướng tới sự
trong sáng và tránh điều ác” đã là nên giá trị đạo đức trong các tác phẩm của
Y. Kawabata.
Thẩm mỹ, tôi nghĩ, đặc điểm
nổi trội nhất trong văn chương của ông, nếu không muốn nói Y. Kawabata là nhà
văn theo “chủ nghĩa duy mỹ”. Là người đắm đuối, tôn thờ cái đẹp, song Y.
Kawabata không đơn thuần duy mỹ đến mức độ coi “cái đẹp” là duy nhất mà tách rời nó khỏi nội dung xã hội và đạo đức
cuộc sống. Thẩm mỹ, trong con người và văn chương Kawabata, mang đúng nghĩa của
khái niệm này, sự cảm thụ và hiểu biết về cái đẹp hòa quện trong sự cảm thông
sâu sắc của tâm hồn. Mỹ cảm của ông mang thiên hướng đàn bà, pha trộn ẩn ức tình
dục mơ hồ, đơn giản vì họ là biểu tượng của cái đẹp. Những nhân vật nữ của ông
dù ở tầng lớp và thuộc loại người nào, đều được nâng niu và ít nhiều ông dành
cho họ sự ưu ái. Chính điều này, theo tôi, đã làm nên “đặc sắc Kawabata”, khiến
ông khác lạ với các nhà văn Nhật Bản khác, chẳng những thế, sự khác lạ và đặc
sắc ấy lại giàu năng lượng và có sức nâng, góp phần tôn vinh văn học, văn hóa
Nhật Bản, khiến Hội đồng văn chương Nobel không thể làm ngơ mà quyết định trao
giải cho ông, người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba được vinh danh. Vinh
quang này cho cá nhân Y. Kawabata và văn chương Nhật Bản.
Song Y. Kawabata cần gì ở
điều ấy? Chẳng phải ngẫu nhiên, ông đã mở đầu diễn từ Nobel năm 1968 bằng việc
viện dẫn bài thơ thiền của vị thiền sư người Nhật Bản là Dogen ở thế kỷ 13, bài
thơ có tên là "Bản lai diện mục" : "Hoa thắm mùa xuân/ Cu gù tiết hạ/ Trăng thu óng ả/ Tuyết đông/ Giá
lạnh, tinh khôi". Thực ra, đọc kỹ các tác phẩm của ông, người ta đã
nhận thấy sự thiền định thấm đẫm trong mạch văn, câu chữ. Điều này cho thấy,
chất thiền cũng là một đặc trưng văn chương của Kawabata. Hầu như, các nhân vật
của ông (hay chính bản thân) không
mấy nổi giận và nếu có thì cũng ít khi đến mức mất kiểm soát... Tìm hiểu sự ảnh
hưởng của tôn giáo đến tinh thần Nhật Bản, mặc dù tôn giáo gốc là Thần đạo, nhưng càng về sau, sự lan tỏa
và sức ảnh hưởng của Phật giáo càng mạnh, chi phối tinh thần văn hóa Nhật Bản.
Đây cũng là cách lý giải yếu tố Thiền
trong văn chương của Kawabata, cũng như tâm thế và sự hành xử của các nhân vật
trong tác phẩm của ông. Lấy trạng thái an tĩnh và sự tập trung cao độ trong
cách nhìn nhận, vận động, hành xử là cốt lõi của “thiền định”, và đó cũng chính là tâm thế Y. Kawabata. Vậy xem như,
bài thơ thiền “Bản lai diện mục” cho thấy sự tiếp nối trạng thái động-tĩnh,
thực -ảo, hiện tại-ký ức thay nhau luân chuyển với vẻ đẹp điển hình của thiên
nhiên bốn mùa là căn cốt cảm hứng sáng tạo văn chương của Y. Kawabata. Các tác
phẩm của ông là minh chứng sống động cho phương châm và cảm hứng sáng tạo này.
Trở lại với nhận định của
Hội đồng Nobel văn chương năm 1968, về sự đóng góp của Y. Kawabata cho sự phát
triển của văn học thế giới, ấy là “nghệ thuật độc sáng”. Vậy hiểu nhận
định này ra sao? Phải chăng, nếu không phải là sự độc đáo và sáng láng thì đó
là gi?
Người Nhật Bản tự hào về Haiku (俳句), một loại thơ độc đáo, một đặc sắc ngôn ngữ, văn chương của
họ. Khởi phát từ đầu thế kỷ 17 và nhanh chóng phát triển cực thịnh trong thời
kỳ
Thậm chí, theo tôi nghĩ,
văn phong của Y. Kawabata chịu ảnh hưởng khá sâu sắc phong vị và tính chất của
Haiku. Chính xác hơn, Y. Kawabata biết cách đồng hóa tính chất và sắc thái của
Haiku để làm nên phong vị riêng mình – “đặc
sắc Kawabata”. Ấy là thứ nghệ thuật mà Hội đồng Nobel văn học năm 1968 gọi
là “nghệ thuật độc sáng”.
Đọc tác phẩm của Y. Kawabata, dù tiểu
thuyết hay truyện ngắn đều thấy rõ điều này. Mỗi tác phẩm của ông đều ẩn chứa
vô vàn những bài thơ Haiku. Đơn cử, điển hình là tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ”, cả tác phẩm là một
bài Haiku lớn. Hình ảnh nhân vạt chính, ông già bảy mươi đắm đuối ngắm người
đàn bà đẹp ở trạng thái khỏa thân say ngủ, là hiện thực nhãn tiền, còn những
dòng suy tưởng miên man, chập chờn hồi ức, hiện tại, mộng mị đan xen của nhân
vật chính là các ý tưởng tương quan với nhau làm nên bài Haiku toàn vẹn, khiến
người đọc suy ngẫm, liên tưởng,... Và trong bài Haiku lớn ấy, lại chứa đựng rất
nhiều bài Haiku khác, dường như mỗi chương, mỗi đoạn đều mang dáng dấp của bài
Haiku, cứ thể nhân lên, vô vàn những bài Haiku nhỏ, cái nọ lồng trong cái kia,
đan cài, bao bọc... Bởi thế, đọc tác phẩm của Y. Kawabata, không thể đọc nhanh,
mà phải đọc chậm, thật chậm rãi, những mong tìm lời giải cho từng bài Haiku mà
tác giả đặt ra. Văn của Y. Kawabata tốc độ chậm là vậy. Điều này khiến cho một
số bạn đọc ưa tốc độ nhanh, thích hiệu ứng sốc, cảm thấy sốt ruột và sinh ngại
chăng ?... Có lẽ, đây cũng là lý do mà các tác phẩm của ông thường ngắn, kể cả
tiểu thuyết ?
Kể từ ngày Y. Kawabata hóa
thân theo “ngàn cánh hạc” xải cánh
trắng bay về “xứ tuyết” tinh khôi để
đêm đêm nghe “tiếng rền của núi”,
chớp mắt đã nửa thế kỳ trôi qua. Khởi nguồn, sinh vào năm cuối cùng của thế kỷ
19 ở Osaka miền nam nước Nhật, hàng năm linh hồn ông vẫn cùng bầy hạc trắng từ
xứ tuyết phương Bắc trở về thăm cố hương, ngang qua vùng “hồ”, thăm “cố đô”, nơi
ông đã để lại những kỷ niệm “đẹp và buồn”,
từng say ngắm “người đẹp say ngủ”,..
đã,... từng,...và từng,...
Với các tuyệt phẩm của
mình, thực ra, nửa thế kỷ qua, Y. Kawabata vẫn đang ở đây, cùng chúng ta đấy
chứ ?!..../.
<trannhuanminh44@gmail.com>
đã viết:
đã đọc bài em
bài HAY theo một cách khác
Nó như một thứ BÚT KÍ về cảm quan nghệ thuật Kawabata
cái gì của Nhật cũng là người viết nhớ đến ông nhà văn này
Đây là đoạn xuất sắc nhất là bút kí nhưng cũng là phê bình văn chương ( qua
hình tượng của cảm xúc)
về sức sống bất tử của một nhà văn khi nó trở thành biểu tượng văn hóa của một
dân tộc
Vào Th 6, 1 thg 9, 2023 vào lúc 04:32 Tran Nhuan Minh
<trannhuanminh44@gmail.com> đã viết:
A Minh đã nhânh được và sẽ đọc RẤT NGHIÊM TÚC, Vì Chu Nhạc là 1 cây bút NGPB cần
phải đọc nghiêm chỉnh
Rát cảm ơn em
Sẽ LƯU để đọc (hai bài trước của CHU Nhạc đều được LƯU)
RẤT ÍT bài bạn gửi đến được lưu lại như thế
thường đọc xong là xóa đi để nhẹ máy và việc tìm kiếm khi cần sẽ dễ hơn trong
số ko có quá nhiều bài
Nhận xét
Đăng nhận xét