THÁI SINH “Chưa bao giờ ta lại thèm viết như lúc này...”

 


NHÀ VĂN THÁI SINH HỎI CHUYÊN NHÀ THƠ NGỌC BÁI

@@@


Đây là những dòng tâm sự nghẹn lòng của nhà văn Thái Sinh trên giường bệnh trong thời gian ông chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, ung thư mật giai đoạn cuối. Khi sức lực đã yếu, một lần ông để lộ sự ngã lòng viết trên trang cá nhân: “Chưa bao giờ ta lại thèm viết như lúc này. Đầu óc đầy ắp tư liệu, nhưng bàn tay không chịu sự điều khiển. Muốn khóc mà không khóc được. Ông trời còn hành ta dến bao giờ?”. Ngã lòng vậy, đương nhiên, khi một người thấy cái chết dần đến gần mình mỗi ngày, nhưng rồi Thái Sinh lại tự vực mình dậy, khi dẫn lời bạn bè báo chí văn chương đến thăm ông động viên: “.... Hoàng Anh bảo, Thái sinh là người không sợ trời không sợ đất thì chiến thắng bệnh tật là chuyện bình thường” ...

          Lần giở những ngày tháng Thái Sinh giành gật với cái chết mỗi ngày khi ông gắng gượng gõ máy tính trên giường bệnh, rút ruột gan viết những trang văn cuối đời mình, chân dung bạn bè văn nghệ sĩ từng một thời gian khó cùng ông,...

          Tôi nhớ, vào quãng giữa năm 2021, khi dịch Covid 19 còn mù trời, Tạp chí Nhà văn & cuộc sống (Hội Nhà văn Việt nam) phát động cuộc thi viết Chân dung cuộc sống, tôi gọi điện thông báo và đặt bài Thái Sinh, ông hào hứng nhận lời nhưng rồi  ỉu xìu ngay, bảo “Tôi đang có vấn đề về sức khỏe ông ạ.... Nhưng tôi sẽ gắng,... dự thi chỉ là một chuyện thôi, song viết được gì cũng là viết cho mình, cho anh em bạn bè nữa ...”.

Bẵng đi, rồi tôi nhận bài viết của Thái Sinh, kèm ảnh, về nhà thơ dân tộc Pa Dí, Pờ Sảo Mìn. Tôi đọc thấy thích, chuyển bộ phận biên tập chung nhưng lâu không thấy xếp số (có lẽ do bài về nhiều quá), tôi đành phải khiếu đến nhà thơ Trần Đăng Khoa, Tổng biên tập, nhắc nhở, bài mới vào số. Ít lâu sau, tình cờ mục sở thị nhà thơ Pờ Sảo Mìn về xuôi, ghé thăm tòa soạn, tôi gặp ông nhà thơ này, ngẫm chân dung Thái Sinh phác họa Pờ Sảo Mìn, thấy thú vị làm sao,...

          Tôi biết tên tuổi nhà văn Thái Sinh lâu rồi, thời Thái Sinh mới về đầu quân báo Nông nghiệp Việt Nam (NNVN), còn tôi khi ấy cũng là cộng tác thưòng xuyên của tờ báo này. Rồi chạm mặt, gặp loáng thoáng vài ba lần ở Trụ sở tòa soạn trên phố Ngô Quyền, Hà Nội mỗi dịp họp hành hay tổng kết cuối năm gì đấy. Thú thật, khi đó tôi chưa mấy đọc văn Thái Sinh, nên không bàn chuyện văn thơ, tuy nhiên, những bài phóng sự, ký sự về miền núi Tây Bắc của Thái Sinh gây ấn tượng tốt với tôi. Tôi nể Thái Sinh, trước hết bởi sự dấn thân, từng trải, hiểu biết vùng đất và con người Tây Bắc, còn bởi tính nghiêm trọng của vấn đề đặt ra, cùng hái độ, trách nhiệm cảu người cầm bút. Cùng là dân làm báo chuyên nghiệp với nhau, đọc dăm bài báo của nhau là “ngửi” ra ngay cái chất của người viết, để rồi nể trọng hay không. Thế đấy. Và tôi thực sự nể trọng Thái Sinh với tư cách người làm báo. Tôi có tìm hiểu thêm về Thái Sinh, qua người bạn học của tôi, nhà báo Trịnh Bá Ninh (Phó Tổng biên tập Báo NNVN), biết Thái Sinh từng làm việc ở Hội Văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), rồi báo Lào Cai trước khi về đầu quân giữ chân thường trú Báo NNVN khu vực Tây Bắc. Xa hơn nữa, khi còn trẻ, Thái Sinh là giáo viên lên vùng núi Than Uyên, Lai Châu dạy học, dù quê ở Phúc Thọ, Hà Tây,...

          Ngày ấy, Thái Sinh thuộc những người cầm bút trẻ, như tôi, vả lại người viết văn chưa đông như bây giờ, nên mỗi khi ngó thấy trên báo chí có cái tên mới là dọc kỹ, đặng thầm so sánh với mình, với người này kẻ nọ, hoặc học lỏm của nhau,... Năm 1993, tôi xuất bản tập truyện ngắn đầu tay “Đêm nguyệt thực” (NXB Hà Nội,1993) vào giải cuộc thi truyện ngắn về đề tài Hà Nội, thì Thái Sinh bắt đầu nổi lên khi giật giải Nhì cuộc thi truyện ngắn (dưới 1.000 từ) của Thế Giới Mới với truyện Thuyền Lá. Tôi nhớ không nhầm, kỳ yhi ấy Phan Thị Vàng Anh (ái nữ của nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Vũ Thị Thường) giành giải Nhất với truyện Hoa Muộn thì phải. Thú thật, cuộc thi ấy tôi lưỡng lự muốn dự thi, nhưng rốt cuộc lại thôi. Thế nên, tôi đọc kỹ mấy tác phẩm giải cao ấy lắm, bụng thầm nể trọng. Cái tên Thái Sinh in vào đầu tôi từ đấy,...

          Cuộc sông bận mải, tôi có thấy đâu đó truyện củaThái Sinh trần báo, nhưng cũng ít đọc, ngoài những phóng sự, ký sự đăng trên báo NNVN nơi ông là phóng viên thường trú, biết ông vẫn túc tắc viết văn (truyện ngắn, tiểu thuyết) và làm thơ. Mãi đầu năm 2018, trong một đám cưới ở Hà Nội, tình cờ, chúng tôi ngồi cùng mâm với nhau, tôi giữa Thái Sinh và nhà văn Văn Chinh. Vài lần cụng ly câu chuyện của chúng tôi thêm phần cởi mở. Sau cuộc gặp mặt mấy, tôi và Thái Sinh kết bạn “mạng xã hội” và kể từ đó, hai người đọc nhau khá đều, ghi comment, thích thì chat messinger, lâu lâu lại alo buôn chuyện này nọ. Thái Sinh có hai trang trên Facebook, một tên Thái Sinh và một tên Thao Dan Nguyen và chịu khó lên bài đều cả hai. Điều này cho thấy ông rất tích cực sử dụng mạng xã hội và hiểu rõ công dụng của chúng. Cùng về hưu, nhưng cả hai cùng làm thêm, Thái Sinh vẫn bám trụ vùng Tây Bắc cho Báo NNVN, còn tôi thì làm cho VTC (Đài truyền hình kỹ thuật số), rồi trang Web và Tạp chí Nhà văn & cuộc sống của Hội Nhà văn Việt Nam. Cùng với văn chương, chúng tôi có nhiều chuyện khác để nói. Quãng thời gian này, Thái Sinh túc tắc đăng tải “Chuyện làng Tào” trên trang cá nhân. Ở đó, các câu chuyện được kể bằng giọng văn châm biếm, hài hước và chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau, tạo nên bức tranh rất sinh động về một làng quê Bắc bộ, đâu như làng Ngọc Tảo quê ông chẳng hạn... Đọc ông nhiều, tôi dần nhận ra và thêm hiểu chất văn, chất người Thái Sinh,...

         


1. Khát vọng văn chương & sự dấn thân,

          Rời quê, Ngọc Tảo. Phúc Thọ, Hà Tây, một vùng đất trù phú đậm đặc trầm tích văn hóa đồng bằng Bắc bộ. chàng trai trẻ Nguyễn Đình Sinh (tên thật của Thái Sinh) lên Than Uyên, Lai Châu xa tít mù, làm nghề gõ đầu trẻ, hẳn khi ấy, chẳng bao giờ chàng trai trẻ này nghĩ mình trở thành nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp.

          Để nên một Thái Sinh, như chúng ta biết, con người và tác phẩm, tôi nghĩ, có hai yếu tố cơ bản, khát vọng văn chương và sự dấn thân. Thái Sinh đã đi theo con đường, cái cách mà các bậc đàn anh lớp trước đã đi, những thầy giáo miền xuôi lên vùng cao dạy học, như Vũ Đình Minh, Bùi Nguyên Khiết, Nguyễn Thái Vận,... Dạy học, đương nhiên là một nghề cao quý, xã hội xư nay vẫn tôn vinh. Nếu chỉ đơn thuần lập thân, lập nghiệp, vậy là ổn, song khát vọng văn chương (lập ngôn) lại thôi thúc tâm can. Chẳng đành lòng và thế là thầy giáo trẻ Nguyễn Đình Sinh cầm bút. Dấn thân thôi. Nuôi mộng văn chương, ấy là khao khát nội tâm, nhưng với Thái Sinh khi đó còn là chiếc cầu duy nhất nối người thầy giáo trẻ miền xuôi lên miền ngược này với đời sống xã hội bên ngoài,... Chỉ có viết văn, bằng  cách này, thầy giáo tiểu học Nguyễn Đình Sinh mon men dần sang nghiệp văn chương, báo chí. Quả nhiên, chang ta đạt được mục đích. Chẳng rõ, Thái Sinh có yêu nghề gõ đầu trẻ hay không, nhưng chắc chắn không ghét nó. Chẳng qua, công việc đó ít nhiều bó buộc chân cẳng, không thể đi xa, nên đành rời bỏ thôi. Người ta có thể quên những truyện ngắn thuở ban đầu của cây bút trẻ Thái Sinh như “Con sáo biết nói”, “Người ngồi trước tôi hai hàng ghế”, “Rừng có nhiều hoa cúc dại”... song khó có thể quên “Thuyền lá”, cái truyện ngắn dưới một ngàn từ đoạt giải cao một cuộc thi truyện ngắn đặc biệt, khiến độc giả biết đến tên Thái Sinh. Thông điệp của truyện ấy thì đã rõ, cái ước mơ mong manh hão huyền ấy thì trẻ con ai cũng từng có, nhưng chuyển hóa nó thành một hình tượng văn học thì chẳng dễ chút nào. Vậy mà Thái Sinh đã làm được chỉ bằng ngần ấy chữ... Tôi đã quên không hỏi ông, mà tốt nhất là không nên hỏi, rằng cái thời đương trai gõ đầu trẻ con ở nơi thâm sơn cùng cốc Than Uyên (Lai Châu) ấy, thầy giáo Nguyễn Đình Sinh có bày cho lũ học sinh nhãi ranh của mình chơi trò thả thuyền lá xuống suối cùng những kời ước hay không? Rất có thể lắm chứ. Để rồi sau này, Thái Sinh ký thác vào truyện ngắn Thuyền lá. Mà đâu chỉ trẻ con, cả người lớn đấy chứ. Viết truyện gửi đăng báo, gửi dự thi, Thái Sinh đã làm cái việc thả những chiếc thuyền lá mong manh, và một trong số ấy đã mang mơ ước của chủ nhân ra tận cửa sóng để hòa vào biển cả bao la,... Hình dung này của tôi về buổi ban đầu Thái Sinh đến với văn chương càng được củng cố thêm khi mà mới đây tôi đọc một status của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ở đấy, Thúy kể câu chuyện rất hay về thời mình bé con đi học trường bản ở vùng cao Vị Xuyên, Hà Giang, rằng những xúc cảm văn chương đầu đời mình có được là từ một cô giáo tên Nhuần gieo mầm,... Với Thái Sinh ngày ấy, tôi nghĩ, không chỉ gieo chữ, giao mơ ước, khát khao cuộc sống cho học trò mà cho cả chính bản thân mình ?!

          Dấn thân, là bước tiếp theo để Thái Sinh chuyển hẳn sang con đường báo chí, văn chương. Rời bỏ một cuộc sống tương đối ổn định, tĩnh tại nhưng lâu ngày dễ sinh nhàm chán, chuyển hẳn sang nghiệp viết lách, lênh phênh nay đây mai đó đầy bất trắc, ngày đó với Thái Sinh đã là một sự dấn thân rồi. Song thú vị là cái chắc. Với một người đầy sức vóc, ham đi, ham tìm tòi, ham viết lách như Thái Sinh, nhưng ngày làm ở Văn nghệ ở Hoàng Liên Sơn hẳn là những ngày tháng thoải mái nhất. Được tiếp xúc hàng ngày, cùng ăn cùng ở, cùng những chuyến đi dài ngày với các văn nghệ sĩ có tiếng mà mình quý trọng, ngưỡng mộ bấy nay thì thú vị lắm chứ. Nhưng rồi, đau chỉ yên vui, song gió cũng không ít, nhất là thời điểm chia tách tỉnh, tan đàn xẻ nghé, mỗi người một nơi,... Những chuyện ngày ấy, bao tâm sự buồn vui dồn nén, để sau này, Thái Sinh trút hết gan ruột vào ngòi bút khi ông khắc họa chân dung các văn nghệ sĩ cùng ông thời gian khó, Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh, Lâm Quý, Dương Soái, Ngọc Bái,... Chuyện người mà ra cả chuyện mình, thân phận mình.

          Song le, dấn thân cho văn nghệ chưa thấm đâu nỗi cực nhọc của nghề làm báo. Để có những phóng sự điều tra, phanh phui vụ tiêu cực này tiêu cực nọ thì gian khổ cực nhọc đã đành mà còn nguy hiểm đến tính mạng không chừng.... Tất cả những cái ấy, Thái Sinh từng trải qua hết khi chuyển sang làm báo (Báo Lào Cai, Báo Nông nghiệp Việt Nam).  Dõi theo mấy chục năm nghiệp báo của Thái Sinh, người ta có thể thấy được nạn phá rừng, nạn buôn bán lâm thổ sản, nạn khái thác và buôn bán trái phép khoáng sản qua biên giới đến mưc nào. Báo thôi chưa đủ, Thái Sinh đi bằng hai chân, đưa các vấn đề nóng ấy vào tiểu thuyết của mình. Có thể nói, mấy chục năm qua, Thái Sinh ngang dọc khắp các nẻo đường Tây bắc, không chỗ nào vắng dấu chân ông. Dấn thân gian nan là thế nhưng gặt hái được thành quả  xứng đáng cũng bõ công sức lắm chứ ?!...

         

2. Một Thái Sinh nặng nỗi niềm thơ

Người ta rõ ngay diện mạo một nhà báo, nhà văn Thái Sinh mạnh mẽ, xông xáo, sắc sảo, đầy bản lĩnh và trung thực, mà không biết hoặc quên đi một Thái Sinh cũng nặng nỗi niềm thơ,...

Quả là, tôi cũng không mấy biết về thơ Thái Sinh, nên không lạm bàn, suy diễn. Chỉ bạn bè văn chương nghe nói, hồi còn trẻ, khi mới chạm ngõ văn chương, Thái Sinh yêu thơ và từng là một người biên tập thơ có hạng ở Hội văn nghệ tỉnh. Vậy thôi là để thấy Thái Sinh khônghề  thơ ơ với thơ. Để ý, các cây bút văn chương xứ ta, hầu hết khởi đầu từ thơ, rồi sau họ mới lựa chọn và theo đuổi thế mạnh riêng của mình.... Tôi tin, Thái Sinh cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Thơ là ngôn ngữ của cõi lòng, là chiếc thuyền chở nỗi buồn con người ta mà, đôi khi còn là phép tu tâm dưỡng tính... Thế nên,  một thầy giáo trẻ miền xuôi lên mạn ngược, tuổi tráng niên thừa sức lực và đầy khao khát lại bị bó chân trong môi trường dạy học, như Thái Sinh, kiểu gì chàng ta cũng thả hồn vào thơ... Thơ Thái Sinh đây: “Nỗi buồn đổ xuống giếng khơi/ Giếng không lấp được em lôi lên bờ/ Trách cho người ấy hững hơ/ Buồn em, em bán, bây giờ ai mua?” (Buồn). Rất có thể, khi đã chọn văn xuôi (bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết) là chủ lực, lại công thêm công việc làm báo bận rộn hàng ngày, Thái Sinh tạm để thơ lắng lại nơi đáy lòng mình,...chờ cơ hội mà bột phát.

Cuộc đời nhiều đổi thay, thăng trầm, có thời gian Thái Sinh tưởng chừng mất việc, những lúc lòng trịu năng nỗi đau đời như vậy, hẳn chỉ có thơ là chỗ bấu víu để vực mình vậy. Tiếc là, tôi chưa được đọc thơ Thái Sinh những năm tháng ấy. Có điều này, chăc chắn Thái Sinh không hề thơ ơ với thơ. Ông quan tâm đến thơ bạn bè, mặt bằng thơ nói chung. Dăm năm trước, tôi viết về nhà thơ Vũ Đình Minh, trích nhiều thơ ông, Thái Sinh đọc bài, bị cuốn hút bởi những bài thơ, câu thơ của Vũ Đình Minh hồi nhà thơ này còn dạy học ở Cao Bằng. Thái Sinh ham bàn, bình luận thơ, rồi nhân đó góp chuyện kể thời mình dạy học ở Than Uyên. Có lẽ, thơ Vũ Đình Minh đã vô tình thức dậy trong lòng Thái Sinh ký ức quá vãng,khơi  gợi cảm xúc về một thời lam thầy giáo vùng cao của mình,...

Có một dạo, vài ba năm trước, tôi đăng tải liền mấy trường ca của tôi trên trang cá nhân. Thái Sinh đọc kỹ, tỏ ra thích thú, nhất là các trường ca viết về miền núi là Tây Bắc thương nhớĐất nước nơi đầu núi. Ông hết alo cho tôi, lại chát bảo, rất thú vị. Nếu có chăng, ông chỉ không đồng tình mỗi chi tiết, là tôi có ý chê người vùng cao uống quá nhiều rượu và mòn mỏi vì điều điều Ông bảo, không phải vậy, gần năm chục đi khắp mọi nẻo núi rừng Tây Bắc, từng nhiều năm ăn ở với người đồng rừng, ông nhận thức, người miền núi họ không uống rượu mà làm bạn với rượu, họ chỉ nương vào đó để tự vỗ về an ủi mà vượt qua cuộc sống dầy khó khăn bất trắc hàng nagy, vậy thôi. Ngẫm ra, thấy Thái Sinh có lý. Ông cũng rất thích trường ca Con sông tuổi thơ tôi, bởi chăng, Thái Sinh tìm thấy bóng dáng tuổi thơ của chính mình qua trường ca này của tôi? Chưa hẳn, được Thái Sinh khen thơ mà tôi thích ông, còn bởi tôi có thêm người hiểu, đồng cảm và chia sẻ cùng mình. Là người trực tính, ưa nói thật, một khi Thái Sinh đã khen là thực lòng, bởi chưng ông cần và không quen thói xã giao lấy lòng ai bao giờ ,...

Quãng năm 2021, khi phát bệnh và biết mình mang trọng bệnh,  bằng linh cảm, Thái Sinh ý thức được thời gian sống hữu hạn của mình, chữa bệnh đấy nhưng ông bắt đàu tăng tốc. Với ông, lúc này, viết được cái gì kịp cái ấy... Ở vào thời điểm ấy, Thái Sinh đã ý thức về nơi an nghỉ vĩnh viễn của mình. Đêm 06.9.2021, ông viết bài thơ Nếu: “Nếu ngày mai tôi từ giã cỗi trần/ hãy chôn tôi bên mẹ mình trên quê cha đất tổ/ Nơi cái núm rốn của tôi mẹ chôn dưới gốc khế, gốc đa/ Cuộc đời bể dâu gốc khế, gốc đa cũng không còn nữa/ Cái núm rố của tôi đã hóa đất lâu rồi/ Muốn tìm lại tôi cái thời trèo me trèo sấu/ Đã hóa thành mái tóc phôi pha/ Nay tôi đã già lại muốn về nằm bên mẹ/ Để nghe mẹ kể chuyện ngày xửa ngày xưa... Mẹ dặn chúng tôi- sống gửi thác về/ Sống nhân nghĩa đừng làm điều ác/ Tôi đã sống như điều mẹ dặn/ Nếu tôi mất muốn về với mẹ/ Tôi là con của mẹ, mẹ ơi”. Giờ thì ông được toại nguyện, về bên mẹ mình.

Khi sức lực đã yếu, Thái Sinh vẫn gắng gượng. Khi Tạp chí Nhà văn & cuộc sống in bài viết của Thái Sinh về nhà thơ Pừ Sảo Mìn, tôi chụp ảnh bài viết gửi cho Thái Sinh qua Messinger, hôm sau đọc trang cá nhân của ông, Thái Sinh viết: “Hôm qua đang năm thở vì quá mệt do benhj tật hoành hành, thì nhận được bài viết của mình đăng trên Tạp chí hà văn & cuộc sống viết về Pờ Sảo Mìn. Đã hứa với Chunhac Nguyen (Nguyễn Chu Nhạc) sẽ viết về những nhafg văn mình từng sống và làm việc cùng; Nguyễn Ngọc Bái, Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh, Dương Soái,... Đêm qua, đã hình thành bài viết về Lò Ngân Sủn với nhiều chi tiết rất đời c ủa nghệ sĩ nhưng ốm quá lại không mang máy tính, đành cất trong đầu. Về già thường hay nhớ về bạn bè, những người còn sống và những người đã mất”. Thật thương và nghẹn lòng làm sao. Lúc muốn được viết nhất thì Ông Giời lại chẳng cho. Nghẹn lòng hơn, lúc Thái Sinh bất lực, dùng phép thắng lợi tinh thần, ông đã cầu xin làm người quét đèn các Vua Hùng: “Con tên là Nguyễn ĐÌnh Sinh (Thái Sinh) .... xin các Vua Hùng cho làm người quét đền...

May mà, Thái Sinh còn kịp để lại đôi ba chân dung văn nghệ sĩ bạn bè một thời !...

Tôi tin, cùng với “Thuyền lá” và một số sáng tác khác, các chân dung văn nghệ sĩ anh em bạn bè mà Thái Sinh kịp phác họa trước khi ông rời cõi tạm, sẽ là những chiếc đinh ghim văn chương của ông lại với cuộc đời này !... 



NHÀ VĂN TRẺ NGUYỄN THÁI LY (con gì của Thái Sinh) nhận  giải thay cha mình, cuộc thi viết CHÂN DUNG CUỘC SỐNG của Tạp chí Nhà văn & cuộc sống, ngày 25/8/2023


Nhận xét