TẢN MẠN VỀ BA BỨC ẢNH (BỔ SUNG)


 ẢNH CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU


@@@

          Vào ngày mồng 1 tháng 6 ( thứ 6, 2023), tôi xem mạng xã hội, tình cờ thấy có 3 bức ảnh, xem rồi cứ khiến mình phải suy nghĩ mãi.
         Bức thứ nhất, minh họa cho bài viết trên trang của nhà văn Tô Hoàng, ấy là ảnh chụp hai nhà văn nổi tiếng của văn học Nga là Lev Tolstoi và nhà văn Makxim Gorky tại trang trai Iasnaia Poliana. Hình dáng của hai người thật đối lập, Lev Tolstoi thì thấp đậm với chòm râu dài như ông già tuyết, còn Makxim Gorky thì cao gày cứng như thanh củi. Hai con người vĩ đại này, còn đối lập ở thành phần xuất thân, L. Tolstoi quý tộc, bá tước, giàu có, nhà trang ấp rộng lớn, còn M.Gorky thì xuất thân nông dân, nghèo khó, phải lang thang đó đây, kiếm sống bằng đủ thứ nghề, tự học để viết văn. Duy có một điều, giống nhau ở hai con người khác nhau về mọi phương diện, ấy là tư tưởng tiến bộ, yêu nước Nga, yêu dân Nga và cùng mong muốn giải phóng ách nô lệ cho dân nghèo nước Nga. Tư tưởng thì chung đúc, nhưng cách thức thì khác nhau, trong khi L. Tolstoi theo chủ nghĩa dân túy đơn thuần, tự hoàn thiện mình trên tinh thần Cơ đốc giáo thì M.Gorky ngả hẳn về tư tưởng cách mạng bôn-sê-vich, lật đổ chế độ Sa-hoàng, thay thế bằng chế độ dân chủ. Cũng đúng thôi, thành phần nào thì cách nghĩ, cách giải quyết ấy. Thế nên, với ngài quý tộc L. Tolstoi, theo chủ nghĩa dân túy, muốn giải phóng nông nô, nhưng bản thân ông vấp phải tư tưởng bảo thủ và sự phản đối ngay trong chính gia đình mình, đó là người vợ của ông, vì bà này vẫn muốn duy trì chế độ nông nô...

Khác với ông, nhà văn M. Gorky (tác giả của Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi, Bài ca chim ưng, Người mẹ...) quyết liệt đi theo tư tưởng cách mạng bôn-sê-vich của lãnh tụ V.I Lenin, song ông cũng có những cấn cá và giữ quan điểm riêng về học thuyết mà họ cùng theo đuổi. Nghe nói, giữa ông và V.I Lenin tuy yêu quý và rất tôn trọng nhau, nhất trí với nhau về cơ bản, song cũng khác nhau về một số luận điểm học thuyết mà họ cùng theo đuổi, nên hễ mỗi khi họ có cơ hội bên nhau là dễ xảy ra tranh luận... Trước đó đúng 6 năm, vào một ngày hè đầu tháng 6 năm 2017 tôi đã từng đến thăm trang trại Isnaia Poliana của ngài L. Tolstoi, viếng ngôi mộ cỏ xanh giản dị của ông tại trang trại này  và ngồi trên chiếc ghế gỗ đơn sơ mà ngày xưa ông vẫn hay ngồi tựa của suy ngẫm, nên thêm phần kính trọng con người tài năng, có tâm hồn vĩ đại và tấm lòng nhân ái ấy,... Tôi cũng đã đi từng phòng căn nhà sơn xanh hai tầng, nơi  xưa kia L. Toltoi chấp bút tiểu thuyết nổi tiếng “Chiến tranh và hòa bình” của mình. Tôi vô cùng ấn tương phòng đọc sách của ông, để biết rằng từ hồi ấy, ông đã đọc sách “Đạo đức kinh” của Lão Tử và đánh giá rất cao tư tưởng của triết gia cổ đại Trung Quốc này. Thú vị nữa, LTolstoi đã viết sách A,B,C với ý đồ và mong muốn cải cách giáo dục cho nước Nga khi đó quá lạc hậu với châu Âu Mỹ. Những câu chuyện ngụ ngôn do ông chấp bút (như Rùa và thỏ, Lừa và ngựa, Sư tử và chuột, Con quạ và cái bình, Kiến và chim bồ câu, Thằng nói dối, Người làm vườn và những đứa con trai, Đôi bạn đường v.v...) vô cùng giản dị, gần gũi, hài hước, dí dỏm, thông minh và dễ hiểu về những con vật xung quanh đời sống con người hàng ngay trở thành các bài học đáng ghi nhớ và bổ ích cho chúng ta. Với L.Tolstyoi, thiết nghĩ, tư tưởng xã hội về giải phóng nông nô và các tác phẩm của ông như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh... đã khiến ông trở nên con người vĩ đại rồi.
         

Bức ảnh thứ 2, tôi lấy từ trang mạng Hà Nội, ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ-nhà thơ-họa sĩ Văn Cao. Không rõ bức ảnh được chụp ở nhà vị đại tướng hay nhà Văn Cao, sau lưng họ có một bức thư pháp Hán tự rất đẹp. Nhưng với chai rượu để trước mặt và bức thư pháp Hán tự mà theo đồ đoán của tôi có thể do Tào Mạt, hoặc Nguyễn Văn Bách thủ bút, thì cuộc gặp gỡ này tại nhà Văn Cao? Tìm hiểu thì được biết, bức này ấy được nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp tại nhà riêng của Văn Cao ở phố Yết Kiêu, Hà Nội trong một lần vị Đại tướng đến thăm ông. Đây là hai tài danh của Đất Việt ở thế kỷ 20. Khác nhau về vị trí công việc, về thân phận chính trị và sự ảnh hưởng xã hội..., song cả hai con người này kết quả cuối cùng đều đi đến thành công, tuy có gặp những trắc trở và mang nỗi đau đời riêng có.


          Bức ảnh thư 3, tôi lấy từ trang cá nhân của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chụp cảnh Đoàn nhà văn Việt Nam ngồi ở phòng chờ trên đất thổ Jordani để làm thủ tục nhập cảnh vào lãnh thổ Palestin. Trong ảnh là vị chủ tịch Hội nhà văn Paletin cũng các thành viên trong đoàn (nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Trần Hữu Việt, nhà văn Bích Ngân và nhà văn Nguyễn Bình Phương). Nhà thơ Nguyễn Quang Thiếu cầm máy nên ông không có mặt trong khuôn hình.
Họ đều là các cây bút có tiếng ở Việt Nam, đều đang làm báo, nên mỗi người có suy nghĩ riêng và thể hiện bằng tác phẩm của mình ngay trong và sau chuyến đi. Mọi người sẽ được đọc, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chớp nhoáng chia sẻ một số hình ảnh và phần nào hé lộ suy nghĩ của ông bằng các tút ngắn trên Facebook cá nhân (về hàng rào thép gai, về món cá trong bữa ăn, về dòng sông Jordan nơi Chúa rửa mặt, về cây ô liu đơn độc trên mảnh đất khô cằn...) và sau đó là những sáng tác thơ theo nhau ra đời. Song le, đây là vùng đất đặc biệt, và có lẽ đặc biệt từ thởi mở đầu Công lịch với sự xuất hiện của Đức Chúa Jesus. Hơn hai ngàn năm qua, vùng đất này hầu như chẳng mấy yên hàn bởi các cuộc chiến liên miên nguyên do từ mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc và nguồn nước,... Chẳng hiểu, các nhà văn, nhà thơ khác cùng đoàn nghĩ gì, chứ nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi biết, cùng với những gì mắt thấy tai nghe ở vùng đất đặc biệt này (vùng đất của Chúa và của những con người khát vọng tự do) , ông còn bận lòng bởi quá khứ, ấy là mấy cuộc chiến đổ máu và hy sinh mà mình từng tham gia, chiến trường Campuchia và cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo trên Biển Đông,... Bởi ngay trước đó, trong cả chuyến đi, trên đường ông cùng Đoàn Nhà văn Việt Nam sang thăm Palestin, Trần Đăng Khoa và tôi (Nguyễn Chu Nhạc) vẫn trao đổi, bàn luận quanh một bài viết của tôi- “Đảo Chìm của Trần Đăng Khoa, chuyện ngoài truyện", khiến ký ức của ông nổi sóng !?...

          P/S: May mắn cho đoàn nhà văn Việt Nam đến vùng đất chết đã trở về không sứt mẻ, bởi chỉ sau chuyến đi ấy không lâu, những ngày đầu tháng 10 này (2023), cuộc chiến giữa Israel và tổ chức Hamas (phong trào kháng chiến Hồi giao) đã nổ ra gây bao chết chóc cho hai bên cùng dân Palestin và chưa biết khi nào chấm dứt? Có một sự trùng lặp, cùng thời điểm này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cho đăng ký sự trên chguyeen đề Mùa thu của ấn phẩm Viết & Đọc, về chuyến đi của Đoàn Nhà văn Việt Nam thăm Palestin theo lời mời của Hội nhà văn nước này . Những gì tai nghe mắt thấy cùng linh cảm của những người cầm bút cho thấy một bầu không khí bức bối ngột ngạt của sự mất tự do, hé lộ mầm mống chiến tranh. Bài thơ Trước một bức tường than khóc của ông, đoạn kết đã nói lên tất cả: “Ngày ngày những tín đồ/ Đến trước Bức tường Than khóc/  Ở Jerusalem / Để cầu xin ân phước / Còn tôi đến trước bức tường/ Trong bảo tàng một nhà thơ / Để nghe tiếng than khóc / Của những linh hồn mất Tự Do”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã cảm nhận hơi thở của thần Chiến tranh, mở đầu bằng một bài thơ Qua sông Jordan về thân  phận của Đức Chúa và các con chiên của người: “ ... Tôi lặng ngắm dòng sông/ Từng in gương mặt Chúa/ Giờ như vũng trâu đằm/ Dây thép gai vây bủa/ Ở trên cây thánh giá/ Chúa còn bị hành hình/ Huống chi con của Chúa/ Những kiếp người mong manh...” .


Nhận xét