CHÀNG THI SĨ ĐƯỜNG PHỐ


 

@@@


CHÀNG THI SĨ ĐƯỜNG PHỐ

 

 

Chuyện về chàng thi sĩ đường phố. Chàng là thi sĩ tài hoa, người mà Hội nhà văn của chúng ta, chỉ chờ có mỗi một việc, đợi chàng xuất bản một tập thơ, để rồi kết nạp chàng vào Hội. Chả là, trước đây, tiêu chuẩn của Hội, có qui định, người xin vào Hội phải có ít nhất một tác phẩm được xuất bản. Vậy mà, chàng ta cứ rong chơi hoài, làm thơ, đọc chơi cả lúc tỉnh lẫn lúc say, lâu lâu nể bạn bè đưa in một bài, còn xuất bản ư, chàng cóc cần, và cũng chưa bao giờ trình bất cứ lá đơn nào, bày tỏ nguyện vọng được trở thành hội viên cái hội danh giá bậc nhất quốc gia. Trong khi, như mọi người biết đấy, số đơn từ-hồ sơ xin vào Hội ( nhất là phần Thơ ), cứ mỗi năm thêm chồng chất trong Tủ hồ sơ nhà Hội, mà nếu có đem rải ra, nối dài, thì cỡ như "dằng dặc dải Trường Sơn".
Chàng thi sĩ này, hạ bút : "Giật mình, đôi mắt trũng sâu/ Người trong gương ấy còn đau hơn mình ". Chao ơi, người đến như vậy, thì hẳn, nỗi đau trong lòng chàng,lớn đến mức nào ?
Ấy là những câu thơ chàng viết khi chàng là người cô đơn. Chàng cô đơn, chàng không gia đình, mặc dù, chàng có hẳn một căn gác, trong lòng khu phố cổ, của "Hà Nội ba mươi sáu phố phường". Tôi đã dăm ba lần đưa chàng về "cái tổ ấm" ấy- nơi không một bóng người , ngoài bóng chàng, khi chàng say khướt.
           Chàng từng nối tài danh thi phú khi còn là lính chiến, về gốc rễ, lại là quý tử của một nhà thơ có hạng thời tiền chiến. Vợ chàng, một cô gái gốc miền Trung, xinh xắn, đảm đang, vì muốn làm kinh tế nuôi gia đình, đã đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, hồi bao cấp; rồi lại vì cái tổ ấm ấy, trở về nước buôn bán, kiếm tiền nuôi chồng con, song " quá sức chịu đựng ", đành đâm đơn ra tòa, ly dị. Chàng ký ngay, không một chút lăn tăn, lại còn chân thành khuyên vợ : "Em thật khổ khi lấy anh. Thôi thì kiếm tấm chồng khác, nhớ là lấy thằng nào, chí ít, cũng tử tế hơn anh". Có lần say, chàng tâm sự : "Mình vẫn yêu vợ lắm… Nhiều đêm, nằm bên vợ, người cồn lên nỗi khát thèm…quờ tay qua bên ấy… Vợ đảy ra, bảo là mệt mỏi chỉ muốn ngủ thôi… Mình giận lắm… Nhưng rồi ngẫm, mình chẳng ra gì… Thế là đành, nằm thẳng, xuôi tay, nhắm mắt và … Thiền".
Còn con ư ? Một đứa con gái, nay thì đã trường thành, khi vợ chồng chàng bỏ nhau, cháu còn bé lắm. Cháu ở với mẹ, mẹ tái giá, cháu ở với bà ngoại. Đã có lần say, chàng khóc thành tiếng, tự xỉ vả mình, là thằng chẳng ra gì, không nuôi nổi con, thảy nó cho bà ngoại nuôi.
Chàng thi sĩ như thế, hẳn chàng yêu thơ lắm lắm ?! Yêu thơ đến nỗi, đánh mất cả gia đình, cả bản thân. Không hẳn vậy. Đâu chỉ có thơ, chàng là người tài hoa mà, chàng còn hay hội họa, và rất chi là giỏi nghề bắt mạch-kê đơn-bốc thuốc, và nữa-bốc phệ,  đại loại xem tướng, tử vi, tứ trụ, bói mai hoa ... Thơ với chàng, chỉ là thú chơi - phù sinh, phù du … không thể kiếm cơm, danh giá chưa thấy đâu, chỉ thấy rước phiền toái vào người, vào nhà … Chàng phảy tay, phán xanh rờn : "Thơ chơi ấy mà !".
Cái buổi tối chàng đến gõ cửa nhà chủ nhân, chỉ là một trong nhiều lần như vậy (cũng đâu chỉ có mình, các bạn bè, người quen khác đều đã chịu trận như thế - bởi, chàng tâm sự, khi say, chàng chẳng biết phải về đâu, kể cả nhà chàng, chợt nhớ nổi nhà ai quen gần đó, là chàng dò đến thôi ). Trước cái buổi tối, như Trọng Huân đã kể, còn có một lần, cũng vào giờ ấy, chủ nhân vừa bấm các loại khóa, chuẩn bị tắt đèn, đi ngủ…Thì thấy tiếng xe máy rồ lên, rồi tiếng phanh rít chói tai, tiếng xe máy ặc tắt đột ngột. Tức mình, rủa thầm trong đầu, đứa nào, đêm hôm khuya khoắt mà đi xe kiểu ấy. Liền đó, tiếng đập cửa ầm ầm nhà mình…Thôi chết rồi… Miễn cưỡng mở cửa, dù đã đoán là chàng thi sĩ đường phố, còn nhẩm tính phương sách đối phố. Vậy mà, cửa vừa bung ra, bị một bịch ni-lông đập thẳng vào mặt, và mùi vị của món lòng lợn ôi xộc thẳng lên tận óc. "Này thì…tao cho mày cái bọc này. Ăn được đó…chớ có vứt đi cho chó ăn mà phí. Mang rượu ra đây, tao với mày đối ẩm…Tao vừa chợt nhó một bài thơ của thi sĩ lãng mạn Pháp, thằng cha Pôn Véc-len ấy.". Chàng bảo: "Tao trông mày… cũng có tướng làm quan đấy, nhưng mà quan nhỏ thôi…cố gắng, may ra, lên được cái trưởng ban…Nhưng mà thôi, đấy là chuyện về sau…bây giờ, mày mang rượu ra, tao đọc mày nghe bài thơ Tây cái đã "… Và rồi, được thưởng thức cấp kỳ, ngay tại chỗ, thơ tình của Pôn Vẻ-len, bằng mớ tiếng Pháp bồi, hổ lốn, hỗn độn cùng mùi rượu, nhào quyện với món TI-CA-LO-LO, tức tiết canh lòng lợn ấy…
          Giờ thì chàng xuất bản một tập thơ, rồi hai tập, cũng đã là hội viên, song quan trọng hơn, là có một gia đình yên ấm. Vợ trẻ, hai cậu con trai kháu khỉnh. Chàng đi làm công sở- và làm thêm một số " nghề phụ" nữa, như : bốc phệ - bắt mạch kê đơn - riêng bốc khoản thuốc thì vợ đảm nhiệm - viết báo vặt
- và làm THƠ, và thêm nữa, tập tong chơi đồ cổ,...


Nhận xét