@@@
NGÀY ẤY, CÓ
NHỮNG ĐỨA TRẺ...
Gần đây, tôi đi ăn đám giỗ người bác ruột, bác trai là
con cả rồi kế đến là mẹ tôi. Bà ngoại tôi có tới chín người con, xưa cũng thuộc
diện khá giả, nhưng nhà đông con, nên cơ bản vẫn phải tần tảo mới khỏi lo thiếu
đói. Cả nhà bên ngoại, bác trai cả sớm được cho ăn học, nhưng lại lười học, hay
trốn học rong chơi nên cũng chẳng có bằng cấp và nghề ngỗng gì. Mẹ tôi lớn một
chút đã phải phụ giúp quán cơm cho người bà trẻ ở phố Mã Mây, Hà Nội để thêm
thắt giúp gia đình. Nhà ngoại tôi đông anh chị em, sau mỗi người mỗi hoàn cảnh,
nhưng được cái đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ nhau lắm. Đám giỗ bác Cả, các
nhà đều có đại diện tham dự. Sau bác Cả, thì mẹ tôi và mấy dì liền kề cũng đã
mất rồi. Buổi giỗ, ăn gọi là, chủ yếu chuyện trò nhắc những chuyện ngày xưa.
Thế hệ anh chị em con chú con bác, đôi con dì, con cô con cậu trong chín người
bên ngoại ngang hàng tôi cũng mấy chục. Đến nay, những ai đi làm nhà nươc cũng
nghỉ hưu cả rồi. Năm đôi ba lần giỗ tết, ngồi với nhau, kể chuyện ngày xưa là
phải thôi,
Những năm chiến tranh chống Mỹ
Ngụy, có hai địa điểm tập trung trẻ con trong đại gia đình bên ngoại tôi, đông
nhất, là ngôi nhà ngói đại khoa trong mảnh vườn rộng năm sào Bắc Bộ ở Chợ Đường
Cái (Hưng Yên), và căn nhà bác Cả tôi sống, ngay mặt phố gần ngã tư Khâm Thiên
(Hà Nội). Khi máy bay Mỹ còn ném bom ra miền Bắc, nhất là những đợt cao điểm,
thì đám trẻ con con bác Cả và mấy đứa con cậu tôi ở Hà Nội, sơ tán về nhà bà
ngoại tôi hết. Sau 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 máy bay Mỹ oanh tạc Hà Nội dữ
dội, thủ đô yên hàn, Hội nghị Pa-ri được ký kết, thì mỗi kỷ nghỉ hè, đám trẻ
con ở quê lại thay nhau ra Hà Nội chơi, và nơi tá túc là căn nhà của bác Cả ở
gần ngã tư Khâm Thiên. Sỏ dĩ đám trẻ con quê thích được ra nhà bác Cả, bởi ở
đây, thế nào đám trẻ cũng được bác Cả cho đi xem xiếc...
Với riêng tôi, có chút khác.
Nhà tôi, trước nằm trong ngõ Trúc Lạc, thuộc phố Phó Đức Chính, tôi sống ở đấy
từ lúc sinh ra đến năm 7 tuổi thì về quê. Thế nên, ký ức về phố phường luôn
chập chờn trong tôi. Sau này, lớn lên, đi học, cứ mỗi kỳ nghỉ hè, tôi đều đòi
bố mẹ đưa tôi ra nhà bác Cả, như để sống lại những năm bé tí mình còn ở phố. Ra
chơi nhà bác Cả, thường là nửa tháng. Mỗi lần như vậy, tôi thích lắm, bởi không
chỉ đám trẻ con bác, mà ở trong khu vực nhà bác Cả, mặt phố, sân sau, ngõ
trong, cả thẩy có hơn chục gia đình, nên rất đông trẻ con. Các nhà ở đây gắn bó
với nhau, bởi chiến tranh thiếu thốn và chết chóc, bởi cả khu dùng chung một
vòi nước, một nhà tắm, một nhà vệ sinh công cộng. Va chạm nhau cũng nhiều,
nhưng rồi mọi chuyện đều xí xóa hết. Ngày ấy, chỉ vật chất là thiếu thốn, chứ
tình người thì thừa thãi. Chi chục nhà, nhung hơn ba chục đứa trẻ, tha hồ mà
vui đùa. Tuy không gian chật hẹp của cái sân chung, lại bị chiếm dụng để các nhà
đặt bếp than, rồi phi đựng nước sạch, rồi khoảng không trên cao là chằng chịt
dây thép phơi quần áo, thì đám trẻ con vẫn biết thu xếp chỗ để chơi, các trò
chơi dân gian ngày ấy như dánh chuyền, nhảy dây, chơi bi, chơi ô ăn quan...
Niềm vui lớn nhất, ấy là được
xem xiếc, mà là xiếc trung ương hẳn hoi. Ngày ấy, cái rạp xiếc trung ương đã
tọa lạc ở một góc công viên Thống Nhất, đúng vị trí bây giờ. Như vậy, có thể
suy ra, nó tồn tại ở đấy đã hơn nửa thế kỷ nay. Nhà bác Cả tôi làm nghề giặt là
quần áo, nhà lại gần rạp Xiếc, chỉ ngang qua bến xe khách Kim Liên là đến. Rạp
Xiếc Trưng ương, toàn bộ quần áo biểu diễn của các diễn viên và nhạc công đều
mang thuê nhà bác Cả tôi giặt là. Vì là chỗ quen biết, thân tình, nên tất cả
trẻ con của bác Cả tôi, cùng hết thảy đám trẻ con ngõ đó đều được vào xem xiếc
miễn phí, tức là không phải bỏ tiền để mua vé. Không những thế, hầu như tất cả
lũ trẻ con cháu trong gia đình bên ngoại tôi, trong đó có tôi, mỗi mùa hè ra
chơi nhà bác Cả, đều được các anh chị con bác Cả đưa vào rạp, xem xiếc miễn
phí. Năm nào cũng thế, đến nỗi tôi gần như thuộc lòng các tiết mục xiếc, lâu
lâu rạp có một vài tiết mục mới, tôi cũng biết. Tôi còn thuộc cả điệu nhạc mở
màn và điệu nhạc kết thúc mỗi buổi diễn, mà mọi người gọi đùa bản nhạc đó là
“nhạc tính số tiền”. Ra chơi, tôi nhanh chóng hòa nhập với đám trẻ lớn nhỏ ở
đó, bởi dẫu sao tôi cũng đã sinh ra và có một số năm sống ở Hà Nội, nên dễ
thich nghi. Thỉnh thoảng, có đứa đùa trêu tôi là “thằng nhà quê”, thì mấy anh
chị con bác Cả lớn tiếng đứng ra bênh vực tôi ngay.
Có một điều, mấy chục đứa trẻ
ở đấy đều phải nể phục tôi, ấy là tôi có tài kể chuyện. Những chuyện từ Tam
Quốc, Tây Du ký, Thủy Hử được tôi mang ra kể cho chúng nghe. Nhiều đứa trong số
chúng nó, đã được xem phim “Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung” và “Tôn Ngộ Không
ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” rồi, biết chút ít về Tây Du ký nên háo hức lắm. Buổi
tối mùa hè, thời tiết nóng bức, vài chục đứa trẻ bắc thang leo lên sân thượng
tầng hai, trải chiếu ngủ đêm ở trên đó cho mát. Gió trời mát rượi, lồng lộng
trăng sao, tôi bắt đầu kể chuyện cho cả đám nghe. Ngày ấy, tôi hầu như thuộc
hết cả Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du ký và một chuyện kiếm hiệp có tên là “Lục Kiềm
đồng” dài cỡ nghìn trang. Tôi cũng không hiểu vì sao, ngày ấy, trí nhở của tôi
lại tuyệt vời đến vậy. Khi kể, không những tình tiết câu chuyện, tôi còn thuộc
cả những đoạn hội thoại trong truyện. Thường mỗi tối như vậy, tôi chỉ kẻ một,
hai chương hồi gì đó. Cứ câu dầm thế. Có tối tôi mệt, hoăc giả làm cao không
kể, khiến cả bọn phải nằn nì, thì tôi mới kể. Vì thế, chúng coi trọng tôi lắm.
Đám con cái nhà bác Cả cùng lấy làm hãnh diện vì có một thằng em ở quê ra, mà
lại làu làu sử sách, truyện cổ như vậy. Có đến vài ba mùa hè như vậy, mỗi khi
tôi nghỉ hè ra chơi nhà bác Cả, đám trẻ hân hoan, và tôi bỗng trở thành trung
tâm của bầy trẻ ở ngõ phố ấy... Trong đám trẻ ngày ấy, tôi có chú ý đến dăm
đứa, trai thì hoặc nghịch ngợm hoặc có tài lẻ chi đó, còn gái, lẽ dĩ nhiên là
đứa xinh xắn dễ thương...
Trở lại câu chuyện trong đám
giỗ bác Cả tôi. Nhớ chuyện ngày xưa, tôi hỏi thăm mấy đứa trẻ ngày ấy mà tôi
còn nhớ mặt thuộc tên... Hỏi cậu Hòa thì bảo là đã chết. Anh chàng này dính vào
buôn bán ma túy, ra tù vào tội vài lần, rồi dính tiếp vào các cuộc thanh toán
lẫn nhau. Ngày ấy, Hòa là đứa lớn nhất, khỏe mạnh và táo tợn, có lần, tôi làm
cao không kể chuyện, Hòa nài tôi không được bèn dọa “Mày không kể, tao bê mày lên rồi lẳng mày từ trên nóc nhà xuống đất”,
khiến tôi sợ mà phải kể... Hỏi tiếp đến Bình Gái, lại nghe bảo, cũng bệnh tật
mà chết vài năm nay rồi. Cậu Bình này ngày ấy tuổi ngang bọn tôi, nhưng phổng
phao như người lớn, da trắng môi đỏ bảnh trai thư sinh và đặc biệt điệu bộ và
cách nói năng như con gái. Vậy nên, cậu ta mới có biệt danh là Bình Gái. Lũ trẻ chúng tôi hồi đó chưa
hiểu gì về tính lưỡng giới, chỉ nhìn điệu bộ bên ngoài mà gọi thế thôi. Bình
Gái ít hòa nhập, cậu ta có tài xiếc ảo thuật, nghe nói sau này có đi biểu diễn
ảo thuật một thời gian, và cũng có vợ con hẳn hoi... Bình Gái có một đứa em
gái, tên Hảo thì phải, khá phổng phao xinh xắn. Mỗi khi kể chuyện, tôi hay nhìn
vào gương mặt hồn nhiên của cô bé này. Cô bé sớm dậy thì, bố mẹ mất cả, lớn lên
chút, loanh quanh thế nào dính chuyện có thai với cậu Hòa ngổ ngáo, buộc thành
đôi, nên duyên vợ chồng. Khi Hòa dính chuyện ma túy thì vợ Hòa thành người phân
phối lẻ. Chồng tù thì vợ được cho tại ngoại để nuôi con. Giờ chồng chết, cuộc
sống của gia đình họ bươn chải, vất vả lắm... Hỏi tiếp đến cậu Thành, thì nói,
nhà ấy đã chuyển đi nơi khác, vì góc phố nơi có nhà của Thành. đã được sang
nhượng cùng mấy chủ hộ khác, để người ta lấy đất xây bệnh viện tư nhân. Thảo
nào, lâu nay mỗi khi ngang qua góc phố ấy, tôi thấy một bệnh viện tư mọc lên.
Cái cậu Thành này xưa là cậu bé tốt tính. Nhà Thành có một chiếc xe ngựa kéo,
bố cậu ta chuyên nghề chở thuê bằng xe ngựa. Ngày ấy, ở phố, nuôi một con ngựa
thồ là chuyện không dễ chút nào với những phiền toái như chuồng nhốt, phân
thải, cỏ rả làm thức ăn cho ngựa. Mỗi khi tôi kể chuyện kiếm hiệp, cậu chàng
nghe chăm chú đến há hốc mồm, khuôn mặt thì mừng vui lo âu, biểu cảm theo tình
tiết câu chuyện. Cậu ta hay rúi cho tôi khi thì thanh kẹo lạc, lúc mấy cái kẹo
vừng, quà bớt lại mỗi khi cậu chàng theo bố áp tải xe ngựa...
Những đứa trẻ ngõ phố nhà bác
Cả tôi ngày ấy, mỗi tính mỗi nết, sau mỗi cuộc đời số phận. Vài đứa đã thành sương
khói hư vô cả rồi. Đoạn mặt tiền phố ít thay đổi, nhưng cả hai góc phố mỗi đầu,
đều đã được người ta trương mua để xây dựng công trình to hơn cho mục đích kinh
doanh. Thế gian biến cải vũng lên đồi kia mà. Chín anh chị em con của bà ngoại
tôi, đã non nửa đi vào cõi xa xăm, mấy cậu dì út cũng đã gần tám mươi tuổi. Kể
từ ngày ấy, đã già nửa thế kỷ trôi qua còn gỉ. Mấy anh chị em con bác Cả và cái
thằng tôi bé con hay chuyện ngày ấy, giờ đầu đã bạc cả rồi, và mỗi khi có dịp
gặp nhau, quây quần, nâng ly rượu, lại bồi hổi nhắc chuyện ngày xưa !...
Nhận xét
Đăng nhận xét